…..

Doãn Quốc Sỹ
Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến
Phần II
Chương 10
THẦN TƯỢNG


Vân đã về Hà Nội, nhưng nàng không ở đây lâu, Kha biết lắm. Lý do ư? – Con nàng, đứa con giai độc nhất của nàng, còn ở ngoài hậu phương, tất nhiên không sớm thì muộn nàng phải trở sang bên kia vòng đai trắng.
Vân đã về! Nàng về muộn mạn đủ mọi vẻ! Nàng về chồng chất thêm mối sầu cho bà Phán: chồng chết, con gái út chết, con trai lớn đi xa và con rể … đến nay thì cũng rõ ràng là đã chết trên khoảng vòng đai trắng cách tỉnh lỵ Hải Dương chừng mười cây số. Là biết vậy thôi, chứ Mạnh chết mát xác!
Dù sao thì Vân cũng đã về! Vân đã ở lại bên mẹ được hai tháng qua.
Đó là một buổi trưa thứ bảy đầu xuân! Không ngủ trưa, lần này Kha dắt xe ra cửa với ý định lờ mờ sẽ đến gặp Vân. Phải gặp Vân! Bởi hoặc nay hoặc mai, biết đâu Vân sẽ khuất nẻo vĩnh viễn bên kia vòng đai trắng ngoài hậu phương.
Tiếng một phụ nữa lanh lảnh, lời nói lên với tiếng cười lẳng lơ:
– Anh sắp đi đâu đấy anh Kha?
– Chào cô Diễm.
Giọng thiếu phụ giằn xuống nũng nịu một cách đặc biệt:
– Anh đi đâuuu…?
Kha vẫn chưa dắt xe tiến lên được vì Diễm còn đứng chắn ngang, chàng đáp:
– Tôi đi đằng này có chút việc, cô sang đây chơi?
– Vâng em sang thăm mấy người bạn cũ.
Tháy Diễm vẫn chưa đứng tránh sang bên, Kha miễn cưỡng hỏi thêm:
– Cháu nhỏ vẫn ngoan chứ, sao cô không bế sang chơi.
– Cháu ngủ mà anh, anh đi đâuuu…?
Diễm né sang một bên và Kha dắt vội xe ra cổng miệng giữ nụ cười lịch sự miễn cưỡng.
Đạp xe được một quãng đường thẳng, Kha quay lại tháy Diễm cũng đã rẽ theo đường về. Kha biết câu “em sang thăm mấy người bạn cũ” của Diễm là nói cho có chuyện, sự thực Diễm sang chỉ để gặp chàng.
Hãng lên đường sang Pháp, Hiển lên đường vào Nam đã được một tháng. Kha hiểu việc trai gái đến tuổi này ở chung một nhà sao được nên trước đây chàng đã định sau bữa tiệc tiễn hành khi trở về chàng sẽ chính thức hỏi Hiển xin Miên làm vợ – ít nhất là vợ chưa cưới- để bạn ra đi yên lòng. Nhưng Miên đã kín đáo lo việc đó trước, nàng xin được chính phủ cấp cho một phòng tại khu nữ nhân viên ngay trong nhà thương. Thế là Kha chưa phải quyết định gì cả, chàng nghĩ để rồi ngày Hiển học xong về phép, điều kiện kinh tế của chàng vững chắc hơn, ngày đó sẽ hỏi và tổ chức lễ cưới ngay. Trong thâm tâm Kha càng quyết định hỏi Miên làm vợ, bề ngoài chàng càng giữ vẻ điềm đạm.
Trước ngày Hiển lên đường vào Nam, Miên đã dọn đến chỗ ở riêng của nàng trong nhà thương. Nàng để lại cho Kha dùng chiếc xe đạp nàng mới mua. Kể từ đấy chiều thứ bảy hoặc ngày chủ nhật, Miên về thăm Kha và làm những bữa ăn đặc biệt riêng cho hai người hay mời cả gia đình văn hóa cùng ăn.
Ông Ký Thản bên hàng xóm đã theo sở Mỹ vào Nam. Một thiếu phụ một tay bồng con, một tay dắt con đến thuê căn trống đó: Diễm.
Với Kha, còn một minh chàng ở lại, căn phòng trở nên mênh mông trống trải lạ, nhưng với Diễm thì trên đời này chẳng còn gì quyến rũ hơn hình ảnh chàng trai chưa vợ sống một mình trong một căn phòng. Chồng nàng, người chồng thứ hai, là một quân nhân đi vắng luôn… Kha lại hay làm việc khuya và bỏ ngỏ cửa. Ngay hôm đầu dọn đến đây khoảng một giờ sáng sực dậy nhìn qua cửa sổ sát bên giường nằm, Diễm còn thấy ánh đèn bên phòng Kha in dài một phiến vàng rộng ra đến giữa sân. Nàng vờ đi tiểu, liếc mắt nhìn vào, Kha ngồi trước bàn cắm cúi vừa viết vừa suy nghĩ, sách vở ngổn ngang bên tả bên hữu. Kha quả là một mồi ngon mà Diễm tự cho là mình đã cầm lỏng trong tay. Ngày hôm sau Diễm làm quen với Kha liền, nàng không gọi là “ông giáo” hay “anh giáo” gì cả, thân mật gọi luôn tên chàng. Thoạt nàng ôm con đứng nói chuyện với Kha ở trước cửa phòng, rồi những buổi tối nàng kiếm cớ vào tuột bên trong hỏi mượn Kha bao diêm, cái bút chì, hay lọ mực. Thấy Kha không để ý gì đến “cánh cửa bỏ ngỏ” của mình, vẫn một điều “thưa chị” hai điều “thưa chị” đã hơn một lần Diễm trở về phòng lẩm bẩm “Mặt mũi thế mà ngốc tệ!” Thậm chí một đêm đã quá mười hai giờ khuya, Diễm vùng dậy mở cửa ra sân đi vào phiến ánh sáng thoát ra từ phòng Kha, tì vai vào cửa, một bàn tay đỡ lấy má, nghiêng đầu lẳng lơ nhìn Kha làm việc và nói:
– Anh làm việc khuya thế anh Kha.
– Vâng, thưa chị, làm việc ban đêm, tĩnh. Ban ngày tôi có làm được gì đâu.
Kha đáp vậy rồi lại cắm cúi làm việc, Diễm thấy mình còn đứng lại nữa thì trơ quá nên trở vào phòng, xung quanh nàng, nhà trên nhà dưới bốn bề ngủ yên cả. “Rõ hoài, thằng ngốc! – Diễm nghĩ thầm, đay nghiến – Giá nó cứ vẫy mình một cái, tắt đèn đi ế.. khép cửa lại… Thằng ngốc! Thằng ngốc!”
Thứ bảy Miên làm cơm. “Thì ra thế, chắc là thằng ngốc muốn chung tình với con bé mặt mũi phúc hậu” – Diễm nghĩ.

II

Từ thuở mới mười lăm tuổi Diễm đã khát tình. Hồi đó Diễm còn ởquê nhà, một huyện lỵ thuộc Kiến An. Diễm yêu một bạn trai cùng lớp và ngỏ ý với một bạn gái khác: “Anh T. đẹp trai quá, tao muốn kết bạn với anh ấy!” Cô bạn gái bèn đứng làm môi giới cho đôi bên thư từ và tặng ảnh nhau. Gần mãn niên học Diễm bỗng khám phá được một cậu trai học dưới nàng một lớp, đóng kịch giỏi, ngâm thơ hay, bèn tự ý tỏ tình. Cả hai lại cùng tập kịch rồi đóng kịch vào ngày phát phần thưởng cuối niên học. Đôi bên lại tặng ảnh nhau và thư từ trao đổi suốt vụ hè. Cho tới đầu niên học mới, gặp phải ông thầy hắc búa ra lệnh từ bảy giờ rưỡi chiều trở đi học sinh bất kỳ nam nữ không được nhởn nhơ ngoài đường. Lại có kẻ mách lẻo khiến ông biết hết chuyện viết thư tặng ảnh, ông gọi anh học trò con trai cùng lớp tới hỏi vào giờ ra chơi, anh này hoảng viết thư cho Diễm đòi lại ảnh. Anh lớp dưới cũng sợ lây và theo gương anh lớp trên viết thư đòi lại ảnh cùng tất cả những bức thư đã viết trước đây. Diễm thoạt không chịu, hai anh lại đón đường dọa làm ầm câu chuyện lên, nàng mới chịu. Năm sau Diễm thôi học. Thuở đó Diễm vẫn còn vẻ người thanh như mai. Kế tiếp cũng có một vài cuộc phiêu lưu tình ái khác nữa nhưng Diễm vẫn chưa hề được thỏa tình hoặc vì chàng trai nhát quá hoặc vì họ thấy Diễm quá dễ dãi nên đâm hờ hững vì “chiến đấu không gian nan thắng lợi không vinh quang”. Năm hai mươi tuổi Diễm xúc động vì đoạn cuối một bài tường thuật của nhà phóng viên thể thao trẻ tuổi nọ mà sau này khi gặp gỡ nàng mới hay cũng là một bạn học cùng lớp với nàng xưa. Đầu đề bài báo đó là: “Cuộc đua tài của hai đội bóng tròn Olympic và Racing trên sân Mangin”. Nguyên văn đoạn kết như sau:  Thế là đôi bên quần thảo mãi tới phút sáu mươi tư của cuộc so tài Racing mới phá được sự trinh bạch của màng lưới Olympic, nâng thành tỷ sổ thắng lợi một không. ”

Bài tường thuật đã bị dư luận thủ đô lên án là dâm ô, chính ông chủ nhiệm cũng phê bình gay gắt chàng phóng viên, ông có biết đâu vì bài báo đó kèm theo một cái may khác gặp và nhận ra Diễm là bạn học cũ ở rạp xi-nê Olympia mà chàng phóng viên đó đã trở thành nguời bạn lòng đầu tiên thực sự chiếm hữu Diễm. Lẽ cố nhiên cuộc tình duyên phóng đãng đó chẳng kéo dài được bao lâu, vì chàng phóng viên nào có lạ gì thành tích của cô bạn gái mình xưa. Có điều đáng ghi là sau cuộc tình duyên này Diễm bắt đầu đẫy người. Bà hàng xóm vốn không lạ gì tính Diễm phê bình một câu cay độc: “Gái bén hơi trai mà!” Mãi đến năm hai mươi bốn Diễm mới lấy chồng thực sự. Người chồng nhà buôn này đã tử nạn trong chuyến xe hàng bị mìn trên đường Phủ Lý Nam Định, đứa con đầu lòng còn trong bụng mẹ. Sinh con được hơn ba tháng, có hôm đến thăm cô bạn gái, Diễm gặp một chàng trai quân nhân cao khỏe là anh em bá thúc với cô bạn. Nhà này phòng khách cách với phòng tắm chỉ có mấy tấm cánh cửa đã được đóng đinh. Diễm bèn vào tắm nhờ, rồi vừa tắm nàng vừa nói chuyện trõ ra với cô bạn. Nàng kỳ cọ, nàng vỗ vào da thịt, nàng xối nước. Khi ngừng câu chuyện nàng luôn luôn khen nước mát. Mỗi lần xối nước là một lần nàng rùng mình và thở dài lớn, khoan khoái. Lúc gần tắm xong nàng la lên với cô bạn: “Trời ơi, có để cho người ta tắm không, nỡm, dòm gì? Đừng hé cửa gió vào, lạy đấy!”
Sự thực cô bạn Diễm khi đó đã vào sâu trong bếp có hề đứng ở cửa buồng tắm đâu, Diễm chỉ cốt khích động chàng trai quân nhân ngoài phòng khách (nàng góa chồng ngót một năm trời rồi còn gì). Và chàng trai quả đã bị khích động. Chàng tìm đến tận căn nhà Diễm thuê, rồi thì thọt tới luôn, rồi Diễm có mang. Tính ra trong vòng chưa đầy hai năm nàng đã có hai đứa con với hai đời chồng. Chỗ ởcũ của Diễm xung quanh hàng xóm toàn các cụ các bà thế hệ trước, mọi người thành thật nhìn nàng như quái vật, lời dè bỉu, thái độ dè bỉu công khai. Một hôm vô tình ra phố Hàng Vôi, Diễm thấy có căn phòng cho thuê (căn của ông Ký Thản vừa theo sở Mỹ vào Saigon) nàng vào găp mụ chủ trương, chuyện trò đon đả như với người thân cũ, rồi hỏi thuê luôn và mang hai con lại ở gọi là để thay đổi không khí. Nàng có viết thư báo cho người chồng quân nhân biết địa chỉ mới. Đến chỗ ở mới, người xung quanh mới, dư luận mới, nàng thấy dễ thở hơn nhưng chỉ một tuần qua, bất luận trai gái cứ khoảng từ mười sáu trở lên -tuổi đã biết nhận xét suy luận- đều thấu hiểu nàng là một người đàn bà lẳng lơ quá cỡ. Thoạt dư luận đó còn bàng bạc hờ hững chưa tạo nên áp lực nặng nề như ở chỗ cũ, nàng tin rằng nàng còn thì giờ tấn công Kha. Nàng đã kịp ghi nhận đối thủ của nàng – Miên, con bé mặt mũi phúc hậu- chỉ thứ bảy hay chủ nhật mới tới một lần (nghề của Miên có những phiên gác bất tử. Nhưng đã mấy lần đợi khoảng đêm khuya thanh vắng nàng đi vào phiến ánh sáng trước phòng Kha, tựa vào vai cửa, tì má vào ngón tay trỏ uốn cong, lẳng lơ ra mặt, ướm hỏi Kha những câu rất bâng quơ, nhưng Kha chỉ ngẩng lên trả lời vừa đủ lễ phép rồi lại cúi xuống cắm cúi viết. “Thằng ngốc! – lần nào thất bại Diễm cũng nghiến răng nghĩ thầm thế – Trông mặt mũi thế mà ngốc!” Dư luận nhũng người xung quanh đã muốn dè bỉu công khai nàng. Mấy lần ông Cai hềnh hệch cười chào ỡm ờ khi nàng qua cửa phòng ông: “Áy chào côôô!”
Ngay sát căn nhà lớn này là một villa nhỏ gần như biệt lập vì một bên là đường đi ra bờ sông, một bên là lối đi rộng có trồng những cây muỗm, na, ổi đã khá cao, cành lá xum xuê. Ngoài cửa villa thấy có biển: “Nhà cho thuê”. Dò la, Diễm được hay nhà đó trước có người tự tử nên cho thuê rất rẻ, tuy nhiên gia đình thuê vừa rồi làm ăn lụn bại quá không dám ở nữa, trả lại chủ nhà. Người chồng quân nhân về kịp lúc. Qua một đêm ân ái, Diễm tỉ tê bàn bạc với chàng và chàng ưng cho nàng thuê villa bên, giá tiền cũng chỉ gấp đôi căn phòng hiện thuê. Từ khi nàng ờ biệt lập nàng dễ thở mà những người xung quanh nàng cũng dễ thở hẳn. Và vì xa nhau như vậy nên mọi người trở lại thái độ niềm nở và lễ độ mỗi khi nàng bế con sang chơi. Sự thật nàng chỉ sang chơi khi biết đích có Kha ở nhà. Đùng một cái có tin người tình thứ hai của nàng tử trận tại Ninh Bình. Nàng buồn mất ba hôm, ba hôm nang không sang chỗ ở cũ để đưa mắt tống tinh Kha. Nhưng rồi nỗi buồn đó cũng qua mau. Lý do: cái chết của người chồng quân nhân kia không làm xáo trộn đến đời sống kinh tế của nàng, nàng đã có một số vốn kha khá hùn với người cô buôn hàng tấm ở chợ Đồng Xuân, tháng tháng chia lãi. Một chiều thứ bảy nàng sang chơi như thường lệ. Miên đương làm cơm trong bếp. Kha đứng nói chuyện ngoài sân với Luận mới ờ nhà thương ra.
Diễm vừa nói chuyện với mụ chủ trương vừa theo theo dõi câu chuyện giữa Kha với chàng thanh niên vạm vỡ đó mà nàng cũng rất ưng (Luận). Kha hỏi Luận:
– Thế là viên đạn làm gẫy xương cánh tay bên phải của cậu gắp ra rồi?
– Rồi! -Luận đáp.
– Và như anh Khiết nói thì cậu đã xin giải ngũ?
Luận gật đầu:
– Chắc chắn là được.
– Cậu xin giải ngũ rất đúng lúc, công việc tòa soạn một mình Lãng làm không xuễ, Lãng còn phận sự phải làm phóng sự và nhất là Lãng nhất định chủ trương chỉ viết những gì chính Lãng đến tận nơi quan sát.
– Ừ thì xương cánh tay gẫy ghép lại rồi, tay không cầm được súng nhưng cầm nổi bút chứ! Sao anh Khiết chưa lại nhỉ?
-Sẽ có cả Tân nữa, Tân ờ Hưng Yên về, Khóa mới xuống thay, căn trường xây cất cũng xong một nửa rồi (Luận đã một lần gặp Tân tại nhà báo Văn Hóa).
Thấy hai chàng trai quá mải mê câu chuyện chẳng để ý gì đến mình ngồi ở thềm cửa cũng gần đấy, Diễm tiến lên trong khi mụ chủ trương mỉm cười tinh quái vào nhà.
– Chào anh Kha. Chào anh.
Câu “chào anh” thứ hai là Diễm chào Luận.
– Vâng chào cô – Kha đáp.
– Chào … cô! – Luận cũng tiếp theo và hiểu.
Diễm đã tới sát hai người hỏi một câu theo ý chợt đến trong trí nàng:
– Chiều thứ bảy hai anh không đi xi nê?
Luận lắc đầu nhìn chòng chọc vào nàng:
– Không cô ạ. Xem cô thế này chẳng hơn ư?
Tuy thường xuyên thèm ái tình nhưng cái nhìn cùng lời nói của Luận sỗ sàng quá, lúc khác thì được, lúc này Diễm không ưng, có lẽ tại Luận ở bên Kha, nàng bèn cúi chào hai người rồi ra về.
– Đào nào thế mày? – Luận hỏi.
– Thuê nhà kế bên. Trước cùng ở đây.
– Mày có ngửi thấy mùi mồ hôi của en?
Kha phì cười không đáp. Luận tiếp:
– Mùi mồ hôi hăng hắc!
Kha lại bật cười nữa và nói:
– Như tiếng kêu khẩn cấp siêu âm của loài cái gọi loài đực trong tạo vật!
– Ha ha đúng! ô kìa anh Khiết! Tân nữa.
Miên ở trong bếp vừa định ra chào thì tiếng Tân nói với Kha:
– Vân đã về!
Và tiếng Kha hốt hoảng làm Miên thấy đau thắt bụng và rã rời chân tay:
– Thế ừ? Ồ Vân!
Giác quan thứ sáu đã như báo trước phần thiệt thòi cho nàng. Kha còn hỏi tiếp ngay:
– Anh thấy Vân ra sao?

Tân đáp:
– Vân cùng vừa bác Phán về làng thăm mộ Thi ra.
– Như vậy Vân phải về từ trưa?
– Đúng, Vân về mới hay tin anh Hãng đã đi Pháp, Thi đã mất. Và bác Phán cũng mới hay là Chủy vẫn mát tích, không thấy trở về ngoài đó.
– Ủa, năm kia Khóa đã gặp Chủy lúc Chủy vừa được tha ở trại Hải Dương ra mà.
– Thì tôi cũng nhắc thế, bởi vậy mai tôi đưa Vân đi Hải Dương đến nhà Đạo xem sao. Tôi cần gặp Đạo hỏi thăm tin tức làng nữa.
Tuy tiết trời cuối đông về chiều khá lạnh, Kha thấy nóng ran người vì niềm xúc động thương Vân. Chàng nói:
– Để ăn cơm xong tôi đến thăm Vân ngay. Tội nghiệp!
Tiếng Khiết hỏi lớn:
– Cô Miên đâu? Hỏa đầu quân hôm nay cho ăn gì thế?
Miên vùng đứng dậy, nàng chấm vội hai giọt nước mắt (lúc đó nàng mới biết là mình khóc) ra cửa bếp và chào lớn:
– Chào hai anh mới tới ạ. Hôm nay mời các anh xơi món em mới học được, món bún bò. Xong cả rồi, để em dọn bát đũa lên.
Tân tiến tới hối hả:
– Để chúng tôi tiếp một tay chứ.

III

 

Kha đã gặp Vân ngay buổi tối hôm đó, sau bữa ăn họp mặt của gia đình Văn Hóa. Đôi mi mắt nàng còn đỏ mọng vì khóc. Kha kính trọng nỗi đau khổ của Vân. 
Tân đã rõ mối tình tan vỡ của Kha với Vân từ ngày đôi bạn dời khỏi đồn điền Lợi Ký (Kha thủ thỉ thuật lại tất cả trên quãng đường vắng từ đồn điền ra đường cái lớn). Sớm hôm sau, trước khi tới đón Vân, Tân tạt vào thăm Kha, muốn kéo Kha cùng đi. Kha từ chối nói là không thể bỏ lớp được, nhưng khi vào lớp, Kha thấy rằng mình nghỉ một buổi để cùng đi với Vân có sao đâu. Tuy nhiên, chàng cũng không hối tiếc, còn cho là mình đã hành động khôn ngoan. Gặp lại Vân lòng chàng xôn xao quá. Nên xa Vân! Nên xa Vân! Như thuốc nổ nên xa lửa.
Thấy bạn nhất định từ chối không chịu đi, Tân đến phố Hàng Vải Thâm đón Vân, chàng lái chiếc traction 15 của Khóa. Khi Vân đã vào ngồi bên tay lái của chàng, tự nhiên Tân thấy cảm động lạ. Bao nhiêu kỷ niệm buổi đầu kháng chiến chàng theo lớp huấn luyện tăng gia sản xuất tại đồn điền Lợi Ký, xô dồn chen chúc nhau xuát hiện không theo thứ tự gì hết trong đầu óc chàng. Cảnh mùa đông mây xám nhìn qua những cành cây thưa lá, cảnh những lá vàng đuổi nhau trong cơn lốc, cảnh Vân ngồi đan áo bên Thi, âm thanh rào rạt của của trận gió khuya đương ra công quét sạch mây trời đêm ba mươi Tết đầu tiên Tân xa quê nhà, xa mẹ, âm thanh nức nờ của bài ca “Nguyễn Thái Học”, âm thanh gọn nhẹ của chiếc cành khô gãy trong đêm khuya và … và thốt nhiên Tân nhớ lại cả mối tình phi lý với người đẹp gặp một lần ờ ga Thanh Ba, người con gái có nước da trắng mát, một nốt ruồi đen, phải, một nốt tuồi đen trên gò má ế.. Chiếc traction rùng mình chuyển bánh, Tân như có rùng mình theo nhớ lại hình ảnh tưởng tượng con sông đêm ở ga Thanh Ba, nước sông tuy có ướp muôn thứ hoa rừng, mùi thơm hoang dại ngây ngô nhưng cũng biết quấn lấy thân hình ngà ngọc của cô gái đẹp mát như lụa. Xe chạy ngược lên dốc Hàng Than, tiến ra bờ sông và lên cầu. Tân chưa dám hỏi Vân điều gì. Khi xe qua Gia Lâm, rẽ vào đường số 5, đường vắng thênh thang, Tân mới cùng Vân nói chuyện. Những câu hỏi đáp lễ phép xen vào những tiếng cười khẽ xã giao. Những nhận xét của Tân về Vân khi chàng quay sang nhìn nàng hay khi vô tình quan sát thấy ở đuôi mắt cùng những cảm nghĩ của chàng suốt trên đường đi rồi trên đường về, đều rất lộn xộn y như những kỷ niệm đầu kháng chiến xô dồn chen chúc vừa qua. Nhưng cảm giác chung là Tân thấy rạo rực, rồi hoang vắng, rồi rã rời. Tân phải luôn luôn thức tỉnh với hình ảnh của Kha, người bạn mà chàng quý mến nhất đời và luôn luôn tự nhủ “ý dâm còn tội lỗi hơn hành động dâm” để tránh mọi sa ngã trong tinh thần.
Vân quả là trái nho mọng nhưng rắn chắc, chất ngọt dưới sức nóng mặt trời đã chuyển sang chất đường cô đọng, răng người yêu khẽ cắn vào đậu đều có thể làm vỡ ra dòng suối vô hình của hương thơm -hương ái tình- và chát ngọt. Vân là vợ Chủy, trong thâm tâm Tân vẫn phủ nhận điều đó, nhưng Vân là người yêu của Kha, sự thực này mới là điều ngăn cấm Tân tuyệt đối không được có ý nghĩ tình ái về Vân, một sự phản bội tình bạn không thể tha thứ được. Tân nói chuyện với Vân, thái độ nghiêm chỉnh như nói với vợ bạn. Với Tân, Vân chỉnh là vợ Kha! ồ, Tân lại chợt nhớ đến mối tình của chàng với Ngoan, cô gái làng Hiền Lương (quê hương của bà Âu Cơ?) nhớ đến cuộc đi chơi cùng nàng dưới ánh nắng chói chan nhưng vắng lặng của miền rừng núi oi bức chập chùng, nhớ ngồi cùng nàng dưới gốc lim trên con đường đi Ca Vịnh heo hút, nhớ có ôm và hôn nhẹ lên má nàng sau khi đã giảm tắt đuốc bên bờ suối đêm ba mươi Tết, xa thật là xa có tiếng vọng mùa xuân của con sông Hồng hùng vĩ. Mối tình thơ mộng thật đấy nhưng đượm màu khắc khổ của kháng chiến, có thể đã để lại một vết cháy trong lòng Tân nhưng là vết cháy nhỏ, Tân hiểu nếu Tân yêu Vân, lập tức tình yêu đó biến thành đám cháy rừng. Tính Tân thận trọng, nhiều khi rụt rè nữa, thì sức sống tràn đầy của Vân kia chính là điều Tân khao khát, bởi nếu quả thực Tân kết hôn với Vân, cuộc hôn nhân sẽ thực hiện thế quân bình cho cả hai. Nhưng làm sao mà kết hôn với Vân cho được? Vân là vợ Chủy, điều đó quan hệ gì, nhưng Vân lại là người tình của Kha!
Tới Hải Dương Tân tìm ra nhà Đạo ngay. Chủy đã chết thực. Vân ôm mặt thoạt kêu lên một tiếng rồi khóc nức, tiếng kêu đó làm ruột Tân quạnh đau. Vợ chồng Đạo cho gọi người bán bánh mì, người này thuật lại cảnh Chuỷ bị trúng đạn phi cơ … Vân muốn người bán bánh mì đưa nàng tới chỗ đó, nhưng người này lắc đầu nói ông đã chôn vội tử thi ngay khoảng huyệt mới bốc mộ, rồi bàng hoàng ôm con ra đi, nay không sao nhận được nơi ấy nữa.
Như vậy rồi còn ở lại Hải Dương làm gì? Tân đưa Vân về ngay mặc dù vợ chồng Đạo vật nài hai người hãy nán lại ăn cơm trưa. Trên đường về đôi môi Vân mím thành một đường cương quyết kết hợp một cách khắng khít với sống mũi dọc dừa thẳng xuống theo một đường thanh tú vô cùng, đôi lúc nàng giơ tay lên đỡ lấy đầu, khuỷu tay tì trên gối, cổ tay tròn, một viền đen làm tăng nước da trắng hồng (giây đồng hồ). Tóc nàng hơi rối về phía trước khoảng rủ xuống trán, khá mượt khoảng trên đầu, nhưng lại rối tơi bời, khoảng từ gáy tới ngang vai. Tân an ủi, Vân trả lời gượng gạo, lời Vân nói tuy hướng thẳng tới Tân vì Vân ngồi sát bên chàng, nhưng lời nàng thật nhẹ, nhẹ như lời nói của ai từ xa theo gió vọng lại, tuy nhẹ như hơi gió thoảng nhưng lại rất rõ, rõ từng lời, từng hơi thở ngừng, một lần Vân để xen một tiếng thở dài, Tân rùng minh tưởng như vừa có cả hơi thở ấm của nàng phà lên gáy. Những hình ảnh cứ thánh thót lọt vào nhãn giới Tân như vậy, nhất là gặp lúc đường vắng, cả hai cùng im lặng. Có lúc Vân gục xuống thấp hơn nữa như muốn úp mặt trên đầu gối, khoảng eo thót lại, hai đầu gối gập hơn nữa, một bàn chân với những ngón chân uốn cong tì trên guốc tưởng như tuy nàng ngồi trên nệm mà sức nặng của cơ thể còn làm cong những ngón chân đó. Hình ảnh nàng lúc đó đau khổ mà sượng sùng, vành môi mím lại càng thanh, đường sống mũi càng thanh, hai đường lông mày càng thanh âu yếm che chở bên trên cho đường thanh của hai hàng lông mi, đôi mắt mở vừa đủ để nhìn -nàng nhin gì, nàng nhìn đôi chân hay nhìn vào tâm tưởng- miệng hé một chút rồi mím lại ngay, gò má hơi rung chuyển làm lay động nhẹ vệt ánh sáng đọng trên đó. Xe đã lên cầu, xe đã vào Hà Nội, thật là may xe đến nhà vừa đúng lúc, Tân không nào chịu đựng sự tàn phá hơn nữa, cả tâm hồn chàng lúc đó là hình ảnh khoảng rừng cây non tơi bời chịu bão.
Vân đã viết thư cho Hãng và đã được hồi âm. Dĩ nhiên nàng khóc lóc khi đọc thư anh. Một lần Kha ướm hỏi Vân còn ở lại Hà Nội bao nhiêu lâu nữa. Nàng chớp mắt giây lâu mới đáp khẽ là có lẽ đến sau Tết.

 

IV

 

Gặp lại Kha, Vân không dấu tình nàng và tiếp nhận tình Kha nhưng nhất định nàng tuột khỏi tay Kha. Thời con gái đã qua, Vân đã là đàn bà, Vân chẳng lạ gì tính tình đàn ông, chính vì yêu Kha mà nàng cương quyết tuột khỏi tay Kha. Nàng biết chỉ có cách ấy là bắt Kha phải tưởng nhớ đến nàng mãi mãi. 
Kha cảm thấy mình thất bạivà nhận ra ở thân hình Diễm vài nét thật quyến rũ hao hao giống Vân. Mỗi khi tìm cớ đến nói chuyện với Kha ngoài sân, Diễm vẫn cố tinh đứng thật sát. Mỗi lần Diễm đứng gần như vậy Kha càng ao ước được ôm ghì Vân trong cánh tay cho mối tính được toàn vẹn, và mỗi lần gặp Vân rồi bị Vân tinh ý lẩn tránh giây phút quyết liệt, Kha lại nẩy ý định tìm gặp Diễm tức khắc mà vò nát thân thể chắc lẳn đó cho thỏa lòng khát khao Vân.
Khi yêu Thi, tình cảm Kha mơn man êm dịu , nhưng với Vân sao chàng muốn trở nên thô bạo?
Bao nhiêu năm qua rồi, hoàn cảnh thay đổi là thế mà Kha thấy Vân còn giữ nguyên linh cảm bén nhậy để kịp thời nhận ra điều gì khả nghi ở Kha và né tránh. Đôi mắt Vân lúc đó dường như có thoáng cả chút giận dỗi làm Kha bỗng thấy ngại ngùng. Hay là tại Kha quá bị ám ảnh bởi dĩ vãng. Nhan sắc Vân với những đường nét thanh tú thật, nhưng vẫn nồng nhiệt làm sao! “Đúng la mình bị dĩ vãng ám ảnh!”
– hơn một lần Kha nghĩ như vậy.
Đó là một buổi trưa thứ bảy đầu xuân. Không ngủ trưa, lần này Kha dắt xe ra cửa với ý định lờ mờ là sẽ đến thăm Vân, nàng có thể ra đi bất ngờ, lần ra đi này có phần vĩnh viễn. Vì vậy khi Diễm đứng chặn lối đi, Kha cảm thấy khó chịu nhưng vẫn phải miễn cưỡng giữ vẻ hòa nhã với phái yếu. Ra tới đường nhảy lên xe không hiểu nghĩ sao Kha lại đạp về phía Bờ Hồ, qua tòa soạn Văn Hóa không rẽ vào mà đạp thẳng, qua bót Hàng Trống, qua ngã tư, vào đường Gia Long. Xe bon bon trên quãng đường rộng và khá đông đúc. Kha ngừng chân đạp cho tốc độ giảm dần rồi ngoặt sang đường Trần Hưng Đạo, lần này xe bon theo một triền dốc nhẹ, quãng đường sạch bóng, hai bên lề là hai hàng me có xen lẫn phượng vĩ đổ bóng xuống đu đưa dịu dàng. Và Kha lại triền miên suy nghĩ…
Dịp Tết nguyên đán vừa qua người dân quốc gia chẳng hề cảm thấy một chút hào hứng đón nùa xuân mới. Hà Nội chỉ còn là một hòn đảo nổi, bốn bề sóng đỏ uy hiếp. Các cứ điểm nhỏ đây đó nối liền với thủ đô bằng những trục giao thông mong manh. Người ta đã xì xào chuyện chia cắt có thể, và trong trương hợp đó sẽ có tàu Mỹ chở đồng bào di cư, Nhưng sau đó người ta lại quả quyết với nhau rằng: “Ấy là phòng xa thế thôi, chứ mình đâu có chuyện chia cắt như Cao Ly, như Đức?”
Tuy nhiên đêm đêm, nhiều khi ngay từ chiều, người dân Hà Nội đều nghe thấy tiếng súng ầm ì. Hằng ngày luôn luôn có tin xe hàng Hà Nội Nam Định, Hà Nội Bắc Giang, Ha Nội Hải Phong bị mìn, thương tích, chết chóc … 
Tết vừa qua bà Phán chẳng làm gì. Giò, bánh chưng, hoa quả, mứt … đều do Kha, Khóa, Khiết mang lại biếu. Chính Miên Kha, vợ chồng Khiết, Tân cũng tập trung lại ăn Tết với gia đình Khóa. Ngôi trường trung học ở Hưng Yên do Khóa, Tân thay phiên nhau tận tình trông nom đã gần hoàn thành. Khu xây cất lần này rủi gặp phải khoảng lầy trũng cũ nên nền móng ngốn đã khá nhiều gạch vụn, xi măng, bê tông mà vẫn lún, phải làm lại hai lần. Nhưng qua mấy lần xây cất trước, Khóa đã luyện nghề cho phu thành thợ, đã giao khoán công tác cho thợ để họ biết tính toán mà rồi đây có thể thành tiểu chủ nhân đứng ra điều khiển lấy những công việc thầu nhỏ, nên tất cả đều nhớ ơn Khóa. Họ họp nhau luôn, bàn bạc mau lẹ và thành khẩn rồi nai lưng làm miết để kịp hoàn thành công tác đúng với giao kèo.
Cũng vào đầu xuân này, Khiết đã có nhã ý hoàn thành việc ấn loát thi phẩm đầu tiên của Kha sau khi cho phát hành văn phẩm đầu tiên của Luận. Nhưng trong tình thế đất nước như thế, mùa xuân của Kha chẳng vì thế mà hé chút ánh hồng. Vân còn ở Hà Nội kia mà Kha không hề nghĩ đến tặng nàng tập thơ như chàng đã trân trọng tặng Miên. Kha cho rằng mối tình đầu của chàng tặng Vân đã là cả một bài thơ quá đẹp, quá thiết tha rồi chăng?
Phải lại thăm Vân! Phải lại thăm Vân ngay, vì có thể một ngày rất gần đây nàng ra hậu phương vĩnh viễn! Kha nghĩ vậy rồi lái xe theo đường về Hàng Vải Thâm. Ánh nắng buổi trưa đầu xuân mà vẫn bâng khuâng quá, từng đợt gió lạnh ùa tới thảng thốt, mùa đông như còn để lại luồng từ điện ưu uất để cố kéo dài sự hiện diện của mình. Càng gần tới nhà Vân (chàng biết chắc chắn nàng thế nào cũng có nhà, còn mong đợi chàng là khác) cái nhìn ưu tư của Kha càng như rọi sâu vào khoảng không phía trước, tựa như chàng đương đàm thoại ngầm với một hình bóng quen thuộc nào chỉ có chàng nhìn thấy.
Người đến như trong một giấc mơ, người tiếp như trong một giấc mơ.

 

Vân ạ, anh biết có một loài hoa ngày nay không có thế gian này!

 

Vân ưa mà sợ tiếng nói của Kha, tiếng nói dịu mà sắc, êm mà mãnh liệt. Nói chuyện với Kha bao giờ Vân cũng lâm vào tình trạng phức tạp của kẻ sợ đau đớn mà lại ưa đau đớn, y như kẻ biết nặn nhọt là đau nhưng lại thích nặn nhọt vừa xuýt xoa chảy nước mắt vì thỏa niềm mong ước. Căn phòng bỗng biến thành nhà mồ, Vân thu người ngồi gọn vào góc đi văng đối diện với Kha.
Tiếng Kha hỏi:
– Vân có nghe anh nói không?
Cúi đầu mĩm cười, Vân nhấc khẽ để tỏ rằng không những mình có nghe mà còn chờ đợi câu chuyện:
– Có một loài hoa ngày nay không có ờ thế gian này! Anh lại định kể chuyện cổ tích?
Kha nhớ lại Miên hằng ca ngợi tài kể chuyện của Hiển và chàng đáp:
– Người kể chuyện cổ tích phải như Hiển, người nghe chuyện cổ tích phải như Miên mới thích hợp.
– Anh nói Hiển nào, Miên nào?
– !
– Em nhớ ngày nào anh xuất khẩu kể chuyện người lính thú “Ngang lưng thì thắt bao vàng”. Anh vẫn có tài kể chuyện cổ tích.
– Nào biết rằng đây có là chuyện cổ tích! Kha đáp.
Thốt nhiên Vân thấy thèm được nghe một câu chuyện cổ tích như nàng vẫn thèm hlnh ảnh Kha, nhưng phải là thứ chuyện cổ tích xuất khẩu thành chương do chính Kha kể. Hai người gần nhau chỉ nói những điều không đáng nói và chẳng bao giờ nói những điều thiết tha muốn ngỏ. Phải chăng lần nay tình yêu đã nung chảy im lặng để bắc cầu thông cảm cho cả hai? Kha kể chuyện cổ tích thật!
– Anh vẫn nghĩ rằng ngày xưa đã từng có một loài hoa ngày nay không còn nữa. Ngày đó đôi trai gái ôm trong lòng mối tình bất diệt với ý nghĩ chung: có yếu tố âm, có yếu tộ dương thì quay cuồng quên vũ trụ. Càng không lấy đựợc nhau họ càng muốn gần nhau, càng gần nhau họ càng phải xa nhau… Họ muốn hòa đôi tâm hồn làm một, nhưng tâm hồn bị hãm trong nhà tù xác thịt cho nên dù gần đến đâu họ vẫn thấy là xa. Họ chỉ có cảm tưởng gần nhau đôi chút khi ở thật xa nhau … thật xa khuất.
Vân muốn khóc rồi, nhưng cố giữ nước mắt vì giây phút đau đớn mà nàng hồi hộp đợi chờ đã tới, nàng phải cố giữ nước mắt để nghe cho hết câu chuyện, câu chuyện của chính hai người.
Rồi họ nghĩ càng xa khuất lại càng gần nhau. Họ đã nhầm! Khi cả hai cùng chết – mỗi người chết ờ một phương xa- trên mồ mỗi người cùng mọc lên một thứ hoa và hoa cùng nở vào một ngày một giờ. Buồn thay không gian xa cách, gió thổi quẩn thổi quanh chẳng để hương hoa gặp nhau. Hai cây hoa cố vươn lên, rễ lỏng, một cơn gió lốc thổi bật rể, cả hai thân cây gục héo trên mồ, cơn lốc cuốn theo hạt hoa, đến một hoang đảo. Hai hạt đã nẩy mầm thành hai cây hoa nhưng lần này vì gần nhau quá nên hai thân cây quấn vào nhau, các cành mềm đan vào nhau đề rồi một ngày kia mặc dầu sóng yên biển lặng, hai cây hoa bỗng bốc lên thành một cơn lốc ánh sáng không để lại một vết tích gì trên đảo. Kể từ đấy trên thế gian thiếu hẳn một loài hoa, một loài hoa mà thế gian chưa kịp đặt tên.
– Đời người lắm chuyện phi lý phải không anh – Vân hỏi, thái dương đập mạnh, đầu choáng váng.
– Và hiện giờ chúng ta cô đơn -Kha đáp – nhưng nếu đã có người gầm thét vì cái phi lý, nguyền rủa để xua đuổi cô đơn, ai cấm chúng ta cắm hoa cho cuộc đời? Muốn có hoa cắm thì phải trồng hoa đã, trồng ngay ở hồn mình thứ hoa ngày nay không có ở thể gian này.

 

Tự nhiên Vân tiếp lời:
– Không có vì đã có một ngày, ngày xưa, chúng hòa biến vào thành cơn lốc ánh sáng.
Giọng Kha bỗng rắn đanh:
– Vân! Anh muốn đưa em đến một hoang đảo ở đó anh ăn thịt em!
Kha đứng dậy và Vân cũng đứng phắt theo, lùi lại một bước:
– Mẹ em sắp vào kìa anh ơi, đừng, anh về đi.
Kha dừng lại nhìn Vân cười bâng quơ…
Chàng về.
Chàng về thật.

 

V

 

Chiều thứ bảy này vào hồi ba giờ Miên đến thăm gia đình một người bạn nữ y tá trên tầng thứ ba một căn nhà đường Halais. Miên gõ cửa nhầm phòng. Cửa mở, trước mặt nàng là một người đã đứng tuổi, đầu chải mượt, áo quần tề chỉnh, y đang sửa lại nơ, khuôn mặt gầy xanh (Miên đoán vì trác táng) mày râu nhặn nhụi và mùi nước hoa tỏa ra phong nhã, y sắp đi xi nê hay sắp đến nhà người tình? Miên xin lỗi y vì sự lầm lẫn của nàng, y lim dim con mắt rồi khẽ cúi đầu đáp lễ với đầy đủ phong thái của một Sở Khanh tân thời. Tự nhiên Miên thấy nhớ Kha vô cùng. Miên nghĩ đến lời nói của Khiết phê bình hài hước về Kha ngày nào: “Thằng cha hồn nhiên như cây cỏ kể cả khi hắn tội lỗi, tội lỗi mà hồn nhiên thì cũng chẳng còn là tội lỗi nữa!” Tìm thấy căn phòng thuê của gia đình bạn, Miên ở lại nói chuyện một giờ và có điều làm Miên vui hơn. Nguyên do tại căn phòng đối diện của một gia đình khác, thằng bé chừng lên bốn nói với bố: “Bố ăn khỏe quá!” Tức thì người mẹ – lớn hơn Miên chừng dăm sáu tuổi – răn con: “Không được nói thế phải tội con nhé, bố phải ăn khỏe để đi làm kiếm tiền nuôi con chứ”. 
Từ giã bạn, Miên rẽ qua chợ Đồng Xuân mua được con cá chép khá lớn. Nàng dự định mâm cơm chiều sẽ có cá rán, đầu và đuôi cá sẽ nấu canh dấm khế với rất nhiều cà chua, khế và hành tây cho ngọt nước. Kha vẫn ưa món canh này lắm. Trong bữa ăn này Miên sẽ cám ơn Kha đã tặng nàng tập thơ. Chẳng biết có nên đọc mấy bài ngắn mà nàng rất thích và đã thuộc lòng?
Khi Miên xách cá vào bếp lũ trẻ con cùng dãy ùa vào xem, chúng reo lên: “Ồ này con cá nó khóc chúng bay ơi”. Miên chú ý nhìn xuống, con cá bị phơi trên cạn đã lâu, có hai hạt nước mắt ứ lên như hai hạt sương sớm. “Mình sẽ khóc như vậy – Miên nghĩ – nếu anh Kha chết trước mình”.
Sau câu chuyện “Có một loài hoa …” Kha thẫn thờ tự nhà Vân về. Kha đi thẳng vào nhà không để ý đến Miên đứng ở cửa bếp. Cơm nước Miên đã làm xong. Lúc đó vào khoảng sáu giờ chiều, trời tuy âm u về phía bờ sông nhưng còn sáng rõ lắm về phía hồ Hoàn Kiếm. Miên từ bếp lên, Kha ngồi trên chiếc ghế gần ngay cửa ra vào, chàng cười, chào lại Miên, nụ cười cố làm cho tươi nhưng rõ ràng gượng gạo. Miên tiến thẳng vào trong, lau lại bàn ăn, sắp lại máy chiếc ghế cho ngay ngắn.
Tiếng ghế khua động làm Kha ngẩng đầu lên. Khuôn mặt hiền dịu của Miên trông nghiêng trong bóng tối càng nhiễm tính chất chịu đựng. Đôi mắt Kha thoáng tia sáng, chàng khẽ đạp cho cánh cửa từ từ khép lại. Những nét cử động của Miên hoàn toàn chìm trong bóng tối của căn phòng. Bỗng Kha đứng phắt dậy, chàng mở tung cửa đi vút ra ngoài ôm đầu choáng váng:
– Mình thật là một thằng khốn nạn! Mình thật là một thằng khốn nạn! – chàng lẩm bẩm và cố xua đuổi hình ảnh Miên. Kha vừa ra khỏi cổng thì trời đổ mưa.
Thế là đời chàng đã hai lần gặp hai trận mưa đầu xuân bất ngờ. Trận mưa bất ngờ đên xuân trác tuyệt năm nào sao mà thần tiên huyền ảo, trận mưa này sao mà đốn mạt!
“Mưa lớn nữa đi cho đầu mình dịu xuống – Kha nghĩ tiếp – đồng thời chàng nhận ra mình vừa đi qua cửa nhà Diễm.
Không một chút ngập ngừng, Kha quay lại bước lên bậc, gõ cửa. Cửa mở.
– Anh vào, mời anh vào ngay kẻo mưa ướt hết giờ – Diễm nói. Kha ngơ ngác nhìn quanh rồi hỏi:
– Các con của cô đâu?
– Bà ngoại của cháu lên chơi được mấy hôm nay. Cụ quý các cháu quá, cụ vừa ôm cháu bé vừa làm cơm dưới bếp, cháu lớn quẩn bên chân cụ.
Kha thò tay vào túi giữ chiếc ví bên trong chiếc chìa khóa Tân gửi – (Tân vẫn gửi chàng chìa khóa mỗi lần đi Hưng Yên trông nom công việc). Chàng nhìn Diễm giây lâu rồi nghiêng đầu ghé lại hỏi thầm bên tai nàng:
– Đi theo anh bây giờ được không?
– Được chứ! – Diễm đập.
Trong khi Kha vẫy chiếc xích lô đã giương mui, che bật, Diễm xuống nói với mẹ:
– Con có việc cần phải đi đằng này một chút mẹ nhé.
– Giời mưa mà con? – bà cụ hỏi lại.
– Mưa cũng phải đi mẹ ạ.
Dứt câu Diễm mỉm cười vì trong lòng như vang lên câu nói tiếp: “Càng mưa càng hay!”
Căn phòng Tân thuê vừa khuất vừa tối, vừa hẹp. Khi Kha vặn khóa mở cửa, một mùi mốc ẩm hôi hôi ùa ra phả lên mặt chàng. Diễm hầu như không nhận ra điều đó, nàng đi sát bên Kha.
Ánh đèn bật lên. Chao ôi, mới có hơn một tuần Tân không về mà mạng nhện giăng đầy nhà, cứt chuột đầy trên đỉnh màn và trên nệm của chiếc giường cá nhân. Chắc hẳn vào lúc đêm khuya lũ chuột phải đến đây quần tụ khá nhiều mới đến nỗng nỗi này, cứt chuột nhan nhản trên đỉnh màn, đầy ắp trong cậc kẽ nệm trông như thuốc tễ, phân mới đen nhanh nhánh, phân cũ đen xạm, một sổ đã dinh chắc vào vải mềm.
– Lấy chiếc chổi ở góc nhà kìa, em – Kha nói – rồi quơ cho hết mạng nhện và quét cho sạch nhà.
Trong khi Diễm đến góc nhà lấy chổi, Kha giựt nghiêng dinh màn, phân chuột rơi xuống lả tả lẫn vào với nhịp mưa bên ngoài. Chàng rũ nệm, có một số lớn phân chuột đã khô cứng dính chặt vào kẽ nệm, Kha phải lách ngón tay vào để gạt ra cho hết.
Diễm quỳ ở giữa giường buông màn xuống. Kha chui vào, một mùi hôi ẩm chùm lấy chàng như ngày nào chàng bước chân vào hang dơi gần hồ Ba Bể, Bắc Kạn.
Diễm thốt tiếng cười khẽ dưới sức nặng của Kha.
– Khi em cười vành môi căng ra trông đẹp lắm!
Nói đoạn Kha cúi xuống hôn Diễm, hai vòng tay xiết chặt. Nhận trọn vẹn cái hôn của Kha xong Diễm cắn khẽ bên tai Kha nói như rên:
– Yêu anh, em yêu anh từ lâu rồi, anh!
Tuy bóng tối bất ngờ ập tới, Miên cũng kịp thoáng nhận thấy vẻ mặt Kha khá hung dữ khi chàng vừa lấy chân đẩy cho cánh cửa từ từ khép lại. Miên hiểu ngay cớ sự. Lồng ngực nàng bỗng tâng hẫng, trái tim như vừa rơi đâu mất, hai tay nàng phải níu lấy thành bàn để đứng cho vững. Rồi nàng trở lại trạng thái bình tĩnh ngay, bình tĩnh lạ thường, óc thoáng nghĩ nếu Kha tiến lại, nếu Kha ôm, nàng sẽ mím môi phó mặc không chống cự mảy may, có thể rồi nàng cũng vòng tay ôm Kha, ôm nhè nhẹ không chống cự mảy may, có thể rồi nàng cũng vòng tay ôm Kha, ôm nhè nhẹ không thám tháp vào đâu với sức Kha lúc đó.
Nhưng …

 

Cánh cửa bỗng mở tung, Kha ôm đầu bứt đi khỏi. Miên tưng hửng, lần này sự tưng hửng kéo dài cho đến lúc mưa đổ xuống. Nàng tiến ra gần cửa, ngồi vào chiếc ghế Kha vừa ngồi rồi thốt nhiên ôm mặt khóc rưng rức, đôi khi tiếng khóc nức lên át cả tiếng mưa rơi bên ngoài. Nàng tủi hổ cho nàng, tủi hổ cho thái độ – tuy thầm kín – sẵn sàng hiến thân cho người minh yêu mà cũng không đạt. Nàng biết Kha sẽ không về ăn cơm. Cơm ôi canh nguội còn ở dưới bếp kia.
Miên ngẩng đầu nhìn ra ngoài qua hàng nước mắt. Mưa rơi mau đều đều kẻ những đường xiên dầy dặc không gian. Thỉnh thoảng một cơn gió ào tới, những đường xuyên hỗn loạn thành những khoảng trống lớn như vết chân vội vã của một quái vật vô hình lướt qua để lại. Giọt gianh khoan thai hơn, đều dặn hơn, liên tiếp thành từng dòng. Miên cũng cảm thấy lòng mình lắm mâu thuẫn như tạo vật ngày mưa, cũng có cái gì hoang dại đổ xuống thành thác mênh mông chan hòa, cũng có cái gì xao xuyến để lại những vệt trống trong hồn, cũng có cái gì tuần tự và liên tiếp rỏ xuống trái tim tệ dại trống trải bốn bề.
Bóng tối đổ xuống, mưa vẫn rơi đều, âm thanh buồn dằng dặc. Thấp thoáng ánh đèn, ánh đèn đêm mưa khi mờ khi tỏ nhiều khi lấp loáng như bò vào những vũng nước. Miên vẫn ngồi chỗ cũ, nàng như khao khát, như chờ đợi mội cái gì. Một cái gì vẫn gần mình đấy mà sao cách trở sơn khê? 

 

Hết Chương 10. Xem tiếp Chương 11

 

 

 

Tìm Kiếm