Lê Việt Thường

PHẦN NĂMCƠ CẤU LUẬN VÀ CÁC TRÀO LƯU VĂN HÓA KHÁC

A) “CƠ CẤU” HAY “HẬU CƠ CẤU” ?

Về phương diện đi tìm CÁI MỚI, mặc dầu Tây Phương đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về phương diện Văn Hóa, nhưng vào thời điểm này, họ còn lãnh đạo Văn Minh Nhân Loại, nên họ vẫn có khả năng thử nghiệm nhiều phương tiện, lý thuyết khác nhau để thử tìm giải pháp cho các khó khăn của họ. Cơ Cấu luận là một trong những thử nghiệm nêu trên, kéo theo nhiều thử nghiệm khác với các danh xưng như Hậu Cơ Cấu (Post- Structuralism), Giải Cấu (Deconstruction), Hiện Đại (Modernism), Hậu Hiện Đại (Post-Modernism)…vvv…

Tuy nhiên, sự phân biệt các danh xưng nêu trên có tính cách tương đối và tỏ ra khá phức tạp trong thực tế. Lấy thí dụ Roland Barthes: có vẻ mọi người đều đồng ý là giai đoạn ‘Mythologies’ trong đời ông có tính chất ‘Cơ Cấu”(Structuraliste) , vì các bài báo mà ông viết vào thời kỳ này dựa trên ‘lý thuyết về Ký Hiệu’ của Ferdinand de Saussure bao gồm quan hệ giữa cái ‘diễn tả'(signifiant) và cái ‘được diễn tả’ (signifié).

Nhưng với tác phẩm ‘la Mort de l’Auteur’ thì có sự bất đồng ý kiến giữa các nhà phê bình về danh xưng. Có người gán cho ông danh xưng ‘Hậu Cơ Cấu’ vì cho rằng ông đã vượt qua các ước lệ nhằm lượng định hóa văn học. Người khác lại không đồng ý và chỉ đặt tác phẩm trên vào giai đoạn chuyển tiếp mà thôi vì theo họ, vai trò ‘tác giả’ đã mất hết ý nghĩa ngay với Cơ Cấu luận rồi!

Đối với Michel Foucault cũng vậy, với tác phẩm ‘les Mots et les Choses’, ông được liệt kê vào trào lưu Cơ Cấu. Nhưng có nhà phê bình lại gán cho ông danh xưng ‘Hậu Cơ Cấu'(Post-Structuraliste) , mà ông từ chối có lẽ vì Hậu Cơ Cấu luận chú trọng tới cái ‘diễn đạt'(signifiant) còn hơn cả Cơ Cấu luận trong khi Foucault lại tuyên bố là ông không chủ trương áp dụng các nguyên tắc của chủ nghĩa Hình Thức (Formalisme) vào các tác phẩm của mình. Foucault còn bị gán cả danh xưng ‘Hậu Hiện Đại’ nữa có lẽ vì lý do ông từ khước các giá trị của nền triết lý gắn liền với thế kỷ Ánh Sáng chăng?

B) HIỆN ĐẠI HAY HẬU HIỆN ĐẠI ?

Vấn đề các danh xưng ‘Hiện Đại'(Modern) và ‘Hậu Hiện Đại’ (Post-modern) lại còn phức tạp hơn nữa vì có vô số ý nghĩa gắn liền với hai nhóm chữ  này, cũng như có một mối liên hệ mật thiết giữa hai danh xưng nêu trên. Có người cho đó là hai trào lưu khác nhau, chống đối hay bổ túc tùy theo quan điểm. Nhưng lại có người bảo chỉ là hai sắc thái của một phong trào mà thôi.

1) TRÀO LƯU HIỆN ĐẠI

Một cách khái quát, HIỆN ĐẠI (Modernism) là một trào lưu bao gồm nhiều khuynh hướng, trường phái trong các lãnh vực Nghệ Thuật, Văn Học, Kiến Trúc…vvv…xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Phong trào này tin tưởng vào khả năng của con người trong việc tạo dựng, cải thiện, tái phối trí môi trường sinh sống của mình.

