…..

CHÍNH TRỊ và VĂN HÓA

                                                                       Đông Lan

…..

IMG.611 Sức mạnh của Văn Hoá có thể ngụ ý trong câu nói truyền tụng rộng rãi trong chúng ta mà ai cũng còn nhớ là “ Người làm thầy thuốc mà sai lầm thì hại một mạng người. Người làm chính trị mà sai lầm thì hại một thế hệ. Người làm văn hoá mà sai lầm thì hại đến muôn đời”.

     Qua đó ta thấy  chính trị có tính nhất thời, văn hoá có tính lâu dài hơn,   ảnh hưởng của văn hoá vươn đến nhiều thế hệ. Nhìn trong lịch sử cổ kim, mỗi thời đại có những phong trào chính trị của từng thời đại ấy.Và chúng bị suy tàn ngay theo cá nhân hay tổ chức làm chính trị, cũng như nhanh chóng theo sự trôi chẩy chuyển biến của thời gian. Sự thay đổi về chính trị nhanh trong từng phút , từng giờ , từng ngày chứ đừng nói đến tháng, năm hay thời đại.  Chính trị tính đã nói lên cái sự giới hạn quá đỗi mong manh của nó so với chiều sâu của diễn tiến thời gian, chiều dài của lịch sử một dân tộc. Chính trị có thể ví như hoa phù dung của lịch sử, chóng hiện chóng tàn trong không gian và thời gian hạn hẹp. Văn Hoá như mây trời bao la, vượt thoát cái chật và hẹp của không gian, của hoàn cảnh địa lý và lịch sử. Cho nên người ta mới có câu văn vẻ rằng “ Văn hoá là cái gì còn lại”. Vâng. Văn hoá là cái gì còn lại. Vì văn hoá nói lên bản chất của các diễn biến hiện tượng. Văn hoá còn lại cái hay, cái đẹp, cái chất, cái lâu dài, trường cửu của con người . Theo giòng thời gian, các sự việc chính trị trôi nhanh, các biến cố lịch sử dù ồn ào cách mấy cũng phải bị vượt qua bởi các biến cố khác sôi động hơn. Xem lịch sử tả về các biến cố thì một thời đã có hàng bao ngàn các sự thay đổi về chính trị.   Nhưng về văn hoá suốt chiều dài 5000 năm lịch sử của dân tộc ta chỉ có vài luồng văn hoá chính . Vì văn hoá là cái mà lịch sử còn  lại.

 Ba nền văn hoá chính của 5000 năm lịch sử của ta là : Văn hoá Nho Giáo, văn hoá Phật Giáo, và gần đây là văn hoá Thiên Chúa Giáo. ( Cộng sản là tổ chức chính trị, dù có thuyết Marx, Lenin dẫn đường , nhưng không phải là văn hoá, cho nên, nó chỉ tồn tại trong dân tộc ta từ 1930 đến ngày hôm nay 2009, mới chỉ 79 năm mà sự tẩy chay của dân tộc Việt đã lên đến cực độ. Việc nó bị vĩnh viễn loại bỏ khỏi cơ thể Việt vì dị ứng với dân tộc tính là việc của năm và tháng  mà thôi. Cũng như nó chỉ sống với Liên Bang Sô Viết  72 năm (1917-1989) rồi ra đi nhẹ nhàng như một người bệnh nặng  trút hơi thở cuối  là chuyện đương nhiên không tránh khỏi. Cách trút hơi cuối của mỗi con bệnh Cộng sản của mỗi cơ thể bệnh nhân khác nhau và đó là hậu quả tất nhiên của chính trị. Mà lại còn là chính trị bá đạo nữa thì vì sự sống, sự trường tồn của bất cứ dân tộc nào, họ không để yên cho con bệnh hoành hành. Bản năng sinh tồn của loài người, của chủng tộc, của sắc dân là nguyên động lực, là cứu cánh , là phương tiện sa thải độc tố , vi trùng, bệnh hoạn. Sự non yểu của lý thuyết và chế độ Cộng Sản trong lịch sử loài người và dân tộc  chỉ là sự tự nhiên như lề luật sống mà thôi). Trở lại với ba dòng văn hoá chính của dân tộc Việt là Nho, Phật, Chúa, đó là cái mà người ta còn gọi là Còn Lại sau bao thăng trầm lịch sử. Nho và Phật đã chứng minh sức mạnh của Văn Hoá trong hàng ngàn năm . Còn Thiên Chúa Giáo mới chỉ góp mặt khiêm nhường trong lịch sử Việt mới vài thế kỷ, từ thế kỷ 17 mà thôi. Sự hiện diện này còn trong những nghi vấn, vì những cách thái xuất hiện của nó đồng hành với bước chân của thực dân Pháp. Đó là một vấn nạn lớn mà  những nhà viết sử chân thực, nhà văn hoá chính danh, và nhất là  lương tri trong sáng của dân tộc sẽ thẩm định.  Tuy nhiên  các nỗ lực của các công trình đưa tư duy tôn giáo tiệm cận với dòng Văn Hoá Dân Tộc –  nếu có – sẽ được sáng tỏ trân trọng theo thời gian cùng với sự thẩm định trên, vì lịch sử vẫn còn mới mẻ: Ba trăm năm có là bao so với 5000 năm của hành trình Lạc Việt.

Hành Trình Lạc Việt! Ôi quá đỗi đau thương, bước chân Dân Tộc. Thật ra dân tộc Việt còn khởi đầu lâu đời hơn, xa xưa hơn 5000 năm ấy.Câu chuyện truyền tụng về nguồn gốc dân tộc thuở vua Hùng dựng nứơc tính cho đến nay là đúng 4888 năm. Câu chuyện dựng nước ấy có hai tính chất chủ yếu  về mặt Lịch Sử, Điạ Lý Việt và về mặt Minh Triết Việt. Về tính chất thông tin lịch sử, nên nhớ rằng vào thời đại chưa có chữ viết, cách Truyền Miệng là cách Duy Nhất , tài tình nhất cuả Tổ Tiên ta để con cháu nòi giống Việt biết được ngọn nguồn xuất phát của mình, cõi bờ đất nước mình( Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc giáp Động Đình Hồ, Nam đến nước Hồ Tôn -Chiêm thành sau này-).  Nhất là sự gian truân của  hành trình một dân tộc quyết chiến đấu để dành lại Ý NGHĨA  của sự sống, trong sự  TỒN SINH với BẢN SẮC ( như muôn một : đánh cho để tóc dài, đánh cho để răng đen!) trong cái khắc nghiệt của định mạng địa lý và lịch sử. Trong câu chuyện lủng củng các việc của nguồn gốc hai ông bà Âu Cơ và Lạc Long Quân, ta thấy nơi đây là việc NHẬP NHẰNG của hai miền NAM và BẮC . Đế Minh đi tuần thú phương Nam và đó là nguồn gốc dân Việt. Như vậy ý nghĩa Đế Minh đi tuần thú phương Nam có thể là về Lịch sử, khi đoàn du mục người Hán phía Tây Bắc  đến đất của Bách Việt phương Nam, thâu nhận  Văn Hoá phương Nam làm văn hoá của Hán, chiếm đất, đồng hoá dân Việt,  làm  dân Bách Việt phải di chuyển xuống phía Nam hơn. Điều này trùng hợp  khi Khổng Tử ( 551-479 trước Tây lịch) san định  Ngũ Kinh ( Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc) cứ lập lại câu “ Ta không sáng tác, ta chỉ học đạo người xưa”( Luận Ngữ, Thuật nhi “ Ngô thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ”). Như vây, “người xưa” mà Khổng Tử nói ở đây là người Bách Việt xưa làm chủ suốt một vùng mông mênh Nam Hoàng Hà đến bờ Thái Bình Dương. Cũng cần nhắc thêm ở đây là Lạc Việt  là chi nhánh chính của Bách Việt, gồm nhiều bộ tộc như: Mân Việt, U Việt, Đông Việt, Nam Việt, Lạc Việt…Tất cả CHUNG MỘT NỀN VĂN HÓA , điển hình nhất là HUYỀN THOẠI MANG NÉT LƯỠNG HỢP .Câu chuyện CON RỒNG CHÁU TIÊN  của Lạc Việt là một đại biểu chói chang nhất.  Thêm một việc nữa, là Khổng tử còn tuyên bố một câu rõ ràng: “ Ta theo đạo quân tử của người Phương Nam”.  Tử Lộ ( một học trò của Khổng Tử) hỏi về sức mạnh, Khổng Tử đáp “ Cái sức mạnh nào? Sức mạnh của người Phương Nam?  Sức mạnh của người Phương Bắc ? Hay sức  mạnh của  chính ngươi ?  Cái Sức Mạnh  của Người Phương Nam là : Khoan Hoà, Nhu Thuận, Trọng Văn Hoá hơn Võ lực,  Giáo Dục hơn Hình Phạt, Lòng Nhân Ái, Tha Thứ cho người hối lỗi. Ta theo cái đạo Quân Tử của Phương Nam. Còn sức mạnh của người Phương Bắc là: Ưa thích việc đao binh, khi ngủ cũng đeo gươm mặc giáp, vào chỗ chết cũng không sợ. Hạng võ dũng theo sức mạnh ấy”. ( Trung Dung 10, Tử Lộ vấn cường.  Tử viết : Nam Phương chi cường dư? Bắc Phương chi cường dư? Ức nhi cường dư? Khoan Nhu Dĩ Giáo, Bất Báo Vô Đạo: Nam Phương Chi Cường Dã, Quân Tử Cư Chi. Nhẫm kim cách, tử nhi bất yếm: Bắc Phương chi cường giã, nhi cường giả cư chi”).

Thêm nữa, các Thánh nhân  mà Khổng Tử noi theo như Vua Nghiêu, Thuấn, Văn, Vũ thì vua Thuấn và Văn Vương  đều thuộc Tứ Di, mà Tứ Di là Bách Việt. “ Khổng Tử thuật lại đạo của ông tổ là Nghiêu, Thuấn. Hiến chương lấy của vua Văn, Vũ”( Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn, Vũ – Trung Dung 30.). Sách Mạnh Tử còn nói rõ nguồn gốc Tứ Di của các vị vua hoàng kim thời đại mà Khổng Tử tôn thờ:’ Vua Thuấn sinh ra ở đất Chư Phùng, về sau dời đến đất Phụ  Hạ và mất ở đất Minh Điều. Ấy là người Man Di ở phía Đông vậy. Vua Văn Vương sinh ra ở đất Kỳ Châu, mất ở Tất Dĩnh. Ấy là người Man Di phía Tây vậy.”( Thuấn sinh ư Chư Phùng , thiên ư Phụ Hạ, tốt ư Minh Điều: Đông Di chi nhân dã. Văn Vương sinh ư Kỳ Châu, tốt ư Tất Dĩnh, Tây Di chi nhân dã..- Mạnh Tử, Ly Lâu Hạ).

Khổng Tử là một người trung thực. Sống trong xã hội không có gốc rễ văn hóa chân truyền, mà  khi soạn kinh sách làm nền tảng tư tưởng cho dân tộc của ông, ông không dám mạo nhận nền tư tưởng, văn hoá mà ông thuật lại là của cá nhân mình, dòng tộc mình, ngay cả chủng tộc mình. Thời nhà CHU là thời mà Khổng Tử san định sách,  chính xác hơn là Ngũ Kinh  được Khổng tử san định chỉ vào khoảng 500 năm trước Tây lịch , thời nhà Chu mà Khổng Tử đề cao chỉ  là từ năm 1122 trước Tây lịch. Truyện Con Rồng Cháu Tiên đã nói rõ quá trình lui về phương Nam của Việt Tộc là năm 2879 trước Tây lịch. Như thế cứ theo niên đại trên,  gần 500 năm trước Tây lịch,  Khổng Tử học hỏi văn hoá phương Nam của Bách Việt, thì  Minh Triết Việt , mà Lạc Việt, Tổ Tiên của dân tộc Việt Nam chúng ta ngày nay, đã phổ truyền  đã có cả 1757 năm trước nhà Chu của Hán tộc rồi. Văn Hoá của Bộ Tộc Lạc Việt  có những điểm  nền tảng  chung với Đại Tộc Bách Việt như đã khái lược ở trên, nên Khổng Tử KHÔNG CẦN phải chu du xuống tận địa bàn Lạc Việt mới hấp thụ được. Các học giả uy tín quốc tế cũng nhìn nhận những yếu tố văn hoá chung của các tộc Bách Việt nên sắp chung vào một khối gọi là “ những bộ tộc Việt”( Yue tribes ), tức là Bách Việt, để phân biệt với sắc tộc Hán từ Tây Bắc gốc du mục đến địa bàn Nam Hoàng Hà của dân Bách Việt. Về lịch sử Tàu thì chỉ bắt đầu từ ba nhà: Hạ, Thương, Chu, với địa bàn nhỏ hẹp, quanh quẩn vài bộ lạc bên sông Hoàng Hà. Theo Kim Định( Hùng Việt Sử Ca, trang 60) trong quyển Chine Esprit et Société, Speiser cho là đời nhà Thương nước Tàu mới rộng 120.000 Km2 ( 400×300), tức là còn nhỏ hơn Bắc Việt (164.000Km2). Ngoài ra, nhiều học giả thế giới còn nghi ngờ không công nhận nhà Hạ, chỉ nhận nhà THƯƠNG (1766-1154 trước T.L) mới thực có chứng cớ về sự bắt đầu thành lập xã hội của sắc dân  Tây Bắc Hán tộc gốc du mục. Còn nếu rộng rãi hơn, cho rằng Trung Hoa bắt đầu thời nhà Hạ thì nhà Hạ cũng mới chỉ từ 2205-1766 trước Tây lịch, nhà Hạ còn sau thời Hùng Vương 674 năm, sau thời phổ truyền của nền Minh Triết  Lạc Việt của Con Rồng Cháu Tiên. Minh Triết  này đã trình bày trong nhiều bài khác. Chỉ xin tóm tắt là cái biểu tượng chính của Minh Triết Việt nằm ngay trong HAI LINH TƯỢNG TIÊN và RỒNG. Có nghĩa rằng Tổ Tiên chúng ta đã tìm ra Chân Lý mà cũng là Đạo Sống là thực hiện một chữ HOÀ , Hoà Rồng với Tiên. Rồng Tiên  chia ly  là tâm thức con người còn đang ở giai đoạn  ban đầu sơ đẳng, giai đoạn vừa mới thoát ra khỏi cái trình độ tâm thức cá nhân, tiểu trí, giai đoạn  phát triển lý trí  để sinh tồn cách hạ đẳng.  Nhưng Truyện Tiên Rồng có một đoạn kết là chìa khoá mở cho trình độ cao hơn của con người. Tiên và Rồng cuối cùng hẹn gặp nhau ở “ Cánh Đồng Tương”, là đề cao Tâm Linh là giai đoạn cuối của hành trình Tâm Thức , con người đạt chữ Tâm, đạt đạo Hoà. Lý trí được phát triển dùng để sinh tồn cấp thấp, nhưng sống có Tâm Linh mới làm siêu việt cuộc đời, làm gia tăng giá trị của Phẩm Chất Người.  Tóm lại Minh Triết Việt chính là nghệ thuật  xử dụng chữ HÒA để  người Việt được sống với trí tuệ  sáng suốt, có một cảm quan toàn diện, giải quyết được các cặp mâu thuẫn trong chính mình và trong các mối tương quan giữa mình và tha nhân cũng như vũ trụ, thiên nhiên, vạn vật. Do đó, thực hiện  Minh Triết Hoà Tiên (Tâm Linh) với Rồng ( vật thể) này, con người sẽ sống trong thanh bình và hạnh phúc. Với trình độ Tâm Thức Lưỡng Hợp, Tổ tiên ta mới biết chọn cả HAI biểu tượng TIÊN –RỒNG làm biểu tượng của dòng giống.  Điều này khác hẳn tất cả  các dân tộc khác, thường với trình độ tâm thức phiến diện, chỉ chọn duy có MỘT biểu tượng cho họ như : Ấn Độ chọn con Voi, Pháp con Gà, Mỹ con Ó, Anh con Sư Tử. Tàu con Hổ sau  đổi là Rồng.  Như thế mặc dù trong lãnh vực Văn Hoá, Khổng Tử  có công thu nhặt các Văn Hoá Bản Địa mà “ Làm Màu” cho Văn hoá Hán tộc, nhưng vì “Cái nết đánh chết không chừa” nên cái gốc tích “ Du Mục” vẫn thấy khắp các sinh hoạt xã hội Hán, từ ngay việc chỉ biết nhận MỘT vật làm biểu tượng cho dân tộc . Huống chi trong Tứ Thư Ngũ Kinh còn nhiều PHA TRỘN của DU MỤC TÍNH với NÔNG NGHIỆP TÍNH. Điều QUAN TRỌNG này ít học giả nhận ra, chỉ từ khi có cái nhìn quán triệt về hai nền văn hoá nông nghiệp và du mục trên dòng lịch sử Việt tộc và Hán tộc, Triết Gia Kim Định mới khám phá ra được sự  sa đọa ấy trong Tứ Thư Ngũ Kinh.

     Thêm nữa, khi nghiên cứu sâu xa nền Văn Hoá nước nhà, chỉ có thiên tài Kim Định mới phân tích được LIỀU LƯỢNG của sự pha trộn phức tạp ấy. Có nghĩa rằng  tìm ra được yếu tố quyết định,  tính chất NỀN MÓNG của Bách Việt trong sự xây dựng Nho Giáo Nguyên Thuỷ.  Thuyết Việt Nho càng xác tín hơn  khi khám phá ra rằng chính trong ĐỜI SỐNG ĐẠI ĐA SỐ NGƯỜI VIỆT, điển hình nơi Đời Sống LÀNG QUÊ VIỆT  mới  THỂ HIỆN Tinh Thần Nho Giáo cao độ.( địa vị phụ nữ cao, bình sản, trọng tình hơn lý, nặng tục lệ hơn pháp luật). Ngược lai, đời sống dân TRUNG HOA lại NGƯỢC LẠI LÝ TƯỞNG TỨ THƯ NGŨ KINH.( những triều đại chính của Tàu lại phá đổ Nho mạnh nhất. Nhà Chu tận diệt sách của nhà Thương, nhà Tần đốt sách chôn Nho sĩ, Hán Cao Tổ khinh thường giá trị của Nho, Hán Vũ Đế nguỵ tạo kinh sách Nho. Về sau này nhà Hán tuy công nhận Nho nhưng vẫn còn lưu lại hai yếu tố xuất phát từ tinh thần du mục Tây Bắc là hoạn quan và pháp hình ). Bởi những pha trộn phức tạp của văn hoá nông nghiệp bản địa và văn hoá du mục ( thiên tử, hoạn quan, pháp hình, khinh phụ nữ, tập trung tài sản nơi nhà vua), nên Nho giáo bị Hán tộc làm sa đoạ, và người sau khó nắm bắt được cái nhất quán của Nho Nguyên Thuỷ- Việt Nho. Triết Gia Kim Định viết một câu cảm động “ Chỉ có người chủ cũ của Nho mới nhận diện được Nho” ( Dịch Kinh Linh Thể).

     Và thế là xuyên qua công trình nghiên cứu sâu xa, các nền văn hoá của các Bộ tộc nơi Hòang Hà, Dương Tử,  Hồng Hà trong toàn cảnh của lịch sử và địa lý Đông Nam Á , xử dụng các tài liệu khoa học tân tiến nhất về thực nghiệm và nhân văn, như  các ngành khảo cổ, di truyền, dân tộc, cơ cấu, phân tâm …với phương pháp tư duy hệ thống ( systems thinking) thuyết  Việt Nho đã tìm được lời giải thích tất cả những sự mù mờ, nhập nhằng ,vấn nạn, mâu thuẫn  trong Tứ Thư Ngũ Kinh cũng như trong khác biệt về đời sống Tàu và Việt.

     Truyện con Rồng Cháu Tiên về mặt Minh Triết đã xuất hiện trước Dịch Lý. Rồng Tiên là Minh Triết của Huyền Thoại Việt, truyền từ  2879 trước Tây lịch. Chỉ 500 năm trước tây lịch,  Khổng Tử mới san định kinh sách cổ, thuật lại , công thức hoá và thế là hệ thống triết lý âm dương thành hình. Về NGUYÊN LÝ, RỒNG TIÊN và ÂM DƯƠNG là MỘT. Đó là nhận thức về thế giới toàn diện và chân thật, loại nhận thức  HAI CHIỀU , MÂU THUẪN mà HÒA HỢP. Rồng – Tiên, Âm – Dương là những từ để diễn tả hai mặt của Chân Lý Toàn Diện mà thôi. Vì Đạo là Đạo của Việt, nên dù bị cướp đất, pha chế nhập nhằng làm biến dạng đi cái Đạo Nho  Nguyên thuỷ, người Việt vẫn Sống Đạo, nên KHÔNG mất đạo. Đó là LÝ  DO đời sống LÀNG QUÊ VIỆT có nhiều sắc thái Dân Chủ, Nhân Chủ, Bình Đẳng, Nhân Đạo, Tôn trọng Phụ nữ, Quân Bình Tài Sản, tính Cộng Đồng cao. ( Xem “ An Vi Trong Đời Sống Làng Quê” -Yêu Mến An Vi) .Những Tính chất này là LÝ TƯỞNG của Tứ Thư Ngũ Kinh, đời sống Làng Quê Việt là THỂ HIỆN những giá trị căn bản ấy. Ngược lại, đời sống xã hội Tàu từ dân quê đến triều đình vua quan KHÔNG phản ánh được tinh thần NHO THẬT SỰ. Bản chất du mục săn bắt thú vật,  hung dữ, trọng sức mạnh, võ lực   đã là nguyên nhân các  cuộc  xâm chiếm đất, đồng hoá, tiêu diệt các bộ tộc Bách Việt nông nghiệp hiền hoà. Là nguyên nhân đời sống dân Tàu khinh phụ nữ, chôn sống người, hoạn người…Ta thử xem các hình luật của Tàu so với  luật  của Việt, lễ nghi nơi triều đình đến các sinh hoạt thôn quê thì mới rõ sự khác biệt sâu xa. Nhưng cũng chính từ những đau thương của đại tộc Việt, dân tộc LẠC VIỆT, Tổ Tiên của người Việt Nam chúng ta, đã đi trên HÀNH TRÌNH CỦA CHÍNH MÌNH. Như một định mệnh, ta có tên là VIỆT . Như một sứ mạng nhiệm mầu cho tương lai PHỤC VIỆT, Lạc Việt là chi nhánh DUY NHẤT của đại tộc Bách Việt đã  tránh được nạn đồng hoá thảm khốc của người Hán. Cho nên cứ thế , ta vượt lên, vượt qua bao đau thương, gian truân mà sống ĐẠO VIỆT. Đạo lấy chữ NHU làm gốc, lấy chữ HOÀ làm nền.

     Cho nên, Nho của ta là Nho Nguyên Thuỷ chưa bị các yếu tố du mục của Hán tộc pha trộn, làm sai lạc, sa đoạ. Những sử kiện như nhà Tần đốt sách chôn nho sĩ, nhà Hán xuyên tạc kinh văn , Hán Vũ Đế sai Lưu Hâm làm ngụy kinh của cổ nhân  trong thư viện Thạch Cừ ở triều đình …khiến cho chính sau này các học giả cũng khó khăn khi muốn tìm hiểu Nho chân thực. Để PHÂN BIỆT cho con cháu sau này nhận rõ ra được sự GIAN LẬN của Hán tộc, Tổ Tiên ta đã gửi gấm uẩn ức này trong câu truyện Trọng Thuỷ Mỵ Châu. Trọng Thuỷ ăn cắp , đánh tráo NỎ THẦN của Việt Tộc, chính là  việc Hán tộc  thâu nhận chiếm hữu lấy của người làm của mình cái nền Văn Hoá NHU THUẬN của Phương Nam mà sau này Khổng Tử đã chân thành ngưõng vọng mà xây lên lâu đài văn hoá đồ sộ cho dân tộc ông.

     Mấy ngàn năm sau, Lạc Việt mới đủ cơ duyên cho một vị chân nhân. Một VIỆT TỬ CHÍNH DANH, từ những năm 1960 đã lên đường tìm được dấu chỉ của Việt Tộc, khai quật mồ quá khứ  hàng chục ngàn năm ưu uất , gọi là VIỆT NHO.

Việt Nho là Hoạ đồ cuả Lịch Sử và Văn Hoá Cổ Việt. Là đường về Cội Nguồn Văn Hoá và Văn Minh của Đại Tộc Bách Việt, thời còn làm chủ cả một miền Nam Hoàng Hà đến bờ Thái Bình Dương . Thời mà hiện nay các nhà khoa học về các ngành Nhân Chủng, Khảo Cổ, Hải Dương, Di Truyền…  đang say mê nghiên cứu, công bố những kết quả bất ngờ làm đảo lộn niềm tin và tư duy của học giới. Thật thế, KHOA HỌC ĐÃ ĐI SAU TRỰC GIÁC , chỉ chứng minh thêm Trí Tuệ bao trùm và sắc bén của một Triết Gia Việt . Mấy chục năm sau, bằng những phương tiện khoa học tối tân, những công trình của Solheim, Oppenheimer…tiết lộ một nền văn minh của Đại Tộc Bách Việt  bị bỏ quên, bị  chiếm đoạt. Họ còn lập thuyết  rằng Tổ Tiên Việt Tộc đã khai sáng ra Văn Minh Đông Nam Á, là cái Nôi của Văn Minh Nhân Loại. Trước những khám phá và công bố “ động trời” ấy,  trước những áp lực về sự thật lịch sử  làm chính quyền Trung quốc phải nhìn nhận sự sai lầm của các sách sử của họ khi viết về văn minh Tàu. Họ đã phủ nhận quyền Sử nổi tiếng bậc nhất của Tàu là quyển “ Sử Ký” của Tư Mã Thiên, và nhìn nhận có  nền văn hoá  của các chủng tộc Việt trước khi dân Tàu xuất hiện( tờ Beijing Review, ấn bản tuần lễ từ 23-29 tháng 3/1998, mục Culture/Science, trang 31) Như thế việc Tứ Thư Ngũ Kinh không còn thuộc duy nhất chỉ một Tàu là tác giả, là một hệ luận đương nhiên của sự thú nhận chính thức trên. Như vậy, thuyết VIỆT NHO đã có KHOA HỌC kiện chứng thêm nữa, và Việt Nho đang trong tiến trình thuận lợi nhất để dành lại CHỦ QUYỀN VĂN HOÁ cho Việt Tộc.

     Trung Quốc hiện nay đang trên đường bành trướng kinh tế và chính trị như mọi người đều biết. Họ đang khôi phục lại văn hoá xưa của họ, Nho Giáo, để bù đắp cho cái lầm lỡ chí tử đã chạy theo Cộng Sản làm trì trệ quốc gia họ về mọi mặt. Họ trở về với Nho giáo lần này cũng không khác gì việc họ thâu hoá, pha chế Nho giáo Nguyên Thuỷ khi xưa, cũng như Hán Vũ Đế phát triển Nho Giáo để củng cố sự cai trị của triều đại, làm sa đoạ cái lý tưởng thật sự của Nho.  Trung Quốc một lần nữa, theo chân tổ tiên họ, dùng Văn Hoá làm phương tiện để bành trướng  ảnh hưởng, quyền lực mà thôi. Nhưng lần này, trước khám phá của Khoa học, họ miễn cưỡng thú nhận những điều bất lợi cho ảnh hưởng của văn hoá Hán tộc,  vô ý mà tạo điều kiện cho Việt Tộc dành lại chủ quyền danh dự  về Nho Giáo. Trên phương diện Khảo Cổ, Khoa học, đến chính trị gần đây nhất…Trung Quốc đang lúng túng với thế giới về quá trình không mấy văn minh, văn hoá từ thời lập quốc của tổ tiên họ.Việc họ mở các học viện Khổng Tử chỉ là cái thế mạnh của một kẻ gian mà thôi. Và là  một con dao hai lưỡi. Có thể nhân cơ hội này, chúng ta có thêm dịp thấy cái Mỹ Lợi của định mệnh , của nghịch cảnh.

Khi một sớm năm xưa, có một người Linh Mục trẻ đã âm thầm rời bỏ quê hương  để đi tìm một quê hương ngàn đời bất diệt. Cho chúng ta hôm nay. Và mai sau. Một đại lộ Văn Hoá thênh thang những tự hào: AN VI và VIỆT NHO của Dân Tộc.

VIỆT NHO THEO KIM ĐỊNH LÀ NHO TRƯỚC THỜI KHỔNG TỬ. Chính Khổng Tử mới “ Công Thức Hoá” Việt Nho thành Ngũ Kinh và cứ thế truyền lưu cho đến thời Hán thì nhà Hán sử dụng Nho Giáo trong chính trị phong kiến, làm xa dần yếu tính Nhân Bản của Nho Chân Thực – Việt Nho, tức là Nho Nguyên Thuỷ.

     Vì phải bị nạn đồng hoá tàn khốc của người Hán hàng ngàn năm, sử sách bị tiêu hủy , tài liệu thì toàn căn cứ  theo sử Tàu, Tây, nên sự thật lịch sử bị vùi lấp, nên ai cũng ngộ nhận Nho là của Tàu. Bao năm tủi hờn phải chịu tiếng học Nho vay mượn, nay nhờ có Khám Phá Việt Nho và lại có Khoa Học kiện chứng, ta thêm tự tin – điều kiện tinh thần làm động lực vươn lên – về quyền làm chủ Văn Hoá mình.  Nếu ai là người Việt yêu văn hoá Việt thật lòng, thì  theo cảm nhận bình thường, cũng có niềm  hãnh diện  dù chưa có dịp  tìm hiểu để tăng thêm lòng tự hào Việt Tộc . Chưa xác tín Việt Nho, mà xưa kia, tổ tiên ta tuy học theo Nho về Văn hoá, còn về chính trị, khi bị xâm lăng, ta vẫn đánh Tàu không còn manh giáp. Huống chi ngày nay, thêm Việt Nho, ta lại càng thêm một sức mạnh tinh thần, vũ khí tư tưởng chống xâm lăng. Nhất là khôi phục niềm TỰ HÀO CHÂN  CHÍNH về Nguồn Gốc và Văn Hóa của dân tộc- Một vấn đề tối quan trọng để THỐNG NHẤT lòng người Việt muôn nơi giữa cơn phân tán này, trong bao vong thân vì thực dân và cộng sản.  Ai là người Việt mà không còn nhớ  việc  Tổ Tiên ta đánh Tàu nhưng vẫn theo Nho, thực hiện Nho. Vì chính trong Nho, ta phát huy thêm lòng yêu người, yêu đất nước, yêu độc lập, tự do. Nhân nghĩa lễ trí tín, linh hồn của Nho Giáo, hun đúc tình tự dân tộc, sức mạnh và ý chí sống trong danh dự của con người: KHÔNG CHẤP NHẬN NÔ LỆ, ĐỒNG HOÁ. Nhớ câu tiết nghĩa “ THÀ LÀM QUỶ NƯỚC NAM CÒN HƠN LÀM VƯƠNG ĐẤT BẮC” của Nho Sĩ Trần Bình Trọng khi bị sa vào tay giặc Tàu . Và suốt bao ngàn năm lịch sử, hàng bao thời đại, các nho gia, hiền nhân quân tử đã hy sinh thân mình chống giặc giữ nước.  Những triều đại chống Tàu nhiều nhất lại xây dựng Nho nhiều nhất: Hãy xem lại lịch sử nhà Lê với Nho Sĩ Nguyễn Trãi “ Bình Ngô Đại Cáo”, với vua Lê Thánh Tôn thực hiện đạo Nho, làm cho dân giầu nước mạnh, văn hoá nhân đạo uy danh một phuơng Nam. Mà tính chất Nhân Bản của Bộ luật Hồng Đức 1483  còn đi trước Hiến Chương về Nhân Quyền  của Liên Hiệp Quốc 1948 cả đến gần 500 năm, và được các thức giả quốc tế ngày nay ca ngợi. Tổ Tiên ta Học Nho và Đánh Tàu xong rồi lại quay về nghiền ngẫm Tứ Thư Ngũ Kinh là thái độ của dân tộc có Văn Hiến, vượt qua  cái nhìn giới hạn của không thời để vươn lên sống với  Chân Thiện Mỹ bao la trường cửu của Văn Hoá.

     Theo đúng lý tưởng Chính Danh, Danh phải đi đôi với Thực, từ phải chở nổi ý, thì làm chính trị là việc làm “ NGAY CHÍNH ” lại mọi sự còn nghiêng lệch ở đời ( Chính giả, Chính dã) . Nếu như thế thì chính trị là việc làm có ý nghĩa cao đẹp, phục vụ sự thật, lẽ phải, cùng giúp nhau xây dựng một đời sống thiện mỹ hơn. Đó là khi mà Chính Trị còn nền tảng Văn Hoá làm điểm tựa, chính trị được móc nối với Nhân Đạo, với các giá trị bền vững của Dân Tộc.   Trên thực tế, lý tưởng đã khó thực hiện. Mà lại còn vì cuộc sống văn minh lý trí  khiến con người vụ lợi thì nhiều mà vì Nghĩa  thì ít. Nhiều khi người làm chính trị mải mê chạy theo trào lưu, quyền lợi nhất thời, dùng mọi cách để mị dân chứ không còn mục đích hướng dẫn nhau theo chiều hướng  chân chính nữa.

     Nhưng nếu trở về với Chính Danh, thì Chính  Trị cũng là một phương tiện để thực hiện các giá trị trường cửu như Văn Hoá. Việc chống bạo quyền và xâm lăng đồng hành với việc nghiên cứu Việt Nho- Một nền tảng của năm ngàn năm Văn Hiến, mà người Việt chúng ta vẫn tự hào.

Đông Lan

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm