LỀU CHÕNG (4)

Chương 4

Đến nay vợ chồng ông đồ Vân Trình mới thật khỏi lo. Tháng trước, khi được tin cô Ngọc đi chợ về đến giữa đường bị cảm, cả hai ông bà đều hết hồn vía. Không kịp khóa tráp, khóa tủ, ông đồ vơ vội lấy lọ thuốc gió giắt vào trong mình, bà đồ thì dặn láng giềng hãy coi nhà giùm, rồi cùng hỏa tốc đến cái ngã tư gần chợ Kim Bảng. Bấy giờ cô Ngọc đã được đem lại bãi cỏ dưới bóng rợp của một cây đa. Sắc mặt vẫn xám mét. Chân tay không động đậy. Nếu trên ngực không còn thoi thóp thở, thì chẳng khác người chết rồi. Bà đồ mếu máo kêu khóc, hú hồn vía vang một khu đồng. Ông đồ rẽ ràng trao lọ thuốc gió cho cô Bích, con gái thứ hai của ông, và bảo cô này mở gánh hàng lấy đĩa đựng trầu, xin ít nước tiểu mài với những viên thuốc ấy. Rồi hai ông bà dùng lược ghè miệng cô Ngọc đổ vào và xoa khắp cả mình mẩy cô ấy. Mặt trời tà tà, cô Ngọc tỉnh dần, nhưng vẫn loạng choạng không đứng dậy được. Chờ khi hết nắng, ông đồ mới thuê hai người gánh hai gánh hàng để bà đồ và cô Bích cùng dìu cô Ngọc về nhà. Đêm ấy và ngày hôm sau, cô Ngọc mấy lần ngất đi, gọi mãi mới tỉnh. Và lúc tỉnh dậy, thỉnh thoảng lại cứ nói mê nói sảng, khi thì xưng là cô thám, khi thì xưng là cô bảng, y như một người ma làm. Thầy thuốc đổi bốn năm ông, bói toán cúng cấp, lễ bái chẳng thiếu đâu, bệnh trạng vẫn đâu đóng đấy. Kết cục, ông đồ phải mời cụ bảng Tiên Kiều thăm mạch và bốc thuốc cho, các chứng mới lui dần.

Độ này cô ấy đã gần bằng cũ. Tuy mặt mũi hãy còn xanh xao, nhưng tinh thần thì đã sảng khoái như thường. Từ mấy bữa trước, cô thấy trong mình không còn tật bệnh gì nữa, đã xin đi chợ bán hàng, kẻo nữa nghỉ lâu mất khách. Nhưng mà ông, bà sợ cô chưa được thật khỏe, xông pha gió máy có thể lại bị cảm lại cho nên nhất định bắt cô cứ phải ở luôn trong nhà, không được đi lại dưới ánh nắng. Thậm chí cô muốn ngâm sợi, đánh suốt, dệt nốt cái “cửi” còn dở, ông bà cũng không bằng lòng, vì sợ để cô vầy nước thì độc. Chiều lòng cha mẹ, cô vẫn hết sức kiêng khem. Nhưng phải cả ngày quanh quẩn trong mấy gian nhà như tù giam lỏng, thì ai mà không buồn?

Nhiều lúc cô muốn nhắm mắt cố ngủ, cho khỏi nghĩ vẩn nghĩ vơ. Song ngủ mãi cũng chán con mắt, không thể nào mà chợp đi được. Rồi thì những mối tư tưởng luẩn quẩn ở đâu nó lại kéo đến như mớ bòng bong, gỡ không ra, dứt đi không được. Nhất là những khi vừa mới thiu thiu, chợt bị con muỗi vo ve bên tai phải tỉnh dậy, thì trong mình cô tự thấy một trận bàng hoàng khó tả, nghĩ mãi không biết mình đương nằm ở chỗ nào.

Cô rất thèm người nói chuyện. Nhưng đương mùa chợ búa cày cấy, chị em chúng bạn ai có việc nấy, không ai được thưa thì giờ để đến trò chuyện với cô. Cho đến cô Bích, người em tin cậy của cô, cũng phải mải miết đi chợ, từ sáng đến tối, không được thư nhàn mấy khi. Thành ra ban ngày cũng như ban đêm, ngủ đi thì thôi, hễ bừng mắt ra, cô lại thấy mình một mình vò võ. Vì thế, cô cứ phải mượn cuốn Kim Vân Kiều làm bạn giải buồn. Quyển sách như cũng biết ỡm ờ trêu ngươi. Mỗi khi cô mở nó ra, nếu không đụng phải đoạn Kim Trọng gặp Thúy Kiều, thì lại trúng vào chỗ Thúy Kiều cất lẻn sang nhà Kim Trọng. Tuy rằng cô đã hết sức trấn tĩnh, nhưng mà coi đến những câu:

”Sóng tình hồ đã xiêu xiêu

Xem trong âu yếm có nhiều lả lơi…”

Hay là:

“ Tóc tơ căn vặn tấm lòng

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”.

Thì trong bụng cô bổi hổi, bồi hồi, hình như có vật nong nóng bốc lên ở ngực và cổ. Tức thì cô liệng quyển chuyện xuống giường và nằm vắt tay lên trán để đưa tư tưởng đến chỗ mơ màng xa xăm.

Sáng nay lúc cô băng mình trở dậy, bỗng chốc hai mắt nháy rối, vuốt mãi nó cũng không thuần. Rồi khi cô ăn cơm xong, vào buồng, lại một con nhện thình lình sa thẳng xuống chỗ trước mặt. Cô toan vồ lấy để xem nó là nhện vàng hay nhện trắng, nhưng con vật ấy nhanh quá, cô vớ chưa kịp, nó đã đánh đu sợi tơ của nó và bò lên gần xà nhà mất rồi. “Điềm gì mà lạ thế này. Lành hay gở?”. Câu hỏi quanh quẩn đi lại ở trong óc. Nó bắt cô phải phân vân hồi hộp, đứng ngồi không yên.

Lật đầu giường lấy cuốn Truyện Kiều, cô hé mở ra để xem đằng nào là đầu, đằng nào là cuối. Rồi hai bàn tay chắp lại một cách cung kính, cô đưa cuốn sách lên tận ngang mặt, đặt nghiêng “bụng sách” vào thẳng sống mũi và khấn lầm rầm:

“Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, tên tôi là Hoàng Thị Ngọc, ở làng Vân Trình, thành tâm xin cô một quẻ…”

Vừa dứt tiếng quẻ, cô liền ngừng lại và chỉ mấp máy hai môi, không biết là nói những gì. Dứt hồi thì thầm, cô bấm một ngón tay cái vào giữa cuốn sách rồi giở ra xem. Ngón tay cái của cô trúng vào chỗ này:

“Bó thân về với triều đình,

Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?

Áo xiêm đùm bọc lấy nhau,

Vào luồn ra cúi, công hầu mà chi”.

Đọc đi đọc lại mấy lần, cô vẫn không hiểu nàng Kiều bảo mình cái gì!

– Hay là mình không thành tâm, cho nên cô Kiều không ứng?

– Thì lại bói lại quẻ nữa xem sao?

Một lần nữa, cuốn sách bị cô đưa lên ngang trán và làm đúng những công việc vừa rồi. Rồi cô nhìn theo chỗ ngón tay đã bấm. Nó là cái gì?

”Vội vàng sắm sửa lễ công

Kiệu hoa cất gió đuốc hồng ruổi sao.

Bày hàng cổ vũ xôn xao,

Song song đưa tới trướng đào sánh đôi”.

Mặt cô tự nhiên thấy nóng bừng bừng. Ruột gan cô tự nhiên bồn cồn như bị lửa đột. Không kịp suy nghĩ ý nghĩa của mấy câu đó, cô liền lăn đùng xuống giường và thở hừng hực như người say nắng. Cảnh tượng của đám vinh qui hôm nọ thình lình lại hiện trước mắt. Kìa lá cờ vàng phấp phới trước gió. Kìa cái biển gỗ sơn son thếp vàng chói lọi dưới ánh mặt trời. Rồi một chàng trẻ tuổi cố nghiêng chiếc mũ hoa vàng cười nụ với người bên đường. Rồi một cô con gái không lấy gì làm xinh, đang õng ẹo ngôi trong chiếc võng mành mành cánh sáo. Rồi… vô số là thứ khác nữa.

Giống như con chuồn chuồn trong mắt những người chực giở, những cảnh tượng ấy cứ dính liền với con mắt cô, xua tay nó không đi, nhắm mắt lại nó càng rõ rệt. “Số kiếp mình thật không ra gì… Cờ đã đến tay, ai ngờ lại về kẻ khác..” Cô không định nghĩ như thế. Nhưng mấy câu ấy nó cứ vơ vẫn kéo đến và trở đi trở lại mãi mãi trong trí.

Mặt mỗi lúc một nóng thêm, gan ruột mỗi lúc mỗi bồn cồn thêm, rồi thì cô thấy xâm xâm tối mặt như lúc sắp sửa phải cảm độ trước.

– Em đi chợ đây chị ạ! Chị có mua gì hay không?

Tiếng nói thỏ thẻ thình lình tử cửa kéo vào, làm cô mở bửng mắt ra. Cô Bích vừa đến cạnh giường với bộ mặt nhí nhảnh và tiếp:

– Chị làm sao mà mặt đỏ bừng lên thế?

Cô ngồi vùng đậy mà đáp:

– Không biết làm sao từ lúc ăn cơm đến giờ, tự nhiên chị thấy hầm hập như người sắp phát sốt ấy em ạ. Em hãy ra bể múc cho chị một bát nước mưa.

– Chết nỗi! Chị uống nước mưa có độc cho không?

– Không độc đâu. Chị xót ruột lắm, chị muốn uống một bát nước mưa cho mát. Em cứ múc vào đây cho chị. Giấu đi, đừng để thầy mẹ trông thấy.

Ngoan ngoãn, cô Bích trở ra. Một lát, cô ấy rón rén trở vào với một bát nước trong như nước suối. Sẽ sàng đón lấy bát nước của em, cô Ngọc uống òng ọc một hơi. Nước vào đến đau, ruột gan thấy mát đến đấy. Cô Bích nhanh nhầu cất gánh đi chợ, để lại cho chị cả một gian phòng tịch mịch và những luồng tư tưởng vẩn vơ.

Cô toan đứng dậy ra sân để cho dứt những cái nghĩ ngợi quanh quẩn. Nhưng khi cầm gương lên soi thây hai má còn đỏ bừng bừng, cô lại vớ lấy quyển Kiều rồi sẽ nghiêng mình xuống giường. Song cô không coi, cuốn sách vẫn úp trên ngực, hai mắt cô vẫn lờ đờ nhìn lên mái nhà.

“Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng răng đen…”. Nghĩ vậy rồi cô lại tự gạt đi: “Sao ta lại tơ tưởng mãi nhưng chuyện của người? Ơ hay, con đã mọc răng, nói năng chi nữa.”

Thôi, trăm đường tránh chẳng phải số, số có tự nhiên sẽ có, nếu số không có, cầu cung chả được, hơi đâu mà…”. rồi cô quả quyết ngồi dậy và lại cầm gương lên soi. Ngoài cổng có tiếng gậy chống lộc cộc, cô vội nhô đầu nhìn ra. Cụ bảng Tiên Kiều đương đủng đỉnh bước vào trong cổng với chiếc gậy trúc và một cậu bé con xách cái túi gấm theo sau. Lật đật cô vội ra sân đuổi chó và cúi đầu chào cụ bảng:

– Lạy bác ạ?

Cái nón dứa trên đầu sẽ gật một cái, cụ bảng tơi tả cười hỏi:

– Con Ngọc đấy à? Mày đã bằng cũ chưa cháu? Thầy có ở nhà đấy chứ?

Lễ phép, cô đáp:

– Thưa bác, cháu đã gần được bằng cũ. Thầy cháu có nhà đấy ạ.

Rồi cô nhanh nhẩu đứng ra một bên, để giữ cho con chó xồm khỏi sủa. Ông đô Vân Trình vừa ở trong nhà bước ra. Hai ngài vái nhau một cái cực kỳ long trọng, rồi cùng đi vào trong thềm. Sau khi đã hạ chiếc nón dứa trao cho cậu học trò treo lên trên vách, cụ bảng mở túi lấy vuông khăn mặt lau qua những giọt mồ hôi trên trán, rồi cụ ngồi luôn vào phản, vừa cầm cái quạt phe phẩy, vừa cất cái giọng sang sảng:

– Nóng quá, tôi đi đã sớm, thế mà còn thấy bức bối khó chịu. Nếu chậm lát nữa, có lẽ phải lăn ra đường…

Ông đồ cung ghé vào phản và nói một cách vui vẻ:

– Bác nhiều hơn tôi năm tuổi, nhưng xem ý còn mạnh hơn tôi. Chính tôi bây giờ đi sang bên bác, nhiều khi đã thấy mỏi chân, phải nghỉ đến hai ba chỗ. Nếu tôi bằng tuổi bác, có lẽ sẽ không đi được từ đây đến làng Tiên Kiều.

Cụ bảng tươi cười:

– Ừ, tôi vẫn biết bây giờ bác đã ngại đi. Sáng nay, tôi toan cho người mời bác sang chơi nói chuyện. Nhưng sợ bác vẫn biếng đi, nên tôi lại phải cố sang.

Cụ đồ vội hỏi:

– Bác đã có chuyện gì lạ!

Cụ bảng vẫn cười:

– Lạ thì không lạ. Nhưng nó cũng không phải là một việc thường.

– Việc gì vậy?

– Tôi muốn đưa ông thám, ông bảng đến nhà cho bác.

Cô Ngọc vừa xách siêu nước lên đến đầu thềm. Thoảng nghe câu đó, hai má tự nhiên đỏ bừng. Bẽn lẽn đưa siêu nước cho cậu bé con đi theo cụ bảng, và nhờ cậu ấy nhóm lò đun hộ, cô liền thụt vào trong buồng. Cụ đồ ngay thật hỏi lại cụ bảng:

– Ông bảng nào? Ông thám nào? Bao giờ thì họ lại đây?

Cụ bảng cười giòn khanh khách.

– Thong thả, chuyện đó hãy gác lại đó, để lúc uống rượu sẽ hay. Bây giờ chúng ta uống nước rồi thưởng một vài ván cờ cái đã.

Lò nước đã nỏ. Cậu tiểu đồng quen lệ mọi ngày nhắc bàn cờ và túi quân cờ trên vách đạt lên trên án. Cụ đồ hạ bàn cờ xuống phản, vừa đổ quân cờ ra bày, vừa ngâm:

“Kỳ cục tiêu tường hạ, “Tôn tửu lạc dư xuân.”

Rồi cụ lại tán:

– Hai câu ấy thế mà hay đấy. Trong lúc nóng nực này chỉ đánh cờ là có thể quên sự oi bức.

Siêu nước đã sôi, cậu nhỏ rón rén tráng qua cái ấm da chu, bỏ chè, chế nước, rót ra chén tống và chuyên vào hai chén con, rồi đệ cả bộ bàn chè lên án. Hai cụ rung đùi thưởng cái hương thơm mát của chè đầu xuân. Cuộc giải khát đã đi hết tuần thứ ba, các cụ bắt đầu quay vào bàn cờ. Cô Ngọc vẫn nằm thủ hiểm trong buồng chờ nghe những lời cụ bảng sẽ nói. Sư im lặng của gian buồng và sự hồi hộp trong quả tim bắt cô suy nghĩ đến câu cụ bảng mới nói vừa rồi. “Cớ sao bác bảng lại nói đột ngột như vậy? Hay là bác ấy đã biết tâm sự của mình rồi chăng! Không có lẽ cứ như em Bích kể lại, thì hôm nọ, trong lúc nói mê, nói sảng, mình cũng xưng là cô thám, cô bảng luôn luôn. Nhưng đó chẳng qua là tiếng nói của kẻ bị mất trí khôn, chắc không.ai để ý…” Thế rồi, mồ hôi toát ra, cô tự thấy mình xấu hổ như đã làm một điều vô ý trước đám đông người. Ở nhà ngoài, cuộc cờ đến lúc xô xát tiếng cười giòn giã xen lẫn với tiếng quân cờ chí chát đụng nhau, khiên cô dứt hẳn được sự nghĩ ngợi lấn quẩn.

Bóng nóng đã ra đến cột giàn hoa, trong buồng nóng như cái hầm, cô toan đứng dậy ra vườn hóng mát, chợt trông đến cái quả trầu, cô mới nhớ ra từ nãy đến giờ, quên chưa têm trâu.Sẽ sàng ngồi dậy, cô đi lấy dao bổ cau rọc trầu, têm mấy chục miếng xệp vào cơi, rồi đưa cậu nhỏ đặt giúp lên chỗ hai cụ. Bà đồ đi chợ đã về. Nhanh nhảu cô ra đón thúng để mẹ vào chào cụ bảng, rồi cô xuống bếp sửa soạn đồ rượu. Theo ý bà đồ, thì cô còn phải kiêng nước, kiêng lửa vài ba ngày nữa cho được thật khỏi. Nay vì trong nhà có khách, trời cũng đã trưa, sợ rằng một mình lủng củng, hoặc giả cơm khách trễ quá, nên bà đành để con gái mó vào những việc lặt vặt.

Cuộc cờ trên nhà đã hết hai ván, đồ chén cũng vừa làm xong. Vì nhà không có đầy tớ, cô phải rón rén lên dọn bàn cờ, rồi để mâm rượu vào đó, và bảo cậu nhỏ sang bên buồng học ăn cơm. Sau khi cụ bảng đã gửi lời cô xuống chào bà đồ, hai cụ cùng quay vào mâm. Chén rượu đã rót một lần thứ nhất, bà đồ vui vẻ ở nhà dưới lên để đáp lễ lại lời chào của ông bạn chí thân với chồng. Cụ bảng chỉ vào chiếc ghế bên cạnh và nói:

– Mời bác hãy ngồi lên đây xơi nước, tôi có câu chuyện muốn nói với cả bác trai bác gái.

Rồi cụ nhìn vào ông đồ:

– Con Ngọc năm nay mười chín tuổi rồi phải không?

Ông đồ ra vẻ ngạc nhiên:

– Cháu nó mới có mười tám.

Cụ bảng lẩm nhẩm bấm đốt ngón tay:

– Được! Mười tám lại còn tốt hơn mười chín.

Uống cạn chén rượu, cụ tiếp:

– Bác đã có biết Tư Hạc học trò tôi chứ?

Ông đồ lắc đầu:

– Tôi chỉ nghe tiếng anh ta, chứ không rõ lắm. Có phải tên hắn là Đào Vân Hạc đó không?

– Phải đó!

– Anh ta người ở đâu nhỉ?

– Hắn ở Quốc Oai. Con trai út cụ cống Đào Nguyên đấy mà. Trong học trò tôi, có hắn linh lợi hơn cả. Vì tình thân với cả hai bên, tôi muốn nói với hai bác gả con cháu Ngọc cho hắn.

Vừa cầm nai rượu tự róc vào chén của mình, cụ bảng vừa thêm:

– Nếu như hai bác muốn cho con cháu được làm cô thám, cô bảng, thì ngoài hắn ra, chắc không có người nào hơn. Tôi nói thế, không phải quá khen học trò của tôi. Kể ra, cái tài thám, bảng, thiên hạ vẫn không thiếu gì, nhưng phần nhiều họ đã cao tuổi hoặc là họ quen cố chấp câu nệ, không ai được hoạt bát như hắn.

Ông đồ ra vẻ tơi tả:

– Bây giờ bác nói tôi mới nhớ ra. Trong kỳ bình văn ở trường bác hồi đầu năm ngoái, tôi đã xem qua quyển của anh ta. Kể thì anh ta cũng là một tay đại tài, tôi không chê một điều gì. Nhưng việc gả bán cho cháu thì tôi nhường quyền bà nó.

Rồi ông quay sang bên phía bà đồ:

– Thế nào? Ý bà ra sao, thì nói với bác.

Bà đồ rẽ ràng:

– Cụ cống mất rồi, thưa bác?

– Phải, cụ ấy mất từ lúc Tư Hạc còn nhỏ.

Bà đồ ra ý ngần ngại:

– Trên cụ cống cũng là một nhà danh vọng ở tỉnh Đoài với nhà tôi thật là môn đương hộ đối. Tôi chỉ hiềm một điều rằng chúng tôi hiếm hoi, chỉ được hai đứa cháu gái, muôn gả chồng cho nó ở chỗ gần nhà, để khi mẹ con đi lại cho tiện.

Cụ bảng nói vui như tết:

– Điều đó bác không quản ngại. Từ đây lên đến quê hắn, vừa đi vừa về, chỉ hết độ già nửa ngày, có gì là xa. Nếu bác sợ xa, thì tôi bắt hắn phải đến gửi rể. Việc này tự tôi chủ trương tất cả. Bởi thấy nó là mối lương duyên nên tôi muốn cướp quyền của ông tơ hồng xem sao!

Bà đồ không còn lẽ gì từ chối, liền chuyển câu chuyện sang cho ông đồ.

– Nếu thế thì xin tùy ý thầy cháu. Thầy cháu bằng lòng, tôi cũng xin vâng lời bác.

Ông đồ khôi hài:

– Khéo lắm. Tôi đưa cho bà, bà lại còn đưa cho tôi.

Rồi ông rót rượu vào chén cụ bảng và tiếp:

– Con tôi cũng như con bác. Tùy bác muốn gả cho ai thì gả. Quyền ông tơ hồng bác còn muôn cướp huống chi quyền tôi. Có điều tôi muôn bác hãy thong thả, để tôi bảo qua với cháu.

Cụ bảng vẫn cười:

– Cố nhiên cũng phải hỏi ý nó chứ. Nhưng tôi xem chúng nó cũng ngoan ngoãn dễ bảo, tôi nói phắc nó phải nghe. Vậy xin bác hãy cho gọi nó ra đây để tôi bảo thẳng với nó.

Nãy giờ, cô Ngọc vẫn ngồi im lặng trong buồng, không dám đánh tiếng. Khi nghe cụ bảng nói đến câu đó, cô liền cất lẻn đi xuống nhà dưới. Bà đồ theo xuống tận nơi, và nói một cách ngọt ngào:

– Con lên nhà khách, bác bảng muốn hỏi gì con đấy.

Cô Ngọc đỏ mặt tía tai, và nói một cách nũng nịu:

– Thôi con chả lên.

Bà đồ tủm tỉm cười nụ:

– Bác bảng muốn làm mối mày cho anh khóa Hạc, học trò của bác ấy, có thuận thì lên mà nói với bác.

Cô Ngọc gục đầu xuống gối và sẽ thỏ thẻ:

– Tùy thầy, tùy mẹ, con không biết.

Rồi cô e lệ đứng dậy và đi sang nhà hàng xóm. Bà đồ lại lên nhà khách nói với cụ bảng:

– Thưa bác, cháu nó xấu hổ, không đám lên ạ!

Cụ bảng lại cười:

– Thôi được. Nó xấu hổ tức là nó đã thuận đấy. Vậy thì hai bác nhận lời cho tôi đi thôi.

Bà đồ cáo biệt đi xuống nhà dưới. Hai cụ gật gù đánh chén mãi đến quá trưa mới xong. Cô Ngọc vẫn còn núp bên hàng xóm chưa về. Cậu nhỏ người nhà cụ bảng phải dọn mâm bát và lấy tăm nước.

Mặt trời tà tà, cụ bảng mới từ biệt ra về. Trước khi đứng dậy, cụ còn dặn lại ông đồ:

– Độ mấy bữa nữa, tôi sẽ lại sang nói chuyện với bác.

Trở Về

Tìm Kiếm