Nhằm đạt mục tiêu trên, phong trào chủ trương là phải tái thẩm định tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống để tìm xem những nguyên nhân nào gây cản trở sự Tiến Bộ, nhằm tìm ra phương thức chữa trị hầu đạt được mục tiêu mong muốn.

Một khuynh hướng của phong trào bắt nguồn từ Tư Tưởng của thế kỷ ÁNH SÁNG nhấn mạnh đến vai trò của Lý Trí, Khoa Học, Kỹ Thuật như phương tiện chính yếu cần thiết cho sự TIẾN BỘ. Duy Lý, Duy Vật, Duy Kiện là ba đặc tính của Triết Lý làm nền tảng cho khuynh hướng này. Cùng thời với trào lưu trên, ra đời Chủ Nghĩa Thực Dân với chiêu bài ‘Truyền Bá Văn Minh’ dựa trên những giá trị được mệnh danh là Khoa Học (scientific), Khách Quan (objective), Phổ Quát (universal)…..Khuynh hướng này còn gắn liền với Triều Đại của Nữ Hoàng Victoria của Anh Quốc.

a) THUYẾT TIẾN HÓA

Đó cũng là thời kỳ ngự trị của thuyết Tiến Hóa của Charles DARWIN dựa trên định đề của sự ‘tuyển chọn của thiên nhiên’ (natural selection) theo kiểu ‘đấu tranh sinh tồn’ hay ‘mạnh được yếu thua’ của Tư Bản nguyên thủy. Thuyết Tiến Hóa của Darwin hỗ trợ rất đắc lực cho lý tưởng TIẾN BỘ xuất phát từ thế kỷ Ánh Sáng, nên là một thành phần không thể thiếu sót được của trào lưu Hiện Đại.

Còn về mặt Văn Học Nghệ Thuật là lúc mà phong trào HIỆN THỰC (Réalism) thay thế trào lưu Lãng Mạn (Romantism) hiện hữu trước đó.

b) BIỆN CHỨNG PHÁP DUY TÂM : MỘT SAI LẦM THẢM KHỐC

Triết Thuyết của HEGEL cũng tham dự vào Trào Lưu Hiện Đại, vì qua Triết Thuyết của mình, Hegel muốn sửa sai Luận Lý học của Aristote dựa trên những Ý Niệm có tính chất Tĩnh Chỉ (statique),đặc sệt, bất động nên Bergson gọi đó là nền Luận Lý Cứng Đọng (la logique des Solides). Hegel muốn thay thế Luận Lý (Logique) bằng Biện Chứng (Dialectique) vì muốn đem yếu tố Động Đích (dynamíque) vào Triết Học để mong ‘nắm bắt’ thực tại của Sư Vật, Cuộc Đời vốn ĐỘNG. Và điều trên làm nên tính HIỆN ĐẠI (Moderne) của Triết Thuyết Hegel khi so với Triết Cổ Điển Tây Phương dựa trên những định đề đã lỗi thời. Triết Hegel bao gồm hai điểm chính yếu sau đây:

– thứ nhất, động lực thúc đẩy Văn Minh con người tiến triển trên bình diện Trí Tuệ và Đạo Đức theo Hegel không phải do sự can thiệp của Thần Linh, mà là hậu quả của sự hiện diện trong lòng Nhân Loại của yếu tố TINH THẦN (theo nghĩa LÝ TRÍ)

– thứ hai, Lịch Sử con người tiến triển do sự xung đột của hai lực đối nghịch nhau theo các quy tắc của Biện Chứng Pháp (Dialectique) gồm ba giai đoạn:

Chính Đề: ý tưởng đầu tiên
Phản Đề: ý tưởng đối nghịch
Tổng Đề: kết hợp hai quan điểm đối nghịch trên.

Nhưng với Tổng Đề, một ý tưởng mới xuất hiện sẽ gặp sự chống đối hay bác bỏ, và một chu kỳ khác sẽ lặp lại và Lịch Sử cứ tiếp tục như thế cho đến khi Tổng Đề cuối cùng là Tinh Thần Tuyệt Đối xuất hiện.

Nhưng với Hegel, vấn đề được đặt ra là vì ông nghĩ rằng Văn Minh Nhân Loại đã đến giai đoạn cuối cùng với sự thành hình của Đế Quốc Phổ (Đức) ở thế kỷ 19 và không cần đi xa hơn nữa! (38)Ngoài ra, giữa hai hạn từ Nhà Nước và Cá Nhân thì ông chủ trương HY SINH cá nhân, tức Con Người thực sự cho Nhà Nước, mà ông bảo là tiêu biểu cho bánh xe tiến hoá.(39)

Do đó, người ta thường liên hệ Triết Thuyết của Hegel với các phong trào Quốc Gia quá khích của thế kỷ 19 và các chế độ PHÁT XÍT và QUỐC XÃ sau này! Có nhà phê bình gọi Hegel là “đứa Con Hoang của văn hóa Đông Phương”. Lý do có lẽ vì người ta nghi ông hiểu sai Dịch Pháp nên Biện Chứng pháp ( Aufheben) của Hegel thay vì đạt được Tổng Đề với ý nghĩa ‘bao hàm, thâu hóa’ thì lại dừng lại ở HỦY ĐỀ tức hủy bỏ Chính Đề hoặc Phản Đề như thí dụ trên cho thấy, vì từ ngữ ‘Aufheben’ cũng còn có nghĩa là ‘hủy diệt’ nữa ? Đúng là ở lãnh vực Văn Hóa, ‘sai một ly’ là ‘đi một dặm’ với những hậu quả Khốc Hại gắn liền với Biện Chứng Pháp Duy Tâm của Hegel.

Và đang có khuynh hướng sửa sai Hegel vì cuối cùng ngưới ta bắt đầu nhận thấy là Biện Chứng Pháp của Hegel cũng chưa thoát ra được cái khung Duy Lý một chiều và các luật đồng nhất, mâu thuẫn của Luận Lý học Aristote mà Hegel muốn thay thế, do đó cũng Chưa đạt được tính Hiện Đại mà lúc đầu người ta tưởng gắn liền với Triết Thuyết của ông.

c) PHÂN TÂM HỌC CỦA FREUD

Ảnh hưởng quan trọng thứ ba đối với trào lưu HIỆN ĐẠI là sự kiện Sigmund FREUD sáng lập ra Phân Tâm Học (Psychanalyse). Tâm Lý học của Tây Phương trước Freud là một nền Tâm Lý học ‘mặt phẳng’ vì chỉ biết có MỘT CHIỀU sáng sủa của Lý Trí, Ý Chí, Ý THỨC. Freud đã làm cuộc ‘cách mạng’ khi đem vào môn Tâm Lý học một chiều kích mới bằng việc khám phá ra phần VÔ THỨC (Unconscious) của con người. Qua khám phá trên, Freud đã tham gia vào trào lưu Hiện Đại của Văn Hóa Tây Phương cận đại.

Lúc đầu, Freud chia Tâm Trí con người ra làm 2 phần:
– Ý THỨC (Conscious mind) là phần tâm trí ý thức được các ý tưởng cũng như hành vi của chính mình, là nơi xảy ra các tiến trình suy tư ‘có ý thức’ và là nguồn gốc của các ý tưởng và sự hiểu biết . Phần này liên hệ với Lý Luận, Thực Tế và thái độ Văn Minh của đương sự
– VÔ THỨC (Unconscious) là phần bị ‘đè nén’, là nơi mà chúng ta đặt để bất cứ cái gì mà hoàn cảnh, địa vi, thân phận không cho phép chúng ta xem xét đến. Tìm hiểu nội dung của Vô Thức không phải là việc dễ thực hiện. Phần lớn quá khứ của chúng ta nằm ở đó, mà một phần rất nhỏ có thể nhớ lại được với thuật thôi miên.

Về sau, để bổ túc cho 2 phần Ý Thức và Vô Thức nêu trên, Freud thêm một phần nữa gọi là TIỀN Ý THỨC (Preconscious) nằm ở giữa 2 phần trên  mà nội dung tuy không ý thức được ngay tức thời , nhưng có thể dễ dàng nhớ lại khi cần.(40)

Ngoài ra, theo Freud, có hai nguyên lý đối nghịch kiểm soát hành vi của con người: nguyên lý KHOÁI LẠC và nguyên lý THỰC TẾ. Và các xung đột nội tâm bắt nguồn từ sự tranh chấp giữa hai nguyên lý trên.(41)

Và cũng theo Freud, rất nhiều động lực dẫn con người đến hành động liên quan đến khía cạnh TÍNH DỤC và hiện hữu từ khi đứa trẻ chào đời nhưng không lâu sau bị ĐÈ NÉN (repressed) bởi một hàng rào các điều cấm kỵ mà xã hội đặt ra. Và các ý nghĩ, tình cảm bị ‘đè nén’ đó sẽ trở lại ‘tác yêu tác quái’ đương sự !

Phân Tâm Học bắt đầu với một nhóm nhỏ ở Vienne, thủ đô của nước Áo, sau đó trở thành một phong trào có tầm vóc Quốc Tế .(42) Và qua vấn đề Tính Dục, Freud đã đặt lại vấn đề LUÂN LÝ, ĐẠO ĐỨC dưới ánh sáng của những khám phá Tâm Lý HIỆN ĐẠI (moderne), Mới Mẻ đối với xã hội Tây Phương thời đó, nhất là đối với triều đại của Nữ Hoàng Anh Victoria thường bị mang tiếng là Đạo Đức Giả!

Hai trường phái Văn Học Nghệ Thuật đặc trưng của giai đoạn này là ẤN TƯỢNG (Impressionism) và BIỂU TƯỢNG (Symbolism).

Tóm lại, trào lưu HIỆN ĐẠI trước Đệ Nhất Thế Chiến mang hai bộ mặt :

-Bộ mặt ‘sáng giá’ của VĂN MINH Tiến Bộ dựa trên Lý Trí, Khoa Học, Kỹ Thuật với các giá trị Khách Quan (Objective), Phổ Quát (Universal) bắt nguồn từ Tư Tưởng của thế kỷ Ánh Sáng.

-Bộ mặt thứ hai không được ‘sáng giá’ lắm của thế giới Tiềm Thức, Bản Năng, Ham Muốn….. qua các khám phá của Phân Tâm Học, cộng thêm với ảnh hưởng của Cơ Khí, Máy Móc bắt đầu xuất hiện trên đời sống hằng ngày.

Ngoài ra, trong những năm tháng cuối cùng của thế kỷ 19, một khuynh hướng Suy Tư HIỆN ĐẠI Mới Mẻ xuất hiện kêu gọi từ bỏ tất cả các quy phạm (Norm) sáng tác cũ, thay vì đem những kỹ thuật mới đi ‘phục vụ’ cho những kiến thức cũ như khuynh hướng trước đây chủ trương.

Quả thật thời kỳ bắt đầu ngay sau Đệ Nhất Thế Chiến đã đánh dấu một giai đoạn MỚI MẺ của Trào Lưu Hiện Đại với sự ‘Nở Rộ’ của Tư Tưởng trong mọi lãnh vực như với sự ra đời của lý thuyết Tương Đối của Albert Einstein, thuyết Lượng Tử của Niels Bohr, tác phẩm ‘Idea’ của nhà Hiện Tượng luận Edmund Husserl, lý thuyết Duy Hình (Imagism) của Ezra Pound, cùng với sự xuất hiện của nhà soạn nhạc gốc Nga Igor Stravinsky bắt đầu nổi tiếng với tác phẩm ‘Rite of Spring’ được Vaslav Nijinsky bố trí cho Vũ Kịch, hoặc của các Họa Sĩ trẻ tuối thời đó sau này thành lập trường phái Lập Thể như Pablo Picasso, hay Fauvism’ như Henri Matisse…vvv…

d) BIỆN CHỨNG PHÁP DUY VẬT : MỘT NGỘ NHẬN ‘CHẾT NGƯỜI’

Tuy nhiên song song với cuộc khủng hoảng Kinh Tế năm 1929, sự lớn mạnh của các lý thuyết Phát Xít, Quốc Xã là sự phát triển của Chủ Nghĩa MÁC-XÍT mà ảnh hưởng lan rộng tới giới Trí Thức , nhất là sau khi Lénine thành công trong việc thiết lập chế độ Cộng Sản tại Nga Sô, với sự ra đời của một lớp Trí Thức THIÊN TẢ tại Pháp, Âu Châu và Tây Phương nói chung như Bertolt Brecht, W. H. Auden, André Breton, Louis Aragon, Walter Benjamin…vvv…

Tính HIỆN ĐẠI của chủ nghĩa Mác-Xít nằm ở những chiêu bài Cách Mạng, Giải Phóng, Khoa Học, Tiền Phong, Tiến Tiến…..mà người Cộng Sản thường nhân danh. Chúng ta biết là Karl Marx về mặt Tư Tưởng, lật ngược Biện Chứng Pháp của Hegel để đổi Duy Tâm thành DUY VẬT. Marx cũng xem Lịch Sử của xã hội loài người là làm bằng một loạt xung đột ‘Biện Chứng’ xuyên qua lăng kính của ‘Đấu Tranh Giai Cấp’. Hệ Thống Tư Bản theo Marx, là hình thức Bóc Lột cuối cùng của phe Thống Trị trước khi chủ nghĩa Cộng Sản ra đời. Và mục tiêu cuộc ‘đấu tranh giai cấp’ theo Marx là để ‘GIẢI PHÓNG’ người Vô Sản là giai cấp ‘TIỀN PHONG; ra khỏi sự thống trị của giai cấp Tư Sản qua cuộc ‘CÁCH MẠNG’ Vô Sản ‘TIÊN TIẾN’, theo Biện Chứng ‘KHOA HỌC’ của ‘Duy Vật Sử Quan’. Các thuật ngữ như ‘Cách Mạng’, ‘Giải Phóng’, ‘Khoa Học’, ‘Tiền Phong’ ‘Tiên Tiến’…vvv…được bộ máy Tuyên Truyền Cộng Sản lập đi lập lại nhằm ‘lường gạt’ người dân về Tính HIỆN ĐẠI của chủ nghĩa Cộng Sản!

Như chúng tôi đã lập luận trước đây, thực ra Mác-Xít là một lý thuyết KHÔNG TƯỞNG, và Karl Marx hứa hẹn với những người theo ông một loại ‘Thiên Đường Cộng Sản’ nơi đó ‘con người làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu’: các phương tiện sản xuất sẽ được tập trung, tư sản sẽ bị hủy bỏ và tiền bạc sẽ không còn được xử dụng nữa. Nhưng trước đó, ở giai đoạn trung gian, một chính quyền XÃ HỘI sẽ hiện hữu và có thể dùng những phương tiện PHI DÂN CHỦ như ĐỘC TÀI CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN.(43)

Chính các điểm lý thuyết vừa nêu trên của Mác-Xít đã được các lãnh tụ Cộng Sản như Lénine, Staline, Mao Trạch Đông, Hồ chí Minh…..tận lực Khai Thác. Họ dùng các lời Hứa Hẹn đầy ‘quyến rủ’ của Karl Marx như CHIÊU BÀI (‘Thiên Đàng Cộng Sản’, ‘Thế Giới Đại Đồng’, ‘Cách Mạng Vô Sản’, ‘Giải Phóng’, ‘Tiền Phong’ ‘Tiên Tiến’, tính ‘Khoa Học’, tính ‘HIỆN ĐẠI’…vvv…) về mặt Tuyên Truyền, và áp dụng một cách Triệt Để những phương thức PHI DÂN CHỦ như ĐỘC TÀI CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN, mà Marx ‘cho phép’ ở giai đoạn trung gian với một chính quyền XÃ HỘI.Điều trên giúp giải thích hai tính chất DỐI TRÁ và SẮT MÁU của chế độ Cộng Sản đạt đến trình độ Khủng Khiếp Nhất trong Lịch Sử loài người !

Do đó, giới Trí Thức Thiên Tả Tây Phương đã NGỘ NHẬN khi họ đi ủng hộ phong trào Cộng Sản. Lý do có lẽ là họ đã lầm tưởng chữ TẢ trong cụm từ ‘Phe Tả’ của Cộng Sản giống như chữ TẢ trong cụm từ ‘Tả Nhậm’ với nghĩa ‘bênh vực những người Cô Thế, Yếu Đuối’ của VIỆT NHO chăng ? . Họ quên rằng Cộng Sản thuộc Phe CỰC TẢ (Extrême Gauche), mà chiếu theo định luật ‘mạnh chống mạnh chấp’ hay ‘các cái Thái Quá thường gặp nhau’ (= les extrêmes se touchent) mà hệ quả của điều trên là khi phe Cộng Sản có cơ hội nắm quyền hành thì họ còn CỰC HỮU hơn phe HỮU nữa!!! Tức từ tính ‘Cách Mạng’,’Tiền Phong”, ‘Tiên Tiến’, ‘HIỆN ĐẠI’ mà họ thường ‘rêu rao’, họ sẽ mau chóng trở thành PHẢN ĐỘNG, Ù LỊ, CHẬM TIẾN, LẠC HẬU, LỖI THỜI là những điều mà họ thường ‘cáo buộc’ các kẻ thù của họ.

Thật ra hiện tượng trên đã xuất hiện Từ Lâu Rồi : chỉ vì giới Trí Trức Thiên Tả Tây Phương không để ý đến thôi! Thử lấy thí dụ về chiêu bài ‘Xã Hội VÔ GIAI CẤP’ mà người Cộng Sản thường xử dụng để tuyên truyền cho tính BÌNH ĐẲNG, TIÊN TIẾN, HIỆN ĐẠI của xã hội họ Theo nhận xét của những người đã từng nghiên cứu hay có dịp viếng thăm Nga Sô cách đây khoảng bảy thập niên thì họ đã “nhận thấy bên Nga sự xuất hiện của một Tân Đẳng Cấp còn xa cách giới Thợ Thuyền hơn bên các nước Tư Bản nhiều lần”. Sau đây là bảng Thống Kê giữa LƯƠNG của “Hồng Quân” NGA đối chiếu với lương Quân Đội MỸ (vào năm 1937) :

HỒNG QUÂN NGA                     QUÂN ĐỘI MỸ

Binh Nhì              10 Rúp                                       50 Mỹ Kim
Thiếu Úy         1.000 Rúp                                      150 Mỹ Kim
(gấp 100 lần)                                     (gấp 3 lần)
Đại Tá             2,400 Rúp                                       330 Mỹ Kim
(gấp 240 lần)                                  (chỉ gấp 6,6 lần)

(44)
Phần trình bày trên cho thấy là xã hội Cộng Sản đã từ lâu Không Hiện Đại, Bình Đẳng như họ tuyên truyền, mà trái lại LẠC HẬU, GIAI CẤP gấp bội phe HỮU!

Điều trên càng được xác nhận khi ta so sánh Mức Độ THAM NHŨNG ngày nay của các nhà Cầm Quyền trên Thế Giới được sắp hạng theo Thứ Tự như sau :

Gỉai Nhất:         CỘNG SẢN VIỆT NAM
Gỉai Nhì            CỘNG SẢN TRUNG HOA
Gỉai  Ba            ‘CỰU’ CỘNG SẢN NGA

Thật ra lý thuyết MÁC-XÍT đã HỎNG ngay từ trong Nội Dung, Bản Chất của nó rồi. Karl Marx phê bình rằng Hegel với ‘Biện chứng pháp’ Duy Tâm đã đặt ngược vấn đề mà hệ quả theo Marx, là Hegel vẫn còn giam hãm con người trong trạng huống VONG THÂN. Để sửa lại tình trạng trên, Marx tuyên bố là ‘muốn triệt để cần phải giải nghĩa vạn vật từ gốc rễ chung. Đối với Marx, gốc rễ đó lại là chính con người’. Nhưng tiếc rằng sau đó Marx lại thêm: “bản gốc Con Người là KINH TẾ hoặc XÃ HỘI Tính. Điều trên có nghĩa là trong bản chất con người, Marx chỉ thấy có khía cạnh Kinh Tế hay Xã Hội mà thôi, còn những gì TƯ RIÊNG, ĐỘC ĐÁO có thể giúp con người tiếp cận với Chiều Kích TÂM LINH, với những khát vọng SIÊU HÌNH Thiêng Liêng của mình, thì bị thuyết Cộng Sản phủ nhận hết!(45)

Kết quả là với Biện Chứng Pháp Duy Vật của Karl Marx, tình trạng VONG THÂN của con người còn ‘lún sâu’ thêm một bậc ! Do đó, thuyết Cộng Sản thực sự KHÔNG có tính chất HIỆN ĐẠI, ‘giải phóng’, ‘cách mạng’, ‘khoa học’, ‘tiền phong’, ‘tiên tiến’ như họ tuyên truyền,….mà trái lại tỏ ra Phản Động, Phản Khoa Học, Lạc Hậu, Phản Tiến Hóa ở mọi lãnh vực, của một Ý Thức Hệ đã LỖI THỜI từ lâu!

Vậy nên, phần lớn giới Trí Thức Tây Phương THIÊN TẢ, kể cả những nhà Cơ Cấu đã Lầm Lẫn khi họ đặt niềm tin vào người cũng như chủ nghĩa Cộng Sản có lẽ vì họ LẦM TƯỞNG rằng người Cộng Sản thực sự bảo vệ người ‘cô thế, yếu đuối’ cũng như chủ nghĩa Cộng Sản có tính chất ‘Khoa Học’, ‘Hiện Đại’ như họ thường nghe tuyên truyền chăng ?

Lấy một thí dụ : trong giai đoạn ‘làm báo’ của Roland Barthes được đúc kết bằng tác phẩm ‘Mythologies’, ông đã ‘có lý’ khi ‘lật tẩy’ những thủ đoạn ‘phỉnh phờ’ của giới TƯ BẢN qua những ‘Huyền Thoại’ được tạo dựng nên nhằm phục vụ cho những mục tiêu không chính đáng của giới này. Nhưng ta lại KHÔNG thấy Roland Barthes viết những bài TƯƠNG TỰ đối với phe CỘNG SẢN!

Hầu hết giới Trí Thức Thiên Tả Tây Phương trước đây có thái độ MỘT CHIỀU tương tự nên đã gây ra phong trào PHẢN CHIẾN làm tổn hại đến Lý Tưởng của phe QUỐC GIA trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua. Sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Nga Sô và Đông Âu vào đầu thập niên 1990, nhiều người đã thay đổi nhận định, nhưng hiếm ngưới lên tiếng nhận mình đã sai lầm trong quá khứ như hai nhà báo Olivier Todd và Jean Lacouture.

Thực ra, lý thuyết của Marx cũng như của Hegel đã HỎNG ngay từ Nền Tảng được phản ảnh ngay trong thuật ngữ ‘Biện Chứng Pháp DUY TÂM’ của Hegel hay ‘Biện Chứng Pháp DUY VẬT’ của Marx. Lý do là nhóm chữ ‘Biện Chứng’ tự nó phải nhắm đến tính HAI CHIỀU rồi, vì ‘Biện Chứng’ trên nguyên tắc khác với Luận Lý (logique) nên nhấn mạnh đến tiến trình ‘đong đưa’ giữa hai đối cực, thế mà lại kết thúc bằng “Duy Tâm” với Hegel hay “Duy Vật” với Marx tức cuối cùng Sa Đọa thành MỘT CHIỀU Kích. Vậy nên ta không nên lấy làm lạ là Ảnh Hưởng cộng lại của hai học thuyết nêu trên đã Cướp của Nhân Loại Mấy Trăm Triệu Nhân Mạng. Đúng là một sự Ngộ Nhận CHẾT NGƯỜI !!!

Vậy mà ngày nay lại có những người muốn CỨU NGUY cho loại Học Thuyết PHI NHÂN ấy bằng Âm Mưu Thay Thế “Đệ Tam Quốc Tế” bằng “Đệ Nhị Quốc Tế”! Chỉ là Công Dã Tràng mà thôi! Lại còn mang tiếng là DÂN CHỦ CUỘI nữa!!!

e) HIỆN ĐẠI VÀ MỘT SỐ THUỘC TÍNH

Ngoài ra, ta nên nhớ rằng Trào Lưu HIỆN ĐẠI ra đời cùng lúc với chế độ TƯ BẢN Nguyên Thủy nên làm tăng thêm tính chất KỲ THỊ đã có sẵn ngay trong lòng Văn Hóa Tây Phương giữa ‘Cao Cấp’ và ‘Bình Dân’, giữa ‘Trí Thức’ và ‘Đại Chúng…vvv… Tính Hiện Đại cũng xuất hiện cùng thời với phong trào THỰC DÂN nên kèm theo sự Kỳ Thị Văn Hóa giữa ‘Trung Tâm’ và ‘Ngoại Vi’, giữa MẪU QUỐC đồng hóa với ‘Hoàn Hảo’, ‘Tiến Bộ’,’Tương Lai…vvv… và THUỘC ĐỊA bị gán cho tính ‘Bất Toàn’, ‘Lạc Hậu’ và thuộc ‘Quá Khứ’…vvv…

Tóm lại, trào lưu HIỆN ĐẠI không chỉ mang lại những điều Mới Mẻ, Tốt Lành, mà còn để lại những VẾT DƠ trong Lịch Sử như các CHỦ NGHĨA Thực Dân, Phát Xít, Quốc Xã, Cộng Sản…vvv…kèm theo với sự Kỳ Thị Chủng Tộc, Văn Hóa, Phái Tính… Chiến Tranh , sự hủy hoại Môi Sinh…vvv..dựa trên một quan niệm MỘT CHIỀU về TIẾN BỘ !

Về mặt Văn Học, Nghệ Thuật , trào lưu Hiện Đại ở giai đoạn sau đi đôi với các trường phái Đa-Đa, Siêu Thực (Surréalism), Vị Lai (Futurism), Lập Thể (Cubism), cả Pop Art, Fluxux…vvv…

Lê Việt Thường

(Hết Phần Năm)

CHÚ THÍCH

(38) Gill Hands, “Marx“, Hodder & Stoughton, 2000, tr.15-17
(39) Kim Định, “Dịch Kinh Linh Thể“, An Việt Houston,USA,1989, tr.56
(40) Ruth Berry, “Freud“, Hodder & Stoughton, 2000, tr.33-34
(41) Idem, tr. 40
(42) Idem, tr. 74
(43) Gill Hands, Idem, tr.46
(44)Kim Định, “Hồn Nước với Lễ Gia Tiên“, Nam Cung,CA,USA,1979 tr.85-86
(45) Kim Định, “Dịch Kinh Linh Thể“, Idem tr.56-57

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm