HỒI KÍ (Phần VI, Chương XXXII1)

Nguyễn Hiến Lê

PHN VI
Giai đo
n 1975 – 1981
(Ph
n này viết xong năm 1980, năm 1981 sa li nhiu ch)

CHƯƠNG XXXII 

TA PHẢI BIỆT SỐNG THEO TA

…..

MỘT CUỘC ÐÀM THOẠI – BÀI HỌC CỦA CỔ NHÂN 

Mấy năm gần đây, một số cán bộ trẻ miền Nam lại thăm tôi. Họ đều là độc giả của tôi, biết tôi nhiều từ hồi tôi ủng hộ phong trào đòi viện Ðại học Sài gòn dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ, có người hoạt động cho kháng chiến ở thành, sau ngày 30-4-75 được chính quyền tin dùng làm chuyên viên: bác sĩ, kĩ sư, kiến trúc sư v.v…

Người nào tới cũng hỏi tôi:
– Bác lúc này còn viết lách gì không?

Lần nào tôi cũng đáp:
– Dù không xuất bản được cũng phải viết. Vừa để đỡ buồn, vừa để học thêm. Mấy năm nay tôi chuyên nghiên cứu về triết gia Trung hoa thời Tiên Tần, đọc lại các kinh sách của Khổng, Mạnh, Lão, Trang, Tuân, Hàn… và kinh Dịch mà tôi cho là dung hòa được tư tưởng của Khổng, Lão tổng hợp nhân sinh quan của dân tộc Trung hoa cuối thời Chiến quốc, thời thịnh nhất của dân tộc Trung hoa cuối thời Chiến quốc, thời thịnh nhất của Trung triết.

Một lần, cuối năm ngoái, một bác sĩ trong nhóm đó biết ít nhiều chữ Hán, hỏi tôi:
– Bác thấy tư tưởng của các triết gia đó nay còn dùng được không?

Tôi đáp:
– Vẫn còn nhiều điều dùng được. Tri thức của ta hơn cổ nhân nhiều. Một em mười tuổi bây giờ cũng biết về vũ trụ, thế giới, vạn vật, kĩ thuật… nhiều gấp mấy Khổng, Lão, nhưng về đạo đức chúng ta không hơn cổ nhân, về phép xử thế chúng ta vẫn còn học cái khôn của cổ nhân. Ngay về chính trị cũng vậy nữa. Có những chân lí thời nào cũng đúng, cổ nhân đã do kinh nghiệm mà tìm ra được, truyền lại cho ta trong kinh sách đấy, chúng ta đọc cả rồi đấy, nhưng quên đi, hoặc nhớ mà không theo, nên phải thất bại. Tôi nghĩ tri thức rất dễ truyền: các định lí toán, các luật vật lí học một lần là nhớ và áp dụng được ngay; còn cái khôn của cổ nhân thì cơ hồ không thể truyền được, đích thân chúng ta phải từng trải rồi mới hiểu được, nhớ được bài học của cổ nhân. Mỗi người đều phải “sống” cuộc đời của mình, mỗi thế hệ đều phải sống cuộc sống của nó, sống từ đầu, có kinh nghiệm rồi mới rút ra được một nhân sinh quan, gần như tự tìm lấy hết, không nhờ được cổ nhân chút gì cả. Cho nên thời nào cũng có rất nhiều lầm lẫn…

Tôi lấy thí dụ: mấy năm nay đại đa số các trí thức Bắc, Nam, già trẻ mà tôi được gặp thường phàn nàn về chính sách “hồng và chuyên” của chính phủ. Ðảng coi trọng những cán bộ có tư tưởng cách mạng, có công lao với cách mạng hơn những chuyên viên, dù những cán bộ đó không có học cũng chỉ huy những chuyên viên hiểu biết về ngành gấp mười họ. Ta thấy nhiều trường hợp ông chánh chỉ có tiểu học ra lệnh cho ông phó có bằng phó tiến sĩ, xen vào công việc chuyên môn của ông phó, nhất là lại có thái độ kì thị ông phó, vì biết rằng ông phó giỏi hơn mình, rồi do tự ti mặc cảm mà sinh ra hống hách, ngăn cản công việc của ông phó. Chính sách đó có hại cho việc kiến thiết; chính vì nó mà hầu hết các chuyên viên ở Nam rất có khả năng, có nhiệt tâm phục vụ mà không được chính quyền dùng; một số rất ít được dùng thì lại bị chèn ép: chẳng hạn một thạc sĩ giáo sư Ðại học y khoa rất nổi tiếng về giải phẫu, phải chịu tùy thuộc một học trò của mình, chỉ vì cậu này đã “nằm vùng”, được chính phủ cho là “hồng”, tin dùng; giáo sư đó bảo sẽ giải phẫu cho một bệnh nhân nào đó vào ngày nào, giờ nào; học trò của ông ta gạt đi, định cho một ngày khác; ông ta bực mình đáp: “Tùy ý đồng chí” và ít tháng sau ông ta vượt biên với cả gia đình. Hiện ông ở Mĩ.

Chính Lénine đã nói: “Phải trọng chuyên viên như con ngươi của ta” vì trong thời kiến thiết, chuyên viên mới là cần nhấr; tuy thuộc nhiều kinh điển của Marx, tuy lập trường chính trị rất đúng mà không biết nghề thì cũng không làm được việc.

Người ta không theo Lénine là tại sao? Tại người ta tin như Hồng vệ quân Trung hoa rằng một cái đập xây không đúng phép, sắp vỡ, đương nứt nẻ, muốn rã, chỉ cần mở “cuốn sách đỏ”, tụng những lời của Mao Trạch Ðông là làm cho đập vững lại (vụ đó đã được quay phim ở đâu đó chắc để chê cách mạng văn hóa của Mao) hay tại người ta muốn thưởng những người có công lớn trong thời kháng chiến nên giao phó những chức vụ cao cho họ?

Khổng Tử trong thiên Tiên tiến, bài 24 (Luận ngữ) đã cảnh cáo chúng ta rồi. Tử Lộ, học trò của ông, làm gia thần họ Quí, tiến cử Tử Cao làm quan tể đất Phí. Khổng Tử trách: “Như vậy là làm hại con người ta” (vì Tử Cao chưa được học bao nhiêu). Tử Lộ đáp: “Làm chức tể thì có nhân dân để trị, có thần xã tắc (đất đai, mùa màng) để thờ (thế là học), hà tất phải học sách rồi mới gọi là học?” Khổng Tử mắng: “Vì thế mà ta ghét những lời lợi khẩu” (cưỡng lí để tự biện hộ).

Không học về canh nông mà làm viện trưởng viện nghiên cứu canh nông, không biết gì về hành chánh mà làm tỉnh trưởng. Sao không thẹn với Ðông Ðức: sau thế chiến, một đảng viên có công lớn được mời làm thứ trưởng, ông ta từ chối, xin được học thêm ít năm ở đại học đã.

Kinh Dịch, quẻ Sư, hào 6 cũng đã khuyên ta khi chiến thắng rồi, luận công mà khen thưởng thì kẻ ít học, dân thường tuy có tài chiến đấu, lập được công, cũng chỉ nên thưởng tiền bạc thôi, không nên phong cho đất để cai trị, vì công việc kiến thiết quốc gia phải là người có tài, có đức mới gánh nổi.

Lẽ đó rất tự nhiên, từ xưa nước nào cũng theo, như đời Trần nước ta, các tướng có công, được phong đất, phong tước, mà việc nước thì giao cho các người có học. Nước Anh sau mấy năm thế chiến rồi cũng chỉ thưởng tiền cho các danh tướng; chẳng những vậy, năm 1945, khi chiến tranh chấm dứt, họ thay cả viên Thủ tướng, cho Churchill về vườn, mặc dầu ông có công nhất trong việc cứu quốc, diệt Ðức; như vậy chỉ vì chính sách thời bình khác thời chiến, nên phải dùng người khác.
Chính vì không phân biệt chính sách thời bình và thời chiến mà sau khi hòa bình trở lại -ở Bắc năm 1954, ở Nam năm 1975- Ðảng cho địa phương tự trị như trong thời chiến, và lại dùng những người thời chiến để cai trị trong thời bình; do đó gây nhiều cái tệ mà tệ lớn nhất là cán nặng hơn gáo: mỗi tỉnh là một tiểu quốc, bất chấp cả trung ương, thậm chí một nhân viên rất nhỏ kiểm soát xe hàng, làm bậy, không theo quyết nghị trung ương, bảo hành khách: “Tôi ở địa phương chỉ biết lệnh địa phương, bà con biết lệnh trung ương thì cứ gởi đơn thưa trung ương”.

Như vậy là tiểu nhân tha hồ hoành hành, muốn tịch thu gì của hành khách cũng được, không ai răn đe họ khi họ mới mắc tội nhỏ, không ai chế ngự họ khi họ mới ló mòi, lâu rồi thành loạn. Tệ đó, quẻ Phệ hạp và quẻ Cấu trong kinh Dịch đều đã cảnh cáo nhà cầm quyền từ ba ngàn năm trước rồi. Ở nước ta ngày nay, chính quyền có cương quyết thay hết các ông hồng mà không chuyên đi (1) thì lấy người đâu để làm việc, và cái phe hồng mà không chuyên đó, bị mất quyền lợi, cấu kết với nhau, đâu để yên cho chính quyền. Cái hại đó, tôi e một thế hệ nữa chưa hết được.

*
* *

Trong việc trị dân, người nào có quyền vị thì phải có trách nhiệm. Qui tắc đó rất sơ đẳng, bọn Pháp gia -như Thương Ưởng, Hàn Phi- đều nhắc tới nhiều lần. Mà đạo Nho thời nào cũng chủ trương rằng dân mắc tội là lỗi ở tại người trên; người trên mắc tội thì chỉ người trên chịu, dân không liên can gì tới. Trách nhiệm của người cai trị thật minh bạch; muốn vậy quyền của người trên cũng phải rõ rệt, chỉ người nào có trách nhiệm mới có quyền quyết đoán, mưu việc. Thiên Thái Bá, bài 14 (Luận ngữ), Khổng Tử bảo: “Không ở chức vị nào thì đừng mưu tính việc của chức vị đó”, như vậy để định rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi người.

Chúng ta ngày nay theo chính sách “cai trị tập thể”, mỗi khi quyết định một việc gì, bất kì lớn nhỏ, cũng tập họp cả mấy chục đồng chí của nhiều cơ quan để thảo luận ở hội trường của tỉnh, huyện, hội trường nào cũng đồ sộ, xây cất rất tốn kém. Mỗi cơ quan lại có một hội trường riêng, nhỏ, họp hằng tuần về những vấn đề nội bộ. Quyết định tập thể có điểm tốt là biết được ý kiến nhiều người, tránh nạn độc đoán, nhưng hội họp nhiều quá, tới mỗi tuần, nhân viên phải đi họp ba bốn buổi tối, lần nào cũng kéo dài hai ba giờ mà chẳng giải quyết được gì -vì càng nhiều ý kiến lại càng khó quyết định- thì mất thì giờ vô ích, ai cũng ngán. Tai hại nhất là công việc bê trễ, không ai dám lãnh trách nhiệm, trút trách nhiệm cả cho tập đoàn, mà tập đoàn làm chủ tức là không ai làm chủ hết.

Tôi có lần là nạn nhân của chính sách đó. Tôi muốn về Long xuyên nghỉ khá lâu, xin Ủy ban nhân dân phường cho phép tôi chở về Long xuyên ít bàn ghế, một số sách và ít đồ cần dùng. Phường không dám cho phép, bảo tôi xin phép công an, công an cũng không cho dám cho phép, bảo tôi trở lại phường; tôi dĩ nhiên không chịu làm trái banh để hai cơ quan đó tung cho nhau, bảo công an bàn tính với phường rồi trả lời cho tôi. Họ bàn tính với nhau không biết mấy lần, cứ hẹn lần bắt tôi đi đi về về tám lần, không cơ quan nào chịu nhận trách nhiệm kí một giấy phép rất tầm thường như vậy. Tôi nổi dóa, đòi gặp ông chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, họ bảo ông đi vắng -ông này còn khó gặp mặt hơn thiên tử thời xưa, không bao giờ tôi thấy mặt ông cả- sau cùng tôi bảo sẽ khiếu nại lên bí thư thành ủy, lúc đó họ mới chịu cho phép. Thật là tốn biết bao thì giờ cho tôi và cho cả họ. Ai cũng phàn nàn trong chế độ này, nhân viên nào cũng sợ lãnh trách nhiệm mà quyền hành thì rất lớn

Chương 30-31 Ðạo đức kinh, Lão Tử khuyên kẻ dùng binh khi đạt được mục đích thì thôi, đừng ỷ mạnh, tự phụ, khoe công; thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay thì tức là thích giết người. Tổ tiên ta đã theo đúng lời đó. Lê Lợi sau khi thắng quân Minh, Quang Trung sau khi thắng quân Thanh, đều khiêm nhu, mềm dẻo với Trung hoa.

Mustapha Kémal sau khi thắng quân Hi lạp ở Dumulu Punar, bắt được hai tướng Hi lạp là Tricopis và Dionys, tiếp đãi họ rất nhã nhặn trong lều của ông, mời họ giải khát rồi cùng nhau phê bình chiến lược của hai bên, làm cho họ phải khâm phục. (Chính phủ mình có lẽ không ai nhớ bài học của Lê Lợi và Quang Trung, và tướng Trần văn Trà chắc chắn không được đọc tiểu sử của Mustapha Kémal. Giá tướng Trà khi vào dinh Ðộc Lập cũng nhã nhặn với tướng Dương văn Minh như Kémal và nếu chính phủ mình sau khi nhận được lời khen của thế giới, chỉ nhã nhặn tuyên bố rằng dân tộc Việt Nam bất đắc dĩ phải giành độc lập và sở dĩ thành công là nhờ chính nghĩa, chịu kiên nhẫn và được các nước anh em ủng hộ; bây giờ sau ba chục năm chiến tranh chúng tôi xóa hết các hận thù, chỉ muốn yên ổn kiến thiết và rất mong được sự giúp đỡ của tất cả các nước, cộng sản cũng như tư bản; nếu có thái độ như vậy, đừng ham làm chủ bán đảo Ðông dương ngay thì tôi chắc chúng ta không phải chịu chiến tranh thứ ba chưa biết sẽ kéo dài tới bao giờ nữa. Chúng ta đang bị sa lầy ở Cao miên, cầm chân ở Bắc Việt, đương mất máu lần, Nga tiếp máu cho được bao lâu và với điều kiện nào? Thế là mới thoát được ách Mĩ thì đã bị ngay nạn Trung hoa, Việt nam trước là nơi tranh chấp của Trung hoa và Mĩ, nay thành nơi tranh chấp của Nga và Trung hoa.

*
* *

Kinh Dịch, quẻ Giải khuyên khi hoạn đã giải được rồi, chiến tranh đã hết, dân chỉ mong an cư lạc nghiệp, người trị dân nên có chính sách khoan đại, giản dị; tuy phải trừ những cái tệ cũ, nhưng chỉ nên sửa cho sự bình trị được lâu dài thôi, không nên xáo động quá, nhất là nên làm cho mau xong, đừng đa sự.

Quẻ Cách lại khuyên thay cũ đổi mới là một việc khó, ngược với thói thủ cựu của con người, cho nên muốn có kết quả thì sự cải cách phải hợp thời, phải sáng suốt, soi xét rạch ròi, thận trọng, tính toán kĩ, làm sao thỏa thuận được với lòng người, đừng nóng nảy; và cải cách tới một mức nào đó thì nên ngừng lại, đừng cầu được hoàn toàn thì mới khỏi thất bại.

Giá chính phủ biết khoan dung lại biết giản dị, không cải cách gấp mà tiến hành từ từ thì có thể 90% miền Nam đoàn kết với chính quyền mà sự cải cách tiến được đều đều, vững, không phải sửa sai, thụt lùi mấy lần, mà cũng không có sự tan rã, hỗn loạn trong xã hội như hiện nay.

Mấy ngày đầu tháng 5-1975, người Nam nào cũng phục tinh thần kỉ luật của quân đội giải phóng và chính sách khoan hồng của chính phủ. Tuyệt nhiên không có cuộc “tắm máu” hồi tết Mậu Thân ở Huế như nhiều người lo ngại, mà cũng không có vụ trả thù cá nhân nào. Nhưng chẳng bao lâu, thái độ khinh bỉ, căm thù lần lần xuất hiện. Người ta coi đồng bào trong này đều là ngụy hết, người ta mưu mô tước đoạt tài sản của ngụy, bắt ngụy đi kinh tế mới để cướp nhà của ngụy. Tại giữa chợ Trương Minh Giảng, một chị cán bộ ở Hà nội vô, nói với bạn cũng cán bộ ở Bắc vô sau: “Chị đừng lo, tụi nó sẽ bị đuổi đi kinh tế mới hết, lúc đó chúng ta sẽ có nhà rộng để ở”.

Tinh thần chia rẽ, thù oán từ đó phát sinh và mỗi ngày hố giữa Nam Bắc mỗi sâu thêm.

Rồi chính sách bắt ngụy quân, ngụy quyền đi cải tạo nữa. Mới đầu người ta bảo mỗi người mang theo quần áo, thức ăn, tiền nong đủ cho 15 ngày, nên ai cũng tưởng chỉ độ 15 ngày là về, trong 15 ngày đó chính quyền sẽ chỉ bảo, dẫn dắt cho hiểu đường lối của chính phủ, lối sống mới và diệt những thói quen tật cũ đi; như vậy là điều rất tốt, và ai cũng hăng hái xách khăn gói lên đường cải tạo. Hết nửa tháng rồi hai ba tháng, rồi nửa năm vẫn chưa được về, lúc đó người ta mới hiểu rằng phải cải tạo cho tới khi nào thấy cải tạo hoàn toàn rồi thì mới được về. Và khi nào xong thì không biết. Tới nay (1981), đã 6 năm, vẫn còn nhiều người chưa được về. Có thể bị cải tạo 10 năm như ở Nga chăng? Người ta quên bài học của tổ tiên: vua Trần Nhân Tông sau khi thắng được quân Nguyên, bắt được tráp thư từ vãng lai với giặc của mấy ngàn người, không thèm coi, đốt đi hết, nhờ vậy mà đoàn kết được toàn dân.

Ðọc cuốn J’ai choisi la liberté (đã dẫn), nhất là bộ L’archipel du Goulag của Soljenystine (gồm 4 cuốn, 2 cuốn đầu dịch ra tiếng Pháp và in ở Paris trước 1975), chúng ta phải nhận rằng chính sách của ta không quá tàn nhẫn như chính sách của Nga. Một số trại của mình có chính sách nhân đạo nữa: ăn uống tuy thiếu thốn, nhưng được gia đình tiếp tế đều đều, nên người học tập không xuống cân, tinh thần tốt, được lao động vừa sức, được đọc sách báo… Nhưng có nhiều trại rất khắc nghiệt. Một thiếu phụ sau mấy năm xa cách, được đi thăm chồng tại một trại miền bắc Trung Việt, khi gặp chồng, không nhận ra được nữa, tưởng là người khác, mãi đến khi chồng cất tiếng hỏi, mới hết nghi ngờ. Chồng cô ta đã thay đổi hẳn từ thể xác tới tinh thần, mất mấy chục kí lô, đi không vững, hốc hác, chậm chạp, gần như một cái xác không hồn, lầm lì, hỏi mới đáp, không còn tình cảm, không suy nghĩ, không nhớ gì cả, sống mà như chết rồi.

