CƠ CẤU LUẬN,VIỆT NHO VÀ TƯ TƯỞNG HẬU HIỆN ĐẠI

 

NHẬP ĐỀ    MỘT THỜI “CƠ CẤU LUẬN”

Bài này được viết  nhân dịp Sinh Nhật 100 của Claude Lévi- Strauss vào tháng 11/2008, về vị sáng lập ra Cơ Cấu Luận (Structuralisme) trong khoa học Nhân Văn.

Hình như có một mối liên hệ đặc biệt và thâm sâu nào đó nối kết hành trình học hỏi nghiên cứu của cá nhân chúng tôi với Cơ Cấu luận hơn với bất cứ trào lưu Văn Hóa cận đại Tây Phương nào khác! Một trong những lý do chính yếu có lẽ là khi chúng tôi bước vào ngưỡng cửa Đại Học vào cuối thập niên 1960, Claude Lévi-Strauss và Cơ Cấu luận đang là “hiện tượng” làm “chấn động” cả thế giới khoa học Nhân Văn ! Chúng tôi còn nhớ bầu khí “sôi nổi” hứng thú của các nhóm bạn bè thân hữu  đang theo học các Phân Khoa khác nhau trong khuôn viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, đang bàn tán xôn xao về đề tài “ăn khách” nhất của thời kỳ này!

Bên phân khoa Văn Chương Pháp là Michel Foucault với tác phẩm “Les Mots et les Choses”, là Roland Barthes với “Le Degré Zéro de l’Écriture”..vvv.Đã thấy thấp thoáng có người đang cầm trên tay các tác phẩm nêu trên mượn từ Trung Tâm Văn Hóa Pháp (Centre Culturel Francais) thời đó nằm kế bệnh viện Đồn Đất cách ĐHVK không xa lắm, hoặc nhờ thân nhân bạn hữu mua giùm từ bên Pháp để xử dụng trong các lớp Dự Bị, Chứng Chỉ hay ngay cả để sửa soạn cho Tiểu Luận Cao Học ban Văn Chương Pháp!

Bạn bè theo học  phân khoa Nhân Văn cũng đang được dạy về Claude Lévi-Strauss. Bên ban Triết Đông, giống như đối với bất cứ nhà Tư Tưởng, Triết Gia “Thế Giá” nào của Tây Phương, Cố Triết Gia Kim Định cũng đang nghiên cứu về Claude Lévi-Strauss và Cơ Cấu luận, mà Ông có dịp đề cập trong tác phẩm “Cơ Cấu Việt Nho” ra “trình làng” không lâu sau đó!

Các tập san “Bách Khoa”, “Tư Tưởng”..vvv. của Miền Nam Việt Nam thời đó đều có bài giới thiệu trào lưu Cơ Cấu luận. Riêng tại Pháp, quê hương của Claude Lévi-Strauss, năm 1966 được giới cầm bút “phong thánh” là “Năm của Cơ Cấu Luận”. Ở  Paris, cả năm tập san hàng đầu đều dành một số Đặc Biệt cho Cơ Cấu luận . Riêng tập san “Esprit” tổ chức một cuộc Hội Thảo về đề tài hấp dẫn này. Các sách xuất bản về Cơ Cấu luận bán chạy như “tôm tươi”: 5000 bản in ấn tác phẩm “Écrits” của Jacques Lacan bán hết trong vòng hai tuần lễ; độc giả “tiêu thụ” 800 bản in tác phẩm “les Mots et les Choses” của Michel Foucault trong vòng năm ngày, Roland Barthes cho “ra đời” “Critique et Vérité”, Georges Dumézil trong “La Religion Romaine Archaique”, Tsvetan Todorov trong “Théorie de la Littérature” đều đề cập ít nhiều đến Cơ Cấu luận…vvv.Riêng Algirdas Greimas với “Sémantique Structurale” nhờ nghe lời vị giám đốc nhà phát hành khuyên nên thêm từ ngữ “Structurale” vào Tựa của tác phẩm,  nhờ đó đã bán thêm được 1000 bản!

Thật vậy, “làn sóng” Cơ Cấu luận đang tràn ngập môi trường Trí Thức Pháp thời đó có thể được “ví von” như là “nước vỡ bờ”, vượt qua “cương thổ” xuất phát là địa hạt Ngôn Ngữ học, cũng như môi trường Hàn Lâm ban đầu để lần lượt “chinh phục” không những các lãnh vực Nhân Chủng, Xã Hội, Kinh Tế, Lịch Sử, Triết Học, khảo cứu  Văn Học, mà còn làm “điên đảo” các nhà Phân Tâm học, Phê Bình Văn Học và Điện Ảnh với “Chân Lý Mặc Khải” là CHÍNH CƠ CẤU XÁC ĐỊNH MỌI  SÁNG TẠO CỦA CON NGƯỜI!

Trào lưu Cơ Cấu luận kéo dài khoảng từ một tới hai thập niên. Vào tháng năm 1966, số thứ ba tập san “Cahiers pour l’Analyse” mời Jacques Lacan, một trong “Tứ Trụ” (les quatre Grands) của Cơ Cấu Luận, cộng tác . Lacan viết như sau: “Phân Tâm học như là môn Khoa Học sẽ có tính chất “Cơ Cấu” đến chỗ sẽ đi đến việc từ chối sự hiện hữu của một “Chủ Thể”…. Còn theo Sử gia Francois Dosse, Apex tên của phong trào đem Cơ Cấu luận đi truyền bá ra khắp bốn phương trời trong lãnh vực Khoa Học, chân nhận sự hiện hữu của “chất men” Cơ Cấu luận như là nguyên nhân của cơn say “bí tỉ” đang “hoành hành” trong giới Trí Thức Pháp vào thời kỳ này mà đỉnh cao là niên biểu 1966 tại Paris,”thủ đô ánh sáng” của nước Pháp! Roland Barthes thì xác định là các chuyện kể của ông từ nay phải từ bỏ tính chất “biên niên”, còn Tzvetan Todorov phải cậy đến Cơ Cấu luận để đem lại cho môn Văn Chương tính chất “Khoa Học”, trong khi đó Jean Pouillon cho rằng trào lưu Cơ Cấu Luận là “hiện tượng” tất yếu không thể nào tránh được.vvv.

  • PHẦN MỘT:     TRÀO LƯU CƠ CẤU LUẬN

Trào lưu Cơ Cấu luận đã đem lại bầu khí Văn Hóa “sôi động”, “hào hứng” vào thập niên 1960 tại Pháp, nhất là Paris, bầu khí mà Đại Học Văn Khoa Sài Gòn phần nào chia xẻ có lẽ do mối liên hệ thân cận lâu đời của phần lớn giới Trí Thức Miền Nam thời đó với nền Văn Hóa Pháp. Và giới nghiên cứu thường đề cập tới “Tứ Trụ” (les quatre Grands) của Cơ Cấu luận là Claude Lévi-Strauss, Michel Foucault, Louis Althusser và Jacques Lacan. Một ngưới thứ năm cũng thường được nhắc đến trong lãnh vực Triệu Chứng học (Sémiologie) và phê bình Văn Học là Roland Barthes.

  • I) CLAUDE LÉVI-STRAUSS và CƠ CẤU LUẬN

A) CUỘC ĐỜI
Lévy Straưs sanh ngày 28.11.1908
Hàn Lâm Viện Pháp năm 1973

Nhưng nhân vật quan trọng nhất, người được xem là Sáng Lập ra Cơ Cấu luận trong khoa học Nhân Văn là Claude Lévi-Strauss. Nhưng mới thoạt trông từ bên ngoài cả về nguồn gốc gia đình, lãnh vực học vấn, lẫn sinh hoạt ở thời trai trẻ, khó có ai đoán trước được những thành tựu của ông sau này về mặt Sự Nghiệp và Văn Hóa!

Xuất thân từ một gia đình Nghệ Sĩ  mà thân phụ là một Họa Sĩ, tốt nghiệp “École Normale Supérieure” bộ môn Triết Học, có thời thử mon men vào địa hạt Chính Trị, nếu bình thường thì ông có thể sẽ trở thành một công chức kín đáo, gương mẫu trong một Bộ, Sở hay một trong trăm, ngàn nhà giáo Pháp kiều đang sinh sống ở một xứ sở xa xôi nào đó, nhưng có lẽ  ít ngưới trông chờ là ông sẽ trở thành nhà Nhân Chủng học Nổi Tiếng nhất đương thời, Chuyên Viên Thượng Thặng về các xã hội cổ truyền của Mỹ Châu, Sáng Lập ra một Trào Lưu Tư Tưởng đã từ ít lâu và với một tỷ xích rộng lớn, vượt qua giới hạn của ngành chuyên môn của mình là Nhân Chủng Học!

Nhưng Cơ Duyên đã đến vào năm 1934 lúc vừa tốt nghiệp “École SUP.” môn Triết, đang  chán nản thất vọng về cả hai mặt Nghề Nghiệp và hoạt động Chính Trị, Claude Lévi-Strauss đã nhận một chức Giảng Sư về môn Xã Hội học tại Đại Học Sao Paulo ở Ba Tây. Trong thời gian ở xứ sở xa xôi này, ông đã có dịp tiếp xúc với thổ dân Da Đỏ qua những cuộc  thám hiểm khảo cứu Dân Tộc học trong miền Gatto Grosso và vùng trung bộ Amazonie.

Năm 1939 ông trở về Pháp và bị động viên. Khi Thế Chiến thứ Hai bùng nổ, để tránh chính sách Kỳ Thị người Do Thái của Đức Quốc Xã, ông di cư sang Hoa Kỳ và cùng với các Trí Thức Pháp Kiều khác  thời đó tại Hoa Kỳ như Jacques Maritain, Henri Focillon, Roman Jacobson..vvv..thành lập “École Libre des Hautes Études”, một loại Đại Học “lưu vong” của giới Trí Thức tỵ nạn Pháp thời đó. Claude Lévi-Strauss theo dạy tại “New School for Social Research” ở New York, viết sách về bộ lạc Nambikwaras ở Ba Tây, và bắt đầu chuyên về môn Nhân Chủng học Mỹ Châu. Tới khi nước Pháp được giải phóng, ông giữ chức  Cố Vấn Văn Hóa cạnh Tòa Đại Sứ Pháp. Ông từ bỏ chức vụ này  vào năm 1947 để trở về Pháp đệ trình luận án Tiến Sĩ  với đề tài “Les Structures Élementaires de la Parenté” và “La Vie Familiale et Sociale chez les Indiens Namikwaras” vào năm 1948, cũng như để có thì giờ tham gia nhiều hơn vào công tác nghiên cứu Dân Tộc học tại “Musée de l’Homme” rồi thế chỗ nhà Dân Tộc học Marcel Mauss tại “Éùcole Pratique des Hautes Études”. Tuy nhiên, “hoạn lộ” của ông không phải lúc nào cũng được suôn sẻ : lý do phải chăng là vì trào lưu Cơ Cấu luận vào thời kỳ đó bị xem là quá “Avant-Garde” ( = Tiền Phong) nên các vị “chức sắc thủ cựu” tại “Collège de France” hai lần từ chối đơn của ông cũng như  ông phải đợi 9 năm trời ròng rã mới thực hiện được ý nguyện của mình!

Năm 1953, Đại Học Harvard gởi “đặc sứ” qua Pháp để tuyển dụng ông, nhưng ông từ chối. Cuối cùng, năm 1959, Claude Lévi-Strauss đã chính thức được mời dạy môn Nhân Học Xã Hội (Anthropologie Sociale) tại “Collège de France” và năm 1961 thành lập một Phòng Thí Nghiệm lớn của bộ môn này, đồng thời cho ra mắt tập san “L’Homme” không bao lâu trở thành tập san hàng đầu trong ngành chuyên môn của ông.

Sau khi hoàn tất “trường thiên” Huyền Thoại bốn tập “Mythologiques” vào năm 1971, hai năm sau (1973)  ông đắc cử vào Hàn Lâm Viện Pháp (Académie Francaise): Danh Dự Cao Quý nhất đối với một Trí Thức Pháp . Ông cũng là thành viên của “American Academy of Arts & Letters”, đoạt các Giải Thưởng Éramus (1973), Meister-Eckhart (2003) về Triết Học, được trao các bằng Tiến Sĩ Danh Dự tại các Đại Học hàng đầu trên thế giới như Oxford, Harvard, Columbia, và các Huy Chương như “Grand Croix de la Légion d’Honneur”, “Commandeur de l’Ordre National du Mérite”, “Commandeur des Arts et des Lettres”.

Và là một Danh Dự hiếm có đối với một Tác Giả còn sống, năm 2008 “Bibliothèque de la Pléiade” bắt đầu cho xuất bản các tác phẩm chính yếu của Claude Lévi-Strauss.

B) TÁC PHẨM

1) TRISTES TROPIQUES (1955)

Cá nhân chúng tôi bắt đầu làm quen Con Người và Tư Tưởng của Claude Lévi-Strauss qua tác phẩm “Tristes Tropiques” và có “cảm tình” ngay với tác giả! Lý do có lẽ là tác phẩm đã đáp ứng được Sở Thích đã có sẵn trong chúng tôi từ thời niên thiếu đối với cả hai lãnh vực Văn Chương lẫn Triết Học.

Sở dĩ  tác phẩm trên có vị trị khá đặc biệt trong Sự Nghiệp của Claude Lévi-Strauss, có lẽ là vì trái ngược với các tác phẩm khác của ông, “Tristes Tropiques” nói lên được một khía cạnh độc đáo, bất ngờ của con người Lévi-Strauss: đó là khía cạnh của một NHÀ VĂN với óc quan sát rất tinh tế, bén nhạy đối với màu sắc, tiếng động, khung cảnh sinh hoạt chung quanh, có khả năng gây hứng thú cho độc giả đồng điệu, một DU KHÁCH với rất nhiều chuyện kể, nhưng khác với đa số các người đi du lịch khác, Không đi tìm những gì Hời Hợt, Hào Nháng, Giật Gân bên ngoài, mà đưa tầm nhìn sâu hơn, xa hơn  vào lòng biến cố, sự vật để mong tìm ra trong đó những mối liên hệ ngầm mà con mắt bình thường không thể nào thấy được, một nhà NHÂN CHỦNG vào thời kỳ đó còn trong giai đoạn “tập sự”, nhưng với cái nhìn “lạ lẩm” tra hỏi, đang làm quen với hiện trường nghiên cứu sống động là các bộ lạc Da Đỏ ở Mỹ Châu, với kèm theo nỗi lo âu khôn nguôi đến độ trở thành ám ảnh. Lý do là tác giả sợ rằng mình không còn đủ thì giờ để “nắm bắt” được một chút Hồn Thiêng của Tổ Tiên Nhân Loại đang  ẩn tàng trong sinh hoạt, nếp sống, nếp nghĩ của các bộ tộc các sắc dân thiểu số còn sót lại ở Mỹ Châu và các nơi khác trên Thế Giới. Thật vậy, Claude Lévi- Strauss luôn có cảm giác là như đang tham dự  vào một cuộc “chay đua nước rút với thời gian” trước  sự tan rã nhanh chóng và trên đà ra đi vĩnh viễn của các sắc dân thiểu số giữa  cơn “tiến bước” như thác lũ như vũ bão của Văn Minh Tây Phương và hiện tượng Toàn Cầu Hoá!

Với “Tristes Tropiques”, ngoài những hồi niệm về cuộc đời tỵ nạn lưu lạc ở xứ Mỹ thời đệ nhị Thế Chiến, còn có những nhận xét tinh tế, độc đáo về sinh hoạt  của các sắc tộc thiểu số Da Đỏ, đôi khi điểm thêm những chi tiết không thiếu phần hoạt kê, dí dỏm, hài hước như trường hợp một người thổ dân vùng Matto Grosso chuyên nghề “hàng thịt”: y bị “ám ảnh” bởi sự hiện diện của những con voi to lớn đến nỗi phải thốt lên rằng “tôi không thể nào tưởng tượng là có thể có một số lượng thịt nhiều như vậy tại môt nơi”! Bên cạnh là những suy tư TRIẾT HỌC về những tác giả nổi tiếng như Freud, Marx, Darwin…vvv.., những đoạn văn viết về các TÔN GIÁO Lớn như Đạo Hồi, Đạo Thiên Chúa, Đạo Phật và nhất là VĂN MINH Tây Phương nhìn dưới góc cạnh Tiêu Cực.

Theo tác giả, vì xử dụng quá nhiều Lý Trí và Kỹ Thuật, nên người Tây Phương đã và đang làm tiêu hủy “màn sương khói Mộng Mơ” đã từng giúp các bộ lạc Nguyên Thủy tìm thấy được Ý Nghĩa ẩn tàng trong Vũ Trụ, Vạn Vật. Với giọng văn u buồn, man mác của một người với bản tính trầm lặng, biết tự chế, phải chăng “Tristes Tropiques” là “Tiếng Gọi Hồn Ai” của những Cư Dân Cuối Cùng của một “Thiên Đường Đã Mất”?!

Đúng là một KIỆT TÁC! Không lạ gì “Tristes Tropiques” đã là sách ‘Gối Đầu Giường” của ít nhất ba thế hệ Sinh Viên ban Nhân Chủng, và của nhiều người khác nữa. Cũng như Ban Tổ Chức Giải Goncourt, Giải Thường Văn Chương Uy Tín của Pháp, đã than phiền và lấy làm tiếc rẻ là đã không được phép trao Giải này cho tác phẩm “Tristes Tropiques” của Claude Lévi-Strauss: lý do đơn giản là về phương diện kỹ thuật, “Tristes Tropiques” không thể  được xếp vào loại “Tiểu Thuyết” !

2) RACE ET HISTOIRE (1961)

Tuy xuất hiện với một sắc thái rất đặc biệt đối với các tác phẩm khác của ông, nhưng “Tristes Tropiques” “tự thân” cũng đã mang rất nhiều Dấu Chỉ báo trước nội dung Tư Tưởng Lévi-Strauss cũng như Phương Pháp Cơ Cấu luận. Một tác phẩm quan trọng khác của ông là “Race et Histoire”.

Được mời đóng góp trong khuôn khổ một loạt bài biên khảo do Liên Hiệp Quốc bảo trợ năm 1952 hầu giúp ý kiến nhằm giải quyết vấn đề Kỳ Thị Chủng Tộc đương thời, Claude Lèvi-Strauss đã chứng tỏ “vượt chỉ tiêu” khi bàn thêm về nhiều đề tài khác như nội dung của nền Văn Hóa Tây Phương, ý nghĩa  và đường hướng của Văn Minh Nhân Loại, tính chất  Ngẫu Hữu  của thời gian Lịch Sử hay  các quan niệm khác nhau về Tiến Bộ..vvv.

Tuy là một tập sách nhỏ chỉ dày cở 130 trang kể cả bài viết của Jean Pouillon giới thiệu “Tác Phẩm của Claude Lévi-Strauss”, nhưng với ý tưởng rất súc tích cộng với lối hành văn sáng sủa, chính xác, mạch lạc “Race et Histoire” bàn về những vấn đề tối quan trọng trong lãnh vực Văn Minh, Văn Hóa.

Theo tác giả, người ta thường gắn liền hai khía cạnh Sinh Lý với Tâm Lý trong vấn đề Chủng Tộc. Dẫu nói tốt hay nói xấu về một chủng tộc nào đó, thì theo Lévi-Strauss lối nói đó tỏ ra không được khoa học lắm! Lấy thí dụ chẳng hạn Gobineau, “lý thuyết gia” của Đức Quốc Xã: thật ra, lúc ban đầu Gobineau chỉ chú trọng nhiều đến tính chất Đa Dạng về Khả Năng liên quan đến khía cạnh Bẩm Sinh, Sinh Lý hơn là tính chất Hơn Kém khi so sánh ba chủng tộc: Trắng, Vàng, Đen. Nhưng kết thúc thì ai cũng biết là Gobineau bị “cáo buộc” là “cha đẻ” của các lý thuyết khuyến khích sự Kỳ Thị Chủng Tộc ! Theo Lévi-Strauss, nguyên ủy của vấn đề là người ta thường lầm lẫn sắc thái thuần Sinh Lý của vấn đề Chủng Tộc với các sản phẩm Xã Hội và Tâm Lý của các nền Văn Hóa, thường lệ thuộc nhiều vào các điều kiện Địa Lý và Lịch Sử của sắc tộc liên hệ.

Tuy nhiên, ông cũng phải thừa nhận rằng chỉ một thiểu số ý thức phân biệt được hai khía cạnh Chủng Tộc và Văn Hóa, còn đa số dân chúng vẫn lẫn lộn hai phạm trù nêu trên. Do đó, trong thực tế, không thể giải quyết vấn đề Bất Bình Đẳng về mặt Chủng Tộc, mà không bàn đến tính chất Hơn Kém hay Đa Dạng (tùy theo lối nhìn) của các nền Văn Hóa.

Theo Lévi-Strauss, tính Đa Dạng của các nền Văn Hoá của Nhân Loại không xuất hiện theo một đường lối duy nhất hay trên cùng môt bình diện. Tính Đa Dạng nêu trên, trên thực tế ở hiện tại hay quá khứ, cũng lớn hơn và phong phú hơn những gì người ta có thể biết được.

Ông cho rằng trong xã hội loài người, luôn có sự vận hành của hai loại Đối Lực đi theo hai hướng nghịch nhau: một loại lực có khuynh hướng duy trì hay làm gia tăng tính Đặc Thù, Độc Đáo, còn một loại lực khác thì hướng về tính Hội Tụ, Đồng Nhất. Và hình như  có một điểm Trung Dung nào đó mà đương sự không nên vượt qua quá lố phía trước hay dừng lại quá xa đằng sau!

Ngoài ra, có một khuynh hướng khá phổ biến trong giới nghiên cứu trước đây, muốn khai triển thuyết Tiến Hóa mà Darwin  đã áp dụng trong địa hạt  Sinh Học, vào lãnh vực Văn Hóa. Nhưng theo Lévi-Strauss, nếu quan niệm Tiến Hóa trong Sinh Học có thể đạt trình độ của một lý thuyết Khoa Học, thì “thuyết Tiến Hóa trong Văn Hóa” chỉ là một quan niệm “giả tạo” bắt nguồn từ một vấn đề Triết Học “xưa cũ như Trái đất”!

Các lý thuyết gia Tây Phương của các thế kỷ trước đây thường”giả vờ” thừa nhận tính Đa Dạng của các nền Văn Hóa, nhưng lại dựa trên lý thuyết “Tiến Hóa trong Văn Hóa” để “hạ giá” các Dân Tộc khác, bằng cách xem các nền Văn Hóa khácï như chỉ là những “chặng đường” hay giai đoạn đã qua của một đường hướng Phát Triển Duy Nhất mà đích điểm là Văn Minh Tây Phương ngày nay! Theo Lévi- Strauss, đó là một “trò chơi” có vẻ “hấp dẫn” đối với giới du khách Tây Phương, nhưng rất “nguy hiểm” trong lãnh vực khảo cứu, học hỏi. ‘Trò chơi” được diễn ra theo hoạt cảnh sau đây: người du khách Tây Phương nói trên trong chuyến du hành của mình, đã được “huấn luyện” để nhìn thấy hình  ảnh của thời Trung Cổ Âu châu khi đến thăm viếng các xứ Á Châu ngày nay, hình ảnh của thế kỷ vua Louis XIV lúc đến Bắc Kinh ở giai đoạn trước đệ nhất Thế Chiến, hay của thời kỳ Đồ Đá với dân bản thổ Úc..vvv..

Tóm lại, đó là một quan niệm Tiến Hóa gọi là của cả Nhân Loại, nhưng thực sự lại xoay quanh nền Văn Minh Tây Phương, một quan niệm  mà Lévi-Strauss cho đã quá lỗi thời rồi nhưng vì nhiều lý do trong đó có thể có vấn đề Quyền Lợi Phe Nhóm, một số Cựu Thực Dân và lớp “đàn em” của họ tại các Cựu Thuộc Địa vần còn “bám víu” vào. Đó cũng là quan niệm Tiến Hóa của một số nhà Nhân Chủng Tây Phương trước đây như Lévi-Bruhl. Lévi-Strauss trái lại, có môt lối nhìn khác về vấn đề Tiến Hóa được trình bày lần đầu trong lãnh vực Thân Tộc học với tác phẩm “Les Strucures Élémentaires de la Parenté”.

3) LES STRUCTURES ÉLÉMENTAIRES DE LA PARENTÉ (1949)

Và đó cũng là đề tài của Luận Án Tiến Sĩ mà ông đệ trình năm 1948 tại Đại Học Sorbonne. Tác phẩm được phát hành thành Sách năm sau và không bao lâu trở thành một trong những tác phẩm quan trọng nhất về Thân Tộc học. Ngay nhà văn Simone de Beauvoir khi Điểm Sách,  xem tác phẩm trên như là một “tuyên ngôn” quan trọng về địa vị của người Phụ Nữ trong các nền Văn Hóa không có nguồn gốc từ Tây Phương. Trong tác phẩm trên, Claude Lévi-Srauss đặt lại vấn đề Thân Tộc học theo một phương pháp nghiên cứu mới mẻ: thay vì dựa trên Nội Dung hiện tiền trong địa hạt Thân Tộc, ông căn cứ trên các Cơ Cấu nằm ngầm nối kết các Tương Quan Thân Tộc lại với nhau. Nếu trước đây nhà Nhân Chủng gốc Anh Alfred Reginald Radcliffe-Brown đặt căn bản của Thân Tộc trên tính HẬU DUỆ của tất cả thành viên của một thân tộc xuất phát từ sự kiện là họ có cùng chung một ông Tổ, thì trái lại Claude Lévi-Strauss quan niệm nền tảng của Thân Tộc phải dựa trên LIÊN MINH nối kết hai gia tộc với nhau khi người Phụ Nữ từ một nhóm này thành hôn với Đàn Ông của một nhóm khác.

Ở đây, chúng ta chạm đến Mấu Chốt của Thân Tộc học là tập tục CẤM LOẠN LUÂN (la prohibition de l’inceste), mà theo ông là ĐIỂM NỐI giữa Nhiên Giới và Nhân Giới, giữa Thiên Nhiên (Nature) và Văn Hóa (Culture), giữa Phổ Biến tính (Universalité) và Luật Lệ(Règle) mà nét đặc trưng là tính Tương Đối (Relatif) và Đặc Thù (Particulier). Do đó, Thiên Nhiên và Văn Hóa thông thường MÂU THUẪN nhau.

Nhưng có một Ngoại Lệ mà theo Claude Lévi-Strauss là tập tục Cấm Loạn Luân. Tính Dục là một Bản Năng trong mỗi ngưới nên một mặt thuộc Thiên Nhiên hay Nhiên Giới (l’ordre naturel). Nhưng mặt khác, Tính Dục lại khởi đầu cho đời sống Xã Hội, Văn Hóa (l’ordre culturel). Vì Tính Dục là bản năng Duy Nhất mà sự hưng phấn cần sự hiện diện trực tiếp hoặc qua trung gian hình ảnh tưởng tượng về một đối tượng là THA NHÂN.

Ngoài ra, tục Cấm Loạn Luân thuộc lãnh vực Lệ Luật (Règle) là địa hạt Nhân Giới, Văn Hóa (l’ordre culturel), mà lại có PHỔ BIẾN TÍNH (Universalité) vì không đâu không có tục này, mà tính chất Phổ Biến (Universel) thông thường là nét đặc trưng của Nhiên Giới (l’ordre naturel). Do đó, tục Cấm Loạn Luân được Lévi-Strauss cho giữ một địa vị đặc biệt quan trọng, vì là ĐIỂM NỐI giữa Thiên Nhiên (Nature) và Văn Hóa (Culture)

Tục Cấm  Loạn Luân là một sự CAN THIỆP của con người vào THIÊN NHIÊN và chính sự Can Thiệp đó khiến con ngưới có VĂN HÓA, vì đó là bước đầu có TỔ CHỨC thay vào cho sự Tình Cờ đâu hay đấy. Từ lúc cấm loạn luân thì người ta mở rộng mối giao liên đến việc cha, anh nhường con, em gái mình cho gia đình khác, thị tộc khác, và do đó mở rộng phạm vi trao đổi. Trao đổi Đàn Bà quan trọng vì nó là bản gốc của Thân Tộc mà Thân Tộc là một trụ cột khác trong công trình của Lévi-Strauss.

Phụ Nữ không chỉ là đối tượng trao đổi giữa hai gia tộc hay thị tộc, mà còn “tự thân” là một GIÁ TRỊ (Valeur). Ngoài ra, ta biết địa vị quan trọng của người Phụ Nữ trong nhiều bộ lạc bán khai. Do đó, qua công trình của mình, Claude Lévi-Strauss đã giúp giảm thiểu những thành kiến mà giới Xã Hội, Nhân Chủng học Tây Phương trước đây đã duy trì đối với thân phận người Phụ Nữ cũng như các Sắc Dân Bản Thổ. Mà một trong những thành kiến dai dẳng nhất liên quan đến vấn đề VẬT TỔ (Totem).(6)

4) LE TOTÉMISME AUJOURD’HUI (1962)

Năm 1791, một thông dịch viên ngưới Da Đỏ Ojibwa tên là J.K. Long đưa vào ngôn ngữ Dân Tộc học một danh từ mới “Ojibwa” = TOTEM (mà ta dịch là VẬT TỔ).Theo nhà Nhân Chủng học Emile Durkheim, Vật Tổ thường có tính chất Tập Thể nơi những thổ dân Mỹ và Úc sống thành Thị Tộc: mỗi thị tộc mang tên một loài vật hay một đồ vật (nghĩa là những hữu thể thuộc Nhiên Giới) mà thổ dân tin là có quan hệ đặc biệt với thị tộc mình, đặc biệt là quan hệ Họ Hàng. Vật dùng để chỉ chung cho cả thị tộc gọi là Vật Tổ.

Cũng theo Durkheim, trong một số bộ lạc ở Mỹ và Úc, mỗi Cá Nhân lại còn có liên hệ riêng với một vật nào đó tương tự liên hệ giữa thị tộc và vật tổ tập thể. Vậy vật tổ vừa che chở cho cả thị tộc vừa che chở riêng mỗi cá nhân.

Vật Tổ còn có tính chất Tính Dục nơi một số bộ lạc mà tổ chức xã hội thường chia làm hai: Đàn Ông một phe, Đàn Bà một phe với một Hữu Thể mà họ có quan hệ và được coi là Biểu Tượng của phái họ và phù hộ họ.

Sau Durkheim, James Frazer viết cuốn “Totemism and Exogamy” dầy tới 2200 trang nhằm hệ thống hóa và giải thích nguồn gốc của Đạo Vật Tổ.

Trong khi đó, Goldenweiser viết cuốn “Toteism, an Analytical Study”, chỉ dầy 110 trang, nhưng trong đó, ông đặt lại vấn đề Vật Tổ. Theo Goddenweiser, thuyết Vật Tổ thường lẫn lộn ba hiện tượng sau:

1)    Tổ chức Thị Tộc
2)    Mỗi thị tộc mang một tên ĐộngVật hay Thực Vật
3)    Tin rằng Thị Tộc và Vật Tổ có họ với nhau.

Thực ra, vẫn theo Goddenweiser, ba hiện tượng trên ít khi đi kèm với nhau, có hiện tượng này mà không có hiện tượng kia. Vậy nên không thể xác định một cách tuyệt đối cái gọi là ĐạoVật Tổ được.

R.H. Lowie cũng bảo là thuyết Vật Tổ tỏ ra quá tham lam. quá tổng quát.Theo Lowie, Đạo Vật Tổ và tổ chức Thị Tộc không bắt buộc phải liên hệ với nhau. Do đó, Lowie kết luận: Tôi không tin là… hiện tượng Vật Tổ có thực”.

Còn Franz Boas thì phê bình cả Durkheim lẫn Frazer và cho rằng không thể thống nhất những hiện tượng văn hóa phức tạp. Theo Boas, đạo Vật Tổ chỉ là một vấn đề giả tạo, chỉ có trong đầu của mấy “ông Tây”, chứ trên thực tế không có gì đặc biệt tương ứng.

Trước Boas, E.B. Tylor trong “Remarks on Totemism” đã viết: “Đạo Vật Tổ thực ra chỉ là một khuynh hướng của tâm trí con người muốn HỆ THỐNG Hóa Vũ Trụ”.

Cùng một ý ấy, Claude Lévi-Strauss viết: “Động Vật và Thực Vật được dùng đặc tên cho Thị Tộc vì chúng cống hiến cho con người một PHƯƠNG PHÁP Tư Tưởng”. Ông cũng chỉ trích “những lầm lẫn cẩu thả của một số lý thuyết gia Vật Tổ, khi những vị này cho rằng Vật Tổ là một thể chế thuần nhất và thường gặp trong nhiều xã hội”.

Tính cách Phức Tạp của Vật Tổ ở Úc khiến ông đồng ý với Tylor, Boas và Radcliffe-Brown mà kết luận rằng: “Thuyết Vật Tổ không xác thực và nếu đem ra cứu xét lại cẩn thận, thuyết ấy vô căn cứ.” Ông viết tiếp: “Ngay cả Ý Niệm “Vật Tổ” cũng chỉ là một Ảo Tưởng, chứ đừng nói đến tính cách thống nhất của thuyết này”.

Cũng theo Lévi-Strauss, “Thực ra, Đạo Vật Tổ và các Tôn Giáo cổ truyền của người Tây Phương có nhiều điểm giống nhau, nhưng phần đông ngưới phương Tây bị THÀNH KIẾN Tôn Giáo đã cho Vật Tổ Chế là một tôn giáo Sơ Khai so với các Tôn Giáo của họ là thứ Đạo “Văn Minh” (ám chỉ Durkheim trong “Les Formes Élémentaires de la Vie Religieuse”). Đây đúng là một lối KỲ THỊ TÔN GIÁO.(7)

Ông rút các ý tưởng ra từ các tác phẩm nêu trên, cộng thêm nội dung của các bài viết khác của ông trong lãnh vực Huyền Thoại nhằm HỆ THỐNG Hóa thành một Lý Thuyết Nghiên Cứu mới mẻ gọi là CƠ CẤU LUẬN (Structuralisme) trong tác phẩm “Anthropologie Structurale”.

5) ANTHROPOLOGIE STRUCTURALE (1958)

Thật vậy, qua tác phẩm trên, Claude Lévi-Strauss trình bày và áp dụng PHƯƠNG PHÁP Cơ Cấu (Méthode Structurale) từ đây gắn liền với tên tuổi của ông. Trong đó, tất cả các vấn đề lớn của Nhân Chủng học đều được đề cập đến, từ những lệ luật trong lãnh vực Thân Tộc và Cưới Hỏi, qua  tập tục Cấm Loạn Luân và chế độ Ngoại Hôn, khái niệm về người “Sơ Khai”, Tương Quan giữa môn Nhân Chủng với các lãnh vực Sử Ký, Ngôn Ngữ, Xã Hội, Tâm Lý. Phân Tâm, tới lối giải thích Huyền Thoại, Nghi Lễ, Ma Thuật, Tương Quan giữa Nghệ Thuật và các khiá cạnh khác của đời sống Xã Hội..vvv..

“Anthropologie Sociale” cũng bàn đến các vấn nạn được đặt ra về khía cạnh PHƯƠNG PHÁP Nghiên Cứu với sự xuất hiện của trào lưu Cơ Cấu luận. Và cũng qua tác phẩm  này được xác định và minh chứng về dự án mà tác giả rất thâm tín từ lâu về khả năng phân tích một cách KHOA HỌC các hiện tượng xảy ra, mà không làm hao tổn đến tính chất ĐA DẠNG, PHONG PHÚ cũng như khiá cạnh TỈ MỈ, CỤ THỂ gắn liền với các sinh hoạt của con người.

Thật vậy, bên cạnh tính chất Phức Tạp của đời sống Xã Hội xuất hiện ở những giai tầng khác nhau, thì theo ông, đồng thới cũng có sự hiện hữu của nhiều giai tầng khác của Cuộc Sống mà Cơ Cấu luận có thể “nắm bắt” được bằng những LUẬT TẮC. Với cùng một loại hiện tượng mà tác giả “vay mượn” từ những xã hội khác nhau, hoặc với những loại hiện tượng khác nhau phát xuất từ cùng một xã hội hay từ các xã hội khác nhau, sự áp dụng Phương Pháp CƠ CẤU sẽ làm xuất hiện những mối Tương Quan mà Lý Trí con người có thể “nắm bắt” một cách dễ dàng hơn là đối với chính những sự vật, biến cố riêng biệt là đối tượng của các mối liên hệ nêu trên. Tóm lại, Nhân Chủng học có thể đóng góp những “dụng cụ” chính xác, vững chắc  về khía cạnh PHƯƠNG PHÁP để  mà một ngày nào đó, các “Khoa Học Nhân Văn” sẽ có thể “tự chính mình” đạt được các Tiêu Chuẩn KHOA HỌC đúng nghĩa. (8)

a) VAI TRÒ NGỮ HỌC

Thật ra Cơ Cấu  Luận đến với Lévi-Strauss qua trung gian của nhà Ngữ Học gốc Tiệp Roman Jakobson mà ông đã may mắn gặp ở New York năm 1942 khi ông tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Nhưng Jakobson lại chịu ảnh hưởng của Ferdinand de Saussure.

Với Jakobson, Lévi-Strauss bắt đầu ý thức được vai trò đặc biệt của Ngữ Học : đây là thực thể riêng biệt nhất của con người cũng như là ngã ba mà mọi ngành học phải đi qua. Có một điểm may mắn khác là Ngữ Học đã trở thành Khoa Học xác thiết đến độ có thể dùng làm mẫu cho các khoa khác. Ngoài ra, có những lý do khác khiến Lévi-Strauss gọi đây là một cuộc Cách Mạng Âm Vị học (révolution phonologique).

Người đi tiên phong trong lãnh vực này là nhà Ngữ Học N.S. Trubetzkoy chủ trương vượt Ý Thức để khảo sát hạ tầng Tiềm Thức của những hiện tượng ngôn ngữ, lấy đối tượng học hỏi là các mối Liên Hệ giữa các đơn vị Âm Vị học hơn là chính các đơn vị đó, phát hiện những Hệ Thống âm vị cụ thể và Cơ Cấu của chúng, sau cùng cố tìm ra những Định Luật Tổng Quát bằng quy nạp hay diễn dịch.

Sau này nhà Ngữ Học danh tiếng Ferdinand de Saussure nhận ra một chiều kích khác gọi là Hàng Dọc thì tự đấy nảy sinh ra CƠ CẤU trong NGỮ LÝ Học (Linguistique) (9).

b) PHƯƠNG PHÁP CƠ CẤU

Vậy CƠ CẤU là gì ? Có thể     nói Cơ Cấu là một cố gắng vượt qua những cái dị biệt, tạp đa để đạt tới những nét căn bản nhất của bất cứ một môn học nào. Nói đến nét căn bản có nghĩa  là nói tới Tổng Quát. Nhưng không là một cách tổng quát dựa trên lý trí, sự tổng quát ở đây không nhằm mô tả sự kiện như khoa Nhân Chủng học trước kia đã làm, mà cách Tổng Quát của Cơ Cấu, có nghĩa là cái gì uyên nguyên hơn, tế vi hơn, vô hình hơn, do đó có sức bao quát hơn nhiều.

Claude Lévi-Strauss đã nghiên cứu rất tỉ mỉ về nhiều mối Liên Hệ Thân Tộc  trong Thân Tộc học hoặc nhiều loại Huyền Thoại trong Huyền Thoại học của nhiều nhóm  dân khác nhau, sau phân tách bên ngoài những dị biệt, ông tìm ra được rất nhiều nét giống nhau giữa các huyền thoại hay liên hệ thân tộc. Căn cứ vào đó, ông kết luận rằng có một Bản Tính Đồng Nhiên cho mọi con người không phân biệt màu da, dòng máu..vvv.. và do đó đi đến kết luận là có những Luật Bất Biến chi phối mọi hoạt động của con người cổ cũng như kim. Luật này Không Ý Thức được dễ dàng. Nó nằm ngầm dưới Vô Thức, đưa ra những dạng thức bắt buộc Ý Thức phải tuân theo. Vì thế chỉ cần tìm ra được cái Cơ Cấu Vô Thức nằm ngầm trong mọi định chế, thói tục là tìm ra Nguyên Lý giải thích các thể chế, thói tục, thần thoại khác.

Đó là lý do khiến các các nhà Cơ Cấu học nuôi hy vọng có thể sắp xếp hàng trăm các nền văn hóa khác nhau bằng phương pháp đối chiếu, vào một mẫu số chung nào đó, vì văn hóa là những hình thái khác nhau của Cơ Cấu Tâm Thức của mỗi dân tộc. Theo Lévi-Strauss, Cơ Cấu Tâm Thức ấy được hình thành ngay từ bước sơ khai của mỗi dân tộc, và do đó ông đề cao những huyền thoại của những trang đầu lịch sử.

Sau khi nghiên cứu vô số những huyền thoại kèm với thể chế, thói tục…của nhiều sắc dân, chủng tộc thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau bằng phương pháp mới của Cơ Cấu luận, Lévi-Strauss tóm tắt công trình nghiên cứu của mình bằng cách  đưa ra bốn nét đặc trưng của Cơ Cấu như sau:

– Cơ Cấu vượt lý trí để sang bình diện tiềm thức
– Cơ Cấu chú ý đến những mối liên hệ giữa các hạn từ hơn là những hạn từ riêng rẽ.
– Cơ Cấu là đứng ở toàn cảnh nhìn vào từng phần và tìm cách giải nghĩa từng phần bằng cách đặt chúng trong tương quan với toàn bộ. Chính mối tương quan vô hình định tính các loại văn hóa. Thí dụ Lévi-Strauss phân tích  bốn loại Giao Liên với những ký hiệu sau:

=    Giao liên có tính cách Tương Liên
+_  Giao liên Đảo Lại
+    Giao liên xây trên Quyền Lợi
_    Giao liên chú ý đến Nhiệm Vụ

– Điểm cuối cùng và nổi bật của Cơ Cấu là tìm ra những Luật Chung từ những Mô Hình, Dạng Thức đã được phác họa để suy diễn và quy nạp.

Theo Lévi-Strauss, muốn tìm ra Cơ Cấu chung nêu trên, thì phải đẩy sự phân tích sâu xa đến Trung Độ, vì cái lương tri bất biến của Bản Tính con người là hệ thống những NIỆM THỨC nằm xen kẻ giữa HẠ TẦNG và  THƯỢNG TẦNG Kiến Trúc. Nhờ vị trí Trung Gian đó, mà chúng trở nên LƯỠNG DIỆN, tức vừa có tính THƯỜNG NGHIỆM mà lại KHẢ TRI (empirique et intelligible). Là Thường Nghiệm nên Biến Đổi, còn là Khả Tri nên Bất Biến, nghĩa là chúng vâng theo một số Mẫu Mực trở đi trở lại, vì chúng xuất phát từ một Lương Tri luôn luôn Đồng Nhất với mình. Do đó, chúng vượt lên  trên quan điểm  xã hội hay biến đổi. Điều quan trọng là tìm ra những Cơ Cấu đó.

Chúng tuy không có nhiều nhưng rất khó tìm, vì chúng bị chôn vùi dưới những phạm trù lý trí, những dạng thức do trí con ngưới tạo ra hoặc những tổ chức đa dạng trong xã hội. Trong mục đích tìm hiểu Cơ Cấu Vô Thức cơ bản đó, Lévi-Strauss đề nghị KIẾN TẠO ra những DẠNG THỨC để làm dụng cụ quan sát và xếp loại từ những dữ kiện thâu lượm được trong vùng tiềm thức, vì Tiềm Thức là miền âm u mờ mịt như biển đại dương, nên không thể y cứ vào cái gì để làm tiêu điểm. Những dạng thức được kiến tạo ra KHÔNG có phần Cảm Giác CỤ THỂ (sensible), nhưng lại có phần KHẢ NIỆM (intelligible). Nói cách khác, dạng thức làm cho ta lùi xa thực tại, vì đánh mất phần cảm giác cụ thể, là cốt để Nắm Vững hơn được Thực Tại bằng Khả Niệm Tính, kiểu như khoa học Vật Lý cũng cắt xén sự vật bằng những phương pháp trừu tượng hầu chế ngự thực tại.

DẠNG THỨC của Cơ Cấu luận tương tự PHẠM TRÙ của triết gia Kant, còn CƠ CẤU giống như NIỆM THỨC của Kant, nghĩa là một thứ TRUNG GIAN vừa có tính chất Cảm Giác CỤ THỂ hầu đi sát sự vật, lại thêm tính chất Lý Luận TRỪU TƯỢNG để sắp xếp sự vật. Do đó, dạng thức được kiến tạo có lý do tồn tại của nó nên đã xuất hiện nhiều lần, nhưng với Lévi-Strauss thì được khai triển một cách triệt để và hệ thống.

Trong khi đi tìm những chất liệu để kiến tạo dạng thức, Lévi-Strauss chú ý đến ĐIỂM NỐI đã hiện hình trong lãnh vực liên hệ. Đây là một điều Tối Quan Trọng, nhưng không được chú ý cách đầy đủ trong các khoa liên hệ. Xu hướng chung là chỉ chú ý có một phía : Triết thì chú ý LÝ TRÍ, Sử thì DUY KIỆN, Ngôn Ngữ thì NGỮ LUẬT. Không có khoa nào chú trọng đến ĐIỂM NỐI giữa Ý Thức với Tiềm Thức, Cảm Xúc vơi Khả Tri, Văn Hóa với Thiên Nhiên. Và vì vậy tất cả đều bị lên án là MỘT CHIỀU hay ĐỘC KHỐI. Lévi-Strauss  đã muốn bù đắp chỗ đó bằng nghiên cứu những Điểm Nối Hiện Hình như tục CẤM LOẠN LUÂN là Điểm Nối trong Thân Tộc học giữa Nhiên Giới (l’ordre naturel) và Nhân Giới (l’ordre culturel), HUYỀN THOẠI là Điểm Nối trong Huyền Thoại học giữa Ý Thức và Tiềm Thức, giữa Sử Hàng Ngang (histoire diachronique) và Sử Hàng Dọc (histoire synchronique)..vvv.(10).

Trên con đường kiến tạo một Lý Thuyết mới mẻ trong khoa học Nhân Văn là Cơ Cấu luận (Structuralisme)  mà nội dung được đúc kết bằng Phương Pháp Cơ Cấu (Méthode Structurale), Lévi-Strauss đã xử dụng rất nhiều chất liệu trong Huyền Thoại học (Mythologie). Vì vậy, Huyền Thoại (Mythe) đóng một vai trò rất quan trọng trong Sự Nghiệp của ông. Mà Huyền Thoại thường xuất hiện vào thời đầu của Lịch Sử con người, do đó muốn hiểu một chút bầu khí, khung cảnh của Huyền Thoại, ông phải đi nghiên cứu sinh hoạt, nếp sống, nếp nghĩ của các Sắc Dân Thiểu Số còn sót lại ngày nay. Công việc này được Lévi-Strauss đúc kết trong tác phẩm “La Pensée Sauvage”.

6) LA PENSÉE SAUVAGE (1962)

“Tư Tưởng Man Dã” không phải là tư tưởng của những dân tộc dã man, nhưng là Tư Tưởng Nhân Loại ở trạng thái “Man Dã”, khác với Tư Tưởng đã thuần hóa, đã gọt rũa với mục đích gia tăng năng xuất. Đó là quan niệm của Lévi-Strauss, nhưng muốn đạt được loại Tâm Thức nêu trên mới thoạt trông có vẻ “Giản Dị một cách Trong Sáng”, ông phải đi ngược lại với biết bao nhiêu Thành Kiến của các thế hệ “đàn anh” trong lãnh vực Nhân Văn!

a) QUAN NIỆM LÉVY-BRUHL

Thật vậy, từ lâu, người ta trong đó có Lévy-Bruhl có thể đại diện cho lớp “đàn anh” nói trên , thường bảo tư tưởng của những người cổ sơ lung tung, lộn xộn và ngôn ngữ của họ thiếu những danh từ và khái niệm trừu tượng để kết luận những dân tộc cổ sơ không có khả năng tư tưởng trừu tượng.

Theo Lévy-Bruhl, con người hơn con vật ở chỗ có những ý niệm tổng quát và trừu tượng. Những ý niệm này cho phép con người diễn đạt tư tưởng một cách hợp lý và kiến tạo khoa học trên nền tảng một thứ luận lý mà những nguyên lý chủ yếu là nguyên lý mâu thuẫn và nguyên lý nhân quả. Thế mà theo Lévy-Bruhl, người cổ sơ không có những ý niệm tổng quát và lối lý luận này. Nói một cách khác, người cổ sơ tư tưởng một cách cụ thể và đặc thù.

Về CON SỐ chẳng hạn, dưới con mắt Lévy-Bruhl, người bán khai “cảm giác, tri giác các con số chứ không thể quan niệm chúng một cách trừu tượng như người phương Tây.

Theo Lévy-Bruhl, về mặt LUẬN LÝ, các dân tộc cổ sơ cũng không tuân theo những nguyên tắc thuần lý như người “văn minh”. Những biểu tượng tập thể (les représentations collectives) của họ tuân theo cái mà Lévy-Bruhl gọi là “phạm trù thông phần” hay “định luật thông phần” (catégogie de la participation, loi de participation)..Theo “luật ” này, thì “trong đầu óc các dân tộc cổ sơ, sự vật, hiện tượng có thể vừa thế này, vừa thế khác, thật là khó hiểu”.

Lévy-Bruhl cho rằng, “luật thông phần” này dường như dựa trên định đề khẳng định có sự ĐỒNG NHẤT căn bản giữa Vạn Vật. Đối với các dân tộc cổ sơ, vạn vật chỉ hiện hữu chừng nào “tham gia” (participer) vào một thực thể siêu việt và bao dung chúng, thường là một sức mạnh vô hình, một yếu tính hay môt thực thể thần bí bàng bạc khắp nơi gọi là “Mana”.

Cũng theo Lévy-Bruhl thì không đếm xỉa đến Nguyên Lý MÂU THUẪN (principe de contradiction) trong khi lý luận, người cổ sơ  nhận rằng họ vừa là người vừa là vật tổ (totem).

Lévy-Bruhl còn viết : ” Người da đỏ đi săn hay ra trận  có được may mắn hay không, tùy theo vợ hắn ở nhà có kiêng khem đầy đủ không…Cái lối lý luận này ta thấy vô số trong nếp nghĩ của các dân cổ sơ bán khai. Họ không đếm xỉa gì đến cái mà ta gọi là Tương Quan NHÂN QUẢ tự nhiên giữa các biến cố, mà chỉ lưu tâm đến những tương quan thông phần, thần bí…Vì vậy ta có thể bảo tâm trí những dân tộc cổ sơ là TIỀN LÝ LUẬN (prélogique) hay THẦN BÍ (mystique).

Lévy-Bruhl còn đi xa hơn “Tôi nghĩ rằng không những các dân tộc cổ sơ không tư tưởng theo luận lý của chúng ta mà có lẽ họ chẳng theo luận lý nào cả trong khi tư tưởng”.(11)

b) QUAN NIỆM LÉVI-STRAUSS

Quan điểm trên hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Lévi-Strauss vì ông này chủ trương tinh thần con người vốn đồng nhất và người cổ sơ cũng có khả năng tư tưởng một cách quy cũ,  tổng quát và trừu tượng.

Bằng cớ là, theo Lévi-Strauss trong “La Pensée Sauvage”, Ngôn Ngữ CHINOOK thuộc vùng Đông Bắc Bắc Mỹ  KHÔNG THIẾU Danh Từ TRỪU TƯỢNG để chỉ thị tính chất sự vật. Boas trong cuốn “Handbook of American Indian Languages đã viết : “Trong các thứ tiếng mà tôi biết, tiếng Chinook có nhiều cách diễn tả trừu tượng nhất”. Ví dụ câu: “Một người độc ác đã giết chết đứa trẻ đáng thương”, nói bằng tiếng Chinook trở thành: “Sự độc ác của con người  đã giết chết đứa trẻ đáng thương”. Muốn nói : “Một người đàn bà cắp cái thúng quá nhỏ”, họ nói ” Bà ta chất rễ cây trĩ-tử-diên (potentille) trong sự nhỏ bé như miệng hến của cái thúng”.

Trái với Lévy-Bruhl cho rằng người cổ sơ không có những từ trừu tượng (như từ “cây” chỉ chung một loại), nhưng những từ “cụ thể” như sồi, dẻ, phong…thực ra so với từ “cây” cũng không kém phần trừu tượng. Theo Claude Lévi-Strauss, “Trong hai ngôn ngữ mà một chỉ có từ “cây” còn một thì không có từ này nhưng lại có hàng tá từ ngữ chỉ riêng mỗi thứ cây thời ắt hẳn cái ngôn ngữ thứ hai này giầu khái niệm trừu tượng hơn ngôn ngữ thứ nhất”.

Lại nữa, theo Lévi-Strauss, trường hợp những dân tộc thường bị coi là “cổ sơ” hay “bán khai” cũng giống như trường hợp những nghề chuyên môn: khi người ta càng quan tâm đến sự vật bao nhiêu thì người ta lại càng có khả năng xử dụng đến nhiều danh từ chuyên môn bấy nhiêu…

Nếu tư tưởng cổ sơ ít hướng về những thực tại như khoa học hiện đại thường làm thì, dù vậy, cả hai phương pháp tư tưởng và quan sát vẫn không có gì khác nhau. Trong cả hai trường hợp, con người đều tư tưỏng hợp lý. Nói cách khác, theo Claude Lévi-Strauss, BẤT CỨ DÂN TỘC NÀO cũng có đủ  khả năng  Tư Tưởng TRỪU TƯỢNG.

Còn một THÀNH KIẾN khác của giới Thực Dân Thuộc Địa trước đây là họ “đã lầm tưởng khi cho rằng người “dã man” chỉ biết Thỏa Mãn  nhu cầu SINH LÝ hay KINH TẾ bức thiết hoặc lợi ích THỰC TIỂN mà thôi, chứ KHÔNG biết gì đến các khiá cạnh LÝ THUYẾT, VĂN HÓA hay nghĩa lý CAO XA  nào khác!

Để trả lời các “cáo buộc “trên, Lévi-Strauss đưa ra các thí dụ sau đây: “Tôi lấy làm ngạc nhiên về sự nhậm lẹ, thông thạo của người Balovale và vùng lân cận khi họ đề cập đến y dược và độc dược của họ.”

Theo Henderson và Harrington, ngôn ngữ  Tewa có những danh từ riêng biệt để chỉ mỗi bộ phận của con vật. Ngôn ngữ Tewa có đến 40 từ để mô tả hình thể một chiếc lá cây và 15 từ riêng biệt để tả những phần khác nhau của một thân cây ngô!

R.B. Fox thì cho biết ngưới Pinatubo có thể gọi tên hơn 600 giống cây và “có một kiến thức Thực Vật học phi thường”.

Rõ ràng là một kiến thức được phát triển một cách quy cũ, có hệ thống như thế của những dân tộc kể trên không thể chỉ phục vụ những lợi ích hoàn toàn thực tiển”.

Lévi-Strauss còn đưa ra một thí du khác khi trích dẫn nhà Dân Tộc học F.G. Speck: “Không có gì đáng kinh ngạc..khi ta thấy những người đi săn Penobscot vùng Maine thấu hiểu tập tục và tính tình loài hoẳng “original” hơn bất cứ nhà động vật nào..

Sự phân loại loài bò sát…vốn không có ích lợi gì cho những dân tộc da đỏ này vì họ không hề ăn thịt rắn, ếch nhái hay lấy da chúng”.

Và ông kết luận : “Đúng vậy! Mục đích trước tiên của thứ khoa học này không nằm trong lĩnh vực thực tiễn. Thứ khoa học ấy cốt đáp ứng yêu cầu TRÍ THỨC trước khi – hay thay vì- thỏa mãn nhu cầu Thực Dụng”.

Về khía cạnh NHÂN QUẢ, ông viết: “Những quan sát tỉ mỉ, những kê cứu rất có hệ thống của những dân tộc cổ sơ đôi khi đem lại những thành quả khá tốt đẹp về mặt khoa học. Ví dụ: khi đi săn, người da đỏ Blackfoot sau khi xem xét cái thai của con bò tót bị giết có thể tiên đoán mùa Xuân sắp tới.

Theo ông, ta có thể bảo không những tư tưởng cổ sơ biết đến tính cách TẤT ĐỊNH (déterminisme) _ định đề nền tảng cho mọi định luật khoa học _ của vạn vật mà còn tỏ ra tất định triệt để hơn cả khoa học của người phương Tây như trường hợp Ma Thuật (Magie).

Theo Lévi-Strauss _ không những đôi khi Ma Thuật cũng thành công mà còn giải quyết được một vấn đề rất khó khăn đặt ra cho trí óc con ngưới: đó là vấn đề HỆ THỐNG Hóa những Dữ Kiện KHẢ XÚC (la systématisation au niveau des données sensibles), là điều mà Khoa Học ngày nay chưa làm được!

Về khía cạnh Xử Dụng TÀI NGUYÊN, ” những hoạt động của người Hanunoo chứng tỏ họ biết nhiều về thảo mộc địa phương. Trái với ý kiến của một số người cho rằng những dân tộc chậm tiến về kinh tế chỉ biết xử dụng một phần nhỏ  tài nguyên thảo mộc, người Hanunoo đã dùng đến một tỷ lệ là 93%”.

Handy và Pukui cũng viết : ” Thổ dân Hạ Uy Di xử dụng tài nguyên thiên nhiên khá hoàn hảo, hơn hẳn cái lối khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi của giới Tư Bản phương Tây hiện giờ chỉ lo ních chặt túi tham, bất kể “sống chết mặc bay” miễn là “tiền thầy bỏ túi”

Về khía cạnh VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT, Lévi-Strauss nhận thấy là “người Caduveo đã sáng tạo nên một đường lối hội họa rất độc đáo. Trong bộ lạc Caduveo, đàn ông là những nhà điêu khắc, còn đàn bà là những họa sĩ…”. Ông khen thầm: “Những bức vẽ trên mặt phụ nữ Caduveo rất cân đối: nhà họa sĩ bắt đầu vẽ bất cứ một điểm nào trên gương mặt rồi cứ thế tiếp tục hoàn thành  “tác phẩm” một mạch không nghỉ mà không hề phải sửa chữa nào…Mỗi khuôn mặt là một tác phẩm độc đáo; trong số hơn bốn trăm bức vẽ mặt được thu thập vào năm 1935, tôi (Lévi-Strauss) không thấy bức nào giống bức nào”. Ông tiếp: “Phương pháp vẽ mặt của người Caduveo rất tinh vi, có hệ thống và vượt xa hội họa Châu Âu thời Phục Hưng”.

Có một số nhà truyền giáo phương Tây không bằng lòng về sự vẽ mặt này vì các vị đó cho “con người là hình ảnh của Thiên Chúa” nên không ai có quyền “bôi tro trát trấu” lên một “tuyệt phẩm của Chúa” như vậy.

Lévi-Strauss kể: ” người Caduveo bảo các nhà truyền giáo phương Tây: “Các Cha thật ngu..vì không chịu vẽ mặt như người Caduveo chúng tôi”, bởi vì, theo người Caduveo lý luận: “Có vẽ mặt (một tác động văn hóa) mới là người, còn để “tự nhiên” thì khác gì thú vật”.(12)

Tóm lại, theo Claude Lévi-Strauss, Tư Tưởng Man Dã hoàn toàn không lung tung, lộn xộn như người ta  thường tưởng vì nó phát xuất từ những quan sát tỉ mỉ và chính xác. Nó cũng biết phân tích, tổng hợp, phân loại, đối ứng, có tính chất vừa biểu tượng, vừa cụ thể..vvv..cũng tiến hành theo con đường của TRÍ NĂNG, VĂN HÓA, chứ không phải chỉ là sản phẩm của CẢM QUAN. Tư Tưởng Man Dã cũng đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của con người bằng những phát minh căn bản cho sự An Cư Lạc Nghiệp như vào Thời Đá Mới: Canh Nông, Chăn Nuôi, Đồ Gốm, Dệt, Nấu Ăn..vvv..

Vì Vũ Trụ quan của họ kết hợp những yếu tố Phàm Tục, Tôn Giáo, Thần Thoại, Ma Thuật lẫn Thực Nghiệm, nên những Suy Tư của các dân tộc Cổ Sơ cũng có tính cách TOÀN THỂ là nét Đặc Trưng của Tư Tưởng HUYỀN THOẠI.

7) MYTHOLOGIQUES (1964-1971)

Theo Lévi-Strauss, trước đây không lâu, “những quan niệm về Huyền Thoại ..thường phát xuất từ những ngộ nhận, những thành kiến mang nặng tính chất kỳ thị chủng tộc, phân biệt mầu da của một số nhà dân tộc học và huyền thoại học phương Tây đối với nếp sống, nếp nghĩ của những dân tộc da mầu bị họ coi là lạc hậu (arriéré), là man mọi, là bán khai, là cổ sơ…vvv..”

Trước hết Lévi-Strauss bài bác một số quan niệm sai lầm của những nhà dân tộc học và huyền thoại học phương Tây (như Lévy-Bruhl), khi các vị này cho rằng huyền thoại của các dân tộc da mầu là cái gì lung tung, lộn xộn, vô qui tắc, phi luận lý.

Sự lầm tưởng này, bắt nguồn từ một quan niệm luận lý hẹp hòi và tính cách phân biệt chủng tộc của nhiều người phương Tây, đã bị Claude Lévi-Strauss phê bình như sau:

“Phải mở rộng quan niệm luận lý của chúng ta (tức người phương Tây) để có khả năng bao hàm được cả những lối tư tưởng (opérations mentales) bề ngoài có vẻ khác chúng ta nhưng thực ra cũng “trí thức”  y như  ta. Thay vì làm như vậy, nhiều nhà dân tộc học phương Tây đã xem những lối lý luận của người cổ sơ là phi lý, khó hiểu, tiền-luận-lý”

Theo Lévi-Strauss, cho đến nay khoa Huyền Thoại học vẫn còn bế tắc với những lối giải thích như “mơ mộng tập thể”, “thần thánh hóa những nhân vật lịch sử”…vvv.Người ta thường coi huyền thoại là cái gì ngẫu nhiên (jeu gratuit) hoặc chỉ là một lối suy tư triết lý vụng về của một số dân tộc bán khai. Những người khác lại cho rằng mỗi xã hội biểu thị trong huyền thoại những tình cảm nền tảng như yêu, ghét, hận thù…vốn là những tình cảm chung của loài người. Có người lại nghĩ huyền thoại là một nỗ lực giải thích những hiện tượng thiên văn thời tiết khó hiểu. Lévi-Strauss nói: “Các dân tộc cổ sơ xa lạ với những lối giải thích mệnh danh là khoa học trên đây. Tại sao tư tưởng họ lại rắc rối nhiêu khê như vậy!”.

Lévi-Strauss nghĩ  rằng “nếu xét kỹ, những huyền thoại này bề ngoài có vẻ lung tung (arbitraire) lại có một số đặc tính chung, những chi tiết chung ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó mới nẩy ra vấn đề: nếu nội dung huyền thoại hoàn toàn ngẫu nhiên, vô thường, tại sao trên trái đất lại có những huyền thoại giống nhau như lột ?”

Thực ra _ vẫn theo Lévi-Strauss_ sự lúng túng của những người nghiên cứu huyền thoại bây giờ giống như sự lúng túng mà một số triết gia đầu tiên quan tâm đến ngôn ngữ đã gặp phải. Bế tắc chỉ giải tỏa khi các vị này từ bỏ quan niệm là “Âm và Nghĩa (sons et sens) vốn có quan hệ tự nhiên với nhau” để chấp nhận “tính cách ước lệ của những dấu hiệu ngôn ngữ” do Ferdinand de Saussure đề ra, cũng như sự kiện là ” NGHĨA không trực tiếp gắn liền với ÂM mà liên quan đến CÁCH các ÂM PHỐI HỢP với nhau”.

Từ đó, Claude Lévi-Strauss đã rút ra những kết luận tạm thời như sau:

-Ý nghĩa của huyền thoại không do những yếu tố riêng lẻ cấu thành, mà do ở CÁCH những yếu tố này PHỐI HỢP với nhau.

– Như  mọi ngôn ngữ (être linguistique), mỗi huyền thoại gồm có nhiều Đơn Vị Cấu Thành (unités constitutives) gọi là THOẠI TỐ (Mythèmes)

-Những đơn vị thực sự cấu thành  huyền thoại không phải là những tương quan riêng rẽ mà là những “gói” tương quan (paquets de relation), cũng như vốn có một Cơ Cấu KÉP, vừa hữu sử vừa phi sử, vừa diễn tiến (diachronique hay hàng ngang) vừa định thái (synchronique hay hàng dọc).

Nếu KỂ huyền thoại thì ta đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Nhưng muốn HIỂU thì phải “đọc” từ trái sang phải, TỪNG CỘT MỘT, mỗi cột là một toàn thể có ý nghĩa. Tất cả những tương quan trong một cột có một đặc tính chung. Lấy thí dụ về Huyền Thoại Oedipe, có cả thẩy 4 cột:

-Cột 1: những biến cố liên quan đến những người cùng họ. Đặc tính chung là Tương Quan Thân Tộc QUÁ ĐÁNG như  việc “Oedipe lấy mẹ là Jocaste”.

-Cột 2: Tương Quan Thân Tộc BỊ COI RẺ như việc “Oedipe giết bố là Laios”

-Cột 3: PHỦ NHẬN Thú Tính của Con Người như việc “Oedipe giết con Sphinx”

– Cột 4: Một Phần Thú Tính CÒN TỒN TẠI nơi Con Người : Theo nhiều huyền thoại, con người vốn “ở dưới lỗ chui lên” và lúc đầu không đi được hay đi không vững, như sự kiện ở đây là “Chân Oedipe bị sưng”.

Tóm lại, cột 4 và 3 đối nhau như hai trạng thái “Thú tính cón tồn tại nơi con người” với “Phủ nhận thú tính của con người”.

Cột 1 và 2 đối nhau như  hai tình trạng “Tương quan thân tộc quá đáng” và “Tương quan thân tộc bị coi rẻ”.

Theo Lévi-Strauss, Huyền Thoại mang lại cho ta một Khí Cụ LUẬN LÝ và TƯ TƯỞNG sắc bén để giúp GIẢI QUYẾTnhững MÂU THUẪN như của huyền thoại Oedipe trên đây.

Phương pháp nghiên cứu huyền thoại của Lévi-Strauss giúp ta tránh  được một khó khăn thường cản trở  công cuộc nghiên cứu huyền thoại: đó là việc tìm ra  cho được nguyên bản, chính bản, cổ bản hoặc nguyên tác trong số những “thoại” hiện hữu. Lý do là càng nhiều THOẠI (versions) lại càng tốt và thoại nào cũng có giá trị như nhau.

Tóm lại, Claude Lévi-Strauss đã có công phát hiện một số cách thức LÝ LUẬN Nền Tảng của tư tưởng Huyền Thoại. Theo ông, tư tưởng Huyền Thoại thường khởi đầu với Ý Thức về một số MÂU THUẪN nào đó. để rồi tiến dần đến sự giải quyết DUNG HÒA những mâu thuẫn ấy. Lúc đầu, tư tưởng luận lý đứng trước hai hạn từ hoàn toàn mâu thuẫn nhau (Thí dụ: SỐNG và CHẾT).

Ở giai đoạn 2, hai hạn từ này sẽ được hai hạn từ TƯƠNG ĐƯƠNG  thay thế (như NÔNG NGHIỆP thay thế “Sống” và CHIẾN TRANH thay thế “Chết”) để có khả năng đi đến một hạn từ TRUNG GIAN (như SĂN BẮN): Ta có thể lý luận như sau: “Nếu Nông Nghiệp nuôi SỐNG còn Chiến Tranh thì giết CHẾT, thì Săn Bắn là giết CHẾT để nuôi SỐNG! Sau đó, hạn từ cực đoan và hạn từ trung gian vừa kể trên lại đến phiên bị thay thế. Cứ tiếp tục như thế mãi…vvv.. và ta sẽ có những Trung Gian bậc I, bậc II, bậc III..vvv..mỗi hạn từ sinh ra một hạn từ sau bằng cách ĐỐI LẬP và TƯƠNG GIAO.

Theo Lévi-Strauss, LUẬN LÝ của tư tưởng Huyền Thoại và tư tưởng Khoa Học chỉ là MỘT và con người luôn luôn tư tưởng HỢP LÝ.Với tác phẩm “Le Ctu et Le Cuit” và dựa trên một số huyền thoại Nam Mỹ, ông đã chứng minh rằng “có thể có một thứ LUẬN LÝ xây dựng trên CẢM GIÁC” (une logique des qualités sensibles).

Lẽ tự nhiên, điểm độc đáo của HUYỀN THOẠI là không vạch trần, nói toạc ra tất cả những điều ở trên, mà chỉ thản nhiên thuật lại một câu chuyện phong phú nào đó vì huyền thoại là một Sáng Tạo Vô Thức tương đương những NGHỆ PHẨM, nhất là NHẠC PHẨM.(13)

Trên đây là các tác phẩm chính yếu của Claude Lévi-Strauss với các chủ đề được đề cập nhằm trình bày, dẫu cách sơ lượt , Nội Dung và Phương Pháp  của CƠ CẤU LUẬN. Một số vấn đề quan trọng khác cũng được ông bàn tới liên quan đến:

– Một Quan Niệm MỚI về:
.VĂN MINH
.LỊCH SỬ-  Địa Vị của Thời ĐỒ ĐÁ MỚI đối với Văn Minh Nhân Loại

C) CƠ CẤU LUẬN và VĂN MINH, LỊCH SỬ, NGUỒN GỐC

1) MỘT QUAN NIỆM MỚI VỀ VĂN MINH

Phần trình bày trên cho chúng ta thấy địa vị Đặc Biệt, Quan Trọng mà Lévi-Strauss đã dành cho Huyền Thoại. Thật vậy, ông xem những truyện Thần Thoại như những Cơ Cấu nỗi lờ phờ trên mặt Ý Thức nên dễ khai quật, để giúp tìm ra những Dạng Thức căn cơ cho một xã hội. Ông cho rằng muốn tìm hiểu  một xã hội mà lại bỏ bê những Trang Đầu lịch sử và chỉ biết có Sử Ký, tức Sử Hàng Ngang (histoire diachronique), là một SA ĐỌA, mà hậu quả là sẽ không đạt được Cấu Thức của các định chế. Lý do theo ông là trong bất cứ phương diện nào, chỉ có những BƯỚC ĐẦU mới LỚN LAO, chỉ có những sáng tạo ban đầu mới VĨ ĐẠI.

Chính vì thế mà Lévi-Strauss đứng vào phe chống lại thuyết TIẾN HÓA về Văn Minh, vì theo ông, là thuyết mưu toan xóa bỏ các nền Văn Hóa khác để chỉ lấy Âu Châu làm điểm tối hậu, làm tiêu chuẩn duy nhất; và như vậy thì các dân tộc khác phải từ bỏ tiêu chuẩn của mình để theo tiêu chuẩn của Tây Âu. Có thế mới gọi là tiến bộ văn minh : vì theo chủ trương Tiến Hóa thì những sự khác biệt là giả tạo mà không còn là tố chất của các nền văn hóa.

