KINH THƯ HAY KHI DÂN LÀM CHỦ D

Thư Hương

…..

Ý NGHĨA TÊN SÁCH
 
Kinh Thư cũng gọi là Thượng Thư, mà có nhiều người dịch là sách thượng cổ. Nghĩa đó không sai, nhưng chưa nói lên hết được ý nghĩa thâm sâu tức kinh Thư là Thượng Thư hay là sách thượng thặng (Le Livre par excellence). Sở dĩ phải gọi như thế vì nó đã đưa ra cái dạng thức cơ bản cho đạo làm làm người, đó là thiên Hồng phạm. Thiên này trình bày cái cơ cấu uyên nguyên của nền minh triết rất sâu xa. Chúng tôi đã bàn riêng trong quyển Chữ Thời. Ở đây, chỉ nói lướt qua phần Dụng tức phần dễ nhận thức hơn, để tiếp nối bài trên “dân là tác giả kinh điển”, thì ở đây nói tiếp: vì thế mà có những ý nghĩ vì dân, với dân, nhờ dân, cho dân…… Những chủ trương này hiện nay nghe đã nhàm tai, thế nhưng nếu ngược dòng thời gian và đối chiếu với kinh sách các nền văn minh khác chúng ta sẽ nhận ra quả kinh Thư xứng danh Thượng Thư, vì đã đi trước đến hơn hai ba ngàn năm trong ý hướng dân chủ. Tây Phương mới bàn đến dân chủ từ vài thế kỷ nay, và chính vì còn quá mới nên chưa kịp đặt nền tảng cho dân chủ là nhân chủ. Bởi vậy, dân chủ được đưa ra nếu không là danh từ rỗng tuếch như phía cộng sản, thì cũng chỉ là dân chủ què quặt. Ý hướng dân chủ nếu có thực chất đi kèm thì phải là một sự giải phóng con người. Thế mà bên Âu Ấn con người xét ra chưa được thực sự giải phóng, chứng cớ là chế độ nô lệ được bãi bỏ rất muộn, và ngày nay sự giải phóng con người còn hời hợt, mới có phần nào dân chủ chứ chưa có nhân chủ. Ấy là chưa kể tới biết bao dân tộc như Nga, Tàu, Trung Âu đang bị nô lệ hóa vì thiếu nền tảng nói trên. Với viễn tượng trên chúng ta sẽ nghiên cứu khái quát về kinh Thư. Kinh Thư là một thứ sử đặc biệt gồm lối 1700 năm từ Nghiêu, Thuấn qua hai nhà Hạ, Thương xuống đến nhà Chu, có nhiều quãng bỏ trống cả hàng mấy trăm năm và xếp đặt vào đời Chu và không theo thứ tự niên kỷ (1). Vì thế Chu thư gồm những 32 thiên, nhà Thương 17, nhà Hạ 4, Đường Ngu chỉ có 5 thiên. Lược trích mục lục Kinh Thư để giúp độc giả có một ý niệm khái quát về 4 phần. Ngu thư: 5 thiên là: Chu thư: 32 thiên Nghiêu điển 1. Thái thệ: thượng, trung, hạ Thuấn điển 4. Mục thệ Đại Vũ Mô 5. Vũ thành  Cao dao mô 6. Hồng phạm  Ích tắc. 7. Lữ ngao  Hạ thư: 4 thiên 8. Kim đẳng  Vũ công 9. Đại cáo……  Cam thê  Ngũ tử nhi ca  Duận chinh  Thượng thư: 17 thiên  Thang thệ  Trọng huỷ chi cáo  Thang cáo  Y huấn  Thái giáp: thượng, trung, hạ  Hàm hữu nhất đức  Hàn canh: thượng, trung, hạ  Duyệt mệnh: thượng, trung, hạ  15. Cao tông duy nhật  16. Tây bá kham lê  17. Vi tử.  Nhận xét về nội dung: trước hết kinh Thư không phải là sử ký nhưng là một thứ triết hay triết sử, và ta có thể chia hai phần:  Một là huyền sử hay triết sử, gồm hai đời Đường Ngu và nhà Hạ. Phải kể vào phần này cả thiên Hồng phạm được xếp vào Chu thư mà chính ra phải xếp vào Hạ thư mới ổn, vì nó được “khải thị” ra cho ông Đại Vũ trước nhất.  Hai là triết sử gồm những tài liệu thuộc hai nhà Thương và Chu tuy là sử nhưng vẫn mang nặng tính chất triết lý chính trị như các tên chương nói rõ.  Điển : là ghi sự thực của lịch sử  Thệ : là lời tuyên thệ  Cáo : là mệnh lệnh  Mô : là pháp lệnh  Huấn : là huấn tử v.v…  Về phương diện lịch sử thì chỉ có hai sách Thương và Chu là có giá trị, tuy nhiên cũng chỉ một phần nào thôi vì mục đích không là sử. Đúng hơn không là sử theo nghĩa biến cố hàng ngang (diachronique, événementiel) nhưng theo nghĩa triết sử nhằm giải rộng cái cơ cấu hàng dọc (synchronique, structural) và chính vì thế quan trọng phải đặt vào hai sách Ngu thư, Hạ thư với thiên Hồng phạm mà tôi coi là huyền sử, nghĩa là dùng những mảnh vụn của sử để nói lên nền minh triết. Nói mảnh vụn của sử là vì những sự kiện được kể lại tuy có liên hệ phần nào đến sử nhưng đã được huyền thoại hóa. Vì thế quan trọng là phần cơ cấu uyên nguyên, tức nền minh triết về nhân luân. Cơ cấu đó được thu gọn vào thiên Hồng phạm còn minh triết về nhân luân là chủ trương đặt quyền cai trị vào tay những người có đức độ tài năng, tức là sự cố gắng thực hiện cái mẫu mực kia. Phần nào đó là ý tưởng của Viêm Việt, và được trình bày trong kinh Thư một cách có phần huyền bí. Phần huyền sử gồm các chương Nghiêu điển, Thuấn điển, Đại vũ mô, Cao dao mô. Tác giả cuối cùng của những thiên này là người sống vào đời nhà Chu, nghiên cứu cổ thời mà ghi lại, và đứng hẳn về phía dân, như đã bàn trong Việt lý. Thí dụ chữ viết trong câu “Viết nhược kê cổ” cũng là Việt tức là dân, nên Dân là tác giả, còn đạo đưa ra là đạo cổ xưa. Nói thế vì theo lưu truyền thì trước nữa đã có những sách cổ (gọi là tam phần, ngũ điển, bát sách, cửu khâu) mà tác giả cuối cùng đã gồm vào kinh Thư. Có ba lý do để nghĩ như vậy. Một là vì có những lối nói riêng như kiểu tán thán: tư, hu (“Tư! Tứ nhạc” hay “Đế viết: hu!”). Hoặc là những kiểu nói không gặp thấy về sau như dùng chữ quyết thay cho kỳ (doãn chấp quyết trung thay vì doãn chấp kỳ trung). Hai là có những chức quan sau này không thấy nữa thí dụ chức tứ nhạc, chức trật tống. Ba là những ngôi sao được dùng làm cứ điểm để quyết định xuân phân (Taurus và Scorpio) và Hạ chí (Leo et Aquarius) không thể tạo ra về sau (xem Legge, tr 50). Đấy là ba lý do nói lên sự hiện hữu những sách cổ gọi là tam phần, ngũ điển, bát sách, cửu khâu (xem Việt lý).  NGHIÊU THUẤN LÀ BIỂU TƯỢNG DO KHỔNG TỬ ĐẶT RA  Bây giờ hãy nói đến một điểm quan trọng đã gây thắc mắc cho một số học giả như ông J.Legge, đó là tại sao Nghiêu Thuấn lại rất ít được nhắc tới trong các đời sau. Trong Hạ Thư không có nhắc tới ông Thuấn, còn ông Nghiêu chỉ được nhắc có một lần trong thiên “ngũ tử ca” lúc ông còn là tù trưởng ở Ký Châu. Đến Thượng Thư thì Nghiêu Thuấn chỉ được nhắc tới có một lần, nhưng lại rất lu mờ vì không cho biết chi về vị trí ban đầu. Mãi đến thiên “Duyệt mệnh hạ” (câu 10) Y Doãn mới coi Nghiêu Thuấn như lý tưởng nhưng đã có vẻ trở thành nhân vật thần thoại rồi.  Trong Chu thư, Nghiêu Thuấn được nhắc đến hai lần, một trong thiên Chu quan, nói đến Đường Nghiêu và Ngu Thuấn, cả hai đều dùng rất ít quan tước khác hẳn với số lớn quan lại hai đời Hạ, Thương, và một lần nữa trong thiên Lữ hình chỉ nói đến Nghiêu và Thuấn như bề tôi, với những lưu truyền lâu hơn thuộc thời sơ khai của đế quốc, trong đó Thuấn đã đặt nền móng trên quốc gia khi thì bằng chinh phục lúc thì bằng nhân nghĩa để dụ các dân chung quanh. Nhưng xem kỹ thì thấy nước các vị ấy rất nhỏ hẹp, chứ không có chuyện cai trị “vạn quốc” như tương truyền. Một điều là nữa là vua Thành Thương chỉ khoe công diệt vua Trụ nhà Thương mà không nói chi đến Nghiêu Thuấn. Rồi Châu Công sáng lập nhà Chu cũng không đá động đến Nghiêu Thuấn. Cả đến kinh Thi cũng không nhắc đến, chỉ có kinh Dịch nhắc đến một lần trong thập dực. Vì thế có thể kết luận rằng kinh Thư được san định đời Chu và theo một truyền thuyết thì chính là do Khổng Tử. Trung Dung nói Khổng Tử “Tổ thuật Nghiêu Thuấn” == thuật lại đạo của Nghiêu và Thuấn được nhìn nhận như tổ của mình. Và nhờ đó Nghiêu Thuấn đã bị chôn vùi lại được nổi lên mặt và trở thành gương mẫu gọi là Đế, tức thay mặt Thượng Đế cai trị nước rộng như của nhà Chu. Tôi nói rằng Nghiêu Thuấn bị dìm vì Nghiêu theo đường lối Việt tộc truyền ngôi cho Thuấn là người Nam Man hay Đông Di (1). Khổng Tử có thể được coi là hiền triết, đã tổng hợp ngoại nội nên đã truy nhận cặp đôi Nghiêu Thuấn làm tổ là tuyệt. Vì Nghiêu thuộc hoa ngoại, Thuấn thuộc nam man nội, cho nên “tổ thuật Nghiêu Thuấn” với “hợp ngoại nội chi đạo” cũng là một (2). Ai nội ai ngoại là tuỳ lối nhìn nhưng quan trọng là có hai nền văn hóa, một nội một ngoại, một thiên về bố, một thiên về mẹ.  Nẻo nào thì cũng do Khổng Tử mà Nghiêu Thuấn trở thành lý tưởng cho nền nhân trị và thiện nhượng tức quyền bính nhường cho người nào có tài đức nhất mà không kể đến dòng tộc. Nghiêu nhường cho Thuấn là người cày ruộng. Đến sau Mạnh Tử (V.2) còn cho là Thuấn kiêm cả nghề đánh cá và làm đồ gốm, tức là những nghề nhà nông thuộc thường dân. Tuy nhiên vì Thuấn có đức hiếu nên được nâng lên hàng Thiên tử! Rõ rệt không nên coi đó như lịch sử mà chỉ nên coi là huyền sử, chuyên chở một triết thuyết về ấp nhượng và đức trị. Đề cao đức hiếu của Thuấn nên kể Thuấn thuộc Viêm Việt vì coi trọng đức Hiếu hơn chữ Trung quân (xem bài Nhà và nước trong Việt lý tố nguyên). Ở đây tôi theo Mạnh Tử, biết rằng có sự bất đồng ý kiến giữa các học giả: người bảo Thuấn là Tàu người lại cho là Đông Di. Riêng chúng tôi chú ý rới văn hóa. Nếu Thuấn theo văn hóa phương Nam thì kể là Đông Di. Thói tục gọi sử quan ghi chép việc bốn phương và “TAM HOÀNG NGŨ ĐIỂN CHI THƯ” là NGOẠI SỬ, ta biết tam hoàng ngũ điển thuộc thời huyền sử của Việt Nhoo, vậy mà lại gọi là ngoại thì Việt cũng là ngoại (xem Legge III, tr11).  ÔNG VŨ VỚI ĐẠO TRUNG DUNG.  Đến ông Vũ nhà Hạ cũng thế, thiên Vũ cống chỉ là một bài ca vũ chứ không là một trang sử nên không lạ gì khi nó đã thổi phồng công nghiệp của ông Vũ đến độ thần thoại. Vì thế không thể tin như sử, mà chỉ nên coi như huyền sử, với ý nghĩa riêng như trị thủy có nghĩa là trị quốc, đào sâu sông có nghĩa là thấm nhuần triết lý “giá sắc” của Hồng phạm với cái nhân của nó là ngũ hoàng cực. Tức là triết lý của Viêm Việt thuộc Đông Nam với hai số biểu hiệu là 3 và 2 (số Tây Bắc là 1 và 4). Bài ca vũ của vua Đại Vũ kêu là “vũ nhất bộ” == múa một chân, mà kỹ thuật ở tại bước chân trái trước rồi mới bước nữa: để nói lên rằng chân mục (số 2) gắn liền với chân chiêu (số 3). Số 2 luôn luôn gắn liền với số 3 chứ không giạng tè he như từ số 1 đến số 4. Thiên Vũ cống chỉ là bài ca hiện thực theo “vũ nhất bộ” kiểu đó, hay là một kiểu dùng vũ bộ để diễn tả cái đạo Trung dung (3-2) một đạo “chấp kỳ lưỡng đoan dụng kỳ trung ư dân” (I). Đó là tinh hoa của thiên Hồng phạm và nó không khác chi hơn là nền minh triết của Đông (3) Nam (2) gọi kiểu khác là của “Chư Hạ” tức các nước ở miền Nam (mùa Hạ).  Câu trên trích trong Trung Dung (60) kể lại lời Khổng khen vua Thuấn là đại trí vì hay hỏi han và ưa xét những lời GẦN GŨI rồi giấu lời giở mà tuyên dương lời hay, nắm lấy HAI MỐI ĐẦU để đem đạo Trung ra ứng dụng cho dân (không phải vì thế mà Thuấn được kể là Vua Thuấn sao?). Lời GẦN GŨI tức là lời của dân chúng theo lý tưởng “nạp ngôn” (thâu thập lời của dân chúng) và cũng có thể là “thiết vấn nhi cận tư” (hỏi những điều thiết yếu, suy tư những vấn đề gần gũi). LƯỠNG ĐOAN là hai đối cực của bất cứ việc gì cần phải có óc minh mẫn mới nhìn ra cái trung của nó (kỳ) tức cái trung hợp cho lúc ấy, nơi ấy, nên luôn luôn thay đổi, thiếu tinh thần mẫn tiệp không nhìn ra được.  DÂN CHỦ TRONG KINH THƯ KHÁC VỚI DÂN CHỦ NGÀY NAY NHƯ THẾ NÀO?  Để hiểu rõ thêm chúng ta hãy tóm tắt phần nhất kinh Thư trong ít điểm để đối chiếu với nền dân chủ ngày nay. Có thể nói nền dân chủ đó bao gồm những điểm quan trọng như sau.  Trước hết là do dân, lý do vì dân là tác giả kinh điển: kinh Thi cũng như kinh Thư, vì thế mà nguyện vọng dân được hiểu hơn ở đâu hết. Với Tây phương thì ý niệm dân chủ do quý tộc đề ra, cũng như cán bộ ban đầu của cộng sản hầu hết do tư bản xuất thân vì thế nguyện vọng của dân ít được đáp ứng đúng mức. Cuộc cách mạng Pháp là một bằng chứng. Nó chỉ đưa lại tự do bình đẳng trong pháp lý còn trong thực tại kinh tế thì tuyệt nhiên không (mãi sau này mới sửa lại). Thế nhưng với dân thì cái ăn làm đầu “dân dĩ thực vi thiên”, nên nói dân chủ mà thiếu “bình sản” là lý thuyết suông.  Điểm thứ hai là dân chủ Tây Phương hầu hết đã khởi sự với óc vô thần chống đối tôn giáo, hoặc nữa tuy không chống đối nhưng nhà cầm quyền cũng không còn để ý đến tôn giáo hay Thượng Đế mà chỉ biết có luật để kiểm soát. Bên Đông Phương không có chuyện vô thần vì nói đến Thiên rất nhiều (I). Nên những ai bảo Nho giáo vô thần là sai. Tuy nhiên họ cũng có lý do riêng của họ. Số là có một kiểu bàn đến Thiên cách đặc biệt, khiến cho chữ Thiên tuy không lâm vào số phận như chữ Dieu bị lạm nghĩa đến độ, nói như linh mục Teillhard De Chardin, là không biết dùng danh xưng nào khác để khỏi gợi lên những liên tưởng không vui đủ loại “Le mot Dieu a été tellement galvaudé qu’on ne savit plus quel terme employer pour ne pas faire surgir toutes les déplaisantes associations en le prononcant ou en l’écrivant”. Vì thế văn hóa Liên Hiệp Quốc đã định bỏ chữ Dieu nhưng bàn cãi gần 20 năm rồi mà chưa xong. Bỏ đi thì mang tiếng vô thần giữ lại thì cũng bị tiếng hữu thần, đàng nào cũng chết vì không thể nào hòa hợp với nhau được. Kết quả là cả hai phe đều thiếu hướng. Phe cộng sản thì đã rõ vì họ khước từ mọi hướng tâm linh, nhưng phe Thế giới tự do cũng không đưa ra được gì làm chủ hướng.  Trong quyển CONFUCIANISME AND ITS RIVALS của Herbert A. Gris tr.12 tác giả đã tìm ra trong KINH THƯ nói đến Thiên 150 lần và Thượng Đế 20 lần.  Tại sao chữ Thiên hay Thượng Đế trong kinh Thư lại tránh được điểm bế tắc đó? Thưa có nhiều lý do, nhưng lý do chính là tại đại diện Thiên không là ai khác hơn dân, như thấy rõ trong phương trình “thiên = dân” hay nói rộng ra là “thiên thông minh tự ngã dân thông minh”. Do đó có nhiều hậu quả bất ngờ như sau. Trước hết không đặt quan trọng trên luật, nhưng trên người nên gọi là nhân trị. Trong thực chất phải hiểu nhân trị là dân kiểm soát. Điều đó được thực thi qua ba biện pháp một là quan cai trị, hai là có chứ quan thám sát, ba là công luận. Như vậy rộng hơn và sâu sắc hơn dân luật vì bên trên dân luật còn có nhân luật, còn có trời. Điều đặc sắc này khó nhận ra vì bên Tây chính trị được tổ chức cách hiệu nghiệm hơn, nhưng đó là do sự thịnh vượng mà được, mà thịnh vượng khởi đầu do kỹ thuật là cái thuộc về địa tài chứ không do triết. Điểm thứ hai là thiên mệnh không có tập truyền, nhưng luôn thay đổi tự tay nọ sang tay kia, tuỳ theo đức cao thì được quyền, đức kém thì quyền suy, đức hết thì quyền cũng mất luôn. Tuy vương triều đã đưa thế tập vào, nhưng ýniệm cách mạng cũng vẫn được duy trì qua hàng mấy ngàn năm sớm hơn Tây Phương.  Đó là đại để mấy nét lớn về nền dân chủ chân chính được trình bày trong kinh Thư. Nhiều học giả đề cao Mạnh Tử như người đầu tiên đề xướng ó dân chủ bên Á Đông, là tại không thấy rằng Mạnh Tử chỉ quảng diễn tinh thần kinh Thư, chẳng hạn ý tưởng then chốt nhất của Mạnh Tử là “Nhân chính” thì đã có đầy đủ trong thiên Cao dao mô. Nhiều chỗ ông đã trưng nguyên văn. Lấy một thí dụ. Nói đến Mạnh Tử thì ai cũng nghĩ ngay đến câu “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Nhưng đó chỉ là quảng diễn câu 4 trong Ngũ tử chi ca:  Dân khả cân chữ hán  Bất khả hạ  Dân duy bang bổn  Bổn cổ bang ninh.  Đấng Hoàng tổ (Đại Vũ) có lời huấn thị rằng:  Dân nên thân cận  Nhưng chớ nên coi khinh  Dân là gốc nước  Gốc có bền, nước mới an ninh.  Vì thế cứu cánh của chính quyền là phải lo cho dân được hạnh phúc. Không lo nổi thì mất quyền gọi là mất thiên mệnh. Những câu diễn ý đó gặp đầy trong các thiên Thương cáo, Thiện cáo, Hàm hữu nhất đức v.v… Tất cả bấy nhiêu đều nằm trong phương trình lớn lao này: thiên = dân. Trời là dân, dân là trời. Trong thiên Cao dao mô, ông Cao Dao nói với Đại Vũ rằng:  Thiên thông minh tự ngã dân thông minh chữ hán  Thiên minh uý tự ngã dân minh uý  Đạt vu thượng hạ  Kính tai hữu thổ  (Cao Dao mô 7)  Trời xem nghe sáng suốt tức là dân xem nghe sáng suốt.  Trời ban phúc hay ra uy là theo như lòng dân.  Trời với dân (trên với dưới) thông đạt cùng một lẽ. Ai có đất đai nên kính cẩn vậy thay!  Đó là nguyên lý nền móng, nếu đọc cả thiên ta sẽ gặp những nguyên tắc căn bản tương tự: thí dụ nhà cai trị phải lấy tu thân làm gốc. Hoặc nguyên tắc coi trọng việc biết người hiền tài mà dùng. Người cai trị giỏi phải có đức, trong đó nên chú ý hai điểm:  Một là đặt nổi đức trung dung tránh quá đáng. Hai là dùng những số của Việt Nho như 3, 5 và nhất là 9 của Cửu lê như ngũ điển, ngũ lễ, cửu đức…  Như thế chỉ nên coi sách Mạnh Tử như một truyện, tức một sách giải nghĩa rộng kinh Thư, và lúc ấy thì Mạnh Tử rõ ràng nhất. Còn như muốn tìm về nguồn gốc tinh thần dân chủ trong Nho giáo thì phải đi lên nữa, lên tận thời khuyết sử của Việt Nho mới dễ nhận ra dân với Việt là một, Hán tộc với Vương triều không hai, và khi tinh thần dân chủ bị đàn áp thì cũng chính là sự tiếp nối trận tuyến giữa Viêm Việt và Hoa Hán xưa kia. Và sẽ còn tiếp nối trong các thời sau giữa Vương đạo và Bá đạo, giữa Nhân trị và Pháp trị. Chương sau chúng ta sẽ tìm hiểu trận tuyến đó dưới hình thức cổ văn và tân văn. Kim Định

Tìm Kiếm