KINH XUÂN THU HAY LÀ ĐẠO VÀO ĐỜI

 THƯ HƯƠNG

…..

 TRANH LUẬN VỀ BẢN CHẤT KINH XUÂN THU

ING.025Chữ “Kinh” đi liền với Xuân Thu đã nói lên tầm quan trọng của quyển sách này, thế nhưng các Nho gia lại còn muốn nhấn mạnh sự quan trọng này bằng cách gán cho nó tính chất bí nhiệm. Sự việc nảy sinh là do chính bản văn, không phải vì nó có vẻ bí nhiệm hóc búa như văn kinh Dịch, kinh Thư, nhưng vì nó rất tầm thường. Thật vậy, khi mở sách Xuân Thu thì hầu như ai cũng thất vọng vì không thấy điều gì lạ cả, mà chỉ ghi chép những việc làm của vua nước Lỗ: lên ngôi, cưới hỏi, đi săn, đánh giặc, ghét con này, đặt con kia, sủng ái bà này, bỏ bà kia, cuối cùng thì chết, phần lớn là bị ám sát v.v… Mỗi việc lại có ghi cả ngày tháng nên gọi là biên niên. Thế thôi. Ngoài ra không tỏ một dấu gì khen chê, ngạc nhiên hay phê bình, nhiều khi không ghi đủ cả hoàn cảnh để giúp cho công việc phê bình sau này nữa. Bởi thế nếu không có tam truyện, nhất là tả truyện, thì Xuân Thu cũng giống như bất cứ quyển biên niên nào khác, không có gì chứng tỏ rằng đã được san định do một bàn tay Thánh Triết, để trở nên một Kinh Điển. Thế mà lại vẫn được xem là Kinh. Tại sao lại có thể xảy ra việc kỳ lạ đó? Các Nho gia giải nghĩa bằng thuyết bao biếm, tức dùng hai chữ ngụ ý để phê phán, phân biệt thiện ác, như đã được đúc kết lại trong tam tự kinh:

“Thi kí vong

Xuân thu tác

Ngụ bao biếm

Biệt thiện ác”.

 Khi Kinh Thi đã hết, thì đến lượt Xuân Thu xuất hiện, dùng lối văn hàm ngụ và bao biếm (chỉ một cách ẩn) để phân biệt thiện ác… Trong số những Nho gia nhận thuyết trên có cả Mạnh Tử. Ông nói vì tình thế suy đồi… nên “Khổng Tử cụ, tác Xuân Thu” và”Khổng Tử thành Xuân Thu, nhi loại thần tặc tử cụ” (Đằng Văn Công hạ 9-11). Tư Mã Thiên cũng khen tặng kinh Xuân Thu như một thứ gương soi (thông giám) để giúp hiểu đạo trời, đất, người cách cụ thể. Một số Nho gia khác, như Mã Đoan Lâm, tuy có chấp nhận thuyết bao biếm, nhưng cho rằng chính bản văn Xuân Thu do Khổng Tử san định đã bị thất lạc trong thời đốt sách chôn nho (Legge 18) còn sách đang lưu hành hiện nay chỉ là quyển biên niên của nước Lỗ, hoặc của ba nhà làm truyện (Công Dương, Cốc Lương, Tả Thị). Vì thế Xuân Thu không biểu lộ được sự cao sâu của nó. Học giả James Legge không đồng ý với Mã Đoan Lâm, cũng như không chấp nhận thuyết “ngụ bao biếm” của các Nho gia, mà chỉ căn cứ vào bản văn để hạ giá Khổng Tử. Ông không đồng ý cho Khổng là một vĩ nhân, mà chỉ vì được người Tàu tôn lên bậc Thầy, nên đã có thể dẫn dắt Đông Phương. Nhưng chính sự dẫn dắt đó, làm họ sai lầm cũng như đã phá mất đường chính thật của họ “It is he who leads them that causes them to error and has destroyed the way of their path”. (Legge 51) Ý kiến của Legge lẽ ra khỏi cần nhắc tới, nhưng vì bản dịch của Legge đã được lưu hành trên khắp thế giới, bởi vậy thiết tưởng cũng cần phải bàn tới, vì tuy đã bị nhiều học giả lớn bác bỏ, nhưng chưa thấy ai nói lên được lý do chính tại sao Legge lại hạ thấp Khổng đến như vậy (1). Lý do đó nằm trong câu kết dẫn vào quyển dịch Xuân Thu của ông như sau “if my study of the ch’un ts’ew help towards convincing them of this and leading them to look away from him to another Teacher, a great aim of my life will have been gained. Legge V.53” “Nếu việc tôi nghiên cứu sách Xuân Thu có giúp cho người Tàu tin như vậy (tức tin rằng Khổng Tử làm cho người Tàu lạc đường) và ngửa mặt lên nhìn ông Thầy khác, thì mục đích lớn của đời tôi đã đạt.” Legge là một thừa sai Tin Lành, thì mục đích chính của ông là làm cho người Tàu bỏ tôn thờ Khổng Tử để đi tin theo thầy khác. Đấy là điều dễ hiểu. Ông được sai đến nước Tàu  không ngoài mục đích nọ, cho nên khi ông nghiên cứu Nho giáo thì không phải nghiên cứu xem Nho giáo có điều chi hay đáng học hỏi chăng, nhưng là để xem có những điều nào bắt bẻ được để hạ giá Khổng Tử, và ông đã thành công, nhưng mới đạt được một việc là làm cho dân Tàu hết tôn thờ Khổng Tử; còn bước sau là “nhìn đến ông thầy khác” thì cũng có, nhưng lại trái ngược hẳn với điều mong ước của Legge, vì thầy khác đó không phải là Đấng Christ mà là Karl Marx, tức còn tệ hơn là tin ở Khổng, vì nếu dân Tàu còn tin Khổng thì các thừa sai còn có thể giảng đạo bên Tàu. Nhưng một khi họ đã tin K.Marx thì có nghĩa là năm ngàn thừa sai phải cuốn gói rời khỏi đất Trung Hoa. Vì các ông thầy Tây độc đoán không chịu được nhau như các ông thầy Đông Phương. Vong linh Legge có sướng chăng?  Công trình dịch thuật của Legge quả là giá trị, nhưng không phải vì vậy mà ông đạt được triết Nho. Chỉ một câu dịch sau đủ chứng tỏ ông mới là Nho học chưa là Nho triết: the master said: No no! the superior man is distressed list his name should not be honourably mentioned after death Xuân thu tr.14  Điều đáng nói là trong giới trí thức Trung Hoa đã có nhiều người a dua theo Legge mà hạ Khổng Tử, kể cả những học giả có tinh thần quốc gia như Hồ Thích, người hay mạt sát cái di độc của văn Xuân Thu, mà không nhận ra thâm ý của Legge. Ấy thế mà có khó chi đâu vì Legge đã nói rõ mục đích của ông không phải là học giả mà là thừa sai. Thừa sai không phải được sai đi để tìm hiểu, nhưng để tranh đấu cho một đạo lý (leur métier n’est pas de comprendre mais de se battre, Journal XIII). Và Legge đã chu toàn nhiệm vụ một cách “khoa học”. Ông đã đi nhặt các điều mà ông cho là “sai lầm” của Xuân Thu, thí dụ lẽ ra phải nói bị ám sát mà lại nói là chết…… cứ thế đến gần 20 trang (từ 38-53) mà không hề nói lấy một lời về căn bản của sách, thì rõ rệt Legge tỏ ra là một nhà truyền giáo chứ không phải là một nhà khoa học. Tại sao giới trí thức Á Đông không thấy điều đó mà lại chạy theo ông ta, có nên gọi là trí thức mất gốc?

 TÍNH CHẤT CÁCH MẠNG CỦA XUÂN THU

Tại sao không nhận thấy lời của Legge chỉ là một phán đoán theo sự đánh giá chủ quan của ông ta, mà không biết sống lại không khí thời Xuân Thu, giữa những hoàn cảnh đã khiến người xưa viết ra. Nếu chịu nhìn theo hoàn cảnh, sẽ nhận thấy rõ tính chất cách mạng nhẹ nhàng của Khổng Tử: không cần phải sửa đổi sách, mà chỉ cần giật sách Xuân Thu ra khỏi vùng quyền lực của nhà vua, để biến thành vấn đề học hỏi phê phán của toàn dân. Nội việc làm đó đã là một hành động mang đầy tính chất cách mạng rất nguy hiểm, đòi hỏi ở người hành động một đức tính can trường, tranh đấu thực sự cho Nhân quyền chống với chuyên chế. Chính vì chuyên chế mà trước kia sách Xuân Thu là việc riêng của Vương triều, mà không nói chi tới dân gian, không đá động tới đời sống sinh hoạt của xã hội (vì thế mới gọi là biên niên). Đã vậy những việc riêng của vua chúa lại che giấu không cho dân biết đến. Đấy là một thói quen đời xưa, mà nhiều triết gia coi là chí lý có người còn đặt ra thuyết để bênh vực như “thuật” của Pháp gia. Cả đến những người giàu có công thể như Lão Tử cũng còn bênh vực sự che giấu đó “quốc chi lợi khí bất khả dĩ thị nhơn”. Nhưng Khổng Tử đã dám lội ngược trào lưu, tuy ông không tuyên bố gì cả nhưng đã lôi Xuân Thu ra khỏi độc quyền của Vương triều để đưa ra làm đề tài “thanh nghị” cho nhân gian. Việc làm đó có tính chất cách mạng, xứng danh là của một Vua, chứ lúc ấy thường dân có mấy ai dám làm. Vì thế mà người sau tặng ông chức Tố Vương, tức là vua không ngai. Không ngai vì ông chỉ là một thường dân, nhưng lại xứng tước Vương vì dám bàn đến Xuân Thu là việc của Vương triều “thiết tố vương chi pháp vi thiên tử chi sự dã” (Legge 57). Làm việc đó Khổng Tử đã trả lại cho dân gian cái quyền cố hữu đã bị Vương triều cưỡng đoạt bấy lâu nay, là quyền nghị luận về việc nước. Khổng Tử đã tranh đấu cho quyền tự do tư tưởng và phát biểu của con người. Legge đã không hiểu điều đó, hay hiểu nhưng cố ý không đả động tới nửa lời, mà chỉ đi thu nhặt những chi tiết có thể phê bình (nhưng không chính xác). Thí dụ về việc ông trách kinh Xuân Thu đã không ghi lại những hoàn cảnh, để giúp đời sau phán đoán thiện ác, thì ta có thể nhận xét là một khi đã giật khỏi uy quyền nhà vua để trả lại cho dân gian phán xét thì nên để cho dân làm công việc đó, người viết chỉ cần đưa ra sự kiện, khỏi cần phán đoán thay cho độc giả. Do đó ta thấy có rất nhiều lời bàn như tam truyện và nhiều Nho gia khác.

Legge có thể bắt bẻ rằng sao không đưa ra những tiêu chuẩn? Thưa những tiêu chuẩn có cả rồi nhưng vì lối văn hàm ngụ nên không nói toạc ra. Thử hỏi, vậy thì sự hàm ngụ nằm ở đâu? Sự hàm ngụ ấy nằm ngay trong tên sách. Nhưng làm sao mà Legge nhìn ra được, vì ông chỉ căn cứ vào có Hán Nho làm sao thấy được Việt Nho. Thực ra thì với Hán Nho cũng thấy được chút ít, và đã nói lên trong thuyết “chính danh định phận”. Chúng ta có thể cho là Hán Nho nói đúng: vì Xuân Thu nhằm “chính danh định phận”, nhưng đó mới là vòng ngoài chính trị, mà chưa đạt tới vòng trong của Tính Thể, nên chưa thấy cái tiêu chuẩn tối hậu.

TIÊU CHUẨN CỦA XUÂN THU

Tiêu chuẩn đó nằm ẩn trong tên sách. Tên sách là Xuân Thu. Chỉ nội tên gọi đó thôi đã nói lên hai điểm tối quan trọng, hay là then chốt của kinh Xuân Thu: một là lấy thời tiết trời đất là chính cốt và hai là vị trí của con người. Về điểm thứ nhất lấy thời tiết trời đất làm nền tảng, vì thế tên sách đặt theo mùa, và trong sách luôn chú ý đến việc ghi mùa, dù không có việc chi cũng ghi mùa và tháng như: “Xuân vương thì nguyệt”, mùa xuân tháng hai, ngoài ra không có việc chi cả. Trong Xuân Thu hay có như vậy. Trình Tử bàn rằng: đó là để giữ lấy mùa của Trời, vì đạo Trời mà còn thì Nhân lý mới vững. Bởi thế đạo Trời cũng gọi là Vương đạo (xem An công năm thứ ba).

Năm thứ hai Hoàn Công, Xuân Thu lại viết: “Đông thập nguyệt”, mùa đông tháng mười. Cốc lương truyện hỏi không có việc nào sao lại chép mùa? Lý do là không để sót mùa. Lối biên niên của Xuân Thu, bốn mùa có đủ thì mới thành năm. Cốc lương viết như thế là vì ý thức chưa rõ rệt nền tảng đặt trên thời gian. Ai đã đọc “Chữ Thời” đều biết rằng triết học đã sa đọa vì đánh mất thời gian, đó là bước sa đọa trầm trọng. Ai hiểu được như thế mới hiểu giá trị kinh Xuân Thu khi đặt nền tảng trên chữ Thời.

Bây giờ, bàn đến điểm thứ hai là tại sao lại gọi Xuân Thu mà không gọi hạ đông chẳng hạn? Tất cả cái sâu xa phải tìm trong câu hỏi đó. Chính nó sẽ nói lên tiêu chuẩn của Việt Nho, một nền đạo lý đã có lâu đời từ Phục Hy, Thần Nông v.v… Trong kinh Thư ở thiên Nghiêu điển khi nói đến các mùa đã chú trọng đến Nhật trung, tức lúc ngày đêm dài bằng nhau. Như vậy là đã có ý tưởng dành hai mùa xuân thu cho con người hơn hết vì theo Việt Nho thì Người là gì nếu không là “thiên địa chi đức, quỷ thần chi hội”.

Chúng ta chỉ cần nhìn phớt qua đồ biểu bốn mùa thì sẽ nhận ra thiên địa giao nhau quân bình hơn hết trong hai mùa xuân thu. Hạ thì ngày quá dài nên quy cho “địa”, đông thì ngày quá ngắn nên quy cho” thiên”. Còn quân bình nhất là hai mùa xuân thu nên quy cho Người được định nghĩa là “thiên địa chi giao” để nói lên tính chất Nhân Chủ hay là phần trội hơn quy cho con người. Như đã bàn ở quyển “Nhân Chủ” : trong bốn nét của chữ “Nhân” thì “trời” một, “đất” một, còn Người hai. Câu ấy không phải là một sự tán tự trống rỗng nhưng được hiện thực bằng bốn mùa trong năm: trời mùa Đông, đất mùa Hạ, còn Người là hai mùa Xuân Thu tức hai mùa trời đất (ngày đêm) giao nhau cân bằng. Vì lý do đó mà sách biên niên gọi là Xuân Thu.

 Và tuy Xuân Thu chỉ ghi chép việc của vua, nhưng theo quan niệm Việt Nho, Vua phải là người lý tưởng, tức người đã hiện thực đến cao độ Nhân tính, vì thế tuy chỉ nói có việc vua, mà ý nghĩa sâu xa là nói về con người, mà kinh Thư quen gọi là “nhất nhân”. Đây là một nét đặc trưng về nền văn hóa Việt Nho khác hơn các nơi khác. Bên Âu Ấn vì là “thần quyền” nên chú trọng Trục chí (axe solsticial) tức trục thiên địa. Nên lễ mặt trời mừng vào Đông chí (cuối tháng Décembre). Về sau Kitô giáo thích nghi Noel vào ngày 25 Décembre. Còn hạ chí là lễ Saint Jean d’été xưa kia mừng vào ngày 20/6. Bên Đông thì lại mừng lễ vào hai mùa xuân thu “xuân tế Đế, thu tế Thường”, tức là đi theo con Người. Còn hình thức đại chúng là hai Tết Xuân và Trung Thu cũng là trục quân phân (axe équinoxial) biểu thị Nhân Quyền. Cũng vì ý tưởng Nhân Quyền đó, mà Lạc Thư hoán vị cho hai số 2, 4. Ở Hà Đồ thì trục ngang là 3-4, nhưng Lạc Thư đổi ra 3-2 vì 3-2 là số của đông nam cũng là số quân bình so với trục thiên địa 1-4. Vì vậy mà câu “tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số” được chọn biểu thị Nhân Đạo. Chính vì thế mà Việt Nho đề cao lịch nhà Hạ, cũng là Quy lịch tức Việt lịch vì khởi đầu năm ở cung Dần (mùa xuân) “nhân sinh ư dần” tức đề cao khía cạnh Nhân Chủ, theo câu trong Tả truyện “phù dân thần chi chủ dã”, người dân là chủ thần là khách. Ngược lại khi thần là chủ thì mừng lễ vào Đông chí “thiên sinh ư tí (mùa đông).

Đó là ý chính của hai chữ Xuân Thu mà Khổng Tử đã lãnh hội được trong cái Đại Đạo của cổ nhân, và đã truyền miệng lại cho môn sinh, về sau được ghi vào sách truyện nhất là “Xuân thu Tả truyện” quen gọi tắt là Tả truyện. Đó là một bản văn phong phú nhất và cũng sống động nhất, giúp cho hậu thế hiểu được thâm ý của kinh Xuân Thu, mà trong lúc sinh tiền hoàn cảnh không cho phép nói lên cách công khai. Vì đó ta có thể căn cứ vào Tả truyện, để tìm chứng tích cho những điều suy luận trên.

Ý TƯỞNG THEN CHỐT CỦA “TẢ TRUYỆN”

 Xuân Thu có cái tên bí ẩn, thì đến Tả truyện giảng rộng Xuân Thu cũng lại có cái tên bí ẩn không kém, đó là chữ Tả. Chữ đó có phải chỉ tên tác giả là Tả Khẩu Minh chăng? Đó là vấn đề được đặt ra và chưa được giải quyết, vì rất có thể chữ Tả chỉ phe yếu, phe dân, bởi dân thuộc bên tả (xem bài vấn đề chiêu mục trong Việt lý). Hoặc nữa cả hai là một, lúc đó Tả Khẩu Minh sẽ là phát ngôn viên của Dân (những kẻ ở bên Tả) để làm sáng tỏ (minh) cái đạo của Khổng Khâu. Ta có quyền nói như thế vì nội dung quyển sách nhằm đề cao Dân Quyền, cũng là Nhân Quyền: điều gì hợp nhân quyền là cát, điều chống nhân quyền là hung, theo câu ngạn ngữ “việc may để bên tả, việc hung để bên hữu” (kiết sự thượng tả, hung sự thượng hữu). Vậy mà, với con người thì hung sự nền tảng là bị nô lệ hóa, còn bao nhiêu ách thì có bấy nhiêu hung sự, và cần có bấy nhiêu cuộc giải phóng: mỗi hành động giải phóng là một kiết sự. Tâm thức con người tiến từ “bái vật” qua “ý hệ” đến “tâm linh”, và chỉ ở phần TÂM LINH mới đạt NHÂN CHỦ tức Tự Lập, Tự Quyền, Tự Chủ. Vì thế mà ở hai đợt trước thường có những thế lực tìm cách nô lệ hóa con người, bởi chưa là nhân chủ, nhưng còn thuộc bái vật di đoan (thiên) cũng như thuộc quyền lực của vương triều (địa). Chúng ta sẽ xem Tả truyện chiến đấu để giải thoát con người khỏi hai loại ách nô lệ đó như thế nào.

Trước hết đối với loại nô lệ thuộc bái vật là óc dị đoan giết người, thì có những vụ như Hà Bá cưới vợ (xem Việt lý chương XIII). Tục chôn người sống theo người chết (Tần Phong, bài Hoàng Điểu) đều phát xuất từ phía Tây (Tartar) truyền vào nên thấy nhiều ở mạn Tây Bắc. Có khi các dị đoan đó dùng đến uy quyền của mẹ cha nhưng cũng không tiến được. Chẳng hạn khi Vũ Tử gần chết, truyền cho con chôn nàng hầu theo mình, nhưng khi Vũ Tử chết rồi con lấy chồng cho nàng hầu. Sau được hồn người cha nàng hầu linh ứng giúp thắng trận (Tả sách VII năm 15, câu 5).  Khi Tống Công dùng mái Tăng Tử để tế thần xã đất Thứ thư, đã bị Tư Mã Tử Ngư trách nặng lời: “tế tự là toàn vị người. Dân là gì nếu không là chủ của thần. Dùng người (mà tế) thì thần nào dám hưởng (dám ăn thịt chủ). “Dân thần chi chủ” đó là chủ đề chính của sách Tả truyện, nên ta gặp được rất nhiều tích minh họa chủ đề đó, thí dụ lời sau đây: “dân là chủ của thần, vì thế thánh nhân xưa lo xong việc dân mới lo đến việc thần”… và “thế nào là có đạo? Là trung với dân, tín với quỷ thần. Trên chỉ nghĩ lợi cho dân là trung. Việc thờ phụng theo đúng lẽ là tín” (Hoàn công năm VI, phụ lục tả truyện (11,191).  Trước nạn nguy vong mà nước Quắc không chịu nghe lời người hiền lại giở trò cúng quảy. Sử Ngân nói: “Đất Quắc suy vong đến nơi rồi. Tôi nghe nói: nước hưng thì nghe dân, nước sắp suy thì nghe thần”. (Trang công năm 32 (1,154…)) Còn biết bao tích khác tương tự, tất cả chứng tỏ một tinh thần Nhân Bản cao độ mà đố Legge tìm được ở đâu trong sách vở của Tây Phương. Xiềng xích nô lệ loại hai, thuộc Vương triều còn khó giải thoát hơn, và càng khó nhận ra công trạng hơn, vì vấn đề rất tế nhị ở chỗ uy quyền cũng rất cần thiết cho sự sống còn của một nước, nên không thể đả phá uy quyền kiểu thanh đàm tắc trách, nhưng phải làm thế nào để vừa duy trì được uy quyền quốc gia, mà đồng thời uy quyền đó không đàn áp con người. Với điểm đầu là óc tôn quân, có thể đi tới đả phá Vương quyền nhưng đó là thanh đàm thôi. Trong thực tế thì không thể không có một chính quyền nào đó: không vua chuyên chế thì cũng lại chủ tịch nhân dân kiểu cộng sản. Để tránh những thái cực như vậy Nho giáo tranh đấu cho một thứ quân chủ lập hiến. Nói một thứ tức là không trong danh hiệu nhưng là trong thực chất, nghĩa là làm thế nào để cho người tài đức trong nước được tham dự vào việc cai trị. Vậy Tả truyện đã đi theo lối này, như có thể nhận xét trong một số điểm sau: trước hết là Tả truyện đã đề cao vai trò người hiền như một bảo khí, ai có được người hiền theo phò thì thành tựu nghiệp bá, không thì thất bại. Mê săn bắn, mê tửu sắc chưa phải là hại cho nước, hại cho nước là không biết người hiền, hoặc biết mà không dùng, hay dùng mà còn cho tiểu nhân xen vào. Tề Hoàn Công chỉ thành tựu vì nhờ Quản Trọng, Sở Trang Vương nhờ Bá Lý Hề, Việt Vương Câu Tiễn nhờ Phạm Lãi và Văn Chủng… Tóm lại, sự thành công của Ngũ Bá đều là nhờ có những người hiền tài phụ giúp. Thế mà tất cả những hiền tài đó xuất hiện tự dân gian: kẻ thì đang làm ruộng, người thì đang chăn trâu, câu cá… Hậu quả tất nhiên của việc đó là Vương công đều phải có đức từ tốn biết coi trọng dân (sử dân như thừa đại lễ) biết nghe theo lời người hiền. Vì thế mà Tấn Văn Công cũng có tên là Trùng Nhĩ (hai tai = ý nói chịu nghe theo lời bàn) được kể như vai chính trong Tả truyện. Tề Hoàn Công chỉ là mở đầu, các bá khác chỉ là hậu hết, còn nổi nhất là Tấn Văn Công. Chữ Văn nói lên đức tính của trùng nhĩ, biết lắng tai nghe trời, nghe đất, nghe người. Trong thực tế là biết đề cao người nhân nghĩa, rồi tới những người giúp mình bằng ân huệ, sau mới đến người chiến đấu v.v… (Danses 79). Vì thế công lớn nhất của các bậc Vương hầu là biết Cử Hiền, công lớn hơn nữa là kéo được những bậc hiền tài đến với mình. Uy tín cao nhất là biết khám phá ra những bậc hiền tài ẩn dật trong dân chúng. Tất cả giá trị của Tấn Văn Công là xoay quanh điểm biết người biết của vậy (Danses 83). Vì thế ta cũng có thể nhìn cuộc cách mạng của Xuân Thu tả thị dưới hình thức: chuyển trọng tâm tự đất sang đức. Chế độ phong kiến căn cứ trọn vẹn trên hoa lợi đất đai, sự quan trọng của một nước tính trên số xe số đất. Nay với Tả truyện thì chuyển sang đức độ “hữu đức tức hữu thổ”. Đó là cách ngôn nước Sở và do đó đẩy cuộc cách mạng đến chỗ đề cao cá nhân. Đây là bước rất khó vì thưở ban đầu tâm thức con người còn bị chìm đắm trong đoàn thể: một người có tội cả họ phải chịu, chưa ý thức được trách nhiệm cá nhân. Vậy mà Xuân Thu tả truyện đã tới. Cữu Quý giới thiệu Khước Khuyết với Tấn Văn Công. Công hỏi nhưng cha phạm tội có nên dùng con không? Đáp: Cổn có tội bị vua Thuấn giết thế mà Thuấn vẫn dùng con là ông Vũ…… Quản Trọng là kẻ thù của Hoàn Công mà Hoàn Công vẫn dùng. Thiên Khang cáo có câu: “cha không từ, con không kính, anh không hòa, em không thuận, không có liên luỵ tới nhau”. Kinh Thi có câu: “Hái rau không hái rau phỉ, đừng có lấy cuống”. Xin nhà vua cứ dùng. (Hi công năm 33, II. 282).  Trở lên là đại để ý chính của kinh Xuân Thu Tả truyện: rõ ràng là chiến đấu cho Nhân Chủ, cho Tự Do con người đang bị óc tranh bá đồ vương của vương triều giầy xéo. Vì thế người xưa đã đặt Tả truyện vào hàng nhất của tứ đại kỳ thư nghị luận là: Tả truyện, Nam Hoa kinh, Ly tao, Sử ký.

Nhớ lại truyện con kỳ lân xuất hiện nhưng bị què chân tả, phải chăng đó là huyền thoại chỉ về sách Tả truyện không được vương triều thừa nhận lấy cớ là mạo thư, và sau này có được thừa nhận đi nữa thì cũng đã quá muộn, nên thâm ý sâu xa của nó cũng chẳng còn được ai nhìn thấy, nên kể là bị chôn luôn với kinh Nhạc biểu thị cho tinh thần Việt Nho. Huyền sử kêu là cửu đỉnh bị chìm mất, và cho tới nay vẫn chưa tìm ra được một ông Đại Vũ nào để vớt được cửu đỉnh đã chìm, nghĩa là biết trị quốc theo tinh thần Nhân Chủ của sách Xuân Thu, sách Tả truyện đã bị Hán Nho dìm lấp.

Kim Định
(Trích: Tinh Hoa Ngũ Điển)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm