Nguyễn Tầm Thường S.J.

ĐẠO SĨ SADHU

 

Kho tàng văn chương tu đức Ấn Giáo có chuyện kể như sau:

Ở một làng nọ, có vị đạo sĩ, Sadhu, tu thân lâu ngày, gần đạt đến bậc thánh nhân. Dân chúng ngưỡng mộ, quý mến nhà đạo sĩ ấy lắm, kẻ đến thỉnh ý, kẻ tầm thầy học đạo.

Một ngày kia, thấy vị đạo sĩ rách rưới, kẻ qua đường biếu nhà đạo sĩ manh vải che mình. Những lúc Sadhu ngồi thiền niệm, bầy chuột tưởng tượng gỗ, rúc vào tấm vải gặm nhấm. Tội nghiệp, cũng lại một kẻ qua đường thấy thế, biếu Sadhu con mèo bắt chuột. Dân trong làng thương tình, thay nhau đem sữa nuôi con mèo. Rồi ngày nọ, có kẻ hành hương từ phương xa, nghe tiếng thơm nhân đức, đến viếng nhà đạo sĩ. Người đàn bà giàu có ấy tặng đạo sĩ Sadhu con bò lấy sữa nuôi con mèo. Để nuôi con bò, người ta làm cho nó cái chuồng. Từ dạo đó, con bò có chuồng, vị đạo sĩ không có nhà. Thấy thế không ổn, dân trong làng làm cho nhà đạo sĩ chiếc chòi lá.

Từ ngày ấy, nhà đạo sĩ không còn nhiều thời giờ tu niệm như xưa, bận rộn nuôi con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Nuôi con mèo để đuổi lũ chuột. Phải lo sửa sang căn nhà. Dân trong làng không muốn nhà đạo sĩ mất thời giờ chăm sóc con bò, họ gởi một người đàn bà đến cắt cỏ nuôi con bò, săn sóc con mèo thay cho nhà đạo sĩ có giờ thiền tu.
Nhà đạo sĩ có tấm vải che thân, có con mèo đuổi chuột, có con bò cho sữa, có căn nhà để ở, có người đàn bà săn sóc cuộc đời mình. Chẳng bao lâu, nhà đạo sĩ không còn thời gian tĩnh mịch nữa, ông đầy đủ hết rồi.

Đâu là con đường tu đạo? Ông lấy người đàn bà làm vợ, thế là chấm dứt cuộc đời hạnh tu.

Tôi viết những dòng này chiều ngày mồng một tháng Giêng năm 2001, tức ngày đầu năm, thiên niên kỷ thứ ba. Tôi đến Ấn Độ lúc 11 giờ 30 đêm ngày 29.12.2000. Bước xuống phi trường Bombay tôi thấy ngay cái nghèo của đất nước này. Ở Bombay trọn ngày 30, hôm sau lấy xe lửa đi Poona, tiếng Anh viết là Pune, một thành phố cách Bombay bốn tiếng theo đường xe lửa về hướng đông nam. Tôi sẽ ở thành phố này hai tháng. Chiều nay, vậy là tôi đã ở Ấn Độ được ba ngày.
Tôi dự tính sẽ ở Ấn nửa năm. Tôi viết những dòng này, chiều nay, vì nỗi trống trải, một nỗi buồn nhớ nhà. Đất Ấn quá xa lạ, viết để mong tìm trong dòng chữ một chút lãng quên.

Từ phi trường Singapore, một trong những phi trường hiện đại nhất thế giới, những gian hàng điện tử trưng bày sản phẩm mới nhất, văn minh nhất thời đại, chỉ sau bốn tiếng rưởi đồng hồ, tôi đến một thế giới quá khác xa, bụi bặm, nghèo đói, dơ dáy. Cảm giác đầu tiên của tôi là muốn quay về Mỹ. Tôi đã đi nhiều nơi, thích nghi với nhiều hoàn cảnh. Những ngày ở Philippines, qua những khu nhà tồi tàn, chứng kiến đám dân nghèo sống bằng núi rác của thành phố thải ra. Nhưng mới ba ngày ở đây, tôi biết nơi đây còn nhiều cảnh nghèo hơn Việt Nam và Philippines.

Ra được khỏi phi trường, đã nửa đêm, tôi kéo chiếc va ly nhỏ theo người đưa đón, đi bộ một quãng dài, đón chiếc xe ba bánh, một loại như Lambretta ở Việt Nam. Đường phố bụi bặm, vỉa hè tồi tàn. Về đến nhà dòng, thất vọng biết bao với chỗ ngủ đêm nay. Tôi đã từng ngủ trọ qua đêm tại nhiều nhà dòng ở Việt Nam. Tôi chưa thấy phòng khách nào ở Việt Nam nghèo nàn như thế. Một lần nữa, như tôi viết ở trên, tôi chỉ muốn quay về Mỹ.

Trong tôi lẫn lộn nhiều cảm xúc. Mệt mỏi của một hành trình xa. Chán cái nghèo nơi đây. Nhớ nhà. Nhớ những tình cảm của người quen. Tôi đã hành hương thăm căn phòng Cha sở họ Ars, ở Pháp. Hôm nay, những căn phòng này tồi tàn hơn. Trên đường bay từ Mỹ qua đây, tôi dừng lại Việt Nam mấy ngày. Ở nơi ấy, tôi thấy Việt Nam nghèo, nhưng trong tôi lúc này nổi lên mơ hồ một cảm xúc trăn trở. Trăn trở vì trong cái nghèo có gương mù, thưa kiện nhau về tiền giữa những người được coi là mẫu mực trong Giáo Hội. Trăn trở vì giáo xứ nghèo tiếp tục rách nát. Chỉ chờ xin ngoại quốc. Thiếu nâng đỡ nhau giữa các họ đạo trong một địa phận, tội nghiệp cho những linh mục vất vả suốt đời ở đó. Xin tiền không còn nói là mình kém, nó trở thành như mình có quyền nhân danh cái nghèo. Cũng như hối lộ không còn là điều làm người ta ngại ngùng mà như một thủ tục bình thường. Chứng kiến cái nghèo ở đây, tôi thấy tâm tình mình lẫn lộn hoang mang. Cái nghèo cơ sở vật chất của Giáo Hội Việt Nam đang biến đổi, sẽ hết nghèo. Nhưng đàng sau cái nghèo nhà cửa đang biến đổi kia, còn nét đẹp nghèo trong tinh thần hay đang bị ám ảnh về tiền bạc.

Tối đầu tiên ở Bombay, rất nóng, chiếc quạt trần tróc sơn, bụi cám đen, kêu cành cạch như muốn rơi xuống. Tường vôi loang lổ, vàng ố đen đủi như những bức tường xây từ thời Pháp thuộc ở Việt Nam. Trần nhà thấm nước mốc rêu. Chiếc giường gỗ cũ kĩ. Tấm khăn trải giường, chắc chắn lâu lắm rồi. Tôi sợ không sạch, cúi xuống ngửi, không có mùi hôi. Chỉ cũ thôi.

Hôm sau, 30 tháng 12, trọn một ngày chứng kiến những cảnh chen chúc ở sân ga, khạc nhổ, dơ dáy, bụi bặm. Rời Bombay ngày 31 đi Poona, chiều nay, ngày đầu năm vắng vẻ, nhớ về Mỹ với căn phòng sạch sẽ thật nhiều. Nhớ những cú điện thoại tiện nghi. Nhớ tình bạn. Nhớ những khoảng trời tự do cá nhân. Nhớ nhân phẩm và quyền làm người được tôn trọng. Một buổi chiều quá vắng trong sân tu viện. Trong nỗi nhớ nhà, chán cái nghèo ở đây, tôi tìm vào thư viện và đọc được câu chuyện nhà đạo sĩ Sadhu ở trên.
Câu chuyện tôi kể nằm trong cuốn sách nhỏ, cũ kĩ, bụi cũng bám ở gáy sách. Nó nằm im lặng trong kệ tủ. Nó đâu biết chiều ngày đầu năm có người khách lạ từ đâu tới mở trang sách đó. Truyện vô danh, không tác giả, chỉ đề là “an Indian story”.

Đất này nghèo, sao lại có những câu chuyện đề cao cái nghèo như thế? Có phải tác giả đề cao cái nghèo, hay con người tu đạo ấy viết câu chuyện trên như chính kinh nghiệm bản thân nói tới tự do của đường vào tâm linh, lấy cái giàu của cải để cảnh tỉnh cái mất tự do tâm hồn?
Câu chuyện bắt đầu chỉ là miếng vải che thân, rồi dần dần nhu cầu sinh ra nhu cầu, sau cùng người đạo sĩ mất lý tưởng hạnh tu. Làm thế nào nhà đạo sĩ Sadhu bỏ cuộc, đánh mất hành trình tu giới của mình? Của lễ, tặng vật kia êm ả quá đỗi. Nó như làn gió nhẹ mơ màng, dật dờ như dòng nước không tiếng động. Thế mà đánh đổ nhà đạo sĩ. Sự đổi mới ở đất nước tôi đang mang dáng dấp có nhà Sadhu nào sắp ngã không?

Của lễ dâng cúng không là tội. Nhưng nhà đạo sĩ có thể bị hủ hoá không ngờ. Lòng bao dung cuả tín đồ cũng phải khôn ngoan biết bao, chính họ có thể đưa con người hướng dẫn tôn giáo của họ vào tà đạo bằng của lễ ngẫu tượng.

Người ta làm chủ của cải, rồi một ngày bị của cải lấy mất tự do mà họ không ngờ. Để lòng mình làm chủ hay bị của cải làm chủ vẫn luôn luôn là một giằng co khốn khổ. Nó vẫn là con đường hạnh tu. Thật khó để mình chiếm hữu của cải chứ không để của cải chiếm hữu mình. Nhu cầu này sinh ra nhu cầu khác. Ta không biết đâu là bến bờ. Nhiều khi phương tiện và mục đích lẫn lộn vào nhau, khó mà nhìn thấy.

Sống đơn giản đưa Sadhu vào đời sống tu hạnh. Mất đơn giản, ông mất lý tưởng. Trong Giáo Hội, tất cả các đại thánh đều có đời sống đơn giản. Không phải trong Giáo Hội Công Giáo mà thôi, tất cả các thánh nhân trong tôn giáo khác cũng vậy.

Không ngờ Sadhu đánh mất lý tưởng. Tội nghiệp ông. Tôi nghĩ, nhà đạo sĩ nào viết câu chuyện ấy, đã đạt tới bậc tỉnh ngộ rất cao như lời dạy “hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Sau biến cố tháng tư năm 75, hạn chế sinh hoạt tôn giáo đã đưa các tu sĩ Công Giáo ở Việt Nam phải học chung với nhau, xoá bớt cạnh tranh cục bộ. Bây giờ tấm áo che rách đang được khoác lên. Nhu cầu đang sinh nhu cầu. Sự làm việc chung ấy sẽ tiếp tục hay dần dần lại trở về cạnh tranh cục bộ với cơ sở và thế giới riêng tư. Gần mười năm trước tôi về thăm quê hương lần đầu. Vị linh mục bảo miễn sao dạy được giáo lý. Điều cần là giữ đức tin. Nhà thờ chỉ mong cái microphone để làm lễ. Lần này trở về, ngài hỏi ở Mỹ có cái microphone không dây nào cỡ độ năm trăm đô la không.

Đất Ấn vẫn nổi danh với những huyền bí và những nhà đạo sĩ hạnh tu. Tôi không biết những ngày ở đây sẽ tìm được hoa trái cho đời sống tâm linh không, chứ nói về thú vui, tôi cảm tưởng sẽ chẳng có gì vui. Ngày đầu năm, nhơ về đất Mỹ với “của cải” của mình, nhớ về Việt Nam với những diễn biến mới đang xẩy ra, trong Giáo Hội cũng như đất nước. Con đường hạnh tu của Giáo Hội đang đẹp, sẽ đẹp, hay biết đâu miếng vải che thân cảu khách qua đường thương tình Giáo Hội và đất nước ấy đang rét, choàng lên cho ấm, và rồi từ ấy hủ hoá, đánh mất vẻ đẹp của mình.


Ngày 5 tháng 1 năm 2001.

Tôi đã ở nhà dòng này được gần một tuần. Vẫn chưa quen. Nơi tôi đang trọ học là một nhà dòng lớn, gần hai trăm thầy với hai phân khoa triết và thần học. Tiêu chuẩn ăn của họ chỉ như tiêu chuẩn Cao Uỷ phát cho thuyền nhân trong trại tị nạn ngày xưa. Tôi không thể ngờ mỗi ngày chưa đầy một đô la cho một thầy, trong đó tính luôn tiền ga, điện nấu ăn, tiền lương trả đầu bếp, tiền chuyên chở, tiền dụng cụ nhà bếp, bát đĩa (1US$=46,10 rúppi. Mỗi thầy 42 rúppi tiền ăn một ngày). Việt Nam nghèo, nhưng mỗi năm Việt Nam không đến nỗi nghèo như ở đây. Tôi chỉ nói một cách tương đối.
Dân nghèo bên bãi rác lấy thùng giấy, bao nhựa trùm thành những cái ống cống cắt đôi, sống bên lề đường rất nhiều. Chung quanh nồng lên mùi khai xú uế, xác thú vật chết, bụi đường, khói xe. Không nhà vệ sinh, họ đi bừa bãi ở chung quanh, không giếng nước. Đi bộ qua những nơi đó, tôi có cảm tưởng sẽ mang bịnh vì bao nhiêu thứ vi trùng trôi vào phổi mình, tại sao Mẹ Têrêxa đã chọn Ấn Độ. Lớp dân nghèo ở đây, họ nghèo đến độ đi qua những khu như thế tôi ngại không dám nhìn họ, vì làm sao dám nghĩ Thiên Chúa cũng hiện diện trong họ.

Dường như các thầy trong nhà dòng này đa số đến từ thành phần cũng như bình thường. Quần áo họ mặc, giầy dép họ đi, tôi có thể đánh giá phần nào. Không hỏi ban giáo sư, nhưng sống giữa họ, nói chuyện với họ, quan sát đồ dùng của họ, tôi biết đường hướng giáo dục ở đây đang chuẩn bị cho các linh mục tương lai này biết sống đồng hành với dân nghèo của họ. Các cha giáo cũng vậy, ăn chung cùng phần thức ăn, ngồi chung cùng bàn. Tôi chưa quen đồ ăn ở đây vì nhiều cà ri quá. Bữa cơm chiều nọ, không hiểu vì sao có một rổ cơm và duy nhất một món khoai tây nhão trộn vàng cà ri. Một cha già ngoại quốc qua truyền giáo từ thập niên năm mươi ngồi cùng bàn với tôi nói: There is not much to eat today. Sự thường bao giờ cũng có hai món ăn. Nói về ăn uống, họ không thiếu, cơm dư, nhưng đồ ăn chỉ đủ và không ngon miệng thôi. Thí dụ sau cơm bao giờ cũng có chuối tráng miệng. Mấy hôm đầu tôi tưởng giống chuối bên đây nhỏ hơn Việt Nam nhưng đi chợ mới biết chuối ở chợ lớn hơn, lành lạnh hơn chuối ăn trong nhà dòng. Họ thật sự sống tinh thần nghèo. Ngay cả điện nước, các đồ dùng khác cũng thế. Cái microphone trong nhà thờ này cũ rồi, tôi nghĩ chỉ vài chục đô la thôi.

Cứ mười hai năm, Hinđu, Ấn Độ Giáo lại có một “năm thánh”. Năm 2001 này là “năm thánh” đó. Ước chừng bẩy mươi triệu người sẽ về sông Ganga miền Bắc Ấn Độ để tắm gội tội lỗi trong sáu tuần. Đêm ngày những chuyến lửa đầy tràn người trên mui tiếp tục đổ về sông Hằng. Báo chí ngày nào cũng đầy rẫy hình ảnh người ta dìm mình trong dòng sông, giơ tay cầu nguyện. Tìm con đường thanh tẩy thôi mà họ tha thiết như thế sao.

Trở về câu chuyện im lặng trong trang sách bám bụi tôi viết cách đây mầy ngày. Bài học đâu tiên tôi xin cám ơn đất Ấn đã có những người con đi tìm con đường tỉnh ngộ như tác giả câu chuyện đạo sĩ Sadhu trên đây.

Phải chăng nước dòng sông Hằng và những mảnh đời đi tìm con đường thanh tẩy đã kết tinh thành những áng văn chương Sadhu. Hay nhờ những áng văn chương tu đức đó nhắc nhở mà dòng sông Hằng vẫn luôn có người đi tìm con đường thanh tẩy?

Nguyễn Tầm Thường

 (Nguồn : www.dunglac.org)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm