NHỮNG BƯỚC LANG THANG (10)

Lan đam mê

 , hôm nay có sự lạ đây!

Người ta đem rừng sâu về nhốt trong một phòng rất là văn minh của Sàigòn. Không mấy thuở mà mắt mình thoát màu nhựa nâu phủ đường và màu xi măng cốt sắt của thành phố thì dại gì lại không thăm viếng người sơn nữ vừa hạ sơn để cho màu xanh của rừng làm mát mắt mình trong giây lát.

Với lại, đã bảo là sự lạ mà. Cái phòng này, từ bao lâu nay chỉ chứa thiên nhiên bằng dầu, bằng goách, bằng màu nước, bằng mực Tàu, trên bố, trên lụa, trên giấy, nay bỗng dưng lại tiếp khách rừng xanh chánh hiệu “con nai vàng ngơ ngác”.

Lan! Lan nhiều quá và đẹp quá.

Về cái khoảng “nhiều”, phải hiểu là chỉ tương đối nhiều mà thôi vì các nhà thảo mộc học quả quyết rằng có hơn mười ngàn loại lan.

Nhà nghệ sĩ (chớ lại không à?) đã triển lãm lan hôm nay hẳn không thể không biết điều đó, và chắc cụ ấy rất khổ vì cụ không có đủ “bộ”.

Mình nghĩ ngay tới cái ý trên khi vừa để chon vào phòng triển lãm.

Ông cụ triển lãm lan ban đầu chắc là chơi lan vì lan, như chơi cây cảnh, chỉ để thưởng thức vẻ đẹp của lan mà thôi.

Nhưng rồi ông cụ nghĩ rằng lan có nhiều loại thì ta phải cố tìm cho đủ. Và tự nhiên ông cụ biến thành nhà thu tàng rồi, không say mê lan vì lan nữa, mà cứ khao khát có cho thật nhiều loại, cho đủ loại.

Nỗi khổ của những người thu tàng, ai có qua cầu mới hay. Ông cụ chắc đáng tội nghiệp lắm!

Không hiểu sao, mình nhớ ngay đến ông Nhất Linh. Có lẽ tại cái suối Đa-mê, nơi ẩn dật của ông chăng? Không, không phải vì ông Nhất Linh cũng chơi lan rừng đâu. Chắc chắn là tại địa danh Đa-mê.

Đa-mê hơi giông giống đam mê.

Kẻ nào có một đam mê nào, cho dẫu là hạ cấp, cũng hay ho hơn là kẻ không hề thích cái gì bao giờ.

Người thu tàng là những người có đam mê đấy. Họ hay ho… cho ta, nhưng ta rất thương xót họ. Tuy nhiên họ vẫn sung sướng vì đam mê của họ, mặc dầu họ rất khổ cũng chính vì đam mê của họ.

Người chơi tem hẳn phải hay hơn những người không chơi gì cả. Ta thấy họ hay, nhưng ta thương họ khi bắt chợt họ rượt theo một phong bì cũ mà gió thổi bay lăn trên vỉa hè: họ hy vọng chớp được một bưu hoa lạ. Và họ như trúng số độc đắc nếu quả lần ấy họ bắt được một con cò hiếm có. Nhưng mà rồi họ vẫn khổ vì làm thế nào để cho đủ số tem trên thế giới từ cổ chí kim?

Mình nhớ đọc báo ngoại quốc mấy năm trước, có thấy chuyện một nhà tỷ phú nổi danh về bộ bưu hoa của ông ta. Nhà tỷ phú ấy đã ám sát một tư chức hiền lành và nghèo túng, để chỉ chiếm được một bưu-hoa độc nhứt vô nhị trên đời mà chỉ có viên tư chức ấy có thôi, nhưng hắn khư khư ôm giữ lấy, nài mua mấy triệu hắn cũng không khứng bán.

Con người lành mạnh tâm trí, vẫn có thể giết người, nhưng không bao giờ giết vì một lý do như vậy.

Quả đó là một chứng bịnh tâm thần.

Bịnh này chia ra làm hai thời kỳ, thời kỳ nhuốm bịnh, tức là lúc mà ta bắt đầu có ý muốn tích trữ vì lý do gì đó chẳng hạn như tích trữ những bao diêm, qua các thời đại để giải trí. Thời kỳ thứ nhì là thời kỳ mà chứng bịnh bạo hành, con bịnh lên cơn sốt dữ dội, cứ ngứa ngáy tích trữ không có mục đích giải trí nữa, tích trữ, để mà tích trữ cốt lấy nhiều, mê man trong cái công việc mà họ không còn biết vì sao mà họ làm, và làm để làm gì.

Ngay trong nước, mình cũng đã biết hai vụ tương tợ như thế.

Thuở mình còn bé, đâu lối 1932 gì đó không nhớ nữa, ở Sàigòn có một ông Chưởng khế rất uy tín và bề thế, tên là ông Mathieu.

Ông ấy được đầy đủ hạnh phúc gia đình và sức khỏe, vậy mà một hôm ông ấy dùng súng lục để bắn vào đầu ông.

Sau cái chết thê thảm đó, nhà chức trách điều tra ra thì mới hay ông ấy đã thụt hằng triệu bạc Đông Dương mà giá đáng hằng trăm triệu ngày nay của nhiều gia đình giao phó cho ông cất giữ (Chưởng khế, theo Pháp, được quyền cất và quản trị những tài sản riêng).

Ông Mathieu thụt số tiền ấy để mua tem hiếm có mà một con giá có thể lên đến hàng triệu bạc ngày nay.

Ban đầu ông ta cũng chơi bưu hoa một cách tài tử thôi, nhưng về sau ông ta trở nên một nhà thu tàng mê mẩn.

Còn đây là vụ thứ nhì.

Một hôm, vào lúc nửa đêm, người ta bắt được trong cái sân con của một nếp nhà lá nơi một khu phố bình dân kia ở ngoại ô Sàigòn, một tên trộm… bảy mươi tuổi.

Điều tra ra thì tên này là một đại điền chủ ở Hậu Giang, tản cư lên Sàigòn từ ngày trong nước loạn lạc, ông ấy bỏ nông nghiệp, xoay qua doanh thương và vẫn tiếp tục làm giàu, còn giàu hơn xưa nữa, con cái đều làm ông nọ bà kia.

Tên trộm kỳ dị này trộm một món đồ còn kỳ dị hơn nữa, một món đồ mà ngày xưa người ta mua hai xu một chiếc, bây giờ (1956) thì giá đã lên đến hai chục đồng, nhưng hai chục đồng cũng chỉ là tiền bố thí ăn mày hàng tháng của nhà tỷ-phú đó mà thôi.

Đó là một ngôi chùa bát giác nhiều từng, bằng sứ nhiều màu do kỹ nghệ đồ sứ Trung Hoa sản xuất để gắn lên những bộ giả sơn.

Chẳng, ngôi chùa ấy, trên bộ giả sơn của ông nhà giàu đó, đã rủi ro bể đi. Những ngôi chùa ngày nay bán ngoài chợ Bến Thành to quá, to gần bằng ngọn núi giả của ông ta, không hiểu vì dân Trung Hoa bỗng nhiên kém thẩm mỹ hay sao không rõ mà lại sản xuất một món đồ sai tỷ lệ thước tấc không dùng được nữa, thế nên nhà tỷ phú ấy đã nghĩ cách tìm mua lại các hòn non bộ tiền chiến, mua cả bộ cũng được mà chỉ cần lấy một ngôi chùa thôi, và với bất cứ giá nào cũng được.

Ông ta gởi thơ cho bạn hữu ở tỉnh nhờ họ lục lạo giùm, nhưng suốt một năm trời, không ai tìm ra của hiếm ấy cả vì chiến tranh đã tàn phá cả đến nhà cửa nữa, chớ đừng nói là một món đồ chơi để ngoài trời như vậy.

Sau nhờ tình cờ, ông bắt gặp một ngọn núi giả lâu đời ở xóm bình dân đó, và rủi ro cho ông là ông cũng rơi phải vào tay một kẽ khư khư giữ của lạ, thành thử ông bị đẩy vào cái thế đi ăn trộm.

Việc ăn trộm của hai ông nhà giàu nói trên không phải là cái bịnh tham của mà y học thái tây gọi là cleptomanie. Hai ông ấy bịnh ở ý chí thu tàng của lạ chớ không phải bịnh như một số nhà giàu kia, vào hiệu tạp hóa ăn cắp một chiếc dao con, một lọ nước hoa đâu.

Mình đưa mắt nhìn quanh để tìm nhà nghệ sĩ biến thành con bịnh mà không dè, nhưng không thể biết được cụ nào vì đang có đến mấy mươi cụ trong phòng triển lãm này.

Tuy nhiên mình rất sung sướng. Tất cả những người có mặt điều biết thưởng thức một cái gì.

(Bài này 9 năm sau được dùng làm vật liệu cho truyện “Tích cốc phòng cơ”)

1966

Trở  Về

Tìm Kiếm