Kemal Dervis

KHOẢNG CÁCH GIÀU NGHÈO  GIA TĂNG VÀ NỀN KINH TẾ VĨ MÔ

Càng ngày càng có nhiều chứng cớ về sự kiện khoảng cách Giàu- Nghèo đang trên đà gia tăng tại nhiều vùng trên thế giới, và hiện tượng này đã gây sự chú ý nơi giới hàn lâm và hoạch định chính sách. Các bản phân phối lợi tức cho thấy rằng mức lợi tức của 1% những người giàu nhất tại Hoa Kỳ đã gia tăng hơn gấp đôi, từ khoảng 8% ở cuối thập niên 1970 đến hơn 20% tổng sản lượng quốc gia trong thời gian gần đây. Đó là mức lợi tức cao nhất kể từ thập niên 1920.

Tuy có nhiều lý do khiến chúng ta lo ngại về tình trạng bất bình đẳng nêu trên trên phương diện đạo đức và xã hội, nhưng mặt khác, điều trên không mấy liên quan đến chính sách kinh tế Vĩ Mô. Mối liên hệ giữa tình trạng bất bình đẳng và chính sách kinh tế cũng đã từng được nhận thấy ở giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Chế độ Tư Bản, theo cách lập luận của một vài người, có khuynh hướng ‘sản sinh’ ra sự yếu kém kinh niên về số ‘Cầu’ (demand), do sự gia tăng việc tập trung lợi tức nơi giới Nhà Giàu, tạo nên tình trạng ‘dư thừa tiền tiết kiệm’ (= saving glut) vì những người rất giàu tiết kiệm được rất nhiều tiền. Đó có lẽ là lý do gây ra các cuộc chiến tranh tranh giành thị trường, vì các nước liên hệ tìm cách gia tăng mức ‘Cầu’ tại các thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, từ cuối thập niên 1930, lối lập luận này không còn mấy ai theo nữa, vì các nền kinh tế thị trường của Tây Phương phát triển nhanh chóng và sự phân phối lợi tức trở nên bình đẳng hơn trước. Tuy mức Cầu cũng có khi trở nên yếu kém theo chu kỳ doanh thương, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy tính cách kinh niên của tình trạng yếu kém về số Cầu. Mức lãi xuất ngắn hạn, theo lối suy nghĩ của các nhà kinh tế Vĩ Mô, sẽ được điều chỉnh ở mức độ đủ thấp hầu giúp đạt được một tỷ lệ phải chăng vể mức Cầu cũng như về số lượng Công Việc.

Nhưng ngày nay, với tình trạng bất bình đẳng kinh tế đang trên đà gia tăng, lối lập luận nhằm liên hệ sự tập trung lợi tức vào một thiểu số Nhà Giàu với chính sách kinh tế Vĩ Mô đang trở lại.

Kinh Tế gia Raghuram Rajan thuộc Đại Học Chicago, nguyên Chủ Tịch Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, trong tác phẩm ‘Fault Line’, đã đề cập đến mối liên hệ giữa tình trạng bất bình đẳng lợi tức và cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh 2008.

Ông Rajan lập luận rằng sự tập trung một số lợi tức ‘kết xù’ nơi giới Giàu Có nhất tại Hoa Kỳ đã đưa đến việc hoạch định một chính sách kinh tế nhằm khuyến khích giới trung và hạ lưu vay mượn theo một đường lối ‘không thể duy trì được’. Bằng các phương tiện tài chánh như Trợ Cấp, Bão Lãnh trên tiền vay mượn trong lãnh vực Nhà Ở, hoặc bằng chính sách kinh tế ‘phóng đảng’ như hạ thấp lãi xuất, cho phép các ngân hàng có mức dự trữ thấp hơn bình thường…..vvv…..Mà hệ quả là các thành phần trung và hạ lưu nhằm duy trì mức tiêu thụ hiện tại của mình đã phải gánh thêm nợ nần.

Tóm lại, một cách gián tiếp, giới Giàu Có nhất, mà một vài người sống ngoài Hoa Kỳ , cho các giới khác vay mượn tiền qua trung gian của giới Tài Chánh với lối làm việc rất xông xáo năng nổ. Tiến trình này không thể duy trì được nữa nên đã phải ‘khựng’ lại với biết bao đổ vỡ về phương diện Tài Chánh vào năm 2008.

Các mô hình kinh tế có những lối giải thích khác nhau về hiện tượng nêu trên. Theo mô hình của Keynes, nếu các người rất Giàu để dành rất nhiều tiền, sự gia tăng không ngừng việc tập trung lợi tức vào một nhóm người có thể dẫn tới tình trạng vượt trội kinh niên của số tiền tiết kiệm có dự trù trên số tiền dùng để đầu tư.

Chính sách kinh tế Vĩ Mô có thể được sử dụng nhằm cố gắng bù trừ vào sự thiếu hụt của tiền Đầu Tư ở giới Tư Nhân bằng các chi phí được chính quyền tài trợ qua trung gian của Ngân Sách thâm thủng. Và bằng cách hạ lãi xuất xuống rất thấp. Hoặc bằng chính sách hối suất dưới trị giá nhằm giúp xuất cảng ra nước ngoài số hàng hóa thặng dư trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ lợi tức của giới Giàu nhất khi so với lợi tức của các giới khác không ngừng gia tăng, vấn đề sẽ trở thành Kinh Niên.

Đến một thời điểm nào đó, khi nợ công đã trở thành quá lớn để chính quyền có thể tiếp tục tài trợ qua ngân sách thâm thủng, hoặc mức lãi xuất đã đến gần ‘zero’ thì hệ thống kinh tế xem như đã ‘hết thuốc chữa’.

Đây quả có vẻ là một điều Nghịch Lý. Giới Giàu Có nhất nước đang tài trợ cho số Cầu của tất cả mọi giới khác, và điều trên cho phép đạt được mức độ cao về số lượng công ăn việc làm cũng như giúp tài trợ sự thâm thủng lớn lao của cán cân chi phó. Khi sự suy sụp tài chánh xảy ra vào năm 2008, chính sách ‘bành trướng’ ồ ạt về phương diện thuế khóa và tiền tệ đã giúp Hoa Kỳ tránh được sự sụp đổ về mặt tiêu thụ. Nhưng biện pháp trên có giúp giải quyết được vấn đề đến tận nền hay không ?

Mặc dầu các động cơ dẫn đến hiện tượng tập trung lợi tức nơi một thiểu số rất giàu có vẫn không thay đổi, nhưng việc vay mượn tiền bạc ngày nay không còn được dễ dàng như trước. Và trong ý nghĩa đó, khó có một chu kỳ ‘phát triển nhanh dẫn tới phá sản’ nữa (ít nhất trong tương lai gần).

Nhưng điều trên gây ra một khó khăn khác. Khi được hỏi tại sao họ không chịu đầu tư thêm, đại đa số các công ty trả lời là vì số Cầu Không Đủ. Nhưng làm sao số Cầu nội địa có thể mạnh mẽ được khi lợi tức cứ tiếp tục ‘dồn về’ phía giới giàu có nhất ?

Khó mà giải quyết được vấn đề nêu trên nếu chỉ nhắm vào nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ mà thôi. Hơn nữa, lãi suất không thể xuống dưới ‘zero’ được. Và để nợ công tăng sẽ dần dần làm mất hiệu nghiệm việc áp dụng chính sách thuế khóa.

Tóm lại, nếu hiện tượng tập trung lợi tức nơi một thiểu số rất giàu có không thể đảo ngược được kèm với sự kiện là các thành phần rất giàu có để dành một phần rất lớn số lợi tức của họ, nếu các mặt hàng xa xỉ không cung cấp đủ số Cầu cần thiết, nếu các giới trung và hạ lưu không còn khả năng vay nợ nữa, nếu các chính sách thuế khóa và tiền tệ gặp phải giới hạn của chúng, nếu nạn thất nghiệp không thể xuất cảng được, thì có lẽ toàn bộ một nền Kinh Tế đã bị ‘mắc kẹt’!

Cái khuynh hướng chung của hiện tượng thiểu số rất giàu có chiếm một tỷ lệ lớn lao số lợi tức có tính cách Toàn Cầu. Và các khó khăn mà tình trạng này tạo ra cho việc hoạch định một chính sách kinh tế Vĩ Mô không thể bị ‘phớt lờ’ được.

Kemal Dervis

CHÚ THÍCH

(1) Kermal Dervis, ‘The Rich Get Richer And The Economy Gets The Picture‘, ‘The Saturday Age’, 10/03/2012, Melbourne, Úc

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm