ĐẠO CAO ĐÀI VÀ THÔNG THIÊN HỌC(3)

Chương 41: II Giáo Lý và Nguyên Lý

A. Nguyên lý :

Hộâi Thông Thiên Học đề xướng 3 Nguyên lý sau đây :

1). Đề xướng tình huynh đệ đại đồng đối với tất cả nhơn loại, không phân biệt hình thức và tinh thần. Hội còn cố gắng làm cho người đời hiểu được Chơn lý nầy để thực hiện nguyên lý đại đồng trong đời sống.

2). Đề xướng sự tự do tìm Chơn lý, bất chấp sự hạn chế bắt buộc của các đảng phái, học thuyết, tôn giáo, vv . . . Hội lại đặc biệt khuyến khích sự nghiên cứu các tôn giáo, về Triết lý, về Khoa học, để tìm thấy những cái hay cái đẹp, hầu đi đến sự hiệp nhứt, chớ chẳng phải chia ly như nhiều người thiếu hiểu biết.

3). Nới rộng đời sống và biên cương của loài người bằng sự can đảm phá tan những vách thành ranh giới củng cố sự chia phân người đời, và bằng sự mạo hiểm đi sâu vào lãnh vực huyền bí để tìm thấy sự thật ẩn tàng trong Vũ trụ mà Khoa học chưa khám phá được, và những huyền năng tiềm tàng trong con người.

B. Giáo lý của Hội Thông Thiên Học :

Giáo lý của Thông Thiên Học gồm 5 điểm sau đây :

1). Sự sống duy nhứt và đại đồng dẫu dưới bao lớp hình trạng vật chất.

2). Sự sống phải chịu biết bao kiếp luân hồi để tiến hóa từ cõi tối tăm đến nơi sáng suốt, từ cõi tử đến cõi trường sanh, từ nơi thấp kém đến chốn vinh quang rực rỡ muôn đời.

3). Cuộc tiến hóa không ngừng nầy phải bị khép dưới một Định luật thiêng liêng tuyệt đối đầy ơn huệ.

4). Những thời cuộc xảy ra cho cõi đời hay cho cá nhân, như giặc giã hay thái bình, thạnh hay suy, giàu hay nghèo, sướng hay cực, vv . . . đều là những ký hiệu của sự tiến hóa dưới Định luật bất di bất dịch nầy.

5). Mỗi cá nhân là phần tử của cuộc sống, đều có quyền tự do hối thúc cuộc tiến hóa của mình hay là trì huỡn, mà muốn hối thúc thì phải hiểu và hành động theo Định luật ấy, còn muốn trì huỡn thì làm trái lại.

(Theo bài của Ông Nguyễn văn Huấn viết trong trong Tạp chí : Tìm hiểu Thông Thiên Học, số 1 tháng 2 năm 1954)

Mười Lý do cốt yếu của Thông Thiên Học :

l). Thông Thiên Học bao hàm các tôn giáo và giải rõ cội rễ Giáo lý đã làm nền tảng cho mỗi tôn giáo.

2). Thông Thiên Học dung hòa giáo lý các tôn giáo với khoa học và làm cho người ta hiểu biết mỗi tôn giáo một cách sâu xa tinh tường.

3). Thông Thiên Học giải rõ hơn các tôn giáo về cái sống thật của cuộc đời bằng cách nêu rõ ràng lẽ Công bằng và lòng Bác ái, ấy là 2 nguyên tắc luân lý chi phối những việc thiện trong thế gian.

4). Thông Thiên Học dẹp bỏ được lòng sợ chết và giảm bớt nỗi buồn lúc chết, bằng cách chỉ rõ việc : Sanh, Tử, Vui, Buồn, ở đời chẳng qua chỉ là cuộc biến diễn những tấn kịch trên sân khấu đời, nối hoài tiếp mãi theo cái vòng tấn hóa dài vô tận đó thôi.

5). Thông Thiên Học chỉ rõ ràng chính con người mới làm chủ cái vận mạng của mình và giải rành cái nghĩa : Ai trồng cây nào không chóng thì chầy sẽ được hưởng quả của cây ấy.

6). Thông Thiên Học vạch sáng tỏ con đường Đại hùng, Đại lực, Đại từ, Đại bi, để diệt hết phiền não của chúng sanh.

7). Thông Thiên Học chỉ cho biết : Ngoài các thế giới mà mắt phàm thấy được, còn có những thế giới không thấy được, gọi là vô hình, và giải rõ những phương pháp để bước mau lên đường tấn hóa và quan sát những thế giới đó.

8). Thông Thiên Học nêu rõ cái Chơn linh mầu nhiệm của Thượng Đế, cái tình nghĩa huynh đệ giữa loài người và các dây liên lạc ràng buộc con người với vạn vật.

9). Thông Thiên Học ví cõi đời như một trường học mà con người phải trở đi trở lại nhiều lần, cho đến ngày nào học xong và đồng hóa hết các bài học kinh nghiệm mới thôi.

10). Thông Thiên Học chỉ rõ con người thực là ai ? Từ đâu đến cõi trần nầy ? Rồi sẽ đi đâu ?

(Trích trong quyển : Con đường đi đến Chơn Tiên của Ông Nguyễn văn Lượng, Tổng Thơ Ký Hội Thông Th. Học VN, trang 66)

D. Trường Bí giáo (École Ésotérique) :

Sau khi lập xong Hội Thông Thiên Học Thế giới , Bà Blavatsky vâng lịnh hai vị Đế Quân Kuthumi và Morya lập Trường Bí giáo tại Adyar. Mục đích của Trường Bí giáo là chọn lựa trong tất cả Hội viên của Hội Thông Thiên Học trên khắp thế giới, những người có tài đức để cho các Đấng Chơn Sư đào tạo, đặng sau đứng vào hạng những bực cứu thế.

Ấy là một Trường để đào tạo các bậc Thánh nhơn (C’est une École pour la formation des Saints). Các bực nầy sẽ được thâu nhận vào Quần Tiên Hội đời đời.

E. Quần Tiên Hội (La Fraternité Blanche) :

Ở thế gian có những người ham mộ đạo đức, có tâm hiền lành, ưa làm việc phước thiện, thường hội hiệp nhau để giúp đời, giúp cho nhơn loại mau tấn hóa.

Ở Thiên đình của vậy, và còn hơn nữa, các Đấng Trọn Lành Phật, Thánh, Tiên, khi đã đắc đạo rồi, chia ra : Có vị giúp Cơ Trời ở mấy cảnh trên, có vị nguyện ở lại cõi trần đặng dìu dắt chúng sanh vào con đường quang minh chánh đại. Các vị nầy làm việc không ngừng và luôn luôn dòm xuống thế gian để chọn lựa người tài đức, hầu thâu nhận làm đệ tử, rồi đào luyện dạy dỗ các đệ tử ấy cho đến ngày thành đạo.

Trên mỗi dãy Hành tinh, đều có những vị Phật, Thánh, Tiên thay mặt Đức Thái Dương Thượng Đế, coi sóc vạn vật, làm sao cho các loài nầy tiến hóa, hạp với Cơ Trời.

Ở Trái đất nầy, các Đấng Trọn Lành, vì nguyện giúp cho loài người và vạn vật nên lập ra QUẦN TIÊN HỘI mà Chúa tể là Đức Ngọc Đế (Le Seigneur du monde).

Đây xin kể rõ ngôi thứ của các Ngài trong Quần Tiên Hội :

1). Trên hết là Đức Ngọc Đế được 9 lần điểm đạo, là Chúa tể của Quần Tiên Hội.

2). Dưới Ngài có 4 vị Phật được 8 lần điểm đạo.

Trong 4 vị, có 3 vị Độc giác Phật (Pratyéka Bouddha) thuộc về Cung thứ nhứt. Ba vị Độc giác Phật đã thành Phật ở bầu Kim Tinh, và qua Trái đất nầy với Đức Ngọc Đế để giúp cho nhơn vật ở Trái đất nầy tấn hóa.

Vị thứ tư là Đức Phật Thích Ca coi về Cung Đạo đức. Ngài là người đầu tiên của nhơn loại ở Trái đất nầy tu hành và đắc quả Phật.

3). Dưới 4 vị Phật có Tam Thanh, được 7 lần điểm đạo.

Ba vị Tam Thanh, xin kể ra dưới đây :

– Đức Bàn Cổ (Manou) coi sóc sự sanh hóa của một giống dân.

– Đức Chưởng giáo hay là Đức Di-Lạc Bồ Tát lo về phần đạo đức.

– Đức Văn Minh Đại Đế (Mahachohan : Seigneur de la Civilisarion) coi sóc sự văn minh tấn hóa cho nhơn loại cho hạp với Cơ Trời.

4). Dưới Tam Thanh thì có 7 vị Đế Quân hay là 7 vị Đại Tiên (Chohan) được 6 lần điểm đạo. Bảy vị Đế Quân coi sóc 7 Cung dưới đây :

– Cung thứ 1 do Đức Đế Quân Morya coi về Chánh trị.

– Cung thứ 2 do Đức Đế Quân Kuthumi coi về tôn giáo. (Tiền kiếp của Đức Kuthumi là Giáo chủ Pythagore).

– Cung thứ 3 do Đức Đế Quân Vénitien coi Thiên văn.

– Cung thứ 4 do Đức Đế Quân Sérapis coi về Mỹ thuật và các Nghề nghiệp.

– Cung thứ 5 do Đức Đế Quân Hilarion coi Khoa học.

– Cung thứ 6 do Đức Đế Quân Jésus coi về Tín ngưỡng tôn giáo. (Đức Đế Quân Jésus là Đức Chúa Cứu Thế Jésus, Giáo chủ Thiên Chúa giáo).

– Cung thứ 7 do Đức Đế Quân Le Comte de Saint Germain coi về khoa Pháp môn Phù thủy.

Tất cả mọi người trên thế gian đều thuộc về một trong 7 Cung kể trên, và cũng chịu ảnh hưởng của 6 Cung kia.

5). Dưới các Đức Đế Quân (Đại Tiên) là những vị Chơn Tiên (Aseka) được 5 lần điểm đạo.

6) Dưới những vị Chơn Tiên là những vị đệ tử được điểm đạo từ 1 đến 4 lần.

– Điểm đạo được 4 lần gọi là La-Hán (Arhat).

– Điểm đạo được 3 lần gọi là Anahàm (Anagamin).

– Điểm đạo được 2 lần gọi là Tưđàhàm (Sakadagamin)

– Điểm đạo được 1 lần gọi là Tuđàhuờn (Sotapanna).

Muốn được điểm đạo lần thứ 1 thì phải có 4 đức tánh :

. Tánh phân biện (Le discernement).

. Sự dứt bỏ (Le détachement).

. Hạnh kiểm tốt (La bonne conduite).

. Lòng từ ái ( L’amour).

Bốn đức tánh nầy có giải rõ trong quyển “Dưới chơn Thầy ” (Aux pieds du Maitre). Ai ăn ở theo đó thì sẽ được điểm đạo và sẽ được vào Quần Tiên Hội.

(Trích trong : Con đường đi đến Chơn Tiên, Nguyễn văn Lượng)

Trở Về

Tìm Kiếm