Lê Việt Thường

KINH QUA TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG

 PHẦN MỘT

I) ĐẠI CƯƠNG

Trong thời kỳ sinh tiền của Cố Triết Gia Kim Định,Văn Minh Tây Phương đang ở giai đoạn Cực Thịnh, do đó cũng là điều dễ hiểu khi Ngài bắt đầu cuộc hành trình học hỏi của mình với nền Văn Minh và Văn Hóa Tây Phương. Ngài đã đọc rất nhiều và có một vốn liếng kiến thức rất phong phú, rộng lớn về Văn Hóa và Triết Học Tây Phương. Nhưng cuối cùng, Ngài lại tỏ ra rất thất vọng đối với nền Triết Học Cổ Điển của Tây Phương!

Tuy nhiên, điều có thể gây ngạc nhiên vào thời kỳ này, là trong khi ở hạ tầng Kinh Tế và trung tầng Chính Trị, giới Trí Thức ở các nước thuộc địa và nhược tiểu đang bị ‘chói mắt’ trước sự huy hoàng của nền Văn Minh Tây Phương, thì ở thượng tầng Triết Học, ngay sau hai cuộc Thế Chiến và một loạt các cuộc chiến tranh Thuộc Địa, người ta đã bắt đầu đặt lại vấn đề cũng như bàn cãi nhiều về cuộc Khủng Hoảng của Văn Minh, Văn Hóa Tây Phương!

Đó là lý do chính yếu khiến Cố Triết Gia, trong công việc nghiên cứu, đã ‘chĩa mũi dùi’ vào nền Văn Hóa Tây Phương Cận Đại mà công việc quan trọng nhất của các Lý Thuyết gia Cận Đại, từ Triết Học cho đến các khoa học Nhân Văn lẫn Vật Lý, là ‘Hạ Bệ’ toàn thể các Nguyên Lý, Định Đề của nền Văn Hóa, Triết Học Cổ Truyền của Tây Phương, đã trở thành LỖI THỜI trước các khám phá mới nhất của Khoa Học hiện đại!

Thật vậy, Cố Triết Gia đã nghiên cứu một cách thấu đáo các Triết Gia hàng đầu của Tây Phương trong thời gian Cận Đại như F.Nietzsche, K.Jaspers, M.Heidegger…., các trào lưu văn hóa mới mẻ nhất như Hiện Sinh, Hiện Tượng Luận….. trong Triết Học, Cơ Cấu Luận trong Nhân Chủng học với C. Lévi-Strauss, hay G. Gurvitch trong Xã Hôi học, S.Freud, A. Adler rồi E. Fromm, H.Benoit….. trong Phân Tâm học, nhất là C. Jung trong khoa Tâm Lý Miền Sâu, kể cả các lý thuyết Tương Đối và Lượng Tử mà Ngài đã ‘để tâm’ theo dõi từ rất lâu trước, qua từng giai đoạn khám phá khác nhau của ngành khoa học Vật Lý…..vvv…..

Về Triết Học Tây Phương, nên nhớ Socrates là người sáng lập ra nền Triết Học Cổ Điển Tây Phương và Plato được xưng tụng là ‘Triết Gia Thượng Thặng’ (le Philosophe par Excellence) trên gần 25 thế kỷ của Lịch Sử Triết Học Tây Phương, cho đến khi Nietzsche xuất hiện.

II)TRIẾT LÝ ĐỐI VẬT

A) SOCRATES

‘Nietzsche cho rằng hồn sâu xa của Hy Lạp chịu ảnh hưởng của Đông Phương huyền bí nên cũng có một dòng huyền niệm đi liền với một dòng tư duy sáng sủa. Huyền niệm được tượng trưng bằng thần Dionysos, còn tư duy sáng sủa bằng thần Apollon. Theo Nietzsche, cái hồn ấy đã bị Socrates bóp chết bằng việc tuyên dương lý trí một cách quá đáng, lấy ý thức sáng sủa minh nhiên mà xua đuổi năng lực ẩn tàng, do đó cũng xua đuổi luôn cả bi kịch, tức cả thơ cả nhạc, và toàn bộ nghệ thuật. Socrates chỉ biết phê bình mà không hề kiến thiết và ông thiếu hẳn óc huyền niệm, bởi năng khiếu biện lý đã được vun tưới đến mức phát phì nên ông đã cắt đứt với dòng Truyền Thống Tâm Linh của Nhân Loại’. (2)

B) PLATO VÀ ARISTOTLE

Đến Plato là người đã tách rời thế giới Khả Giác (le monde Sensible) ra khỏi thế giới Lý Niệm (le monde des Idées), và đã coi khinh thế giới khả giác, cũng gọi là Trần Giới , để đề cao Lý Giới, bắt trần giới phải căn cứ vào lý giới để tìm lý do tồn tại và tiêu chuẩn giá trị. Hậu quả là con người ‘bằng xương bằng thịt’ phải tuân theo những dạng thức đặt bên ngoài thế giới, mà không được đếm kể gì đến những nhu yếu về xác thân, tình cảm, tâm tư.(3) Cũng như trên thực tế là sự hiện hữu trên mấy ngàn năm của một xã hội Ngụy Tạo ĐẠO ĐỨC GIẢ có cơ kéo dài cho đến tận hôm nay!

Còn sang đến Aristotle thì Triết Học được xem là ‘một khoa học hiển minh và chắc mẩm về những sự vật, biết cho tới tận những lý lẽ, những căn nguyên sâu xa nhất’. Đó là câu định nghĩa nền móng đã chi phối triết học Lý Niệm từ hơn hai ngàn năm nay. Cố Triết Gia Kim Định nhận xét rằng ‘ ít khi ngưới ta gặp một câu nói vắn tắt mà lại chứa đựng nhiều điều lầm lạc như vậy’!

Lý do theo Cố Triết Gia, ‘là Triết mà lấy SỰ VẬT làm trung tâm Suy Tư, và vì Triết Học là khoa nền móng mà đã khởi đầu từ Sự Vật thì tất cả sau này hết mọi vấn đề đều phải khuôn theo phạm trù của Sự Vật, kể cả khi bàn đến những vấn đề rất tinh tế như Thượng Đế, Linh Hồn, Sự Sống…..vvv…..thảy đều mang sắc thái SỰ VẬT. Nói đúng hơn đuổi theo BÓNG Sự Vật, nghĩa là còn bên dưới khoa học THỰC NGHIỆM’. Cuối cùng, Triết Học ‘giản lượt con người thành một quặng kim khí phải tuân theo mọi phạm trù và luật tắc chung của SỰ VẬT, thiếu mất hẳn tính chất âm u linh động tư riêng của CON NGƯỜI’.(4)

Ngoài ra, Siêu Hình triết Cổ Điển là Hữu Thể học (Ontology) nên toàn thể triết học cổ điển đều xây trên quan niệm Hữu Thể. Riêng Plato đã hiểu Hữu Thể như là Ý NIỆM (Eidos) làm nên YẾU TÍNH (Essence) vĩnh cửu và bất biến.

Aristotle phê bình Plato là đã đặt Triết trên Trời, nên ông kéo Triết xuống Trần Gian, qua đó, Aristotle đã đổi Yếu Tính (Essence) của Plato thành BẢN THỂ (Substance) mà ông cho nằm ngay trong Sự Vật như là MÔ THỂ (Forme) của sự vật.

Thế nhưng cuối cùng Bản Thể của Aristotle cũng giống như Ý Niệm của Plato cũng im lìm vĩnh cửu và hạ giá những gì Biến Dịch mà ông gọi là Tùy Thể (accident). Cũng còn gọi là Thuộc Tính (predicament). Chỉ khác ở chỗ nó là Cá Thể, hay là Bản Thể biệt lập (Substance), theo nguyên nghĩa là nằm dưới các tùy thể biến động.

Sự sai lầm của Aristotle còn trầm trọng hơn ở chỗ lấy sự phán quyết của Lý Trí làm tòn án chân lý (locus veritatis) để quyết định đặc tính của Vật Thể và Hữu Thể theo đó, Chân Lý là sự TRÙNG HỢP giữa Sự Vật và Lý Trí. Như vậy, Tư Tưởng không còn là tư tưởng phát xuất từ một Trực Giác Tâm Linh, nhưng lại bắt nguồn từ sự Suy Luận rề rà của Lý Trí theo những quy luật của Danh Lý (5)

C) TRIẾT HỌC KINH VIỆN

Trong thời Trung Cổ, triết học của Plato được tiếp nối bởi St Augustine, còn Triết của Aristotle bởi St Thomas Aquinas. Điểm đặc trưng của nền triết học KinhViện là sự phân biệt giữa YẾU TÍNH (Essence) và TỒN HỮU (Existence), với Yếu Tính thuộc lý giới bất biến, còn Tồn Hữu thuộc trần giới biến đổi.

Theo chủ trương của Kinh Viện, ‘để một vật có thể hiện hữu thì Yếu Tính của nó phải được hiện thực bằng Tồn Hữu. Vậy mà điều đó chỉ có nơi Đệ Nhất Căn Nguyên (tương đương với Sự Thiện của Plato), cũng gọi là Thượng Đế. Theo triết Kinh Viện, chỉ Yếu Tính của Thượng Đế mới đồng nhất với Tồn Hữu. Hoặc nói cách khác, Tồn Hữu chính là Yếu Tính của Thượng Đế, vì yếu tính đó chính là Tác Động hiện hữu (actus existendi). Còn nơi các Vật Thụ Tạo, thì Tồn Hữu cũng theo Kinh Viện, phân biệt được với Yếu Tính, nên chúng KHÔNG thiết yếu hiện hữu. Do đó, nơi các vật thụ tạo, chỉ có sự hữu tham dư (esse participatum) vào Hữu Thể của Đệ Nhất Căn Nguyên mà thôi!

Theo triết gia Heidegger, đó vẫn là tiếp nối quan niệm của Plato về Trần Giới như là một Ảo Tưởng phải tìm giá trị nơi Đệ Nhất Căn Nguyên. Ngoài ra, theo quan niệm này, chỉ căn nguyên đệ nhất mới có giá trị tuyệt đối và vì Yếu Tính của Thượng Đế là Tác Động tồn hữu, không còn gì sót lại ở đợt Tiềm Thể (in potentia) hay Vô Thể, nên là một Hoạt Động Thuần Túy, một Actus Purus, một Actus Purissimus bất biến vĩnh cửu. Do đó, cũng là tiếp nối quan niệm của triết Cổ Điển về Hữu Thể như là Vật Thể (Etre en tant qu’étant), mặc dầu là Vật Thể Tối Hậu (ens summum), nhưng cũng là Vật Thể, mà hệ quả là chủ trương nêu trên đánh mất ý niệm Hữu Thể nguyên thủy được hiểu như là Tính Thể u linh, phổ biến, ẩn ẩn hiện hiện đầy biến dịch sinh hóa!(6)

D) VÀI NHẬN XÉT

1) VỀ TRIẾT HỌC

Vì như đã nói trên, Kinh Viện trong thực chất cũng chỉ là tiếp nối triết học Cổ Điển của Plato và Aristotle. Mà các Định Đề, Nguyên Lý của triết Cổ điển đã bị ‘đào thải’ trước các khám phá của Khoa Học và Triết Học cận đại. Ngoài ra, hình như có người có vẻ đã ý thức điều này và muốn sửa đổi. Nhưng những dấu hiệu đầu tiên có vẻ không được ‘khích lệ’ lắm!

Phần trình bày trên đây cho thấy là Triết Cổ Điển cũng như Triết Kinh Viện dựa trên Tư Tưởng của ba vị sáng lập là Socrates, Plato, Aristotle. Thật ra, điểm HỎNG của triết Cổ Điển không nằm ở chỗ họ chú ý đến cơ năng Lý Trí, vì Việt Nho cũng sử dụng Lý Trí, nhưng điểm khác biệt là với Việt Nho, Lý Trí hay Ý chỉ là một trong ba cơ năng của con người gồm Ý-TÌNH-CHÍ nằm dưới sự điều động của cái TÂM bao la bát ngát như Vũ Trụ Vạn Vật.

Điểm HỎNG của triết Cổ Điển chính là tính chất DUY LÝ của triết thuyết mà hệ quả là LÝ TRÍ đã được trao cho vai trò quá to lớn đến nỗi lấn áp các cơ năng khác. Sản phẩm của Lý Trí là những Ý NIỆM về Trời, Đất, Ngươi…..vvv…..Và những người ‘sản xuất’ đầu tiên những Ý Niệm được ghi trong lịch sử Triết Học là Socrates, Plato, còn người hệ thống hóa là Aristotle.

Thật ra, Ý Niệm phát xuất từ những giác quan như tai mắt, tức là những cơ năng hạn hẹp bé nhỏ , rồi lại được Lý Trí cũng là cơ năng lệ thuộc óc não tức vật chất nên cũng rất hạn cục, do đó có tính chất MỘT CHIỀU, chiều Lý Trí. Vậy nên, triết học của Plato có gọi là YẾU TÍNH (Essentialist) hoặc triết học của Aristotle có tên là BẢN THỂ (Substantialist), thì nội dung vẫn là Ý NIỆM hay là BIỂU TƯỢNG của SỰ VẬT với tính chất MỘT CHIỀU nên cứng đọng ngãng trở không cho Tâm Thức đạt tới NHÂN TÍNH.

Vì Nhân Tính là gì, nếu không là TƯƠNG QUAN, là Biện Chứng HAI CHIỀU giữa Thiên và Địa, Lý Trí và Tình Cảm, Ý Thức và Vô Thức…..vvv….. Đó là lý do khiến Heidegger cho rằng Triết Tây đã đánh mất Nét Gấp Đôi( Zwiefalt), tức tính chất Hai Chiều kích. Ngoài ra, vì Tương Quan phải SỐNG ĐỘNG, nên một khi Triết Tây nhìn tất cả vạn vật theo nguyên lý ĐỒNG NHẤT, tức là theo MỘT CHIỀU của Lý Trí, thì hệ quả, theo Cố Triết Gia Kim Định, là đưa SỰ CHẾT vào lòng con người, là đuổi Thần Minh ra khỏi vũ trụ, và xô đẩy vạn vật vào một thế đứng im lìm làm toàn bằng BIỂU TƯỢNG hay Ý NIỆM. Tóm lại, theo Cố Triết Gia, điều sai lầm căn để là người ta đã lầm lẫn lấy BIỂU TƯỢNG làm THẦN LINH!(7)

Trở lại ý hướng muốn sửa đổi hay ‘canh tân’ Siêu Hình học, thay vì ‘chĩa mũi dùi’ vào triết học TƯƠNG QUAN cho hợp với sự Tiến Bộ của Triết Học và Khoa Học ngày nay, thì có người có vẻ chỉ bàn sơ qua về Tương Quan như ‘chiếu lệ’. Bằng chứng là người ta trở lại bàn về vấn đề BẢN THỂ (Substance) như ở thời triết học Kinh Viện vậy! Như Bản Thể nằm ở Cát, Đống Cát, Phân Tử, Nguyên Tử hay các “nguyên tố” cấu thành…..vvv….. ?

Tác giả viết:
“Hãy nhìn một đống cát, nó vừa là cát vừa là đống cát……..Gốc là cát hay là đống cát?…………Hấp lực chỉ đặt cát bên nhau, chứ chúng không nên một với nhau từ bên trong. Do đó, gốc của đống là ở các hạt cát, đống không có gốc nơi mình.
Chính hạt cát cũng không có gốc ở nơi nó………..Vậy xem như chỉ có bản thể và cá thể ở phân tử thôi.
………………Phân tử………….Họp như thế nào? Họp qua trung gian của những electron……….Phân tử thật thì ổn định hơn, bởi các nguyên tử trong đó có chung một số electron. Electron này tác động như một sợi xích nó thắt buộc các nguyên tử lại với nhau. Như thế phải chăng đây là một xâu tù nhân trong đó chỉ từng tù nhân mới là cá thể và bản thể?……….Vâng, nguyên tử và phân tử là những bản thể chống chéo nhau. Mỗi cái là bản thể về một mặt nào đó……..”

2) VỀ KHOA HỌC

Trở lại vấn đề : sở dĩ chúng tôi nghĩ là phải bàn về TƯƠNG QUAN, vì đó có lẽ là Đề Tài CHÍNH YẾU nhất của Triết Học và Khoa Học ngày nay. Thí dụ, câu tuyên bố có lẽ quan trọng vào bậc nhất về Thực Tại LƯỢNG TỬ (quantum reality) là :“Thực tại gồm hai mặt, hai phần: phần tiềm ẩn và phần thể hiện” (=Reality is two-fold, consisting of potentials and actualities). Câu này có lẽ đã nói lên đợt rốt ráo nhất của Khoa Học tân tiến khi phải diễn tả bằng ngôn ngữ tương tự của Dịch Lý là ‘nhất âm nhất dương chi vị đạo’, có nghĩa là Thực Tại được dệt bằng TƯƠNG QUAN nền tảng nhất giữa phần Tiềm Ẩn (Potentials) và phần Thể Hiện (Actualities) hay nói cách khác là giữa ÂM và DƯƠNG. Đông và Tây có lẽ đã gặp nhau qua câu tuyên bố thời danh nêu trên!

Ngoài ra, vào tháng Ba năm 1995, Khoa Học đã ghi nhận một sự kiện lịch sử tối quan trọng là ngành Vật Lý đã hoàn tất công tác kiếm ra được một Mẫu Hình Căn Bản (Standard Model) cho Cơ Cấu Nhỏ Nhất của vũ trụ.

Số là ngày nay khi đi vào lòng Vật Chất, người ta thấy Nhân nguyên tử làm bằng điện tử âm (electron), dương tử (proton) và trung hoà tử (neutron) KHÔNG phải là phần nhỏ nhất như người ta thường nghĩ. Thật vậy, Proton và Neutron được cấu tạo bởi nhiều hạt nhỏ nữa gọi là những hạt Lepton và Hadron. Hadron gồm những hạt Quark. Những hạt này lại không phải là những hạt thực sự mà chỉ là ‘Hạt Ảo’ vì chúng có những hành tung bất định lúc thì là Hạt, lúc là Sóng, không thể xác định một cách chính xác vị trí và tốc độ của chúng. Về vấn đề này, người ta phải sử dụng thống kê để đưa ra những ước đoán mà thôi!

Ba cặp “Hạt Ảo” hay Quark là:
_ Up quark (+)_Down quark (-)
_ Charm quark (+)_ Strange quark (-)
_ Top quark (+)_ Bottom quark (-)

Khi so sánh 3 cặp Quark nêu trên về phương diện các điện tích âm dương đối nhau với các hào âm dương cũng đối nhau thuộc quẻ THÁI trong Kinh Dịch thì lại có một sự TRÙNG HỢP lạ lùng, vì quẻ Thái (trùng quái)là sự kết hợp của hai quẻ đơn :

_ CÀN (nội quái) gồm 3 gạch liền (DƯƠNG) tương đương với 3 quark có điện tích DƯƠNG: Up, Charm, Top

_ KHÔN (ngoại quái) gồm 3 gạch đứt (ÂM) tương đương với 3 quark có điện tích ÂM: Down, Strange, Bottom

Một điều lạ lùng khác nữa là trong Nhân nguyên tử, các cặp ‘Hạt Ảo’ lại được sắp xếp theo một mẫu hình giống như trong quẻ KÝ TẾ của Dịch Kinh:

_ PROTON có 2 ‘up quark’ dương (+) và 1 ‘down quark’ âm (-), 3 quark này được xếp theo cùng thứ tự của các gạch liền (dương) và gạch đứt (âm) của  quẻ Li HỎA (nội quái) trong quẻ Ký Tế.

_ NEUTRON có 1 ‘up quark’ dương (+) và 2 ‘down quark’ âm (-), 3 quark này cũng được xếp theo cùng thứ tự của quẻ Khảm THỦY(ngoại quái) của quẻ Ký Tế.(8)

Luôn tiện chúng tôi cũng xin đưa ra một vài nhận xét :

_ Theo sự nghiên cứu của chúng tôi thì về vấn đề ‘Hạt Ảo’, cho đến ngày nay, người ta đã kiếm ra có 6 (SÁU) chứ KHÔNG phải 7 (BẢY) Quark như có ngưới đã viết !
_ Kế đến, theo chỗ chúng tôi hiểu, PROTON là do 2 ‘up quark’ dương (+) cộng với 1 ‘down quark’ âm (-), chứ KHÔNG phải với 2 ‘down quark’ âm (-).

_ Ngoài ra, có vài điều có lẽ cần phải bàn lại với đoạn văn sau đây:
“Riêng lực hay năng lượng thì từ bosons sinh ra. Tất cả có bốn lực: lực điện từ và lực hấp dẫn, lực hạt nhân yếu và lực hạt nhân mạnh. Nay nhiều nhà vật lý muốn quy lực hấp dẫn vào lực điện từ. Nghĩa là, ngoài lực điện từ, chỉ còn lực hạt nhân thôi , nên lực điện từ (đặt nền trên phân cực âm dương) chiếm ít là phân nửa của toàn bộ năng lượng. Lại nữa, mới đây người ta còn khám phá thấy trong chân không có những dao động điện từ. Dù chân không cũng có năng lượng điện từ, há phải chăng điện từ là năng lượng nền của mọi năng lượng? Nếu đúng thế thì không phải có bốn lực cơ bản, mà cơ bản nhất chỉ có một thôi (như một số nhà khoa học nghĩ, họ muốn quy cả bốn lực vào một ), và lực cơ bản duy nhất này hoạt động bằng đối cực âm dương”.

 Chúng tôi cũng đã có dịp nghiên cứu đôi chút về các lãnh vực nêu trên. Nhưng thú thật chúng tôi, ít nhất ở giai đoạn này, CHƯA đạt được trình độ Lạc Quan như tác giả đã bày tỏ, về việc thống nhất các LỰC lại thành một. Thật ra, đó cũng là giấc mơ của những nhà Khoa Học lớn, kể cả Albert Einstein!

 Chúng ta biết là với Faraday và Maxwell, Khoa Học đã kết hợp được Điện Lực và Từ Trường thành Điện Từ học (Electro-Magnetism). Ngay Einstein lúc sinh tiền cũng muốn thống nhất Điện Từ với lực Hấp Dẫn (Gravity), nhưng vẫn chưa làm được. Sau khi Einstein mất, ngưới ta kiếm ra thêm hai lực nữa là lực hạt nhân Yếu (Weak nuclear force) và lực hạt nhân Mạnh (Strong nuclear force). Từ đó, theo chỗ chúng tôi biết, hình như ngưới ta đã liên hệ được “lực hạt nhân Yếu“(Weak nuclear force) với Điện Từ (Electromagnetism), chứ KHÔNG phải luật Hấp Dẫn (Gravity) với Điện Từ như có người viết, vì những lý do chúng tôi sẽ trở lại sau! Do đó, vẫn còn 3 lực phải kết hợp lại mới đạt được mục tiêu mong muốn : đó là Điện Từ (Electromagnetism), ‘lực hạt nhân Mạnh’ ( Strong nuclear force) và lực Hấp Dẫn (Gravity) !


Còn câu văn ‘Riêng lực hay năng lượng thì từ bosons sinh ra’ thì trên thực tế hình như không đơn giản như vậy! Thật vậy, ‘BOSON’ là những ‘hạt'(particule) truyền tải những ‘tác động qua lại’ (interactions) hoặc còn được xem là những phần tử cấu tạo ra phóng xạ. Chính các Tác động của những hạt Fermion ‘thực’ với nhừng hạt Boson ‘ảo’ (thuộc nhóm ‘Gauge Boson’) làm nên cái được gọi là các ‘Tác Động Qua Lại Nền Tảng” (Fundamental Interactions) mới tạo ra các LỰC (Force).
Thật ra, trên thực tế, sự hiện diện của các “Boson” khác nhau như Photon, “W và Z” , Gluon, nơi các ‘Trường’ (Field) được dùng như là dấu chỉ của LOẠI Trường hay Lực nào đó như chẳng hạn :
_ Photon cho ta biết đang ở ‘trường’ Điện Từ (Electromagnetism)
_ ‘W và Z’ Boson liên hệ với ‘Lực hạt nhân Yếu’ (Weak nuclear force)
_ Gluons là chỉ dấu sự hiện diện của ‘Lực hạt nhân Mạnh'(Strong nuclear force)
_ Graviton giả thiết sự có mặt của ‘Lực Hấp Dẫn’ (Gravity) (9)


Ngoài ra, Mô Thức Nền Tảng (Standard Model) còn mặc nhận sự hiện hữu của ‘Higgs Boson’ được xem là nguyên nhân của Khối Lượng (mass) nơi các ‘Trường’ (Field)

 Thật ra, trong việc thống nhất 3 Lực còn lại, vấn đề ‘Hóc Búa’ nhất hình như nằm ở ‘Lực HẤP DẪN’ bởi vì:

_ thứ nhất, người ta chỉ mới giả định về sư hiện hữu của Graviton mà thôi là loại Boson mà trên nguyên tắc, là chỉ dấu của ‘Lực Hấp Dẫn’ (Gravity)

_ kế đến, vì một mặt  (mass) là yếu tố quan trọng của lực Hấp Dẫn (Gravity), và mặt khác, sự hiện hữu của “Higgs Boson” được xem là nguyên nhân của khối lượng (mass) nơi các ‘trường’ vẫn còn là một giả định, do đó cho đến hôm nay, người ta vẫn chưa nắm vững về bản chất của ‘Higgs Boson’ lẫn ‘lực Hấp Dẫn’!

Ngoài ra, trong vũ trụ, vạn vật, Âm Dương ở đâu cũng có, đâu nhất thiết là ở Điện Từ! Còn về việc thống nhất 3 Lực còn lại là : Điện Từ, ‘Hạt Nhân MẠNH’, và Hấp Dẫn, cần một số điều kiện về mặt Kỹ Thuật như vừa mới bàn sơ ở trên mà hiện nay Khoa Học chưa hội đủ. Nhưng có lẽ còn quan trọng hơn nữa là Thái Độ của các nhà Khoa Học: họ phải biết VƯỢT qua quan niệm TĨNH CHỈ, ‘Phần Mớ’ qua 25 thế kỷ của lịch sử Văn Hóa và Triết Học TÂY PHƯƠNG vẫn còn ảnh hưởng trên Tâm Trí của họ, hầu có cái nhìn Mới Mẻ ĐỘNG ĐÍCH, và Toàn Diện hơn về Sự Vật!

III)TRIẾT LÝ CHỦ TRI

A) DESCARTES

Bây giờ xin trở lại với đề tài CHÍNH. Sau thời Cổ Điển với Socrates, Plato, Aristotle, và thời Kinh Viện với St Augustine và St Thomas Aquinas, là Thời Mới với Descartes được xưng tụng là ‘Ông Tổ Triết Học MỚI’ vì có công khám phá ra Chủ Thể (la découverte du Sujet), khám phá ra cái Tôi, cái Ego. Có thật như thế hay không ?

Theo Cố Triết Gia Kim Định, cái Chủ Thể do Descartes khám phá ra chỉ có cái tên, bởi thoạt sinh ra nó đã trở nên cứng ngắt như Bản Thể (substance pensante) có trương độ như vật chất không còn chút gì là Siêu Thể cả!(10) Trong cùng chiều hướng, triết gia Heidegger cũng có nhận xét là ‘triết học của Descartes không thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề triết học của Kinh Viện và của Plato-Aristotle’!

Tuy nhiên, lúc ban đầu có lẽ vì cho rằng nền tảng chân lý tuyệt đối của Kinh Viện và Plato-Aristotle đều ở NGOÀI con người, nên Descartes muốn hủy bỏ những nền tảng cũ ấy và đặt vào Con Người một nền tảng mới được gọi là ‘nền tảng bất kháng cho chân lý’.

Phương pháp luận của Descartes có thể được tóm tắt như sau:

– Trong khi đi tìm một ‘nền tảng tuyệt đối bất kháng cho chân lý’, Descartes đã thiết định CHÂN LÝ như là Sự CHÍNH XÁC ( Sicherung) căn cứ trên Chủ Tri tuyệt đối được ưu thế. Đó là hình ảnh mới của con ngưới ‘tân thời’

– Làm thế được, Descartes đã dùng tới ý niệm căn bản ‘Tôi suy tư vậy tôi hiện hữu’ (= Cogito, ergo sum).

– Và xét như ý thức, Chủ Tri ấy phải Suy Tư bằng BIỂU TƯỢNG mới thiết định HỮU THỂ của các Vật Thể được.

Heidegger có viết : “Tự mình đặt ra trước mặt mình môt cái gì.rồi một khi cái đó đã được đặt ra trước mặt mình như vậy, chính mình mới quyết đáp nó CHÍNH XÁC như vậy”.

Và theo Heidegger, “như thế Descartes đã khai nguyên trực tiếp một lối Tư Tưởng bằng BIỂU TƯỢNG (=Penser par Représentation).

Tư tưởng Biểu Tưởng ấy dẫn tới những hậu quả tất nhiên:

– một là “thế giới trở thành một BỨC ẢNH (Welt-bild) gồm toàn diện những SỰ VẬT như những ĐỐI TƯỢNG đối với CHỦ TRI.

– hai là Tính Thể con người chỉ còn được quan niệm như một ‘Chủ Tri’ cô đơn, không thể xác, không tình cảm, không thế giới, theo nghĩa cao độ nhất của ‘con người sinh vật suy lý’.

“Với quan niệm con người là CHỦ TRI, Descartes đã thiết lập quan niệm Siêu Hình học cho mọi nền NHÂN THỂ HỌC tương lai”.

Tuy nhiên, theo Heidegger, điều đáng tiếc là “Nhân Thể học ấy chỉ là một nhân thể học què quặt của Duy Chủ Tri thuyết”!!! (11). Do đó, Descartes đã không đạt được ý nguyện, nếu thực sự mục tiêu chính yếu của ông là đem lại cho ngành Nhân Thể học một Nền Tảng mới.

B) KANT

Theo Cố Triết Gia Kim Định, “Kant mới thật là người làm cuộc Cách Mạng. Kant có lý khi ví mình như Copernic, bắt Trái Đất phải xoay quanh Mặt Trời, bắt SỰ VẬT phải xoay quanh CHỦ TRI. Chủ Tri bây giờ mới thật làm CHỦ nắm quyền định đoạt và trở nên Trung Tâm quy định dạng thức của Sự Vật. Sự Vật trở nên THỤ TRI phải nép mình qua khuôn thước, qua PHẠM TRÙ của Chủ Tri……cũng gọi là Lý Trí TIÊN THIÊN, TIÊN NGHIỆM”. (12)

Một hệ quả là khác với trước kia, theo Kant, sở dĩ ta biết được các thực tại bên ngoài, những sự kiện trong cõi hiện tượng là vì chúng phù hợp với các Phạm Trù Tiên Thiên, Tiên Nghiệm nói trên. Vậy nên, qua công việc Phê Bình Tri Thức, Kant đã nghiên cứu về các điều kiện Tiên Thiên phải có để cho Tri Thức có thể hiện hữu, đồng thời những giới hạn về khía cạnh hiểu biết của Lý Trí con người.

Một hệ quả khác là Kant đã có công trả lại THỜI GIAN cho Chủ Tri: ông đã biết truy nhận Thời Gian trên Không Gian, như vậy là vượt qua Lý Trí (chỉ biết có Không Gian) bằng một cơ năng khác là “Trí Tưởng Tượng Tiên Nghiệm” (Imagination Transcendentale). (13)

Tuy nhiên, theo Heidegger, dẫu”rằng phân tích THỜI GIAN của Kant đã được khôi phục cho Chủ Tri, nhưng nó còn bị chi phối bởi quan niệm thời gian cổ truyền và thông thường đến nỗi, kỳ cùng”, cũng theo Heidegger, “Kant không hiểu được hiện tượng ‘thể tính tiên nghiệm của thời gian’ theo đúng cơ cấu và công năng của nó”

“Hơn nữa, trong phân tích Niệm Thức thuyết, Kant cũng đã nhìn thấy sự phối hợp giữa Thời Gian và ‘Trí Tưởng Tượng Tiên Nghiệm’, nhưng kỳ cùng ông đã lùi bước trước vực thẳm đen tối ấy, vì cho rằng: đó là ‘trung tâm tưởng tượng’ (focus imaginarius)”.

Trong viễn tượng ấy, Kant vẫn coi THỜI GIAN là MỘT GIẢM THIỂU HỮU THỂ, vì ngăn trở Chủ Tri không thể thành Ngã Tiên Nghiệm được. Lý do sâu xa của quan niệm ấy là vì Kant vẫn coi LUẬN LÝ học là ƯU TIÊN Tuyệt Đối! Còn Thời Gian và Trí Tưởng Tượng Tiên Nghiệm đều thuộc những cơ quan Hạ Đẳng.(14)

Trong cùng chiều hướng với Heidegger, Cố Triết Gia Kim Định cũng có nhận xét như sau: “ Thế nhưng Kant đã bị đè nặng bởi truyền thống cũ không dám dùng Trí Tưởng Tượng để phá vòng vây Thời Gian hầu vươn lên, nên lần tái bản quyển ‘Critique de la Raison Pure’, ông đã xóa bỏ Trí Tưởng Tượng và trở về nép mình dưới quyền uy của Chủ Tri : tự cắt đứt mọi liên hệ giữa mình với những thực tại của vũ trụ”.(15)

Còn Nietzsche thì đưa ra nhận xét rất xác đáng là Kant chỉ sản xuất nổi một thứ Triết cho các Giáo Sư, nghĩa là hoàn toàn Trường Ốc, cắt đứt liên lạc với Sinh Trường sống động.

 Cuối cùng, trong quyển ‘Critique de la Raison Pure’, Kant đã hé thấy SỰ VẬT TỰ THÂN (Noumen), nhưng lại bảo là BẤT KHẢ TRI và trở về với sự Tin Tưởng thường nghiệm! Tuy nhiên, Kant đã có công mở đầu để các Triết Gia lớn của thời Cận Đại như Schopenhauer, Nietzsche, Heigegger…… đi tiếp con đường nhằm khám phá xem ‘Sự Vật Tự Thân’ (Noumen) nêu trên là gì ?

IV) ‘CÚ NHẢY HỤT’ CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP : HEGEL

Riêng Hegel tiếp tục con đường DUY NIỆM (Idealism) chủ quan từ Descartes trở đi.

Cố Triết Gia Kim Định có viết: “Với Hegel, Tinh Thần không còn quy định sự vật mà là Tạo Dựng sự vật. TẠO DỰNG! Như vậy con người là Tạo Hóa rồi còn gì nữa? Đúng thế với Hegel, con người được nâng lên hàng Tạo Hóa, nhưng là một Tạo Hóa VONG THÂN còn đang say ngủ, tuy nhiên vẫn là Tạo Hóa trong cái diễn biến đang hình thành. Khi cuộc diễn biến đã đạt đích thì theo Hegel, con người sẽ nhận ra mình với Tinh Thần TUYỆT ĐỐI là Một”(16)

Còn theo Heidegger, “Hữu Thể đối với Hegel là Tư Tưởng TỰ nhận thức chính MÌNH như sản phẩm của MÌNH.. Như vậy Hữu Thể là một sản phẩm của Tư Tưởng, của trí thức nhờ đó Descartes đã giải nghĩa ‘Idea’.

 Đối với Hegel cũng vậy, nhưng một cách suy nghĩ chín chắn vô song và được chuẩn bị do công trình của Kant, Hữu Thể ĐỒNG TÍNH với Tư Tưởng”.

Đó là mức độ cùng cực của DUY NIỆM Chủ Quan!(17)

Ngoài ra, Hegel quan niệm là trước khi đạt được Tinh Thần Tuyệt Đối, Lịch Sử con người tiến triển do sự xung đột của hai lực đối nghịch nhau theo các quy tắc của Biện Chứng Pháp gồm ba giai đoạn:

Chính Đề: ý tưởng đầu tiên
Phản Đề: ý tưởng đối nghịch
Tổng Đề: kết hợp hai quan điểm đối nghịch trên.

Nhưng với Tổng Đề, một ý tưởng mới xuất hiện sẽ gặp sự chống đối hay bác bỏ, và một chu kỳ khác sẽ lặp lại và Lịch Sử cứ tiếp tục như thế cho đến khi Tổng Đề cuối cùng là TINH THẦN Tuyệt Đối xuất hiện.

Trước khi phê bình Biện Chứng Pháp (Dialectique) của Hegel, Cố Triết Gia Kim Định đã dùng một số thuật ngữ của Hegel để nói về DỊCH PHÁP, theo đó thì hai hạn từ (Termes) Chính Đề (Thèse) và Phản Đề (Anti-Thèse) trong Kinh Dich là THIÊN và ĐỊA và Tổng Đề (Synthèse) là NHÂN. Do đó, Nhân được định nghĩa là ‘Thiên Địa chi Đức”’và cùng với Thiên Địa được gọi là TAM TÀI.

Theo Cố Triết Gia, nếu đại chúng có cái nhìn MỘT CHIỀU của cõi Hiện Tượng, thì MINH TRIẾT phải có khả năng THÂU HÓA cả HAI hạn từ trái ngược nhau. Vì theo triết lý TOÀN THỂ, thì mọi cái trái ngược chỉ là PHÂN CỰC của cùng một Thực Thể. Thực thể đó là NHÂN , còn phân cực được chỉ bằng hai chữ THIÊN-ĐỊA. Hai tiếng này chỉ là phạm trù rỗng để chứa đựng muôn thứ khía cạnh khác nhau của một vấn đề được bàn tới. Cứ nói chung thì THIÊN chỉ khía cạnh Vô Hình Phổ Biến nên Âm U. Còn ĐỊA chỉ những gì được Phân Chia, có mộc giới Xác Định hiện ra Rõ Rệt cho giác quan. Hai chữ Thiên-Địa như vậy cũng còn nói lên mối TƯƠNG QUAN giữa HAI hạn từ Đối Kháng. Còn hai hạn từ đó là gì thì không thể nói hẳn ra mà tùy trường hợp khi bàn về phương diện nào đó. Thí dụ bàn về Tự Do, Thiên là tự do, định mệnh là Địa.. Bàn về Xã Hội thì xã hội là Thiên, công dân là Địa. Nếu lấy tiềm thức âm u là Thiên, thì Địa sẽ là ý thức rõ rệt. Tóm lại tất cả gì đối kháng đủ để lập nên Tương Quan thì đều đặt vào hai hạn từ đó, cũng như vì thế, Kinh Dịch năng thay đổi danh từ: thay vì Thiên-Địa thì có âm-dương, giá-sắc, càn-khôn, hạp-tịch, cương-nhu, u-minh….vvv…..

Nếu Lý Trí phân lìa, chia cắt, thì nét đặc trưng của Tâm Linh, Minh Triết la THÂU HÓA , GIÀN HÒA các Đối Cực. LÝ TRÍ thường được sử dụng ở cõi Hiện Tượng, (còn gọi là vòng THÀNH hay vòng NGOÀI) đầy Mâu Thuẫn, Đối Kháng như Nước với Lửa. Nhưng dưới ánh sáng của MINH ĐỨC, thì đàng sau cõi Hiện Tượng, hiền giả còn thấy thấp thoáng thực thể Tâm Linh (còn gọi là vòng SINH hay vòng TRONG) được điều động bởi định luật NGƯỢC CHIỀU gọi là “Dịch Nghịch Số Chi Lý”, nhờ đó mở ra một chân trời bao la lạ lùng giàn hòa được cả hai hạn từ đến độ làm thành NHẤT THỂ sống động.

Nước Lửa thay vì đối kháng tiêu diệt nhau như qua hình ảnh Nước dập tắt Lửa, nhưng đó chỉ là MỘT khía cạnh của vòng NGOÀI hay vòng THÀNH. Nếu nhìn từ vòng TRONG hay vòng SINH, ta có thể thấy một chiều kích KHÁC như qua hình ảnh Lửa có thể đun Nước sôi cho con người dùng, thì thay vì đối kháng tiêu diệt nhau thì ta có một hình ảnh KHÁC về sự tương thấu, tương nhập, tương sinh tương hóa!

Đến đây, đã có người nghi ngờ là Hegel đã hiểu sai Dịch Pháp. Thật vậy, Biện Chứng Pháp (Aufheben) của Hegel thay vì đạt được TỔNG ĐỀ với ý nghĩa “bao hàm, thâu hóa”, thì dừng lại ở HỦY ĐỀ tức hủy bỏ Chính Đề hoặc Phản Đề như thí dụ trên cho thấy, vì từ ngữ “Aufheben” cũng còn có nghĩa là “hủy diệt” nữa.

Vậy nên, chối bỏ PHÂN CỰC như Hegel đã làm , khi giữa hai hạn từ Nhà Nước và Cá Nhân thì ông chủ trương HY SINH cá nhân, tức CON NGƯỜI thực sự cho NHÀ NƯỚC, mà ông bảo là tiêu biểu cho bánh xe tiến hoá, có nghĩa là đánh mất chất DỊCH, mà mất Dịch là mất tất cả, là VONG THÂN là đánh mất NHÂN TÍNH, vì Nhân Tính là gì nếu không là ‘Tương quan sống động giữa Âm và Dương’ hay nói theo Kinh Lễ là ‘Nhơn giã kỳ thiên địa chi đức'(=Người là cái Đức của Thiên Địa). Mà Cố Triết Gia Kim Định đã giải thích là Ngưới KHÔNG phải là BẢN THỂ cố định đứng ngoài Trời Đất, mà chính là cái ĐỨC, cái Linh Lực của Trời Đất vậy!(18)

Tóm lại, căn cứ trên nôi dung của Dịch Pháp, có lẽ Hegel chỉ biết có cõi Hiện Tượng (tức vòng THÀNH hay vòng NGOÀI) mà KHÔNG hề biết đến cõi Tâm Linh (tức vòng SINH hay vòng TRONG) mà hệ quả là thay vì Giàn Hòa, Thâu Hóa, ông lại đưa Mâu Thuẫn, Đối Kháng lên làm NGUYÊN LÝ. Có phải vì vậy mà có người gọi Hegel là ‘đứa Con Hoang của văn hóa Đông Phương’ chăng?

Lê Việt Thường

(Còn tiếp)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm