NGHỊCH LÝ GIÀU NGHÈO THỜI KHỦNG HOẢNG

…..

Số tỷ phú, triệu phú USD thế giới tăng cao trong khi hàng trăm triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

…..

Thế giới phương Tây, tiêu biểu là Tây Âu và Bắc Mỹ, nhiều thập kỷ trước cuộc khủng hoảng 2008-2009, tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. Họ là thế giới “thứ nhất”. Một thời, các nước này là miền đất hứa của những người nghèo thuộc thế giới thứ ba.

“Người lần không ra”

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đã tàn phá hầu hết các nền kinh tế phương Tây. Tuy số liệu thường khác nhau nhưng điều đã trở nên phổ biến: phần lớn người dân phương Tây đã quen với khái niệm “thắt lưng buộc bụng”.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Cộng đồng châu Âu (Eurostat), năm 2012 có 124,5 triệu người (24,8% dân số châu Âu) đối mặt với nguy cơ nghèo khổ, tăng so với 24,3% trong năm 2011 và 23,7% của năm 2008.

Đứng đầu danh sách nghèo khổ của Cộng đồng châu Âu (EU) là Bulgaria (49%), Romania (42%) và Latvia (37%), tiếp theo là Hy Lạp, Lithuania và Hungary; Hà Lan và CH Czech (15%), Phần Lan (17%), Thụy Điển và Luxemburg (18%).

Italy – một nước thuộc G-8, trong giai đoạn 2005 – 2012, tỷ lệ người nghèo đã tăng gấp đôi và hiện có khoảng 4,8 triệu người nghèo đói, khoảng 18,2 triệu người đang đối mặt với nghèo khó. Còn theo các số liệu của báo cáo “châu Âu 2020” của cơ quan thống kê Italy (Istat), riêng năm 2012, tỷ lệ người nghèo ở Italy tăng gần 30% – mức cao nhất ở châu Âu sau Hy Lạp. Số hộ gia đình có cha mẹ đơn thân rơi vào cảnh nghèo đói cũng tăng từ 5,8% trong năm 2011 lên 9,1% năm 2012.

Tại Pháp, khảo sát mới của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế (Insee) cho thấy chênh lệch thu nhập giữa hai nhóm giàu và nghèo nhất vùng Ile-de-France – gồm 8 tỉnh trong đó có thủ đô Paris – đang giãn rộng. 10% số hộ giàu nhất có thu nhập cao hơn 7,5 lần so với 10% số hộ nghèo nhất. Khoảng cách này tăng lên so với mức chênh lệch 7,2 lần vào năm 2004. Tại Paris nội đô, mức chênh lệch hiện nay lên tới 11,6 lần so với 10,4 lần vào năm 2000. Từ năm 2008, số người nghèo cũng tăng mạnh ở Champagne-Ardenne, Languedoc-Roussillon, Picardie và Nord-Pas-de-Calais. Khoảng 13,3% người dân vùng Ile-de-France sống dưới mức nghèo khổ (thu nhập trung bình 964 ơrô/tháng), trong khi tỷ lệ này trên toàn nước Pháp là 14,1%.

Tại Mỹ, số người nghèo đói và không có bảo hiểm y tế ước tính lên tới hơn 38,8 triệu người.

Theo tổ chức Oxfam – một liên minh quốc tế của 15 tổ chức cứu trợ nghèo đói -, đến năm 2025, EU sẽ có thêm 25 triệu người nghèo đói.

Suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến trí tuệ con người

Tạp chí dịch tễ học và y tế cộng đồng (JECH) của Anh số ra tháng 11 năm ngoài cho biết những người từng trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế đúng vào thời kỳ sung sức nhất trong cuộc đời có nguy cơ suy giảm nhận thức khi về già. Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Luxembourg đã tiến hành cuộc khảo sát quy mô lớn về sức khỏe và việc làm của 12.000 người ở độ tuổi 50 và trên 50 tại 11 quốc gia khu vực châu Âu qua kiểm tra 5 kỹ năng. Kết quả cho thấy kỹ năng nhớ, kỹ năng nói và trình độ toán học, nam giới bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu họ trải qua thời kỳ kinh tế suy thoái khi ở độ tuổi giữa những năm 40 cho tới cuối những năm 40 tuổi. Trong khi đó, phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi suy thoái kinh tế xảy ra giữa những năm 20 tới giữa những năm 30 tuổi.

Người lao động trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế ở độ tuổi dễ bị ảnh hưởng (20-30 tuổi) có nguy cơ suy giảm nhận thức trong những năm sau của cuộc đời. Trí tuệ của họ sẽ bị ảnh hưởng sau những biến cố như bị sa thải, bị điều chuyển sang công việc bán thời gian, lương thấp hay bị giáng chức. “Dự trữ nhận thức” của người lao động sẽ bị mất dần khi họ mất việc hay bị giáng chức.

“Kẻ ăn không hết”

Cuộc khủng hoảng lại làm cho một bộ phận nhỏ giàu lên. Theo số liệu mà hãng tin Bloomberg công bố ngày 2/1/2014, tài sản của 300 người giàu nhất thế giới năm 2013 đã tăng 524 tỷ USD, nâng tổng giá trị tài sản của họ lên 3.700 tỷ USD.

Các chuyên gia Bloomberg nhận định kinh doanh trong những ngành công nghệ cao là lĩnh vực sinh lợi nhuận nhiều nhất trong năm 2013. Nhà sáng lập tập đoàn phần mềm Microsoft Corp Bill Gates (Bin Ghết) lại một lần nữa là người giàu nhất hành tinh năm 2013 với tổng tài sản lên tới 78,5 tỷ USD, tăng 15,8 tỷ USD.

Đứng vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng của Bloomberg là ông trùm viễn thông Mexico Carlos Slim với tổng tài sản sở hữu hơn 73 tỷ USD. Tỷ phú người Tây Ban Nha Amancio Ortega đứng thứ ba trên với tổng tài sản đạt 66,4 tỷ USD. Người sáng lập công ty thương mại Inditex đã kiếm được gần 9 tỷ USD trong năm qua.

Nhìn lại năm 2012, châu Mỹ và châu Âu có nhiều người giàu nhất thế giới. Báo cáo hàng năm về những người giàu trên thế giới, được bộ phận quản lý tài sản thuộc Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) và công ty tư vấn Capgemini công bố mới đây, cho biết giá trị tài sản ròng của những người giàu nhất thế giới đạt mức kỷ lục là 46.200 tỷ USD trong năm 2012, tăng 10% so với năm 2011.

Theo báo cáo trên, số người có số tài sản trên 1 triệu USD đã tăng 9,2% trong năm 2012, lên 12 triệu người trên toàn thế giới. Bắc Mỹ hiện có số người giàu nhiều nhất thế giới, tăng 11,5% trong năm 2012, lên 3,73 triệu người, với tổng số tài sản ròng đạt 12.700 tỷ USD. Nước Mỹ có 3.436.000 triệu phú, trong khi Canađa có 298.000 triệu phú, tăng 6,5% so với năm 2011. Canada hiện xếp thứ 7 trong số 12 quốc gia đứng đầu về số người giàu, đứng sau Pháp, Anh và Trung Quốc, nhưng đứng trên Thụy Sĩ, Italia và Ôxtrâylia. Tổng tài sản của các triệu phú Canada là 897 tỷ USD.

Nhật Bản có số triệu phú cao thứ hai thế giới, sau Mỹ, với 1.902.000 triệu người có tài sản trên 1 triệu USD, tiếp theo là Đức, với 1.000.000 triệu phú. Ba quốc gia đứng đầu về số triệu phú đã chiếm hơn một nửa số triệu phú trên thế giới trong 6 năm qua. Số triệu phú tại Trung Quốc và Ôxtrâylia tăng cao nhất, với các mức tăng lần lượt là 14% và 15% trong năm 2012. Trong khi đó, số triệu phú tại châu Phi đã tăng 9,9% trong năm 2012, nhưng tổng tài sản của họ chỉ đạt 1.260 tỷ USD.

Tạp chí CEO (Nga) xác nhận trong năm 2012, số tỷ phú USD ở Nga đã tăng lên mức kỷ lục, từ 120 người năm 2011 lên 131 người trong năm 2012, với tổng giá trị tài sản lên tới 450 tỷ USD. Top-10 tỷ phú Nga hiện có tổng tài sản trị giá 147 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2011, nhưng giảm nhiều so với 221 tỷ USD thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu.

Dẫn đầu danh sách tỷ phú Nga trong năm 2012 là Alisher Usmanov, người sáng lập ra Tập đoàn đầu tư Metalloinvest với tài sản trị giá 18,72 tỷ USD. Xếp thứ hai và thứ ba là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty NLMK, Vladimir Lisin với 17,2 tỷ USD và Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm nhà sáng lập Tập đoàn Renova, Viktor Vekselberg với 15,94 tỷ USD./.

Theo TỔ QUỐC

[Lãnh Vực]

Tìm Kiếm