GIÀU TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN: VẬN MAY HAY TAI HỌA ?

 

Những phát hiện tài nguyên thiên nhiên mới ở một số nước châu Phi – kể cả Ghana, Uganda, Tanzania, và Mozambique – đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu “của trời cho” này có là một vận may bất ngờ mang lại thịnh vượng và hy vọng, hay là một tai họa về kinh tế và chính trị, như đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia

ING.345

Ghi nhận trong một thời gian, người ta nhận thấy những nước giàu tài nguyên “làm ăn” còn kém hơn những nước không có tài nguyên. Tăng trưởng chậm hơn, và bất bình đẳng nhiều hơn – trái ngược hẳn với những gì người ta mong đợi. Ngoài ra, đánh thuế tài nguyên thiên nhiên ở mức cao sẽ không làm cho nguồn tài nguyên biến mất, có nghĩa là các nước mà nguồn thu nhập chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên có thể sử dụng lợi ích này để tài trợ cho giáo dục, y tế, phát triển, và tái phân phối.

Một khối lượng tài liệu kinh tế học và khoa học chính trị đã được vận dụng để giải thích “tai ương tài nguyên” này, và những nhóm đoàn thể – dân sự (như là Revenue Watch và Extractive Industries Transparency Initiative) được thành lập để cố gắng chống chọi. Người ta đã nhận ra ba trong số những thành phần kinh tế của mối họa:

– Các nước giàu tài nguyên thường có đồng tiền mạnh, xu hướng này cản trở những ngành xuất khẩu khác;

– Do khai thác nguồn tài nguyên sẵn có thường kéo theo ít việc làm mới, nạn thất nghiệp tăng lên;

– Giá tài nguyên hay thay đổi làm tăng trưởng bất ổn, và bất ổn hơn do các ngân hàng quốc tế đổ vào khi giá hàng hóa cao và tháo lui khi kinh tế suy sụp (phản ánh nguyên tắc cổ điển là các chủ ngân hàng chỉ cho vay những đối tượng nào không cần tiền của họ).

Ngoài ra, các nước giàu tài nguyên thường không theo đuổi những chiến lược tăng trưởng bền vững. Họ không nhận ra rằng nếu họ không tái đầu tư của cải tài nguyên của mình vào những phương thức đầu tư sinh lợi trên mặt đất, họ đang thực sự trở nên nghèo hơn. Hoạt động chính trị khác thường làm vấn đề thêm trầm trọng, khi xung đột do khả năng tiếp cận nguồn thu từ tài nguyên dẫn đến tệ tham nhũng và những chính phủ phi dân chủ.

Có những giải pháp được biết nhiều cho từng vấn đề trong số này: một tỉ giá ngoại hối thấp, một quỹ bình ổn, thận trọng đầu tư nguồn thu tài nguyên (kể cả dành cho người dân trong nước), một lệnh cấm vay mượn, và sự minh bạch (ít nhất người dân có thể nhìn thấy dòng tiền chảy vào và đi ra). Nhưng người ta ngày càng nhất trí rằng những biện pháp này không đủ, cho dù cần thiết. Những nước mới giàu lên cần thực hiện thêm một số biện pháp nữa để tăng khả năng có một “vận may tài nguyên”.

Đầu tiên, những nước này phải làm nhiều hơn để bảo đảm rằng người dân của họ nhận được toàn bộ giá trị tài nguyên. Một xung đột lợi ích không thể tránh khỏi giữa các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên (thường là nước ngoài) và nước sở hữu tài nguyên: công ty luôn muốn giảm thiểu cái họ chi trả, trong khi nước “chủ nhà” cần tăng tối đa khoản thu này. Những cuộc đấu thầu minh bạch, có tính cạnh tranh và được chuẩn bị tốt có thể tạo ra nhiều lợi nhuận hơn là những giao dịch riêng tư. Các hợp đồng cũng nên minh bạch, và nên bảo đảm là nếu giá cả tăng vọt – như từng lặp đi lặp lại – thu nhập từ “của trời cho” không chỉ đổ vào két sắt công ty.

Tiếc thay, nhiều nước đã ký kết những hợp đồng xấu đem lại một phần không cân xứng trong giá trị tài nguyên cho các công ty tư nhân nước ngoài. Một giải pháp đơn giản: nếu đây là điều không thể, hãy ấn định một mức thuế lợi nhuận từ tài nguyên.

Khắp thế giới, các nước đang thực hiện bước này. Tất nhiên, các công ty khai thác tài nguyên sẽ phản đối, nhấn mạnh tính ràng buộc của hợp đồng, và đe dọa thoái lui. Nhưng kết quả tiêu biểu là khác. Một quá trình tái thương lượng hợp lý có thể là cơ sở cho một mối quan hệ lâu dài tốt hơn.

Botswana đã tái thương lượng những hợp đồng như thế và xây dựng nền tảng để tăng trưởng đáng kể trong bốn thập niên qua. Hơn nữa, không chỉ các nước đang phát triển chấp nhận tái thương lượng, như Bolivia và Venizuela, mà những nước đã phát triển như Israel và Australia cũng làm như vậy. Ngay cả Mỹ cũng đã đánh thuế lợi nhuận từ tài nguyên.

Một điều quan trọng không kém là số tiền thu được từ tài nguyên thiên nhiên phải được sử dụng để thúc đấy phát triển. Những cường quốc thực dân cũ xem châu Phi chỉ như một nơi để họ bòn rút tài nguyên. Một số trong các nước mua tài nguyên mới cũng có thái độ tương tự. Họ xây dựng cơ sở hạ tầng (đường bộ, đường sắt, và bến cảng) chỉ với một mục tiêu trong đầu: vơ vét tài nguyên ra khỏi nước sở hữu với giá càng thấp càng tốt, mà không có nỗ lực nào chế biến tài nguyên từ trong nước, huống chi là phát triển các ngành công nghiệp địa phương dựa vào tài nguyên đó.

Phát triển thực sự đòi hỏi khai thác tất cả những mối liên hệ có thể có: huấn luyện nhân công địa phương, phát triển những công ty vừa và nhỏ để cung cấp đầu vào cho hoạt động khai khoáng và các công ty dầu khí, chế biến trong nước, và đưa tài nguyên thiên nhiên vào trong cơ cấu kinh tế của đất nước. Hiện nay, tất nhiên là những nước sở hữu nguồn tài nguyên có thể không có một lợi thế tương đối trong nhiều hoạt động này, và một số người sẽ cho rằng các nước đó nên kiên trì bám chặt thế mạnh của mình. Từ cách nhìn này, lợi thế tương đối của các nước giàu tài nguyên là nhờ những nước khác khai thác tài nguyên của mình.

Đây là sai lầm. Điều quan trọng là lợi thế tương đối có tính năng động, hay lợi thế tương đối về lâu dài, vốn có thể được định hình. Cách đây 40 năm, Hàn Quốc có một lợi thế tương đối là trồng lúa. Nếu bám lấy sức mạnh đó, họ sẽ không phải là một cường quốc công nghiệp như ngày nay. Có lẽ họ sẽ là nước trồng lúa năng suất cao nhất thế giới, nhưng họ vẫn nghèo.

Các công ty sẽ yêu cầu Ghana, Uganda, Tanzania, và Mozambique hành động nhanh chóng, nhưng có một lý do tốt để các nước này hành động cân nhắc hơn: tài nguyên sẽ không biến mất nhưng giá hàng hóa đang tăng. Đồng thời, những nước giàu tài nguyên có thể xây dựng những thể chế, chính sách và luật lệ cần thiết để đảm bảo rằng tài nguyên làm lợi cho tất cả người dân của họ.

Tài nguyên nên là một vận may, không phải là tai họa. Chúng có thể là tai họa, nhưng tai họa sẽ không tình cờ xảy ra, và sẽ không dễ dàng xảy ra.

Theo SÀI GÒN TIẾP THỊ

[Lãnh Vực]

Tìm Kiếm