Bảy Viễn thủ lĩnh Bình Xuyên (77)

 
Khuyết danh


Ðồ dốt mà họp cả ngày

Những cuộc thì thầm to nhỏ giữa Bảy Viễn với chính khách Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân, Trịnh Khánh Vàng càng làm hai anh em họ Lai điên tiết. Từ khi chạy ra Rừng Sác, Bảy Viễn không hỏi ý kiến chúng nữa mà cứ thì thầm bàn tính với đám chính khách xôi thịt. Kể cũng đúng thôi: hai anh em chúng là người của Pháp, mà bây giờ thì Pháp đã “sọc dưa”, không giúp gì cho Bình Xuyên, Bảy viễn phải cầu cứu nơi khác. Khi biết Bảy Viễn cầu cứu Việt Minh, hai tên tay sai Phòng Nhì điên tiết lên. Không dám cự Bảy Viễn, Nam Tài chĩa mũi nhọn Bảy Môn:

– Các anh tính sao mà đưa tiểu đoàn 3 lên rừng? Các anh tính liên minh với Việt Minh à? Các anh quên chúng ta suýt chết vì Việt Minh Cộng sản mấy năm trước sao?

Bảy Môn quật lại:

– Anh lấy tư cách gì can thiệp vào việc chỉ huy của tôi? Chẳng lẽ tiểu đoàn 3 đành khoanh tay chịu chết trong vòng vây như các anh? Tôi phải mở đường máu về Phú Mỹ để sau đó đưa hết lực lượng Bình Xuyên thoát vây, dù cho anh có chống đối. Tôi đã được sự đồng tình của anh Bảy.

Năm Tài chạy tìm Bảy Viễn hỏi.

Bảy Viễn xác nhận:

– Tôi cho phép Bảy Môn đưa tiểu đoàn 3 xé rừng lên Phú Mỹ. Phái tìm cách phá vây. Pháp không giúp gì được ta thì ta phải tự cứu lấy ta.

Năm Tài lo sợ:

– Nhưng ông Bảy quên Việt Minh đã cố tình hãm hại chúng ta trước đây sao?

Bảy Viễn cười:

– Làm sao ta quên được. Nhưng mỗi thời một khác. Giờ đây thằng Diệm đang quơ dao kề cổ chúng ta, mà Việt Minh cho người tới đưa chúng ta ra khỏi vòng vây, ngu sao không chộp lấy! Còn chuyện đối xử với nhau sau này như thế nào thì hồi sau phân giải.

Lý của Bảy Viễn vững lắm, nhưng hai tên Phòng Nhì lo sợ vì chúng dư biết bản án tử hình dành cho bọn Việt gian bán mình cho thực dân Pháp của chúng hãy còn trong hồ sơ các đội công an xung phong từng diệt tên Cò Bazin.

Trong khi Bảy Môn đưa tiểu đoàn 3 cắt đường rừng lên Phú Mỹ thì Trung tá Chiêu, chỉ huy khu vực Biên Hòa chận đánh dữ dội, nhưng tiểu đoàn 3 tướng quen chiến địa Bàu Bông, Vũng Gấm, xã Phước An, Long Thành nên chống cự mãnh liệt. Ðánh không thắng, địch quay sang dụ hàng. Trung tá Chiêu cho người tiếp cận Bảy Môn đưa thư của Ðại tá Dương Văn Minh – vừa được phong Thiếu tướng thưởng công đẩy lùi Bình Xuyên ra Rừng Sác – đề nghị Bảy Môn về với Thủ tướng Ngô Ðình Diệm, tài sản được hoàn trả và được vinh thăng Thiếu tướng như Trịnh Minh Thế.

Dương Văn Minh đã sai lầm lớn khi nhắc tới Thiếu tướng Trịnh Minh Thế vì ai cũng biết Thế bán mình cho Mỹ với giá hai triệu đô, nhưng chưa xài được đồng bạc nào thì chết bất đắc kỳ tử. Xe trước gãy, xe sau phải tránh.

Bảy Môn trả lời sứ giả:

– Tôi chỉ là một con cờ, tướng ra lệnh đánh là đánh. Các ông đừng lui tới đề nghị chi cho mất công.

Không mua được Bảy Môn, tướng Minh tập trung quân lực đánh tới tấp khiến Tiểu đoàn 3 phải rút xuống bưng.

Diệm phạm một sai lầm lớn là nôn nóng dẹp giáo phái. Chưa diệt xong Bình Xuyên, Diệm đã bắt tay diệt Cao Ðài và Hòa Hảo. Ngày 25. 5. 1955, chiến dịch Thoại Ngọc Hầu hướng về miền Tây dẹp giáo phái Hòa Hảo. Thiếu tướng Dương Văn Minh được Diệm tín nhiệm giao chức tư lệnh. Lần này lực lượng tham chiến lên tới 50 tiểu đoàn.

Chiến dịch kéo dài hai tháng nhưng không đem lại kết quả mong muốn. Ðánh Hòa Hảo khó hơn đánh Bình Xuyên. Trước nhất quân đội Hòa Hảo của Năm Lửa (Trần Văn Soái) và Ba Cụt (Lê Quang Vinh) đông gấp mười quân số Bình Xuyên.

Thứ hai, chiến trường miền Tây rộng mênh mông, không như Rừng Sác. Thứ ba, đồng bào Hòa Hảo nuôi nấng, bao che quân đội Hòa Hảo. Do đó quân Mỹ – Diệm sa lầy ở miền Tây.

Một sự kiện bất ngờ: Thái Hoàng Minh bỗng dưng bỏ Sài Gòn chạy vô Rừng Sác xin Bảy Viễn tha tội. Bảy viễn thương tình cháu vợ nên bỏ qua, nhưng binh sĩ Bình Xuyên không tha kẻ đã theo địch đâm sau lưng mình. Chính vì Thái Hoàng Minh bợ bạc của Mỹ mà không phá cầu Nhị Thiên Ðường để quân Nùng đánh qua Chánh Hưng, gây

khó khăn cho quân trấn thủ hành dinh ở dạ cầu Chữ Y. Quan tha nhưng ma bắt. Thái Hoàng Minh bị ám sát, thây thả trôi sông. Vảy là rồi đời một tên phản bội.

Dù Mỹ – Diệm lo ăn thua đủ với Hòa Hảo ở miền Tây, tình hình có hơi dễ thở nơi Rừng Sác, nhưng ai cũng biết số phận của mình. Như cá trong đăng, muốn bắt lúc nào cũng được.

Bảy Viễn càng bỏ nhiều thì giờ tham khảo các cố vấn Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân, Trịnh Khánh Vàng.

Năm Tài còn lạ gì các tay cơ hội, nắng phía nào, che phía ấy. Sợ các cha này xúi Bảy Viễn chạy theo Việt Minh, Năm Tài bực lắm cứ chửi thầm:

– Ðồ dốt mà cứ họp cả ngày.

Ðám thân tín không ưa hai anh em họ Lại nên mật báo “ông Năm nói xấu ông Bảy”.

Ðang buồn bực lại nghe tay tâm phúc nói xấu, Bảy Viễn nổi giận, sai quân tóm cổ Năm Tài.

Năm Tài mặt cắt không còn hột máu, quỳ xuống lạy Bảy Viễn như tế sao.

Tư Sang thấy em chết như chơi, lật đật quỳ xuống xin cho em.

Bảy Viễn thấy hai anh em họ Lai xuống nước, khoát tay cho lui, quở nhẹ nhàng.

– Tha chết cho tụi bây đó. Nhớ đừng có làm tàng chê thiên hạ chung quanh dốt mà có ngày chết không toàn thây.

Trở Về

Tìm Kiếm