Đông Lan

AN VI và Tranh Thập Mục Ngưu Đồ

     Với Thiền, tu thì Tiệm, mà chứng thì Đốn. Nghĩa là, sự tu tập thiền vẫn cần đặt ra trong chiều thời gian mà đi đến từ từ, nhưng chứng là một biến cố ngoài thời gian. Thập Mục Ngưu Đồ ( mười bức tranh chăn trâu) của Thiền Tông cũng ghi lại bước tiến từng thứ bậc ấy.
Bước tiến ấy theo ba đoạn đường: Hữu Vi- Sai Tâm bắt Tâm; Vô Vi- Tâm Vô Tâm; An Vi- Bình Thường Tâm.

Mời bạn, tạm dừng bước, ghé bến thời gian, tịnh tâm chiêm ngắm 10 bức tranh của hành trình Tâm Thức An Vi…

1- Hữu Vi : Sai Tâm bắt Tâm (tranh 1,2,3,4,5, và 6)

     Chú mục đồng đi tìm trâu, đâu cũng là hoang vu, là rừng rậm, muôn nẻo khó tìm. Tìm ở đâu? Mơ hồ cảm thấy bóng dáng trâu, phải đi tìm (Tranh 1: Tìm Trâu); rồi chú mục đồng trong mong ước tìm được trâu, sẽ thấy được dấu vết của chân trâu, trâu có trốn đâu, “Tìm sẽ gặp” (Tranh 2: Thấy dấu). Trâu vẫn đứng đó một mình, tự thưở nào, đôi sừng lẫm liệt, mũi dựng mây xanh, thế là chú mục đồng đã lần theo dấu chân trâu mà thấy được trâu ( tranh 3: Thấy trâu) rồi nắm chắc sợi dây nối để giữ trâu sau khi đã được, không dám xa lìa, sợ mất trâu, (tranh 4: Được trâu); Trâu cũng thuần hoá dễ dàng, chú mục đồng giờ yên chí hơn với con trâu ngoan ngoãn, tay dắt trâu lòng nhẹ bước (tranh 5: Dắt trâu) . Chú mục đồng giờ đây vui mừng, ca hát líu lo, miệng thổi sáo, cỡi trâu về nhà (tranh 6: Cỡi trâu về nhà).

     Cỡi trâu về nhà là cỡi Tâm về chốn ban sơ.

     Một lúc nào đó, do những cơ duyên nào đó của đời, lòng ta bỗng dấy lên những thao thức băn khoăn. Hình như niềm vui trần thế không còn làm ta vui trọn vẹn, hình như cảnh đời có phần giả tạm, phồn hoa. Ta muốn tìm một Lẽ gì Thật hơn, ta muốn tìm niềm Bình An không thể bị hư hao vì đời trần thế… Dấu chân trâu là những dấu tích của Chân Lý mà ta ngưỡng vọng cầu tìm. Tìm sẽ gặp. Những dấu đó trong kinh, trong sách, trong những phút vắng lặng, tâm hồn trống trải, trí óc nhẹ nhàng… Ta phăng dấu ấn đi tìm trâu, rồi trâu hiện ra, toàn thể, gần gũi, dễ chịu, ta sợ mất, ta dắt, ta canh, ta cột cho thật chặt, rồi ta vui quá, leo lên lưng trâu, ca hát mà cưỡi trâu về… Trâu đâu còn khó tìm, trâu đâu có xa lạ, trâu và ta đã là Một trong buổi sớm mai An Vui ấy.

     Cũng như trâu, Tâm đâu ở nơi xa. Một lúc dừng chân, ghé thời gian, tìm dấu chân trâu Tính thể mới ngỡ ngàng nhận ra Ta với Tâm rất gần, rất thân, chỉ tại chưa lắng đọng nỗi đời hư huyễn, biên độ vọng động còn cao. Một phút tĩnh tâm, giao động giảm dần và tan loãng dần để Tâm Bình dàn trải: An Vui là như thế đấy, Hòa với Tâm, đi về Nhà, có Mẹ có Ta.

     2- Vô Vi : Tâm Vô Tâm (tranh 7, 8)

     Đạo không mâu thuẫn. Đâu lý nào Ta với Tâm khác biệt đến nỗi phải đi tìm, đến nỗi phải vui mừng kềm giữ trâu chỉ sợ mất trâu.

     Tâm ở đâu mà cầu An Tâm? Đại Ngã còn phải cầu tìm để hòa nhập hay trở về cũng vẫn là cái gì cách biệt. Sự phân biệt này cũng do lý trí mà ra, nếu không dùng trí biện biệt, thì làm gì có Tâm, làm gì có tiểu và đại, làm gì có sự đi với đến hoặc trở về. Ôi thôi! Thế là tâm mà ta cứ mong mỏi cầu tìm, tâm mà ta tưởng là tâm của ta, cũng chỉ là vọng tâm của vọng tưởng, là huyễn của hư … Ta thấy bản thể Hư Tâm, là ta đã mất tâm rồi (tranh 7: Quên trâu còn người). Trong trống vắng tột cùng cõi tĩnh lặng như nhiên không một tạp niệm, ta thấy ta tinh tuyền, trong suốt, trống không, đâu còn gì ngoài Lẽ Thật nhiệm mầu của Huyền Đồng Chân Không Tuyệt Đối: ta mất ta rồi trong Tính Thể Bao Dung (trang 8: Người trâu đều quên).

     Tầm ngưu tu phóng tích
     Học Đạo quí Vô Tâm
     Tích tại, ngưu hoàn tại
     Vô Tâm đạo dị tầm.
 = Tìm trâu cần phăng dấu
     Học Đạo cốt Vô Tâm
     Dấu đâu thì trâu đó
     Vô Tâm đạo dễ tầm.

     3-An Vi : Bình Thường Tâm (tranh 9, 10)

     Chứng được Tâm Vô Tâm, sau ba bước Chỉ, Định, Tĩnh nếu nói theo An Vi (Xem Lý Tưởng Đại Học Việt Nho ), hoặc theo Thiền là ba cảnh giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới, đây là bước quyết định cực kỳ quan hệ: ta đi đâu giữa cuộc hư vô này? Đâu là nguồn cội? Thế còn nẻo trần gian, có tội tình gì? Đạo Lý vẫn thâm sâu quyến hút huyền diệu gọi mời. Đời sống cũng lắm vẻ yêu thương bao tình riêng chung đậm nhạt. Lòng ta vẫn còn thổn thức một chữ Tình. Tâm ta vẫn còn vang vọng tiếng hát siêu linh. Bỏ một trong hai mà đi, mâu thuẫn vẫn còn đó, nghịch lý mãi còn đây. Mà hình như, chúng là tự thân, không sao hủy diệt. Mất trâu, mất cả mình, chú mục đồng cảm thức cái hạt bụi chân không nặng như ba ngàn thế giới:

Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Nhìn xem bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay Không Có Có Không là gì ?

(Huyền Quang Tôn giả)

     Và, thế là chú mục đồng hoát nhiên đại ngộ, chứng quả An Nhiên, Tự Tại, niềm Bình An thâm sâu.

     Chú mục đồng trở về với trời đất, có trời trong ta mà cũng có đất trong ta. Thế gian này trong muôn vật phân chia vọng động mà ta vẫn Bình An Thanh Tịnh, nếu không có cảnh Sắc này làm sao ta liễu ngộ cảnh Không? Ô kìa, núi vẫn là núi, mà mây cũng vẫn là mây, Tâm Hư Không mà đâu đâu không là cảnh hư không, nhìn hư huyễn trong sắc giới, thấy (kiến) Chân Như giữa đời thường, Tâm Bình An chính trong vọng động. Ôi, con đường đi của Thiền giả, bước Nghĩa Hành Trí Thức An Vi“Vào rừng mà không khua lá, vào nước không quậy sóng”… Tu mà không biết mình tu, làm mà không thấy mình làm, trở về với trời đất để thấy Tâm ta là Tâm vũ trụ mà Tâm vũ trụ cũng là Tâm ta (tranh 9: Trở về nguồn cội). Và nữa, trở về với cuộc đời, với thế tục, trở về với cái Tâm Bình Thường, đất bụi đời không lem lấm được Tâm ta, thần linh hiển thánh trong từng nhất ý, nhất động của Ngôi Lời Nhập Thể và Nhập Thế (tranh 10: Thõng tay vào chợ), đâu đây lời Thánh Ca vang lên ngút ngàn

Tranh số 1:     Tìm Trâu

 Tranh số 2:     Thấy Dấu

 Tranh số 3:     Thấy Trâu

 Tranh số 4:     Được Trâu

 Tranh số 5: Chăn Trâu

Tranh số 6:     Cưỡi Trâu về nhà

Tranh số 7: Quên Trâu còn người

Tranh số 8:     Người Trâu đều quên

Tranh số 9:     Trở về nguồn cội

Tranh số 10:     Thõng tay vào chợ

Đông Lan

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm