Cung Đình Thanh 

HỘI LÀNG,

MỘT ĐẶC TRƯNG CỦA NGÀY

TẾT NGUYÊN ĐÁN VIỆT NAM

 

 

Tết Nguyên Đán được lưu truyền ở Việt Nam tự thuở nào thì hình như chưa có được sự nhất trí của các nhà cổ sử học và cổ nhân chủng học. Nhưng ý nghĩa của ngày Tết vừa có tính cách tôn giáo mà mục đích chính là thờ cúng tổ tiên và nhớ ơn Ông Bà, Cha Mẹ, vừa có tính cách vui chơi nhân sau vụ mùa thì gần như đã có sự đồng thuận của mọi người từ xưa, rất xa xưa. Trong một quyển sách cổ có trên ngàn năm mang tên An Nam Chí Nguyện, Cao Hùng Trưng đã viết :

“… Hàng năm, ba ngày Nguyên Đán đều thịnh soạn cỗ bàn cúng bái tổ tiên. Trai gái chay giới hương hoa lễ Phật ; chơi trò đánh đu, đá cầu, hát múa ; chuyền nhau cầu tròn, kéo co dây, bên nào thắng uống rượu, bên nào thua uống nước lã… Năm hết Tết đến, ai nấy có chi tiêu cho hết, một lòng thành kính để cúng tổ tiên rất hậu, đốt pháo tre ống lệnh, ăn uống linh đình, dong đèn thâu đêm suốt sáng…” (sách do Trường Viễn Đông Bác Cổ xuất bản năm 1931, trang 208-312).

Trong bài báo này, để quý vị đọc vui trong mấy ngày Xuân, người viết chỉ xin giới thiệu một vài lễ hội Làng, vốn là đặc trưng không thể thiếu trong Lễ Tết Nguyên Đán Việt Nam.

Lễ hội quả là một bách khoa tự điển diễn tả về mọi sinh hoạt hiện nay cũng như cổ xưa của người Việt. Xin hẹn sẽ có dịp bàn đến những lễ hội có tính cách văn hóa, văn nghệ giải trí, tính cách thi tài, những loại hình lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo… Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến một loại lễ hội mang luyến ái tính. Cũng có người giải thích rằng những lễ hội mang tính cách luyến ái là để phản ứng lại quan niệm Khổng Mạnh chủ trương nam nữ thụ thụ bất thân và có ý chống lại qui chế hôn nhân phỏng theo Trung Hoa là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, bằng cách dựa vào nguyên tắc là phép vua thua lệ làng, dựa vào chủ trương :

Trống làng nào làng ấy đánh,

Thánh làng nào làng ấy thờ.

để tạo dịp cho trai gái có được tự do gặp nhau hầu dễ dàng lựa chọn người phối ngẫu theo ý riêng của mình. Cách biện giải này ở một phương diện nào đó, khi tục lệ Việt Nam trong các triều đại phong kiến quân chủ sau này đã thành nề nếp, có thể có một phần lý do. Nhưng nếu để giải thích nguồn gốc của tục lệ này từ thời xa xưa thì sai trật bởi phần lớn những hội làng mang tính cách luyến ái đã có từ trước khi xã hội cổ Việt Nam tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, từ trước khi có sự du nhập Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo vào Việt Nam.

Chỉ có thể giải thích rằng những lễ hội mang luyến ái tính này do từ một ý niệm rất phổ biến trong lễ nghi phong tục các dân tộc nông nghiệp cổ truyền, xuất phát từ quan niệm giao hòa âm dương mà người ta cho có ảnh hưởng rất quan trọng tới kết quả của mùa màng.

Bởi vậy, đã từ lâu người ta vẫn tìm cách giải mãi những hoa văn ở trên trống đồng mà một trong những hoa văn rất nổi tiếng là hoa văn theo hình họa dưới đây trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ.

Theo Trần Quốc Vượng, người đầu tiên “đọc” được ý nghĩa của hoa văn này là Nguyễn Từ Chi (theo Dòng Lịch Sử, Nxb Văn hóa 1996, trang 80) cho đây là hình một con chim lao đầu vào miệng rắn. Cũng theo Trần Quốc Vượng, đây là hình tượng phản ánh rõ nhất ý niệm lưỡng phân và lưỡng hợp, gọi nôm là ý niệm “chia hai, hòa một”, một trong những ý niệm nền tảng của nền văn minh Đông Sơn. Cùng một quan niệm tương tự, nhưng Triết gia Kim Định đã nhìn hình tượng này qua một lăng kính khác nên ông đã đặt cho hình tượng này một tên cũng rất có ý nghĩa : “Thuyền tình, bể ái”. Người ta cũng nói nhiều về hình ảnh của một đôi nam nữ giao hợp với nhau trên nắp của thạp Đồng Thịnh.

Vì vậy chúng ta sẽ không lấy làm lạ về những hội hè có tính cách luyến ái này đã có từ trước khi có sự giao tiếp với văn hóa Trung Hoa tức là trước thời Bắc thuộc, bởi trống đồng Hoàng Hạ cũng như thạp Đồng Thịnh là những đặc trưng của văn hóa Việt Nam đã có từ thời Đông Sơn cách đây trên 3.000 năm. Thấp thoáng ở những hình tượng như hình tượng trên cũng như qua hội hè đình đám, ta hình như vẫn mường tượng thấy hình ảnh Thần Tổ kép Tiên-Rồng của Lạc Long – Âu Cơ, và bao trùm trên tất cả những hình tượng và lễ hội ấy hình như có hàm ngụ nền tư tưởng Cổ Việt mà giáo sư Đào Văn Dương và Lư Tấn Hồng thường gọi là Triết lý chủ đạo Việt gồm ba quy luật :

– Tác động hai chiều

– Đối lập thống nhất

– Phân công hợp tác

(Tập san TƯ TƯỞNG số 10, Văn minh nông nghiệp và đời sống con người, trang 14).

“Đối lập thống nhất” phải chăng cũng diễn tả một ý niệm tương tự như “lưỡng phân lưỡng cực”.

Để tạm hình dung ý niệm đặc biệt này qua hình thức hội hè mang tính luyến ái, chúng ta có thể chia những ngày hội ra làm ba loại tùy theo hình thức của nó và mức độ luyến ái nhiều ít :

Lễ hội thuộc loại 1 : Những ngày hội chỉ có tính cách tượng trưng

– Thường gặp nhất là hội cướp cầu hay cướp kén mang tính cách phồn thực. Kén là cái hình dương vật và âm hộ gắn liền với nhau. Đến ngày hội ở giữa sân đình làng kén được tung lên cao để ai cướp được thì tin rằng năm đó người ấy sẽ được may mắn, được mùa, được sinh con đẻ cái đúng như câu ca :

Ai cướp được con kén chày kình,

Ấy thực nam sinh công hầu bá tước.

Ai cướp được con kén mo dài,

Ấy thực tài cung phi hoàng hậu,

Con con cháu cháu tử thịnh tôn đa,

Ấy thực dân ta thịnh dân thịnh vật…

– Tiêu biểu thứ hai cho loại lễ hội này là trò hú tùng dí : Tùng dí là tên gọi của một nghi lễ mang một mặt là âm thanh của tiếng trống tùng, một mặt là động tác của chuyện dí hai hình dương vật và âm vật khác nhau. Lễ nghi trò diễn này cũng mang tính phồn thực và được thực hiện tại những hội lễ ở vùng Vĩnh Phú, huyện Phong Châu, xã Chu Hóa, nhất là tại hai thôn Vỹ Cương và Triệu Phú. Tục hội lễ được cử hành vào tối mùng sáu tháng Giêng. Mỗi làng chọn ba chàng trai ra biểu diễn và kèm theo việc gánh hai nắm lúa con, hai mâm xôi gói trong lá dong. Họ chia làm hai nhóm chạy vòng quanh sân đình. Mỗi khi có tiếng trống đánh lên, họ lại hú theo và dí hình dương vật nam vào hình âm hộ nữ. Mục đích buổi lễ là cầu khẩn thóc lúa đầy đa, mùa màng tốt đẹp. Tuy vốn là một trò diễn có tính cách phồn thực, mang quan niệm giao hòa âm dương mong được mùa màng tốt tươi, nhưng phong tục này được dân làng khoác thêm ý nghĩa lịch sử truyền thuyết kể rằng khi Sơn Tinh cưới được vợ là Ngọc Hoa công chúa, con vua Hùng Vương thứ mười tám, trong lễ đưa dâu, để giúp cô dâu khỏi buồn vì phải xa vua cha, dân làng đã diễn tục này.

Lễ hội thuộc loại hai :

Có mục đích là đả phá những cấm lệ nam nữ thụ thụ bất thân, khuyến khích hành động ve vãn cọ sát thân thể giữa phái nam với phái nữ. Ý nghĩa cao nhất cũng vẫn trong quan niệm giao hòa âm dương, mục đích để khuyến khích, để mong mỏi sự sinh trưởng của cây lúa tốt tươi, mùa màng được tốt đẹp.

– Tiêu biểu thứ nhất trong loại lễ hội này chúng ta có thể kể đến tục đánh đu. Mỗi cặp gồm có một bên là trai và một bên là gái, trèo lên một cái đu và cùng ôm sát nhau, đưa đu lên càng cao bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Cặp cao nhất sẽ thắng giải. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã diễn tả tục này bằng câu thơ bất hủ :

Trai đu gối hạc khom khom cật,

Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng,

Bốn mảnh quần hồng bay phất phới,

Hai hàng chân ngọc duỗi song song.

Tục này gần như xuất hiện khắp mọi nơi ở vùng châu thổ phía Bắc Việt Nam trong các ngày hội xuân.

– Tiêu biểu thứ hai cho loại hội này là tục bắt trạch trong chum. Tục này được thực hiện ở vùng Vĩnh Nghiêm và lớn nhất ở làng Văn Chưng, phủ Vĩnh Tường, bởi vậy ở vùng này đã có câu ca dao :

Bỏ con bỏ cháu, chẳng ai bỏ được mùng sáu chợ Dưng

Chợ Dưng là tên tục của xã Văn Chưng mà buổi họp chợ đầu năm là vào ngày mùng sáu tháng Giêng, mùng sáu Tết. Trong ngày hội những trò chơi được tổ chức ngay tại sân đình làng bên cạnh chợ. Trò bắt trạch trong chum là một hình thức biểu trưng cho sự hòa hợp âm dương mang ý niệm phồn thực : trạch là một loại lươn ngắn luồn lách rất nhanh, mình rất trơn, rất khó tóm bắt được. Chum là loại đồ dùng bằng đất nung được dân miền Bắc dùng đựng nước mưa, miệng hẹp mà thành lại khá cao. Trong cuộc thi, con trạch được thả vào chum gần đầy nước, những người dự thi, từng đôi một, một trai và một gái. Trai gái dự thi lại phải tuân theo lệ làng vừa ôm nhau vừa bắt trạch. Tay trái của gái ôm ngang lưng trai và dùng tay phải bắt trạch. Ngược lại tay phải của trai ôm ngang ngực người con gái và dùng tai trái cho vào chum để bắt trạch. Mỗi cuộc thi phải có ít ra là năm chum cho năm đôi trai gái dự thi. Ban giám khảo thường là những bô lão, trong những ngày thi này thường trở thành dễ tính, không cấm đoán những việc mà thường ngày đàn ông đàn bà không được phép ngang nhiên thực hiện trước mắt công chúng. Kẻ thắng trong cuộc thi sẽ được giải thưởng, thường gái được khăn lụa hồng hay trầu cau, trai được trà tàu, có khi cả trai lẫn gái được thưởng tiền. Những kẻ thua được phần thưởng là đã được ôm nhau thỏa thích và nhờ đó nhiều đôi có thể đi đến hôn nhân

Lễ hội loại 3 :

Khác với hai loại trên là lễ hội loại 3 không phải chỉ có tính cách tượng trưng, cũng không phải chỉ giới hạn ở các hành động ve vãn mà là việc tự do luyến ái thực sự ngay tại nơi công cộng chứ không phải chỉ ở chỗ riêng tư mà thôi. Loại hội này mang nhiều tên khác nhau như hội ôm, múa ôm, hội chen… mà nguyên tắc chung là tổ chức về ban đêm và có tắt đèn. Đèn tắt trong một tiếng đồng hồ hay nhiều tiếng đồng hồ tùy theo hội. Khi tắt đèn trai gái có quyền lựa chọn người mà mình thương yêu rồi rủ nhau tìm một chỗ kín đáo mà tự do luyến ái. Tục này được diễn ra ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất là tại La Khê thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, bởi vậy ca dao mới có câu :

Bơi đong rước giá hội Thầy

Vui thì vui vậy chẳng tày hội La

Trong hội La, khi rã đám tổ chức vào hai ngày mùng sáu và mùng bảy Tết, ngoài việc tế lễ rước sách như những nơi khác, cốt lõi của hội là đám rước để tất cả dân làng kéo nhau vào đình kết thúc hội bằng một lễ tế về đêm : đến một lúc nào đó (khoảng mười hai giờ đêm) thì đèn nến tắt phụt hết. Người ta giải thích ông thần làng vốn là một người ăn trộm lại có tính dâm bôn nên phải tắt đèn, hàm ý để thần hành nghề cho có kết quả. Mà thần hành nghề càng có kết quả thì năm ấy dân làng làm ăn càng thịnh vượng. Khi đèn tắt, những người dân trong làng đang ở trong đám tế cũng được làm những việc mà ngày xưa vị thành hoàng làng đã làm. Do đó, nếu không phải đã lựa chọn trước thì có cảnh trớ trêu ông già có thể vớ được gái tơ, ngược lại trai đang xuân lại ôm phải bà già. Tương truyền rằng năm nào làng La không thực hiện việc tắt đèn để cho nam nữ tự do luyến ái với nhau thì sẽ gặp những điều trắc trở như mùa màng thất thu, buôn bán thua lỗ, cũng có thể đưa đến dịch tễ chết người. Bởi vậy, dù đối với đạo đức có vẻ như là không thích hợp mà làng La Khê vẫn giữ nguyên tục này cho đến ngày nay. Ngoài làng La ra cũng còn nhiều làng khác có những tục tương tự như làng Ngô Xá ở Võ Giãng, Bắc Ninh, làng Miện Thượng. Tôi nói tục này còn truyền đến ngày nay là căn cứ vào thực tế cũng có mà vào tiểu thuyết phản ánh thực trạng của xã hội cũng có. Xin kể một quyển tiểu thuyết gần đây mà tác giả là người sống dưới chế độ cộng sản ở miền Bắc trước năm 1975. Truyện nói về mối tình của một đôi trai gái thương yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Người con trai phải vào bộ đội để đi B tức là đi chiến trường miền Nam, hẹn khi hết chiến tranh sẽ trở về cưới nhau. Nhưng chẳng may, chiến tranh kéo dài quá lâu, người trai đi rồi bặt tin không liên lạc được với người con gái mình thương ở quê nhà. Tại quê có một anh cán bộ huyện ủy (hay ủy gì đó tôi không nhớ chắc), không phải đi lính vì là đảng viên, ở nhà cứ o ép người con gái mãi nên cuối cùng anh ta lấy được cô này làm vợ. Sau này người con trai về được đến làng thì người yêu lúc này ván đã đóng thuyền. Anh ta muốn gặp lại người xưa mà chờ mãi không có dịp. Phải đợi đến đêm làng mở hội (có tắt đèn) anh ta mới hẹn được người yêu cũ ra đình để tình tự cho thỏa lòng mong nhớ. Người con gái trong truyện đồng ý với kế hoạch của người tình cũ, nhưng đến hôm hẹn ước, thay vì đích thân mình đến điểm hẹn lại đưa một người con gái khác thế thân đến để gặp chàng trai kia. Truyện kết thúc thế nào tôi không còn nhớ rõ nhưng nhớ nhất là cái tục đã có từ xưa rồi bẵng đi một thời gian không áp dụng vì chính quyền miền Bắc theo xã hội chủ nghĩa : năm 1945 khi Việt Minh cướp được chính quyền thì năm sau đã chiến tranh với Pháp. Lợi dụng chiến tranh chống ngoại xâm chính quyền thời đó đã dùng chính sách tiêu thổ kháng chiến phá gần sạch tất cả những di tích đền chùa cũ và bãi bỏ đi những tục lệ của người xưa, coi như là những hủ tục. Cho đến khi đã chiếm được cả miền Nam, gặp lúc kinh tế khó khăn, đất nước rơi vào cảnh đói kém và theo trào lưu chung của các nước theo chế độ cộng sản, Việt Nam đã đổi mới kể từ năm 1986, do đó đã cởi trói những luật lệ khe khắt cũ, cho dân làng các nơi được phục hồi lại những hội hè đình đám của mình. Phần khác, tổ chức hội làng cũng có mục đích để thu hút du khách ngoại quốc, nhất là của kiều bào ở nước ngoài về thăm nhà hầu có thể lấy ngoại tệ để giúp sửa đổi tình trạng khó khăn về kinh tế trong nước. Vì vậy chính quyền Việt Nam hiện nay không những đã cho phép mà còn khuyến khích những tổ chức hội làng. Lạ một điều là gần một nửa thế kỷ đã bị bãi bỏ hoặc giản lược đi mà chỉ trong một thời gian ngắn vài ba năm, những làng xã lại phục hoạt được những lễ hội như cũ và nhiều nơi còn tổ chức linh đình hơn xưa nữa. Rồi, nhờ những ngoại tệ thu được, họ đã tu sửa được những đền chùa, đình miếu và đã tổ chức lại được những sinh hoạt hội lễ của tiền nhân để lại từ mấy ngàn năm. Thế mới biết sức sống mãnh liệt của người dân Việt mạnh mẽ biết chừng nào. Tuy nhiên, bởi thiếu hướng dẫn chu đáo và mục tiêu quá hướng về lợi nhuận, việc phục hưng tổ chức hội làng cũng chưa thu được kết quả văn hóa như mong muốn.

Bằng hội làng, bằng vào châm ngôn phép vua thua lệ làng và tục ngữ “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, người Việt Nam đã biết dùng những hội làng trong dịp lễ Tết về mùa xuân, mùa thu để luồn lách vừa tránh những cấm kỵ về luật lệ hôn nhân, vừa tránh được sự phê phán trên căn bản đạo đức về quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân, để cho phép những người trai gái, dù chỉ trong một thời gian ngắn của ngày hội, thời gian tạm gọi là thời gian linh thiêng khác với những ngày thường, có thể tự do chọn được người bạn trăm năm hợp ý của mình và ngoài sự cấm đoán của cha mẹ. Bởi rất nhiều làng đã theo lệ làng và để không trái với muốn của thành hoàng, đã không những cho phép trai gái vì tự do luyến ái trong ngày lễ, mang thai với nhau được tự do kết hôn, mà trong những trường hợp đó, lại còn được miễn tiền cheo phải nộp cho làng nữa. Ta thấy tập tục này nhìn bằng con mắt ngày nay quả là rất lạ, nhưng lại rất phù hợp với quan niệm phóng khoáng của tiền nhân và là một kẽ hở, một nút xì hơi an toàn để cho con dân Việt một mặt vẫn sống theo luật lệ mới cho hợp với Nho giáo, mặt khác vẫn thỏa mãn được nhu cầu về tình cảm, về luyến ái quan theo nếp sống của tiền nhân. Sức mạnh của dân Việt là ở những điểm mâu thuẫn tế vy đó. Nếu không tìm hiểu đến nơi đến chốn chúng ta sẽ không hiểu được và không khai thác được sức mạnh của dân tộc trong việc giữ nước, cũng như trong việc phát triển quốc gia, đưa đất nước lên ngang tầm thời đại.

Cung Đình Thanh

Tìm Kiếm