IMG.634

Chương X

CAO NGUYÊN MÔNG XANH GIĂNG

…..

Cùng lúc với cái hào sâu, các khẩu đội pháo cũng xuất hiện.
 
Sáu mươi cỗ đại bác và mười ba đội hình vuông nổ súng như sấm sét vào đoàn giáp binh, gần như ngay sát nách. Tướng Đơlo gan dạ, đưa tay lên chào pháo Anh như theo kiểu nhà binh.
 
Tất cả pháo binh cơ động của địch đều phóng nhanh trở vào giữa các đội hình vuông. Giáp binh không có lấy một lúc được ngừng lại để chỉnh đốn. Tai hại ở đường trũng có làm cho họ thiệt hại nhiều, nhưng không làm cho họ ngã lòng. Đó là những con người, còn ít bao nhiêu càng dũng cảm bấy nhiêu.
 
Chỉ một mình đội ngũ của Vachiê lầm vào tai họa. Còn đội ngũ của Đơloa, thì hình như Nê linh cảm sẽ có cạm bẫy, nên cho tiến tạt qua bên trái, do đó đã đến nơi nguyên vẹn.
 
Họ phi ngựa nhẩy xổ vào các đội quân địch. Người nằm rạp trên lưng ngựa, ngựa buông lỏng hết cương, gươm sẵn sàng, súng lăm lăm.
 
Lâm trận có những lúc mà tinh thần của người lính làm cho con người họ rắn lại như tượng đồng, như sắt đá. Đó là các tiểu đoàn quân Anh, bị tấn công một cách điên cuồng, nhưng vẫn trơ trơ.
 
Cảnh tượng thật kinh khủng.
 
Các đội vuông Anh đều bị tấn công bốn mặt một lúc. Chung quanh họ, người ngựa, gươm giáo quay lộn cuống cuồng. Nhưng họ vẫn lạnh lùng, hàng ngũ chỉnh tề. Hàng thứ nhất, quì xuống, chĩa lê ra đằng trước, chờ giáp binh xông tới, trong khi hàng thứ hai nhằm bắn. Sau hàng thứ hai các pháo thủ nạp đạn vào pháo; nạp xong, đằng trước dãn ra cho một loạt đạn ghém bắn vãi ra rồi lại khép lại. Giáp binh đáp lại bằng cách cho ngựa xéo lên người họ. Các con ngựa to lớn chồm lên, nhảy qua các hàng người, phóng lên trên các dãy lê rồi cả khối người ngựa khổng lồ đổ sầm xuống giữa bức tường người. Đạn pháo chọc thủng từng lỗ trong hàng ngũ giáp binh, giáp binh phá vở từng mảng của đội hình vuông. Từng dãy người biến mất, ngã lăn, bị nghiền nát dưới chân ngựa. Nhiều lưỡi lê cắm lút vào bụng những người – ngựa ấy. Các vết thương, do đó cũng kỳ dị, không đâu có. Giáp binh đánh như điên như dại, các đội vuông có bị sứt mẻ, nhưng chỉ bị thu hẹp lại chứ không lay chuyển. Đạn ghém của họ cứ liên tục nổ vào giữa đoàn người tấn công. Quang cảnh trận đánh thật kỳ quái. