Cách Mỹ có thể giành quyền kiểm soát ở Biển Đông

Nguồn: Alexander L. Vuving, “How America Can Take Control in the South China Sea”, Foreign Policy, 13/02/2017.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Rex Tillerson, tân Ngoại trưởng Mỹ kiêm cựu Tổng giám đốc ExxonMobil, có thể không gây sóng toàn cầu bằng của sếp ông, Tổng thống Donald Trump. Nhưng trong phiên điều trần phê chuẩn vị trí của ông ở Thượng viện vào ngày 11/01/2017, ông đã gây chấn động cộng đồng theo dõi Trung Quốc khi hứa rằng: “Chúng ta sẽ phải gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng, trước tiên, việc bồi đắp đảo phải ngừng lại, và thứ hai, họ không được tiếp cận các hòn đảo này”.

Những phát ngôn này ngay lập tức tạo nên một sự đồng thuận toàn cầu bao gồm những nhân vật diều hâu ở Trung Quốc đến những người ủng hộ giải pháp hòa bình ở phương Tây. Một bài xã luận trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu, một tờ báo quan trọng của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, cảnh báo rằng: “Trừ khi Washington lên kế hoạch cho một cuộc chiến quy mô lớn ở Biển Đông, thì bất kỳ cách tiếp cận nào khác nhằm cản trở Trung Quốc tiếp cận các hòn đảo này sẽ là điều ngu xuẩn.”

Cựu thủ tướng Úc Paul Keating cũng phản ứng một cách giận dữ, nói rằng: “Khi Ngoại trưởng được chỉ định của Mỹ đe dọa sẽ lôi Úc vào một cuộc chiến với Trung Quốc, người dân Úc cần phải chú ý. Đó là cách duy nhất để diễn giải phát biểu của Rex Tillerson rằng một ‘tín hiệu’ phải được gửi đến Trung Quốc là ‘việc tiếp cận những hòn đảo đó sẽ không được cho phép’ và rằng các đồng minh của Mỹ nên có mặt ‘để hỗ trợ’ Hoa Kỳ.” Từ Bắc Kinh đến Sydney, một sự nhất trí đã được xác định – rằng quan điểm của Tillerson không có cơ sở về luật quốc tế, là tương đương với một hành động chiến tranh, và không có lý trên phương diện chiến lược. Nói ngắn gọn hơn, những người phản đối lập luận rằng, góc nhìn mà tân Ngoại trưởng Mỹ đề xuất không có cơ sở luật pháp, nguy hiểm về mặt chính trị, và vô ích trên thực tế.

Sự đồng thuận này dựa trên niềm tin rằng Trung Quốc sẵn sàng và có thể tiến hành chiến tranh chống lại những khiêu khích nghiêm trọng. Nhưng điều này đã diễn giải sai đề nghị của Tillerson và không hiểu được thực tế phức tạp ở Biển Đông. Một cuộc phong tỏa bằng hải quân không phải là cách duy nhất đề đạt được những mục tiêu của Tillerson, và Trung Quốc có quyền lợi lớn trong việc tránh chiến tranh với Mỹ ở khu vực.

Để thấy được điều này, chúng ta phải sử dụng góc nhìn “năng lực tổng hợp” mà không phải hoàn toàn tập trung vào Mỹ. Từ góc nhìn này, đề xuất của Tillerson sẽ không tập trung vào một cuộc phong tỏa quân sự như các nhà bình luận nghĩ. Ngược lại, Mỹ và các đối tác có khả năng sử dụng một loạt những hành động bao gồm đàm phán ngoại giao và trừng phạt kinh tế cùng những ràng buộc hành động có khả năng trực tiếp hoặc gián tiếp ngăn cản việc xây dựng thêm và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo đó.

Một trong những hành động như vậy là những trừng phạt có chọn lọc mục tiêu nhắm đến những cá nhân và công ty đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, hay là tham gia những hoạt động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Dự luật được đề xuất bởi Thượng nghị sĩ Marco Rubio vào tháng 12 năm 2016 là điển hình của hướng đi này. Nó sẽ bao gồm việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với những cá nhân và tổ chức đã “tham gia các dự án xây dựng và phát triển” trong những khu vực tranh chấp và những ai đã “đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nó cũng sẽ cấm những hành động hàm ý rằng Mỹ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các khu vực tranh chấp trong những vùng biển này và làm hạn chế hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho những quốc gia công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực. Những biện pháp trừng phạt chính này có thể được bổ sung bởi những lệnh trừng phạt phụ chống lại những ai làm ăn với những đối tượng vi phạm. Dự luật của Rubio có thể được hoặc sẽ không được thông qua, nhưng trừng phạt có mục tiêu vẫn là một công cụ quan trọng nhằm thay đổi gián tiếp hành vi của Trung Quốc.

Một biện pháp trực tiếp hơn là việc Mỹ và đồng minh mượn cách Trung Quốc sử dụng chiến thuật “cải bắp” nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận những hòn đảo ở Biển Đông. Chiến thuật cải bắp là cách bao bọc những hòn đảo tranh chấp trong nhiều lớp bảo vệ quân sự và bán quân sự của Trung Quốc. Như cải bắp của Trung Quốc, cải bắp chống Trung Quốc cũng sẽ có ba lớp, vây quanh những hòn đảo mục tiêu bằng tàu dân sự ở lớp phía trong, các tàu hành pháp ở lớp ngoài, và tất cả đều được bảo vệ từ xa bởi tàu chiến ở lớp ngoài cùng.

Liên quân chống Trung Quốc không thể sánh được bằng Trung Quốc trong việc sử dụng dân quân biển trong những chiến dịch như vậy, nhưng họ có thể mời các tình nguyện viên dân sự tham gia vào hàng phòng ngự đầu tiên. Liên minh không cần bắn hạ máy bay hay là đặt ngư lôi phong tỏa cảng của Trung Quốc, mà họ có thể sử dụng phương tiện không người lái, gồm những phương tiện trên không và dưới mặt nước, được gửi đi từ những tàu dân sự và tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển để ngăn chặn việc tiếp cận các đường băng và cảng biển trên các đảo nhân tạo.

Trái ngược với những gì mọi người thường nghĩ, những hành động này có thể hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế. Nếu Trung Quốc không công nhận quyền tự do hàng hải của đất nước nào, thì đất nước đó có quyền đáp lại bằng cách hạn chế quyền tự do đi lại của Trung Quốc. Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực vào tháng 7 năm ngoái, vốn đã trở thành một phần quan trọng của luật quốc tế mặc cho sự phản đối của Trung Quốc, đưa ra phán quyết rằng “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, việc chiếm đóng Đá Vành Khăn, từ chối không cho Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough, xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa, và việc quấy nhiễu tàu thuyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines đều là bất hợp pháp.

Nhưng tòa án không có công cụ để thực thi phán quyết, và vì thế phán quyết này dựa vào việc các thành viên của cộng đồng quốc tế hành động đại diện quyền lợi chung và nhằm thúc đẩy Trung Quốc tuân theo những nghĩa vụ của họ. May mắn là luật quốc tế cho phép các nước chống lại những hành động sai trái. Như James Kraska, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Hải chiến Hoa Kỳ, đã lập luận, việc thách thức quyền của Trung Quốc trong việc tiếp cận các đảo nhân tạo phù hợp với luật quốc tế. Dù gì thì cũng công bằng khi gây cho Trung Quốc những điều mà Trung Quốc đã gây ra cho những nước khác.

Nhiều người lo lắng rằng mặc cho sự hợp pháp của biện pháp này, việc ngăn cản Trung Quốc tiếp cận những hòn đảo bị chiếm đóng sẽ đồng nghĩa với một hành vi gây chiến và gây nên rủi ro xung đột vũ trang. Nhưng nỗi lo này bị thổi phồng quá mức. Khi Trung Quốc ngăn cản việc tiếp cận bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây, không ai gọi nó là một hành vi chiến tranh và xung đột vũ trang không nổ ra. Bằng việc mượn cách Trung Quốc làm, chiến thuật “cải bắp” nhằm ngăn quyền tiếp cận sẽ vô hiệu hóa lý do gây chiến của Trung Quốc và làm cho Bắc Kinh e ngại trong việc tham chiến.

Mặc dù vậy, vẫn có những lo lắng rằng sức ép của dư luận mang nặng màu sắc chủ nghĩa dân tộc và trong một nỗ lực nhằm bảo toàn hình ảnh quốc gia và tính chính danh của chính quyền, lãnh đạo Trung Quốc có thể leo thang mức độ xung đột và tham chiến chống Mỹ. Nhưng như bà Jessica Weiss, một chuyên gia hàng đầu về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, phân tích trong bài nghiên cứu về những cuộc biểu tình mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, dư luận dân tộc chủ nghĩa chủ yếu đóng vai trò là một công cụ trong tay nhà nước nhằm thể hiện ý chí, hơn là một động lực thúc đẩy chính sách đối ngoại hiếu chiến của Bắc Kinh. Một phân tích gần đây hơn của Alastair Iain Johnson, giáo sư chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Harvard, cũng đi đến một kết luận tương tự, cho thấy một sự suy giảm tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong dân thường Trung Quốc kể từ năm 2009.

Là bên yếu hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào giao thông trên Biển Đông, Trung Quốc thực ra có nhiều quyền lợi hơn nhiều trong việc tránh xung đột ở trong khu vực hơn so với Mỹ. Thực sự, việc tránh xung đột quy mô lớn là một trong những điều quan trọng nhất trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn trong những năm gần đây bởi vì thiếu sự răn đe của Mỹ ở những vùng xám phân cách chiến tranh và hòa bình. Việc Bắc Kinh chuyên sử dụng những hoạt động nằm trong vùng xám cũng là minh chứng cho sự hữu dụng của những biện pháp răn đe hạt nhân và răn đe thông thường. Cách thức để tránh chiến tranh với Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải tuân theo luật quốc tế nằm ở cách tiếp cận song song hai hướng, bao gồm việc kết hợp khéo léo sức mạnh của những cây gậy với sức mạnh của các củ cà rốt, đồng thời vô hiệu hóa những điểm yếu của chúng.

Khi nghĩ đến các xung đột liên quan đến những hòn đảo này, chúng ta không thể chỉ tưởng tượng rằng Trung Quốc và Mỹ là những phe duy nhất có liên quan, một loạt những hành động và nhân tố khác cũng hiện diện, bao gồm trừng phạt, đàm phán, các nước trong khu vực, và xã hội dân sự quốc tế. Tình huống tốt nhất, tuy rằng tính khả thi của nó không cao trong tình hình ngoại giao hiện tại, là việc kết hợp tất cả những hành động nêu trên, vì nó sẽ có khả năng cao trong việc thuyết phục Trung Quốc tuân theo luật quốc tế, đặc biệt nếu nó được thực hiện thông qua một nỗ lực có phối hợp giữa Mỹ, các nước lớn khác như Nhật và Ấn Độ, và những nước trong khu vực như Philippines và Việt Nam.

Bình luận về những phát ngôn của Tillerson, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói rằng: “Nếu Mỹ muốn làm như vậy, họ có lực lượng để làm như thế, vậy để họ làm đi.” Một cách tiếp cận “cải bắp” nhầm ngăn sự tiếp cận của Trung Quốc đến bãi cạn Scarborough hay bãi Vành Khăn sẽ hợp pháp và hiệu quả hơn nếu nó bao gồm cả lực lượng tuần duyên Philippines và những tình nguyện viên là dân thường đến từ Philippines và những nước khác. Những quốc gia Đông Nam Á thường phòng bị nước đôi giữa Trung Quốc và Mỹ và thường nghiêng về phe nào mạnh hơn và có quan tâm đến họ hơn. Nếu chính phủ Trump tăng sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, cam kết bảo vệ Philippines ở mức độ tương tự như với Nhật và Hàn Quốc, và dừng việc chỉ trích chính sách đối nội của Manila, Mỹ có thể xoay chuyển được vị tổng thống có đầu óc thực dụng Rodrigo Duterte quay sang ủng hộ Mỹ.

Những trừng phạt có lựa chọn mục tiêu chống lại những công dân và công ty Trung Quốc có liên quan đến những dự án ở Biển Đông sẽ có hiệu quả hơn nếu chúng được hỗ trợ không chỉ bởi Mỹ mà còn bởi những nền kinh tế khác và các quốc gia khác. Với thành phần quốc doanh lớn, Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi những biện pháp trừng phạt có mục tiêu. Những dự án xây dựng và phát triển ở Biển Đông đã được nhiều công ty quốc doanh tham gia, và những công ty này cũng mong muốn được làm ăn ở nước ngoài. Nếu những lệnh trừng phạt được thiết kế một cách khôn ngoan, nó sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến những công ty như là CNOOC, công ty đã đưa một giàn khoan khổng lồ vào khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014; hãng hàng không China Southern Airlines và Hainan Airlines, những hãng có đường bay đến các hòn đảo nhân tạo; China Mobile, China Telecom, và China United Telecom, những công ty vận hành hệ thống viễn thông trên những hòn đảo tranh chấp, và Công  ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc, công ty đã nạo vét cát để xây các hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, qua đó tạo nên một động lực lớn từ bên trong Trung Quốc nhằm khuyến khích họ từ bỏ những yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông.

Ra tín hiệu sẵn sàng ngăn cản việc xây dựng đảo và hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận những hòn đảo giả này là phản ứng hợp lý nhất nếu Mỹ thực sự muốn khôi phục khả năng răn đe ở Biển Đông. Một phần của thất bại trong việc hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc xuất phát từ sự nhầm tưởng về một cuộc chiến sắp xảy đến chống lại Trung Quốc, điều làm cho việc sử dụng những biện pháp răn đe hữu lý trở nên bất khả thi. Điều này tạo nên một sự tự hạn chế không những không cần thiết mà còn là sai lầm nghiêm trọng về mặt chiến lược.

Alexander L. Vuving là giáo sư tại Trung tâm Daniel K. Inouye châu Á – Thái Bình Dương về Nghiên cứu An ninh. Quan điểm trong bài thể hiện ý kiến riêng của tác giả và không phản ánh quan điểm của chính phủ và các cơ quan thuộc chính phủ Hoa Kỳ.

Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế

Tìm Kiếm