Bóng Người Xưa (7)

Chương 7

Anh Kiệt hẹn đi đúng một tháng thì về, nhưng vì công việc xếp đặt chưa xong nên đánh điện cho Thúy Ái biết chàng còn phải ở lại bên ấy vài tuần nữa.

Thúy Ái khi nhận được bức điện tín ấy, không khỏi vui mừng. Đàng rằng chồng đi xa thì lòng nàng cũng nhớ nhung, nhưng Thúy Ái đang có một việc cần phải xếp đặt trước khi Anh Kiệt về. Và Thúy Ái không muốn Anh Kiệt biết việc nàng đang làm.

Nghe tin ông Vĩnh Phát được trả tự do, Thúy Ái mừng như bắt được của. Nàng đi ra đi vào, vui ra mặt:

– Thật may quá!

Ba hôm sau, Thúy Ái lái xe ra tỉnh. Khi đến quán ông Vĩnh Phát, Thúy Ái cho xe ngừng lại. Nàng đi vào, gặp ông Vĩnh Phát đang ngồi đợi khách liền nói:

– Tôi đến mừng ông được trở về, khỏi tai nạn.

Oâng Vĩnh Phát nhìn Thúy Ái với đôi mắt nửa ngờ, nửa kinh ngạc:

– Cám ơn bà.

Ông Vĩnh Phát nghi rằng Thúy Ái đã lục lạo giấy tờ trong tủ Lệ Hằng và khi được biết Lệ Hằng còn sống, Thúy Ái sợ Lệ Hằng trở về với Anh Kiệt nên đi báo cáo với nhà chức trách, nên mới có sự lục xét quán ông ta.

Tuy đã nghi ngờ như thế, nhưng khi suy nghĩ kỹ, ông lại bào chữa:

– Vô lý, Thúy Ái có biết gì đâu mà bảo là báo cáo?

Ông Vĩnh Phát thấy Thúy Ái ngồi nhìn xung quanh thì tiếp:

– Bà đi tỉnh?

– Vâng. Tôi đi tỉnh. Sẵn dịp ghé ngang đây, nhờ ông món ăn…

– Bà dùng chi ạ?

Thúy Ái nói:

– Chả tôm và cháo cá.

Ông Vĩnh Phát nói:

– Còn một dĩa chả tôm và hai tô cháo cá, vì vừa rồi có người khách đến ăn cả. Ơû đây ít ai dùng hai món đó nên tôi làm rất ít.

Ông Vĩnh Phát trước đây có nói với Thúy Ái rằng bà kỹ sư trước thích ăn cháo cá và chả tôm. Thúy Ái muốn dùng thử hai món Lệ Hằng đã thích, xem thử có ngon thật không. Nhưng khi nghe ông Vĩnh Phát bảo có người vừa đến ăn tất cả rồi, ông Vĩnh Phát lại còn bảo là ở đây người ta ít dùng hai món đó, như thế thì người khách vừa ra khỏi quán là ai? Có thể là Lệ Hằng được không?

Thúy Ái nói một cách nửa đùa, nửa thật:

– Chị Lệ Hằng vừa mới ở đây phải không ông? Chà, uổng quá! Thế mà tôi định gặp chị chứ!

Ông Vĩnh Phát nhìn Thúy Ái với đôi mắt kinh ngạc thì Thúy Ái lại tiếp:

– Chị ấy có hẹn gặp tôi ở đây mà!

Ông Vĩnh Phát sửng sốt không nói được một lời. Thúy Ái làm sao lại biết được rõ ràng như vậy. Quả là Lệ Hằng vừa mới ở đây ra.

Thấy vẻ mặt bơ phờ của ông Vĩnh Phát, Thúy Ái biết nàng đã đoán đúng nên nói:

– Ông giấu tôi làm gì. Ông sợ tôi đi báo cáo với nhà chức trách phải không? Không đâu, ai lại đi làm việc hèn mạt ấy? Chị Lệ Hằng là người đáng cho chúng ta tôn kính. Việc chị làm, có phải ai cũng làm được đâu. Tôi hiểu tất cả rồi. Tôi định đi tìm chị đây, nhưng không biết chị ở đâu mà tìm.

Thúy Ái không để cho ông Vĩnh Phát trả lời, tiếp luôn:

– Tôi đã gặp chị một lần ở trong vườn tôi, cách đây nửa tháng. Chị hẹn trở lại nhưng rồi không hiểu sao lại đi luôn. Nhưng chị có dặn tôi nếu muốn tìm chị thì hỏi ông.

Ông Vĩnh Phát nghe lạnh cả người. Thôi rồi, rõ ràng Thúy Ái là người đã đi báo cáo với sở mật thám để lục xét nhà ông ta.

Ông Vĩnh Phát nhớ ra cách đây nửa tháng, Thúy Ái có lại quán ông dùng vài món ăn, hôm ấy bà Vĩnh Phát đi khỏi và Thúy Ái ngồi nói chuyện với ông thật lâu, có vẻ dò dẫm. Rồi Thúy Ái cho xe chạy ra tỉnh. Cái hôm ông bị xét nhà, Thúy Ái cũng có chạy ngang. Rõ ràng ông Vĩnh Phát thấy bọn lính Pháp đón xe Thúy Ái lại, nhưng rồi cho xe chạy, không làm khó dễ.

Không còn nghi ngờ gì nữa cả. Rõ ràng Thúy Ái làm tay trong cho bọn mật thám rồi.

Ông Vĩnh Phát nghĩ thế, nên ngần ngại không biết trả lời Thúy Ái ra sao. Nhưng ông Vĩnh Phát là người khôn ngoan, lịch duyệt, lẽ nào chịu thua Thúy Ái hay sao. Ông nói:

– Bà nói chuyện gì nghe lạ quá! Trước đây bà kỹ sư thường ra đây ăn uống, thì tôi quen chỉ là quen như thế, chớ có phải tôi quen thân đâu mà biết được chỗ bà ta ở. Huống chi trên pháp lý, bà ấy đã chết rồi. Bảy năm nay có ai nói đến bà nữa đâu. Và vì bảy năm nay, không tìm được bà ấy nên ông kỹ sư mới cưới bà.

Thúy Ái vẫn giữ vẻ mặt bình thản và nói tiếp:

– Ông vẫn còn giấu quanh. Hay là ông nghi tôi? Ông có quyền nghi. Vì tôi và ông chưa quen nhau. Ông có thể nghi tôi vì ganh ghét chị Lệ Hằng nên đi báo cáo với nhà chức trách, nhưng ông đã nghi thì tôi cũng không biết làm sao bày tỏ nỗi hâm mộ của tôi đối với người chị tài hoa và nuôi ý chí cao xa như thế. Ông đã nghi, thì tôi không nói nữa. Nhưng ông hãy tin chắc rằng: tôi không phải là người hèn. Nếu chị Lệ Hằng cần tôi việc gì, tôi sẵn lòng giúp đỡ.

Nói xong, Thúy Ái trả tiền và lên xe đi tỉnh, để ông Vĩnh Phát ngồi thừ người với bao ý nghĩ rối như tơ vò.

Một tuần lễ lại lặng lẽ trôi qua. Một tuần ấy, Thúy Ái suy tính mãi không biết làm sao gặp được Lệ Hằng. Chiều nào nàng cũng ra phía sau vườn ngồi mong đợi, nhưng vẫn không thấy Lệ Hằng trở lại. Thúy Ái muốn được gặp Lệ Hằng, và mọi việc phải sắp đặt trước khi Anh Kiệt về. Thúy Ái trông đợi mãi Lệ Hằng không được, trong lòng buồn bã.

Vú già thấy vậy liền hỏi:

– Cháu có việc gì lo nghĩ, hay là tại Anh Kiệt đi lâu về nên cháu buồn?

– Cháu muốn gặp chị Lệ Hằng quá, mà phải gặp trước ngày Anh Kiệt về đây, nhưng không biết làm sao gặp được. Vú có biết chỗ của chị Lệ Hằng ở không?

Vú Chín nhìn Thúy Ái:

– Cháu nên biết rằng nếu vú mà biết chỗ ở của Lệ Hằng thì có đời nào vú chịu ngồi ở đây. Nói cháu đừng giận nhé, vú sẽ chạy đi tìm ngay, vì vú yêu Lệ Hằng lắm.

Thúy Ái nói:

– Cháu rối rắm nên hỏi liều vậy thôi. Vú cũng biết cháu mong gặp chị Lệ Hằng lắm. Cháu biết ông Vĩnh Phát biết chỗ của chị Lệ Hằng, nhưng ông ấy nhất định không chịu chỉ cho cháu. Trước kia vú thường ra vào quán của ông Vĩnh Phát, vú chắc cũng quen với ông, hay vú dò thử xem có thể nào gặp chị Lệ Hằng không?

Vú Chín lắc đầu:

– Không, từ trước đến giờ Lệ Hằng không bao giờ sai vú ra quán ông Vĩnh Phát cả. Nếu ông Vĩnh Phát mà biết việc nhà thì chắc là tại chị Lý hay lép xép. Mà thôi cháu à, gặp Lệ Hằng làm gì! Việc đã đâu vào đó cả rồi. Lệ Hằng có về đây thì cũng không còn một chỗ nào cho Lệ Hằng nữa. Một khi đã mấy địa vị ở quả tim người thân yêu thì còn trở về làm gì nữa, trở về để phá rối hạnh phúc kẻ khác hay sao?

– Chị Lệ Hằng không bao giờ có ý nghĩ trở về đây đâu vú ạ. Nhưng cháu muốn gặp chị Lệ Hằng có chút việc riêng tư mà thôi.

Vú già suy nghĩ một chút rồi nói:

– Thôi, cháu đừng nên bâng khuâng nữa. Việc đã qua cứ để nó qua, Lệ Hằng chỉ là một bóng người, một bóng người của một thời.

Nói xong, vú già bỏ đi về phòng, lấy ảnh Lệ Hằng ra nhìn mà hai hàng lệ rơi lã chã.

Chiều hôm ấy, Thúy Ái ra phía sau vườn, vừa đặt mình ngồi xuống ghế, mặt bỗng tái hẳn. Một cái gói có cột dây cẩn thận để ngay trên ghế, phủ lên trên là những cành lệ liễu và những đóa hoa hồng.

Thúy Ái vạch các cành hoa và lệ liễu thì thấy trên cái gói có ghi:

KÍNH GỞI CHỊ THÚY ÁI

Kinh ngạc, Thúy Ái lật qua lật lại cái gói, ôm kỹ vào tay rồi đi dọc theo bờ sông một đỗi, như tìm kiếm bóng ai.

Nhưng xa xa chỉ thấy đồng lúa trải tấm thảm xanh và ngọn gió chiều làm nghiêng ngả các cành cây trên bờ sông phẳng lặng. Một vài con cò điểm trên nền trời những chắm trắng sinh động. Không một bóng người. Cảnh vật buổi chiều như được tô thêm vài nét bí mật huyền ảo.

Phải, chỉ là một bóng người trong sương chiều!

Thúy Ái trở lại ngồi trên chiếc ghế. Tư tưởng nàng còn mãi đeo duổi theo cái bóng người trong sương chiều ấy.

Một lát sau, Thúy Ái đứng lên buồn bã:

– Mình còn ra đây làm gì nữa khi cái bóng kia chắc là không bao giờ còn trở lại. Than ôi! Mất một tâm hồn bạn là mất nhiều lắm chớ,

Thúy Ái toan trở về, nhưng còn luyến tiếc, cúi xuống lượm hết các cành lệ liễu và những đóa hoa hồng rồi mới chịu về. Tay mân mê những đóa hoa và sau cùng đưa lên mũi, nàng hít một hơi dài như để thưởng thức dư hương của ai kia đã để lại.

Vú Chín thấy Thúy Ái về sớm liền hỏi:

– Hôm nay sao cháu về sớm thế?

Thúy Ái nói:

– Cháu ngồi đợi mãi không thấy ai trở lại, cháu buồn cháu trở về đây.

Vào phòng, Thúy Ái mở cái gói. Thì ra đó là một tập nhật ký. Mở trang đầu, Thúy Ái đọc:

“Viết gởi một tâm hồn hiểu tôi…”

Thúy Ái đọc tiếp:

Em Thúy Ái,

Em cho phép chị gọi em bằng em nhé. Vì tuổi tác em nhỏ hơn chị nhiều. Còn về ngôi thứ gia đình thì em là người đến sau chị. Chị nói thế này, em có phiền chị lắm không? Chắc là không rồi, gọi em bằng em, chị cũng đã suy nghĩ nhiều về cách xưng hô quá đường đột…”

……………

“… Đã gần thành công rồi! Anh Kiệt đã tỏ ý muốn cưới ta rồi. Thế là ta yêu sách một trăm ngàn đồng. Món tiền này cũng hơi nhiều đấy. Nhưng phải có một trăm ngàn đồng để anh Phú và chị Nghĩa đi qua Tàu.

Ta chắc thế nào Anh Kiệt cũng bằng lòng, nếu ta bảo là ta phải trang trải món nợ.

May quá, Anh Kiệt nhận lời ngay. Và đã được các anh chị em cảm ơn…”

—o0o—

“… Thế là sắp đến đám cưới rồi đây. Anh Kiệt trông thế mà dám xài tiền lắm. Ta bắt mua cái lầu của bà hoàng cũng chịu mua. Vừa mua vừa sửa sang, tốn kém cả mấy trăm ngàn. Có thế mới làm nơi liên lạc mà khỏi bị bọn Pháp biết. Rồi Anh Kiệt lại sắm cả trăm ngàn đồng nữ trang nữa. Nữ trang mà làm gì? Các món ấy có ích gì khi các anh em đồng chí cần tiền? Các món ấy rồi cũng sẽ giúp ích cho anh em.

Một thiếu nữ trong những ngày sắp cưới chắc là lòng họ rạo rực lắm, nhưng còn ta thì sao ta lại thấy buồn buồn như thế này kia?

Anh Kiệt yêu ta nhiều lắm. Làm sao bây giờ?”

—o0o—

“… Nếu đời ta cứ trôi qua một cách bình thản như thế này thì rồi sẽ ra sao? Trong khi một vài đồng chí đây đó bị bọn thực dân bắt giết, lẽ nào ta lại ngồi đây an hưởng cảnh sung sướng như thế này? Mặc dù ta cũng đã tiếp tế tiền bạc cho các đồng chí, nhưng lòng vẫn thấy không sao chịu được.

Ta sung sướng quá. An nhàn quá. Ngày ngày sống bên một tấm tình đẹp đẽ, mà lòng ta thì lại là của kẻ đóng kịch.

Trời ơi! Tụi Pháp mở đợt bắt bớ dữ quá. Anh Tiệp mới về và được mình trao cho một số tiền thì nghe đâu đã bị bố riết, không biết anh có trốn thoát được không?”

—oo—

“… Ở đây yên ổn lắm. Nhưng khổ quá, mình lại sợ cái yên ổn này. Mỗi ngày, cuộc sống yên tĩnh như mỗi làm nhụt cái chí của mình dần dần…

Anh Kiệt tốt quá, yêu ta quá. Ta liệu có thể cứng rắn mãi được trước mối tình tha thiết và chân thật ấy không?

Lòng một thiếu nữ đang xuân! Sự đụng chạm của xác thịt liệu có cho ta giữ mãi ý chí và tấm lòng cứng cỏi để phụng sự Tổ quốc không? Hay xưa nay, ÁI TÌNH và BỔN PHẬN vẫn là hai kẻ cừu thù?

Dù sao ta cũng là một người, một người đàn bà!”

—o0o—

“… Hôm nay, ngồi dưới hàng lệ liễu, ta cảm thấy buồn làm sao ấy. Một đảng viên tôn thờ sự do và độc lập của nước Việt Nam có được phép có những phút yếu đuối như thế này không?

Nhưng mà khổ quá, từ một mối tình đóng kịch, ta đã đi đến mối tình chân thật rồi.

Ta đã yêu Anh Kiệt. Làm sao không yêu được? Cái tình của ta đối với Anh Kiệt có khác nào cái tình của các cặp vợ chồng ngày xưa. Họ cưới nhau vì hai bên cha mẹ bằng lòng, họ chưa hề quen biết nhau, thế mà họ vẫn yêu nhau và vẫn ăn đời ở kiếp với nhau được. Huống chi giữa ta và Anh Kiệt, ta không yêu, chớ Anh Kiệt đã yêu. Tình yêu chân thành của Anh Kiệt đã lần lần lôi kéo ta. Thế mới tai hại. Làm sao bây giờ!

Tội nghiệp Anh Kiệt quá, chàng có biết gì đâu, có biết sự đau khổ trong lòng ta đâu. Cho nên chàng mới thúc hối ta đi bác sĩ khi thấy ta gầy sút đi nhiều…”

—o0o—

“Ta không thể ở đây mãi, ở đây mãi để thấy cái cảnh đau lòng. Làm tiền một người mình đã yêu, ta thật không nỡ. Mà không nỡ, tức là ta đã không làm tròn nhiệm vụ rồi.

Chiều nay ta nói gì với anh Trưởng đây. Chà, thật là khó.

Anh Kiệt ơi! Anh có hiểu cho lòng em chăng!…”

—o0o—

“Thế là ta phải đi! Anh em bị bắt nhiều quá. Ta ở đây không sợ yên, mà lại càng liên lụy cho Anh Kiệt… Không, ta phải đi.

Anh chị em vì nền độc lập của quốc gia mà hai phần ba đã vào khám. Họ không chịu khai, đành rằng họ thương yêu ta, dành cho ta những ngày sung sướng yên ổn. Nhưng ta nỡ lòng nào sống trong hạnh phúc, trong khi Đảng thiếu người, trong khi tụi Pháp cứ giở những trò dã man đàn áp các đồng chí ta?

Ơû đây không lợi, việc Đảng đã không giúp được mà có thể làm di lụy đến Anh Kiệt.

Nợ nước không trả được mà tình nhà nếu không khéo cũng không đền đáp được!

Thôi thì đi!

Anh Kiệt ơi! Anh có ngờ đâu người mà anh yêu quí trong mấy năm trời nay, chỉ là con người tệ bạc. Mối tình em đối với anh chỉ là mối tình của kẻ đóng kịch, mà nào anh có biết. Anh đã tốn biết bao nhiêu vì em. Giá mà anh biết món tiền nợ mà anh đã trả cho em đó, chắc anh cũng không nỡ nào mà phiền em. Vì món tiền kia, em có xài đâu. Món tiền của anh đã giúp cho anh em đi du học, đi hoạt động cho ngày mai độc lập, như thế anh cũng đã đóng góp một phần nào vào công việc chung rồi đó.

Ngày nay em ra đi vì nhiều lẽ.

Đau đớn cho em là lãnh nhiệm vụ vào làm tiền anh, em lại đã để cho lòng em rung cảm trước chân tình của anh. Em đã yêu anh. Đi không đành mà ở cũng chẳng được.

Ở thì lại làm liên lụy cho anh. Đứng trước tình và nghĩa, em biết làm sao!

Khi viết những trang này mắt em đã mờ lệ, đầu em bận rộn bao nhiêu ý nhgĩ mâu thuẫn. Nhìn ngôi nhà thân yêu này, nơi em đã sống bên anh những ngày vui nhất, êm đềm nhất của đời em, em thấy lưu luyến làm sao! Ngôi vườn xinh đẹp như ngày nay là do bao nhiêu công trình vun quén của em. Em làm sao rời bỏ mà không lưu luyến hả anh?

Rồi cái chân tình của anh nữa! Và khi lòng em đã nghe tiếng gọi của lòng, nhưng buộc để cho tiếng gọi của non sông tổ quốc lấn áp trong một thời gian…

Quên tất cả. Và bắt đầu từ ngày nay em sẽ không viết gì nữa cả.

Em đã là một cái bóng trong đời anh…”

Thúy Ái lại ngẩn ngơ trước những dòng chữ hết sức cảm động ấy. Thúy Ái thở dài, lắc đầu và nói:

– Làm sao gặp lại người chị này?

Thúy Ái lật qua trang khác. Thấy vẫn còn những dòng chữ của Lệ Hằng nên đọc tiếp:

Sáu năm lặng lẽ trôi qua! Công việc cứu nền tự do bị ngưng trệ. Phần thiếu tiền, phần thiếu người, đã vậy mà bọn mật thám hoạt động càng thêm mãnh liệt.

Lòng người cũng nhụt đi nhiều. Đã có nhiều anh chị em không chịu được cảnh cam khổ, bỏ về các thành phố kiếm cách sinh nhai.

Trên con đường phận sự, rày đây mai đó, liên lạc với các đồng chí, đi đến đâu ta cũng đều nghe câu:

– Phải đợi thời, biết sao bây giờ?

Phải đợi thời. Thì lợi dụng cái lúc đợi thời này, ta trở về dò thăm tin tức của Anh Kiệt xem sao.

Anh Kiệt ơi! Anh có còn nhớ em, có còn nhớ Lệ Hằng không? Hay em chỉ là một cái bóng lu mờ rồi, hả anh?

Trên đường về Huế, lòng em rạo rực biết bao. Từ cửa Nam Quan về đây, em mới hay bảy năm nay anh vẫn còn ở đây, anh buồn anh đi đó đi đây, không còn biết gì đến công việc cả.

Trời ơi! Thế là em đắc tội với anh quá. Nợ nước em chưa đền xong, mà tình anh, em đã phụ quá nhiều, anh nhỉ!

Anh chưa cưới vợ. Tức là anh còn yêu em. Em có nên trở lại tìm anh chăng?

Cái ý nghĩ này đã làm khổ em nhiều lắm. Nhiều đêm em thao thức trắng đêm vì ý nghĩ này.

Sau cùng, em nhất định là không nên trở về với anh nữa. Em không phải là người có quyền hưởng hạnh phúc nữa. Người có phận sự. Em nên làm người của phận sự cho đến cùng.

Em vẫn ở trong thành nội, nghĩa là ở gần anh, thế mà anh và em từ nay không bao giờ gặp nhau nữa!”

—o0o—

“… Anh Kiệt ơi! Thằng Tập bị bắt thì khổ cho những kẻ trở về thành tìm kế sinh nhai và đợi thời như chúng em. Nó bị bắt thì thế nào cũng sẽ khai chỗ em và chỗ các đồng chí khác!

Thật thế, ngày hôm qua đây, nó đưa người về chỗ em trọ, may mà em biết trước, em dời đi chỗ khác. Nay thì em về trốn ở cái quán quen thuộc.

Em cũng chỉ trốn tạm ở đây vài hôm thôi. Em về thành đã được một năm nay, tuy gần anh mà em đâu dám gặp anh.

Về đây hai hôm, em mới hay anh đã cưới vợ mấy tháng nay. Công việc của anh, em đều nghe qua rồi.

Mấy hôm nay, em phập phồng lo sợ, thế nào rồi bọn nó cũng đến đây xét bắt. Cho nên em định trốn vào ngôi vườn hoang vu của anh. Ai mà biết được, phải không anh?”

Đọc đến đây Thúy Ái lại ngừng. Nàng nghĩ tội nghiệp quá, tại sao Lệ Hằng không dám ẩn đỡ ở đây một thời gian.

Yù nghĩ vừa thoáng qua, Thúy Ái lẩm bẩm:

– Có lẽ Lệ Hằng không tin ta chăng? Mà tin sao được khi ta và Lệ Hằng chưa hề quen nhau? Nhất là khi ta lại là tình địch của nàng. Làm sao tỏ cho Lệ Hằng biết được nỗi lòng kính mến của ta đối với nàng?

Thúy Ái ngồi ngẩn ngơ, đôi phút sau mới đọc tiếp.

“Anh Kiệt ơi! Nhưng mà bọn Pháp lùng ghê quá: cho nên chiều hôm nay em đã lẻn trốn vào vườn anh.

Nhưng anh ơi! Em vừa xô cái hàng rào phía sau thì gặp ngay một người đàn bà, một người đàn bà trẻ và đẹp như một nữ sinh. Nét mặt hiền lành và trung hậu của người này làm em có mỹ cảm ngay.

Em đoán đây là vợ mới cưới của anh.

Chúng em nói với nhau được vài câu, rồi em lại ra đi, định sẽ trở lại.

Em định trở lại là vì em nghĩ rằng em có thể nhờ người này mà thoát khỏi sự lùng bắt của bọn tay sai của Pháp.

Nhưng khi về nhà, em nghĩ kỹ lại, em không nỡ trở lại. Thúy Ái có thể là người tốt nhưng em nỡ lòng nào gây lại sóng gió trong gia đình anh!

Vì nghĩ thế mà em đã sai lời hứa với Thúy Ái. Được biết anh đi khỏi chưa về, em càng ngần ngại. Rủi vì em đến ẩn núp ở nhà, mà xảy việc gì liên lụy đến Thúy Ái thì thật là tội nghiệp cho nàng, một người chưa biết gì mưa sa bão táp cả.

Anh thấy đó, em chưa bao giờ nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác, mà không ích kỷ, anh ạ.

Anh thấy chưa? May mà em chưa tới ẩn núp ở nhà anh. Họ đến hỏi Thúy Ái lôi thôi quá. Em tiên đoán trước thật không sai. Khen cho Thúy Ái cũng khôn ngoan, lại có ý che chở cho em. Như vậy chứng tỏ Thúy Ái cũng đã hiểu chút ít về công việc của em, phải không anh?

Hôm nay nghe ông Vĩnh Phát nói lại rằng Thúy Ái muốn gặp em, em hết sức cảm động. Nhưng gặp em làm gì nữa? Em sẽ viết cho Thúy Ái một bức thơ.

Đến đây em xin tạm ngưng và có lẽ rồi đây anh không còn trông thấy những dòng chữ của em nữa.

Bây giờ mới thật là vĩnh việt anh và chúc anh mãi mãi được hạnh phúc.

LỆ HẰNG.”

Đọc đến đây Thúy Ái nở một nụ cười sung sướng. Lệ Hằng đã hiểu nàng, thế là được.

Thúy Ái lục lạo khắp quyển nhật ký để tìm phong thơ chót, nhưng không thấy có phong thơ nào nữa cả.

Thúy Ái suy nghĩ lung lắm. Nàng đang tìm cách gúip Lệ Hằng. Không, một nhân tài như Lệ Hằng không thể để mai một tên tuổi được. Thúy Ái phải giúp Lệ Hằng rời khỏi quê hương trong lúc này. Lệ Hằng phải xuất dương để học thêm, để cùng với các anh em khác, đợi ngày thuận tiện trở lại đặt nền độc lập, tự do trên lãnh thổ này.

Việc gì mình muốn lại không được!

Thúy Ái nghĩ thế cho nên đứng lên mở tủ, lấy hộp nữ trang ra. Thúy Ái cởi những món nữ trang nàng đang mang ở tay, ở cổ. Cởi tất cả, chỉ chừa lại cái nhẫn cưới. Đoạn Thúy Ái kiểm điểm lại số tiền nàng đang có, số tiền nàng dành dụm từ lâu, cả với số tiền của Anh Kiệt nữa.

Thúy Ái lẩm bẩm tính và nở một nụ cười sung sướng:

– Cũng khá nhiều đấy chứ.

Xong đâu đó, Thúy Ái mời vú Chín đến và đọc cho vú Chín nghe những trang nhật ký của Lệ Hằng.

Thúy Ái đọc đến đâu, vú Chín khóc đến đó. Khi đọc xong, Thúy Ái lại nói:

– Bây giờ thì cháu đã tìm được cách giúp Lệ Hằng rồi.

Thúy Ái bèn nói cho vú Chín nghe công việc nàng đang sắp đặt, thì vú bỗng ngồi sụp xuống, ôm lấy hai đầu gối của Thúy Ái mà hôn lấy hôn để khiến Thúy Ái hoảng hốt, cũng ngồi sụp xuống đất.

Vú Chín cảm động:

– Trời ơi, cháu tốt quá. Thế mới biết ở đời, chánh nghĩa mới cảm hóa được lòng người. Không, vú đã lầm, chính cháu mới là người đáng cho vú quý nhất trên đời này. Không biết nó tu từ kiếp nào có được hai người vợ như thế này.

Thúy Ái sung sướng là đã chiếm được sự kính nể của vú Chín.

Chiều hôm sau, Thúy Ái đi lại quán ông Vĩnh Phát và nói ý muốn của nàng, rồi trao cho ông Vĩnh Phát một bức thơ nhờ đưa lại cho Lệ Hằng.

Thế là bức thư của Thúy Ái đã đến tay Lệ Hằng.

Chị Lệ Hằng thân mến!

Chưa đọc được tập nhật ký của chị, em cũng đã đoán được chị là người như thế nào rồi. Nay được đọc những trang nhật ký của chị, em hết sức cảm động. Chị lại gọi em bằng em thì còn gì sung sướng cho em hơn nữa.

Chị ơi, càng hiểu chị, em càng yêu mến chị, và em càng thấy có bổn phận đối với chị, để góp vào công việc chung mà chị đang đeo đuổi một phần nhỏ mọn đó chị ạ. Chị có cho phép em giúp vào một tay không?

Em hiểu chị nhiều lắm. Chị đã quá yêu em mà không muốn chen vào cái hạnh phúc của đời em, thì nay em đã nghĩ được cách tạ lại tấm lòng cao thượng của chị, gọi là trong muôn một. Chị có vui lòng nhận được sự giúp đỡ thành tâm này của em không? Em nói là em giúp đỡ chị, chớ sự thật chị ơi, chị cần gì ai giúp đỡ. Em nói là góp công, góp của vào công việc chung, thì đúng hơn.

Chị không muốn cùng sống với em, ở đây thì em sợ chị không yên thân. Chị cần đi xa, thì phải có tiền, mà anh em trong Đảng thì không còn phương hoạt động.

Chị cần phải xuất dương, một chân tài như chị rất cần thiết cho đời, cho nước Việt, chị không nên để tên tuổi phai mờ.

Em xin giúp chị tất cả số tiền em có, và tất cả các món nữ trang của em, để chị có phương tiện đeo đuổi theo sự nghiệp lớn, chị sẽ là một trong những cây cột trụ trong sự giành lại độc lập cho nước nhà, phải không chị?

Trong khi chúng em yên tĩnh, thì chị phải bôn ba nay đây mai đó. Người như chị thật đáng cho thiên hạ mến yêu.

Chị nhận lời em nhé, chị nhận lời em để em được góp vào công việc và sự nghiệp của chị sau này một phần nhỏ, chị nhé.

Rồi đây mỗi khi yên vui, bên cạnh chồng con, em sẽ luôn luôn nghĩ đến chị, đến người chị xa xôi của em. Nghĩ đến chị, em sẽ tìm cách làm cho ra tiền, để có thể giúp chị trên bước đường gay go và nguy hiểm.

Mong chị hiểu rõ tấm chân tình của đứa em gái này và em đợi chị ngày mai phía sau vườn chị nhớ đến nhé.

Em của chị,

THÚY ÁI”

Lệ Hằng đã đúng hẹn. Và hai chị em gặp nhau, xiết bao cảm động. Lệ Hằng cầm lấy tay Thúy Ái, siết chặt và nhè nhẹ đặt vào trán Thúy Ái một cái hôn trìu mến. Thúy Ái cảm động đến ứa nước mắt.

Thúy Ái trao Lệ Hằng một cái gói. Lệ Hằng lặng lẽ nhận lấy, không một lời cảm ơn.

Họ lặng lẽ đứng nhìn nhau. Trong cái lặng lẽ ấy, họ đã nói với nhau biết bao là chuyện! Họ để cho lòng họ rung cảm trong giờ phút thiêng liêng ấy.

Một lát sau, Lệ Hằng nói:

– Chị sẽ đi xa để thực hiện nguyện vọng chung. Và chị phải làm được việc mới có thể nói đến chuyện cảm ơn em được. Chị hẹn em ở ngày về. Cái ngày nước nhà độc lập, em nhé.

Nói xong, Lệ Hằng lại đặt vào trán Thúy Ái một cái hôn nữa rồi ra đi, không quay trở lại.

Thúy Ái sửng sốt đứng nhìn theo, đôi mắt ướt lệ.

Trong giờ phút ấy, nàng thấy lòng xao xuyến lạ. Nàng nghe như bên tai nàng văng vẳng có tiếng gọi của non sông Tổ quốc.

Thúy Ái đứng im, nhìn về phía Lệ Hằng vừa ra đi, miệng thầm vái:

– Lạy trời cho chị Lệ Hằng của con được bình yên và toại nguyện trên con đường phận sự.

Vài con chim trong bụi rậm vỗ cánh tung bay lên không, chúng đang ao ước cảnh bao la bát ngát của vũ trụ, cảnh tự do sung sướng của muôn loài.

Thúy Ái chỉ là con chim xinh đẹp trong cái lồng sơn son phết vàng.

Thúy Ái trở về. Vú Chín đón Thúy Ái ở thềm nhà, Thúy Ái nhìn vú Chín rồi nói:

– Xong tất cả, vú ạ. May quá!

Từ hôm ấy Thúy Ái luôn vui vẻ. Thúy Ái bàn với vú Chín nên khai khẩn cái vườn hoang này thành một cái trại, và Thúy Ái đề nghị:

– Vú và cháu sẽ trồng trọt, chăn nuôi làm sao cho có thật nhiều hoa lợi, để có thể giúp chị Lệ Hằng trên công việc. Vú có bằng lòng không?

Vú Chín tỏ vẻ vui mừng:

– Nếu được vậy thì còn gì quí bằng. Ngôi vườn này nếu đổi thành một trại nuôi gà vịt, heo dê và trồng trọt rau cải thì vú và cháu bận rộn suốt ngày đó. Có vậy mới vui, chớ còn ngồi một chỗ mà ăn, vú thấy sao buồn tẻ quá.

Thúy Ái tán thành:

– Vâng, bắt đầu từ ngày mai, vú và cháu vạch một chương trình làm việc và kêu thợ đến làm chuồng bồ câu, chuồng gà, vịt, và chuồng heo, thỏ, dê nữa.

Vú Chín vui sướng trong lòng, hỏi:

– Lệ Hằng đã đi khỏi đây chưa?

– Sắp đi. Bao giờ chị ấy đi khỏi, thì sẽ có tin cho cháu biết…

Ngày hôm sau Thúy Ái và vú Chín bắt tay vào việc. Thúy Ái mướn thêm một người đàn bà và hai người đàn ông nữa. Ngôi vườn quá rộng, nên Thúy Ái chỉ dùng có một phần tư, còn ba phần kia thì cho họ làm rẻ, trồng khoai, bắp, sắn…

Nhờ vậy mà ngôi vườn không còn vẻ hoang vu và sầm uất như trước. Ngày nào cũng có người ra vào làm lụng. Cái không khí buồn tẻ không còn nữa.

Ba hôm sau, Lệ Hằng nhắn tin về cho Thúy Ái là nàng đã đổi tên họ, xin theo một người đàn bà Pháp làm bồi để có thể đi Pháp mà khỏi bị hỏi giấy tờ lôi thôi.

Khi được biết Lệ Hằng đã rời khỏi nước, Thúy Ái mở tủ lấy tất cả ảnh của Lệ Hằng ra, treo lên trên vách như cũ.

Mỗi ngày Thúy Ái cũng sai cắt hoa hồng hai lần để cắm vào chiếc lọ để ngay dưới bức ảnh lớn của Lệ Hằng.

Căn phòng của Lệ Hằng được mở rộng cửa ra và Thúy Ái lấy đó làm phòng đọc sách.

Vú Chín không còn cản ngăn Thúy Ái gì nữa cả! Đến cái biệt thự ấy, vú Chín cũng khuyên Thúy Ái sửa lại là biệt thự Thúy Ái, để tỏ cho Thúy Ái thấy rằng giờ đây vú Chín hết sức kính nể Thúy Ái.

Cái phòng khách có hoa, có tranh ảnh, lại tươi đẹp hơn trước. Các đồ dùng của Lệ Hằng, Thúy Ái đều cất làm kỷ niệm.

Dọn xong đâu đó, chỉ chờ Anh Kiệt về, Thúy Ái nói với vú Chín:

– Anh Kiệt về mà thấy như thế này chắc ngạc nhiên lắm, đố mà hiểu được tại sao cháu lại chưng dọn như thế này.

Vú Chín cười thích chí.

Vài hôm sau, Thúy Ái được điện tín báo ngày về của Anh Kiệt. Thúy Ái vui mừng trông đợi từng giây từng phút giờ máy bay đến.

Nàng lái xe, chở vú Chín đi rước Anh Kiệt ở sân bay.

Phi cơ vừa đáp xuống, Anh Kiệt vội xách vali xuống thang và nhìn khắp nơi để tìm Thúy Ái.

Thúy Ái chạy lại bắt tay Anh Kiệt, và vú Chín cũng chạy lại mừng rối rít.

Lấy hành lý xong, cả ba lên xe về nhà. Dọc đường, Thúy Ái hỏi:

– Công việc anh đã xong tất cả rồi phải không?

Anh Kiệt cười đáp:

– Xong tất cả rồi. Lần này về anh sẽ nghỉ một tháng và sẽ đưa em đi Nha Trang, thăm vợ chồng chú Nghĩa.

Thúy Ái nhìn vú Chín rồi nói Anh Kiệt:

– Đi thế nào được? Em bận công việc ghê lắm.

Anh Kiệt cười hỏi:

– Bận việc gì thế?

Thúy Ái nói:

– Bí mật mà lị. Để rồi sẽ biết…

Anh Kiệt nói:

– Anh có mua cho em một bộ đồ tắm biển, để định đưa em đi Nha Trang đó.

Thúy Ái làm thinh không nói gì, trong lòng hồi hộp vì nàng còn đang lo không biết Anh Kiệt khi hay tin Lệ Hằng còn sống thì lòng chàng sẽ nghĩ thế nào.

Bỗng Thúy Ái hỏi Anh Kiệt:

– Đố anh, chị Lệ Hằng còn sống hat chết?

Anh Kiệt ngạc nhiên nhìn vợ:

– Sao em hỏi cắc cớ chi vậy?

Thúy Ái làm thinh không đáp. Anh Kiệt lại tiếp:

– Dù có còn sống đi nữa, thì Lệ Hằng đã chết đuối với anh rồi. Anh không bao giờ còn nghĩ đến Lệ Hằng nữa vì trong đầu óc anh, hay trong tim anh, hình ảnh của em đã chiếm trọn cả rồi.

Thúy Ái tươi cười:

– Thế à! Thế thì em cảm ơn anh lắm vậy.

Anh Kiệt kể sơ qua cho Thúy Ái về cuộc hành trình của chàng, và nói:

– Đi một chuyến mà biết được không biết bao nhiêu là xứ lạ, thích quá. Phải có em đi với anh thì vui biết chừng nào. Thôi để vài năm nữa, chúng ta sẽ cùng đi một chuyến qua Mỹ.

Xe đã về đến quán ông Vĩnh Phát. Anh Kiệt hỏi:

– Ở nhà có việc gì lạ không em?

Thúy Ái đáp:

– Cũng có xảy ra vài chuyện lạ. Về nhà em sẽ kể anh nghe, đại để như chuyện ông Vĩnh Phát bị xét nhà và bị bắt mấy hôm.

Anh Kiệt hỏi:

– Thế à! Sao lạ vậy?

Thúy Ái lại nói:

– Bọn mật thám Pháp có đến tìm em và có hỏi em về chuyện chị Lệ Hằng nữa.

Anh Kiệt lại càng không hiểu gì cả:

– Cái gì kỳ vậy? Rồi em nói sao với họ? Mà em biết gì đâu mà nói?

– Anh lầm đấy! Em biết nhiều lắm chớ.

Anh Kiệt cho xe chạy thật nhanh.

– Anh nóng nghe đầu đuôi câu chuyện mà em thì cứ làm anh bực dọc, thôi chạy mau về nhà, em kể anh nghe nhé!

Xe vào cửa lớn, Anh Kiệt ngạc nhiên hỏi:

– Ai làm gì trong vườn mà đông đảo thế?

Thúy Ái mỉm cười đáp:

– Anh không chú ý đến tấm bảng ngoài cửa à? Em đã đổi ra là biệt thự THÚY ÁI rồi, chính vú Chín đã khuyên em làm như thế.

Anh Kiệt hết sức hài lòng, chàng xoay qua vú Chín:

– Vú hết giận Thúy Ái rồi phải không? Thúy Ái có viết thư nói cho cháu hay và cháu mừng lắm vú ạ, cháu cám ơn vú nhiều lắm đấy.

Thúy Ái nói:

– Trong khi anh đi khỏi, em đã mạn phép anh mà đổi ngôi vườn này thành một cái trại chăn nuôi và trồng trọt. Anh vui lòng nhé.

Anh Kiệt, Thúy Ái, vú Chín cùng xuống xe. Chị Lý, chú ba đã đứng đợi sẵn, ai nấy đều mừng rỡ. Anh Kiệt khoát tay đưa Thúy Ái vào nhà. Vào phòng khách, Anh Kiệt đứng sửng sốt nhìn tấm ảnh Lệ Hằng và bình hoa trên bàn. Ơû bốn bức tường, Anh Kiệt thấy các tấm tranh của Lệ Hằng đều được treo lại y chỗ cũ.

Nhìn Thúy Ái, Anh Kiệt tỏ ý ngạc nhiên, nhưng Thúy Ái lại bảo:

– Mời anh đi khắp các phòng một lượt.

Anh Kiệt đi theo Thúy Ái, rồi ghé lại phòng của Lệ Hằng mà bây giờ Thúy Ái đã đổi ra phòng đọc sách.

Anh Kiệt hỏi:

– Uûa, tại sao em lại cho bày biện như cũ? Trước đây, anh đã bảo vú Chín cất hết tranh ảnh của Lệ Hằng vào tủ rồi kia mà. Chắc vú Chín đã chỉ em cách treo lại như cũ, chớ không thì em làm gì mà biết được. Em làm như vầy thảo nào mà vú Chín không yêu mến.

Anh Kiệt tuy mới ở máy bay xuống, nhưng không thấy mệt, chàng bảo với Thúy Ái:

– Nào, em đưa anh đi xem những gì mà em đã làm trong khi anh đi khỏi.

Thúy Ái vui vẻ đưa Anh Kiệt đi. Tới một chỗ, Thúy Ái ngừng lại và cắt nghĩa chỗ đó nàng định làm gì.

Anh Kiệt thích chí đáp:

– Em học ở đâu mà lại rành cách tổ chức một cái trại như ở bên Pháp vậy. Được như thế thì từ nay em không còn than phiền là ở đây buồn nữa. Em giỏi đó, tạo cho ngôi vườn này một cảnh sống rộn rịp, chẳng những bớt hoang vu, mà còn có thể sanh lợi nhiều, lại giúp được một số người có công ăn việc làm. Hay lắm! Hay lắm!…

Và Anh Kiệt siết chặt tay Thúy Ái.

Hai người lại trở về nhà. Anh Kiệt ngồi xuống chiếc ghế dựa và hỏi:

– Nào, bây giờ hãy kể cho anh nghe tại sao em treo các tấm ảnh Lệ Hằng lên. Anh nhớ trước đây có lần em phản đối việc cắm hoa vào lọ, sao nay em lại làm?

Thúy Ái đáp:

– Em làm là để nhớ chị Lệ Hằng. Câu chuyện này còn dài lắm, anh nghỉ một lát, rồi chúng ta dùng cơm, tối lại em sẽ kể anh nghe.

Anh Kiệt nói:

– Anh nóng lòng nghe lắm, nhưng anh phải chìu em chớ biết sao.

Chị Lý và vú Chín lo dọn một bữa cơm hết sức thịnh soạn để mừng Anh Kiệt.

Cơm đã dọn xong, Anh Kiệt và Thúy Ái ngồi vào bàn ăn uống ngon lành.

– Mấy tháng nay anh thèm cơm quá. Chà! Hôm nay chị Lý lại dọn cả chả tôm, ngon thật.

Hai vợ chồng vừa ăn vừa nói chuyện hết sức vui vẻ, nhưng Thúy Ái chưa đá động gì đến chuyện Lệ Hằng cả.

Khi ăn xong, Anh Kiệt nằm dài trên ghế và hỏi Thúy Ái đang ngồi bên cạnh:

– Em hứa sẽ kể thì còn đợi gì nữa mà không kể anh nghe?

Thúy Ái đứng lên đi lấy tập nhật ký của Lệ Hằng và mấy phong thơ, rồi trao cho Anh Kiệt, nàng bảo:

– Anh cứ đọc hết tập này thì hiểu tất cả.

Anh Kiệt mở ra đọc, trong lúc ấy Thúy Ái bỏ đi chỗ khác.

Anh Kiệt đã đọc xong, chàng xoay lại thì không thấy Thúy Ái ngồi đó, liền gọi:

– Thúy Ái ơi!

Thúy Ái chạy ra, thì Anh Kiệt đã quì ngay dưới chân Thúy Ái, làm Thúy Ái cũng ngồi phệt xuống tấm thảm.

Cố nén sự cảm xúc, Anh Kiệt bệu bạo:

– Anh không ngờ đời anh lại gặp được một người vợ tốt như em.

Rồi chàng lại tiếp:

– Lệ Hằng kính mến em là phải, Lệ Hằng đã đi xa rồi à? Chắc em đã giúp nhiều cho Lệ Hằng?

– Em đã cho chị Lệ Hằng tất cả nữ trang và tiền bạc em đã dành dụm được.

Anh Kiệt nhìn Thúy Ái với đôi mắt biết ơn và cảm phục.

Thúy Ái ngả đầu lên vai Anh Kiệt, thỏ thẻ:

– Em sở dĩ lập cái trại này cũng là để có phương giúp chị Lệ Hằng đeo đuổi công việc đem lại độc lập cho nước nhà.

Anh Kiệt âu yếm:

– Thế thì chúng ta hãy đặt tên cho cái trại này là “VÌ NGHĨA”, em nhé!

Thúy Ái gật đầu.

Anh Kiệt lại nói:

– Anh tin chắc em sẽ thành công. Và anh xin mừng trước em.

Đôi vợ chồng cùng nắm tay đứng dậy, ra phía trước nhà.

Ngoài vườn, một luồng gió lộng vào làm mát lòng người trong biệt thự.

TÙNG LONG

(Sài Gòn, 2-7-1956)

HẾT

Trở Về

Tìm Kiếm