Ði cả ngàn cây số mới tới trại mà chỉ được gặp mặt chồng có nửa giờ, lại không được khóc, nếu khóc thì bị đuổi ra liền. Hết nửa giờ, vợ chồng chia tay nhau, vợ nhìn theo chồng đẩy chiếc xe chở đồ tiếp tế về chỗ giam; khi chồng khuất bóng rồi, cô ta gục đầu xuống bàn mà khóc, khóc không biết bao lâu, hết nước mắt mới đứng dậy, loạng choạng ra khỏi trại.

Có trại gọi là “trại bò”, không phải để nhốt bò mà để nhốt những ngụy quân ngụy quyền cao cấp; phòng giam họ chỉ có một cái cửa cao độ một thước, muốn vô thì phải bò.

Lối trừng trị như vậy tôi cho là vô ích, không “cải tạo” được con người. Tôi đã nói ở một chương trên, đại đa số những ngụy quân ngụy quyền ở trong nước không có tội gì cả, ngoài cái tội sống ở miền Nam, dưới chế độ Mĩ, Thiệu thì phải theo luật Mĩ, Thiệu; nhưng ngay cả những kẻ có tội đi nữa, nặng thì giết họ, nhẹ thì cứ dĩ trực báo oán, như vậy càng dễ cải hóa họ hơn, cần gì phải hành hạ như vậy; dĩ oán báo oán, oán bao giờ mới hết được? Ðã hành hạ họ lại không cho con họ vô Ðại học mặc dầu học giỏi. Người ta chê bài học của Khổng Tử: Thiên Ung Dã, bài 4 ông bảo cha Nhiễm Hữu (Trọng Cung) là người ác, nhưng Nhiễm Hữu là người hiền thì cũng dùng.

Làm cho người dân tưởng rằng chỉ phải đi cải tạo nửa tháng mà rốt cuộc là phải đi 5-6 năm, có thể là 10 năm; bảo là cho họ học tập, cải tạo tinh thần mà sự thật để hành hạ, để trả thù, như vậy làm sao dân tin được chính quyền? Lệnh trung ương ban hành, địa phương không theo, làm ngược hẳn lại; lương hưu trí không phát, tiền tiết kiệm gởi ngân hàng không cho rút ra mà không thẳng thắn cho họ biết lí do, cứ làm thinh để dân chờ hết ngày này qua ngày qua năm khác, chờ chán thì tuyệt vọng, thôi không đòi hỏi nữa; cho người ta đăng kí vượt biên bán chính thức, thu của mỗi người bao nhiêu vàng, rồi bỗng nhiên ngưng lại hết mà không trả lại đủ vàng cho người ta; thâu thuế của người ta và cho phép bán ở chợ trời rồi đột nhiên bao vây cả một khu, tịch thu hết hàng hóa; khi chưa nắm chính quyền thì hứa sẽ bỏ hết các thuế chợ, chia đất cho dân cày; nắm chính quyền được ít lâu thì thuế chợ còn nặng hơn trước, mới chia đất cho dân thì đã bắt dân vào hợp tác xã nông nghiệp, bỏ quyền làm chủ miếng đất của họ mà làm chủ tập thể; tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng miền Nam theo chế độ dân chủ, trung lập, rồi một năm sau đã thống nhất quốc gia, hủy bỏ chế độ đó, bắt miền Nam theo xã hội chủ nghĩa như miền Bắc; báo chí, các đài phát thanh chỉ thông tin một chiều, không cho dân biết sự thực, đến nỗi chính những cán bộ ở bưng về cũng phàn nàn rằng báo chí nói láo hết, như vậy dân làm sao tin chính quyền được.

Mở bộ Luận ngữ ra sẽ thấy cả chục bài khuyên nhà cầm quyền giữ chữ tín với dân, đặc biệt là bài 7 thiên Nha Uyên:
“Tử Cống, một môn đệ của Khổng Tử, hỏi về phép trị dân. Khổng Tử đáp: “Lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền”. Tử Cống lại hỏi: “Trong ba điều đó nếu bất đắc dĩ phải bỏ một thì bỏ điều nào trước?” Ðáp: “Bỏ binh bị”. Tử Cống lại hỏi: “Trong hai điều còn lại, bất đắc dĩ phải bỏ một nữa thì bỏ điều nào trước?” Ðáp: “Bỏ lương thực. Từ xưa vẫn có người chết, nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền phải đổ” (dân vô tín, bất lập).

Một số học giả phương Tây như linh mục Cras nhận rằng không có học thuyết nào trọng đức thành tín bằng đạo Nho, mà đức đó thời nay bị người ta coi rẻ nhất.

Ở thời Khổng Tử, chính quyền nào không được dân tin thì chính quyền đó phải đổ. Vì dân có thể nổi loạn, lật đổ vua, hoặc kéo nhau qua nước khác ở, tìm một ông vua khác để thờ. Ở thời đại chúng ta, khoa học đã tặng nhà cầm quyền những phương tiện cực kì hữu hiệu để đàn áp dân chúng; họ lại nắm sự phân phối thực phẩm, có những thuật mềm nắn dắn buông, vuốt ve dân chúng, cho nên một chế độ độc tài không bao giờ sụp đổ vì chính sách tàn bạo của nó; nếu một nhóm người cầm quyền biết đoàn kết với nhau, quyết tâm bắt dân theo đường lối của họ thì dân phải răm rắp cúi đầu tuân lệnh. Nhưng khi dân thấy chế độ độc tài không đem lại cho họ được một cái lợi gì thì họ phản kháng một cách tiêu cực, tà tà, lè phè, không hăng hái làm việc -chính quyền mình ba năm nay chống tiêu cực mà chẳng có kết quả gì cả- và khi chính quyền thấy chính sách độc tài không có lợi cho cả chính quyền nữa thì tất phải thay đổi chính sách.

Lúc này ai cũng thấy trong thành phần nòng cốt của chế độ, tức đảng viên, quân nhân, nhất là công an, đã chán nản, sa đọa rồi. Ở Long xuyên năm ngoái đã xảy ra một vụ: một anh bộ đội và một anh công an gây nhau ở khu chợ, hằm hè rút súng ra tính hạ nhau. Sau anh bộ đội hỏi anh công an: “Lương anh bao nhiêu một tháng mà anh hút thuốc thơm 2 đồng một điếu? Cứ lục túi các anh công an thì không anh nào không có một gói thuốc thơm. Các anh lấy tiền đâu mà mua?” Anh công an không đáp được, tẽn, bỏ đi.

Ðã có nhiều tin quân đội dùng tàu, xe nhà binh chở đồ lậu từ Miên về bán tại các tỉnh gần biên giới. Lại có tin công an ôm vàng và súng ống, dùng tàu chính phủ vượt biên. Tới mức đó thì thế nào cũng phải thay đổi, ngay đồng bào miền Bắc cũng mong mỏi sự thay đổi từ mấy năm nay rồi, vì ngoài đó cũng trụy lạc không kém trong này. Cứ coi mục “Ý kiến bạn đọc” trên tờ Nhân dân thì biết.

*
* *

Kinh Dịch đã xét trường hợp phải làm cách mạng (như trên tôi đã nói), lại xét cả trường hợp trừ bỏ sự li tán mà đoàn kết lại (quẻ Hoán), muốn vậy phải bỏ tinh thần bè phái, nếu cần thì giải tán bè phái, để tập họp quốc dân mà lo việc nước, tức giải tán cái nhỏ để gom cái lớn lại. Việc đó chính phủ cách mạng đã có một lần làm rồi (năm 1946). Hễ thành tâm thì có kết quả. Nhất là phải thay đổi chính sách kinh tế, bớt thuế má đi, phải cho dân có lợi thì dân mới hăng hái sản xuất.

Từ văn minh nông nghiệp chuyển qua văn minh cơ giới, kĩ thuật, sự phát triển kinh tế đòi hỏi rất nhiều vốn. Vì cần nhiều nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc mà máy móc phải cải thiện hoài, thay đổi hoài. Bọn tư bản phương Tây đầu thế kỉ trước bóc lột công nhân tàn nhẫn, vô nhân đạo, bỉ ổi; nhưng chúng ta phải nhận rằng chúng bóc lột như vậy một phần nhỏ để gia đình chúng hưởng, một phần lớn để gây vốn, mua thêm máy móc, xây dựng thêm nhà máy, cải thiện phương tiện vận tải giao thông… nhờ vậy kinh tế mới phát triển được.

Ngày nay các nước lạc hậu, nghèo như nước ta mà muốn xây dựng một cơ sở kĩ nghệ gần như bắt đầu từ số không thì dù được nước bạn viện trợ, hoặc tư bản nước ngoài đầu tư, cũng phải dùng cách đó của tư bản, bắt dân chúng làm việc nhiều, tiêu pha ít, ăn lương ít để tạo một số vốn cho quốc gia, nói trắng ra là phải bóc lột lao động, chỉ khác là chính quyền chứ không phải cá nhân bóc lột, mà chính quyền có quyền gấp ngàn cá nhân, tha hồ bóc lột mà không cho dân phản kháng, lấy lẽ rằng bóc lột để xây dựng tương lai cho quốc gia, cho các thế hệ sau, chứ không để cho một giai cấp nào hưởng.

Tuy nhiên, muốn cho dân chúng chấp nhận chính sách khắc khổ đó thì trong xã hội:
– phải có sự công bằng: từ trên xuống dưới đều chịu khắc khổ chung; ngay những bà già vô học ở Nam cũng bảo: nếu cán bộ giữ chính sách “ba cùng” – cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, như trong hồi chiến tranh thì bảo gì mà dân không vui vẻ làm?

– phải có sự quản lý chặt chẽ, không dung túng sự phung phí, gian tham;

– phải trọng những nhu cầu tối thiểu của dân, đừng làm trái hẳn bản tính con người, nghĩa là phải cho dân đủ ăn, đủ mặc, có chút tiêu khiển, có chút lợi, có chút của riêng thì dân mới đủ sức mà làm việc, có chút hứng thú để tăng năng suất lên.

Không thể tặng cho người ta mỹ hiệu là “chiến sĩ xây dựng xã hội chủ nghĩa”, ngày đêm hô hào người ta “hy sinh cho đời con cháu được sung sướng” để bắt người ta sống cực khổ suốt đời, đời này qua đời khác được; vì nghĩ cho cùng khuyên người ta hy sinh cho đời con cháu thì có khác gì các cụ đời xưa khuyên ăn hiền ở lành để phúc cho con; có khác gì các tôn giáo Ki Tô, Hồi Hồi, Phật khuyên tín đồ chịu cực trong cõi trần này để chết đi được lên thiên đàng hoặc cõi niết bàn không?

Bạn bác sĩ ấy chăm chú nghe tôi nói non một giờ, khi về bảo tôi: “Cháu xin phép bác được thỉnh thoảng lại học bác nữa.”

Hôm nay để ghi lại cuộc đàm thoại, tôi sắp đặt lại qua loa, dẫn thêm vài đoạn trong kinh sách và thêm một vài ý (như quẻ Hoán) còn đại cương thì giữ đúng.

Nhưng ghi xong rồi, tôi nghĩ lại mà tự trách mình hôm đó đã nói nhiều quá, quên mất lời cổ nhân: “Không cùng đạo với nhau thì làm sao có thể nói chuyện với nhau được?”

(1) Công việc này, tháng 9-81, chính quyền rục rịch làm, chờ xem kết quả ra sao.

Hết: Một Bài Học Cổ Nhân Xem Tiếp: Mình Theo Cả Lầm Lẫn Của Người

Tìm Kiếm