NHA TRANG CÓ MỘT VỊ BỒ TÁT

Nguyễn Gia Nùng

Đó là nhà bác học Alexandre Yersin mà người dân Nha Trang – Khánh Hòa quen gọi bằng một cái tên trìu mến, kính trọng: Ông Năm.

INK.298Ông Năm Yersin sinh ngày 22-9- 1863 tại làng Lavaux – tổng Vand – Thụy Sĩ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược – Paris với luận văn nổi tiếng về bệnh lao, ông vào làm việc ở Viện Pasteur Paris, được Pasteur rất quý mến. Trong thời gian này ông xin gia nhập quốc tịch Pháp. Nhưng chưa đầy hai năm, trước sự ngạc nhiên hết sức của bạn bè và ngay cả với Pasteur, Yersin đột ngột ra đi, nhận làm bác sĩ trên một con tàu viễn dương, đến với nhiều nơi trên thế giới để rồi cuối cùng chọn Nha Trang – Việt Nam làm nơi sống và hoạt động khoa học suốt hơn 50 năm cuộc đời mình, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn còn dặn các cộng sự chôn mình trên một ngôi đồi ở Suối Dầu, cách Nha Trang hơn 20km, nơi ông dùng làm trại chăn nuôi ngựa sản xuất vắcxin cho viện Pasteur Nha Trang.

Là một con người kín đáo, Yersin không nói gì về mình, ngay cả tiểu sử cuộc đời ông cho đến khi ông qua đời, những cộng sự của ông qua nghiên cứu hồ sơ để lại mới được biết. Nghiên cứu về cuộc đời và những hoạt động khoa học của ông, chúng ta không khỏi kinh ngạc về sức làm việc và những công trình to lớn ông để lại cho nhân loại. Là một người ưa hoạt động, với trí thông minh tuyệt vời và với phương châm “khi người ta còn trẻ thì không có điều gì là không thể” ông đã có những thành tựu đặc biệt xuất sắc trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Người đầu tiên tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch và điều chế vắcxin phòng chống bệnh cứu sống cho hàng triệu người trên thế giới. Người sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường đại học Y khoa Đông Dương. Người đầu tiên đưa cây cao su vào trồng thí nghiệm thành công ở Việt Nam. Người phát hiện và đề nghị xây dựng thành phố du lịch Đà Lạt. Người lập ra Viện Pasteur Nha Trang và hệ thống nghiên cứu thú y trên toàn Đông Dương. Người ghi chép những số liệu khí tượng đầu tiên của Việt Nam. Với một con người, chỉ cần có một trong những công trình trên đây đã có thể được tôn vinh là một con người vĩ đại. Với Yersin tất cả đều là bình thường. Hơn thế nữa, ngoài những đóng góp khoa học, ông còn là một nhà nhân văn lớn. Trong suốt cuộc đời mình, ngoài việc khám phá không mệt mỏi để mang lại sức khỏe, niềm vui cho con người, ông luôn cứu giúp những người nghèo, những trẻ em bị bệnh tật mà không nhận bất cứ sự đền đáp nào. Tiền bạc dành dụm được ông đều dồn cho các công trình khoa học, xây dựng cơ sở vật chất, cứu giúp người nghèo còn bản thân chi phí rất tằn tiện, ăn uống đạm bạc, quanh năm chỉ mặc bộ đồ kaki giản dị, không là ủi. Có lần ông viết thư cho mẹ sau khi bất lực không cứu nổi một bệnh nhân nhỏ tuổi do không đủ chi phí: “Con có cảm giác mình cũng không hơn gì kẻ cướp khi nói với người ta hoặc là nộp túi tiền hoặc là sinh mệnh”. Khi người Pháp mở đường sắt Bắc Nam do địa hình phức tạp phải trải qua nhiều rừng núi, nhiều người phu làm đến chết vì đói rét, bệnh tật, ông đã cùng với cộng sự của mình đi dọc theo tuyến đường để cứu chữa cho người bệnh. Những ca nặng ông cho gửi về Nha Trang để tiếp tục cứu chữa. Nhiều người được ông cứu sống, sau đó còn giúp cho họ có việc làm, xây dựng cuộc sống. Nhiều người coi ông như cha đẻ của mình. Căn nhà lầu kiên cố, nơi ở và làm việc của ông nơi cửa sông Xóm Cồn – Nha Trang cũng là nơi tránh bão cho ngư dân khi có bão gió. Trên tầng thượng ngôi nhà này có đặt kính thiên văn, cột đo mức nước biển, có trụ cao treo những chiếc bồ lớn màu trắng hay màu đen, báo hiệu khi có bão cho ngư dân. Có lần một chiếc thuyền lớn của ngư dân nhờ những dấu hiệu báo bão của ông đã được cứu thoát khỏi trận bão. Người dân đã làm mô hình chiếc thuyền này để biếu ông, tỏ lòng biết ơn. Nay mô hình chiếc thuyền vẫn được lưu giữ nơi bảo tàng Yersin ở Nha Trang.

Ông mất ngày 1-3-1943, thọ 80 tuổi. Một ngày trước khi mất, từ lan can ngôi nhà ở Xóm Cồn, ông vẫn đo mực nước biển. Trong di chúc để lại, ông dặn dò những cộng sự hãy chôn cất ông theo nghi lễ đơn giản nhất, không điếu văn điếu từ gì. Nhưng vì ông là một nhà bác học lớn được tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh nên chính quyền Pháp vẫn tổ chức đám tang cho ông theo nghi lễ cấp Nhà nước. Đám tang ông là đám tang lớn nhất ở Nha Trang từ trước tới nay. Dọc đường từ Nha Trang lên Suối Dầu suốt hơn 20km người dân đứng xếp hàng hai bên đường, có bàn thờ tiễn biệt ông. Sau khi chôn cất ông ở Suối Dầu, người dân tôn vinh ông là một vị Bồ Tát, được đưa vào thờ ở chùa Linh Sơn – xã Suối Cát. Hàng năm vào ngày giỗ ông, người dân đều dâng hoa tại mộ và thắp nhang nơi bàn thờ có đặt di ảnh ông trong chùa Linh Sơn. Bảo tàng Yersin ở Nha Trang, khu mộ ông ở Suối Dầu đã được Nhà nước ta công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Ngôi nhà dùng làm trạm thí nghiệm ông tạo dựng ở Hòn Bà nơi có độ cao hơn 1.500m, cách Nha Trang hơn 50km đã được tái tạo. Công viên Yersin với tượng Yersin đã được xây dựng ở Xóm Cồn – Nha Trang. Vừa qua, Nhà nước ta đã công bố Quyết định công nhận Yersin là công dân danh dự của Việt Nam – một tiền lệ chưa hề có với bất cứ người nước ngoài nào ở Việt Nam.
Sinh ra ở Thụy Sĩ, mang quốc tịch Pháp nhưng thực tế Yersin đã sống hầu như suốt cuộc đời hoạt động khoa học sôi nổi của mình tại Việt Nam: hơn 50 năm với hơn 50 công trình khoa học xuất sắc cho Việt Nam và nhân loại.

Việc nhân dân tôn vinh ông là một vị Bồ Tát và Nhà nước ta quyết định công nhận ông là công dân danh dự của Việt Nam đã ghi nhận Alexandre Yersin với những đóng góp rất to lớn cho nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng, đồng thời nói lên sự ngưỡng mộ, tấm lòng quý mến của nhân dân ta với nhà bác học hiếm thấy ở bất kỳ thời nào tầm thế giới.

(Nam Sơn chuyển bài)

[Lãnh Vực]

Tìm Kiếm