Thế mà theo Lévi-Strauss, sự Tiến Hóa xưa nay không thể đi theo một chiều hướng nhất định, thẳng tắp mà lại không gặp nguy cơ bị “trệch hướng” theo dòng thời gian. Trái lại, chiều hướng có thể thay đổi bất ngờ, ngẫu biến giống như một con “cờ tướng” có sẵn nhiều lối đi, nhưng không bao giờ theo một chiều hướng duy nhất. Tây Phương có tiến xa trong Kỹ Thuật, nhưng lại kém trong các ngành khác như Tôn Giáo, Mỹ Thuật…vvv.. Chứng cớ là nhiều dân Cổ Sơ biết tổ chức đời sống đem lại Hạnh Phúc cho nhiều ngưới hơn bên Âu Châu. Có thể nói họ NGƯỜI hơn những dân Tây Âu văn minh!(14)

Ông còn đưa ra nhiều thí dụ để chứng minh tính chất TƯƠNG ĐỐI trong các quan niệm về Văn Minh Tiến Bộ. Theo ông, từ vài thế kỷ nay, văn minh Tây Phương chỉ chú trọng đến việc tìm kiếm những phương tiện KỸ THUẬT càng ngày càng “mạnh” hơn để phục vụ cho các nhu cầu Vật Chất của con người. Nếu tiêu chuẩn trên được chấp nhận, thì sự phát triển cao thấp của một xã hội được căn cứ trên số năng lượng được dành cho mỗi cư dân.

Nhưng Lévi-Strauss cho rằng có nhiều loại TIÊU CHUẨN khác nhau về Văn Minh. Theo ông, nếu tiêu chuẩn được áp dụng là khả năng Thích Ứng với những Môi Trường địa lý Khắc Nghiệt nhất, thì không có dân tộc nào bằng dân “Eskimos” ở Bắc Cực hay dân “Bedouins” ở sa mạc Sahara. Cách đây 13 thế kỷ, Đạo Hồi đã “tổng hợp” được nhiều hình thái khác nhau của đời sống như: Kỹ Thuật, Kinh Tế, Xã Hội, Tâm Linh..vvv. với Giáo Lý của họ, điều mà người Tây Phương chỉ mới làm được gần đây với khoa Nhân Chủng. Nhờ vào đó mà Văn Minh và giới Trí Thức Á Rập đã giữ được vị trí hàng đầu ở thời Trung Cổ. Người Tây Phương ở thời Cận Đại tuy là “vua kỹ thuật” nhưng lại có những kiến thức rất “nông cạn” về tiềm năng và cách điều khiển “bộ máy chúa tể” là thân xác con người. Đông Phương đã đi trước Tây Phương mấy ngàn năm về phương diện này, tức về mối liên hệ giữa Tâm Thần và Thân Xác, với các thuật Yoga của người Ấn, Thiền của người Tàu, thể dục tâm thần của người thiểu số Maoris…vvv…(15)

Đó là lý do Lévi-Strauss phản đối thuyết Tiến Hóa được hầu hết người Pháp thời đó theo, trừ hai ông Balandier và Roger Bastide. Tất cả những người ấy đều có đầu óc Đế Quốc giống như người Cộng  Sản, (dẫu họ có mầu da trắng, vàng hay đen nhưng nên nhớ rằng thuyết Mác Xít bắt nguồn từ Tây Phương): thật vậy, người Cộng Sảnï cố  công đem ý thức hệ phương Tây trùm lên con người khắp nơi, mà không kể chi tới những sắc thái dị biệt, với chủ trương rất “quái đản” là vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo.! Vì thế nhà nhân chủng học nổi  tiếng gốc Anh gọi quan niệm Tiến Hóa trên kia là NGỤY SỬ.

Do đó, ông Malinowski đưa ra thuyết CHỨC NĂNG (fonctionnalisme) để chống lại. Ông này cho rằng thuyết Tiến Hóa quá trừu tượng vì xem xã hội sơ khai như lệ thuộc vào lịch sử Tây Phương. Đó là lối nhìn cũ kỹ cắm mắt vào những yếu tố lẻ tẻ vụn vặt mà không chú ý đến toàn bộ làm thành bởi những yếu tố ấy. Vậy cần lập ra Chức Năng thuyết để nghiên cứu về tác hành của xã hội. Cái đó nằm ngay trong hiện tại của nó, vì xã hội ấy chỉ có thể tồn tại và điều hành được là nhờ những yếu tố hiện tại có trong xã hội chứ không phải những yếu tố đã khuất dạng trong quá khứ. Và vì thế mà quan niệm CHỨC NĂNG đi đến chỗ PHỦ NHẬN LỊCH SỬ, phủ nhận BIẾN ĐỘNG. Đó là một  quá đáng khác mà Lévi-Strauss đã muốn tránh.

Vì thế tuy ông rất chú ý đến CƠ CẤU nhưng đồng thời cũng công nhận rằng nhờ có sự biến chuyển hiện đang xảy ra trong các xã hội cổ sơ mà ta mới có thể khám phá ra những Cơ Cấu nằm ngầm trong các xã hội ấy. Những cơ cấu ấy thường hình thành từ những bước sơ khai của mỗi dân tộc, vì thế Lévi-Strauss đề cao giá trị của những cái KHỞI ĐẦU coi đó như những GẠCH NỐI giữa hai nền SỬ HÀNG NGANG (histoire diachronique) và HÀNG DỌC (histoire synchronique) , vì lúc đó Tiềm Thức tác động mạnh trên Ý Thức hơn các đời về sau.

Quyển “La Pensée Sauvage” của Lévi-Strauss có thể xem như “tiếng chuông sầu chôn táng sự sai lầm của Lévy-Bruhl cho rằng các dân cổ sơ là lạc hậu, là “chưa tới đợt khoa học lý luận nên gọi là tiền lý luận”. Đó cũng là thành kiến của hầu hết mọi người trong thế hệ vừa qua. Tự nay với Cơ Cấu ta phải nghĩ khác. Cơ Cấu sẽ nói với mọi người : “Bạn đừng lấy mình làm thầy, hãy để người khác tiếp tục là họ. Họ còn gần Thiên Nhiên nên cũng gần Căn Cơ hơn bạn!”.(16)

2) MỘT QUAN NIỆM MỚI VỀ LỊCH SỬ

Cơ Cấu Luận không những cống hiến một quan niệm Mới về Văn Minh như phần trên cho thấy, mà còn đem lại một Chiều Kích MỚI cho lãnh vực LỊCH SỬ.

Thường khi nói đến SỬ người ta liên tưởng đến Sử các Biến Cố (histoire évènementielle) mà Cơ Cấu gọi là Sử Hàng Ngang (histoire diachronique), Sử Khoa Học hay DUY SỬ (historicisme). Duy Sử xuất hiện dưới quyền lực của DUY LÝ chú ý đến BIẾN CỐ (évènement) nghĩa là những sự kiện có thực, đã xảy ra nên có thể ghi ngày tháng và địa điểm với những nhân vật có thực.

Nhưng với Cơ Cấu thì nảy ra một loại Sử gọi là Hàng Dọc (histoire synchronique) vận hành với Tiềm Thức, không cần thể hiện vào một cá thể, vì vậy không thể ghi thời điểm và không điểm, nhưng vẫn gọi được là Sử vì có THẬT tuy Không Thực (vraie mais  irréelle), mà Nho gọi là “Hữu thực (vraie) nhi vô hồ xứ giả (irréelle)”.

Áp dụng vào Sử thì “hữu thực” là có những tác động, hay nguyên lý chỉ dẫn hoặc lý tưởng được cưu mang…nhưng “vô hồ xứ giả” nghĩa là không cần kết tinh vào cá nhân này hay cá nhân kia. Nhờ đó nó có thể là Sơ Nguyên Tượng (Archétype) hay Điển Loại tức là một dạng thức phổ biến, còn nằm trong cõi Thiên Thai (mong muốn) nhưng chưa gặp “bước trần ai”, nghĩa là chưa hẳn có ai hiện thực được như vậy. Nói thế có nghĩa là trong thực tế như trong chuyện “Đế Minh tuần thú phương Nam” chẳng hạn, không cần có những người mang tên là Đế Minh, nhưng trái lại, có nguyên lý hướng về ánh sáng (tuần thú phương Nam), có những tác động tháo lui trước quân xâm lăng, rồi lấy vợ ở miền Nam, và gọi đó là gặp Vụ Tiên trên núi Ngũ Lĩnh, tức là trong miền đất có nền văn hóa đi theo thuyết Ngũ Hành. Tóm lại, có Tác Động ĐIỂN HÌNH, mà không cần phải có người nào cả! Nếu theo Cơ Cấu, Sử Hàng Ngang (hay Sử Ký) đem tin hay cho biết biến cố (apprendre) nhiều hơn là giải nghĩa, thì Sử  Hàng Dọc (hay Huyền Sử) giải nghĩa (expliquer) nhiều hơn là đem tin.(17)

Và Lý Tưởng là làm sao Quân Bình hai loại Sử: Sử Ký với Huyền Sử, Hàng Ngang với Hàng Dọc. Phải chăng chỉ có Việt Nho mới đạt được thế Quân Bình nêu trên ? được thấy chẳng hạn qua việc chiết tự chữ DỊCH kép bởi “Nhật Nguyệt” qua đó NHẬT luôn luôn tròn, tượng trưng cho Thường Hằng hay Sử Hàng Dọc ( histoire synchronique), còn NGUYỆT khi tròn khi khuyết , khi úp khi ngửa, biểu thị mọi biến hiện đổi thay hay Sử Hàng Ngang ( histoire diachronique).

Trong khi đó bên trời Tây, Plato chỉ biết ngắm nhìn Lý Giới hay thế giới Ý Niệm (le monde des Idées) và khinh thường Cuộc Đời hay thế giới Cảm Xúc (le monde Sensible) bị xem là PHÙ ẢNH. Do đó, Plato đã trở thành một Triết Gia PHI NHÂN nên cũng PHI LỊCH SỬ.

Thật vậy, SỬ là sự hiển hiện của NHÂN CHỦ. Nói khác chỉ có SỬ khi con người là CHỦ. Con vật không có Sử vì không là Chủ. Con người thái cổ chưa có Sử vì chưa thực sự đạt được Nhân Chủ. Người La Hy chưa đưa Sử vào chương trình Giáo Dục, vì chưa thiệt định xong nền Nhân Bản. Và tình trạng trên kéo dài ở Tây Phương cho đến cuối thế kỷ XVII. Chính vì thế kỷ XVIII nói đến Nhân Bản nhiều nên cũng vôi vàng đưa Sử vào chương trình học. Và cũng từ đấy mới nhận ra thiếu Sử không chỉ là thiếu Sử, mà còn hàm chứa nhiều cái hại cho con người. Bởi vậy từ đó mới TÔN THỜ SỬ và đẩy đến độ DUY SỬ để lại gây ra một sự QUÁ ĐÁNG khác là chạy theo biến cố hàng ngang với nhịp độ càng ngày càng điên loạn, để đuổi theo sự hội nhập càng ngày càng trở nên diệu vợi, khó lòng lập lại được thế quân bình cần thiết giữa Cơ Cấu và Biến Cố (giữa CƠ và DỤNG).(18)

Vì thế mà Lévi-Strauss đã cảnh cáo là đừng để thời gian (duy sử) tiêu diệt mình (= ne laissons pas le temps nous détruire).(19)Và đó là một trong những lý do của sự xuất hiện của Cơ Cấu. Nhưng rồi nhiều tay Cơ Cấu lại đi đến chỗ Chối Sử, rồi Chối luôn cả Con  Người, biến TRIẾT thành PHI NHÂN, PHI SỬ, PHI CHÍNH TRỊ.

Đó là cái vòng luẩn quẩn, khiến phần lớn các Cơ Cấu gia QUAY LẠI LỐI CŨ của người xưa, của Hegel chẳng hạn, cho rằng chỉ Toàn Thể mới có, còn thành phần là những con người Cá Thể thì gần như không có! Chỉ Hệ Thống mới có, chứ tôi, một cá thể trong xương trong thịt hầu không có!

Tóm lại, có lẽ từ trước cho đến nay, chưa có một Triết Gia Tây Phương nào đặt nổi một nền tảng vững chắc cân đối cho một quan niệm Lịch Sử. Điều trên có nghĩa là Triết Tây vẫn còn đong đưa giữa hai thái cực:

-hoặc CHỐI SỬ với câu “dưới ánh mặt trời không xảy ra cái chi mới hết”

-hoặc  DUY SỬ với câu” không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông”

Sự Thật không có với những người ôm câu này hay câu kia, mà nó nằm trong quan niệm SỬ HAI CHIỀU:

– chiều Hàng Dọc hay Huyền Sử gần như BẤT BIẾN

– chiều Hàng Ngang hay Sử Ký vẫn BIẾN

Có như vậy mới “DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN” !

Liệu Cơ Cấu có đạt được cùng chăng ? Tuy trong “Race et Histoire”, ở phần cuối sách, Lévi-Strauss có vẻ nghiêng sang BẤT BIẾN, nhưng một mặt  trước đó, ông cũng đã cố gắng cho Sử Ký hay Sử Hàng Ngang một Giá Trị nào đó,  cũng như ông đã ý thức được sự quan trọng của chữ HÒA qua việc đề cao NHẠC. Cho nên ít nhất, Lévi-Strauss cũng đã đi xa hơn bất cứ nhà Cơ Cấu học Tây Phương nào khác trên con đường nói trên.(19)

Ngoài ra, ai cũng biết NHẠC được Việt Nho tôn trọng như “Bà Chúa” cho mọi sự HÒA HỢP: hòa Trời với Đất, hòa Nam với Nữ, hòa Sử Ký với Huyền Sử…vvv…

Mà nét đặc sắc của Claude Lévi-Strauss là ông cũng quan tâm tới NHẠC, coi “Nhạc như mầu nhiệm tối hậu cho các khoa học về con người, một mầu nhiệm mà các khoa nhân văn đều vấp phải, nhưng chính Nhạc là kẻ giữ chìa khóa mở vào mọi tiến bộ.” Ông viết tiếp: “Trên những thanh âm và tiết diệu Nhạc tác động trong một khoảng đất trống là thời gian sinh lý của thính giả dùng để nghe Nhạc, đó là thứ thời gian chạy dài cách tuyệt vọng vì bất khả phục hồi, nhưng Nhạc lại biến đổi nó thành một toàn thể hàng dọc có đủ lý do tồn tại khép kín trên mình. Đến nỗi trong lúc nghe Nhạc, chúng ta như bước vào cõi bất tử, khiến cho tâm thức thấy mình thông hội với cơ cấu thiên nhiên vô thức. Một khi đã đạt đến cõi cơ cấu vô thức của tinh thần đó rồi, nhà cơ cấu van xin người ta bãi bỏ mọi công trình đi trước để hiến trọn thân tâm cho nền thẩm mỹ trầm lặng đặng thiết lập tương quan thầm lặng với vũ trụ”.(20)

Có lẽ cuối cùng Cơ Cấu luận gặp Việt Nho ở đợt “THÀNH Ư NHẠC” chăng ?!

3) THỜI ĐỒ ĐÁ MỚI VỚI VĂN MINH NHÂN LOẠI

Tuy nhiên, Việt Nho và Cơ Cấu luận “gặp nhau” không chỉ ở lãnh vực Nhạc, mà còn ở nhiều địa hạt khác nữa, đặc biệt với mối liên hệ giữa quan niệm của Claude Lévi-Strauss về địa vị của thời Đồ Đá Mới (l’Age Néolithique) đối với Văn Minh Nhân Loại, và khám phá Khoa Học gần đây cho thấy Tổ Tiên Lạc Việt có lẽ đã khai sáng ra nền văn minh Nông Nghiệp Đầu Tiên của Nhân Loại tại Đông Nam Á.

Người ta thường đặt nặng tính chất Quan Trọng của các khám phá khoa học gần đây và xem nhẹ các phát kiến của thời xa xưa, như thành kiến còn sót lại ngay trong các sách của ngành Nhân Chủng không lâu trước đây : chẳng hạn sự khám phá ra Lửa thì cho là do tình cờ của sấm sét hay một cơn cháy rừng nào đó, hoặc việc Nấu Nướng là kết quả của một con mồi tình cờ bị thiêu rụi..vvv.. Theo Lévi-Strauss, lối nhìn “ngây thơ” đó bắt nguồn từ sự kiện là đại đa số hoàn toàn “mù tịt” về tính chất Phức Tạp và Đa Dạng trong các “thử nghiệm” cần thực hiện trước khi đạt được kết quả, ngay đối với các khám phá kỹ thuật đơn giản nhất.(22)

Chính vào thời Đồ Đá Mới mà Nhân Loại đã phát minh ra những Kỹ Thuật căn bản cần thiết cho một nền Văn Minh như Canh Nông, Gia Súc, nghề Dệt, làm Đồ Gốm…vvv…Những phát minh căn bản này không phải ngẫu nhiên mà có, trái lại, là kết quả của không biết bao nhiêu nỗ lực của con người.

Mỗi kỹ thuật _ đồ gốm, dệt, trồng trọt, chăn nuôi _ đòi hỏi hằng bao thế kỷ quan sát có phưong pháp, hằng bao giả thuyết táo bạo được đem kiểm chứng cùng hằng bao thí nghiệm được làm đi làm lại.

Muốn trồng một loài cây dại, nuôi một loài thú hoang để ăn thịt, muốn chế tạo đồ gốm, muốn tạo nên những kỹ thuật canh tác và dẫn thủy nhập điền, muốn biến những hạt, rễ cây độc thành thực phẩm hoặc dùng độc tính của chúng để đi săn, đánh nhau, làm thuốc, cần phải có một thái độ Tinh Thần thật sự Khoa Học, luôn luôn thèm khát tìm hiểu một cách Không Vụ Lợi. Ấy là chưa kể đến phương thức luyện kim hàng mấy ngàn năm trước, tất cả bắt buộc con người phải có khả năng kỹ thuật và lý luận rất cao.

Con người thời Đá Mới như vậy đã thừa hưởng một truyền thống Khoa Học dài.(23) Điều ngoạn mục ở đây là sự nghiệp Vĩ  Đại này đã diễn ra một cách tốt đẹp, liên tục và thành công trong khi CHƯA CÓ CHỮ VIẾT. Sở dĩ sự kiện này cần phải được nhấn mạnh là vì chúng ta thường nghe nói rằng: “Những dân tộc có chữ viết có khả năng tích lũy kinh nghiệm và vì vậy mau tiến hơn, trong khi những dân tộc “mù chữ” vì không thể lưu giữ kinh nghiệm quá khứ nên không có lịch sử, không có ý thức sâu xa về bất cứ dự định nào”.

Vậy làm sao giải thích sự TRÌ TRỆ hằng bao nghìn năm từ thời Đá Mới cho đến khi Khoa Học Hiện Đại phát sinh mà ít nhất một nửa kỳ gian này Nhân Loại đã CÓ CHỮ VIẾT ? Làm sao giải thích là Kiến Trúc của người Ai Cập và người Sumer “có chữ viết” cũng không hơn gì kiến trúc của một số dân tộc Da Đỏ “mù chữ” ?

Theo Lévi-Strauss, từ khi phát minh ra Chữ Viết đến khi Khoa Học Hiện Đại phát sinh, nghĩa là trong khoảng 5000 năm, kiến thức của thế giới phương Tây chỉ có giao động chứ không có gia tăng. Giữa nếp sống và nghĩ của một công dân Hy Lạp, La Mã và nếp sống một người dân Tư Sản châu Âu thế kỷ 18, không có sự khác biệt lớn.

Đành rằng ta khó lòng quan niệm được sự phát triển của Khoa Học vào thế kỷ 19 và 20 nếu không có chữ viết: tuy nhiên, điều trên là CẦN song CHƯA ĐỦ!

Trái lại, Lévi-Strauss cảnh báo chúng ta rằng Chữ Viết xuất hiện cùng với những Đô Thị lớn, những Đế Quốc Trung Đông như Ai cập, Á Đông như Trung Hoa, nhất là Chế Độ NÔ LỆ với cảnh NGƯỜI BÓC LỘT NGƯỜI. Theo ông, vai trò đầu tiên của Chữ Viết thật ra không phải là truyền bá Văn Hóa mà để Kiểm Soát, Nô Lệ hóa dân chúng bằng những tờ khai gia đình , thẻ căn cước, luật lệ…vvv…Nói khác đi, Chữ Viết đi đôi với sự hình thành các xã hội Phân Chia thành Giai Cấp : giai cấp Thống Trị xử dụng Chữ Viết như một khí cụ nhằm đàn áp và bóc lột giai cấp Bị Trị (24)

Tóm lại, vào thời Đồ Đá Mới, với sự đóng góp nền tảng của Tổ tiên Lạc Việt ( căn cứ theo các khám phá mới nhất của Khoa Học), Nhân Loại đã hoàn thành những Bước Tiến Vĩ Đại mà KHÔNG CẦN ĐẾN CHỮ VIẾT!

Nhưng Lévi-Strauss còn đi xa hơn nữa khi ông so sánh cuộc Cách Mạng TÂN THẠCH với cuộc Cách Mạng KỸ NGHỆ. Ông viết: “Cái gọi là Tiến Bộ KỸ THUẬT đã làm tan rã hàng tỷ cơ cấu thiên nhiên độc đáo và không thể thay thế, tạo nên một trạng thái mất quân bình thường trực cho nhân loại…” “Sự thoái bộ của nhân loại đã xẩy ra và càng ngày nhân loại càng xa  rời trạng thái mà Jean Jacques Rousseau cũng như tôi đều biểu đồng tình: “trạng thái Trung Dung” (Juste Milieu) : trung dung giữa sự vô tư lự thuở sơ khai và sự hăng hái quá mức của tự ái con người” hôm nay.(25)

Và theo Lévi-Strauss , Nhân Loại đã đạt được Đạo TRUNG DUNG vào thời ĐỒ ĐÁ MỚI !

D) CƠ CẤU LUẬN VÀ VIỆT NHO

Phần trình bày trên đã cho chúng ta thấy nhiều điểm Tương Đồng giữa Cơ Cấu luận và Việt Nho như việc đề cao Nhạc, như nhấn mạnh đến địa vị đặc biệt của thời Đồ Đá Mớiù đối với Văn Minh Nhân Loại…vvv..

Ngoài ra, trong khi trình bày lý thuyết Nhân Văn của mình, những từ ngữ như “Điểm Nối”, “Tương Quan”, “Liên Hệ”, “Giao Liên”, “Mâu Thuẫn”, “Đối Đáp”, “Phối Hợp”…vvv.trở đi trở lại nhiều lần. Vậy nên  hình như có một mối liên hệ sâu xa nào đó giữa các từ ngữ trên của Cơ Cấu luận và chữ TƯƠNG là từ ngữ Nền Tảng trong Dịch Kinh và Việt Nho.

Vậy nên, Cố Triết Gia Kim Định mới viết: “Việt Nho chính là Cơ Cấu”. “Vì Cơ Cấu là gì nếu không là một cố gắng Tổng Hợp. Mà Tổng Hợp đến cùng cực là đưa chữ TƯƠNG vào cõi học độc khối im lìm của văn hóa Cổ Điển. Mà đã nói đến Tương là phải có những hạn từ ĐỐI ĐÁP, đã đối đáp là có thể vẽ ra ĐỒ THỊ và SỐ ĐỘ..vvv. Đó là những nét Căn Bổn của Nho Giáo với câu “âm dương tương thôi” cũng như là đạo Trung Dung của Thái Hòa. Có Tương Quan tất phải có hai hạn từ, và hai hạn từ đó gọi là “âm dương” hay “trời đất, “nam nữ”, “lý tình”..vvv..Và ĐẠT ĐẠO là đạt thế Bình Quân giữa hai hạn từ đó.

Do đó, Cố Triết Gia đã đi theo lối CƠ CẤU  trước khi nghe nói về Cơ Cấu luận. Sau khi đã đọc Lévi-Strauss, nhất là về sự Kiến Tạo MÔ THỨC, Ông có cảm tưởng là Tiên Nho thời rất xa xưa đã kiến tạo ra các Mô Thức: đó là Tam Tài, Ngũ Hành và các hệ quả theo sau (Âm Dương, Tứ Tượng, Bát Quái, Cửu Trù..). Và vì thế nếu phải tìm ra Ông TỔ của Cơ Cấu thì chính là các Vua của Huyền Sử Việt Nho : Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Đại Vũ…

Điều trên còn được xác nhận qua nhận xét của nhà nghiên cứu Jean-Marie Aujas trong cuốn “Clefs pour le Structuralisme”. Tác giả viết: “Lévi-Strauss đã được khởi hứng lập ra Cơ Cấu luận là do một Học Giả về  Nho Giáo là Marcel Granet, còn những tài liệu cũng như các điều tra của các nhà Nhân Chủng người Mỹ chỉ là tùy phụ”.(26)

Với những ai đã  đọc quyển “la Pensée Chinoise” của M. Granet thì câu trên không thể làm ngạc nhiên là vì những Đồ Thị, Số Độ của Đại Toán đã có tràn ngập trong sách đó rồi. Hỏi rằng vậy tại sao Cơ Cấu lại xuất hiện như một Khoa mới lạ ? Thưa trước hết vì Lévi-Strauss có nhờ nhiều vào công trình của các Khoa mới như Ngữ Lý học, Tân Toán  học và Uyên Tâm, Nhân Chủng vvv Nhưng nhất là vì phần khác, Cơ Cấu của Việt Nho đã bị Hán Nho vùi giập : Âm Dương, Ngũ Hành bị hiểu cách Tai Dị, Phù Pháp, còn Tam Tài thì không còn ai nhận ra ý nghĩa sâu xa của nó nữa.

Vì thế khi Cố Triết Gia khai quật lên thì nó chiếu ra những tia sáng thực mới lạ như đã trình bày trong quyển “Chữ Thời”. Còn tác phẩm “Cơ Cấu Việt Nho” được viết ra là nhằm Tân Thời hóa môn học cổ truyền của Việt Nho: Cố Triết Gia trình bày về Cơ Cấu hiện đại bởi cách này sẽ giúp phần lớn vào việc Minh Nhiên hóa những khả năng Tàng Ẩn trong Cơ Cấu Việt Nho. Những khả thể đó sẽ hiện lên chói chang khi đặt bên cạnh những “khám phá” của Thời Mới. Nhờ đó chúng ta sẽ dễ nhận thức hơn những dị biệt giữa Cơ Cấu của người xưa và của người nay.(27)

  • II) ẢNH HƯỞNG CỦA CLAUDE LÉVI-STRAUSS TRONG LÃNH VỰC NHÂN VĂN

A) TRÀO LƯU DÂN CHỦ NHÂN QUYỀN

Từ ngữ NHO trong cụm từ “Việt Nho” có nghĩa là “Nhu” , do đó con đường của Việt Nho là Đạo NHU nên có nền Triết Lý TẢ NHẬM nhằm bênh vực người DÂN là những người Cô Thế, Yếu Đuối trước những Thế Lực thường núp đàng sau các nhà cầm quyền. Vậy nên, chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi học biết rằng vào các thế kỷ 17,18 nền VƯƠNG ĐẠO của Nho Giáo Nguyên Thủy đã ẢNH HƯỞNG qua trung gian của các giáo sĩ  Dòng Tên, đến những người CHA TINH THẦN của nền DÂN CHỦ Tây Phương như Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Franklin, Jefferson…..vvv-..

CƠ CẤU luận (Structuralisme) là một thí dụ khác về Ảnh Hưởng của Nho Giáo trên những Trí Thức Hàng Đầu của Tây Phương ngày nay. Thật vậy, được gợi hứng từ Nho Giáo, những công trình của Claude Lévi-Strauss, mà tác phẩm “Les Structures Eùlémentaires de la Parenté” chẳng hạn được Simone de Beauvoir gọi là  một “tuyên ngôn” quan trọng về địa vị của người Phụ Nữ trong các nền Văn Hóa không có nguồn gốc từ Tây Phương”, hoặc qua nội dung của tác phẩm “la Pensée Sauvage” được xem như “tiếng chuông sầu chôn táng sự sai lầm của Lévy-Bruhl cho rằng các dân cổ sơ là lạc hậu, là “chưa tới đợt khoa học lý luận nên gọi là tiền lý luận”, giúp Tư Tưởng DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN lần lần tiến triển trong xã hội Tây Phương.

Về phương diện NỮ QUYỀN, như chúng tôi đã có dịp trình bày trước đây trong bài viết “Luật Hồng Đức và Vấn Đề Dân Chủ: Tinh Thần và Thể Chế”, thì tại Mỹ, mãi tới năm 1890 nhiều tiểu bang mới sửa đổi và một số tiểu bang vẫn còn áp dụng học lý Femme Couverte của Thông Luật, theo đó NGƯỜI VỢ LÀ VẬT SỞ HỮU CỦA CHỒNG. Ngoài ra, cao trào Phụ Nữ (Feminism) chỉ thực sự lên cao tại Mỹ vào thập niên 1960 và thu thành quả tích cực vào những năm 1990.(28)

Còn về mặt QUYỀN của người THIỂU SỐ, mãi đến năm 1965, với đạo luật Quyền Bầu Cử, tất cả mọi người Da Đen tại Mỹ mới bình đẳng đầy đủ về Chính Trị.(29)

Trước đó 5 thế kỷ, Luật Hồng Đức đã dành cho người Phụ Nữ và các sắc dân Thiểu Số Quyền BÌNH ĐẲNG đó rồi.(30)

Với hai cuộc Thế Chiến, chủ nghĩa Thực Dân, chiến tranh Thuộc Địa, giới Trí Thức Tây Phương bắt đầu đặt lại vấn đề đối với nền Văn Hóa của họ. Lévi-Strauss là môt trong những nhà Tư Tưởng mà nội dung đã ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp, đến sự ra đời của Đạo Luật về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc vào năm  1948, đặc biệt liên quan đến vấn đề Bình Đẳng Nam Nữ và Quyền của người Thiểu Số. Và như đã nói ở trên, năm 1952, Lévi-Strauss còn được cơ quan LHQ mời đóng góp ý kiến nhằm giúp giải quyết vấn đề Kỳ Thị Chủng Tộc trên thế giới. Và đó là đối tượng của tập sách mỏng “Race et Histoire” của ông.

B) HIỆN TƯỢNG “THÁNG 5 NĂM 68” (“MAI 68”)

Ngoài ra, toàn bộ tác phẩm của Claude Lévi-Strauss, và đặc biệt quyển “Tristes Tropiques” đã “lôi cuốn” thế hệ sinh viên vào cuối thập niên 1960 qua hình ảnh của cuộc sống Man Dã, chất phát “ngây ngơ” của những người Thổ Dân cuối cùng của bộ lạc Nambikwara ở xứ Nam Mỹ. Có lẽ khi tả họ, ông đã tìm lại được hơi hướng văn phong điểm chút thú vị hăng say của Jean Jacques Rousseau khi  tả về con người Tiền Sử mà Rousseau đã tưởng tượng ra hai thế kỷ trước đó!

Thế hệ cuối thập niên 60 đã không lầm lẫn khi họ nhìn thấy trong tác phẩm của Lévi-Strauss một lời Phê Bình đầy tâm huyết liên quan đến đời sống Văn Minh, đến những
ảo tưởng về sự Tiến Bộ của nền văn minh Vật Chất: tất cả các điều trên làm nên chất liệu cho sự Phản Kháng của giới Sinh Viên đương thời. Thật vậy, qua công trình của Lévi-Strauss, họ có thể nói là đã có chứng cớ hẳn hoi về tình trạng “nhân chi sơ tính bản thiện”! Vậy nên, theo họ, điều làm cản trở Hạnh Phúc của con người không bắt nguồn từ chính Nhân Tính mà từ tính cách Giả Tạo phù phiếm của nếp sống Văn Minh ngày nay. Dẫu cách gián tiếp hay trực tiếp thì Tư Tưởng của Lévi-Strauss cũng đã  tỏ ra “ăn nhịp” với khía cạnh Lãng Mạn của phong trào Sinh Viên Phản Kháng của thới kỳ kể trên!

C) TRÀO LƯU MÔI SINH

Nhiều trào lưu được phát triển ở các thập niên sau này bắt nguồn  từ nền Văn Hóa Mới được thành hình ở thập niên 60 và đối lập với nền văn hóa cổ truyền của Tây Phương. Giới Trẻ của thời kỳ này tuy Đặt Lại Vấn Đề đối với bảng Giá Trị của giới Cầm Quyền đương thời, nhưng theo một cung cách Chưa được Hệ Thống, Mạch Lạc lắm !

Chỉ trong thập niên 70 thì hai phong trào MÔI SINH và NỮ QUYỀN  mới nổi bật lên
để có thể cung cấp một cái Khung Lý Thuyết mới cho phe Đối Lập chống lại các Giá Trị của phe Cầm Quyền.

Phần trên chúng tôi đã đưa ra các bằng chứng về ảnh hưởng của Tư Tưởng của Lévi-Strauss đối với trào lưu bảo vệ Nữ Quyền và Quyền của người Thiểu Số.

Mặt khác, có thể nói toàn bộ Công Trình của Claude Lévi-Strauss là một bản TUYÊN NGÔN về MÔI SINH. Nhiều đoạn viết rải rác trong các tác phẩm của ông có văn phong và nội dung giống hệt với tư tưởng của các nhà Môi Sinh sau này.

So sánh xã hội Cổ Sơ với xã hội Tây Phương ngày nay Lévi-Strauss viết: “Xã hội phương Tây chúng ta đã đánh mất hẳn thế quân bình giữa nhân giới và nhiên giới. Nói cách khác , nhân loại phương Tây hiện đại phản thiên nhiên. Người cổ sơ thì không thế …”

Hoặc “Cái chủ nghĩa được gọi là nhân bản của người phương Tây không hề tôn trọng cầm thú, thảo mộc và những dân tộc khác không đồng quan điểm với mình. Kết luận: chưa bao giờ người phương Tây chúng ta lại dã man như vậy” (31)

Những dòng Lévi-Strauss viết về Xã Thôn sau đây rất gần gũi với quan niệm về “Community” của nhà Môi Sinh danh tiếng David Suzuki trong tác phẩm “The Sacred Balance”(32) cũng như rất giống với Tinh Thần và Thể Chế của LÀNG XÃ Việt Nam  thời trước. Ông viết:

“Những hình thái sinh hoạt xã hội đích thực đặt nền tảng trên những tương quan cụ thể giữa các cá nhân, còn những hình thái không đích thực đặt nền tảng trên những tương quan trừu tượng (như hệ thống hành chánh, bàn giấy…).Trong xã hội chúng ta hiện đại, chỉ cósinh hoạt xã thôn là còn chân thực phần nào.”

Chính vì sự phân biệt này mà ta không lấy làm ngạc nhiên nếu thấy Lévi-Strauss đề cao làng xã “những đơn vị kinh tế xã hội và chính trị nhỏ” chống lại khuynh hướng “thành thị hóa nông thôn” quá đáng.(33)

Còn về Môi Sinh thì phong trào này đã củng cố được lực lượng trong các thập niên 80 và 90 và nay thì hoạt động thường trực trong đời sống Chính Trị, cùng như có mặt đều đặn trong Quốc Hội của các quốc gia Âu Châu. Thành phần Trẻ của phe Xã Hội trước kia đã nới rộng Khung Giá Trị cũ để bao gồm không những các giá trị Xã Hội  mà còn các ý tưởng về Nữ Quyền, Môi sinh, Tranh Đấu cho Tự Do, Nhân Quyền trên khắp toàn cầu…vvv…(34)

Tóm lại, nếu ở các thế kỷ 17,18 qua trung gian của các người Cha Tinh Thần của nền Dân Chủ Tây Phương như Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Franklin, Jefferson…vvv…tinh thần VƯƠNG ĐẠO của Nho Giáo Nguyên Thủy đã ảnh hưởng đến sự hình thành của Tư Tưởng NHÂN QUYỀN và DÂN CHỦ ở Tây Phương, thì một cách tương tự, CƠ CẤU Luận (Structuralisme) với vị đại diện Ưu Tú là Claude Lévi-Strauss mà Tư Tưởng cũng được gợi hứng từ Nho Giáo qua trung gian của vị Học Giả gốc Pháp “thâm Nho” là Marcel Granet, cũng đã ảnh hưởng đến sự Tiến Triển trong lãnh vực Nhân Quyền, đặc biệt liên quan đến QUYỀN Bình Đẳng của người PHỤ NỮ và người THIỂU SỐ cũng như trong địa hạt MÔI SINH vào hậu bán thế kỷ 20 và tiền bán thế kỷ 21.

D) CÁC NHÀ CƠ CẤU KHÁC

Nếu Triết Cổ     Điển Tây Phương thường bị “cáo buộc” chỉ là một “trò chơi của lý trí” với các ý niệm trừu tượng, không ăn nhằm gì đến đời sống cụ thể, thì trái lại Nho Giáo Nguyên Thủy mà học giả J.G. Pauthier tuyên dương là một sự “đắc thắng duy nhất của Triết Học” (= une victoire unique de la philosophie), (35)là một nền Triết Lý thực sự NHÂN SINH tức gắn liền với cuộc sống, và TOÀN DIỆN tức có thể áp  dụng vào mọi khía cạnh của đời sống. Nhờ đó, Nho Giáo có được ảnh hưởng lớn rộng như một Tôn Giáo.

Cơ Cấu luận ở giai đoạn lịch sử vừa qua, cũng đã thừa hưởng một phần nào các đặc tính nêu trên, mà tác giả đại diện cho khía cạnh này có lẽ là Roland Barthes.

1) ROLAND BARTHES

Roland Barthes là một Phê Bình gia văn học, một Lý Thuyết gia trong lãnh vực xã hội và triệu chứng học (sémiologie) và cũng giảng dạy tại “Collège de France”.

Ông mở đầu sự nghiệp  Phê Bình gia bằng những bài báo đăng thường xuyên trên tập san “Les Lettres Nouvelles” qua đó ông bàn đủ thứ chuyện thuộc đủ mọi lãnh vực từ
báo chí, văn chương đại chúng, thời trang, luật pháp, ngoại giao, nghi lễ, ẩm thực đến các lãnh vực  giải trí  như  phim ảnh, kịch nghệ, thể thao ( cả đô vật, đua xe đạp..)…vvv…

Barthes cho rằng các đồ vật mà người ta mua để xử dụng hằng ngày, ngoài vai trò Thực Dụng của chúng, còn là Ký Hiệu (signes) cho một Ý Nghĩa nào đó. Ông lấy thí dụ sau đây để giải thích về lý thuyết của mình: “Trên trang bìa tờ “Paris-Match” tôi thấy hình ảnh của “chú” lính da đen đang chăm chú hướng về lá cờ “tam tài” của Pháp có lẽ khiến ta liên tưởng đến tình “tổ quốc thắm thiết” của nước “Đại Pháp” đang “ban bố tình thương và sự bình đẳng” cho tất cả mọi công dân không phân biệt màu da, và các “con dân” kể trên cũng đang đáp trả lại  lòng “ưu ái” của nước Pháp!

Ông giải thích “trực giác” trên đây của mình bằng phương pháp Cơ Cấu của Ferdinand de Saussure gọi là “lý thuyết về ký hiệu” như sau : cái hình chụp mà đem ra phân tích thì là sự sắp xếp của những chấm màu trên một cái “phông” trắng là cái mà F. de Saussure gọi là cái “diễn đạt” (signifiant) và ý niệm về “chú”  lính da đen đang chào lá cờ Pháp được gọi là cái “được diễn đạt” (signifié). Cả hai họp lại làm thành “ký hiệu”(signe). Nhưng theo Barthes, đó chỉ là ký hiệu của đợt nhất vì còn đợt hai nữa “nằm ngầm” dưới đợt nhất mà ở đợt hai này thì ký hiệu (signe) của đợt nhất trở thành cái”diễn tả”(signifiant) của đợt hai cho điều “được diễn tả”(signifié) ở đợt hai này là nước “Đại Pháp” tôn trọng sự Bình Đẳng giữa mọi công dân! Cả hai, tức cái ‘diễn đạt”(signifiant) lẫnø cái “được diễn đạt”(signifié) ở đợt hai làm thành tín hiệu (signe) mà nhà cầm quyền muốn truyền đạt đến mọi người.

Theo Barthes, những hình ảnh tương tự được giới Tư Sản hay Tư Bản cố ý lập đi lập lại nhằm tạo nên những “Huyền Thoại” (theo nghĩa Tiêu Cực) hầu “dối gạt” quần chúng cho các mục tiêu không mấy tốt đẹp của họ!

Các bài báo trên của Roland Barthes sau này được gom góp lại rồi thêm vào phần lý thuyết được xuất bản dưới tựa đề “Mythologies” (36) Tuy Barthes được biết nhiều nhờ giai đoạn “làm báo” nêu trên, nhưng về mặt Lý Thuyết Văn Học, đây chỉ là chặng đầu tiên trong sự nghiệp của Barthes, vì vào thới kỳ này, vai trò “Tác Giả” vẫn còn quan trọng trong các bài viết của ông.

Ở giai đoạn hai, Roland Barthes bắt đầu chuyển hướng từ Tác Giả (Auteur) sang Văn Bản (Texte). Với tác phẩm “la Mort de l’Auteur” thì vai trò “tác giả” cũng biến mất và xuất hiện một quan niệm mới mẻ về Văn Bản được xem như  là một không gian đa kích, nơi gặp gỡ của nhiều lối viết khác nhau với nhiều trích dẫn khác nhau đến từ nhiều trung tâm văn hóa khác nhau. Công việc còn lại của tác giả chỉ là sắp xếp các thứ đã có sẵn. Và vai trò thống nhất Văn Bản không nằm ở điểm khởi đầu là Tác Giả mà ở điểm cuối cùng là Độc Giả (Lecteur)(37)

Với tác phẩm “Le Degré Zéro de l’Écriture”, cũng trong dòng Phương Pháp luận Cơ Cấu, Roland Barthes đối nghịch hai thực tại: một bên Ngôn Ngữ (langue) có tính cách tập thể và cổ sơ và bên kia Văn Phong (style) với đặc tính cá nhân và gần như “sinh lý”. Vai trò “hóa giải” tình trạng đối nghịch trên mà ông cho là nằm ở “mức độ zéro” hay trạng thái “trung lập” là  các hình thái (Forme) hay lối viết (Écriture). Theo ông, nếu phần lớn ngôn ngữ và văn phong có tính chất Ước Lệ, thì hình thái hay lối viết được hiểu như cách thức xử dụng các ước lệ về văn phong để đạt một kết quả mong muốn mới thực sự Sáng Tạo.(38)

2) MICHEL FOUCAULT

Sau Claude Lévi-Strauss và Roland Barthes, tác giả thứ ba có địa vị quan trọng trong trào lưu Cơ Cấu luận là Michel Foucault tốt nghiệp “École Normale Supérieure” và cũng giảng dạy tại “Collège de France”.

Chịu ảnh hưởng sâu đậm Tư Tưởng của F. Nietsche, vai trò Quyền Lực (Pouvoir) chiếm một vị trí quan trọng trong các tác phẩm của Michel Foucault, từ Uy Quyền của vua chúa thời xa xưa có thể quyết định sự sống chết đối với người dân một cách độc đoán hay nhân danh cái gọi là Luật Pháp (Loi) đến Quyền Uy của các nhà cầm quyền ngày nay, dựa trên điều mà Foucault  gọi là Quy Phạm (Norme) mà theo ông, là một trong những hậu quả của cuộc “cách mạng dân chủ tư sản”. Quyền lực được nhà cầm quyền xử dụng mọi lúc mọi nơi từ lề lối tổ chức nhà tù cho tới cách thức đối xử với những người mắc bệnh tâm thần…vvv…

Cùng với Quyền Lực, Kiến Thức (Savoir) cũng là đối tượng nghiên cứu của M. Foucault. Ở đây có lẽ chịu ảnh hưởng của Lévi-Strauss khi ông này đưa ra nhận xét là Chữ Viết ra đời cùng lúc với chế độ Nô Lệ, Foucault thường liên hệ Kiến Thức (Savoir) với Quyền Lực (Pouvoir) để làm thành cụm từ “Savoir-Pouvoir”!

Nhưng phải chờ đến sự xuất hiện của hai tác phẩm “Les Mots et les Choses”(39) và “L’Archéologie du Savoir” thì Phương Pháp luận Cơ Cấu “kiểu Michel Foucault” mới trở nên rõ nét hơn.

Điều mà Michel Foucault gọi là “Énoncé” (dịch ra tiếng Anh là “Statement”) không phải chính các lời tuyên bố, phát biểu mà là một mạng lưới quy tắc nhằm ấn định cái gì có ý nghĩa cũng như đem lại ý nghĩa cho các lời tuyên bố, phát biểu.

M. Foucault “đóng dấu ngoặc” không những vấn đề “Chân Lý” mà cả vấn đề “Ý Nghĩa” nữa. Thay vì bỏ công đi tìm kiếm, “nằm ngầm” dưới phần nghị luận (discours), nguồn gốc ý nghĩa sâu xa phát xuất từ một chủ thể siêu việt nào đó, thì Foucault lại phân tích các điều kiện cần thiết về mặt thực tế và nghị luận, cho sự hiện hữu của Ý Nghĩa và Sự Thật, bằng cách dựa trên những điều được phát biểu hay viết ra trong các giai đoạn lịch sử khác nhau như ở thời Phục Hưng, thế kỷ Ánh Sáng hay thế kỷ 20.(40)

Đó là Phương Pháp luận Cơ Cấu theo lối Michel Foucault. Ngoài ra, trong quyển “Les Mots et les Choses”, Michel Foucault tỏ ra QUÝ KHOA HỌC HƠN CON NGƯỜI., lấy cớ rằng sự hiện diện của con người sẽ làm cho Khoa Học cũng như Triết Học bị nguy cơ Chủ Quan, nên cần gẫy con người ra để bảo toàn tính Khách Quan cho Khoa Học. Sự CHỐI BỎ CON NGƯỜI này cũng đưa tới việc CHỐI BỎ LỊCH SỬ.

3) LOUIS ALTHUSSER

Sau Michel Foucault là Louis Althusser, một Lý Thuyết gia Cộng Sản chủ trương đọc lại quyển “Capital” của Karl Marx. Althusser nghĩ là Tư Tưởng Mác-Xít đã bị hiểu sai vì bị đọc qua các lăng kính Duy Sử, Duy Tâm và Duy Kinh Tế. Nguyên nhân theo ông là người ta cứ tưởng rằng có thể hiểu hết toàn bộ công trình của Marx một cách mạch lạc. Ngay cả Marx theo Althusser, cũng không hoàn toàn nắm vững tất cả vấn đề, mà chỉ cố gắng giải thích một cách gián tiếp hoặc trong giới hạn của khả năng truyền đạt của mình. Ngoài ra, theo ông, tuy chủ trương một cuộc “Cách Mạng Xã Hội” toàn triệt, nhưng Marx vẫn không thể tránh hết những “tàn dư” của chủ nghĩa Nhân Bản, Duy Sử hay “biện chứng” Duy Tâm của Hegel còn sót lại trong tác phẩm của mình.

Theo Althusser, điều làm Tư Tưởng của Marx khác với những tác giả trước ông là sự kiện Marx bác bỏ sự phân đôi Chủ Thể với Khách Thể, cũng như từ chối quan điểm của các nhà Kinh Tế Cổ Điển  là có thể giải quyết nhu cầu của các Cá Nhân một cách riêng rẽ, độc lập với một Tổ Chức kinh tế. Althusser cũng không đồng ý với chủ trương của trường phái Kinh Tế Cổ Điển nhằm xử dụng nhu cầu Cá Nhân như  tiền đề để giải thích một phương pháp Sản Xuất hay như khởi điểm cho một lý thuyết về Xã Hội.

Althusser cũng đồng thời bác bỏ quan điểm của các tác giả Mác-Xít khác nhằm xử dụng  Kinh Tế như yếu tố Duy Nhất để giải thích các khía cạnh Xã Hội khác. Theo ông, hạ tầng cũng như thượng tầng đều lệ thuộc vào Toàn Thể kiến trúc, mặc dầu Kinh Tế thường nắm giữ vai trò quyết định đối với các yếu tố khác.

Và Louis Althusser chĩa “mũi dùi” vào vai trò của Ý THỨC HỆä được quan niệm như CƠ CẤU(Structure) hay Hệ Thống (Système) mà qua trung gian của gia đình, các tổ chức tôn giáo, cơ quan truyền thông, tuyên truyền và nhất là hệ thống giáo dục, đã biến cá nhân (individu) thành CHỦ THỂ (Sujet) với niềm tin hay ảo tưởng là biết “tự ý thức”, nhưng trên thực tế, theo Althusser,  thì đương sự bị “nhồi sọ” từ tuổi ấu thơ bởi CƠ CẤU Vô Thức hay Ý Thức Hệ thống trị!

Cuối cùng, vì “dị ứng” với Ý Thức Hệ bị “cáo buộc” là biến cá nhân thành Chủ Thể , bằng ảnh hưởng đến tất cả những gì nó xem, nghe, cảm, nghĩ, Louis Althusser đã đi đến việc Phủ Nhận Con Người, kể cả con người Kinh Tế để không chạm tới tính Xác Đáng của Khoa Học!!! (41)

Nhưng nhà phê bình Judt thì có nhận xét là hình như qua tác phẩm của mình, Althusser có “âm mưu” “chuyển hoán thuyết Mác-Xít ra khỏi toàn bộ đời sống Chính Trị, Lịch Sử cũng như  kinh nghiệm Thực Tế hầu tránh mọi  hình thái phê phán có thể làm lung lay chủ nghĩa này!

4) JACQUES LACAN

Nếu dưới ánh sáng những khám phá mới của Cơ Cấu luận, Louis Althusser “hô hào” hãy đọc lại Karl Marx, thì Jacques Lacan, “nhân vật” cuối cùng của “Tứ Trụ” (les quatre Grands) của trào lưu Cơ Cấu Luận, lại kêu gọi “trở về với Tư Tưởng của Simund Freud”, người sáng lập ra Phân Tâm học (Psychanalyse).

Xuất thân từ trường phái Siêu Thực (Surréalisme), tuy sau này gia nhập trào lưu Phân Tâm học, nhưng ảnh hưởng của Lacan vẫn rộng lớn  trong lãnh vực Phê Bình Văn Học. Hành trình “Trở về với Freud” của Lacan nhấn mạnh đến khía cạnh Ngôn Ngữ học qua phương pháp áp dụng vào Triệu Chứng học trong lãnh vực Phân Tâm.

Trong các cuộc Họp Mặt về Phân Tâm học mà ông “chủ trì” kéo dài 27 năm ròng rã, Lacan trình bày các ý tưởng của mình về VÔâ THỨC (Inconscient) mà CƠ CẤU (Structure) cùng với các cách thức biểu hiện, gắn liền với các chức năng của NGÔN NGỮ (Langage)

Ngoài Vô Thức, một ý niệm quan trọng khác trong Phân Tâm học của Freud liên quan đến giai đoạn “SOI GƯƠNG” (l’étape du Miroir) trong tiến trình lớn khôn của đứa trẻ. Lacan cho rằng đây là lúc bắt đầu hành trình Khách Thể hóa (Objectivation), tức lúc mà cái Bản Ngã (Ego) của đứa trẻ bắt đầu thành hình. Theo ông, có một sự xung đột giữa những cảm xúc mà đứa trẻ đang có trong lòng với cái hình ảnh mà nó thấy trong gương soi.

Để giải quyết xung đột nêu trên, nguyên nhân của tình trạng mà ông gọi là “Vong Thân” (Aliénation), đức trẻ đồng nhất hóa (Identifier) nó với hình ảnh của nó trong gương soi. Và theo Lacan, đó là lần đầu tiên mà đứa trẻ “tự đồng nhất” mình  với “tha nhân” và cũng khởi đầu sự hình thành “cái tôi”.

Tương quan giữa “cái tôi” (Ego) và hình ảnh trong gương soi mà theo Lacan, nằm trong thế giới TƯỞNG TƯỢNG (l’Imaginaire), có tính chất “tự ngắm tự yêu” (Narcissique) và phản ảnh tình trạng Vong Thân triệt để. Nếu trong tiến trình lớn khôn của đứa trẻ, thế giới Tưởng Tượng đóng vai trò của “tha nhân” (l’autre) thì đây chỉ là loại “tha nhân” nhỏ bé, nên chứa đầy ảo ảnh, vọng động.

Tha Nhân (l’AUTRE) chân thực theo Lacan, nằm trong thế giới BIỂU TƯỢNG (le Symbolique).Thế giới BIỂU TƯỢNG là cái mà Cơ Cấu luận gọi là cái “diễn tả” (signifiant) thuộc Nhân giới hay thế giới Văn Hóa (l’ordre Culturel),  còn cái “được diễn tả” (signifié) và các ý nghĩa thì nằm trong thế giới TƯỞNG TƯỢNG (l’Imaginaire) thuộc Nhiên giới (l’ordre Naturel).

Bên cạnh hai thế giới Biểu Tượng và Tưởng Tượng, Lacan còn đặt thêm thế giới thứ ba gọi là THỰC TẠI (le Réel). Nếu thế giới Biểu Tượng có hai chiều kích (hiện diện/vắng mặt), thì Thực Tại chỉ có một chiều kích duy nhất và “dị ứng” với tiến trình Biểu Tượng hóa.

Tóm lại, Cơ Cấu luận “kiểu Jacques Lacan” chủ trương sự hiện hữu của ba Thế Giới: nếu thế giới BIỂU TƯỢNG (le Symbolique) thực sự ấn định tiến trình CHỦ THẾ hóa của cá nhân, thì thế giới TƯỞNG TƯỢNG (l’Imaginaire) làm thành bởi hình tượng, ảo giác đi theo sau thế giới Biểu Tượng, còn THỰC TẠI (le Réel) đúng là thế giới “Ta Bà”, của Khổ Đau, Âu Lo, Khắc Khoải!!!(42)

D) MỘT VÀI VẤN ĐỀ KHÁC

1) CƠ CẤU LUẬN VÀ DỊCH LÝ

Phần trình bày trên đây cho thấy ảnh hưởng lớn rộng, mạnh mẽ của CƠ CẤU Luận (Structuralisme) không những trên hầu hết các bộ môn trong lãnh vực VĂN HÓA mà còn đối với rất nhiều sinh hoạt phồn nhiêu đa tạp của ĐỜI SỐNG thường nhật, trong một kỳ gian kéo dài khoảng hai thập niên. Qua đi Thời Trang “nóng bỏng” của một thời kỳ, Cơ Cấu luận còn lưu lại rất nhiều GIÁ TRỊ lâu dài về mặt Văn Hóa Tư Tưởng, Phương Pháp luận Khảo Cứu, Dân Chủ Nhân Quyền, Môi Sinh…vvv…Người có công lớn nhất có lẽ là Claude LÉVI-STRAUSS, mà Sự Nghiệp và Tên Tuổi gắn liền với Trào Lưu này.

Ảnh hưởng rộng lớn của Cơ Cấu luận đối với mọi sinh hoạt của cuộc sống làm chúng tôi liên tưởng đến cuốn KINH DỊCH của Nho Giáo. Thật vậy, chỉ với 64 Quẻ, Dịch Kinh “tóm tắt” tất cả mọi sinh hoạt, tình huống của Vũ Trụ, Nhân Sinh!

Ngoài ra, nét ĐỘC ĐÁO nổi bậc nhất của Cơ Cấu luận so với các trào lưu Nhân Văn khác xuất hiện trước nó, có lẽ nằm ở PHƯƠNG PHÁP Luận Cơ Cấu (Méthodologie Structurale) nhấn mạnh đến khía cạnh VÔ THỨC  và có dáng dấp của một Định Luật KHOA HỌC, với các ĐỒ HÌNH, SỐ ĐỘ, hoặc qua những MÔ THỨC  mà với các nhà Cơ Cấu thì còn phải kiến tạo ra, trong khi đối với Kinh Dịch thì đã có sẵn hoặc nói cho đúng hơn, đã được Tiền Nhân kiến tạo từ thời rất xa xưa (như Tam Tài, Ngũ Hành, Tứ Tượng, Bát Quái, Cửu Trù…vvv.) và do đó rất đi sát với Tiềm Thức Cộng Thông (Inconscient Collectif) của Dân Tộc và Nhân Loại.

Hệ quả là nếu gột bỏ các yếu tố Dị Đoan, Mê Tín..gắn liền với Hán Nho và Nho của các Vương Triều về sau, để trở về với NHO Nguyên Thủy hay VIỆT NHO, thì các LUẬT TẮC của Dịch Lý như “Thiên Viên Địa Phương”, “Tham Thiên Lưỡng Địa”..sẽ hiện ra một cách rực rỡ, chói chang cùng với sự Hỗ Trợ của KHOA HỌC ngày nay. Lúc đó, chúng ta sẽ không còn lấy làm ngạc nhiên khi được biết rằng nhà Nhân Chủng Claude Lévi-Strauss đã chịu ảnh hưởng của Nho Giáo qua trung gian của học giả Marcel Granet trước khi khám phá ra Cơ Cấu luận, hoặc Triết Gia Leibnitz có lẽ đã đọc cuốn Kinh Dịch trước khi tìm ra các nguyên tắc của Toán Nhị Phân, hay Biến Chứng Pháp của Hegel có lẽ đã được gợi hứng từ Dịch Pháp, hoặc nhà Phân Tâm học Carl Jung đã xử dụng các Quẻ Dịch để nghiên cứu về Tâm Lý con người và tìm ra nguyên lý Đồng Thời (Synchronicity) áp dụng vào khoa Phân Tâm, hoặc Lý thuyết gia Khoa Học Fritjof Capra cũng đã chịu ảnh hưởng của Dịch Lý và có kể lại câu chuyện liên quan đến nhà Khoa Học Lượng Tử Niels Bohr  về việc ông này có treo đồ hình “Bát Quái” trong văn phòng làm việc của mình…vvv…

2) VẤN ĐỀ CŨ-MỚI

Trong khi giới Đại Trí Thức Tây Phương đang “Hướng Về Đông Phương” để tìm Giải Pháp cho cuộc Khủng Hoảng Văn Hóa của họ thì một số Trí Thức Việt Nam lại “lội ngược dòng”  muốn đi “thỉnh” Văn Hóa Tây Phương về “cứu nguy” cho Văn Hóa Việt ! Nhờ công trình của những người như Claude Lévi-Strauss, lần lần người Tây Phương bớt đi thái độ Kỳ Thị cũng như thay đổi lối nhìn của họ đối với các nền văn hóa hay các dân tộc khác, đưa tới sự ra đời của Đạo Luật về Nhân Quyền của LHQ vào năm 1948 (500 năm sau bộ Luật Hồng Đức có thể được xem là bộ Luật Nhân Quyền đầu tiên của Nhân Loại). Trong khi đó, các nhóm Trí Thức Tây Học nói trên lại đi KỲ THỊ NGƯỢC Tổ Tiên của chính mình !!!

Thật vậy, vào thời buổi này mà còn có người chủ trương Chỉ Biết THEO MỚI, tức “Theo Mới” bằng mọi giá như Hoàng Đạo và nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” của thập niên 1930 ! Họ không hiểu là chính thái độ MỘT CHIỀU đó đã đưa tới cuộc Khủng Hoảng Văn Minh ngày nay: thật vậy, giới Tư Bản Tây Phương đã gây ra các vấn đề trầm trọng về Môi Sinh và Khí Hậu do một quan niệm về TIẾN BỘ “Một Chiều” tương tự!. Đó là lý do khiến tại Hội Nghị Quốc Tế đầu tiên quy tụ 75 nhà Nghiên Cứu được giải thưởng Nobel mà 52 người là những Khoa Học gia, được tổ chức tại Paris cách đây đúng 20 năm (1988) , ở khóa họp cuối cùng, Hội Nghị đã đi tới kết luận như sau: “Nhân Loại chắc khó có thể sống còn nếu không trở về lại với nền Minh Triết của Khổng Tử ra đời cách đây 2500 năm”.(43)

Câu tuyên bố trên cho thấy là các Học Giả và Khoa Học gia bậc nhất ngày nay chủ trương là phải trở VỀ NGUỒN. Câu trên có lẽ gây ngạc nhiên cho một số người trong chúng ta vì có thể họ không ngờ là phát xuất từ một giới thường nổi tiếng là TÂN TIẾN nhất. Nhưng lẽ dĩ nhiên là không phải chỉ có một cách, mà nhiều cách Về Nguồn, và chúng ta cố gắng tìm hiểu sau đây phương thức Về Nguồn nào đúng đắn nhất.

Hãy căn cứ trên hai cụm từ “Thiên Viên Địa Phương” hay “Tham Thiên Lưỡng Địa” của Dịch Lý để thử giải quyết vấn đề nêu trên. Cặp “Thiên-Địa” như cặp “âm-dương” là cặp Phạm Trù có tính ĐỐI ĐÁP nhưng RỖNG tức có thể tùy trường hợp chứa đựng nhiều ý nghĩa khác nhau. “Thiên” có thể là TINH THẦN, là TÂM LINH để đối với “Địa” là VẬT CHẤT, là LÝ TRÍ nhưng “Thiên” cũng có thể là Hiến Pháp, Nguyên Lý để đối với “Địa” là Luật Lệ, Thể Chế…vvv…Đặc tính của “Thiên” là Tròn (viên) để đối với “Địa” là Vuông (phương). Đăc tính của “Thiên” cũng có thể là Bất Biến để đối với “Địa” là Biến. Điều trên có nghĩa là “Thiên” hay TINH THẦN, TÂM LINH Hiến Pháp, Nguyên Lý…vvv…đi theo luật tắc NGƯỢC CHIỀU với “Địa” hay VẬT CHẤT, LÝ TRÍ,  Lệ Luật, Thể Chế..vvv..

Vậy nên , VỀ NGUỒN không có nghĩa là “bám víu” vào những Cổ Tục như “khăn đống áo dài” , “nam nữ thụ thụ bất thân” hay chế độ đại gia đình hoặc bầu khí “lễ giáo” quá mức…vvv..Đó là những Thể Chế, Thói Tục.. có giá trị một thời, nhưng vì thuộc hành ĐỊA nên phải BIẾN ĐỔI theo dòng thời gian để thích ứng với hoàn cảnh mới.

VỀ NGUỒN còn có nghĩa là Trung Thành với Truyền Thống, nhưng không phải truyền thống theo nghĩa thông thường, thường bị đồng hóa với những tập tục lưu truyền, những thể chế cũ kỹ như vừa đề cập ở trên, mà là TRUYỀN THỐNG Viết Hoa, là cái Thống Kỷ, Thống Quan, tức là cái nguyên lý thống nhất thâm sâu, liên tục và hiện diện cách u linh trong mọi câu nói, bề ngoài có vẻ rời rạc, nhưng thực ra đều nhịp theo một tiết điệu. Truyền Thống viết hoa ẩn tàng trong những lời MINH TRIẾT của Phật, Lão, Khổng (44)…khiến cho một nhà Hiền Triết như Khổng Tử chẳng hạn sống cách đây 25 thế kỷ lại được Hội Nghị Triết Học Thế Giới được  tổ chức tại Honolulu năm 1949, mời làm Nhạc Trưởng cho cuộc Hoà Tấu Văn Hóa Đông Tây mai hậu, hoặc trở thành đối tượng học hỏi của các Học Giả và Khoa Học gia bậc nhất ngày nay như vừa đề cập ở trên..

Có lẽ tại vì đó là những lời MINH TRIẾT của vị Đại Diện một nền NHÂN BẢN TÂM LINH tinh tuyền nhất nên có Giá Trị VƯỢT THỜI GIAN KHÔNG GIAN do đó cũng thoát khỏi các tiêu chuẩn đối đáp thông thường như “Cũ – Mới”, “Bảo Thủ – Cấp Tiến”.

Thật vậy, trong khi MINH TRIẾT phải có tính HAI CHIỀU Kích mới đáp ứng mọi nhu yếu, tình huống của Cuộc Đời, thì trái lại hai thái độ “Bảo Thủ” và “Cấp Tién” tuy bề ngoài có vẻ tương phản nhau, nhưng lại chia xẻ một mẫu số chung là tính MỘT CHIỀU.

Phe BẢO THỦ thay vì VỀ NGUỒN thực sự tức Trung Thành với TRUYỀN THỐNG Viết Hoa như vừa đề cập ở trên, tức những Giá Trị VƯỢT THỜI KHÔNG của Văn Hóa DÂN TỘC  như đức Tương Dung, tính Thích Nghi Biến hóa, đức Nhân Chủ “Tự Cường Tự Lực”, tính Tâm Linh với một triết lý sống là “Hòa Trời, Hòa Đất, Hòa Người”…vvv.. và nhiều Đức Tính khác bắt nguồn từ một nền NHÂN BẢN TÂM LINH đích thực , vì đó là những Giá Trị TINH THẦN hay TÂM LINH thuộc “Thiên Viên” hay “Tham Thiên” có tính chất BẤT BIẾN, thì  trái lại họ lại đi “bám víu” vào những Thể Chế, Thói Tục..vvv.. tuy có giá trị một thời, nhưng vì là những Giá Trị VẬT CHẤT hay LÝ TRÍ thuộc “Địa Phương” hay “Lưỡng Địa” nên phải BIẾN, phải thay đổi theo dòng thời gian.

Phe CẤP TIẾN “có lý” khi chủ trương “giải phóng”, “cách mạng” nhưng họ chỉ đúng ở đợt “Tứ ĐỊA” mà thôi, tức như đã nói ở trên, ở đợt những Thể Chế, Thói Tục…không còn hợp thời nữa. Còn đối với những Giá Trị TINH THẦN hay TÂM LINH thì cần phải xét lại. Vì nếu không thì sẽ có nguy cơ mắc vào cái “vòng luẩn quẩn” sau đây :  muốn MỚI, muốn “cách mạng”, muốn “giải phóng” , muốn “đoạn tuyệt” với nền Văn Hóa của “Cha Ông”, nên họ muốn “ghé” sang nền Văn Hóa Tây Phương để đi tìm CÁI MỚI, thì mới “bật ngửa” ra là chính những nhà Tư Tưởng  lớn nhất của Tây Phương cận đại như Triết Gia Heidegger, những tráo lưu Văn Hóa “Avant-Garde” (=Tiền Phong )  nhất của họ, những Lý Thuyết gia lừng danh nhất của họ trong các lãnh vực Nhân Văn như Nhân Chủng (Claude Lévi-Strauss), Tâm Lý(Carl Jung) hay Khoa Học (Fritjof Capra)..vvv..kể cả Luật Học ï lại đang “ghé” sang Đông Phương để học hỏi!

  • PHẦN HAI: CƠ CẤU LUẬN VÀ CÁC TRÀO LƯU VĂN HÓA KHÁC
  • I) “CƠ CẤU” HAY “HẬU CƠ CẤU” ?

Về phương diện đi tìm CÁI MỚI, mặc dầu Tây Phương đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về phương diện Văn Hóa, nhưng vào thời điểm này, họ còn lãnh đạo Văn Minh Nhân Loại, nên họ vẫn có khả năng thử nghiệm nhiều phương tiện, lý thuyết khác nhau để thử tìm giải pháp cho các khó khăn của họ. Cơ Cấu luận là một trong những thử nghiệm nêu trên, kéo theo nhiều thử nghiệm khác với các danh xưng như Hậu Cơ Cấu (Post- Structuralism), Giải Cấu (Deconstruction), Hiện Đại (Modernism), Hậu Hiện Đại (Post-Modernism)…vvv..

Tuy nhiên, sự phân biệt các danh xưng nêu trên có tính cách tương đối và tỏ ra khá phức tạp trong thực tế. Lấy thí dụ Roland Barthes: có vẻ mọi người đều đồng ý là giai đoạn “Mythologies” trong đời ông có tính chất “Cơ Cấu”(Structuraliste) , vì các bài báo mà ông viết vào thời kỳ này  dựa trên “lý thuyết về Ký Hiệu” của Ferdinand de Saussure bao gồm quan hệ giữa cái “diễn tả”(signifiant) và cái “được diễn tả” (signifié).

Nhưng với tác phẩm “la Mort de l’Auteur” thì có sự bất đồng ý kiến giữa các nhà phê bình về danh xưng. Có người gán cho ông danh xưng “Hậu Cơ Cấu” vì cho rằng ông đã vượt qua các ước lệ nhằm lượng định hóa văn học. Người khác lại không đồng ý và chỉ đặt tác phẩm trên vào giai đoạn chuyển tiếp mà thôi vì theo họ, vai trò “tác giả” đã mất hết ý nghĩa ngay với Cơ Cấu luận rồi!

Đối với Michel Foucault cũng vậy, với tác phẩm “les Mots et les Choses”, ông được liệt kê vào trào lưu Cơ Cấu. Nhưng có nhà phê bình lại gán cho ông danh xưng “Hậu Cơ Cấu”(Post-Structuraliste) , mà ông từ chối có lẽ vì Hậu Cơ Cấu luận chú trọng tới cái “diễn đạt”(signifiant) còn hơn cả Cơ Cấu luận trong khi Foucault lại tuyên bố là ông không chủ trương áp dụng các nguyên tắc của chủ nghĩa Hình Thức (Formalisme) vào các tác phẩm của ông. Foucault còn bị gán  cả danh xưng “Hậu Hiện Đại” nữa có lẽ vì lý do ông từ khước các giá trị của nền triết lý gắn liền với thế kỷ Ánh Sáng chăng?

  • II) HIỆN ĐẠI HAY HẬU HIỆN ĐẠI ?

Vấn đề các danh xưng “Hiện Đại”(Modern) và “Hậu Hiện Đại” (Post-modern) lại còn phức tạp hơn nữa vì có vô số ý nghĩa gắn liền với hai cụm từ này, cũng như có một mối liên hệ mật thiết giữa hai danh xưng nêu trên. Có người cho đó là hai trào lưu khác nhau, chống đối hay bổ túc tùy theo quan điểm. Nhưng lại có người bảo chỉ là hai sắc thái của một phong trào mà thôi.

A) TRÀO LƯU HIỆN ĐẠI

Một cách khái quát, HIỆN ĐẠI (Modernism) là một trào lưu  bao gồm nhiều khuynh hướng, trường phái trong các lãnh vực Nghệ Thuật, Văn Học, Kiến Trúc…vvv…xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Phong trào này tin tưởng vào khả năng của con người trong việc tạo dựng, cải thiện, tái phối trí môi trường sinh sống của mình.

Nhằm đạt mục tiêu trên, phong trào chủ trương là phải tái thẩm định tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống để tìm xem những nguyên nhân nào gây cản trở sự Tiến Bộ, nhằm tìm  ra phương thức chữa trị hầu đạt được mục tiêu mong muốn.

Một khuynh hướng của phong trào bắt nguồn từ Tư Tưởng của thế kỷ ÁNH SÁNG nhấn mạnh đến vai trò của Lý Trí, Khoa Học, Kỹ Thuật như phương tiện chính yếu cần thiết cho sự TIẾN BỘ. Duy Lý, Duy Vật, Duy Kiện là ba đặc tính của Triết Lý làm nền tảng cho khuynh hướng này. Cùng thời với trào lưu trên, ra đời Chủ Nghĩa Thực Dân với chiêu bài “Truyền Bá Văn Minh” dựa trên những giá trị được mệnh danh là Khoa Học (scientific), Khách Quan (objective), Phổ Quát (universal)..Khuynh hướng này còn gắn liền với Triều Đại của Nữ Hoàng Victoria của Anh Quốc.

1) THUYẾT TIẾN HÓA

Đó cũng là thời kỳ ngự trị của thuyết Tiến Hóa của Charles DARWIN dựa trên định đề của sự “tuyển chọn của thiên nhiên” (natural sélection) theo kiểu “đấu tranh sinh tồn” hay “mạnh được yếu thua” của Tư Bản nguyên thủy. Thuyết TIẾN HÓA của Darwin hỗ trợ rất đắc lực cho lý tưởng TIẾN BỘ xuất phát từ thế kỷ Ánh Sáng, nên là một thành phần không thể thiếu sót được của trào lưu HIỆN ĐẠI.

Còn về mặt Văn Học Nghệ Thuật là lúc mà phong trào HIỆN THỰC (Réalism) thay thế trào lưu Lãng Mạn (Romantism) hiện hữu trước đó.

2) BIỆN CHỨNG PHÁP DUY TÂM : MỘT SAI LẦM THẢM KHỐC

Triết Thuyết của Hegel cũng tham dự vào Trào Lưu HIỆN ĐẠI, vì qua Triết Thuyết của mình, Hegel muốn sửa sai Luận Lý học của Aristote dựa trên những Ý Niệm có tính chất Tĩnh Chỉ (statique),đặc sệt, bất động nên Bergson gọi đó là nền Luận Lý Cứng Đọng (la logique des Solides). Hegel muốn thay thế Luận Lý (Logique) bằng Biện Chứng (Dialectique) vì muốn đem yếu tố Động Đích (dynamíque) vào Triết Học để mong “nắm bắt’ thực tại của Sư Vật, Cuộc Đời vốn ĐỘNG. Và điều trên làm nên tính HIỆN ĐẠI (Moderne) của Triết Thuyết Hegel khi so với Triết Cổ Điển Tây Phương dựa trên những định đề đã lỗi thời.  Triết Hegel bao gồm hai điểm chính yếu sau đây:

a)  thứ nhất, động lực thúc đẩy Văn Minh con người tiến triển trên bình diện Trí Tuệ và Đạo Đức theo Hegel không phải do sự can thiệp của Thần Linh, mà là hậu quả của sự hiện diện trong lòng Nhân Loại của  yếu tố TINH THẦN (theo nghĩa LÝ TRÍ)

b) thứ hai, Lịch Sử con người  tiến triển do sự xung đột của hai lực đối nghịch nhau theo các quy tắc của  Biện Chứng Pháp (Dialectique) gồm ba giai đoạn:

–    Chính Đề: ý tưởng đầu tiên
–    Phản Đề: ý tưởng đối nghịch
–    Tổng Đề: kết hợp hai quan điểm đối nghịch trên.

Nhưng với Tổng Đề, một ý tưởng mới xuất hiện sẽ gặp sự chống đối hay bác bỏ, và một chu kỳ  khác sẽ lặp lại và Lịch Sử cứ tiếp tục như thế cho đến  khi Tổng Đề cuối cùng là TINH THẦN Tuyệt Đối xuất hiện.

Nhưng với Hegel, vấn đề được đặt ra là vì ông nghĩ rằng Văn Minh Nhân Loại đã đến giai đoạn cuối cùng với sự thành hình của Đế Quốc Phổ (Đức) ở thế kỷ 19 và không cần đi xa hơn nữa! (45)Ngoài ra, giữa hai hạn từ Nhà Nước và Cá Nhân thì ông chủ trương HY SINH cá nhân, tức CON NGƯỜI thực sự  cho NHÀ NƯỚC, mà ông bảo là tiêu biểu cho bánh xe tiến hoá.(46)

Do đó, người ta thường liên hệ Triết Thuyết của HEGEL với các phong trào Quốc Gia quá khích của thế kỷ 19 và các chế độ PHÁT XÍT và QUỐC XÃ sau này! Có nhà phê bình gọi Hegel là “đứa Con Hoang của văn hóa Đông Phương”.  Lý do có lẽ vì người ta nghi ông hiểu sai DỊCH PHÁP nên Biện Chứng pháp ( Aufheben) của Hegel thay vì đạt được TỔNG ĐỀ với ý nghĩa “bao hàm, thâu hóa” thì lại dừng lại ở HỦY ĐỀ tức hủy bỏ Chính Đề hoặc Phản Đề như  thí dụ trên cho thấy, vì từ ngữ “Aufheben” cũng còn có nghĩa là “hủy diệt” nữa ? Đúng là ở lãnh vực Văn Hóa, “sai một ly” là “đi một dặm” với những hậu quả KHỐC HẠI gắn liền với Biện Chứng Pháp Duy Tâm của Hegel.

Và đang có khuynh hướng sửa sai Hegel vì cuối cùng ngưới ta bắt đầu nhận thấy là Biện Chứng Pháp của Hegel cũng chưa thoát ra được cái khung Duy Lý một chiều và các luật đồng nhất, mâu thuẫn của Luận Lý học Aristote mà Hegel muốn thay thế, do đó cũng chưa đạt được tính HIỆN ĐẠI mà lúc đầu người ta tưởng gắn liền với Triết Thuyết của ông.

3) PHÂN TÂM HỌC CỦA FREUD

Ảnh hưởng quan trọng thứ ba đối với trào lưu HIỆN ĐẠI là sự kiện Sigmund FREUD sáng lập ra  PHÂN TÂM HỌC (Psychanalyse). Tâm Lý học của Tây Phương trước Freud là một nền Tâm Lý học “mặt phẳng” vì chỉ biết có MỘT CHIỀU sáng sủa của Lý Trí, Ý Chí, Ý THỨC. Freud đã làm cuộc “cách mạng” khi đem vào môn Tâm Lý học một chiều kích mới bằng việc khám phá ra phần VÔ THỨC (Inconscient) của con người,.Qua khám phá trên, Freud đã tham gia vào trào lưu HIỆN ĐẠI của Văn Hóa Tây Phương cận đại.

Freud chia Tâm Trí con người ra làm ba tầng:
–    Tầng trên là Ý THỨC (Conscient)
–    Tầng nhì là TIỀM THỨC (Subconscient) gồm những sự kiện tâm lý tạm thời thoát khỏi sự kiểm soát của Ý Thức như  những kỷ niệm, những cảm xúc trong quá khứ mà hiện tại chúng ta quên đi.
–    Tầng cuối cùng là VÔ THỨC (Inconscient) gồm những sự kiện tâm lý hay những sự kiện loại khác nằm ngoài tầm Ý Thức của chúng ta, nhưng liên hệ đến không biết bao nhiêu tỷ, tỷ kinh nghiệm của con người nói chung.

Ngoài ra, theo Freud, có hai nguyên lý đối nghịch kiểm soát hành vi của con người: nguyên lý KHOÁI LẠC và nguyên lý THỰC TẾ. Và các xung đột nội tâm bắt nguồn từ sự tranh chấp giữa hai nguyên lý trên.(47)

Và cũng theo Freud, rất nhiều động lực dẫn con người đến hành động liên quan đến khía cạnh TÍNH DỤC và hiện hữu từ khi đứa trẻ chào đời nhưng không lâu sau bị ĐÈ NÉN (refouler) bởi một hàng rào các điều cấm kỵ mà xã hội đặt ra. Và các ý nghĩ, tình cảm bị “đè nén” đó sẽ trở lại “tác yêu tác quái” đương sự!

Phân Tâm Học bắt đầu với một nhóm nhỏ ở Vienne, thủ đô của nước Áo, sau đó trở thành một phong trào có tầm vóc Quốc Tế .(48) Và qua vấn đề TÍNH DỤC, Freud đã đặt lại vấn đề LUÂN LÝ, ĐẠO ĐỨC dưới ánh sáng của những khám phá Tâm Lý HIỆN ĐẠI (moderne), Mới Mẻ đối với xã hội Tây Phương thời đó, nhất là đối với triều đại của Nữ Hoàng Anh VICTORIA  thường bị mang tiếng là ĐẠO ĐỨC GIẢ!

Hai trường phái Văn Học Nghệ Thuật đặc trưng của giai đoạn này là ẤN TƯỢNG (Impressionisme) và BIỂU TƯỢNG (Symbolisme).

Tóm lại, trào lưu HIỆN ĐẠI  trước Đệ Nhất Thế Chiến mang hai bộ mặt :

-Bộ mặt “sáng giá” của VĂN MINH Tiến Bộ dựa trên Lý Trí, Khoa Học, Kỹ Thuật với các giá trị Khách Quan (Objectif), Phổ Quát (Universel) bắt nguồn từ Tư Tưởng của thế kỷ Ánh Sáng.

-Bộ mặt thứ hai  không được “sáng giá” lắm của thế giới Tiềm Thức, Bản Năng, Ham Muốn.. qua các khám phá của Phân Tâm Học,  cộng thêm với ảnh hưởng của Cơ Khí, Máy Móc bắt đầu xuất hiện trên đời sống hằng ngày.

Ngoài ra, trong những năm tháng cuối cùng của thế kỷ 19, một khuynh hướng Suy Tư HIỆN ĐẠI Mới Mẻ xuất hiện kêu gọi từ bỏ tất cả các quy phạm (Norme) sáng tác cũ, thay vì đem những kỹ thuật mới đi “phục vụ” cho những kiến thức cũ như khuynh hướng trước đây chủ trương.

Quả thật thời kỳ bắt đầu ngay sau Đệ Nhất Thế Chiến đã đánh dấu một giai đoạn MỚI MẺ của Trào Lưu HIỆN ĐẠI với sự “Nở Rộ” của Tư Tưởng trong mọi lãnh vực như với sự ra đời của lý thuyết Tương Đối của Albert Einstein, thuyết Lượng Tử của Niels Bohr, tác phẩm “Idea” của nhà Hiện Tượng luận Edmund Husserl, lý thuyết Duy Hình (Imagisme) của Ezra Pound, cùng với sự xuất hiện của nhà soạn nhạc gốc Nga Igor Stravinsky bắt đầu nổi tiếng với tác phẩm “Rite of Spring” được Vaslav Nijinsky bố trí cho Vũ Kịch, hoặc của các Họa Sĩ  trẻ tuối thời đó sau này thành lập trường phái Lập Thể như Pablo Picasso, hay “Fauvisme” như Henri Matisse…vvv.

4) BIỆN CHỨNG PHÁP DUY VẬT : MỘT NGỘ NHẬN “CHẾT NGƯỜI”

Tuy nhiên song song với cuộc khủng hoảng Kinh Tế năm 1929, sự lớn mạnh của các lý thuyết Phát Xít, Quốc Xã là sự phát triển của Chủ Nghĩa MÁC-XÍT mà ảnh hưởng lan rộng tới giới Trí Thức , nhất là sau khi Lénine thành công trong việc thiết lập chế độ CỘNG SẢN tại Nga Sô, với sự ra đời của một lớp Trí Thức THIÊN TẢ tại Pháp, Âu Châu và Tây Phương nói chung như Bertolt Brecht, W. H. Auden, André Breton, Louis Aragon, Walter Benjamin…vvv…

Tính HIỆN ĐẠI của chủ nghĩa MÁC-XÍT nằm ở những chiêu bài CÁCH MẠNG, GIẢI PHÓNG, KHOA HỌC, TIỀN PHONG, TIÊN TIẾN..mà người Cộng Sản thường nhân danh. Chúng ta biết là Karl Marx về mặt Tư Tưởng, lật ngược Biện Chứng Pháp của Hegel để đổi Duy Tâm  thành DUY VẬT. Marx cũng xem Lịch Sử của xã hội loài người là làm bằng một loạt xung đột “Biện Chứng” xuyên qua lăng kính của “Đấu Tranh Giai Cấp”. Hệ Thống Tư Bản theo Marx, là hình thức Bóc Lột cuối cùng của phe Thống Trị trước khi chủ nghĩa Cộng Sản ra đời. Và mục tiêu cuộc “đấu tranh giai cấp” theo Marx là để “GIẢI PHÓNG” người Vô Sản là giai cấp “TIỀN PHONG” ra khỏi sự thống trị của giai cấp Tư Sản qua cuộc “CÁCH MẠNG” Vô Sản “TIÊN TIẾN”, theo Biện Chứng “KHOA HỌC” của “Duy Vật Sử Quan”. Các thuật ngữ như “Cách Mạng, “Giải Phóng, “Khoa Học”, “Tiền Phong” “Tiên Tiến”…vvv..được bộ máy Tuyên Truyền Cộng Sản lập đi lập lại nhằm “lường gạt” người dân về Tính HIỆN ĐẠI của chủ nghĩa Cộng Sản!

Như chúng tôi đã lập luận trước đây, thực ra Mác-Xít là một lý thuyết KHÔNG TƯỞNG, và Karl Marx hứa hẹn với những người theo ông một loại “Thiên Đường Cộng Sản” nơi đó “con người làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu”: các phương tiện sản xuất sẽ được tập trung, tư sản sẽ bị hủy bỏ và tiền bạc sẽ không còn được xử dụng nữa. Nhưng trước đó, ở giai đoạn trung gian, một chính quyền XÃ HỘI sẽ hiện hữu và có thể dùng những phương tiện PHI DÂN CHỦ như ĐỘC TÀI CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN.(49)

Chính các điểm lý thuyết vừa nêu trên của Mác-Xít đã được các lãnh tụ Cộng Sản như Lénine, Staline, Mao Trạch Đông, Hồ chí Minh..tận lực KHAI THÁC. Họ dùng các lời HỨA HẸN đầy “quyến rủ” của Karl Marx như CHIÊU BÀI (“Thiên Đàng Cộng Sản”, “Thế Giới Đại Đồng”, “Cách Mạng Vô Sản”, “Giải Phóng”, “Tiền Phong” “Tiên Tiến”, ” tính Khoa Học”, “tính HIỆN ĐẠI”..vvv…)  về mặt TUYÊN TRUYỀN, và áp dụng một cách TRIỆT ĐỂ những phương thức PHI DÂN CHỦ như ĐỘC TÀI CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN, mà Marx “cho phép” ở giai đoạn trung gian với một chính quyền XÃ HỘI.Điều trên giúp giải thích hai tính chất DỐI TRÁ và SẮT MÁU của chế độ Cộng Sản đạt đến trình đo äKHỦNG KHIẾP NHẤT trong Lịch Sử loài người.

Do đó, giới Trí Thức Thiên Tả Tây Phương đã NGỘ NHẬN khi họ đi ủng hộ phong trào Cộng Sản. Lý do có lẽ là họ đã lầm tưởng chữ TẢ trong cụm từ “Phe Tả” của Cộng Sản giống như chữ TẢ trong cụm từ “Tả Nhậm” với nghĩa “bênh vực những người Cô Thế, Yếu Đuối” của VIỆT NHO chăng ? . Họ quên rằng Cộng Sản thuộc Phe CỰC TẢ (Extrême Gauche), mà chiếu theo định luật “mạnh chống mạnh chấp” hay “các cái Thái Quá thường gặp nhau” (= les extrêmes se touchent) mà hệ quả của điều trên là khi phe Cộng Sản có cơ hội nắm quyền hành thì họ còn CỰC HỮU hơn phe HỮU nữa!!! Tức từ tính ‘CÁCH MẠNG,”TIỀN PHONG”, “TIÊN TIẾN, “HIỆN ĐẠI” mà họ thường “rêu rao”, họ sẽ mau chóng trở thành PHẢN ĐỘNG, Ù LỊ, CHẬM TIẾN, LẠC HẬU, LỖI THỜI là những điều mà họ thường “cáo buộc” các kẻ thù của họ.

Thật ra hiện tượng trên đã xuất hiện TỪ LÂU RỒI : chỉ vì giới Trí Trức THIÊN TẢ Tây Phương không để ý đến thôi! Thử lấy thí dụ về chiêu bài “Xã Hội VÔ GIAI CẤP” mà người Cộng Sản thường xử dụng để tuyên truyền cho tính BÌNH ĐẲNGï, TIÊN TIẾN, HIỆN ĐẠI của xã hội họ Theo nhận xét của những người đã từng nghiên cứu hay có dịp viếng thăm Nga Sô cách đây khoảng bảy thập niên thì họ đã “nhận thấy bên Nga sự xuất hiện của một Tân Đẳng Cấp còn xa cách giới Thợ Thuyền hơn bên các nước Tư Bản nhiều lần”. Sau đây là bảng Thống Kê giữa LƯƠNG của “Hồng Quân” NGA đối chiếu với lương Quân Đội MỸ (vào năm 1937)  :

HỒNG QUÂN NGA                          QUÂN ĐỘI MỸ

Binh Nhì        10  Rúp                                     50 Mỹ Kim
Thiếu Úy        1.000  Rúp                               150 Mỹ Kim
            (gấp 100 lần)                           (gấp 3 lần)
Đại Tá        2,400  Rúp                                    330 Mỹ Kim
                    (gấp 240 lần)                         (chỉ gấp 6,6 lần)

(50)
Phần trình bày trên cho thấy là xã hội Cộng Sản đã từ lâu KHÔNG HIỆN ĐẠI, Bình Đẳng như họ tuyên truyền, mà trái lại Lạc Hậu, “GIAI CẤP” gấp bội phe HỮU!

Điều trên càng được xác nhận khi ta so sánh Mức Độ THAM NHŨNG ngày nay của các nhà CẦM QUYỀN trên Thế Giới được sắp hạng theo Thứ Tự  như sau :

GIẢI NHẤT                CỘNG SẢN VIỆT NAM
GIẢI NHÌ                CỘNG SẢN TRUNG HOA
GIẢI BA                  “CỰU” CỘNG SẢN NGA

Thật ra lý thuyết MÁC-XÍT đã HỎNG ngay từ trong Nội Dung, Bản Chất của nó rồi. Karl Marx phê bình rằng Hegel với “Biện chứng pháp” Duy Tâm đã đặt ngược vấn đề mà hệ quả theo Marx, là Hegel vẫn còn giam hãm con người trong trạng huống VONG THÂN. Để sửa lại tình trạng trên, Marx tuyên bố là “muốn triệt để cần phải giải nghĩa vạn vật từ gốc rễ chung. Đối với Marx, gốc rễ đó lại là chính con người”. Nhưng tiếc rằng sau đó Marx lại thêm: “bản gốc Con Người là KINH TẾ hoặc XÃ HỘI Tính. Điều trên có nghĩa là trong bản chất Con Người, Marx chỉ thấy có khía cạnh Kinh Tế hay Xã Hội mà thôi, còn những gì TƯ RIÊNG, ĐỘC ĐÁO có thể giúp con người tiếp cận với Chiều Kích TÂM LINH, với những khát vọng SIÊU HÌNH Thiêng Liêng của mình, thì bị thuyết Cộng Sản phủ nhận hết!(51)

Kết quả là với Biện Chứng Pháp Duy Vật của Karl Marx, tình trạng VONG THÂN của con người còn “lún sâu ” thêm một bậc ! Do đó, thuyết Cộng Sản thực sự KHÔNG có tính chất HIỆN ĐẠI, “giải phóng”, “cách mạng”, “khoa học”, “tiền phong”, “tiên tiến” như họ tuyên truyền,.mà trái lại tỏ ra “phản động”, “phản khoa học, “lạc hậu”, “phản tiến hóa” ở mọi lãnh vực,  của một Ý Thức Hệ đã LỖI THỜI  từ lâu!

Vậy nên,  phần lớn giới Trí Thức Tây Phương THIÊN TẢ, kể cả những nhà CƠ CẤU đã LẦM LẪN khi họ đặt niềm tin vào người cũng như chủ nghĩa Cộng Sản có lẽ vì họ LẦM TƯỞNG rằng người Cộng Sản thực sự bảo vệ người “cô thế, yếu đuối” cũng như chủ nghĩa Cộng Sản có tính chất KHOA HỌC, HIỆN ĐẠI như  họ thường nghe tuyên truyền chăng ?

Lấy một thí dụ : trong giai đoạn “làm báo” của Roland Barthes được đúc kết bằng tác phẩm “Mythologies”, ông đã “có lý” khi “lật tẩy” những thủ đoạn “phỉnh phờ” của giới TƯ BẢN qua những “Huyền Thoại” được tạo dựng nên nhằm phục vụ cho những mục tiêu không chính đáng của giới nàyï. Nhưng ta lại KHÔNG thấy Roland Barthes viết những bài TƯƠNG TỰ đối với phe CỘNG SẢN!

Hầu hết giới Trí Thức THIÊN TẢ Tây Phương trước đây có thái độ MỘT CHIỀU tương tự  nên đã gây ra phong trào PHẢN CHIẾN làm tổn hại đến Lý Tưởng của phe QUỐC GIA trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua.  Sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Nga Sô và Đông Âu vào đầu thập niên 1990, nhiều người đã thay đổi nhận định, nhưng hiếm ngưới lên tiếng nhận mình đã sai lầm trong quá khứ như hai nhà báo Olivier Todd và Jean Lacouture.

Thực ra, lý thuyết của MARX cũng như của HEGEL đã HỎNG ngay từ NỀN TẢNG được phản ảnh ngay trong thuật ngữ  “Biện Chứng Pháp DUY TÂM” của Hegel hay “Biện Chứng Pháp DUY VẬT” của Marx. Lý do là cụm từ “Biện Chứng” tự nó phải nhắm đến tính HAI CHIỀU rồi, vì “Biện Chứng” trên nguyên tắc khác với Luận Lý (logique) nên nhấn mạnh đến tiến trình “đong đưa” giữa hai đối cực, thế mà lại kết thúc bằng “Duy Tâm” với Hegel hay “Duy Vật” với Marx tức cuối cùng Sa Đọa thành MỘT CHIỀU Kích. Vậy nên ta không nên lấy làm lạ là ẢNH HƯỞNG cộng lại của hai học thuyết nêu trên đã CƯỚP của Nhân Loại MẤY TRĂM TRIỆU NHÂN MANG. Đúng là một sự NGỘ NHẬN “CHẾT NGƯỜI”!!!

Vậy mà ngày nay lại có những người muốn CỨU NGUY  cho loại Học Thuyết PHI NHÂN ấy bằng Âm Mưu  THAY THẾ “Đệ Tam Quốc Tế” bằng “Đệ Nhị Quốc Tế”! Chỉ là CÔNG DÃ TRÀNG mà thôi! Lại còn mang tiếng là DÂN CHỦ CUỘI  nữa!!!

5) HIỆN ĐẠI VÀ MỘT SỐ THUỘC TÍNH

Ngoài ra, ta nên nhớ rằng Trào Lưu HIỆN ĐẠI ra đời cùng lúc với chế độ TƯ BẢN Nguyên Thủy nên làm tăng  thêm tính chất KỲ THỊ đã có sẵn ngay trong lòng Văn Hóa Tây Phương giữa “Cao Cấp” và “Bình Dân”, giữa “Trí Thức” và “Đại Chúng”..vvv… Tính HIỆN ĐẠI cũng xuất hiện cùng thời với phong trào THỰC DÂN nên kèm theo sự KỲ THỊ  Văn Hóa giữa TRUNG TÂM và NGOẠI VI, giữa MẪU QUỐC đồng hóa với “Hoàn Hảo”, “Tiến Bộ” “Tương Lai”…vvv… và THUỘC ĐỊA bị gán cho tính “Bất Toàn”, “Lạc Hậu” và thuộc “Quá Khứ”…vvv…

Tóm lại, trào lưu HIỆN ĐẠI không chỉ mang lại những điều Mới Mẻ, Tốt Lành, mà còn để lại những VẾT DƠ trong Lịch Sử như các CHỦ NGHĨA Thực Dân, Phát Xít, Quốc Xã, Cộng Sản…vvv..kèm theo với sự Kỳ Thị Chủng Tộc, Văn Hóa, Phái Tính… Chiến Tranh , sự hủy hoại Môi Sinh…vvv..dựa trên một quan niệm MỘT CHIỀU về TIẾN BỘ !

Về mặt Văn Học, Nghệ Thuật , trào lưu Hiện Đại ở giai đoạn sau đi đôi với các trường phái Đa-Đa, Siêu Thực (Surréalism), Vị Lai (Futurism), Lập Thể (Cubism), cả Pop Art, Fluxux…vvv..

B) TRÀO LƯU HẬU HIỆN ĐẠI

Các thành quả mà trào lưu HIỆN ĐẠI đem lại có tính chất Xấu Tốt lẫn lộn, cũng tương tự chính ý niệm “Hiện Đại”. Nếu áp dụng một cách chừng mực và “có suy xét” thì tiến trình Hiện Đại hóa sẽ có ý nghĩa Tích Cực vì có thể đem lại nhiều điều bổ ích, tốt đẹp cho con người.  Khía cạnh Tiêu Cực xuất hiện khi tiến trình vượt quá mức cần thiết, hay quá nhấn mạnh đến những mục tiêu cục bộ, phe phái hơn là đường hướng chung, hoặc được xử dụng nhằm phục vụ Quyền Lực hay như phương tiện để Thống Trị hoặc Gây Hấn (dẫu được “ẩn dấu” dưới những Chiêu Bài hoa mỹ!) hơn là cho mục tiêu Cộng Tác, Hòa Bình.

Và đó là lý do Chính Yếu của sự xuất hiện trào lưu HẬU HIỆN ĐẠI nhằm Điều Chỉnh những sai lầm, thái thậm, tính cục bộ, Một Chiều, hay những mục tiêu hành động không chính đáng…vvv.. của phong trào HIỆN ĐẠI.

Nếu trào lưu HIỆN ĐẠI bắt nguồn từ tư tưởng của thế kỷ Ánh Sáng ở thế kỷ 18, thì    phong trào HẬU HIỆN ĐẠI được gợi hứng không lâu sau đó, từ những nhà Tư Tưởng hay Triết Gia của thế kỷ 19.

1) ẢNH HƯỞNG CỦA NIETZSCHE

Từ ngữ HẬU HIỆN ĐẠI (Post- modernism) mà Rudolf Pannwitz xử dụng năm 1917, bắt nguồn từ Friedrich Nietzsche khi vị Triết Gia này đưa ra nhận định về  tính HIỆN ĐẠI trong xã hội đương thời. Nietzsche phê bình các ý niệm “Khoa Học” (scientific), “Khách Quan” (objective), Phổ Quát (universal), ” Chân Lý Tuyệt Đối” ( absolute truth)…vvv.. của thế kỷ Ánh Sáng, của Hegel và của chính văn hóa Tây Phương.

Về vấn đề CHÂN LÝ, theo Nietzsche, ý niệm về “Chân Lý” trong các lãnh vực Lý Luận, Siêu Hình, Luân Lý, Tôn Giáo làm căn bản cho truyền thống Tư Tưởng Tây Phương trên thực tế theo ông,  là một điều SAI LẦM do tính TUYỆT ĐỐI được gán cho loại “Chân Lý” nói trên.

Nietzsche lý luận như sau: với thuyết Tiến Hóa của Darwin, “Biến Hóa” đã trở thành một  ý niệm nền tảng của con người hôm nay. Theo Nietzsche, nếu tin là “mọi sự đều biến đổi” thì “không còn gì là chân lý” nữa cả !

Do đó, theo Nietzsche, “Chân Lý” chỉ còn là một ý niệm “Tương Đối”, tức tùy thuộc vào viễn tượng và vị trí của đương sự trên bình diện Lý Luận, Siêu Hình, Luận Lý, Tôn Giáo. Trái lại, nếu cứ tiếp tục dựa trên định đề về tính TUYỆT ĐỐI để gọi đó là “Chân Lý Tuyệt Đối ” thì theo ông, đó là một câu tuyên bố SAI LẦM !

Do ảnh hưởng của thuyết Tiến Hóa, các loại “Chân Lý” nêu trên đã lần lần bị thay thế bởi “Chân Lý Khoa Học” áp dụng cho những lý thuyết được “thử nghiệm”. Và theo Nietzsche, trước tiên, các lý thuyết tự nhận là “Khoa Học” không có tính chất KHÁCH QUAN như thường được “phô trương”. Theo ông, đó chỉ là một sự sắp xếp của trí óc con người nhằm đưa ra một lối giải thích cho hợp nhu cầu hiểu biết của mình , về một Vũ Trụ thực ra “phi lý” và “phi cấu trúc”.

Kế đến, cái gọi là “định luật Khoa Học” dựa trên Dữ Kiện (hay cái gọi là “dữ kiện”) không nằm trong lãnh vực “phán đoán giá trị”, vì  Giá Trị và Ý Nghĩa nằm ngoài địa hạt của Khoa Học. Hệ quả là khi dùng “Chân Lý Khoa Học” để thay thế cho các loại “Chân Lý ” khác là ta đã tước đoạt mọi ý nghĩa ra khỏi Vũ Trụ Nhân Sinh! Lý do là Khoa Học chỉ thử trả lời câu hỏi “nguyên nhân từ đâu đến ? ” , còn vấn nạn “mục đích, cứu cánh là gì ?” thì Khoa học không có lời giải đáp!(52)

Vậy nên,  việc Nietzsche đặt lại vấn đề đối với tính HIỆN ĐẠI với các giá trị kèm theo như “Chân Lý”, “Tuyệt Đối”, “Khoa Học”, “Khách Quan”…vvv..đã GIÁN TIẾP đặt nền móng về mặt Lý Thuyết cho trào lưu HẬU HIỆN ĐẠI.

2) ĐÓNG GÓP CỦA KIERKEGAARD

Ngoài Nietzsche, trào lưu HẬU HIỆN ĐẠI  còn chịu ảnh hưởng của nhiều tác giả trong nhiều lãnh vực khác nhau. Soren Kierkegaard cùng với Nietzsche thường được xem là hai Triết Gia tiền phong của phong trào Hiện Sinh, cũng chống lại chủ trương của Hegel. Triết thuyết của Hegel, theo ông, không “đếm xỉa” gì đến đời sống thực tế. Lý do là ý niệm KHÁCH QUAN, theo lối hiểu được trình bày trong Tư Tưởng Hegel, không thể áp dụng vào cuộc sống cá nhân được. Do đó, tính HẬU HIỆN ĐẠI của Tư Tưởng Kierkegaard nằm ở chỗ Kieregaard chống lại Hegel bằng cách kêu gọi một lề lối Tư Tưởng hướng về Chủ Thể và Nội Tâm.(53)

3) CÁC LOẠI ẢNH HƯỞNG KHÁC

Ngoài ra, năm 1926, B. I. Bell dùng cụm từ HẬU HIỆN ĐẠI để gọi tên chung cho những hình thức sáng tác mới mẻ trong các địa hạt Nghệ Thuật và Âm Nhạc, còn H. R. Hays thì xử dụng để gọi một hình thức Văn Học mới. Trong lãnh vực Sử Học, thì có câu tuyên bố của Arnold Toynbee : ” Thời đại Hậu Hiện Đại của chúng ta bắt đầu với cuộc Đệ Nhị Thế Chiến”.

Tuy Nhiên, có lẽ vì mỗi danh xưng “Hiện Đại” hoặc “Hậu Hiện Đại” có nhiều ý nghĩa khác nhau, đồng thời hai cụm từ này lại liên hệ mật thiết với nhau, khiến cho hai ý niệm “Hiện Đại” và “Hậu Hiện Đại” thường dễ bị lẫn lộn. Chẳng hạn, hai trường phái sau đây đóng một vai trò khá quan trọng trong sinh hoạt Văn Hóa Nghệ Thuật của xã hội Tây Phương sau Đệ Nhất Thế Chiến, khi thì được gọi là HIỆN ĐẠI, khi khác thì  HẬU HIỆN ĐẠI.

a) TRƯỜNG PHÁI ĐA-ĐA

Khuynh hướng thứ nhất có tên là ĐA ĐA. Một cách khái quát, đó là một trường phái Văn Học Nghệ Thuật hoạt động khoảng thời kỳ kéo dài từ 1916 đến 1925, nhằm đặt lại vấn đề theo kiểu “xóa bỏ hết để làm lại từ đầu”, đối với tất cả các Ước Lệ và Ràng Buộc trên bình diện Ý Thức Hệ, Nghệ Thuật và Chính Trị.

Sở dĩ “Đa Đa” được gọi là HIỆN ĐẠI có lẽ vì trường phái này Chống lại trật tự cũng như các quan niệm, giá trị Cổ Truyền của văn hóa Tây Phương cả về mặt Văn Học Nghệ Thuật lẫn các mặt khác, mà theo họ, đã gặp phải “thất bại ê chề” trước sự phi lý và thực tế phủ phàng của Thế Chiến Thứ Nhất. Tính HIỆN ĐẠI cũng có thể được tìm thấy trong mối liên hệ của nhóm “Đa Đa” về mặt Chính Trị với phe Cực Tả đang còn “say sưa” với các chiêu bài “Tiền Phong”, “Cách Mạng”, “Giải Phóng”…vvv.., cũng như do ảnh hưởng của một trường phái Tâm Lý Hiện Đại là Phân Tâm Học của Freud, đối với quan niệm sáng tác của “Đa Đa”ï thường nhấn mạnh đến khía cạnh Phi Lý của miền Tiềm Thức, Vô Thức…vvv…

Ngược lại, việc “Đa Đa” được gọi là HẬU HIỆN ĐẠI có thể là vì chủ trương  của trường phái này chống lại trật tự xã hội đương thời quá dựa trên các giá trị như Duy Lý, Duy Vật, Tiến Bộ .. thừa hưởng từ tư tưởng của thế kỷ Ánh Sáng được dùng làm cơ sở cho một khuynh hướng của trào lưu HIỆN ĐẠI. Tính “Hậu Hiện Đại” của nhóm “Đa Đa” cũng có thể thấy trong nỗ lực của nhóm này nhằm chống lại chủ trương của phong trào HIỆN ĐẠI đã “biệt đãi” loại  văn hóa được gọi là”Cao Cấp”(high culture) và “kỳ thị” loại văn hóa Bình Dân hay Đại Chúng.(low culture).(54)

Ngoài ra, khía cạnh “HƯ VÔ Chủ Nghĩa” với các lời phát biểu như “Đa Đa là một tiếng kêu, một khoảng Hư Không biến thành một nghệ thuật sống” của Jean Arp, hoặc ” cái chúng tôi gọi là Đa Đa là một trò hề xuất phát từ Hư Vô” của Hugo Ball có lẽ chịu ảnh hưởng của Nietzsche khi nhà “Hậu Hiện Đại” này lập luận rằng tính Hiện Đại của xã hội ngày nay khiến cho càng ngày “chân lý Khoa Học” được “mời gọi” thay thế cho các loại “chân lý’ khác, mà vì theo Nietsche, Khoa Học không có khả năng thiết lập một bảng Giá Trị, nên hệ quả của tình trạng trên là vì điều mà trong quá khứ đã được xem là Giá Trị nay đã biến mất trong nền Văn Minh hiện đại, do đó tình trạng HƯ VÔ đang lan tràn khắp nơi  trên Nhân Loại hôm nay!

b) TRƯỜNG PHÁI SIÊU THỰC

Năm 1922, André Breton đặt tên SIÊU THỰC (Suréalism) cho nhóm ông mới thành lập sau khi cùng với Louis Aragon và Philippe Soupault rời bỏ nhóm “Đa Đa” mà họ đã cộng tác từ năm 1919. Do đó không lạ gì mà chủ trương Siêu Thực có nhiều điểm giống với “Đa Đa”.

Giống như “Đa Đa”, họ kêu gọi Phản Kháng ở mọi mặt nhưng “Phản Kháng” với tính cách  “Sáng Tạo” hơn, và trong thực tế họ Thiên Tả về mặt Chính Trị như “Đa Đa”. Và cũng giống như nhóm này, Siêu Thực đặc biệt chú trọng đến tính Phi Lý của miền Tiềm Thức, Vô Thức  bằng lời kêu gọi ” giải phóng” Trí Tưởng Tượng của con người ra khỏi mọi ràng buộc. Và cũng giống như “Đa Đa”, Siêu Thực có khi được gọi là HIỆN ĐẠI, khi khác HẬU HIỆN ĐẠI!

Thật vậy, các ý tưởng của Siêu Thực được đặt nền tảng trên Tư Tưởng gọi là HIỆN ĐẠI của Hegel, Marx nên nhắm vào tính Động Đích và “Biện Chứng” cho hợp với lý thuyết của Hegel và Marx mà việc áp dụng vào thực tế thường kèm theo những Ảo Tưởng về tính Hiện Đại. Hệ quả là một số ngươiø “theo đuôi” Hegel và Marx thường cố tình “nuôi dưỡng” loại ảo tưởng nêu trên với âm mưu “lừa bịp” quần chúng!

Tính HIỆN ĐẠI của Siêu Thực cũng còn liên hệ với ảnh hưởng của nhà phân tâm học Freud  về vai trò của Tiềm Thức trong công việc Sáng Tác. Ngoài ra , André Breton, sáng lập viên trường phái Siêu Thực xuất thân là một bác sĩ chuyên về Tâm Thần. Mục đích của ông là nhằm kết hợp các chủ đề về sự cải biến nội tâm của nhà thơ Arthur Rimbaud với tư tưởng của Karl Marx. Đó cũng là lý do khiến ông gia nhập đảng Cộng Sản năm 1927, nhưng bị truật xuất năm 1933. Tính Hiện Đại của trường phái Siêu Thực cũng còn được thấy qua chủ trương của nhóm nhằm đặt lại vấn đề về nguồn gốc sự hiểu biết của con người và cách thức con người cảm nhận Sự Vật và Biến Cố. Và dưới sự hướng dẫn của André Breton, ảnh hưởng của Siêu Thực bành trướng rộng rãi khắp Âu Châu ở mọi địa hạt Nghệ Thuật.

Tuy nhiên, mặt khác Siêu Thực cũng được liệt kê vào trào lưu HẬU HIỆN ĐẠI có lẽ do sự kiện là nhiều Nghệ Sĩ  Siêu Thực trong lúc sáng tác thường được gợi hứng từ việc tiếp cận với các nền Văn Hóa khác mà theo họ giữ được thế Quân Bình tốt hơn Văn hóa Tây Phương, giữa Lý Trí “là là mặt đất” và Trí Tưởng Tượng “bay bổng!

Tính Hậu Hiện Đại của Siêu Thực còn được thấy qua nỗ lực của họ trong việc tìm tòi khai triển thêm, nhằm bổ túc các phương tiện sẵn có của Phân Tâm Học bằng một “dụng cụ” mới mẻ rất đặc trưng của trường phái Siêu Thực mà André Breton gọi là kỹ thuật “Tự Động Tâm Thần Thuần Túy” (Pur Psychic Automatism): Khi vẽ chẳng hạn,  người họa sĩ  Siêu Thực được phép di chuyển tay của mình một cách “không chủ ý”, tức ngoài sự kiểm soát của Ý Thức nhằm cố gắng diễn đạt trung thực nội dung của Tiềm Thức.(55)

Và tính Hậu Hiện Đại của Siêu Thực càng rõ nét hơn nữa qua ảnh hưởng của họ đối với Tư Tưởng của thập niên 1960 là khoảng thời gian mà trào lưu Hậu Hiện Đại chiếm một vị trí  nổi bật !

4) HẬU HIỆN ĐẠI VÀ THẾ HỆ TRẺ”MAI 68″

Thật vậy, khía cạnh HẬU HIỆN ĐẠI của trường phái Siêu Thực cũng thể hiện qua sự nhấn mạnh của nhóm này trên mối liên hệ mật thiết giữa sự giải phóng của con người ra khỏi sự gò bó, hạn chế của đời sống thường nhật trên bình diện Trí Tưởng Tưởng , cũng như khỏi sự đàn áp của các cơ chế xã hội lỗi thời, đã “quyến rủ” giới Trẻ của thế hệ “Mai 68” (= phong trào Sinh Viên nổi dậy ở Pháp vào tháng 5 /68). Và khẩu hiệu “Hãy để dành mọi Quyền Uy cho Trí Tưởng Tượng” của thế hệ “Mai 68” xuất phát trực tiếp từ Tư Tưởng lẫn phương sách Hành Động của trường phái Siêu Thực.

Một khía cạnh khác của Tư Tưởng Hậu Hiện Đại là việc khuyến khích khuynh hướng “Phi Tâm hóa” (de- centring) dọn đường cho sự trổi dậy của các nền Văn Hóa “Ngoại Vi” của các “đệ tam quốc gia” . Tư Tưởng Siêu Thực cũng đi cùng chiều hướng với Hậu Hiện Đại ở khía cạnh nêu trên qua việc gợi hứng cho một trong những hình thái văn chương mới mẻ thời đó có tên là “Hiện Thực Thần Diệu” (magical realism) xuất phát từ xứ Nam Mỹ với các nhà văn Jorges Luis Borges, Gabriel Garcia Máquez mà kỹ thuật viết thường pha trộn các “xen” hiện thực với những yếu tố “mộng mơ” “quái đãn”, những ẩn dụ siêu hình cùng với  những hình ảnh huyền thoại.(56)
Bầu khí Thần Kỳ, Lãng Mạn, Mộng Mơ đó cộng với ảnh hưởng của các khuynh hướng Hậu Hiện Đại khác có lẽ đã giúp giới trẻ tạm thời thoát khỏi các tiện nghi vật chất của xã hội Tây Phương thời đó để Thể Nghiệm những trạng thái Tâm Thức Mới cũng như hướng về Đông Phương Huyền Bí của Hermann Hesse, S. Vivekananda, D.T.Suzuki…vvv…Mở rộng chân trời của Ý Thức lan qua các vùng Tiềm Thức, Vô Thức lên tận miền Siêu Thức dựa vào những  phương pháp Tu Luyện của truyền thống Đông Phương như Yoga, Thiền.. cũng là một nét đặc trưng của Thế Hệ “Mai 68” và trào lưu HẬU HIỆN ĐẠI.
Điểm đặc sắc khác của thế hệ TRẺ “Mai 68” đi cùng chiều hướng của Tư Tưởng HẬU HIỆN ĐẠI là sự trổi dậy của các nhóm “Thiểu Số” trong lòng xã hội Tây Phương. Như đã nói ở trên, đó là sự vùng dậy của người Da Đen ở Mỹ, của những người Thổ Dân trong các xã hội Tây Phương khác, của phong trào Nữ Quyền, của người Sinh Viên trong các Đại Học, của các thành phần di dân, tỵ nạn, của những người “đồng tình luyến ái”…vvv…trong xã hội. Ngoài ra, phải kể thêm sự đặt lại vấn đề của các nhà Tâm Lý có khuynh hướng Nhân Bản đối với quyền uy của các Bác Sĩ và giới “Chữa Trị”, của cuộc “Cách Mạng Tính Dục” đối với nền luân lý “Thanh Giáo” của xã hội Tây Phương thời đó, nhất là Hoa Kỳ.

5) J. F. LYOTARD : LÝ THUYẾT GIA “HẬU HIỆN ĐẠI” ?

Phong trào PHẢN KHÁNG “rầm rộ” của Giới TRẺ thế hệ “Mai 68” với ảnh hưởng rộng lớn, mạnh mẽ đến độ tạo thành một nền Văn Hóa ĐỐI LẬP (counter-culture) với Văn Hóa chính thức đương thời, lẽ dĩ nhiên bắt nguồn từ nhiều khuynh hướng Văn Hóa khác nhau. Nhưng trái với phần lớn các tác giả khác, Jean-Francois Lyotard, không những không ngại ngùng, mà còn thẳng thắn tự nhận là mình thuộc trào lưu HẬU HIỆN ĐẠI. Ông còn cố gắng tìm cách xác định các nét đặc trưng của khuynh hướng Văn Hóa này.
Theo J.F. Lyotard, nét Căn Để nhất của Tinh Thần HẬU HIỆN ĐẠI là tính BI QUAN, NGỜ VỰC vì đánh mất Niềm Tin vào cái mà ông gọi là các ĐẠI TỰ SỰ (Grand- Narrative) hay SIÊU TỰ SỰ (Meta-Narrative). Trong đồng văn của tư tưởng Hậu Hiện Đại thì “Đại Tự Sự” là một Ý NIỆM Trừu Tượng được dùng để giải thích một cách Toàn Triệt tất cả Kiến Thức và Kinh Nghiệm Lịch Sử. Đó là một “chuyện kể” (story) về một “chuyện kể ” mà theo J. F. Lyotard, nhằm giải thích một cách bao trùm và “tổng gộp” (totalizing) các “câu chuyện nhỏ”.
Nguyên nhân của tình trạng trên theo J.F. Lyotard  là do tính chất “cổ lổ ” của bộ máy “chính thống” dựa trên nội dung lỗi thời của các “Đại Tự Sự” bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Siêu Hình và Triết Học của Tây Phương kéo theo việc đặt lại vấn đề đối với quyền uy và các giá trị khác của cơ chế Đại Học dựa trên tính “chính thống” nêu trên. Lyotard mới tự hỏi:” Tính chính đáng (legitimacy) sẽ đi về đâu sau sự sụp đổ của các “đại tự sự” ?”.
Thí dụ về các Đại Tự Sự như niềm tin vào “Chân Lý Khoa Học” với các giá trị “Phổ Biến”(universal), “Tổng Quát” (general) của thế kỷ ÁNH SÁNG với “chuyện kể” là tư tưởng Duy Lý cộng với lý luận Khoa Học sẽ dẫn đến sự TIẾN BỘ của con người về mọi mặt: Đạo Đức, Xã Hội, Vật Chất …
Như “Đại Tự Sự” của chủ nghĩa THỰC DÂN về nhiệm vụ “Truyền Bá Văn Minh” của các dân tộc Da Trắng trên toàn thế giới dựa trên Khoa Học, Kỹ Thuật và nền văn hóa Duy Lý Tây Phương.
Cũng như “Đại Tự Sự” của chủ nghĩa CỘNG SẢN với sứ mệnh “Giải Phóng” xã hội, dân tộc, nhân loại..khỏi sự áp bực của phe Thống Trị bằng một cuộc “Cách Mạng Vô Sản”dựa trên “Biện Chứng Khoa Học” theo “Duy Vật Sử Quan” của Karl Marx.
Trên đây là thí dụ về ba “Đại Tự Sự” của phong trào HIỆN ĐẠI mà theo J. F. Lyotard đã thất bại vì bị nghi ngờ là có âm mưu xây dựng những Trung Tâm Quyền Lực dựa  trên đó.
Về phần mình, , Jean-Francois Lyotard đề nghị thay thế các “Đại Tự Sự” có tính chất “bao trùm”, “thống trị” bằng những TIỂU TỰ SỰ (petit récit) nhấn mạnh, trong đồng văn ĐỊA PHƯƠNG, đến tính QUAN ĐIỂM và ĐA DẠNG của Kinh Nghiệm con người, mà sự CỘNG SINH giữa các “Tiểu Tự Sự” được quan niệm như là một “Trò Chơi Ngôn Ngữ” theo thể điệu của Triết Thuyết Wittgensteim.(57)

C) VẤN ĐỀ GIẢI CẤU

Có phải do thái độ Bi Quan, Ngờ Vực của Tư Tưởng HẬU HIỆN ĐẠI đối với các “Đại Tự Sự” mà vấn đề GIẢI CẤU (Deconstruction) đã được đặt ra chăng ?
Có lẽ GIẢI CẤU phải đi đôi với HẬU HIỆN ĐẠI vì đó là một phương tiện không thể thiếu được để “Lột Mặt Nạ” các Ảo Tưởng về “Văn Minh Tiến Bộ” mà các “Trung Tâm Quyền Lực” đương thời cố ý “nuôi dưỡng” bằng “hào quang” của những “Đại Tự Sự” của thời HIỆN ĐẠI cho những mục tiêu không mấy chính đáng của họ, trong khi trên thực tế, nội dung của những “Đại Tự Sự” đó lại dựa trên những Định Đề Khoa Học và Triết Học đã “lỗi thời” từ lâu !

1)  GIẢI CẤU VỚI  JACQUES DERRIDA

Có lẽ người mà tên tuổi gắn liền với khuynh hướng Giải Cấu trong lãnh vực Phê Bình Văn Học là Jacques Derrida. Qua Giải Cấu luận, Derrida muốn vượt lên những khó khăn mà Cơ Cấu luận và Hiện Tượng luận mắc phải. Trong khi nguồn gốc của Kinh Nghiệm được Hiện Tượng luận đặt nặng, nhưng Cơ Cấu luận lại xem nhẹ, thì trái lại vai trò của Cơ Cấu vô thức được Cơ Cấu luận nhấn mạnh, nhưng Hiện Tượng luận lại không bàn đến.
Do đó, Jacques Derrida đã đặt lại vấn đề như sau: Có cần tìm hiểu nguồn gốc của Cơ Cấu hay không ? Và Nguồn Gốc hoặc điểm khởi đầu có cần được “cơ cấu hóa” để có thể trở thành nguồn gốc của “một cái gì” chăng ? Và Nguồn Gốc không thể chỉ có tính thuần nhất mà cần có “cơ cấu” đa phương, tinh vi hơn và “khớp nối” làm sao để với”Biện Chứng”, xuất hiện Thời Gian cùng Thời Tính .
Phương pháp của Derrida nhằm chứng minh rằng tính “Phức Hợp Nguyên Thủy”(originary complexity) vừa nêu trên được thể hiện dưới nhiều dạng thức , với nhiều hệ quả và trong nhiều lãnh vực khác nhau. GIẢI CẤU nhằm một mặt đặt lại vấn đề đối với phần HIỆN NGHĨA với tính “Hệ Thống” của nó cùng với Ngụ ý của tác giả, mặt khác, đọc lại một cách cẩn trọng, thấu đáo nhưng không thiếu tính “sáng tạo” các bản (text) Văn, Triết để với đôi mắt “soi mói” tìm tòi trong đó cái phần ẨN NGHĨA thường đi ngược lại với phần “hiện nghĩa” .
Do đó, GIẢI CẤU không tiên thiên gán cho bản Văn, Triết một thực chất hay một giá trị nội tại nào cả, mà chỉ nhận xét là có sự Khác Biệt (như giữa Trắng Và Đen) trong tiến trình giải nghĩa bản Văn , Triết. Một hành động GIẢI CẤU được thực hiện mỗi khi bản chất sâu xa hơn được phát hiện nhằm thay thế một hình thức “hời hợt” của bản Văn, Triết nêu trên.
Và theo Derrida, tiến trình GIẢI CẤU được tiếp tục với phần ẨN NGHĨA sẽ được “hiển lộ” từ từ mặc dầu chính hành trình “hiển lộ” đó sẽ không bao giờ đạt đích điểm. Vì không có tính bất biến và cố định nên Ý Nghĩa của bản Văn, Triết cứ được triển hạn “dài dài” (deferral) không những đối với những mối liên hệ giữa các yếu tố trong và ngoài bản Văn, Triết, mà còn đối với liên bản (intertext) nối kết các bản Văn, Triết vơi nhau. Và các diễn tiến xảy ra thông thường ngoài tầm ý thức của chính tác giả. (58)

2) GIẢI CẤU VỚI MARTIN HEIDEGER

Ảnh hưởng của Jacques Derrida  không chỉ giới hạn ở lãnh vực Phê Bình Văn Học vì ông viết nhiều thể loại và nhất là xưất thân từ lãnh vực Triết Học. Ngoài ra, Triết Thuyết của Martin Heidegger cũng đã ảnh hưởng rất lớn đối với Tư Tưởng của Derrida như ông này đã từng “thú nhận”.
Chẳng hạn cụm từ “Deferral” mà Derrida xử dụng trong Phê Bình Văn Học, có lẽ bắt nguồn từ quan niệm của Heidegger về Thời Gian như một “triển hạn” (en sursis) có tính chất mãi mãi dang dở của cuộc sống. Và nhất là, Heidegger có lẽ là người đầu tiên dùng danh xưng GIẢI CẤU trong đồng văn Tư Tưởng HẬU HIỆN ĐẠI.
Cụm từ Đức ngữ ” Destruktion” mà Heidegger xử dụng có hai nghĩa : nghĩa thứ nhất là GIẢI CẤU (deconstruction) và nghĩa thứ hai là PHÁ HỦY (destruction). Và Heiddeger đã áp dụng cả hai ý nghĩa vào việc xét lại lịch sử nền Siêu Hình Học Tây Phương.
Việc GIẢI CẤU (Destruktion) được Heidegger thực hiện bằng một phương pháp độc đáo: đó là một thứ Ngôn Ngữ học do ông sáng chế lấy để tìm cho ra ý nghĩa Uyên Nguyên khi vừa mới xuất từ miệng các nhà Hiền Triết Hy Lạp. Nhà phê bình Beaufret gọi Triết Lý của Heidegger là “Triết Học Gia Phả” (= philosophie généalogique), nghĩa là tìm theo ngọn về ngành qua cành xuống gốc, đến cội rồi Căn Để: từ những câu những chữ bị hiểu trệch nghĩa đã từ hơn hai ngàn năm, Heidegger cố lần cho ra ý nghĩa đầu tiên.
Và sau đây là điểm Then Chốt của công trình GIẢI CẤU (Deconstruction) của Heidegger. Ông cho rằng Nền Móng Siêu Hình CỔ ĐIỂN đã sai lạc vì hiểu chữ TÍNH THỂ thấp hẳn xuống một độ, tức là độ Hiện Tượng của Sự Vật thường nghiệm. Do đó, thay vì ÊTRE (Sein) hiểu là Tính Thể U Linh, thì triết học Cổ Điển làm đốc ra nghĩa HỮU THỂ là một thứ Vật Thể. “Être” đâm ra “Étantité” hay là “Ensemble des Étants” : TÍNH THỂ trong cõi Siêu Hình đốc ra Hữu Thể trong cõi Hiện Thể hữu hình hay ít ra hữu giác. Theo Heidegger, Triết học Cổ Điển HỎNG từ trong Cơ Cấu là tại đó và Heidegger quen gọi là Triết Học thiếu GRUND (tiếng Đức là “Nền Tảng”) cho nên nghĩa vụ của Triết Gia Hiện Đại là phải PHÁ HỦY (Destruction) toàn bộ Triết Học CỔ ĐIỂN, là phải nắm lấy tay Triết Học lôi cổ ra cái “Siêu Hình” sặc mùi Vật Thể đó. Vì nếu không làm được như thế thì mọi ý niệm đều hỏng từ nền.
Con Người thí dụ lẽ ra phải TẠI-THẾ (Da-SEIN) phải là Mục Đồng coi giữa TÍNH THỂ hay nói theo Đông Phương lẽ ra phải là “Con TRỜI” hay là “THIÊN Dân” thì chỉ còn là “Dân” mất “THIÊN”, chỉ là “Con” nhưng không phải “của TRỜI” mà là thứ con lạc loài, không nơi cư trú, lang thang không chốn không nhà , không TÍNH THỂ chỉ có ‘Da” mà không có “SEIN” Siêu Linh thuộc TÍNH THỂ. Người đốc ra một giống ngợm, đi “cà nhắc” từ đợt Căn Cơ!(59)

3) GIẢI CẤU VÀ NÃO BỘ HỌC

Heidegger đã GIẢI CẤU về mặt Triết Học, Derrida đã làm công việc tương tự về mặt Văn Học, có lẽ đến phiên chúng ta tiếp tục họ về vài mặt khác như với các khám phá mới nhất về Thần Kinh Não Bộ học chăng ?
Theo lý thuyết mới nhất trong Não Bộ học mà có lẽ người có công lớn nhất là Ts Roger Sperry đã được giải thưởng NOBEL (1981) về công trình của ông trong lãnh vực này, thì hai bán cầu não của con người có những chức năng hoàn toàn khác nhau. Bán cầu bên phải phối hợp cảm xúc, ghi nhận hình ảnh và thưởng thức âm nhạc cũng như tiếp cận với miền Tiềm Thức, Vô Thức. Bán cầu bên trái, ngược lại, nhận thức thế giới qua lời nói, một hình thức biểu tượng hóa. Nó dùng lời nói để khu biệt, phân tích và mổ xẻ thế giới thành từng mảnh, từng đối tượng và từng phạm trù.
Hệ quả của các khám phá trên là bán cầu bên trái của não bộ tùy thuộc vào sự phát triển của lối lý luận tuyến tính hay “đường thẳng” (linear), trái hẳn với lối suy nghĩ tổng quát (holistic thinking) của bán cầu bên phải.
Một điều cần biết là giữa hai bán cầu bên PHẢI và TRÁI, có một cầu nối GIỮA gồm những sợi thần kinh gọi là “corpus callosum” với nhiệm vụ giúp hai phần não bộ liên lạc được với nhau để bán cầu này biết bán cầu kia đang làm gì.(60)

Tính BẨM SINH như trường hợp người PHỤ NỮ, hoặc sự LUYỆN TẬP như các phương pháp Yoga, Thiền.. chuyến chú vào vùng “corpus callosum”, còn gọi là HUỆ NHÃN có thể giúp phối hợp nhịp nhàng hai phần phải, trái của bộ não, mà kết quả đạt được là trực giác trở nên bén nhạy hơn, giúp có cái nhìn tổng thể, mở rộng ra ngoại giới cũng như vào thế giới nội tâm .
Dựa trên các khám phá nêu trên, Bs Leonard Shlain đã đưa ra một giả thuyết về mối liên hệ giữa sự xuất hiện của VĂN TỰ với việc “Đổi Giống” của các Thần từ NỮ sang NAM trong Lịch Sử, kéo theo tiến trình chuyển đổi xã hội từ MẪU HỆ sang PHỤ HỆ.
Trước khi Chữ Viết xuất hiện , người nguyên thủy đã dùng HÌNH VẼ để thông tin, mà Hình Vẽ gắn liền với bán cầu bên PHẢI, với NỮ TÍNH. Điều trên theo ông, giải thích sự kiện là tục thờ NỮ THẦN, các giá trị mang Nữ Tính và uy quyền của người Phụ Nữ đã nảy nở tương ứng với sự tràn ngập của các HÌNH ẢNH ở thời NGUYÊN THỦY.
Trái lại, theo ông, NAM TÍNH đã trở thành một đặc trưng của xã hội kể từ ngày một phần đông dân số học đọc và học viết . CHỮ VIẾT vốn đi đôi với tư duy PHÂN TÍCH lại gắn liền với bán cầu bên TRÁI của não bộ.
Và Bs Leonard Shlain cũng có nhận xét là trong thời đại hiện nay, với các tiến bộ vượt bực về Kỹ Thuật TẠO HÌNH (nhiếp ảnh, phim, truyền hình, máy điện toán), Văn Hóa Nhân Loại đang chuyển TỪ GIẤY VIẾT QUA MÀN ẢNH. Sự kiện này, theo ông, đang giúp ĐIỀU CHỈNH hướng đi của Văn Hóa Thế Giới qua việc CÂN BẰNG hai bán cầu PHẢI và TRÁI của con người. (61)
Các khám phá mới mẻ trên đây về mặt NÃO BỘ giúp xác nhận sự đúng đắn của công việc GIẢI CẤU những Sai Lầm, Ngộ Nhận mà những người như Heidegger, Derrida.. đã tìm thấy trong Văn Hóa Tây Phương ở các khía cạnh khác. Thật vậy, những hệ thống Triết Học đồ sộ của Plato, Aristotle, Hegel..đã một thời làm “khiếp vía” lớp Trí Thức “đàn anh” của chúng ta, cuối cùng xuất hiện như những “lâu đài xây trên bãi cát”, bị chính những Đại Triết Gia của họ như Heidegger “phán” cho là thiếu GRUND (Căn Cơ),  nên trở thành DUY NGÔN (Logocentric), tức Một Chiều, thiếu “biện chứng” từ HỮU NGÔN tới VÔ NGÔN. “Duy Ngôn”, “Duy Lời”(Logocentrism)  theo Jacques Derrida , có thể tóm tắt toàn bộ Triết CỔ ĐIỂN Tây Phương bắt nguồn từ truyền thống Văn Hóa La Hy-Do Thái. Hệ quả của tình trạng trên, cũng theo Derrida, là Văn Hóa Tây Phương còn mang theo  tính “Duy Dương” (phallocratic), Phụ Hệ, “Trọng NAM”…vvv..
Do đó, công trình GIẢI CẤU về mặt Triết Học với Heidegger, về mặt Văn Bản và Ngôn Ngữ với Derrida, kèm theo các kết luận rất tương tự với nội dung các khám phá khoa học mới đây về mối liên hệ mật thiết giữa Bộ Não với Nam Tính và Nữ Tính có thể giúp chúng ta GIẢI CẤU Văn Hóa Tây Phương về mặt NÃO BỘ HỌC, tức về khía cạnh XỬ DỤNG BỘ NÃO của người TÂY PHƯƠNG.
Việc Heidegger gọi Triết Cổ Điển thiếu “Grund” (căn cơ), ở chỗ khác “đánh mất nét gấp đôi” có lẽ cuối cùng bắt nguồn từ sự kiện là các Triết Gia Cổ Điển CHỈ biết  xử dụng một phần Bộ Não mà thôi, NÃO TRÁI! Với sự kiện là một mặt về khía cạnh Bẩm Sinh, người NAM thường có từ 10 đến 30%  số lượng dây thần kinh ít hơn phụ nữ ở phần cầu nối (corpus callosum) giữa hai bán cầu não, khiến phần cầu nối nhỏ hơn cũng như bán cầu não Phải của người  đàn ông tương đối bị cô lập, (62)mặt khác Văn Hóa Tây Phương lại không chú trọng đến việc “tài bồi” vùng “corpus callosum” để “bù đắp” vào khiếm khuyết “bẩm sinh” trên của Nam Giới cũng như cân bằng hóa việc xử dụng hai phần bán não, đưa tới những hậu quả tiêu cực mà Heidegger và Derrida đã phân tích ở trên. Tóm lại, công việc GIẢI CẤU về mặt Não Bộ Học cho thấy là các Triết Gia CỔ ĐIỂN Tây Phương đã SAI LẦM trong cách XỬ DỤNG BỘ NÃO bằng cách QUÁ nhấn mạnh đến phần NÃO TRÁI đi đôi với TRIẾT HỌC, với LÝ LUẬN, với NAM TÍNH mà xao lãng phần Não Phải gắn liền với Minh Triết, với Trực Giác, với Nữ Tính!!!

4) GIẢI CẤU VÀ CÁC HIỀN TRIẾT ĐÔNG PHƯƠNG

Trái lại, nền Đạo Học  Đông Phương nói chung nhờ nhấn mạnh đến việc “tài bồi” phần cầu nối (corpus callosum) giữa hai bán cầu não còn được gọi là “Huệ Nhãn”, bằng những phương pháp tu luyện như Yoga, Thiền…đã đi cùng chiều hướng với Khoa Học và Triết Học ngày nay.
Riêng chủ trương Ý-TÌNH- CHÍ của VIỆT NHO có vẻ rất thích hợp với các khám phá của khoa Thần Kinh Não Bộ Học. Thật vậy, Ý là phần vụ của não TRÁI chuyên về Phân Tích, Lý Luận,  TÌNH trái lại là phần vụ của não PHẢI thiên về Cảm Xúc, Tình Cảm.. gắn liền với miền Tiềm Thức, Vô Thức . Còn CHÍ là phần vụ của vùng “Corpus Callosum” nằm giữa nhằm ĐIỀU HỢP hai phần não bộ, mà não TRÁI chuyên về Ý và não PHẢI thì chuyên về TÌNH. Do đó, CHÍ nằm ở vùng “corpus callosum” còn được gọi là “Huệ Nhãn”phải chăng là địa hạt của MINH TRIẾT?
Bàn về Minh Triết có nghĩa là đề cập đến một nền Triết Lý HAI CHIỀU kích, là giả định một loại “Biện Chứng” từ HỮU tới VÔ, mà trên phương diện NGÔN NGỮ là “Hành Trình” đi từ HỮU NGÔN tới VÔ NGÔN.

Có lẽ không có gì HÀM HỒ, Phức Tạp, Mâu Thuẫn hơn các VẤN ĐỀ mà NGÔN NGỮ đặt ra cho Con Người ! Chúng ta thường nghe câu “SỐNG là Sống VỚI” vì  con người đơn độc không thể nào sống còn mà không có Tha Nhân, Xã Hội. Mà NGÔN NGỮ chính là Nền Tảng của đời sống XÃ HỘI, là phương tiện không thể thiếu để truyền đạt đến THA NHÂN. Nhờ Ngôn Ngữ mà con người THOÁT được “thân phận” THÚ VẬT, tình trạng “Dã Man” nguyên thủy để tiến lên đợt VĂN MINH  Tiến Bộ! Nhờ Ngôn Ngữ mà con người một mặt “sáng tác”  biết bao Hệ Thống Triết Học, Tác Phẩm Văn Chương, Văn Học, Văn Nghệ…vvv..cho mục tiêu VĂN HÓA, mặt khác, “sản sinh” bao nhiêu Lý Thuyết Khoa Học, xây đắp biết bao Công Trình Kỹ Thuật…vvv..nhằm cải thiện cuộc sống VẬT CHẤT của mình. Nhưng có lẽ trên hết , điều quý giá nhất của NGÔN NGỮ là có thể giúp con người đạt được sự CẢM THÔNG với THA NHÂN, Xã Hội! Và đó là khía cạnh TÍCH CỰC của Ngôn Ngữ và ở đây ta có thể thốt lên câu: ÔI NGÔN NGỮ, TA YÊU MI !!!

Tuy nhiên, như đã nói, không có gì HÀM HỒ bằng Ngôn Ngữ mà khía cạnh TIÊU CỰC của Ngôn Ngữ có lẽ bắt nguồn phần lớn từ tính Hàm Hồ nêu trên. Thật vậy, cũng chính NGÔN NGỮ làm”tan vỡ” biết bao cặp Tình Nhân, làm “đổ vỡ” bao nhiêu cặp Vợ Chồng, làm “tan nát” biết bao mái Gia Đình, gây ngộ nhận, hiểu lầm giữa bao nhiêu mối Nhân Luân, gây chiến tranh, thù hận giữa biết bao Quốc Gia, Dân Tộc, gây KHỔ LỤY, ĐAU THƯƠNG trong lòng bao nhiều Đoàn Thể, Xã Hội! ÔI NGÔN NGỮ, TA THÙ MI !!!

Tính NGHỊCH LÝ đó của Ngôn Ngữ có lẽ được tóm tắt bằng câu phát ngôn sau đây của một Thiền Sư : “Không nói cũng kẹt, mà nói cũng kẹt”. Phải chăng đó cũng chính là Thân Phận của con người ? Tuy nhiên, Giải Pháp cũng có thể bắt đầu “hé mở” nếu ta ý thức được rằng, như Cố Triết Gia KIM ĐỊNH thường nhấn mạnh ” Con Người là Vật LƯỠNG THÊ”, do đó, sống trong một vũ trụ với HAI CHIỀU kích : chiều kích Vật Chất, Hữu Hình, Lý Trí lẫn chiều kích Tinh Thần, Vô Hình, Tâm Linh. Mà hai thế giới này lại được điều lý với hai loại Luật Tắc NGƯỢC CHIỀU nhau!
KHÔNG NÓI CŨNG KẸT: thật vậy, SỐNG không thể KHÔNG NÓI : NÓI để mà học hành, xây dựng tương lai, để có một nghề mưu sinh, lập gia đình, hoạt động trong xã hội, sinh hoạt văn hóa…vvv…Tuy nhiên, trong đời ít nhất một lần, sau những giây phút “lắng đọng”, ta sẽ tự hỏi : “tất cả cái đó để làm chi ? ” tức về CÙNG ĐÍCH của Cuộc Sống.

Lúc đó có lẽ ta sẽ hiểu hơn sự Cô Đơn của Nietzsche khi trước hơn ai hết, ông đã cảm nhận được tình trạng HƯ VÔ đang lan tràn trên nền Văn Minh HIỆN ĐẠI của chúng ta! Thật vậy, các giải đáp của các Tôn Giáo cổ truyền không còn “thỏa mãn”  nhu cầu Siêu Linh của con người ngày nay nữa, trong khi đó Khoa Học lại không có câu giải đáp cho vấn đề Cứu Cánh của đời người!

Giải pháp nào đây ? Hay chúng ta theo chân Jean-Francois Lyotard đi GIẢI CẤU tất các “Đại Tự Sự” (Grand-Narrative), các “Siêu Tự Sự” (Meta-Narrative) của trào lưu HIỆN ĐẠI chăng? Nhưng hình như phe chống đối đã bắt đầu thấy “kẽ hở” trong quan điểm của Lyotard rồi. Họ lập luận như sau: Lyotard giả định là “Con người hôm nay có thái độ Bi Quan, Ngờ Vực đối với các Đại Tự Sự” (vì những lý do đã đề cập ở trên). Nhưng theo họ, câu tuyên bố trên của Lyotard với những lý giải kèm theo cũng chính là một “Đại Tự Sự”! Nghĩa là theo họ, Lyotard “chống lý thuyết”, nhưng lại dùng những “dụng cụ” của lý thuyết để tự biện minh. Do đó, theo họ, Lyotard “Tự Mâu Thuẫn”! Đúng là NÓI CŨNG KẸT !
Tóm lại, ta có thể bắt đầu chương trình GIẢI CẤU đối với nội dung của thế giới Ngôn Ngữ. Tuy nhiên, với CHỈ BẰNG NGÔN NGỮ, ta KHÔNG thể thực hiện một CÚ NHẢY “Rốt Ráo”, một cuộc Giải Cấu TOÀN TRIỆT đối với chính Thế Giới NGÔN NGỮ !!! Lý do là ta không thêå nhảy qua CÁI BÓNG của ta !

a) KINH NGHIỆM CỦA PHẬT TỔ

Có lẽ đến lúc chúng ta phải trở lại học hỏi Kinh Nghiệm của các nhà Hiền Triết Đông Phương. PHẬT TỔ xuất thân là Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhârtha) sống vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Dưới áp lực của gia đình, Thái Tử lấy vợ và có con giống như mọi người, nhưng với bản tính Hướng Nội, nên hay thắc mắc về Ý Nghĩa của cuộc đời. Nhân bốn lượt dạo chơi ra bốn cửa thành của vương quốc, Thái Tử khám phá ra Nguyên Nhân của Đau Khổ: Sanh, Bệnh, Lão, Tử và cuối cùng quyết chí từ bỏ gia đình ra đi tìm Chân Lý.
Thái Tử tỏ ra thất vọng về hai vị Đại Sư đã gặp trên đường tầm Đạo, nên Ông từ giã hai vị Thầy này. Kế đến, Ông thử Tu theo lối “ép xác, “khổ hạnh” nhưng vì kết quả quá tệ hại, nên trở lại ăn uống bình thường.
Sau khi nghiền ngẫm về cái cảnh Vô Thường của Sống Chết, sự Đau Khổ của loài người, một đêm, trong khi đang ngồi dưới cây Bồ Đề, Ông đã hốt nhiên CHỨNG NGỘ.(62)

KHÔNG NÓI CŨNG KẸT: Chứng Ngộ rồi Phật Tổ lại cảm thấy do dự không rõ có nên đi truyền bá Chứng Nghiệm ấy cho người khác trong thiên hạ không ? Nhưng sau khi suy nghĩ và  ý thức được rằng trừ bậc Chí Thánh hay kẻ Chí Ngu có lẽ không cần đến , thì bậc Trung Bình trong xã hội cũng có thể “khai quan điểm nhãn” được nên cuối cùng Phật Tổ đã quyết định ra đi Truyền Bá.
Truyền Bá tức là dùng NGÔN NGỮ để Thuyết Pháp trước tiên với năm người đệ tử đã cùng Phật “Tu khổ hạnh” trước kia với đề tài là TỨ DIỆU ĐẾ nhắm vào việc tìm ra Nguyên Nhân và cách DIỆT KHỔ, hầu dẫn đến GIẢI THOÁT với BÁT CHÁNH ĐẠO. Ngoài ra, Phật Tổ còn thuyết pháp về THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN là mười hai nguyên nhân tương thuộc đã gây ra nghiệp Luân Hồi.(63)
Nhưng Truyền Bá không chỉ dùng Ngôn Ngữ để Thuyết Pháp cho đệ tử và quần chúng mà còn phải TRANH LUẬN với sáu Học Phái Triết Học lớn của Ấn Độ thời đó gọi là “Lục Phái Ngoại Đạo”, cũng như đối phó với “Nội Thù”ø là Devadatta, người em họ, tìm cách  hãm hại tính mạng cũng như “bôi xấu” thanh danh của Phật.

Sau suốt gần nửa thế kỷ đi giảng Chân Lý VÔ NGÃ cho quần chúng, có lẽ Phật Tổ cuối cùng cảm thấy Ngôn Ngữ trong thế giới Nhị Nguyên không làm sao diễn tả nổi những gì Phật chứng nghiệm  về Chân Như, về Vô Ngã, nên mới thốt lên: ” Ta ròng rã bốn mươi chín năm thuyết pháp mà chưa từng nói lới nào”. Đúng là NÓI CŨNG KẸT !
Câu nói trên và nhất là Dư Âm phảng phất sau đó cũng như thái độ IM LẶNG cuối cùng của Phật Tổ có lẽ đã Tự GIẢI CẤU bốn mươi chín năm THUYẾT PHÁP, không hẳn Phủ Định nhưng đặt đúng vị trí công việc TRUYỀN BÁ Giáo Lý trong Toàn Cảnh Cuộc Đời của PHẬT TỔ, của nền Văn Hóa Ấn Độ và của cả Tư Tưởng Nhân Loại.

b) KINH NGHIỆM CỦA KHỔNG TỬ

Nếu Giáo Lý của PHẬT TỔ hướng về GIẢI THOÁT, thì quan niệm Nhân Sinh của KHỔNG TỬ là “SỐNG là Sống VỚI”.
Khổng Tử sinh ra ở nước Lỗ vào khoảng năm 551 trước Công Nguyên, lấy vợ hồi 19 tuổi và có hai con : một trai và một gái. Nổi tiếng Hiếu Học”đi đâu cũng học, vào Thái Miếu, thấy cái gì không hiểu cũng hỏi”. Giai đoạn đời Ông từ 20 tới 30 tuổi không rõ lắm.
Theo truyền thuyết, Ông rời Lỗ qua Tề, Tống, Vệ nhưng không được hậu đãi nên trở về lại Lỗ dạy học. Sau đó một môn sinh xin Vua Lỗ cho phép cùng Khổng Tử qua nước Chu để khảo về Lễ. Từ Chu trở về danh Khổng Tử càng ngày càng tăng, nên học trò càng đông. Năm 30 tuổi, Ông được Tề Cảnh Công mời hỏi về phép Trị Nước, khen ngợi Ông, rồi định phong cho Ông một chức quan, nhưng một số đại phu gièm pha và còn muốn hại Ông nữa. Khổng Tử biết vậy, bỏ về Lỗ và tiếp tục dạy học : số môn sinh lại tăng nhiều.
Năm gần 50 tuổi, Lỗ Định Công mời Ông làm Trung Đố tế, coi ấp Trung Đô, kinh đô của Lỗ. Được một năm, Trung Đô rất có trật tự, kỷ luật từ trên xuống dưới, thành một thị trấn kiểu mẫu. Năm sau Ông được cất nhắc lên chức Tư Không, rồi Đại Tư Khấu. Đồng thời ba môn sinh của Ông là Tử Lộ, Nhiễm Hữu và Tử Du cũng ra làm quan với họ Quý. Ông được phong chức Á Tướng và đạt nhiều thành quả tốt đẹp cho đất nước. Nhưng cuối cùng vì Vua Lỗ trở nên hoang dâm, không lo việc  triều chính nên Ông bỏ ra đi.
Sau đó, Ông rời Lỗ bôn ba qua các nước Vệ năm lần, mấy lần ở Trần, Thái, một lần ở Trịnh, Tống, Tào, Sở. Mười ba năm biết bao vất vả mà không được gì.

KHÔNG NÓI CŨNG KẸT: Khổng Tử sở dĩ chu du đây đó là vì tin Trời giao cho Ông công việc phục hồi Đạo của Chu Công, lập lại trật tự trong thiên hạ. Sáu năm thi hành Đạo ở Lỗ, thấy có kết quả khiến Ông càng tin thêm vào Sứ Mệnh của mình.
Ông là người đầu tiên mở trường Tư cho mọi hạng người :”hữu giáo vô loài” để đào tạo những con người lương thiện có lễ nghĩa, nhất là đào tạo một lớp nhà Nho có Nhân Trí Dũng để ra làm quan giúp nước. Ông cũng là người đầu tiên mở phong trào đi du thuyết khắp các nước để tìm một ông vua biết dùng người.(64)
Ông đã để lại cho hậu thế một Đạo Sống, một nền Triết Lý Chính Trị gọi là Vương Đạo, một phương pháp Giáo Dục ..và đã đào tạo trên hai ngàn năm một lớp Sĩ Phu, những nhà Nho Chân Chính bíết phục vụ cho Nhân Quần, Đất Nước.
Đó là hình ảnh thông thường về Khổng Tử, không kể có người lại gán cho Ông chủ trương “Tam Tòng” của Đổng Trọng Thư hay các câu như “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ khiến tử vong, tử bất vong bất hiếu” của Thái Tử  Phòng Tô, con Tần Thủy Hoàng.
Xã hội phải có trật tự, tôn ti do nhu cầu của chính sự sống còn của nó. Xã hội phải có luân lý, lễ giáo để cho những người mà Cố Thi Sĩ Bùi Giáng gọi là “TRUNG NHÂN DĨ HẠï” có Tiêu Chuẩn để mà y cứ, mà sống. Nhưng khi áp dụng vào đời sống xã hội, thì Khổng Tử  theo đường lối mềm dẻo “nhẹ tay”, tức ưu tiên cho Lễ, Nhạc, Văn, Đức, bất đắc dĩ  mới dùng Hình Pháp, nói theo ngôn từ ngày nay là nhấn mạnh đến “Giáo Hóa” hơn là “Trừng Phạt”.
Nhưng đối với  hạng “TRUNG NHÂN DĨ THƯỢNG” thì vấn đề lại khác! Khổng Tử rất chú trọng đến Dịch Lý, mà Dịch là “Biến” : sự vật luôn luôn thay đổi nên không bao giờ có hai tình thế, hai trạng huống hoàn toàn giống nhau. Hệ quả là hành giả phải cố gắng luyện tâp để có một đầu óc mẫn tiệp hầu có thể thích ứng với sự đổi thay. Lý do là khi áp dụng một Nguyên Lý mà giá trị dẫu có tính Vượt Thời Không đi nữa thì cũng phải lệ thuộc vào các điều kiện Thực Tế “ở đây và bây giờ”. Cho nên kết quả sẽ KHÔNG được được bảo đảm 100%!!! Do đó, theo Dịch Lý người Quân Tử phải học cách “DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN “!

Ở thời đại Khổng Tử, hoặc trước hay sau không lâu, xuất hiện rất nhiều Hiền Nhân. Theo Mạnh Tử, “Bá Di là Thánh chi THANH, để giữa tấm băng tâm thì xuất thế, không chịu nhượng bộ. Y Doãn là Thánh chi NHIỆM nhập thế, để hết toàn thân tâm vào thời cuộc. Liểu Hạ Huệ là Thánh chi HÒA đi tìm hòa bình bằng mọi giá..”(65) Khổng Tử không tự xếp vào phía nào “Ta khác tất cả bọn họ”, Ông kết luận ngắn gọn, bởi vì “chẳng có gì ta có thể, chẳng có gì ta không thể” = “VÔ KHẢ, VÔ BẤT KHẢ”!(66) Có lẽ, bằng câu trên, Khổng Tử đã Tự GIẢI CẤU về những công trình hiện thực của Ông về mặt CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI chăng ?
Mạnh Tử viết tiếp : ” Khổng Tử tổng hợp lại cái hay của ba vị trên: thanh liêm của Bá Di, óc trách nhiệm của Y Doãn, óc ôn hòa của Liểu Hạ Huệ. Đó là những tiếng nhạc lẻ loi được tổng hợp lại thành môt bản hòa âm mà Khổng Tử là người đánh nhịp, tức được xưng là “Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư”, mà tiếng chuông đồng dẫn đầu, còn tiếng ngọc thì kết thúc. Tiếng chuông dẫn đầu là công việc của bậc TRÍ. Tiếng khánh kết thúc là công việc của bậc THÁNH. Trí đến TRÍ TRI. Thành sự đến chỗ CÁCH VẬT”.(67)
Nhờ vậy mà Khổng Tử được đời sau tặïng huy hiệu là THÁNH CHI THỜI. Tuy nhiên, công việc GIẢI CẤU của Khổng Tử có lẽ cũng chưa dừng lại ở đây.
Mặt khác, trước khi bắt đầu công việc Giải Cấu, Martin Heidegger đã “cống hiến” cho chúng ta một lối nhìn độc đáo về Triết Học CỔ ĐIỂN Tây Phương. Francois Jullien cũng giúp chúng ta sau đây môt lối nhìn khác về LỊCH SỬ Triết Học Phương Tây. Ông viết:
” Nhìn từ MINH TRIẾT, TRIẾT HỌC sinh ra từ chính sự thiên vị khởi nguyên ấy, nó đưa ra trước một tư tưởng, sau đó tư tưởng ấy không ngừng được lấy lại, làm cho biến dạng đi, biến đổi đi, từ đó triết học không còn có thể làm gì khác hơn là sửa chữa một quan điểm riêng biệt khác – mỗi nền triết học, như ta biết, lại phủ nhận nền triết học trước đó. Tóm lại, nó không có thể làm gì khác là gấp tư duy của con người theo một cách khác. Nhưng không bao giờ hoàn toàn thoát ra được khỏi sự thiên vị mà nó đã rơi vào lúc khởi đầu – khỏi cái nếp ấy, hay đúng hơn, khỏi cái rãnh ấy, cái tư tưởng đầu tiên được đưa ra. Cho nên, do cái lỗi nguyên lai đó, và để vượt qua cái lỗi ấy, vì nó không thể xoá cái lỗi đó được, nó cứ buộc phải đi tới mãi, phải nghĩ khác mãi: từ đó mà sinh ra lịch sử triết học (nếu triết học có một lịch sử, hay đúng hơn, chính nó LÀ lịch sử ấy).(68)

Trái lại, cũng theo Francois Jullien đang bàn về Khổng Tử , “Bậc MINH TRIẾT thì VÔ Ý bởi ông không giành ưu tiên cho ý nào hết (và do đó chẳng loại bỏ ý nào hết ) và ông tiếp cận thế giới mà không phóng chiếu lên đó một ý niệm được suy tính trước nào cả; do đó ông không thu nhỏ bớt thế giới chút nào bằng cách đưa vào đó quan điểm riêng của mình, mà luôn mở rộng nó cho tất cả các khả năng. Vì ông không đánh giá cao bất cứ điều gì, nên chẳng có cái “cần phải” nào áp đặt được lên ông và quy định trước được hành xử của ông; chẳng có “tất yếu ” nào quy tắc hóa trước được hành xử ấy, dù là những châm ngôn tự mình định cho mình hay những quy tắc do xã hội áp đặt. Ta đặc biệt thấy ông khác với một đồ đệ của ông, người chủ trương có những nguyên tắc, và Khổng Tử không đồng tình với tính không khoan nhượng của người đồ đệ này (Tử Lộ, x.XVII, 5 và 7): giữ một mối quan hệ hoàn toàn mở đối với thế giới, ông có thể theo khít mọi sự khác nhau của nó và thích ứng với từng hoàn cảnh của nó mà chẳng gặp trở ngại nào” (69).
Qua trung gian của nhận định trên đây của Francois Jullien về Tư Tưởng của mình, có lẽ Khổng Tử đã Tự GIẢI CẤU toàn bộ hoạt động Văn Hóa của Ông về mặt TƯ TƯỞNG chăng ?
Nhưng đến đây có lẽ công việc GIẢI CẤU vẫn còn chưa xong nên Khổng Tử tiếp tục cuộc hành trình dang dở. Có một điểm mà nhiều người nhận xét là Ông ít nói đến TÍNH, MỆNH, ĐẠO, VÔ…vvv..Phải chăng như Phật Tổ, Khổng Tử  ý thức được về giới hạn của NGÔN NGỮ ? Sau đây là lời giải thích của Vương Bật về thái độ của Khổng Tử khi ông được một người bạn hỏi “Kìa VÔ thật là căn bản của muôn vật, tại sao Thánh Nhân (tức Khổng Tử) không thích nói đến, mà Lão Tử lại nói đến hoài ?” Vương Bật trả lời : ” Thánh Nhân đồng hóa thể với VÔ, thấy VÔ lại không lấy gì mà giảng giải được, cho nên nói ra là phải nói đến HỮU. Hiện HỮU Lão Trang chưa thoát ra được , nên luôn luôn nói đến chỗ mình thiếu”(70).
Không phải Khổng Tử hoàn toàn không nói, nhưng vì lý do nêu trên, Ông chỉ ít nói về VÔ mà thôi. Nhưng có lẽ vì “Thiểu” QUÝ hơn “Đa”, nên khi Ông có dịp nói ra  thì có hiệu quả của một “Quả Bom”, tức là có khả năng GIẢI CẤU Toàn Triệt tất cả hoạt động trong suốt CUỘC ĐỜI  của mình như khi Khổng Tử thốt lên câu sau đây :
“Dư dục vô ngôn.Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai” (= Ta muốn không nói. Trời có nói đâu, mà bốn mùa vận hành, trăm vật nảy nở. Trời có nói gì đâu.!”  (71)

c) TAI SAO PHẢI GIẢI CẤU ?

Có lẽ đến lúc chúng ta đặt câu hỏi là : tại sao phải Giải Cấu ? Như đã nói, Heidegger là người đã áp dụng đầu tiên phương pháp GIẢI CẤU trong lãnh vực Triết Học. Derrida, chịu ảnh hưởng của Heidegger đã áp dụng phương pháp này vào bộ môn Phê Bình Văn Học. Nơi đây, Giải Cấu thường được hiểu như là một phương pháp phê bình nhằm thẩm định trong chiều hướng “hạ giá” cái khung giả định (assumptions) cũng như thẩm quyền (reference) được dùng làm trụ cốt chống đỡ cho một Văn Bản.
Để cho dễ hiểu, ta thử lấy một thí dụ tương tự trong đời sống thực tế. Thử tưởng tượng ta là một chuyên viên địa ốc được một khách hàng thuê để thẩm định giá trị các ngôi nhà mà người này để ý tới, trong mục tiêu mua một căn nhà thích hợp. Để bảo vệ quyền lợi của thân chủ, ta phải áp dụng một cái nhìn “soi mói” đối với các căn nhà nêu trên nhằm phát hiện những khiếm khuyết (nếu có) hầu có thể thẩm định đúng giá trị của căn nhà hầu giúp thân chủ ta có đủ dữ kiện để quyết định một cách đúng đắn.

Có mấy trường hợp sau đây:
–    Mặc dầu căn nhà được quảng cáo là tiện nghi, tân tiến, hiện đại. nhưng khi kiểm tra lại thì thấy bị HỎNG từ NỀN MÓNG nên quyết định :  hoặc không mua, hoặc nếu mua thì  PHÁ HỦY để xây lại một căn nhà mới.
–    MÓNG nhà vẫn còn TỐT, nhưng nhà hơi cũ kỹ, cần sửa chữa, sơn phết lại cho hợp vơí thời buổi.
Phương pháp GIẢI CẤU đã được áp dụng đối với các trường phái của trào lưu HIỆN ĐẠI như “Biện Chứng Pháp” Duy Tâm của Hegel và Duy Vật của Marx. Cả hai đều được quảng cáo là Cấp Tiến, Hiện Đại…nhưng khi kiểm tra lại thì thuyết của HEGEL “kết thúc” với một quan niệm chính trị đã LỖI THỜI qua việc “tôn thờ”ø Nhà Nước, “hy sinh” Cá Nhân, tức MỘT CHIỀU chứ không có “Biện Chứng” gì ráo như được quảng cáo, tuyên truyền !

Thuyết của  MARX cũng tượng tự : quảng cáo thì “khoa học”, “biện chứng”, “giải phóng”, “hiện đại”..vvv..nhưng rút cuộc thì LẠC HẬU, PHẢN KHOA HỌC, PHẢN ĐỘNG, MỘT CHIỀU .vvv hơn ai hết! Lại CHẾT NGƯỜI nữa: Mấy Trăm Triệu Sinh Linh! Thật HÃI HÙNG !!!
GIẢI CẤU cũng đã được áp dụng đối với TRIẾT CỔ ĐIỂN Tây Phương mà dưới ánh sáng của các khám phá mới nhất của khoa Não Bộ Học, bao nhiêu Hệ Thống Triết Học mới thoạt nhìn, có vẻ lớn lao, đồ sộ cuối cùng về mặt Lý Luận chỉ “quanh quẩn” trong phần bán cầu não TRÁI, nên đánh mất THỰC TẠI chỉ đạt được khi kết hợp “nhuần nhuyễn” hai phần não PHẢI và TRÁI qua trung gian của “Cầu Nối” (corpus callosum) còn có tên là “Huệ Nhãn”.

Cả ba căn nhà trên HEGEL, MARX, TRIẾT CỔ ĐIỂN đều HỎNG từ NỀN MÓNG nên cần phải PHÁ đi để XÂY LẠI!
Chúng ta cũng đã GIẢI CẤU Văn Hóa ĐÔNG PHƯƠNG qua hai Học Thuyết của PHẬT TỔ và KHỔNG TỬ. Kết quả : MÓNG nhà vẫn còn TỐT và đó là điều chính yếu, nhưng có thể nhà hơi cũ kỹ, cần sửa chữa, sơn phết lại cho hợp vơí thời buổi.
Tóm lại, GIẢI CẤU đối với Văn Hóa Đông Phương có nghĩa là Thẩm Định Đúng cho công việc Sửa Chữa, Tu Bổ. Còn đối với Văn Hóa Tây Phương, GIẢI CẤU còn bao gồm ý nghĩa  PHÁ HỦY (Destruction) để làm lại từ đầu!
Đó là lý do khiến vị Triết Gia lớn nhất của Tây Phương Cận Đại là HEIDEGGER sau khi GIẢI CẤU toàn bộ Triết CỔ ĐIỂN Tây Phương, đã đề nghị một cuôc SONG THOẠI với Văn  Hóa ĐÔNG PHƯƠNG !

Còn một lý do khác có tính cách TỐI HẬU của nhu cầu GIẢI CẤU là nếu CHỈ nhìn từ phía TIỂU NGÃ thì  Cuộc Đời có thể xuất hiện dưới khí cạnh “Nghiêm Trang, Nghiêm Nghị, Nghiêm Trọng”, nhưng nếu nhìn thêm từ phía ĐẠI NGÃ, thì cái nhìn có thể rất khác. Ta thường nghe câu “Hóa Nhi Đa Hí Lộng”: tức có người ví Tạo Hóa như đứa Trẻ Nít chỉ thích vui chơi, đùa giỡn. Do đó, nhìn từ phía Tạo Hóa, cuộc đời có thể được xem như là một “Trò Chơi” , một “Ván Cờ”. Do đó, nhà Phân Tâm học Carl Jung gọi Cuộc Đời là một “Trò Chơi Nghiêm Nghị” ( = un “jeu sérieux” hay a “serious game”).(72). Thật vậy, nếu đứng từ phía Đại Ngã, Tạo Hóa,  Cuộc Đời có thể xuất hiện như  một TRÒ CHƠI, nhưng nếu đứng thêm từ phía TIỂU NGÃ thì không phải bất cứ “Trò Chơi” mang bất cứ tính chất nào, mà là một “Trò Chơi” NGHIÊM NGHỊ vì có kèm theo MÁU và NƯỚC MẮT! Nếu quả là một “Trò Chơi” hay một “Ván Cờ” thì GIẢI CẤU có nghĩa là  giúp tháo gở và đem dẹp “Trò Chơi” hay “Ván Cờ” đó khi đương sự đã chơi xong, hầu đặt Cuộc Đời đúng vị trí của nó trong Tiến Trình VÔ TẬN của Vũ Trụ, Vạn Vật, Con Người !

D) HẬU HIỆN ĐẠI TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN

1) HẬU HIỆN ĐẠI VÀ TƯ TƯỞNG THỐNG HỢP

Sau khi GIẢI CẤU xong là đến lúc XÂY DỰNG lại, và cho mục tiêu nêu trên, ta cần một phương pháp Tư Tưởng mới mẻ như phương pháp sau đây của phong trào HẬU HIỆN ĐẠI. Đó là Tư Tưởng THỐNG HỢP (Systems Thinking), mà theo lý thuyết gia Khoa Học Fritjof Capra, bắt nguồn từ trường phái Sinh Vật học Hữu Cơ (Organismic Biology). Và theo Khoa Học gia Joseph Needham, nếu Sinh Vật học Hữu Cơ mới xuất hiện ở Tây Phương ở thượng bán thế kỷ XX, thì trái lại đã hiện hữu lâu đời ở Viễn Đông.
Tư Tưởng THỐNG HỢP ra đời nhằm thay thế Phương Pháp PHÂN TÍCH (Analytical Method) của  Descartes  vốn gắn liền với trào lưu HIỆN ĐẠI.
Tính chất DUY LÝ của nền Triết Học TÂY PHƯƠNG bắt nguồn từ Socrates, Plato, Aristotle, tới Descartes thì còn “lún sâu” thêm một độ. Vũ trụ quan của Descartes đặt nền móng trên sự phân chia Thế giới ra làm hai Thực thể độc lập và riêng biệt: thực tại Tinh thần (hiểu là Lý trí) và thực tại Vật chất. Thế giới Vật chất, bao gồm cả Sinh vật, theo Descartes là môt “cái Máy” (Machine) mà con người có thể hiểu được một cách trọn vẹn, bằng Phương Pháp PHÂN TÍCH (Analytical Method) nhằm “chẻ nhỏ” ra từng phần nhỏ nhất.

Trái lại, Tư Tưởng THỐNG HỢP (Systems Thinking) lại bao gồm những ý niệm như mối Tương quan (Relationship), Liên hệ (Connectedness), Khung cảnh (Context). Theo lối nhìn THỐNG HỢP, những Đặc tính Thiết yếu của một Sinh vật là những Đặc tính của Toàn thể (Whole) mà mỗi từng Phần (Parts) không có, lý do là vì chính những TÁC ĐỘNG và Tương Quan HỖ TƯƠNG (Interactions and Relationships) giữa các “từng Phần” (Parts) làm nảy sinh các Đặc Tính THIẾT YẾU mới mẻ này. Các Đặc tính mới phát sinh này sẽ bị HỦY DIỆT, nếu “Hệ thống” bị PHÂN TÍCH , “mổ xẻ” thành từng phần RIÊNG BIỆT trên bình diện Lý thuyết lẫn Thực nghiệm. Lý do là “Tính Chất của TOÀN THỂ luôn luôn KHÁC với sự CỘNG LẠI của TỪNG PHẦN.”.(73)

Tóm lại, Tư Tưởng THỐNG HỢP khác với Phương Pháp PHÂN TÍCH cũng tương tự sự Khác Biệt giữa Tư Tưởng HẬU HIỆN ĐẠI với HIỆN ĐẠI vậy!

2)  HẬU HIỆN ĐẠI VÀ PHƯƠNG PHÁP TỔNG QUAN

Thật ra, các KẾT LUẬN của hai lý thuyết MỚI MẺ vừa nêu trên đã được Cố Triết Gia KIM ĐỊNH rút tỉa ra cách đây khoảng ít nhất 40 năm từ Phương Pháp TỔNG QUAN. Do đó có thể nói là phương pháp TỔNG QUAN, một phát kiến của Cố Triết Gia giống như Tư Tưởng THỐNG HỢP cũng gắn liền với trào lưu HẬU HIỆN ĐẠI.

Ông viết:” Chính ở đây chúng ta chạm vấn đề quan trọng nhưng xưa rày chưa có một Triết gia nào đề cập: Đó là phương pháp TỔNG QUAN khác biệt với đường lối XÁC ĐỊNH. Triết gia thành công hay thất bại là do dùng lối Tổng Quan hay Xác định. Vì phương pháp này liên hệ đến vận mạng của Triết Lý nên cần chúng ta nghiên cứu kỹ. Phương pháp TỔNG QUAN là học về TOÀN THỂ, còn XÁC ĐỊNH là học về TỪNG PHẦN.

Trước hết để nhận chân thế nào là TỔNG QUAN, thì cần phân biệt với ĐẠI KHÁI TỔNG LƯỢT (Global). ĐẠI KHÁI chỉ là lối nhìn một vật hay một hoàn cảnh cách SƠ SÀI, PHIẾN DIỆN, để có ý niệm KHÁI QUÁT, thí dụ nhìn chung cái Radio. Sau đó là cái nhìn Phân Tích XÁC ĐỊNH từng phần của máy, mỗi phần liên hệ với nhau sao..Lối nhìn Phân Tích XÁC ĐỊNH này cũng y như lối nhìn KHÁI QUÁT vừa nói trên chỉ hợp cho bình diện HIỆN TƯỢNG, tức là Khoa Học THỰC NGHIỆM, KHÔNG THỂ ĐEM VÀO TRIẾT ĐƯỢC. Đây là căn bản tối hệ.

Ở TRIẾT phải dùng lối Tổng Quan PHỔ BIẾN không hướng vào từng sự vật lẻ tẻ, nhưng hướng tới TOÀN THỂ vạn vật, toàn thể vũ trụ, nhưng vì mắt người không bao quát nổi vũ trụ vô biên, nên phải “nhìn” theo cái cực nhỏ tế vi đến độ không còn chiếm không gian và thời gian nữa và vì thế Triết ĐÔNG kêu là TÂM, cũng có khi kêu là HUỆ NHÃN hay TÂM NHÃN. Tất cả đều chỉ cái ĐIỂM Phi-Thời-Gian cũng là Phi-Không-Gian, ta hãy gọi nó là điểm Tụ Hợp hay là THÁI NHẤT tức là cái NHẤT Siêu Hình, chứ không phải là cái Nhất Toán Học. Còn toàn thể vạn vật thì kể là chu vi rộng nhất được tượng bằng số 9: tất cả các sự vật lẻ tẻ đều nằm ở khoảng giữa 1 và 9  và bị đổ khuôn theo cái nhìn chung đó không có vật nào lọt ra khỏi được.

Đó là môt lối Cụ Thể hóa mối Tương Quan NỀN MÓNG giữa cái “nhìn” của con người với vạn vật. Bởi vì Triết lý không được nhìn sự vật riêng lẻ như nó hiện hình ra trước giác quan ta, đó là cái nhìn không thật gọi là HIỆN TƯỢNG dành cho Lương Tri và Khoa Học. Còn cái nhìn của Triết Lý là SIÊU LINH theo nghĩa VÔ HÌNH nên nó khuôn theo và đổi thay cùng với sự mở ra của TÂM THỨC. Khi Tâm Thức đã mở đến cực độ, thì cái nhìn cũng đạt cực độ không thể đi xa hơn, nên cũng trở thành “chân xác”.

Sở dĩ cái nhìn của KINH DỊCH vẫn giữ được giá trị là đã biết đưa tới 1 và 9 hay nói khác đã đạt tới cái Cực Nhỏ cũng như cái Cực Lớn gọi chung là Thái Cực. THÁI CỰC có hai đầu, một là CỰC NHỎ đến độ không gì có thể ở lại bên trong, dù tế vi như thanh sắc, nên gọi là “vô thanh, vô xú, vô ảnh, vô hình”; nhưng đầu kia lại CỰC LỚN đến độ không vật nào có thể ở ngoài, nhưng tất cả ở trong như những phần của NHẤT THỂ, của Đại Vũ Trụ.(74)

Tóm lại, vì Triết Lý AN VI là một BIỆN CHỨNG giữa Hữu Vi và Vô Vi nên tự thân đã bao gồm một Tiến Trình TỰ GIẢI CẤU. Ngoài ra, Phương Pháp mà Cố Triết Gia KIM ĐỊNH đã đề nghị ít nhất 40 năm trước đây, là Tiền Thân của Tư Tưởng THỐNG HỢP (Systems Thinking) mới phát triển trong vài thập niên gần đây, do đó Phương Pháp TỔNG QUAN của Cố Triết Gia đã đóng vai trò  TIÊN PHONG trong trào lưu HẬU HIỆN ĐẠI.

3)  HẬU HIỆN ĐẠI VỚI PHÂN TÂM HỌC CỦA JUNG

Trước khi tạm kết thúc  một “vòng chân trời” HẬU HIỆN ĐẠI, chúng ta không thể không “ghé thăm ” nhà Phân Tâm Học CARL JUNG.

Freud đã cho nổ một “Quả Bom” trong các xã hội “Thanh Giáo” CỔ TRUYỀN của Tây Phương trước đây bằng cuộc “Cách Mạng TÍNH DỤC”, do đó Tư Tưởng của Freud gắn liền với trào lưu  HIỆN ĐẠI.

Tính HẬU HIỆN ĐẠI của Tư Tưởng của JUNG xuất hiện ở chỗ ông đã đặt lại vấn đề đối với quan điểm của Freud ở các điểm sau đây :

_ Jung cho rằng quan niệm của Freud về LIBIDO quá hạn hẹp vì chỉ giới hạn ở lãnh cực TÍNH DỤC. Đối với Jung, “Libido” trong Phân Tâm học cũng giống như ý niệm NĂNG LƯỢNG trong khoa học Vật Lý. Nếu “Năng Lượng” vật chất tùy khi có thể mang dạng thức Điện, Ánh Sáng hay Sức Nóng, thì  một cách tương tự, Jung quan niệm LIBIDO như một Năng Lượng “Tinh Thần” mang nhiều hình thái như khuynh hướng Hiếu Chiến (aggression), Tính Dục (sex) hay đơn giản hơn bản năng biết Đói (hunger)…vvv..
_ LẠC THÚ (Pleasure) theo Jung, có thể đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau mang sắc thái TÍNH DỤC (sexual) hay KHÔNG (non-sexual), chứ không chỉ có hình thức duy nhất là “Tính Dục” như Freud cố tình nhấn mạnh.
_ Jung cho rằng bệnh TÂM THẦN (Neurose) nơi người lớn có thể gây ra do các vấn đề hiện tại của đương sự, kéo theo sự xuất hiện trở lại của các xung đột cũ, chứ không nhất thiết chỉ bắt nguồn từ các xung đột của thời Thơ Ấu và luôn có sắc thái Tính Dục như Freud quan niệm.(75)
Nhưng điểm Then Chốt của sự BẤT ĐỒNG của Jung đối với Tư Tưởng của Freud là tuy Jung đồng ý với Freud về ảnh hưởng lớn lao của Vô Thức đối với sinh hoạt của con người, nhưng lối nhìn của Jung về Vô Thức hoàn toàn khác với Freud. Jung trách Freud  là xem Vô Thức như là cái “Thùng Rác” để Ý Thức “liệng” vào đó những điều “không như ý”! Theo Jung, Vô Thức đóng một vai trò quan trọng gấp bội vai trò mà Freud giành cho nó.
Nếu Học Thuyết của Freud được xếp vào trào lưu HIỆN ĐẠI bằng khám phá của Freud về sự hiện hữu của VÔ THỨC (Inconscient), thì tính HẬU HIỆN ĐẠI của Jung còn được nhận thấy qua sự kiện Jung VƯỢT XA quan điểm của Freud và NỚI RỘNG rất nhiều “biên cương” của miền Tiềm Thức, Vô Thức.
Thật vậy, đối với Jung, VÔ THỨC bao gồm Tất Cả các khía cạnh của bản tính con người : “sáng và tối, đẹp đẻ và xấu xí, tốt lành và xấu xa, thâm sâu và ngờ nghệch”! Khám phá của Jung lớn lao đến nổi nó làm thay đổi hoàn toàn cách thức khoa Tâm Lý học tiếp cận với lãnh vực Tiềm Thức, Vô Thức. Jung quan niệm rằng nếu nội dung của phần Ý Thức có thể “biến mất” trong miền Vô Thức, thì ngược lại, những điều CHƯA bao giờ xuất hiện trong Ý THỨC của đương sự, cũng có thể đến THẲNG từ miền VÔ THỨC.(76)
Nói cách khác, Jung nghĩ rằng Vô Thức không những không là “thùng rác” như Freud có vẻ giả định, mà trái lại mang một sắc thái vô cùng Huyền Nhiệm và không chỉ chứa đựng nội dung của Quá Khứ, mà còn chất chứa Tiềm Năng của các biến cố cùng Tư Tưởng sẽ xuất hiện trong Tương Lai. Hơn thế nữa, Vô Thức không những có khả năng tiến tới TRƯỚC và lùi ra SAU, mà còn vượt qua biên giới của Tiềm Thức CÁ NHÂN (Inconscient Individuel) để ghé sang miền Tiềm Thức CỘNG THÔNG (Inconscient Collectif).
Theo Jung, xuất hiện trong Tâm Trí con người những Hình Ảnh, Biểu Tượng hiện hữu khắp mọi nơi mà Jung đặt tên là LINH TƯỢNG (Archetype). Ngoài ra, Tiềm Thức Cộng Thông mang hai sắc thái:
–    LINH TƯỢNG mặc một hình thái giúp ta hiểu được nội dung và Ý Nghĩa của Vô Thức
–    BẢN NĂNG là những khuynh hướng sinh lý “dẫn dắt” hành vi của con người như ham muốn tính dục, khuynh hướng gây hấn, bản năng biết đói…vvv…

Cả hai yếu tố trên theo Jung, thuộc Tiềm Thức Cộng Thông vì chúng hiện hữu môt cách độc lập đối với Tiềm Thức Cá Nhân và hiện diện khắp nơi cũng như có tính bẩm sinh.

Jung còn NỚI RỘNG những hiện tượng Tâm Lý HIỆN ĐẠI mà Freud đã khám phá ïra bằng những khám phá KHÁC hoặc BỔ TÚC cái khung Lý Thuyết của trường phái Phân Tâm học của Freud bằng những những lối giải thích KHÁC thích hợp hơn.
Cặp phạm trù Hướng Nội (Introvert) – Hướng Ngoại (Extravert) kết hợp với bốn chức năng : Cảm Xúc – Tình Cảm – Suy Tư – Trực Giác  để làm thành tám loại Nhân Cách khác nhau, hoặc hiện tượng khủng hoảng Tâm Lý ở tuổi trung niên có tên là “mid-life crisis”…vvv. là những khám phá KHÁC của Jung.

Khác với Freud chưa thoát khỏi tính chất Cơ Khí, Duy Khoa Học của trào lưu HIỆN ĐẠI trong lối tiếp cận với các dữ kiện Tâm Lý khiến Freud có thái độ nghi ngờ đối với các hiện tượng thường gọi là Siêu Tâm Lý, Huyền Bí như các Điềm Báo…vvv..tính HẬU HIỆN ĐẠI của Jung nằm ở điểm là ông không có thành kiến đối với mọi dữ kiện Tâm Lý kể cả những sự kiện mà hiện nay Khoa Học chưa  giải thích được.
Vì mục tiêu của Jung là nhắm tới Con Người TOÀN DIỆN với khả năng nhận thức và tiếp cận với một môi trường rộng lớn hơn nhiều so với những gì mà giới Tâm Lý gia “chính thống” ngày nay vẫn còn quan niệm, do đó, Jung không ngại bỏ công nghiên cứu những ngành như Luyện Kim (alchemistry), Bí Truyền (esotérism), Huyền Bí (occultism), Huyền Nhiệm (mysticism), Siêu Hình phương Đông…vvv..(77)
Do đó, ta sẽ không ngạc nhiên khi biết ông đã từng xử dụng môn Bói Dịch để nghiên cứu về Tâm Lý con ngưới và khám phá ra nguyên lý ĐỒNG THỜI (Synchronicity) trong Khoa Học khi làm công chuyện này. Khoa Học và Triết Học Tây Phương thường dựa trên nguyên lý Nhân Quả (Causality) quan niệm rằng A là nguyên nhân của B và B là nguyên nhân của C…vvv…Khi tiếp cận với Kinh Dịch, Jung mới khám phá ra là A và B có thể liên hệ với nhau mà không cần phải là nguyên nhân của nhau. Và Jung gọi đó là nguyên lý Đồng Thời  (Synchronicity) làm nền tảng cho các hiện tượng loại trên. Các nhà Vật  Lý Lượng Tử  đã chấp nhận nguyên lý Đồng Thời trong cái khung Lý Thuyết của họ. Và mới đây, nhà khoa học Vật Lý Wolfgang Pauli được giải Nobel (1945) đã được gợi hứng từ Tư Tưởng của Jung liên quan đến nguyên lý kể trên.(78)

  • KẾT LUẬN:   CLAUDE LÉVI-STRAUSS : NHÀ HẬU HIỆN ĐẠI

Chúng ta đã đi một “Vòng Chân Trời” Văn Hóa, khởi đầu với nhà Nhân Chủng Claude Lévi-Strauss, người sáng lâp ra Cơ Cấu Luận (Structuralism) trong Khoa Học Nhân Văn, kế đến là những nhà CƠ CẤU hay HẬU CƠ CẤU như Roland Barthes, Michel Foucault, Louis Althusser, Jacques Lacan, sau đó là những nhà HIỆN ĐẠI hay gọi là “Hiện Đại” như Darwin, Hegel,Marx, Freud.., kế đến là những nhà HẬU HIỆN ĐẠI như Friedrich Nietzsche, Sore Kieregaard, André Breton, Jean-Francois Lyotard, Joseph Needham, Fritjof Capra, Carl Jung và Cố Triết Gia Kim Định… và sau hết là những nhà GIẢI CẤU như Martin Heidegger, Jacques Derrida, Francois Jullien… kể cả Phật Tổ và Khổng Tử.
Cuối cùng chúng ta trở lại với Claude Lévi-Strauss mà chúng tôi nghĩ là ông rất xứng đáng với danh xưng là nhà HẬU HIỆN ĐẠI.
Như đã nói ở trên, nguyên nhân Chính Yếu của sự xuất hiện trào lưu HẬU HIỆN ĐẠI là nhằm Điều Chỉnh những sai lầm, thái thậm, tính cục bộ, Một Chiều, hay những mục tiêu hành động không chính đáng…vvv.. của phong trào HIỆN ĐẠI.

Lý do là trào lưu HIỆN ĐẠI không chỉ mang lại những điều Mới Mẻ, Tốt Lành, mà còn để lại những VẾT DƠ trong Lịch Sử như các CHỦ NGHĨA Thực Dân, Phát Xít, Quốc Xã, Cộng Sản…vvv..kèm theo với sự Kỳ Thị Chủng Tộc, Văn Hóa, Phái Tính… Chiến Tranh , sự hủy hoại Môi Sinh…vvv..dựa trên một quan niệm MỘT CHIỀU về TIẾN BỘ !

Mặt khác, phần trình bày ở trên cho thấy chẳng hạn tác phẩm “Les Structures Élémentaires de la Parenté” của Claude Lévi-Strauss có thể được xem là một bản “tuyên ngôn” về địa vị của người Phụ Nữ hoặc một tác phẩm khác,”La Pensée Sauvage” giúp điều chỉnh những thành kiến, sai lầm của những người Tây Phương như Lévi-Bruhl, về người Cổ Sơ, Thiểu Sổ, hoặc một tác phẩm khác nữa, “Race et Histoire” đã giúp ý kiến cho Tổ Chức Liên Hiệp Quốc nhằm đối phó với nạn Kỳ Thị Chủng Tộc trên Thế Giới, hoặc sự kiện là toàn bộ công trình Văn Hóa của Lévi-Strauss có thể được xem là một bản Tuyên Ngôn về Môi Sinh.

Tất cả những dữ kiện nêu trên cộng lại giúp chúng ta  ý thức được tầm quan trọng của ảnh hưởng của Claude Lévi-Strauss đối với Tư Tưởng HẬU HIỆN ĐẠI. Nhưng đặc sắc hơn nữa là  ảnh hưởng của ông không dừng lại ở đấy.

Thật vậy, một khía cạnh khác của Tư Tưởng Hậu Hiện Đại là việc khuyến khích khuynh hướng “Phi Tâm hóa” (de-centring) dọn đường cho sự trổi dậy của nền Văn Hóa “Ngoại Vi” của các “đệ tam quốc gia”. Chúng ta nhớ là một mặt, môi trường hoạt động chính yếu đầu tiên của Lévi-Strauss là những bộ lạc Da Đỏ ở Nam Mỹ và mặt khác Cơ Cấu luận và Tư Tưởng Hậu Hiện Đại đều có ảnh hưởng mạnh mẽ ở thập niên 1960 trên lãnh vực Văn Học Nghệ Thuật. Những trang Lévi-Strauss viết về Ma Thuật trong xã hội cổ sơ cộng thêm ảnh hưởng của trường phái Siêu Thực có lẽ đã  gợi hứng cho những hình thái văn chương mới mẻ thời đó có tên là “Hiện Thực Thần Diệu” (magical realism) cũng xuất phát từ xứ Nam Mỹ với các nhà văn Jorges Luis Borges, Gabriel Garcia Máquez.
Ngoài ra, các trang sách mà Claude Lévi-Strauss viết về Đạo Phật cộng với ảnh hưởng của các Nhà Văn như Hermann Hesse…các Thiền Sư như D.T. Suzuki…các nhà Tu Hành kiêm Triết Gia như  S. Vivekananda  trong bầu khí Thần Kỳ, Lãng Mạn, Mộng Mơ của những nhóm như “Hiện Thực Thần Kỳ”…. có lẽ đã đóng góp vào Phong Trào “Hướng Về Đông Phương” cũng là một nét đặc trưng của Thế Hệ “Mai 68” và trào lưu HẬU HIỆN ĐẠI.
Bằng những thành quả vừa nêu trên, Claude Lévi-Strauss đã GIẢI CẤU các quan niệm về LỊCH SỬ, VĂN MINH, TIẾN BỘ….thế giới CHỮ VIẾT không chỉ có những Ưu Điểm  như người ta thường ca tụng, trái lại càng ngày càng để lộ ra những khía cạnh TIÊU CỰC đã được che dấu từ biết bao lâu nay!
Chúng ta thường nghe nói trong địa hạt Khoa Học là sau Einstein, người ta không thể suy nghĩ như trước Einstein. Trong Triết Học, cũng đã bắt đầu nghe nói là sau Heidegger, người ta không thể tư duy như trước Heidegger. Một cách tương tự, trong lãnh vực Nhân Văn, có lẽ sau Claude Lévi-Strauss, người ta cũng không thể suy tư như trước Lévi-Strauss vậy!

Lê Việt Thường

PHỤ CHÚ:

VÀI Ý NGHĨ VỀ MỘT KHUYNH HƯỚNG VĂN HỌC

Chúng ta đã bàn về vần đề CŨ-MỚI ở phần trên : đó không chỉ là một vấn đề có tính cách “Lý thuyết suông”, mà đã xảy ra trên thực tế vào thời kỳ giữa hai Thế Chiến và có lẽ còn tiếp tục sau đó nữa. Phe CỔ vì chỉ biết có Cổ tức thay vì “trung thành” với TRUYỀN THỐNG Viết Hoa, lại “bám víu” vào những tập tục, thể chế đã lỗi thời nên đã THẤT BẠI. Tuy nhiên, phe KIM cũng KHÔNG THÀNH CÔNG gì hơn! Bằng Chứng là trên gần nửa thế kỷ, Việt Nam đã là “bãi chiến trường” với sự thắng thế của các phe CỰC ĐOAN.

Như phần trình bày trên cho thấy, sau Thế Chiến Thứ Nhất, trào lưu HIỆN ĐẠI vì đã bị các nhóm như “Đa Đa”, “Siêu Thực”..đặt lại vấn đề, cũng đã bắt đầu giảm bớt khí thế , tính Lạc Quan và sự  Tin Tưởng “mù quáng” vào chủ trương “Hiện Đại” cũng như về mục tiêu theo đuổi CÁI MỚI “bằng mọi giá”ù của phong trào.

Tuy nhiên, vào thời kỳ đó, tình trạng trên chỉ xảy ra ở “Mẫu Quốc”, chưa kịp lan rộng tới “Thuộc Địa”. Do đó, “hào quang” của Tư Tưởng HIỆN ĐẠI vẫn còn “ngự trị” ở đây. Vì vậy mới ra đời ở Việt Nam phong trào THEO MỚI “bằng mọi giá” của Hoàng Đạo và nhóm “Tự Lực Văn Đoàn”.

Nay thì với ảnh hưởng của các nhà HẬU HIỆN ĐẠI như Nietzsche, Heidegger.(Triết), Claude Lévi-Strauss (Nhân Chủng), Carl Jung (Tâm Lý), Fritjof Capra (Khoa Học)…vvv.., “hào quang” của trào lưu HIỆN ĐẠI đã bị “lu mờ” đi rất nhiều . Nhưng điều “lạ lùng” xảy ra là ngày nay vẫn còn có những người chủ trương THEO MỚI “bằng mọi giá” như cách đây hơn nửa thế kỷ ?!

Mà “lạ lùng” hơn nữa là những người này lại đồng thời “kêu gọi” người khác theo phong trào HẬU HIỆN ĐẠI, nhưng họ lại không chịu từ bỏ một chút gì của Tư Tưởng HIỆN ĐẠI cả! Lẽ dĩ nhiên, cũng có phương thức dung hòa Tư Tưởng HIỆN ĐẠI và HẬU HIỆN ĐẠI, như chẳng hạn chấp nhận chủ trương HIỆN ĐẠI đến một mức độ nào đó, và sau đó sẽ bổ túc bằng nội dung HẬU HIỆN ĐẠI .

Nhưng hình như không phải trường hợp này! Chúng tôi có cảm tưởng là một mặt người ta “hô hào” HẬU HIỆN ĐẠI  là chỉ để chứng tỏ “ta đây đã cập nhật hoá vốn kiến thức rồi”, mặt khác họ xử dụng HIỆN ĐẠI và HẬU HIỆN ĐẠI một cách rất TÙY TIỆN, BẤT NHẤT có lẽ CHỈ với mục đích duy nhất là biện minh cho các ĐỊNH KIẾN sẵn có của họ mà thôi!

Chẳng hạn, chúng ta biết là Tư Tưởng HIỆN ĐẠI rất chú trọng đến lịch sử chữ Viết mà cả hai phe Thực Dân, Cộng Sản đều “khai thác” triệt để với mục đích viết lại Lịch Sử theo “lăng kính” của phe nhóm họ, hầu làm thành những “Đại Tự Sự” cho mục  tiêu tuyên truyền. Đồng thời, cả hai phe tìm cách “hạ giá” lịch sử “Truyền Khẩu” cũng như các trang Huyền Thoại của các dân tộc nhược tiểu. Trái lại, phong trào HẬU HIỆN ĐẠI với những người như  Claude Lévi-Strauss một mặt GIẢI CẤU lịch sử chữ Viết mà theo ông thường đi kèm với chế độ NÔ LỆ, mặt khác “nâng cao” giá trị của Sử “truyền khẩu” và Huyền Thoại.

Những người của nhóm THEO MỚI “bằng mọi giá” vừa đề cập ở trên “ghi nhận” sự kiện này. Nhưng trong khi người ta trông chờ họ “giúpï một tay” để lập lại thế quân bình cho Sử “truyền khẩu” và Huyền Thoại dân tộc, thì họ lại tuyên bố một câu “xanh rờn” : “Bổ sung. Dù được chú ý đến mấy, ký ức cũng chỉ đóng vai trò bổ sung cho lịch sử mà thôi…Những khái niệm trừu tượng như …chỉ có thể ra đời trên cơ sở của lịch sử. Ký ức ngược lại, chỉ làm cho người ta quanh quẩn mãi trong những cái cụ thể gần gũi và nhí nhách.”(79)

Và sau đây là nhận định của nhà Phân Tâm học Carl Jung về “Ký Ức Tập Thể” : Vô Thức….mang một sắc thái vô cùng Huyền Nhiệm và không chỉ chứa đựng nội dung của Quá Khứ, mà còn chất chứa Tiềm Năng của các biến cố cùng Tư Tưởng sẽ xuất hiện trong Tương Lai. Hơn thế nữa, Vô Thức không những có khả năng tiến tới TRƯỚC và lùi ra SAU, mà còn vượt qua biên giới của Tiềm Thức CÁ NHÂN (Inconscient Individuel) để ghé sang miền Tiềm Thức CỘNG THÔNG (Inconscient Collectif)”.(80)
.
Tóm lại, theo Jung “Ký Ức Tập Thể” hay  Vô Thức là NỀN TẢNG của sự Sáng Tạo và nguồn gốc của các Trào Lưu Văn Hóa, chứ không có tính “gần gũi và nhí nhách” chút nào như tác giả “xuyên tạc”!

Tác giả còn viết về các huyền thoại như Lạc Long Quân-Âu Cơ, Thánh Gióng, Trọng Thủy-Mỵ Châu…vvv..như sau.: “Đây mới chính là điều đáng ngại: ở tận đầu thế kỷ 21, thật có gì vui khi cứ phải tiếp tục làm những nhân vật dễ thương nhưng rất đơn giản, đơn giản đến độ ngây ngô như trong các câu chuyện cổ tích ngày nào”.(81)

Thật vậy, đây mới chính là điều đáng ngại: là ở tận thế kỷ 21, một người tự nhận là “làm Văn Hóa” mà không biết giá trị của các Huyền Thoại dân tộc với các Biểu Tượng (Symbol) hoặc  Linh Tượng (Archetype) mà các nhà Văn Hóa Lớn của Nhân Loại như Nietzsche, Jung, Lévi-Strauss..vvv.  đều không dám khinh thường, rồi lại còn dùng lời lẽ xuyên tạc, châm biếm mà đám Thực Dân trước đây đã xử dụng nhằm xuyên tạc Văn Hóa của các thuộc địa, để “hạ giá” văn hóa của Tổ Tiên !

Vậy mà miệng cứ “bô bô”  đề cao Hậu Hiện Đại : nào là “lật đổ những bản giá trị như thế thực chất là lật đổ những đại tự sự….” nào là ” cũng đồng thời là lật đổ sự phân biệt giữa trung tâm và ngoại biên, giữa một nền văn hóa cao cấp và một nền văn hóa bình dân.”!(82)

Ngoài ra, tác giả cũng có một định nghĩa rất “độc đáo” về Văn Hóa: “Cái gọi là bản sắc văn hóa, thật ra, là một thứ “collage”, kết quả của một quá trình lắp ghép vô tận”.
Và “bản sắc văn hóa” sẽ không còn, không thể còn được xem là độc đáo và duy nhất nữa”. Vì “bất cứ văn bản nào cũng được cấu tạo như một bức khảm của các trích dẫn; bất cứ văn bản nào cũng là một sự thâu hóa và chuyển hóa của các văn bản”.(83)

Thật ra, điều vừa trình bày trên đây là hệ quả của phương pháp GIẢI CẤU mà những người như Jacques Derrida, Roland Barthes..vvv..đã áp dụng vào lãnh vực Văn Học và Phê Bình Văn Học .Nhưng điều trên đã xảy ra cách đây khoảng nửa thế kỷ rồi. Và vào thời kỳ đó, phương pháp Phân Tích (Analytical Method) của Descartes gắn liền với trào lưu HIỆN ĐẠI vẫn còn được áp dụng với chủ trương “chẻ nhỏ” ra thành từng phần nhỏ nhất, như Roland Barthes đã áp dụng đối với Tác Phẩm, Văn Bản…

Nhưng nay là thời đại của Tư Duy THỐNG HỢP (Systems Thinking) chủ trương là TOÀN THỂ luôn KHÁC với sự  CỘNG  LẠI của TỪNG PHẦN. Do đó, VĂN HÓA không thể bị “Giảm Trừ” vào các Văn Bản, Trích dẫn vì còn một yếu tố Siêu Hình VƯỢT LÊN sự Cộng Lại của các Văn Bản, Trích Dẫn nêu trên.

Thật ra, ở thời nào cũng vậy, các Trào Lưu Văn Hóa gọi là “Avant-Garde” (=Tiền Phong) nhất đều bắt đầu ở Thượng Tầng TRIẾT HỌC. Và cần phải có thời gian để các khám phá MỚI ở cấp Triết Học được những người sinh hoạt trong các bộ môn khác nhất là lãnh vực VĂN HỌC và PHÊ BÌNH VĂN HỌC “nắm vững”, chân nhận và truyền bá trong quảng đại quần chúng.

Chúng ta biết là từ ngữ ĐỨC “Destruktion”  có hai nghĩa: nghĩa “nhẹ” là GIẢI CẤU (=Decontruction) nhằm Thẩm Định Đúng để sửa chữa, tu bổ, như được áp dụng với Văn Hóa ĐÔNG PHƯƠNG, và nghĩa “nặng” là PHÁ HỦY (=Destruction) như Heidegger, Derrida…vvv.. đã làm  đối với Văn Hóa TÂY PHƯƠNG.

Vậy nên chúng ta đã và đang chứng kiến những người như Martin Heidegger, Francois Jullien…vvv..trong Triết Học, Jacques Derrida, Roland Barthes, Michel Foucault…vvv.. trong Phê Bình Văn Học, “Giải Cấu” một cách “tưng bừng” theo nghĩa PHÁ HỦY (Destruction) “Căn Nhà” Văn Hóa TÂY PHƯƠNG. Và bao nhiêu “gạch”, “đá”, “ngói”, “xi măng”…(tức những Văn Bản, Trích Dẫn, Chữ Nghĩa đủ loại) đang nằm ngổn ngang trên mặt đất. Vậy mà các người chủ trương THEO MỚI “bằng mọi giá” lại khuyên chúng ta rằng chỉ cần COLLAGE mấy thứ đó lại với nhau thì chúng ta sẽ có một Căn Nhà MỚI!

Đáng lẽ họ phải khuyên chúng ta đi tìm một “ông” KIẾN TRÚC SƯ giúp sửa soạn một ĐỒ ÁN, THIẾT KẾ,(Design) MỚI thì đúng hơn ?! Và hình như tất cả đã “nằm” sẵn trong Bộ Não của “ông ta” rồi đó!

Có thể họ sẽ “viện cơ” là CƠ CẤU Luận (Structuralism) đã “giải trừ” Chủ Thể rồi nên không cần đến “ông” Kiến Trúc Sư nữa, vì cái gọi là “Design” của “ông ta” chẳng qua là tổng cộng các Kiến Thức của “ông” nguyên là những “Văn Bản”, “Trích Dẫn”..vvv.. hiện hữu từ thuở “hồng hoang” khi bắt đầu có CHỮ VIẾT đến tận bây giờ, tức “Bổn Cũ Soạn Lại” chứ không có gì MỚI MẺ đâu!

Nhưng họ quên hay không biết rằng Chủ Thể mà các nhà CƠ CẤU “giải trừ” là Chủ Thể LÝ TRÍ của Văn Hóa TÂY PHƯƠNG, nên các điều vừa nói ở trên có thể ĐÚNG. Vì LÝ TRÍ là “tổng hành dinh” của các GIÁC QUAN, nhất là THỊ GIÁC nên chỉ “ghi nhận” hình ảnh của các sự kiện thuộc về QUÁ KHỨ. Và cái mà Văn Hóa Tây Phương thường gọi là “Nhân Bản” có tính chất DUY NHÂN (Anthropological) xoay quanh Chủ Thể LÝ TRÍ, hay nói theo Đông Phương là xoay quanh con người TIỂU NGÃ. Do đó, đại đa số giới Trí Thức Tây Phương, ngay cả đến hôm nay, xem những gì vượt khỏi vòng kiểm soát của Lý Trí, Ý Thức  là PHI NHÂN hết! Lý do là về mặt Tâm Lý học, họ đang dừng lại ở đợt Phân Tâm học của FREUD quan niệm VÔ THỨC (Inconscient) như là ở “Phần Dưới” (en-bas), SƠ KHAI, THÚ VẬT là kết quả của tỷ tỷ kinh nghiệm của con người, và có vẻ không có chút gì có thể gọi là “Tinh Thần”, là “Tâm Linh” cả!

Nhưng Carl Jung có một quan niệm khác về VÔ THỨC mà ông gọi là Tiềm Thức Cộng Thông (Inconscient Collectif). Jung quan niệm con người như sống trong một thế giới của các “làn sóng” Tinh Thần và cũng như Vô Thức “của Freud”, ảnh hưởng trên sinh hoạt của nó. Và theo Jung, nếu được “chuẩn bị” đúng mức về mặt Tâm Lý như theo các phép Tu Tập của Thiền, Yoga…con người có thể “tiếp cận” một cách HỮU THỨC với Thế Giới TÂM LINH nói trên Và theo Pierre DACO, quan niệm trên luôn luôn là NỀN TẢNG của Tâm Lý Học ĐÔNG PHƯƠNG có thể bổ túc cho quan điểm của Freud về Vô Thức.(84)

Tóm lại, sở dĩ  Văn Hóa Tây Phương chưa tìm ra GIẢI PHÁP, chính là vì bị “mắc kẹt” giữa hai “gọng kiềm” : giữa một bên  là chủ trương “Nhân Bản” hiểu theo lối DUY NHÂN (Anthropological) dựa trên Chủ Thể LÝ TRÍ và bên kia là lập trường PHI NHÂN của các nhà CƠ CẤU như Roland Barthes, Michel Foucault, Louis Althusser…vvv..mà nguyên do có lẽ (trừ một vài ngoại lệ như Carl Jung) là vì  trong nền Văn Hóa “Chính Thống” của Tây Phương, không có một quan niệm giống như trong truyền thống Đông Phương, về một Con Người ĐẠI NGÃ TÂM LINH  tương đương với tài NHÂN trong thuyết Tam Tài, làm gạch nối giữa hai tài THIÊN và ĐỊA trong Vũ Trụ luận của Nho Giáo.

Ở đây, chúng tôi xin trở lại vấn đề GIẢI CẤU với cái “Design” trong “đầu” của “ông” Kiến Trúc Sư. Nếu dừng lại ở Chủ Thể LÝ TRÍ thì có lẽ các nhà Cơ Cấu “có lý” khi họ quan niệm Văn Hóa chỉ là một “liên Văn Bản”(intertext) vì LÝ TRÍ  chỉ thu nhận những hình ảnh của QUÁ KHỨ. Nhưng một mặt, với Carl Jung và với Văn Hóa Đông Phương…Con Người không chỉ dừng ở đợt LÝ TRÍ, Ý THỨC mà còn bao gồm thêm phần TIỀM THỨC, VÔ THỨC, SIÊU THỨC..nữa, mặt khác mối liên hệ giữa Ý THỨC và VÔ THỨC không chỉ có tính chất MỘT CHIỀU như Freud quan niệm, mà với Carl Jung là một Biện Chứng HAI CHIỀU. Và theo Jung các LINH TƯỢNG (Atchetype) ở đợt Tiềm Thức Cộng Thông (Inconscient Collectif) giống như BẢN NĂNG, hoạt động  một cách độc lập đối với Tiềm Thức Cá Nhân và hiện diện khắp nơi cũng như có tính Bẩm Sinh, do đó, là nguồn SÁNG TẠO của con người ở mọi lãnh vực của cuộc sống.

Hệ quả của các điều trên là tính MỚI MẺ, ĐỘC ĐÁO, SÁNG TẠO trong cái “Design” của “ông” Kiến Trúc Sư không bắt nguồn từ LÝ TRÍ, mà từ các LINH TƯỢNG (Archétype) nằm trong Tiềm Thức Cộng Thông (Inconscient Collectif) của JUNG, từ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG Tiên Nghiệm (Imagination Transcendentale) của HEIĐEGGER hoặc từ con người ĐẠI NGÃ TÂM LINH của Văn Hóa ĐÔNG PHƯƠNG!

Cũng dễ hiểu thôi ! Thử lấy một thí dụ trong lãnh vực TRIẾT HỌC chẳng hạn : tại sao  cùng một vốn Kiến Thức Triết Học giống nhau, có những người chỉ là những nhà NGHIÊN CỨU, HỌC GIẢ bình thường, còn có người khác lại trở thành TRIẾT GIA hạng Ba, người khác TRIẾT GIA hạng Nhì, người khác nữa ĐẠI TRIẾT GIA, ĐẠI HIỀN TRIẾT ?!

Trước khi kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mạn phép đưa ra một hình ảnh “ví von”  về hành trình đi tìm CÁI MỚI đối với cả hai phe Bảo Thủ và Cấp Tiến như sau:  Nếu phe BẢO THỦ thường bị phe Cấp Tiến “cáo buộc” là LÁI XE MÀ CHỈ CHĂM CHĂM NHÌN VÀO KÍNH CHIẾU HẬU, thì có lẽ đến phiên phe CẤP TIẾN bị “ví von” lại là LÁI XE MÀ LẠI KHÔNG SẮM KÍNH CHIẾU HẬU ! Khỏi phải nói thêm vì ai cũng đoán trước được là kết quả của cuộc hành trình sẽ giống nhau là CẢ HAI ĐỀU SẼ RƠI XUỐNG HỐ!

Có lẽ GIẢI PHÁP chỉ có với thái độ THỜI TRUNG của NHO hay AN VI của VIỆT chăng?:

LÁI XE PHẢI CÓ KÍNH CHIẾU HẬU, NHƯNG PHẢI BIẾT NGÓ TRƯỚC NGÓ SAU THÌ MỚI CÓ CÁI NHÌN TOÀN CẢNH HẦU  HY VỌNG LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI  TỚI ĐÍCH ĐIỂM!

CHÚ THÍCH

(1)Nicolas Journet, “La Vague Structuraliste”, <http://www.scienceshumaines.com>
(2)Idem, “La Vague Structuraliste, le Flux et le Reflux”
(3)Idem, “Claude Lévi-Strauss: le plus philosophe des ethnologues”
(4)Regis Meyran, “Tristes Tropiques”, Idem
(5)Claude Lévi-Strauss, “Race et Histoire”, Ed. Gontier, 1961, France
(6)Claude Lévi-Strauss, “Les Structures Élémentaires de la Parenté”, 1949, in lại Mouton de Gruyter, 2002, France Yvan Simonis, “Claude Lévi-Strauss ou la “Passion de l’Inceste”: Introduction au Structuralisme”, Coll. Recherches, France
(7) Trần Đỗ Dũng, “Luận Lý và Tư Tưởng trong Huyền Thoại”, Trình Bày, 1967, SG, VN tr. 17-51
(8) Claude Lévi-Strauss, “Anthropologie Structurale”, Plon 1958,1974, France
(9) Kim Định, “Cơ Cấu Việt Nho”, Nguồn Sáng, Sài Gòn, 1973, VN tr.27-28
(10)Đông Lan, “Yêu Mến An Vi”, Văn Hiến, 2004, USA tr.76-91
Kim Định, “Cơ Cấu Việt Nho”, Idem
(11)Claude Lévi-Strauss, “La Pensée Sauvage”, Plon, 1962, France
Trần Đỗ Dũng, Idem, tr.53-77
(12) Idem, tr.77-99
(13) Claude Lévi-Strauss, “Mythologiques”, T.I “Le Cru et le Cuit”, Plon, 1964, France
(14) Kim Định, Idem, tr. 36
(15) Claude Lévi-Strauss, “Race et Histoire”, Idem, tr.46-47
(16) Kim Định, Idem, tr.37
(17) Idem, tr.29-30
(18) Idem, tr. 46Yvan Simonis, Idem, tr. 200
(19) Kim Định,Idem tr.47
(20)Kim Định, Idem tr. 49
(21) Idem tr. 50
(22) Claude Lévi-Strauss, “Race et Histoire”, Idem, tr.57
(23) Trần Đỗ Dũng, Idem, tr. 100-102
(24) Idem, tr. 197-203
(25) Idem, tr.194-197
(26) Jean-Marie Aujas, “Clefs pour le Structuralisme”, Ed. Seghers, tr. 88 Kim Định, Idem, tr. 37
(27)  Idem, tr. 38
(28) Hoàng Xuân Hào, “Nhân Quyền trong Luật Hồng Đức: Niềm Tự Hào Dân Tộc” Thế Kỷ 21, số 113, th.9/98, tr. 29,  trích từ Lois W. Banner, “Women in Modern Australia : A Brief History” San Diego:  Harcourt Brace Jovanovich Inc 1984, tr.9
(29)Hoàng Xuân Hào, Idem, tr.30, trìch từ J. O. Smith, M. F. Rice & W. Jones Jr, “Blacks and American Government:Politics, Policy & Social Change, 2rd ed. Iowa: Kendall/Hunt Publ.Cie, 1991 Tr. 59
(30) Lê Việt Thường, “Luật Hồng Đức và Vấn Đề Dân Chủ: Tinh Thần và Thể Chế”, “anviettoancau.net”, tháng 01/08
(31) Trần Đỗ Dũng, Idem, tr.194, trích từ Claude Lévi-Strauss, “Valons-nous mieux que les sauvages”, Tạp Chí”Réalités ” số th. 1-1965
(32) David Suzuki, “The Sacred Balance”, Allen & Unwin,1999 Syd., Aus tr.213-7
(33) Trần Đỗ Dũng, Idem, tr.205
(34) Fritjof Capra, “Where have all the Flowers Gone: Reflections on the Spirit  and Legacy of the Sixties”, 01/12/ 2002
(35) Kim Định, “Cửa Khổng”, Lĩnh Nam, Louisiana, USA,1997, tr.52, trích từ J.G. Gauthier, “Les Livres Sacrés de l’Orient”, Société de Panthéon Littéraire, Paris, 1843, France
(36) Roland Barthes, “Mythologies”, Vintage 1993, tuyển dịch từ
“Mythologies” Du Seuil 1957
(37) Roland Barthes, “la Mort de l’Auteur”, Du Seuil, Paris, 1984
(38) Roland Barthes, “le Degré Zéro de l’Écriture”, Du Seuil, 1972
(39) Michel Foucault, “Les Mots et les Choses”, Gallimard, Paris, 1966 Yvan Simonis, Idem, tr. 359
(40) Michel Foucault, “L’Archéologie du Savoir”, Gallimard, Paris, 1969
(41) Louis Althusser, “Reading Capital”
(42)Jacques  Lacan, “Écrits” ng. dịch Bruce Fink W. Norton & Cie NY 2006
(43) James Legge, “The Wisdom of Confucius” Axiom, 2003, tr.5
(44) Kim Định, “Triết Lý Giáo Dục”, H.T.Kelton, CA.USA, tr. 67
(45) Gill Hands, “Marx”, Hodder & Stoughton, 2000, tr.15-17
(46) Kim Định, “Dịch Kinh Linh Thể”, An Việt Houston,USA,1989, tr.56
(47) Ruth Berry, “Freud”, Hodder & Stoughton, 2000, tr.40
(48) Idem, tr. 74
(49) Gill Hands, Idem, tr.46
(50) Kim Định, “Hồn Nước với Lễ Gia Tiên”, Nam Cung,CA,USA,1979 tr.85-86
(51) Kim Định, “Dịch Kinh Linh Thể”, An Việt Houston,USA,1989, tr.56-57
(52)  R.J.Hollingdale, “A Nietzsche Reader”, Penguin Books, 1977, tr.7-11
(53)  D.W. Hamlyn, “The Penguin History of Western Philosophy : Soren Kiergaard, Penguin Books, London, England, tr. 273
(54) Alan Young, “Dada and After: Extremist Modernism and English Literature” New Jersey, Manchester University Press, 1981
(55) André Breton, “les Champs Magnétiques.
(56) Fritjof Capra, Idem
(57)Jean-François.Lyotard, The Postmodern Condition <http://en.wikipedia.org/wiki/The_Postmodern_Condition>: A Report on Knowledge. Minneapolis: U of Minnesota P, 1984, reprint 1997.
Translated by Geoff Bennington
(58) Jacques Derrida, “L’Écriture et la Différence”, Du Seuil, Paris, 1967
(59), Kim Định, “Triết Lý Giáo Dục”,Idem, tr.77-79
(60) Roger Sperry, “Some Effects of Disconnecting the Cerebral Hemispheres” The Nobel Foundation, 1982
(61) Minh Thư và Tú Ân, “Văn Tự và Phái Tính”, tâp san “Việt”, số 4, tháng 6/1999, Viết theo bài “Good Goddess” , “The Australian”, thứ tư, 26/5/1999  _ trích từ cuốn “The Alphabet Versus the Goddes :
Male Words and Female Images” của Leonard Shlain, California
Medical Centre
(62) Idem
(63) Nguyễn Duy Cần, “Phật Học Tinh Hoa”, nxb Th. SG, 1997 tr. 31-46
(64) Nguyễn Hiến Lê, “Khổng Tử”, nxb Văn Hóa, SG 1998
(65) Kim Định, “Chữ Thời”, Thanh Bình SG, 1967, tr. 349
(66) Francois Jullien, “Minh Triết Phương Đông & Triết Học Phương Tây”  nxb Đà Nẵng, 2003,  tr. 47  dich từ “Un Sage est sans idée, ou l’autre de la philosophie”, Du Seuil, 1998
(67) Kim Định, “Chữ Thời”, Idem tr.350
(68)Francois Jullien, Idem, tr. 37
(69) Idem tr. 42
(70) Phùng Hữu Lan,” Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc”nxb Thanh Niên,1999, tr. 223
(71) Nguyễn Đăng Thục, “Lịch Sử Triết Học Phương Đông”, Tâp 1 nxb SG, 1997,  tr. 232
(72) Carl Jung,”Types Psychologiques”,Georg & Cie1977,Genève, Suisse tr. 64
(73) F.J.Capra, “The Web of Life”, Harper & Collins, London, UK, 1998 tr. 29-30
(74)Kim Định, “Định Hướng Văn Học”, Ra Khơi Nhân Ái,SG,VN,1969, tr.39-42
(75)Ruth Berry, “Jung”, Hodder & Stoughton, 2000, tr. 17-18
(76)  Idem, tr. 30-32
(77) Pierre Daco, “Les Voies Étonnantes de la Nouvelle Psychologie”,
Marabout, Belgique, 1982, tr. 31
(78) Ruth Berry, Idem tr. 64-65
(79) Nguyễn Hưng Quốc,”Văn Hóa Văn Chương Việt Nam”,Văn Mới,CA,USA
2002, tr. 50-51
(80) Ruth Berry, Idem tr.31
(81) Nguyễn Hưng Quốc, Idem, tr.54
(82) Idem, tr. 167
(83) Idem, tr. 27-29
(84)Pierre Daco, “Les Prodigieuses Victoires de la Psychologie Moderne”,Marabout, Verviers, Belgique, 1973, tr.160

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm