KHOA CỬ THỜI XƯA

Trần Hải Triều sưu tầm

IMG.831Dưới các đương triều phong kiến, đất nước ta trải qua một chặng đường dài 10 thế kỷ, đã tổ chức được nhiều khoa thi Tiến sĩ. Khoa mở đầu vào năm Ất Mão (1075) đời Lý Nhân Tông và Khoa kết thúc vào năm Kỷ Mùi (1919) đời Nguyễn Khải Định.

Về thể lệ thi, buổi đầu chưa ổn định, ở thời nhà Lý khoảng cách giữa những khoa thi thường là 12 năm. Đến khoa thi Kỷ Hợi mới được qui định 7 năm một kỳ. Sang nhà Lê, năm Thiệu Bình thứ 2 (1435) đời Thái Tông sửa lại là 6 năm 1 kỳ. Nhưng đến năm Quang Thuận thứ 7 (1466) Lê Thái Tông lại đổi lại là 3 năm 1 kỳ. Lệ thi này được chấp nhận suốt cả thời kỳ Hậu Lê cho tới cuối Nguyễn.

Từ Trần Thuận Tông đều qui ước : mùa thu năm trước thi Hương, mùa xuân năm sau thi Hội.

Khoa cử thời phong kiến gồm có 2 kỳ thi quan trọng bậc nhất được coi như hai cửa ải lớn. Đó là thi Hương (hương thí) và thi Hội (hội thí).

1. Thi Hương : Là kỳ thi một tỉnh hoặc liên tỉnh để chọn người vào thi Hội, thi Đình. Thể lệ thi Hương cũng được ổn định từ thời Lê Thánh Tông nên cũng từ đấy bắt đầu mở trường thi ở các địa phương.

Thời Lê có 9 trường thi : Nghệ An, Thanh Hóa (gồm cả Ninh Bình), Kinh Bắc (Bắc Kinh + Bắc Giang), Thái Nguyên (gồm cả Cao Bằng + Lạng Sơn), Hải Dương (gồm cả Quảng Yên), Sơn Tây (gồm cả Hưng Hóa + Hoài Đức), Sơn Nam. Trường thi Sơn Nam đặt tại làng Hiến Nam nên có tên gọi là trường Hiến Nam.

Năm 1813, Gia Long cho đặt thêm hai trường thi: Quảng Đức (gồm Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Định…) và Thăng Long (Hà Nội), gồm cả trường thi Kinh Bắc, Sơn Tây, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Năm Gia Long 18 (1819), Trường thi Sơn Nam dời về làng Vị Hoàng. Đến năm 1825, sau khi có tỉnh Nam Định, trường thi Vị Hoàng (tức Sơn Nam cũ được gọi là trường Nam Định).

Đến năm 1831, Vua Minh Mệnh lại cho định lại 2 trường thi ở Bắc Kỳ :

– Trường thi Hà Nội gồm 10 tỉnh : Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Ninh Bình, Thanh Hóa.

– Trường thi Nam Định gồm 4 tỉnh : Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương (gồm cả đất Thái Bình ngày nay), Quảng Yên.

Những người thi đỗ trong các kỳ thi Hương chia ra làm 2 loại : Loại 1 (từ Lê về trước), có các danh hiệu Cống cử, Cống sinh, Cống sĩ, Hương tiến, Hương cống. Những ông cử này sẽ được dự thi kỳ thi Hội. Loại 2 không được thi Hội gọi là Sinh đồ. Người đỗ đầu thi hương được mệnh danh là Giải nguyên.

Ngoài 2 loại đỗ chính ngạch Công cử và Sinh đồ này, còn có các tên gọi nữa như : Nho sinh (con cháu quan lại đã đỗ 3 kỳ thi trong 4 kỳ), Nho sinh trúng thức (đủ điểm đỗ cả 4 kỳ). Ai đỗ ở kỳ thi thứ nhất được dân làng gọi là ông Nhất, đỗ kỳ 2 gọi là ông Nhì.

Đến đời Minh Mệnh (1820-1840) đổi các danh hiệu Cống sĩ, Hương tiến thành Cử nhân và Sinh đồ thành Tú tài. Người nào đỗ Tú tài 2 khoa gọi là Tú Kép, 3 khoa gọi là Tú Mền, gọi tắt là ông Mền, 4 khoa thì gọi là Tú Đụp, tên tắt là ông Đụp.

Con đường dẫn đến thi Hương.

Khi trẻ con 6, 7 tuổi bắt đầu đi học gọi là Sơ học: có học sách Sơ học Vấn tân, Tam tự kinh (kinh ba chữ), Tứ tự kinh (kinh 4 chữ), Ngũ ngôn (văn vần 5 chữ). Tập làm văn khi đầu làm câu đối 2 chữ, 4 chữ, v.v… biết phân biệt vần trắc và vần bằng. Về đức dục học sinh phải lễ phép kính trên nhường dưới : “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Chừng 10 tuổi trở lên học Ngũ kinh và học lịch sử Trung Quốc suốt thời kỳ Bàn Cổ qua Hạ, Thương, Chu,  Tần, Hán cho tới Minh, Thanh, Chư Tử, Cửu Lưu. Còn lịch sử Việt nam học suốt từ Hồng Bàng trở về sau, từ Thục, Triệu qua Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ cho tới Nguyễn. Tập làm văn làm câu đối 7 chữ gọi là câu đối thơ, 8 chữ trở lên là câu đối phú.

Hình thức trường làng thường là trường tư (tư thục).

Thầy giáo trường làng được mệnh danh là thầy đồ. Thầy đồ do dân tự chọn, gồm những người hỏng thi, người hưu trí, hoặc thi đỗ mà không muốn làm quan, v.v… Nhà nước không đài thọ trường dạy trẻ con mà chỉ mở trường huyện, phủ và tỉnh. Quan giáo dục ở huyện gọi là huấn đạo, ở phủ gọi là giáo thụ, còn danh hiệu đốc học gọi là quan của  hàng tỉnh.

Thời Lê, năm 1428, Lê Lợi xuống chiếu cho thiên hạ mở trường đào tạo nhân tài. Ở Kinh Đô có Quốc Tử Giám, ở ngoài thì có các phủ học, huyện học. Nhà vua tự chọn những người tuấn tú cho vào học tại các trường Kinh Đô và Quốc Tử Giám. Nhà vua ra lệnh cho các quan giáo thụ, huấn đạo chọn rộng rãi con em người lương thiện cho vào học các trường phủ, huyện.

Đầu thời Lê Trung Hưng, học sinh trường huyện mỗi kỳ học nộp tiền 5 mạch gọi là tiền minh kinh. Loại trường học này chỉ dành cho học sinh đã có kiến thức khá, hàng năm, nhà trường tổ chức cho học sinh thi chất lượng vào tháng tư âm lịch gọi là “khảo khóa”. Khảo khóa gồm ba kỳ, ai đậu cả ba kỳ gọi là khóa sinh. Để chuẩn bị cho các kỳ thi Hương, các anh khóa này được miễn phu phen tạp dịch một năm và phải dự kỳ thi Tiên ích vào tháng 11 âm lịch, nhằm kiểm tra sự tiến tộ của họ trước khi bước vào kỳ thi Hương năm sau. Cách kỳ thi Hương 4 tháng, các anh khóa phải vượt qua kỳ thi sát hạch nữa. Thể lệ thi sát hạch rất nghiêm và tổ chức 4 kỳ hệt như thi Hương. Tới kỳ thi Hương nếu thực tế chất lượng học sinh khác với chất lượng khảo hạch, như không làm nổi bài, thậm chí bỏ giấy trắng thì các quan kiểm tra bị trừng phạt, nếu có 5 thí sinh trở lên thì bị cách chức. Giáo thụ, huấn đạo có thể bị giáng mấy cấp. Danh sách những người dự thi Hương phải có chứng thực lý lịch điịa phương và gửi về bộ Lễ trước kỳ thi 1 tháng. Bọn lưu manh côn đồ tuyệt nhiên không được ghi vào danh sách này. Lệ này hồi xưa gọi là Bảo kết.

Vào thời cuối nhà Lê, những người còn ở trong quân dịch không được dự thi, con em phường chèo, phường hát cũng không được thi, triều đình nhà Nguyễn còn qui định những học sinh đang chịu tang bố và ông nội cũng không được dự thi.

Phép thi Hương được qui định từ thời Lê Thánh Tông, gồm 4 kỳ (tứ trường, đỗ kỳ 1 mới được vào kỳ 2, cứ như thế vào kỳ 3 rồi vào kỳ 4).

Kỳ 1 : Bài thi gồm 5 đề về Tứ thư, Ngũ Kinh.

Kỳ 2 :  Chiếu, Chế, Biểu, mỗi bài viết theo lối cổ thể. Ngày xưa gọi là thể văn tứ lục, hay là văn biền ngẫu, văn xuôi, có 2 vế : vế 6 chữ, vế 4 chữ đối nhau.

Kỳ 3 : Làm một bài thơ và một bài phú. Thơ làm thể Đường Luật thất ngôn bát cú (7 chữ, 8 câu) ; phú cũng làm theo lối cổ thể (còn gọi là Tao tuyên) qui định từ 300 chữ trở lên.

Kỳ 4 : Làm một bài văn gọi là Văn sách, đề tài rút ra từ các kinh sử, tử, tập hỏi về thế vụ (ý thức về việc giúp nước, cứu đời) đòi hỏi phải viết từ 1.000 chữ trở lên.

Ngạch lấy đỗ Cống sĩ 1 thí sinh đồ 10. Ví dụ : năm 1708, ngạch đỗ ở trường Sơn nam 880 người, trong đó Cống sĩ 80 thí sinh đồ 800 người. Đến 1.774 gia ngạch cho trường Sơn Nam lấy 1.100 người đỗ. Cống sĩ chỉ có 100 người, còn lại là Sinh đồ.

2. Thi Hội và thi Đình.

Đây là cửa ải thứ hai đầy gian khổ nhưng là nấc thang tột đỉnh vẻ vang của các Nho sĩ. Và đây cũng là một cuộc kiểm tra đánh giá cao nhất đối với các bậc tài năng của đất nước.

Bởi vậy, thi Hội và thi Đình được mệnh danh là Đại Tỷ (thi lớn). Cuộc thi lớn này người xưa quen gọi là Đại khoa, gồm hai giai đoạn: thi Hội và thi Đình. Thi Hội cũng có 4 kỳ, người đỗ cả 4 kỳ được cấp bằng Tiến sĩ. Thi Đình còn gọi là Điện thí, tức là thi tại sân vua. Vua thân hỏi bài. Thi Đình chỉ để xếp loại Tiến sĩ đã đỗ ở kỳ thi Hội mà thôi. Thời Lê, có một số khoa thi, vì hoàn cảnh loạn lạc nên không tổ chức thi Đình nhưng vẫn phân loại Tiến sĩ.

Thi Hội là kỳ thi quốc gia dành cho những người đã kinh qua thi Hương, đã có bằng cử nhân và các Giám sinh đã mãn khóa Quốc Tử Giám. Những người đỗ đạt trong các kỳ Đại khoa như thế đều có danh hiệu dành cho họ, tùy thuộc vào các thời kỳ khác nhau trong lịch sử.

a) Mốc lịch sử các khoa thi :

– Khoa Ất Mão năm Thái Ninh thứ 4 (1075) đời Lý Nhân Tông, thi Minh kinh Bác học.

– Khoa Ất Dậu năm Chính Long Bảo Ứng thứ 3 (1086), thi thiên hạ Văn học.

– Khoa Ất Tỵ năm Trinh Phù thứ 10 (1185) đời Lý Cao Tông, thi Thiên hạ sĩ nhân.

– Khoa Nhâm Thìn năm Kiến Trung thứ 8 (1232) đời Trần Thái Tông, thi Thái học sinh.

– Khoa Đinh Mùi năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) đời Trần Thái Tông, thi Tam giáo (Nho, Phật, Lão).

– Khoa Bính Thìn năm Nguyên Phong thứ 6 (1256) đời Trần Thái Tông, thi Thái học sinh.

– Khoa Giáp Dần năm Long Khánh thứ 2 (1374) đời Trần Duệ Tông, thi Tiến sĩ.

– Khoa Canh Thìn năm Thánh Nguyên thứ nhất (1400) đời Hồ Quý Ly, thi Thái học sinh.

– Khoa Ất Dậu năm Khải Đại thứ 3 (1405) đời Hồ Hán Thương, thi Cử nhân (do bộ Lễ tuyển cử người dự thi).

– Khoa Bính Ngọ (1426) trước chiến thắng quân Minh, Lê Lợi ngự tại dinh Bồ Đề tổ chức thi văn học chọn người tài bổ sung quan lại phục vụ cuộc kháng chiến chống giặc minh.

– Khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông thi Tiến sĩ. Tên tuổi Tiến sĩ được chép vào bia đá ở Văn Miếu.

– Khoa Giáp Thìn năm Hồng Đức thứ 15 (1484) đời Lê Thánh Tông, Vua sai Quách Đình Bảo tra xét từ khoa Đại Bảo thứ 3 để dựng bia ghi Tiến sĩ và chép Lịch Triều Tiến sĩ đề danh bi ký.

– Khoa Giáp Dần (1554) đời Trung Tông, khoa Đinh Sử (1577) đời Thế Tông và Đinh Mùi (1787) đời Chiêu Thống nhà Lê, thi Chế khoa Đa sĩ.

– Khoa Mậu Tuất năm Vĩnh Thọ thứ nhất (1658) đời Lê Thần Tông, thi Sĩ vọng.

– Khoa Ất Sửu năm Tự Đức thứ 18 (1865) và khoa Tân Tỵ (1881) thời Nguyễn Tự Đức, thi Nhã sĩ và thi Yêm bác.

Các triều đại thế vương phong kiến tùy thời mà mở khoa thi, ngoài các khoa định lệ vào các năm Thìn, Tuấn, Sửu, Mùi. Nhưng nếu gặp việc đại sự quốc tang, giặc giã thì phải hoãn kỳ thi năm ấy, hoặc có nhu cầu bổ sung quan lại, thì triều đình cũng mở khoa thi đột xuất giữa các kỳ thi định lệ để tuyển nhân tài, các khoa đặc biệt như thế gọi là Ân khoa. Ân khoa là khoa thi ban ơn của vua.

Lại còn có các khoa thi gọi là Bác học Hoành từ (người có trí thức sâu và rộng về văn học). Tính chất Bác học Hoành từ cũng như Chế khoa, Nhã sĩ (giỏi về văn từ, lời ít mà ý lẽ dồi dào), Yêm bác (cũng như Bác nhã, giỏi văn học và nhiều trí thức khác) ; Cát sĩ (khoa mục đã từng chế định mà các kỳ thi vua tự hỏi bài và duyệt bài thi) và Sĩ vọng tính chất cũng như Hoành từ (giỏi văn nhưng thiên về ca công tụng đức đế vương). Vì thế người xưa nói khoa thi Sĩ vọng là con đường ngang tắt không đáng tính vào khoa cử.

Khoa mục xưa đều nhằm mục đích tuyển chọn nhân tài bổ sung quan lại kịp thời. Bởi vì quan lại ở trung ương bao giờ cũng đòi hỏi phải có trí thức và bằng cấp. Chờ tới kỳ thi định lệ thì việc bổ sung quan chức sẽ bị bê trễ. Tất cả những khoa danh kể trên đều là khoa thi Tiến sĩ. Trong lịch sử khoa cử nước ta, lại còn có các khoa thi cao hơn khoa thi Tiến sĩ, đấy là khoa Đông các. Khoa Đông các chỉ dành riêng cho những người đã đỗ Tiến sĩ và đang làm quan. Họ cảm thấy mình chưa thỏa chí trên con đường cử nghiệp thì tự nguyện thi vào khoa này. Đông các cũng lấy Tam khôi, người đỗ đầu được coi là Trạng nguyên, sung chức Đông các Đại học sĩ ; người đỗ thứ hai là Bảng nhãn, sung chức Đông các đại học sĩ ; người đứng thứ ba là Thám hoa cho giữ chức Đông các Hiệu thư. Khoa thi Đông các đã có từ sớm, nhưng tiêu biểu nhất vẫn là sản phẩm của nhà Hậu Lê, có 3 khoa thi cả thảy : Khoa Kỷ Hợi (1659) đời Thần Tông, khoa Bính Thìn (1676) đời Hy Tông và khoa Mậu Thân (1728) đời Dụ Tông.

Do danh hiệu khoa thi mỗi thời một khác nên tên gọi học vị của người đỗ Đại khoa cũng thay đổi.

b) Tên các học vị

Thái học sinh xuất hiện từ khoa thi Nhâm Thìn (1232) đời Trần Thái Tông cho đến khoa thi Canh Thìn (1400) đời Hồ Quý Ly.

Tiến sĩ bắt đầu có từ khoa thi Nhâm Tuất (1442) đời Lê Thái Tông cho tới khoa thi kết thúc lịch sử khoa cử Nho giáo ở nước ta vào năm Kỷ Mùi (1919) đời Nguyễn Khải Định. Tiến sĩ chia làm 6 bậc :

1- Trạng nguyên

2- Bảng nhãn

3- Thám hoa thuộc đệ nhất giáp được mệnh danh là Tam khôi, có thời gọi là Tiến sĩ Cập đệ.

4- Hoành giáp thuộc đệ nhị giáp (Chính Bảng), cũng có thời gọi là Tiến sĩ xuất thân.

5- Tiến sĩ thuộc đệ Tam giáp gọi là đồng Tiến sĩ xuất thân.

6- Phó bảng là sản phẩm khoa cử thời Nguyễn mà bắt đầu xuất hiện từ khoa thi Kỷ Sửu (1829) đời Minh Mạng.

Giữa tiến sĩ và Phó Bảng được qui định về tỷ lệ và ngạch đỗ. Ví dụ, ở khoa thi năm 1843 đời Thiệu Trị có 25 người đỗ thì chỉ cho 10 người đỗ Tiến sĩ, còn 15 Phó Bảng. Nếu tính 30 khoa thi ở Huế (1822-1892) lấy đỗ 560 người thì có 229 Tiến sĩ, số còn lại là Phó Bảng.

c) Lệ thi Hội và thi Đình

Cả hai kỳ thi này diễn ra trong khoảng 8 tháng. Mùa xuân thi Hội (Xuân thí), đến mùa thu năm ấy thi Đình. Còn phép thi Hội 4 kỳ y hệt như phép thi Hương. Một vài khoa đầu, nhà Lý cho thi ám tả ở kỳ thứ nhất. Về sau, ở kỳ thứ nhất cho thí sinh làm kinh nghĩa và kinh truyện, mỗi thứ một bài, mỗi bài từ 1.000 chữ trở lên. Ở kỳ thứ tư, bài văn sách qui định tối thiểu 1.600 chữ. Riêng khoa thi nhà Hồ năm Khai Đại thứ 3 (1405) lại cho thi thêm kỳ thứ 5 hỏi về toán. Đó là nét đặc sắc của khoa cử của nước ta. Theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quí Đôn, vào năm 1721, triều đình ra lệnh phải qui định mức điểm cho mỗi kỳ thi. Kỳ 1 sơ khảo đến phúc khảo, thí sinh phải đạt được 8 điểm trên 10 trở lên. Kỳ 2 phải đạt từ 7 điểm trở lên, kỳ 3, kỳ 4 phải đạt từ 5 điểm trở lên. Phúc khảo sẽ căn cứ vào văn phong mà cho điểm cao thấp, lại phân ra hạng ưu, hạng bình, hạng thứ và hạng liệt rồi dâng vua duyệt. Nhà Nguyễn sau này cũng sử dụng phương pháp cho điểm như vậy. Phép là phép quán quyển. Nguyên tắc chung là mỗi kỳ thi phải qua hai lần chấm: sơ khảo và phúc khảo đủ điểm thi kỳ thứ nhất mới được thi kỳ thứ 2 rồi kỳ thứ 3, thứ 4 cũng theo luật đó. Tiến sĩ được vào thi Đình và được hưởng quyền vinh qui bái tổ, Phó bảng không được thi đình mà được phép về thăm nhà.

d) Quan Trường

Sử sách không thấy ghi chép nhiều về quan trường thuộc 3 trường đại Lý, Trần, Hồ. Nhưng từ triều Lê về sau chức danh quan trường của các khoa thi được ghi chép đầy đủ ở bia Tiến sĩ Văn Miếu và các sách đăng khoa lục mà nay ta còn biết gồm: 1 Chánh chủ khảo, 1 Phó chủ khảo, 1 Tri cống cử, 6 viên khảo quan (Đồng khảo), 2 viên Chánh Phó Đề diệu, 2 viên Giám Đằng lục.

Luật thi Hội không chấm trực tiếp bài làm của thí sinh mà do quan Giám đằng lục ở lại phòng sao chép rõ ràng, rồi đưa bản sao đi chấm. Trước khi đưa bài đi chấm, 2 viên Giám đằng một người đọc, một người soát xem có sai sót gì không. Công việc này gọi là đối độc. Quan đề diệu phát bài cho Nội liêm chấm trước, Ngoại liêm chấm sau. Các quan Nội liêm ngoài nhiệm vụ sơ khảo còn có nhiệm vụ theo dõi phát hiện mọi tệ lậu trường thi. Quan Giám thi có trách nhiệm giữ gìn an ninh cả phạm vi trường thi. Quan trường ở kỳ thi Đình, ấn tượng sâu sắc nhất đối với các cử tử vẫn là các vị hoàng đế. Suốt trong lịch sử khoa cử nước ta, nhất là từ triều Lê về sau thì các ông vua vẫn là người hỏi thi cuối cùng để các nho sĩ bước tới con đường hoạn lộ và danh vọng.

e) Hình thức thi Đình

Đến ngày thi, bộ Lễ phải thiết đặt Ngự tọa (chỗ Vua ngồi ở giữa điện Cần Chánh). Sau lễ khai mạc, bá quan văn võ chia ban đứng chực sẵn ở bên thềm điện, nghi vệ cờ xí trang hoàng lộng lẫy. Hồi trống thứ nhất nổi lên báo hiệu cho các quan văn võ sửa mũ áo và tiến sát cửa điện đứng chầu. Hồi trống thứ 2, kiệu vua ra ngự giá giữa điện. Quan Tự ban (tổ chức) dẫn các quan văn chầu bên tả, các quan võ chầu bên hữu, các thí sinh đứng sau hàng quan văn, khi vua ra thì lạy 5 vái. Từng thí sinh được gọi vào trước Ngự tọa để nhận giấy bút và vào phòng làm bài. Vua chấm duyệt từng quyển của thí sinh. Ngày tuyên bố kết quả, các quan tân khoa được tiếp đãi lễ Đại Triều ở Điện Thái Hòa, các quan văn võ chia ban, mũ áo chỉnh tề chầu vua ở Ngự điện. Các vị tân khoa được hướng dẫn quỳ, ở phía trái thềm điện để lĩnh mũ áo vua ban. Quan Tuyên lô (người gọi loa) xướng tên và yết bảng tại lầu Phú văn 3 ngày, vua đãi yến các vị tân khoa tại sảnh đường Bộ Lễ. Bộ lễ phát cho các tân khoa một cành trâm cài đầu, cho thăm vườn thượng uyển, cho cưỡi ngựa đi thăm phố xá kinh thành (nghi thức này có thời chỉ dành cho Tam khôi) và vinh quy bái tổ. Triều đình ra lệnh cho dân chúng các địa phương có người đỗ Tiến sĩ phải đón rước linh đình và dân hàng tổng phải làm dinh Nghè cho quan ở. Vậy nên danh từ ông Nghè để chỉ Tiến sĩ cũng từ đó mà ra. Triều đình còn cho dựng bia chép sách lưu danh Tiến sĩ và để nêu gương muôn thuở.

f) Chế độ sử dụng trí thức

Chế độ quan lại ở các triều đại phong kiến nước ta (từ khi có khoa cử) chủ yếu và gần như hoàn toàn đều giao cho những người bằng cấp nắm. Từ thời Lý-Trần, Thái học sinh được sung vào viện Hàn lâm, giao cho chức Cấp sự thuộc các bộ Lại, Lễ, Hình hoặc chức Ngự sử ở các đạo địa phương ; họ không phải làm quan phủ. Và đã làm quan ngoài triều thì chỉ làm trưởng chứ không phải làm chức phó nhị bao giờ. Đến đầu thời Nguyễn, mới đầu giao cho làm Tri phủ, ít lâu sau cho sung viện Hàn lâm, Phó bảng giao cho chức Hành tẩu hoặc thư ký ở lục bộ trong triều và các chức chính quyền ở tỉnh, tỷ như chức Thẩm phán ở quận, huyện.

Ngoài các chức quan mà Tiến sĩ được trao theo định ngạch, sau khi đỗ đạt, họ còn được các triều đình phong kiến ủy thác cho đặc trách công việc bang giao với các nước láng giềng. Đọc lại các sách sử chép về các đoàn sứ bộ nước ta đi giao hảo với các nước lân bang thường do các vị khoa bảng đảm nhận. Đó là các ông Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, Mạc Đỉnh Chi, Đào Sư Tích, Lương Thế Vinh, Giáp Hải, Nguyễn Trực, Hoàng Giáp, Phùng Khắc Khoan, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho, Bảng nhãn Lê Quý Đôn, Tiến sĩ Nguyễn Tông Khuê, v.v… Những vị Tiến sĩ đó vừa là Sứ thần vừa là tác giả các cuốn lịch sử bang giao thời trước.

Việc sử dụng trí thức ở thời Nguyễn rộng rãi hơn các triều trước. Những người có tấm bằng Cử nhân đều được bổ nhiệm các chức quan giáo dục ở tỉnh hoặc huyện. Còn những người có bằng tú tài cũng được tuyển dụng ăn lương học việc ở lục bộ, sau đưa với các tỉnh chờ bổ nhiệm (hậu bổ thường được nhận các chức giáo thụ ở phủ về huấn đạo ở huyện…

g) Đặc điểm khoa cử ở nước ta.

Mở đầu khoa cử ở nước ta là khoa thi Tiến sĩ (1075) và kết thúc cũng là khoa thi Tiến sĩ (1919). Buổi đầu khoa cử, thời Lý – Trần coi trọng cả Tam giáo (Nho, Phật, Lão. Bởi vậy mà văn hóa, học thuật thời Lý – Trần phát đạt rực rỡ ; nhiều nhà sư đỗ đạt cao như Trạng nguyên Lý Đạo Tái, pháp hiệu Huyền Quang, Hoàng giáp Nguyễn Bá Tĩnh, pháp hiệu Tuệ Tĩnh. Sang thời Lê có Trạng nguyên Lê Ích Mộc vốn xuất thân từ nhà chùa, v.v…

Mục đích của trường thi Quốc Học Giám (Văn Miếu – Hà Nội) ngay từ buổi đầu thành lập, các vua nhà Lý đã đưa con em hoàng tộc đến đó học tập nhằm đào tạo lớp đế vương kế cận. Vì vua chúa các triều đại phong kiến nước ta đã sớm nhận thức ra một điều là giành nước trên mình ngựa được, nhưng không thể ngồi trên mình ngựa mà giữ nước được, nên họ đi tới nhận định rằng :

“Thức giả là nguyên khí của quốc gia” (Lịch triều Tiến sĩ đề danh bi ký lục). Cho nên các triều đình phong kiến đã tuyển chọn những người tài giỏi, đỗ đạt cao trong các kỳ thi bổ sung vào các chức quan Thị độc, Thị giảng, Hữu tư giảng, Tả tư giảng, Thiếu phó, Thiếu bảo, Nhập thị kinh diên… để các vị quan chức này ngoài việc chăm lo dạy bảo các vị hoàng tử, thái tử trau dồi học vấn, thì họ còn có trọng trách luôn luôn bên vua để giải đáp các điều vua cần biết hàng ngày cũng như giúp nhà vua nâng cao trí thức về mọi mặt.

Do vậy các vị hoàng đế không chỉ chăm lo cho việc học hành của con em mình, mà còn hết sức quan tâm đến sự nghiệp đào tạo đội ngũ trí thức quan lại của vương triều. Ở khoa thi Đình, nhà vua thân hỏi bài thí sinh, khi họ đỗ đạt thi nhà vua lại gặp gỡ từng người để động viên. Ở kỳ thi Hội, vua thân tới trường thi xem xét cặn kẽ. Tỷ như khoa thi Bính Thìn thời Hồng Đức (1496) đã lấy đỗ 41 người, nhưng khi vua tra xét thấy có 11 người không đủ tiêu chuẩn, phải truất, nên khoa thi đó còn 30 người được đỗ… Ở kỳ thi Hương năm Mậu Tý (1708), để giữ kín đề thi cho tới lúc thi, vua sai quan Tá đường trong Phủ ra đề văn sách dân vua duyệt (ngự lãm), rồi sai lính trạm phi ngựa hỏa tốc mang đề thi tuyên đọc tại trường thi thuộc 4 trấn. Còn các sứ Nghệ An, Thanh Hóa, vì xa xôi, triều đình giao cho quan Hiến sát ngự sử tại đó ra đề theo như lệ thường.

Lệ hội thề cũng là một điều hay của khoa cử xưa. Để đảm bảo tính khách quan và tránh mọi điều mờ ám, quan Tư không Lê Khắc Phục đề xướng việc các khảo quan phải thề trước khi bước vào kỳ thi Hội. Đề nghị đó được vua Lê Nhân Tông chấp thuận và thực hiện vào khoa thi năm 1448, về sau trở thành lệ.

Thiếu niên mà đỗ đạt thi được thưởng 50 quan tiền và được bổ ngay chức vụ Hiệu thảo ở Viện Hàn lâm. Đó cũng là một điều hay. Lại còn có phép Ứng chế, nghĩa là sau khi đã vinh quy bái tổ, Tiến sĩ trở lại Kinh đô thì phải tới ngay điện Vạn thọ để thi một bài luận, nếu hợp cách thì được thăng một cấp. Đây cũng là một điều hay nữa của khoa cử xưa.

Thế như khoa cử càng về sau càng sút kém và bê trễ. Từ sau năm Cảnh Hưng 11 (1750) trở đi, Sinh đồ, ai có tiền nộp 3 quan thì được tránh khảo hạch. Vậy nên dân gian có câu “Sinh đồ 3 quan”. Cụ Phạm nguyễn Du cũng than phiền : “Sinh đồ 3 chuỗi nhờ hòn đất, Tiến sĩ nửa câu cậy bảng trời.

Học hành thi cử vào thời Hậu Lê đã bỏ mất cái lối văn ý tứ thuần hậu, tự nhiên, trong sáng của thời Hồng Đức, mà chuyên tâm chương trích cú sáo bã. Lê Quý Đôn phê phán kịch liệt thói học giáo điều này trong Kiến văn tiểu lục.

Nhờ có những lời cảnh tỉnh của ông và sự đấu tranh mãnh liệt của các thời học giả thời ấy khoa cử nước ta đã mau chóng phục hồi cái tính thuần phác ban đầu của nó. Bùi Dương Lịch viết rõ quan điểm giáo dục dân tộc của mình qua lời tựa của sách Bùi Gia Huấn bài : “Tôi thấy nhiều nhà dạy trẻ học thuộc lòng sách Thiên Tự Văn của Chu Hưng Tự đời Lương, cuối cùng chẳng có ích gì…”.

Ông cho rằng cần phải “kể rõ sự tích nước Việt ta lúc chia lúc hợp, rồi đến truyền thống đạo học và giảng rõ từng câu văn, đặt mỗi câu 4 chữ có vần bằng vần trắc xen kẽ nhau, gồm 2.000 câu để lũ trẻ trong nhà dễ học”. Sách Nhất tự kinh, cơ sở sách giáo khoa của học trò học trường làng gồm 1.015 chữ, nó khác với kinh thi cổ ở Trung Quốc. Học sinh tập đọc âm Hán Việt, rồi mới đọc âm Việt Nam để hiểu nghĩa các chữ Hán.

Sau đó ghép câu có vần điệu cho dễ nhớ : Thiên trời, địa đất, vân mây, vũ mưa, phong gió, trú ngày, dạ đêm.

Đây là khuynh hướng các thầy đồ dạy cho học trò phải học sách Hán Việt trước rồi sau mới học sách Trung Quốc cổ.

Sau đây là kết quả thi cử qua các triều đại :

Lý :            6 khoa

                   27 người đỗ

                   4 Trạng Nguyên

 

Trần :        14 khoa

                   238 người đỗ

                   12 Trạng Nguyên

 

Hồ :           2 khoa

                   200 người đỗ

                   1 Trạng Nguyên

 

Lê sơ :       28 khoa

                   485 người đỗ

                   20 Trạng Nguyên

 

Mạc :         22 khoa

                   485 người đỗ

                   13  Trạng Nguyên

 

Hậu Lê :    73 khoa

                   793 người đỗ

                   13 Trạng Nguyên

 

Nguyễn :   40 khoa

                   588 người đỗ

                   0  Trạng Nguyên

Tổng cộng 185 khoa thi, 2.906 lần người đỗ, trong đó có 56 Trạng nguyên. Trừ những người thi đỗ 2 lần, nên thực tế có 2.875 người. Riêng nhà Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên.

Trần Hải Triều

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

 

Tìm Kiếm