Bình Nguyên Lộc

CHO TAY NÀY LẤY TAY KHOA

Bịnh viện Bình Dân[1], một buổi sáng. Giáo Sư H. đi đến giường số 17, thì dừng lại. Sau lưng ông, người ta dồn đống như tại một ngả tư phố Sài gòn, xe dồn cục lúc đèn đỏ cháy lên.
Họ đứng sau lưng ông, đông, trên hai mươi mạng: bốn anh nội trú, tám anh ngoại trú, mười sinh viên thường và hai nữ y tá.
Bác Sĩ H. là một Giáo Sư Y Khoa lỗi lạc, mà thủ thuật đã được nhiều tạp chí Pháp và Mỹ nói đến, nên, hễ ông đi thăm bịnh, là bao nhiêu người thích tìm tòi, học hỏi đi theo đông đủ sau lưng.
Khi họ dồn lại một nơi, thì con bịnh không còn biết ai là “bác sĩ thầy” nữa cả. Giáo Sư, người thấp bé, ăn mặc rất khiêm tốn, cái đầu trọc lóc, thật kém đẹp, kém oai hơn sinh viên nhiều. Ông lại pha trò suốt ngày, khiến người ta tưởng, đó là một thanh niên vui tánh, mới vào học.
Giáo Sư quay lại hỏi nội trú Thành, người gác nhà thương đêm rồi:
– 17 mới vào à? Đâu, quan sát đâu?
Nội trú Thành lướt tới, tay cầm xấp tài liệu, rồi nói như giảng bài, cho tất cả sinh viên đều nghe:
– Người nầy bị chứng ung thư phổi. Dấu hiệu chánh: đầu móng tay bầm tím và co quắp lại. Những dấu hiệu phụ: nghẹt thở gầy ốm nhanh chóng trong mười lăm hôm…
Giáo Sư vừa lắng tai nghe phúc trình của anh nội trú giỏi nhứt nhà thương, vừa bước tới kiểm soát lời anh ta.
Khi Thành phúc trình xong, Giáo Sư hỏi:
– Phụ Giáo đâu?
Lúc ấy, người Phụ Giáo ở ngoài, vừa bước vào. Giáo Sư nói:
– Bác Sĩ à, cho chuẩn bị để mổ ngay.
– Chuẩn bị rồi, thưa Thầy.
Đường, sinh viên thường, năm thứ nhì, chen tới hỏi:
– Thưa Thầy, liệu cứu hắn được hay không?
Họ trao đổi ý nghĩ với nhau bằng ngoại ngữ, nhờ thế con bịnh không hiểu được, nên khỏi sợ sệt.
– Rất có thể thành công. Giáo Sư khiêm tốn đáp.
Đường lại hỏi thêm:
– Thưa Thầy, bịnh sẽ tái lại hay không ?
Giáo Sư mỉm cười:
– Nếu nó không tái lại, hóa ra loài người đã chữa ung thư được rồi à? Không, vài năm sau hắn sẽ chết. Cố gắng của khoa học là lùi phút chót của con bịnh lại, lâu chừng nào hay chừng nấy.

*
* *

Giáo Sư đã thành công. Không ai ngạc nhiên hết, vì ông ấy mổ vững như thợ thiến gà.
Nhưng mấy hôm sau, con bịnh bị nhiễu chứng. Đầu tiên là chứng nghẹt phát quản phổi. Có những giọt máu khô sau cuộc mổ mà con người không làm sao tìm thấy được. Một giọt máu khô ấy, theo vết thương mổ, chạy vào phát quản, rồi bị dòng máu đẩy đi. Nhưng một khi kia, gặp nơi phát quản hẹp quá thế là nó chận ngõ đón truông, không cho tuần hoàn làm việc.
Lại phải mổ. Mà trước khi mổ phải khó nhọc tìm xem tên phiến loạn phá hoại sự lưu thông ấy trốn chắc chắn nơi đâu.
Hệ thống lưu thông của máu huyết vừa được giải tỏa, thì con bịnh lại bị nhiễm trùng độc.
Vì mổ mãi, nên vi trùng có dịp xâm lăng cơ thể anh ấy, như mở cửa thành cho quân địch vào ấy mà! Một thành phố kiểm soát chặt chẽ bao nhiêu cũng khó ngăn sự len lỏi của ẩn binh. Miệng mổ và dụng cụ được khử độc kỹ lưỡng bậc nào, cũng không chận toàn thể vi trùng đột nhập.
Tất cả nhà thương đều được huy động để săn sóc con bịnh, tất cả dụng cụ, thuốc men đều được xử dụng để đối phó đến hàng chục nhiễu chứng mà hắn vướng phải.
Ở bịnh viện Bình Dân, trại nào cũng là trại do Y Khoa Đại Học phụ trách để nghiên cứu cả. Ngoài, người ta không biết, nghe nói học trò đến học thì sợ lắm, ngại họ dùng các con bịnh làm đám đất thí nghiệm. Sự thật, thì Y Khoa Đại Học cẩn thận hơn cả nhà thương thường, không hề thí nghiệm càn như người ta ngỡ. Trái lại, sự săn sóc thì châu đáo đến mức kiểu mẫu cho sinh viên noi theo. Còn sinh viên, thì phần đông, tận tâm, cố gắng để được hành nghề.
Thành thử, con bịnh, nhứt là những con bịnh mấy chứng nguy, được họ chiến đấu quyết liệt với thần chết, để cướp hắn lại. Bao nhiêu tự ái đều nhảy ra mặt trận: tự ái của ông thầy quyết cho học trò tín nhiệm, tự ái của sinh viên quyết chứng tỏ mình hiểu biết và làm được. Ngoài ra, lương tâm nhà nghề và tinh thần đồng đội cũng tiếp chiến với bao nhiêu thứ kia.
Sáng sáng, xem biểu nhiệt độ, họ lặng thinh mà thở dài, hoặc nhảy nhót tưng bừng, ôm nhau mà cười, nói:
– Ta đã thắng!
Sự thắng bại thật là bất phân. Vài hôm, bên tử thần muốn làm chủ tình hình, hôm khác, bên đoàn Y Khoa lấn nước.
Hai đối thủ tranh nhau từng tấc đất, rình rập nhau để chụp lấy sơ hở của bên kia. Bên tử thần cứ lù lù tiến tới, trong những bước chậm rãi, một cách hiểm ác, chậm rãi mà chắc chắn, vì hắn tin, không con mồi nào thoát khỏi hắn cả.
Bên đoàn Y Khoa, hôm thì tấn công ồ ạt, hôm lại dùng chiến thuật du kích, để khai trừ từng thằng một, những binh tướng lẻ tẻ của thần chết như là động kinh, vọp bẻ vân vân…
Không giờ phút nào mà cuộc chiến đấu không diễn ra và kẻ chịu đựng nhứt trong bọn là các nội trú. Đời Y Khoa không có gì khổ hạnh bằng mấy năm nội trú. Trăm dâu đều đổ lên đầu nội trú, đến nỗi mấy anh ấy ăn, ngủ đều mặc áo choàng trắng sẵn trong mình, thảo nào mà nhiều vị lương y không khoe bằng Bác Sĩ, mà lại biên lên bảng hiệu: Cựu Nội Trú, cho người ngoài khiếp phục chơi. Nội cái việc thi đỗ vào nội trú cũng bằng là vượt Vũ Môn cấp nhì vậy.
Ngày thứ năm mươi sáu, sốt lui một cách đột ngột.
Tử thần, dường như thấy khó thắng, nên nửa đêm rút đi êm thắm và trật tự.
Mười một giờ đêm hôm đó, anh nội trú Ân đi soát lại cái giường lần cuối cùng, để vào buồng ngả lưng một lúc. Anh rờ lên trán anh 17, thì nghe mát lạnh. Hoảng hốt và mừng rỡ, anh chạy vào buồng đánh thức bạn đồng khoa dậy:
– Giặc! giặc! tụi bây ơi!
Bọn kia dụi mắt hỏi:
– Bịnh vào à?
– Không, giặc lui rồi!
– Giặc nào?
– Giặc 17.
– Hắn chết rồi à?
– Không, thủy hạ.
Cả bọn đều nhảy xuống giường. Anh Tuân hét:
– Đi lấy Potion de Todd mau lên!
Khi nhiệt độ xuống thình lình như thế, con bịnh cũng nguy, vì hắn có thể bị nhiễu chứng khác, nên phải cho hắn uống Potion de Todd cho hắn ấm lại.
Bọn sinh viên chạy rần rần ngoài trại bịnh, vây lấy con bịnh, mà tên đã bị quên mất, và được họ gọi là 17. 17, cái tên ám ảnh, cái tên khủng khiếp, làm cho họ mất ăn, mất ngủ gần hai tháng trời nay.
Con bịnh vừa tỉnh, ngơ ngác nhìn đám người lạ mặt đang cúi xuống người hắn. Một anh lạ mặt, nắm lấy tay hắn, để bắt mạch tay.
Từ đó đến sáng, họ lui tới phòng 17 không ngớt, hỏi hắn đủ điều, thật khổ sở cho hắn.

*
* *

Giáo Sư H. vỗ bụng 17, nhe răng ra cười, mà rằng:
– Vài hôm, anh về, ráng mà ăn phở, anh gầy lắm rồi !
Cả bọn sinh viên đều cười rộ lên. Giáo Sư H. là người miền Bắc. Họ ngỡ Giáo Sư quảng cáo cho món ăn quê hương của ông, nên cười chế nhạo tự ái địa phương của ông.
Giáo Sư như đoán hiểu, day lại giải thích bằng ngoại ngữ :
– Các anh đừng lầm. Người bình dân này không mong ăn được gan sống, trứng sống hoặc các thức ăn bồi bổ khác. Món ăn bổ nhất và rẻ tiền nhất, mà hắn có thể hưởng được là món phở. Tôi khuyên thiết thực chứ không phải vì tự ái địa phương, mà cũng không đùa.
Con bịnh được cho nằm thêm mười hôm để quan sát lại.
Tất cả đoàn Y Khoa, ai cũng xem hắn là tác phẩm của họ. Họ đã để bao nhiêu là mồ hôi, là tâm trí vào con người của hắn, nên họ cứ ngỡ là chính họ đã tạo ra hắn.
Vì thế, họ đã thương mến hắn như thương mến một đứa con đẻ. Còn sót lại bao nhiêu ngày ở chung với hắn, họ cố thương mến vội vàng để vớt vát được bao nhiêu hay bấy nhiêu những mảnh tình vụn giữa con bịnh và họ.
Vài hôm nữa đây, hắn sẽ trở về làng xa hẻo lánh của hắn và không bao giờ còn nghe ai nói đến tên hắn nữa. Còn đâu con người hay ho, mà mỗi giây phút, mỗi nhắc nhở cho họ tài giỏi tận tâm và thành công của họ nữa.
Anh nông dân đi đất ấy được mấy cô sinh viên thêu tặng nhiều chiếc khăn tay rất đẹp, sực nước hoa.
Mấy anh sinh viên thì tiếp tế thuốc thơm, ngon ngoại quốc, anh ta không biết cất đâu cho hết, vì Giáo Sư căn dặn anh đừng hút thuốc điếu.
Những bữa ăn của anh là những bữa ăn của ông hoàng; phần ăn nhà thương của anh, bọn sinh viên lấy cho công nhơn nhà thương hết, rồi thay vào đó là gà nấu đậu, cà-ri dê, sô-cô-la đủ thứ món ngon, vật lạ, mà họ xuất tiền ra để mua sắm.
Bàn đầu giường của 17 ngày nào cũng được trang trí bằng hoa thơm, một đĩa trái cây, và giường anh dược trang trí bằng những cô khách sinh viên xinh xắn hay ngồi xề lại để nói một câu chuyện ngắn ngắn với anh.
Lần lần, giường 17 biến thành câu lạc bộ của hai mươi sinh viên trai và gái, nội, ngoại trú và thường. Họ trực họp ở đó trong những phút ngớt việc, họ hỏi thăm công việc đồng áng của anh ta, họ trao đổi tin tức với nhau, kẻ nắm chơn anh, người vuốt tóc anh, mà đàm đạo như trong sa-lông tân khách vuốt ve một lọ cổ quý.
Còn ba hôm nữa là hắn ra nhà thương.
Còn hai hôm nữa…
Còn một hôm nữa…
Hôm kế chót ấy, họ bu lại đó mà làm thinh, bùi ngùi nghĩ đến sự vĩnh biệt hôm sau: “bá niên vạn kiếp nan tao ngộ !” Cả đến Giáo Sư H. và ông Phụ Giáo làm việc bù đầu, mà cũng tìm cách ghé qua, để nói đùa với hắn một vài câu, nói bông lơn ngoài miệng, mà lòng ngậm ngùi thương ai.
Hôm sau đó, Giáo Sư H. đi thăm bịnh, chừa giường 17 lại, đặng thăm sau hết để giã từ. Khi ông và đoàn sinh viên tới nơi, con bịnh đã sẵn sàng khăn gói.
Bác Sĩ chưng hửng, hỏi:
– Về ngay bây giờ à? Thường thường, cho về hôm nay, thì chiều lại, hay ngày sau, người ta mới về chứ.
– Thưa Bác Sĩ, tôi nhớ nhà quá.
– Ừ, thì về. Nhớ ráng mà ăn phở nhé!
Giáo Sư bị sinh viên gán cho tục danh là ông “Thầy phở” vì ai ra về, ông ấy cũng căn dặn ăn phở cả.
17 từ biệt từng người đã săn sóc mình, từ biệt từng người những con bịnh khác, rồi mang gói ra đi.
Giáo Sư H. thấy sinh viên trìu mến con bịnh quá, đoán biết tâm trạng họ, nên thấy cần đề cao khoa học, để cho tự ái của họ lùi về đúng chỗ của nó. Ông nói:
– Nếu biên sổ tính tỉ mỉ, thì con bịnh nầy đã tiêu phí của công quỹ gần tám mươi nghìn đồng, trong non hai tháng trời về tiền cơm, tiền thuốc, tiền công mổ xẻ vân vân…
Tuy thế, công quỹ không cho hắn bao nhiêu đâu, mà các anh, các chị, tuy khó nhọc cũng chẳng cho hắn bao nhiêu. Chính khoa học đã cho hắn tất cả. Từ phương pháp tối tân, dụng cụ mổ xẻ tối tân, đến các thứ thuốc trụ sinh đều là công của khoa học, của phương pháp tìm tòi rất khoa học và của khoa học.
Vừa nói, ông thầy lỗi lạc và đám sinh viên vừa theo dõi bằng mắt con người tốt số đã thoát khỏi nanh vuốt của thần chết.
Hắn ra tới vỉa hè, bước xuống phố, để băng qua đường Hai Mươi. Hắn vui mừng, nên đi xăn xái, cúi xuống nhìn lớp nhựa đen, như đang nghĩ đến ruộng nương xa xôi, mà hắn rời bỏ mấy tháng nay. Hình ảnh một túp lều tranh bên bờ rạch, chắc đang hiện lên, thân thiết hơn bao giờ cả.
Bỗng một chiếc cam-nhông, một sản phẩm của khoa học, từ phía Ngả Bảy lù lù tới đâm vào hắn. Chiếc bọc gói văng ra xa, còn hắn thì ngã xuống, rồi bánh xe nặng đè lên ngực hắn.
Cả đoàn Y Khoa đều kêu trời lên, rồi đứng lặng người, chết sững trước sự bạc bẽo của số mạng. Chị ngoại trú Hương rú lên một tiếng, rồi ngất đi trên cánh tay anh Thập, một sinh viên mới vào học, ngơ ngác không hiểu gì cả.
Anh ngoại trú Danh đấm ngực mà kêu:
– Trời ơi, bao nhiêu công của hai tháng trời ! Thật là vô lý!
Giáo Sư H. chỉ thở dài mà nói nho nhỏ:
– Khoa học đã lấy lại tất cả những gì khoa học đã cho…

Bình Nguyên Lộc

(Trích từ  Tập Truyện ‘Ký Thác’)

 (Nguồn ‘Binhnguyenloc.com“)

[Tác Giả]

 

Tìm Kiếm