…..

HUYẾT HOA

…..

X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A

…..

V- HỠI ƠI !

TÂM LÝ THẦN LINH HỌC

…..

1- ĐƯỜNG SỐNG VÀ ĐƯỜNG BIẾT

…..Trang Tử nói: Ðường sống có bờ mà đường biết thì không bến, cho nên tìm biết là tìm chết. Thế nhưng mà thực ra từ mặt cá nhân cho đến suốt mặt loài người, từ cổ tới nay, có biết mới sống được, biết là tất yếu của sống. Sống với biết là hợp nhất. Cho nên quan hệ của sự sống với sự biết có thể phân ra ba điều mà nói.

…..Biết là cái trục của sống. Descartes nói: “Je pense donc je suis”. Nhưng ta có thể nói: Tôi sống vì tôi biết. Biết là công cụ của đời sống, đồng thời là nền tảng và yểm hộ của sống.

 ….Phạm vi của biết đó là phạm vi của vũ trụ. Biết đến đâu tức là vũ trụ đến đó. Biết thẩm thấu vào cái thái cực nhỏ (infiniment petit) cho đến thái cực to, cho đến cái vô cực.

 ….Phạm vi của sống khai tịch và phát triển theo thủy chuẩn của biết, lịch sử đã chứng minh như vậy. Cố nhiên hoàn cảnh và kinh tế xúc tiến cái biết, nhưng mà cái biết phải lãnh đạo hoàn cảnh và kinh tế, lý luận phải lãnh đạo thực hành, mà thực hành phải xúc tiến, chứng minh và tu chỉnh lý luận.

….Có những hạng người cần biết mới sống được. Biết là cứu cánh ý nghĩa của nhân sinh. Có biết mới có khả năng sống được thực tế, nghĩa là sống trong cái chân ý vị dồi dào của đời người. Miệng núi Fuji-Yama đã từng nuốt sống mấy trăm thanh niên Nhật Bản. Những người đó vì lý tưởng của cả cái quốc gia non nớt của họ, vì cái phương châm đời sống của họ, đã vì cái chưa biết, cái không biết được, vì cái ám ảnh của triết học tối cao, đem vùi thân vào cái chưa biết được để tìm tòi và an ủi.

….Cho nên cái biết của loài người nói tóm lại có thể chia ra ba phương diện:

…..A. Cần biết về nguyên thủy:

…..a) Cái căn để của trời đất, tự đâu mà sinh, nghĩa là tìm cái tối viên mãn, cái tối thái sơ, cái tự kỷ nguyên nhân (la cause en soi) nó hoàn thành vũ trụ.

 ….b) Cái căn để của sự vật, ở đâu mà đến; nó là vật, nó là tâm, nó là lý hay là lực?

….c) Cái căn để của tự mình, cá nhân và nhân loại từ đâu mà có, ở đất bùn nặn nên hay tự tiến hóa nội tại?

 ….B. Cần biết về cứu cánh:

 ….a) Cứu cánh ý nghĩa của nhân sinh: Sống để làm gì?

 ….b) Cứu cánh giá trị của nhân sinh: Sống với ý vị gì?

 ….c) Cứu cánh y quy của nhân sinh: Sống gửi thác về, biết đâu là quê ở?

 ….C. Cần biết về chân tướng: 

….a) Chân tướng của tự mình: nhân thân tiểu thiên địa, mâu thuẫn đầy dẫy, nào biết cái chủ ngã ở nơi đâu, biết lấy cái gương nào mà soi thấu?

….b) Chân tướng của sự vật: xã hội với tự nhiên hỗn hỗn, mang mang, phức phức, tạp tạp.

….c) Chân tướng của chân lý: mịt mịt, mù mù, lấy đâu làm tuyệt đối?

 ….Loài người bởi để yên định sự sống của mình trong vũ trụ, cá nhân, xã hội, không thể không đi tìm cái tuyệt đối, cái nhất định của ba phương diện biết kia. Cái công việc lập tâm cho trời đất, lập mệnh cho nhân sinh, kế vãng khai lai, tức là ở nơi tìm cái chốt trục của trung tâm vạn vật, lấy cái đó để giữ vững mặt trời với địa cầu, bởi loài người phải tin mãi rằng có tìm thấy cái đó mới tránh khỏi hủy diệt. Ðông Tây kim cổ, Nho thì cần biết tính, biết mệnh, tri chí, tri chủng. Phật thì cần minh tâm huấn tính, đại giác, tự giác. Lão thì cần học tiên tu đạo, trường thọ, tồn chân. Gia Tô thì cần thánh linh mặc khải, thể nghiệm Chúa Trời. Rồi ra cái biết của loài người đi từ tuyệt đối luận (dogmatisme) đến vô tri luận (agnosticisme) cho đến kinh nghiệm luận (pragmatisme), hoặc giả vô thần (athéisme), hữu thần (théisme), phàm thần (panthéisme), hoặc giả duy tâm sử quan, duy vật sử quan, duy sinh sử quan, ba bề bảy mối. Than thay thanh niên! đời như hoa xuân mới nở, lòng như hạt móc ban mai, vừa bước chân ra khỏi cửa nhà, xa nơi gối mẹ, vội cảm thấy bốn mặt xoay vần, đường đi sai lạc, bởi muốn tìm cái sống ở nơi tự mình cho nên khổ vì muốn tìm cái biết.

 ….Dù sao sống nghĩa là bả ác được tự mình. Hãy nên tự giác (Connais-toi toi-même). Hãy tự kiến lập lấy một sinh mệnh hệ thống, lấy cái chủ ngã tối viên mãn ở trong nơi tự mình, làm tối cao thống súy cho tự mình. Herriot nói: “La connaissance c’est qui reste après qu’on a tout oublié”! Biết nghĩa là cái gì còn thừa lại sau khi người ta đã vứt quên những cái khác. Cái gì còn thừa lại? Ta (moi-même).

…..

X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A

…..
Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
ngày 7 tháng 10 năm 1969 (Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt)

Quay Trở Về

 

Tìm Kiếm