NHÀ GIẢ KIM (II)

Phần Hai

1 – Chàng trai đã làm việc cho chủ tiệm pha lê được gần một tháng, và cậu thấy rằng đây không phải là công việc cho cậu niềm vui. Ông chủ lẩm bẩm cả ngày đàng sau quầy hàng, luôn nhắc cậu phải cẩn thận với từng đồ vật và không được để vỡ vật gì.

Tuy vậy cậu vẫn tiếp tục làm vì ông chủ, mặc dù hay cằn nhằn, vẫn đối xử tử tế với cậu. Chàng trai nhận được tiền hoa hồng hậu hĩnh cho mỗi món đồ cậu bán được, và cậu đã có thể để dành. Buổi sáng đó cậu tính nhẩm: nếu cậu cứ tiếp tục làm như thế này thì cậu sẽ cần trọn một năm để mua vài con cừu.

“Cháu muốn đóng một kệ trưng bày hàng pha lê,” chàng trai nói với ông chủ. “Chúng ta đặt nó bên ngoài để thu hút khách đi lại dưới chân đồi.”

“Trước đây tôi đã chẳng bao giờ có nó,” ông chủ trả lời. “Người ta đi ngang qua, nếu va phải sẽ làm bể hết đồ trong đó.”

“Vâng, khi cháu đưa những con cừu qua đồng cỏ, một vài con có thể bị rắn cắn chết, nhưng đó là con đường mà những con cừu và người chăn cừu phải chấp nhận.”

Ông chủ tiệm tiếp ông khách hàng đang mua ba ly thủy tinh. Hàng bán chạy hơn như… trở lại thời ngày xưa, khi con đường còn là một trong những nơi thu hút du khách nhất của Tangier.

“Công việc buôn bán thật sự đã phát triển.” Ông nói với chàng trai sau khi khách hàng đã đi. “Tiền của cho ông đời sống tốt hơn, và chẳng bao lâu nữa cháu sẽ có thể trở về với đàn cừu của cháu. Chúng ta đòi hỏi thêm làm gì?”

“Bởi vì chúng ta phải theo điềm,” cậu lỡ lời, và cậu hối hận về những gì cậu nói, bởi vì ông chủ tiệm đã chẳng bao giờ gặp gỡ ông vua.

“Đó được gọi là nguyên lí thuận lợi, sự may mắn của người mới bắt đầu. Bởi vì đời sống muốn bạn đạt được ‘huyền thoại riêng’ của bạn,” ông vua già đã nói.

Nhưng ông chủ tiệm hiểu những gì chàng trai nói. Sự hiện diện của chàng trai trong tiệm là một điềm, và, khi thời gian qua đi và tiền vào nhiều trong két, ông đã không hối hận vì đã nhận cậu. Chàng trai được trả nhiều hơn bình thường, bởi vì khi nhận cậu, ông tưởng không bán được nhiều hàng nên đã đề nghị trả cho cậu tiền hoa hồng quá cao. Ông phỏng định chẳng bao lâu nữa cậu sẽ về lại với đàn cừu.

“Tại sao cháu lại muốn đến Kim tự tháp?” ông hỏi để tránh nói về chuyện cái kệ trưng bày.

“Bởi vì cháu luôn nghe về chúng,” chàng trai trả lời, không nhắc gì đến giấc mơ. Kho tàng bây giờ không còn là gì cả, chỉ còn là một kỷ niệm đau buồn, và cậu cố gắng tránh nghĩ về nó.

“Ở đây ông không biết có người nào lại muốn vượt sa mạc để chỉ đến xem Kim tự tháp,” ông chủ tiệm nói. “Chúng chỉ là một đống đá. Cháu có thể xây nó trong vườn sau nhà.”

“Chắc là ông chẳng bao giờ ước mơ được đi du hành,” chàng trai nói rồi quay lại tiếp một khách mới vào tiệm.

Hai ngày sau ông chủ nói với chàng trai về kệ trưng bày hàng.

“Ông không thích thay đổi,” ông nói. “cháu và ông đều không thích Hassan, người thương gia giầu có kia. Nếu ông mua lầm hàng, nó không ảnh hưởng nhiều đến ông ấy. Nhưng cả hai chúng ta sẽ phải sống với những sai lầm của chúng ta.”

“Điều đó đúng,” chàng trai nghĩ một cách buồn bã.

“Tại sao cháu nghĩ chúng ta nên có một kệ trưng bầy hàng?”

“Cháu muốn trở về với đàn cừu của cháu sớm hơn. Chúng ta phải tận dụng cơ hội khi sự may mắn đến với chúng ta và làm bao nhiêu có thể để giúp nó như nó giúp chúng ta. Đó được gọi là nguyên lí thuận lợi hay sự may mắn của người mới bắt đầu.”

Ông chủ yên lặng một lúc lâu. Rồi ông nói, “vị Tiên tri của chúng tôi cho chúng tôi sách Koran và để lại cho chúng tôi năm nghĩa vụ để hoàn thành trong cuộc đời. Điều quan trọng nhất là chỉ tin vào một Thiên Chúa thật. Những nghĩa vụ khác là cầu nguyện năm lần một ngày, ăn chay trong mùa Ramadan và bác ái với người nghèo.”

Ông ngừng ở đó. Mắt ông đẫm lệ khi ông nói về vị Tiên Tri của ông. Ông ngoan đạo, và, ngay cả với tính nóng nảy, ông muốn sống theo luật lệ Hồi giáo.

“Điều thứ năm là gì?” chàng trai hỏi.

“Hai ngày trước đây, cháu nói là ông chẳng bao giờ ước mơ du hành,” ông chủ trả lời. “Nghĩa vụ thứ năm của mỗi người theo Hồi giáo là hành hương. Ít nhất một lần trong đời, chúng tôi phải hành hương thành phố thánh Mecca.

“Mecca xa hơn Kim tự tháp nhiều. Khi ông còn trẻ, tất cả những gì ông muốn là gom góp tiền mua tiệm này. Ông nghĩ tới một ngày ông giầu có và ông sẽ hành hương đến Mecca. Ông đã bắt đầu làm ra tiền, nhưng ông đã chẳng dám nhờ ai trông cửa tiệm dùm, vì đồ thủy tinh rất dễ vỡ. Vào thời gian đó, nhiều người hành hương Mecca đi qua trước cửa tiệm ông. Trong số họ có vài người hành hương giầu có, họ hành hương theo đoàn có người phục vụ và lạc đà, nhưng hầu hết khách hành hương khác còn nghèo hơn ông.

“Tất cả những người đến đó đều hạnh phúc vì họ đã chu toàn nghĩa vụ đó. Họ treo biểu tượng hành hương trên cửa nhà. Một người trong số họ, một thợ vá giầy nói rằng ông đã hành hương gần một năm xuyên qua sa mạc, nhưng ông mệt mỏi hơn khi ông phải đi xuyên qua những con đường chật chội của Tangier để mua da.”

“Thế tại sao ông không đi Mecca bây giờ?’ chàng trai hỏi.

“Bởi vì sự suy nghĩ về Mecca giúp ông sống. Đó là cái giúp ông đối diện với những ngày tháng đơn điệu, những vật thủy tinh câm lặng trên kệ, và những bữa ăn ở cùng quán cà phê ghê sợ. Ông sợ khi giấc mơ của ông thành hiện thực, ông sẽ không còn lý do để sống.

“Cháu mơ về đàn cừu và Kim tự tháp, nhưng cháu khác ông, bởi vì cháu muốn thực hiện ước mơ của cháu. Còn ông, ông đã muốn mơ về Mecca. Hàng ngàn lần ông đã tưởng tượng mình băng qua sa mạc, đến quảng trường của hòn đá thánh, đi chung quang bẩy lần trước khi ông cho phép ông được sờ vào hòn đá đó. Ông cũng đã tưởng tượng những người ở bên cạnh ông, những người ở trước mặt ông, và những cuộc nói chuyện, những lời cầu nguyện mà mọi người chia sẻ với nhau. Nhưng ông sợ rằng tất cả sẽ chỉ là một sự thất vọng, nên ông thích mơ về nó hơn.”

Cùng ngày đó, ông chủ tiệm cho phép chàng trai đóng chiếc kệ trưng bày hàng. Mỗi người có một quan niệm về cách thực hiện giấc mơ của mình.

 

2

Hai tháng nữa trôi qua và chiếc kệ trưng bày hàng thu hút nhiều khách hàng vào trong tiệm hơn. Chàng trai ước tính rằng nếu cậu làm việc thêm sáu tháng nữa, cậu có thể trở về Tây ban nha và mua được sáu mươi con cừu, không chừng thêm sáu mươi con nữa. Chưa đầy một năm cậu đã có thể tăng gấp đôi đàn cừu, và có thể làm ăn với người Ả rập, bởi vì bây giờ cậu có thể nói tiếng của họ. Từ buổi sáng hôm ấy trên chợ, cậu đã chẳng cần dùng đến Urim và Thummim, vì Ai cập bây giờ đối với cậu chỉ còn là một giấc mơ xa xôi, cũng giống như Mecca đối với ông chủ tiệm pha lê. Dầu sao chàng trai cũng tìm được niềm vui trong công việc và luôn nghĩ về ngày cậu trở về Tarifa như một người chiến thắng.

“Cháu phải luôn biết cháu muốn gì,” ông vua già đã nói. Chàng trai hiểu và thực hiện nó. Có thể kho tàng của cậu là đến được mảnh đất lạ này, gặp kẻ lừa đảo, tăng đôi đàn cừu mà không phải trả xu nào.

Cậu hãnh diện về mình. Cậu đã học một vài điều quan trọng, như về buôn bán pha lê, như về ngôn ngữ không lời… và về điềm. Một buổi chiều kia, cậu đã gặp một người đàn ông trên đỉnh đồi, ông ta phàn nàn rằng ông không có thể tìm được một chỗ ngồi tử tế để mua chút gì giải khát sau khi trèo con dốc này. Chàng trai đã quen với việc nhận ra điềm, cậu nói chuyện với chủ tiệm.

“Chúng ta hãy bán trà cho những người leo dốc lên đây.”

“Chung quanh đây đã có bao nhiêu chỗ bán trà.” Chủ quán nói.

“Nhưng chúng ta có thể bán trà trong những ly thủy tinh. Khách hàng sẽ thưởng thức trà và còn muốn mua ly nữa. Cháu được dạy rằng cái đẹp quyến rũ con người nhất.”

Ông chủ quán không trả lời, nhưng vào buổi chiều đó, sau khi cầu nguyện và khóa cửa tiệm, ông mời chàng trai cùng ngồi hút thuốc hookah với ông, một loại ống điếu người Ả rập hay dùng.

“Cháu đang muốn điều gì?” ông chủ tiệm hỏi.

“Cháu đã nói với ông. Cháu muốn mua lại đàn cừu, vì thế cháu cần tiền.”

Ông chủ tiệm cho thêm vài cục than vào ống điếu rồi rít một hơi dài.

“Ông đã trông coi cửa hàng này ba mươi năm nay. Ông biết pha lê tốt và pha lê xấu, ông cũng biết những việc liên quan đến pha lê. Ông biết kích thước của nó và cách sử dụng. Nếu chúng ta phục vụ trà trong những ly pha lê, ông biết tiệm sẽ phát triển mạnh. Và chúng ta sẽ phải thay đổi cách sống.”

“Vâng, thế thì có gì là không tốt?”

“Ông đã quen với cách sống này rồi. Trước khi cháu tới, ông đã nghĩ về việc ông đã phí phạm bao nhiêu thời gian ở đây, trong khi bạn bè của ông đã dọn đi, người thất bại, người thành công hơn trước đây nhiều. Nó làm ông buồn. Bây giờ, ông thấy rằng nó không quá tệ. Tiệm bây giờ có tầm cỡ như ông luôn mong muốn. Ông không muốn thay đổi bất cứ điều gì, bởi vì ông không biết phải thích nghi với thay đổi như thế nào. Ông đã quen với cách sống cũ của ông.”

Chàng trai không biết phải nói gì. Ông chủ tiệm tiếp tục, “Cháu đúng là một phước lành cho ông. Hôm nay ông hiểu vài điều mà trước đây ông không nhận thấy: mỗi một phước lành bị từ chối sẽ trở thành mối họa. Ông không còn muốn điều gì nữa trong đời sống. Nhưng cháu thúc dục ông hướng vào sự giầu sang và vào chân trời mà ông chưa bao giờ biết. Bây giờ ông đã nhìn thấy chúng và ông nhìn thấy khả năng bao la của ông, nên ông cảm thấy mình tệ hơn trước đây. Bởi vì ông biết những việc ông có thể hoàn thành nhưng ông lại không muốn thực hiện chúng.”

“May là tôi đã không nói gì với anh bán bánh ở Tarifa,” chàng trai thầm nghĩ.

Họ tiếp tục hút thuốc cho đến khi mặt trời xuống. Họ nói chuyện bằng tiếng Ả rập, và chàng trai hãnh diện vì có thể làm được chuyện đó. Có một thời cậu nghĩ rằng những con cừu của cậu có thể dạy cậu mọi thứ cậu cần để biết về thế giới. Nhưng chúng chẳng bao giờ có thể dạy cậu tiếng Ả rập.

Có lẽ còn nhiều thứ trên thế giới mà đàn cừu không thể dạy tôi, cậu ngẫm nghĩ khi nhìn ông chủ tiệm. Tất cả những gì chúng có thể làm là tìm kiếm đồ ăn và nước uống. Và có lẽ đó không phải cái chúng dạy tôi nhưng chính tôi đã học nơi chúng.

“Maktub,” sau cùng ông chủ tiệm nói.

“Điều đó nghĩ là gì?”

“Cháu phải sinh ra ở Ả rập thì cháu mới hiểu được,” ông trả lời. “Nhưng trong ngôn ngữ của cháu, có thể tạm hiểu như ‘nó đã được viết'”.

Rồi trong khi dập tắt than trong ống điếu, ông bảo chàng trai có thể bán trà trong ly pha lê. Một đôi khi không còn cách nào khác để ngăn lại dòng sông.

3

Những người trèo lên ngọn đồi, mệt nhoài khi họ đến đỉnh đồi. Nhưng đến nơi họ thấy tiệm pha lê trong đó có phục vụ trà bạc hà. Họ vào trong uống trà được phục vụ trong những ly thủy tinh đẹp đẽ.

“Thế mà vợ mình không nghĩ ra,” một người nói, và ông ta mua vài ly pha lê, vì ông mời khách tối nay và họ sẽ trầm trồ về những chiếc ly đẹp đẽ này. Người khác nhận ra trà ngon hơn khi nó được đựng trong ly pha lê, vì nó giữ được mùi thơm. Người thứ ba nói rằng đó là truyền thống của Phương Đông, dùng trà trong ly pha lê vì nó có năng lượng huyền diệu.

Chẳng bao lâu sau tin đồn loan đi và nhiều người cố gắng trèo đồi để xem cửa tiệm đang có nhiều thay đổi mới lạ trong việc buôn bán. Những tiệm khác cũng phục vụ trà trong ly pha lê, nhưng họ không ở đỉnh đồi nên không có nhiều khách.

Sau cùng, ông chủ tiệm thuê thêm hai nhân viên nữa. Ông bắt đầu nhập thêm một số lượng lớn trà, cùng với các ly pha lê, và các ông các bà tìm đến tiệm với lòng khao khát về những cái mới mẻ.

Và như thế, nhiều tháng ngày lại trôi qua.

 

4

Chàng trai thức dậy trước khi mặt trời lên. Đã mười một tháng chín ngày trôi qua, kể từ khi cậu đặt chân lên lục địa Châu Phi.

Cậu mặc bộ áo Ả rập bằng lụa màu trắng mà cậu đã đặc biệt mua cho ngày hôm nay. Cậu trùm khăn lên đầu và chít sợi dây da lạc đà chung quanh. Cậu xỏ chân vào đôi dép mới rồi đi xuống dưới một cách nhẹ nhàng.

Thành phố vẫn đang ngủ. Cậu chuẩn bị cho cậu một miếng bánh mì và uống một ly trà trong ly pha lê. Rồi cậu ngồi nơi ngưỡng cửa đầy ánh sáng, hút thuốc hookah.

Cậu hút thuốc trong thinh lặng, không nghĩ gì và lắng nghe tiếng gió thổi đem đến mùi hương sa mạc. Sau khi hút thuốc, cậu thò tay vào túi lấy ra một gói nhỏ, cậu ngồi đó một lúc lâu, ngắm những gì cậu lấy ra.

Nó là một nắm tiền, đủ để mua một trăm hai mươi con cừu, một vé máy bay và một giâyy phép nhập hàng từ Châu Phi về quê hương của chàng. Cậu kiên nhẫn chờ ông chủ thức dậy, mở cửa tiệm. Rồi hai người đi uống trà.

“Hôm nay cháu sẽ lên đường,” cậu nói. “Cháu có đủ số tiền để mua cừu, và ông có đủ tiền để đi hành hương Mecca.”

Ông chủ tiệm không nói gì.

“Ông có thể chúc lành cho cháu không?” cậu hỏi. “Ông đã giúp cháu.” Ông chủ tiệm tiếp tục pha trà, không nói gì. Rồi ông quay lại phía chàng trai.

“Ông hãnh diện về cháu,” ông nói. “Cháu đã đem đến tiệm pha lê của ông một bầu khí mới. Nhưng cháu biết rằng ông không dự định đi hành hương Mecca. Cũng như cháu biết rằng cháu không dự định mua cừu.”

“Ai nói với ông thế?” cậu hốt hoảng hỏi.

“Maktub”, ông chủ tiệm nói.

Rồi ông ban phúc lành cho chàng trai.

 

5

Chàng trai lên phòng, thu dọn hành lý. Cậu thu đồ đạc vào ba túi. Khi cậu định ra đi, cậu nhìn thấy trong góc phòng chiếc bị chăn cừu cũ của cậu. Nó đã nhăn nhúm và cậu nghĩ về nó một lúc lâu. Vừa khi cậu lấy chiếc áo khoác ra khỏi bị, dự định cho một ai đó trên đường đi, hai hòn đá từ trong bị rơi trên sàn nhà. Urim và Thummim.

Nó nhắc nhở cậu nhớ về ông vua già và sửng sốt vì đã lâu cậu không nghĩ về ông. Gần một năm qua cậu không ngừng làm việc, chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền để dành và chuẩn bị trở về Tây ban nha với sự hãnh diện.

“Đừng bao giờ ngừng ước mơ,” ông vua già đã nói. “Hãy theo những điềm.”

Chàng trai nhặt hai viên Urim và Thummim, và, một lần nữa cậu lại có cảm giác lạ là ông vua già đang ở gần bên cậu. Cậu đã làm việc vất vả một năm qua, và điềm là đã đến thời điểm để đi.

“Tôi đang dự định về lại và làm những gì tôi đã làm khi xưa,” chàng trai nghĩ.

Mặc dù đàn cừu đã không dạy cậu tiếng Ả rập. Nhưng đàn cừu đã dạy cậu những điều quan trọng hơn: có một ngôn ngữ trên thế giới mà mọi người có thể hiểu, một ngôn ngữ mà chàng trai đã dùng trong suốt thời gian chàng cố gắng cải thiện cửa hàng pha lê. Đó là ngôn ngữ của sự phấn khởi, của nỗ lực muốn thực hiện bằng tình yêu và dự định, của sự tìm kiếm những gì mình tin và ước muốn. Tangier không còn là thành phố xa lạ đối với cậu và cậu cảm thấy rằng khi cậu đã có thể chinh phục được mảnh đất này thì cậu cũng có thể chinh phục cả thế giới.

“Khi cháu muốn điều gì, cả vũ trụ sẽ hiệp lực để giúp cháu đạt được điều đó,” ông vua già đã nói.

Nhưng ông vua già đã không nói gì về việc có thể bị cướp hay nói về vùng sa mạc mênh mông hay về những người có những ước mơ mà không muốn thực hiện chúng. Ông vua cũng không bảo cậu rằng Kim tự tháp chỉ là một đống đá hoặc ai cũng có thể xây được trong vườn nhà mình. Và ông ta cũng quên nhắc rằng khi bạn có thể mua được một đàn cừu lớn hơn đàn cừu bạn đã có thì cứ nên mua.

Chàng trai cầm chiếc bị chăn cừu và đặt nó chung với những đồ khác. Cậu xuống thang và gặp chủ tiệm đang tiếp hai khách ngoại quốc, hai khách khác đang uống trà trong ly pha lê và đi lại trong tiệm. Buổi sáng, vào giờ này thường có nhiều việc hơn các giờ khác. Từ chỗ đang đứng, cậu thấy tóc ông chủ tiệm giống như tóc của ông vua già. Cậu nhớ lại nụ cười của người bán kẹo vào ngày đàu tiên khi cậu mới đến Tangier, khi đó cậu không có gì ăn và cũng không biết phải đi đâu – nụ cười đó cũng giống nụ cười của ông vua già.

“Hình như ông đã đến đây và để lại dấu vết”, cậu nghĩ. Nhưng không một ai ở đây đã gặp ông vua già. Ngoài ra ông còn nói rằng ông luôn luôn xuất hiện để giúp đỡ những người đang cố gắng thực hiện ‘huyền thoại riêng’ của mình.

Cậu ra đi không nói lời từ giã ông chủ tiệm. Cậu không muốn khóc trước mặt những người khác đang ở đó. Cậu đang nhớ mảnh đất này và những điều tốt đẹp cậu đã học được. Cậu tin tưởng chính mình hơn, nghĩ và cảm thấy như cậu có thể chinh phục cả thế giới.

“Nhưng tôi đang trở về cánh đồng thân quen mà tôi đã biết, để chăm sóc đàn cừu của tôi.” Cậu nói như chắc chắn với lòng mình, nhưng cậu biết, cậu chưa hài lòng với quyết định của cậu. Cậu đã làm việc cả năm trời để chuẩn bị cho một giấc mơ thành hiện thực, và giấc mơ đó, mỗi một phút, lại trở thành ít quan trọng hơn. Có lẽ nó không phải là giấc mơ thật sự của cậu.

“Ai biết… có lẽ giống như chủ tiệm pha lê lại tốt hơn: chẳng bao giờ đi Mecca, chỉ tiếp tục đi trong đời và làm ra vẻ muốn thực hiện ước mơ đi Mecca,” cậu cố gắng thuyết phục cậu một lần nữa. Nhưng khi cậu cầm hai viên Urim và Thummim trong tay, chúng truyền cho cậu sức mạnh và ý chí của ông vua già. Vì ngẫu nhiên – hay có thể đó là điềm, chàng trai nghĩ – cậu vào trong quán bar ngày xưa cậu đã đến. Gã lừa đảo không có đó, và chủ quán đem cho chàng một ly trà.

“Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể trở lại thành người chăn cừu,” chàng trai nghĩ. “Tôi đã học cách chăm sóc đàn cừu và tôi sẽ không quên được. Nhưng có lẽ tôi sẽ chẳng còn cơ hội nào để đến Kim tự tháp Ai cập. Ông già mang một áo ngực bằng vàng và ông biết về quá khứ của tôi. Thực sự ông là một ông vua, một ông vua khôn ngoan.”

Cậu chỉ cách ngọn đồi Andalusia có hai giờ đi tàu, nhưng giữa cậu và Kim tự tháp là một vùng sa mạc mênh mông. Chàng trai nhận thấy cậu có thể xem xét thực trạng của cậu qua cái nhìn khác; hiện nay cậu đang ở gần kho tàng hơn hai tiếng… thực tế là gần hơn hai tiếng nhưng cậu đã cần cả năm trời để vượt qua được đoạn đường này.

“Tôi biết tại sao tôi muốn trở lại với đàn cừu của tôi,” cậu nghĩ. “Tôi hiểu đàn cừu: chúng không gây vấn đề và chúng là những người bạn tốt. Ngược lại, tôi không biết sa mạc có trở thành bạn của tôi không, nhưng chính sa mạc là nơi tôi phải tìm kiếm kho tàng của mình. Nếu tôi không tìm thấy nó, tôi luôn có thể trở về. Và tôi có đủ tiền và thời giờ. Tại sao không đi?”

Bất ngờ cậu cảm thấy vui. Cậu luôn luôn có thể làm lại nghề chăn cừu. Cậu cũng luôn luôn có thể trở về với nghề pha lê. Có lẽ thế giới còn có những kho tàng giấu ẩn khác, nhưng cậu đã có một giấc mơ và cậu đã gặp ông vua già. Điều đó không phải ai cũng có được.

Khi cậu rời quán bar, cậu dự định kế hoạch trong đầu. Cậu nhớ lại một người cung cấp hàng cho tiệm pha lê chuyên chở hàng pha lê của ông qua sa mạc nhờ phương tiện của đoàn lữ hành. Cậu cầm hai viên đá Urim và Thummim trong tay, bởi vì nhờ hai viên đá này cậu đã trở lại con đường tìm kiếm kho tàng.

“Tôi luôn ở bên cạnh, khi người nào đó muốn thực hiện ‘huyền thoại riêng’ của mình,” ông vua già đã nói với cậu.

Vậy thì mất gì mà không đến nhà kho của người cung cấp hàng hóa và thăm dò xem Kim tự tháp thật sự có xa như thế không.

6

Anh chàng người Anh ngồi trên ghế dài trong một khu nhà nồng mùi thú vật, mồ hôi và bụi bặm; một phần nó là nhà kho, phần khác là chuồng nhốt súc vật. “Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình lại kết thúc ở một nơi giống như thế này,” anh nghĩ trong lúc lần giở tờ báo về hóa học. “Mười năm trong đại học và bây giờ tôi ở trong chuồng súc vật.”

Nhưng anh phải tiến về phia trước. Anh phải tin vào điềm. Cả đời và tất cả sự nghiên cứu của anh đều nhắm tới mục đích tìm kiếm một ngôn ngữ thật của vũ trụ. Trước hết anh nghiên cứu tiếng Esperanto, rồi đến các tôn giáo trên thế giới và bây giờ là thuật giả kim. Anh đã biết nói tiếng Esperanto, đã thấu hiểu các tôn giáo chính, nhưng anh vẫn chưa là một nhà giả kim. Anh đã làm sáng tỏ được sự thật đàng sau nhiều vấn nạn quan trọng, nhưng sự nghiên cứu đã đưa anh đến một điểm mà dường như anh không đi thêm được nữa. Anh đã hoài công tìm quan hệ với một nhà giả kim. Nhưng những nhà giả kim là những người lạ lùng, họ chỉ nghĩ về mình và không muốn giúp đỡ anh ta. Ai biết đâu đấy, có lẽ họ đã khám phá ra bí mật của ‘công trình chủ’, và vì thế họ giữ sự hiểu biết này cho riêng mình.

Anh đã tiêu hầu hết số tài sản cha anh để lại vào việc tìm kiếm vô vọng ‘viên đá triết học’. Anh đã dành một số lớn thời gian trong các thư viện lớn của thế giới và đã mua nhiều tác phẩm hiếm và quan trọng về thuật giả kim. Một lần anh đã đọc được rằng nhiều năm trước đây một nhà giả kim nổi tiếng của Ả rập đã thăm viếng châu Âu. Người ta kể rằng ông sống hơn hai trăm tuổi, và đã khám phá ra ‘viên đá triết học’ và thuốc trường sinh. Chàng người Anh bị cảm kích bởi câu chuyện. Nhưng anh luôn nghĩ nó chỉ là huyền thoại, cho đến khi một người bạn, sau một chuyến khảo cổ trong sa mạc, đã kể cho anh ta về một người Ả rập có khả năng phi thường.

“Ông ta sống ở ốc đảo Al-Fayoum,” bạn anh ta kể. “Ông ta đã hai trăm tuổi và có khả năng biến mọi kim loại thành vàng.”

Chàng người Anh quá háo hức. Anh bỏ tất cả công việc, thu thập những sách quan trọng nhất, và bây giờ anh ngồi đây, trong một kho chứa đồ bẩn thỉu và hôi hám này. Ngoài kia, một đoàn lữ hành đang chuẩn bị băng qua sa mạc Sahara và theo chương trình sẽ đi qua Al-Fayoum.

“Tôi đang muốn tìm gặp nhà giả kim này,” chàng người Anh nghĩ. Và mùi thú vật trở thành dễ chịu hơn.

Một chàng thanh niên Ả rập xếp hành lý xuống, bước vào và chào chàng người Anh.

“Anh đi đâu đấy? chàng trai Ả rập hỏi.

“Tôi đang định vào sa mạc,” chàng người Anh trả lời và lại tiếp tục đọc. Lúc đó anh không muốn nói chuyện. Những gì anh cần làm là ôn lại những gì anh đã học, vì nhà giả kim chắc chắn sẽ kiểm tra anh.

Chàng trai Ả rập lấy ra cuốn sách và đọc. Cuốn sách bằng tiếng Tây ban nha. “May phước,” chàng người Anh nghĩ. Anh giỏi tiếng Tây ban nha hơn tiếng Ả rập và nếu cậu kia cùng đi tới Al-Fayoum, anh sẽ có người để nói chuyện trong lúc nhàn rỗi.

7

“Thật lạ,” chàng trai nói khi đọc lại cảnh đám tang được tả trong phần đầu cuốn sách. “Từ hai năm qua tôi đã cố gắng đọc cuốn sách này và tôi chẳng bao giờ đọc xong những trang đầu tiên này.” Ngay cả không có ông vua nào cắt ngang, cậu vẫn không tập trung được.

Chàng trai vẫn còn nghi ngờ về quyết định của mình. Nhưng cậu hiểu một điều: quyết định mới chỉ là khởi đầu của sự việc. Khi một người quyết định, họ thật sự nhẩy vào một dòng xoáy mãnh liệt mà nó sẽ đem họ đến một nơi họ chẳng bao giờ nghĩ tới khi họ làm quyết định đó.

“Khi tôi quyết định đi tìm kiếm kho tàng, tôi chẳng bao giờ tưởng tượng rằng tôi sẽ làm việc trong một tiệm pha lê,” chàng trai nghĩ. “Và tham gia đoàn lữ hành này là quyết định của tôi, nhưng nó sẽ đưa tôi đi đâu, điều đó vẫn là một bí ẩn đối với tôi.”

Gần đó chàng trai người Anh vẫn đọc sách. Dường như anh không thân thiện lắm và đã sửng sốt khi chàng trai bước vào. Lẽ ra họ có thể làm bạn với nhau, nhưng chàng người Anh đã chấm dứt cuộc đối thoại.

Chàng thanh niên đóng sách lại. Cậu cảm thấy cậu không muốn làm bất cứ điều gì, những điều làm cậu giống chàng người Anh kia. Cậu lấy vai viên đá Urim và Thummim trong túi ra chơi.

“Urim và Thummim,” chàng người Anh kêu lớn.

Chàng thanh niên vội nhét hai viên đá vào trong túi.

“Không bán đâu,” cậu nói.

“Chúng không có giá lắm đâu,” chàng người Anh trả lời. “Chúng được kết thành từ đá thủy tinh, và có hàng triệu đá thủy tinh trên mặt đất này. Nhưng những ai biết về chúng, cũng biết chúng là Urim và Thummim. Tôi không biết rằng ở vùng này cũng có chúng.

“Tôi được một ông vua tặng,” chàng trai trả lời.

Chàng trai lạ không trả lời, thay vào đó, anh ta thò tay vào túi và móc ra hai viên đá giống hệt như của chàng trai.

“Anh nói về một ông vua?” anh ta hỏi.

“Tôi đoán anh sẽ không tin rằng một ông vua lại nói chuyện với tôi, một chàng chăn cừu,” chàng trai nói, muốn chấm dứt câu chuyện.

“Không phải vậy. Chính những nguời chăn cừu là những người đầu tiên nhận ra vị vua mà những người khác trong thế giới từ chối nhận ra ngài. Vì thế không ngạc nhiên gì khi các ông vua nói chuyện với người chăn cừu.”

Và anh ta tiếp tục như sợ chàng trai không hiểu những gì anh nói, “điều đó được kể lại ở trong Kinh Thánh. Cuốn sách đó cũng đã dạy tôi về Urim và Thummim. Những viên đá này là hình thức Chúa cho phép để chiêm đoán. Các tư tế mang nó trong chiếc áo ngực bằng vàng.”

Bất ngờ chàng trai cảm thấy may mắn vì đã đến nhà kho này.

“Có lẽ đây là một điềm,” chàng trai người Anh nói lớn tiếng.

“Ai đã bảo anh về điềm?” càng lúc sự quan tâm của cậu càng lớn hơn.

“Mọi sự trong đời là điềm,” chàng trai người Anh nói và bây giờ anh ta mới bắt đầu gấp tờ báo anh đang đọc lại. “Vũ trụ chỉ có một ngôn ngữ, một ngôn ngữ mọi người đều hiểu, nhưng đã bị quên lãng. Tôi đang tìm kiếm ngôn ngữ của vũ trụ này. Đó là lý do tại sao tôi đến đây. Tôi phải tìm ra một người biết ngôn ngữ của vũ trụ đó. Ông ta là một nhà giả kim.”

Câu chuyện của họ bị đứt quãng vì ông chủ nhà kho.

“Các anh thật may mắn, cả hai anh,” ông Ả rập mập nói. “Một đoàn lữ hành sẽ đi Al-Fayoum hôm nay.”

“Nhưng tôi đi Ai cập mà,” chàng trai nói.

“Al-Fayoum thuộc về Ai cập,” ông nói. “Anh là Ả rập nào?”

“Đó là một điềm tốt,” chàng người Anh nói sau khi ông Ả rập béo đã đi. “Nếu có thể, tôi sẽ viết một cuốn bách khoa tự điển dầy chỉ về hai chữ may mắn và trùng hợp ngẫu nhiên. Ngôn ngữ của vũ trụ được viết bằng hai từ này.”

Anh nói với chàng trai rằng không phải vì trùng hợp ngẫu nhiên mà anh đã gặp cậu với Urim và Thummim trong tay. Và anh hỏi chàng trai, có phải cả cậu nữa cũng đi tìm nhà giả kim không.

“Tôi đi tìm kho tàng,” chàng trai nói, sau đó hối hận vì đã nói ra. Nhưng chàng trai người Anh dường như không để ý đến điều đó.

“Một cách nào đó, tôi cũng vậy,” anh ta nói.

“Thật ra tôi chẳng hiểu thuật giả kim là gì,” chàng trai nói, và ông chủ nhà kho gọi họ ra bên ngoài.

 

8

“Tôi là trưởng đoàn lữ hành,” một ông mắt đen, râu dài nói. “Tôi chịu trách nhiệm về việc sống chết của từng người theo tôi. Sa mạc là một người đàn bà có tính khí thất thường và một đôi khi bà làm chúng ta điên lên được.”

Có khoảng hai trăm người có mặt ở đó và bốn trăm thú vật – lạc đà, ngựa, la và gia súc. Trong đám đông có đàn bà, trẻ em, và một số các ông có kiếm dắt lưng và súng khoác trên vai. Chàng trai người Anh mang theo nhiều hòm sách. Tiếng nói quá ồn ào, đến nỗi người trưởng đoàn phải lập lại nhiều lần cho mọi người hiểu ông ta muốn nói gì.

Những người ở đây rất khác nhau, và mỗi người tôn thờ Thiên Chúa của mình. Đối với riêng tôi, tôi chỉ phục vụ một Chúa duy nhất là Allah, và nhân danh ngài tôi thề rằng tôi sẽ làm hết sức để, một lần nữa, chúng ta chiến thắng sa mạc. Nhưng tôi muốn mỗi người và mọi người trong đoàn thề với Chúa của mình rằng mọi người sẽ theo tôi vô điều kiện. Trong sa mạc, không vâng lời là chết.”

Tiếng rì rầm cất lên trong đám đông. Mỗi người yên lặng thề với Chúa của mình. Chàng trai thề với Chúa Giê su Ki tô. Chàng người Anh không nói gì. Và tiếng thì thầm kéo dài hơn một lời thề bình thường. Đoàn người cũng cầu xin trời che chở.

Tiếng tù và vang lên, mỗi người trèo lên lưng vật. Chàng trai và chàng người Anh đã mua lạc đà và trèo lên lưng nó một cách ngượng ngập. Chàng trai tội nghiệp cho con lạc đà của chàng người Anh vì những hòm sách chất đầy trên lưng nó.

“Không có gì là trùng hợp ngẫu nhiên,” chàng trai người Anh nói như muốn tiếp tục câu chuyện bị đứt quãng trong nhà kho. “Tôi đến đây vì một người bạn của tôi đã nghe về một người Ả rập, ông ta…”

Nhưng đoàn lữ hành đã bắt đầu lên đường, nên chàng trai không còn nghe được những gì chàng trai người Anh nói. Chàng trai biết những gì anh ta muốn diễn tả, dường như là: một chuỗi bí ẩn liên kết sự kiện này với sự kiện khác; chuỗi đó cũng tạo cho cậu trở thành chàng chăn cừu, tạo cho chàng những giấc mơ và đem chàng đến một thành phố gần châu Phi, để gặp một ông vua, để bị lừa đảo và rồi gặp một chủ tiệm pha lê, và…

“Một người càng gần thực hiện được ‘huyền thoại riêng’ của mình, ‘huyền thoại riêng’ đó lại trở thành nguyên do thực sự để họ sống,” chàng trai nghĩ.

9

Đoàn lữ hành tiến về hướng đông. Họ lên đường vào buổi sáng, dừng chân khi mặt trời nóng nhất và lại tiếp tục đi vào buổi chiều. Chàng trai nói rất ít với chàng thanh niên người Anh vì hầu như anh luôn luôn bận rộn với sách vở.

Trong thinh lặng, chàng trai quan sát diễn biến của đoàn người và vật qua sa mạc. Bây giờ mọi sự đã hoàn toàn khác hẳn so với ngày khởi hành: Hôm đó là sự ồn ào và la hét, là tiếng khóc của trẻ thơ và tiếng kêu của thú vật, tất cả hòa với lời ra lệnh hốt hoảng của trưởng đoàn và các thương gia. Nhưng bây giờ trong sa mạc chỉ còn tiếng gió thổi liên tục và tiếng bước chân của thú vật. Ngay cả trưởng đoàn cũng nói rất ít với người khác.

“Tôi đã băng ngang dải cát này nhiều lần,” một người phu lạc đà nói. “Nhưng sa mạc quá lớn lao và chân trời xa tắp đến nỗi nó làm con người cảm thấy nhỏ bé và phải nín lặng.”

Chàng trai hiểu bằng trực giác những gì người phu lạc đà nói, ngay cả mặc dù cậu chưa bao giờ đặt chân lên sa mạc. Mỗi khi nhìn biển hay nhìn lửa, cậu lặng người vì bị cảm kích bởi sức mạnh nguyên sơ của nó.

“Tôi đã học nhiều điều từ những con cừu và tôi đã học nhiều điều từ pha lê,” cậu nghĩ. “Tôi còn có thể học một vài điều từ sa mạc nữa. Sa mạc dường như lão luyện và khôn ngoan.”

Gió chẳng bao giờ ngừng. Chàng trai nhớ lại cơn gió này đã thổi trên mặt cậu khi cậu ngồi ở cảng Tarifa. Cậu cũng nhớ về lông cừu… những con cừu của cậu bây giờ đang tìm kiếm đồ ăn và nước uống trong cánh đồng Andalusia như chúng đã luôn luôn làm.

“Chúng không còn là cừu của tôi nữa,” chàng tự nghĩ và không thấy nuối tiếc. “Chúng phải quen với chủ mới, và có lẽ đã quên cậu. Thế thì tốt. Những tạo vật giống như đàn cừu, khi đã quen với du hành, phải biết tiếp tục đi.

Cậu nghĩ về người con gái của ông thương gia và hầu như chắc rằng cô ta đã lấy chồng. Có thể cô ta lấy ông thợ bánh mì hay chàng chăn cừu, người biết đọc và có thể kể những câu chuyện hay – có lẽ chàng không phải là người duy nhất có thể làm được việc đó. Nhưng cậu thích thú về khả năng trực giác hiểu biết của người phu lạc đà: có lẽ anh ấy đã học được ngôn ngữ của vũ trụ để có thể giao dịch với quá khứ và hiện tại của tất cả mọi người. “Linh cảm”, mẹ cậu đã gọi chúng như thế. Cậu chợt hiểu rằng trực giác thật sự là sự nhận chìm đột ngột của linh hồn vào trong dòng chẩy vũ trụ của đời sống, nơi các lịch sử của tất cả mọi người được liên kết, và chúng ta có khả năng biết mọi sự, bởi vì chúng đã được viết, được định sẵn trong đó.

“Maktub”, chàng trai nói, nhớ lại lời của ông chủ tiệm bán pha lê.

Sa mạc đầy cát trong dải này, và lại đầy đá ở chỗ kia. Khi đoàn lữ hành gặp những tảng đá lớn, họ phải đi vòng quanh nó, khi gặp một vùng đầy đá, họ phải rẽ hướng khác. Khi cát quá mịn làm lún chân lạc đà, họ phải tìm một đường đi có cát vững hơn. Một vài nơi, mặt đất là muối của những ao hồ đã khô cạn. Những con vật giở chứng ở những nơi như thế và người phu lạc đà phải rỡ hàng xuống, tự vác hàng hóa đi qua nơi hiểm trở đó rồi mới lại chất hàng lên lưng lạc đà. Nếu trưởng đoàn bị bệnh hay bị chết, các người phu lạc đà sẽ bốc thăm chọn người trưởng đoàn mới.

Nhưng tất cả những điều này xẩy ra chỉ vì một lý do đơn giản: dù bao nhiêu lần phải đi vòng quanh hay phải điều chỉnh hướng đi, đoàn lữ hành vẫn hướng về mục tiêu đã định. Khi những trở ngại đã được vượt qua, đoàn lữ hành lại trở về con đường của mình, nhìn các vì sao lấy hướng đi tìm về ốc đảo. Khi họ thấy những vì sao chiếu trên bầu trời ban sáng, họ biết họ đang đi đúng hướng về phía có nước, cây dừa, nơi trú ẩn và có con người. Chỉ có chàng trai người Anh là không quan tâm về điều đó, một phần lớn anh dành để đọc sách.

Chàng trai cũng vậy, chàng có cuốn sách và cố gắng đọc trong những ngày đầu tiên của cuộc lữ hành. Nhưng cậu thích thú hơn khi quan sát đoàn lữ hành và lắng nghe gió thổi. Khi đã quen con lạc đà và thân thiện với nó, cậu quẳng cuốn sách đi. Mặc dù cậu mê tín rằng mỗi khi mở sách ra một cách tình cờ, cậu sẽ học được một điều quan trọng, nhưng bây giờ cậu xác định nó chỉ là một gánh nặng vô ích.

Chàng trai thân thiện với người phu lạc đà đi bên cạnh cậu. Ban đêm khi họ ngồi bên đống lửa, cậu kể cho phu lạc đà về những cuộc phiêu lưu của cậu khi còn là người chăn cừu.

Trong một cuộc trò chuyện như vậy, phu lạc đà đã kể cho cậu về cuộc đời của ông.

“Tôi đã sống gần El Cairum,” ông kể. “Tôi có một vườn trái cây, những đứa con và một đời sống sẽ chẳng thay đổi, trừ khi tôi chết. Một năm nọ, khi mùa gặt hái được mùa trôi qua, tất cả chúng tôi đi Mecca và tôi hài lòng vì đã hoàn thành một nhiệm vụ duy nhất còn lại trong đời. Tôi có thể chết trong hạnh phúc và điều đó làm tôi cảm thấy hạnh phúc.

“Một ngày kia mặt đất chuyển mình và dòng nước sông Nil tràn qua bờ. Đó là điều mà tôi tưởng chỉ xẩy ra cho người khác, chứ không bao giờ cho tôi. Những người láng giềng sợ những cây ô liu thiệt hại trong dòng nước và vợ tôi sợ những đứa con có thể  thiệt mạng. Tôi nghĩ rằng mọi thứ tôi có sẽ bị phá hủy.

“Đất thành trơ trụi và tôi phải tìm cách khác để sống. Vì thế mà bây giờ tôi trở thành phu lạc đà. Nhưng thảm họa dạy tôi hiểu lời của Allah: con người không cần phải lo lắng về những cái chưa đến vì họ có khả năng đạt được những cái họ cần và muốn.

“Chúng ta lo lắng mất đi cái chúng ta có, có thể nó là mạng sống mình hay vật sở hữu hoặc tài sản của chúng ta. Nhưng sự sợ hãi này sẽ qua đi khi chúng ta hiểu rằng câu chuyện đời sống của chúng ta và lịch sử của thế giới đã được viết bởi cùng một bàn tay.”

 

10

Một đôi khi đoàn lữ hành gặp một đoàn lữ hành khác. Đoàn này luôn luôn có cái mà đoàn kia cần – như tất cả đã được viết bởi một bàn tay. Khi ngồi chung quanh đống lửa, những người phu lạc đà trao đổi thông tin về bão cát hay kể chuyện về sa mạc. Một lần khác, một cách bí ẩn, những người che mặt xuất hiện: họ là những Bedouins, người quan sát dọc theo lộ trình của đoàn lữ hành. Họ cảnh báo về bọn cướp và các bộ lạc hung dữ. Họ đến trong lặng lẽ và ra đi cũng vậy. Họ mặc y phục màu đen chỉ chừa ra hai con mắt. Một đêm kia, người phu lạc đà đến bên đống lửa chỗ chàng người Anh và chàng thanh niên đang ngồi. “Có tin đồn về chiến tranh giữa các bộ lạc,” ông ấy nói.

Ba người yên lặng. Chàng trai cảm thấy một bầu khí lo sợ, ngay cả chẳng ai nói ra điều gì. Một lần nữa cậu cảm nhận ngôn ngữ không lời… ngôn ngữ của vũ trụ.

Chàng thanh niên người Anh hỏi liệu chiến tranh có nguy hiểm không.

“Một khi anh đã vào sa mạc thì không còn con đường quay về.” Người phu lạc đà nói. “Và khi anh không còn có thể quay về, anh chỉ còn có thể lo tìm ra cách tốt nhất để tiến về phía trước. Phần còn lại tùy thuộc vào Allah, kể cả sự nguy hiểm.”

Và ông ta kết thúc bằng chữ bí ẩn: “Maktub”.

“Bạn phải quan sát đoàn lữ hành kỹ hơn,” chàng trai nói với chàng người Anh, sau khi người phu lạc đà đã đi. “Chúng nhiều lần đi vòng vòng, nhưng chúng luôn luôn nhắm mục tiêu.”

“Và anh phải đọc nhiều về thế giới,” chàng người Anh trả lời. “Về phương diện này, sách giống như đoàn lữ hành.”

Đoàn đông đảo người và vật đi nhanh hơn. Ban ngày thường im lặng, nhưng bây giờ, ngay cả vào ban đêm – khi những người lữ hành thường ngồi quanh đống lửa –  cũng trở thành lặng thinh. Và một ngày nọ, trưởng đoàn quyết định không còn nhúm lửa để tránh bị chú ý.

Những người lữ hành đồng ý bố trí cho thú vật quây thành vòng tròn vào ban đêm, còn họ ngủ chung với nhau ở giữa chống lại cái lạnh ban đêm. Trưởng đoàn còn đặt người mang vũ khí gác vòng ngoài.

Một đêm khia, chàng người Anh không ngủ được. Anh gọi chàng trai và họ đi dạo dọc theo những cồn cát chung quanh trại. Đêm đó trăng tròn và chàng trai kể cho anh chàng người Anh câu chuyện đời mình.

Anh chàng người Anh thích thú về tiến trình thành công trong tiệm pha lê khi chàng trai làm việc ở đó.

“Đó là nguyên lí điều hành mọi sự,” chàng người Anh nói. “Trong thuật giả kim, nó được gọi là linh hồn của thế giới. Khi anh muốn một sự gì với tất cả tấm lòng, khi đó anh gần với linh hồn của thế giới. Nó luôn luôn là một sức mạnh tích cực.

“Anh ta nói rằng không phải chỉ có con người, nhưng mọi sự trên mặt đất này đều có linh hồn, ngay cả khoáng vật, cây cối hay thú vật – hay ngay cả một tư tưởng đơn giản.”

“Mọi sự trên mặt đất không ngừng biến hóa, bởi vì địa cầu sống động… và nó có linh hồn. Chúng ta là một phần của linh hồn đó, vì thế hiếm khi chúng ta  nhận ra rằng nó làm việc cho chúng ta. Nhưng trong tiệm pha lê, có lẽ anh cũng nhận thấy rằng ngay cả những ly thủy tinh cũng cộng tác trong sự thành công của anh.”

Chàng trai nghĩ về chuyện đó, trong khi chàng ngắm trăng và dải cát trắng. “Tôi đã nhìn đoàn lữ hành vượt qua sa mạc,” cậu nói. “Đoàn lữ hành và sa mạc nói cùng một ngôn ngữ, và đó là lý do tại sao sa mạc lại cho đoàn băng ngang nó. Từng bước đi của đòan lữ hành phải được theo dõi, nếu nó đúng giờ, chúng ta sẽ đến được ốc đảo.”

Họ đứng đó, ngước nhìn mặt trăng.

“Đó là ma thuật của điềm,” chàng trai nói. “Tôi đã nhìn thấy trưởng đoàn nhận ra dấu hiệu của sa mạc như thế nào, và cách linh hồn của đoàn lữ hành nói chuyện với linh hồn của sa mạc.”

“Tôi phải quan tâm đến đoàn lữ hành hơn,” chàng người Anh nói.

“Và tốt hơn tôi phải đọc sách của anh,” chàng trai nói.

11

Chúng là những quyển sách kỳ lạ. Chúng viết về thủy ngân, muối, con rồng và vua chúa, và cậu không hiểu gì cả. Nhưng một tư tưởng dường như lập lại xuyên qua mọi cuốn sách: Tất cả mọi sự đều diễn tả về một tổng thể lớn lao duy nhất.

Trong một cuốn sách, cậu đã đọc rằng bản văn quan trọng nhất trong tài liệu của thuật giả kim chỉ cô đọng trong vài dòng và được khắc trên mặt đá ngọc bích.

“Đó là bảng ngọc bích,” chàng người Anh hãnh diện vì đã dạy cho chàng trai được một điều gì đó.

“Thế thì tại sao chúng ta lại cần tất cả những sách này?” chàng trai hỏi.

“Để chúng ta hiểu những dòng này,” chàng người Anh trả lời, nhưng tỏ vẻ không tin lắm vào những gì anh ta nói.

Cuốn sách chàng trai thích nhất kể về các nhà giả kim nổi tiếng. Họ là những người đã cống hiến cả đời để thanh lọc kim loại trong phòng thí nghiệm: họ tin rằng nếu kim lọa được nung nóng trong nhiều năm, tính chất riêng của chúng sẽ tự biến đi và những gì còn lại sẽ là linh hồn của thế giới. Linh hồn của thế giới này sẽ cho phép nhà giả kim hiểu mọi sự trên trái đất, bởi vì nó là ngôn ngữ có thể liên kết mọi vật với nhau. Sự khám phá này được gọi là ‘công trình chủ’ (10) – chúng gồm một phần lỏng và một phần rắn.

“Anh không thể quan sát con người và điềm để hiểu ngôn ngữ này sao?” chàng trai hỏi.

“Anh chỉ đơn giản hóa mọi vấn đề,” chàng người Anh bực tức trả lời. “Thuật giả kim là một môn học nghiêm chỉnh. Mỗi một bước phải tuân theo sự hướng dẫn của thầy dạy một cách chính xác.”

Chàng trai được học rằng phần lỏng của ‘công trình chủ’ được gọi là thuốc trường sinh, và nó chữa mọi bệnh tật, nó cũng giúp nhà giả kim không bị già đi. Và phần rắn được gọi là ‘viên đá triết học.’

“Không dễ tìm ra ‘viên đá triết học’,” chàng người Anh nói. “Các nhà giả kim đã kiên trì nhiều năm trong phòng thí nghiệm, quan sát ngọn lửa tinh luyện kim loại. Họ nhìn ngọn lửa một thời gian dài đến nỗi dần dần tính kiêu ngạo của thế giới trong họ tan biến đi. Họ khám phá ra rằng sự tinh luyện kim loại dẫn họ đến sự tinh luyện chính họ.”

Chàng trai nghĩ về chủ tiệm pha lê. Ông đã nói rằng việc lau chùi thủy tinh là một việc cần thiết cho cậu, qua đó cậu có thể giải thoát mình khỏi những tư tưởng tiêu cực. Chàng trai càng ngày càng tin chắc rằng thuật giả kim có thể học được trong cuộc sống hàng ngày.

“Như vậy,” chàng người Anh nói, “‘đá triết học’ có một tính chất độc đáo. Một miếng nhỏ của đá có thể biến đổi một số lượng lớn kim loại thành vàng.”

Nghe thế, chàng trai lại càng say mê thêm về thuật giả kim. Cậu nghĩ, với một chút kiên nhẫn, cậu có thể biến mọi thứ thành vàng. Cậu đọc về đời sống của nhiều người đã thành công trong việc này: Helvétius, Elias, Fulcanelli và Geber. Đó là những chuyện hấp dẫn: mỗi người trong họ đã sống ‘huyền thoại riêng’ của họ đến tận cùng. Họ du hành, gặp gỡ những người thông thái, làm phép lạ cho những người hoài nghi, và làm chủ ‘đá triết học’ và thuốc trường sinh.

Nhưng khi chàng trai thăm dò xem phải học để đạt được ‘công trình chủ’ bằng cách nào, cậu cảm thấy bất lực. Con đường dẫn đến ‘công trình chủ’ chỉ  có những bảng vẽ, những chỉ dẫn bằng mật mã và những văn bản bí ẩn.

Chú thích:

(8) Điềm dịch từ chữ omen: dấu hiệu, điềm báo. Tác giả cắt nghĩa điềm là một ngôn ngữ cá nhân, qua đó Thiên Chúa nói riêng với từng người, nói trực tiếp qua trái tim để mỗi người theo đuổi và đạt được ‘huyền thoại riêng’ của họ. Xem thêm phần phỏng vấn.

(9) Tangier: thành phố ở miền bắc Maroc, có khoảng 700.000 dân. Nó nằm bên bờ biển Bắc Phi, ở eo biển nơi Địa Trung Hải gặp Đại Tây Dương.

(10) Mục đích của nhà giả kim là muốn tìm ra ‘công trình chủ’ gồm hai phần: ‘viên đá triết học’ là chất xúc tác, giúp biến đổi các kim loại thành vàng và ‘thuốc trường sinh’.

Trở Về

Tìm Kiếm