Người Tìm Hiểu

CARL JUNG VÀ ‘KHỦNG HOẢNG TUỔI TRUNG NIÊN’

C) KHỦNG HOẢNG TUỔI TRUNG NIÊN

Từ ngữ ‘Khủng Hoảng Tuổi Trung Niên’ (Mid-Life Crisis) hiện nay rất thịnh hành, nhất là đối với những người đứng tuổi mỗi khi gặp vấn đề liên quan ít nhiều đến Nội Tâm. Chính bản thân Carl Jung cũng từng trải qua loại Khủng Hoảng tương tự và ông đã sử dụng mọi phương tiện sẵn có trong tay để giải quyết vấn đề Tâm Lý hệ trọng này, cho mình trước tiên, và sau đó như một kinh nghiệm bản thân nhằm giúp người khác, bệnh nhân của ông hay không, vượt qua thử thách nội tâm quan trọng này.

Riêng Jung, “sau khi mối liên hệ giữa ông và Freud đổ vỡ, Jung bị vướng mắc vào tình trạng ‘suy trầm tâm lý’ kéo dài mà sau này Jung đặt tên là‘khủng hoảng tuổi trung niên’. Lúc đó, ông đang ở tuối 39, rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp cũ cắt đứt liên hệ với ông, và Jung cũng thôi không giảng dạy tại Đại Học nữa.

Jung cảm thấy mất định hướng và có cảm tưởng đang bị treo lơ lửng giữa trời và không tìm ra con đường đời đích thực của mình nữa. Phản ứng tức thời là Jung xây lưng lại với thế giới bên ngoài một thời gian và rút lui vào thế giới Nội Tâm của mình. Ông bắt đầu quan tâm đến các Giấc Mơ và những gì kích thích trí Tưởng Tượng không những của riêng ông mà còn của các bệnh nhân nữa.

Thật sự Jung không hiểu tại sao các Bác Sĩ lại bị ‘ám ảnh’ với việc đưa ra các chẩn đoán bệnh lý ‘chắc bắp’ mà không có vẻ quan tâm đến những gì bệnh nhân nói với họ.

D) SỰ QUAN TRỌNG CỦA HUYỀN THOẠI

Carl Jung đã quan tâm từ lâu đến vai trò của Huyền Thoại. Trong thời gian làm việc tại bệnh viện Tâm Thần Burghõlzli tại Zũrich, ông bắt đầu ý thức được rằng các chủ đề kiểu Huyền Thoại thường xuất hiện trong các giấc mơ và sinh hoạt tưởng tượng của người Điên.

Cách suy nghĩ của khoa Trị Liệu Tâm Thần đương thời cho rằng người ta mang theo cái phần còn lại của mỗi ngày – tức những hình ảnh bắt nguồn từ các kinh nghiệm hàng ngày mà Ý Thức đã quên, nhưng vẫn còn được giữ lại trong phần Vô Thức.

Riêng Jung bắt đầu tự hỏi rằng con người có thể mang thêm cái phần còn lại ‘Cổ Xưa’ (archaic) hay không – tức những mảnh vụn làm bằng những hình ảnh, ấn tượng, cảm giác…..kế thừa theo di truyền từ các thế hệ ‘cha ông’. Từ đó, Jung bắt đầu xây dựng lý thuyết của mình về Vô Thức Cộng Thông (collective unconscious) và Linh Tượng hay Sơ Nguyên Tượng (archetype).

Jung tìm ra những Điển Tích được kể lại trong Huyền Thoại như điểm quy chiếu về những vị Anh Hùng đã phải trải một cuộc hành trình vào ‘biển cả và đêm tối’ với đầy hiểm nguy đang chờ đợi. Đôi khi, vị Anh Hùng phải bị một con quái vật ‘nuốt chửng’ trước khi hồi sinh lại trong vinh quang.

Ý tưởng ‘huyền thoại’ này rất phù hợp với trạng thái Nội Tâm của Jung lúc này. Thực vậy, vào thời điểm đó, Jung có cảm tưởng đang sống thường trực dưới sức ép của nội tâm, có khi mãnh liệt đến nỗi ông nghĩ là mình đang trong trạng thái ‘nhiễu loạn tâm thần’ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đồng thời Jung cũng nhận thấy rằng các giấc mơ và cảnh mộng đang tràn ngập thế giới nội tâm của mình, bằng cách này hay cách khác có thể được móc nối với các Ý Tưởng mà các Huyền Thoại đã diễn tả, làm thành nội dung của điều mà Jung gọi là khả năng của Trí Tưởng Tượng trong việc sáng tạo ra các Huyền Thoại.

Theo Jung, các ‘ý tưởng tưởng tượng’ đó ở đâu cũng có, nhưng chính yếu ở đợt Vô Thức, nhưng thường gây ra sợ hãi và ngờ vực cho nhiều người khi chúng xuất hiện ở đợt Ý Thức. Trong khi đắm mình trong thế giới Vô Thức như vậy, để tránh những nguy cơ có thể xảy đến, Jung ý thức rằng ở mặt khác, ông cần phải tiếp tục một đời sống bình thường trong thế giới thực tế được sử dụng như đối trọng lại với những lần ông‘du ngoạn’ vào thế giới nội tâm.

Gia đình và công việc đóng vai trò của những cái Neo nhắn nhở Jung rằng ông là một con người thực sự và tránh cho ông tình trạng hoàn toàn ‘mất chân đứng’. Jung đi đến quyết định rằng đàng nào, ông cũng phải làm chủ tình thế, và bắt đầu nghiên cứu về khủng hoảng của chính bản thân mình với tư cách là bệnh nhân và bác sĩ trong cùng một lúc. Jung cảm thấy lạc lối nếu không có một cái khung để quy chiếu vào. Do đó, ông nhìn xung quanh để tìm kiếm phương tiện nhằm lập biểu đồ cho cuộc hành trình của chính mình.

D) SÁNG TẠO TRONG TRÒ CHƠI

Jung cố nhớ lại tất cả các chi tiết của thời thơ ấu hầu cố tìm cho ra lý do có thể giải thích các nhiễu loạn tâm lý hiện tại của mình. Ông thực hiện điều trên hai lần, nhưng hình như không đi tới  đâu. Cuối cùng, Jung quyết định là sẽ tránh bớt óc phân tích và sẽ tuân theo các thôi thúc của chính Vô Thức của mình. Và điều này đã mang lại những kết quả đáng lưu ý.

Điều đầu tiên đến trong đầu Jung hình như là ký ức về một điều mà ông say mê khi mới mười tuổi. Jung đã dùng những cục đá và không ngừng xây nhà, lâu đài, thành quách và làng mạc. Khi ký ức trào vọt, Jung cảm thấy rất là xúc động và hưng phấn, và ông quyết định diễn lại giai đọan thơ ấu bằng cách miệt mài trong các trò chơi tượng tự. Lúc đầu, Jung cảm thấy tự ý thức được về mình, nhưng không lâu sau, ông nhận thấy đây là một cách thức tốt đẹp để thực sư trở lại tiếp cận với bản chất đích thực của mình vào lứa tuổi này.

Jung thu nhặt những cục đá phù hơp với mục tiêu của mình và bắt đầu xây. Jung xây nhiều mái nhà tranh, một lâu đài, một cái làng và một nhà thờ, nhưng ông do dự trong việc đặt một bàn thờ thật sự trong lòng nhà thờ. Rồi một ngày kia, khi đi dạo gần một cái hồ, ông kiếm ra được một cục đá nhỏ màu đỏ hình chóp với dáng hoàn hảo chiều cao cỡ 4 cm. Jung rất vui mừng vì biết đây là bàn thờ của nhà thờ của mình. Khi ông đặt vào đúng chỗ của nó, Jung chợt nhớ lại giấc mơ ông có hồi còn rất nhỏ tuổi về một ông Thần kỳ lạ ngồi trên ngai vàng của mình nằm dưới lòng đất qua hình ảnh của một cái Dương Vật. Jung cảm thấy cực kỳ thỏa mãn bởi điều này.

Từ đó, mỗi chiều, Jung bày trò chơi và chơi cho đến khi bệnh nhân đếnn , và sau đó tiếp tục chơi cho đến tối. Trong suốt cuộc đời còn lại, Jung sử dụng trò chơi sáng tạo loại này như là một phương tiện chữa trị vô giá.

Carl Jung  

(Còn tiếp)

(1) Ruth Berry, “Jung“, Hodder & Stoughton, London, England,2000, tr.19-22

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm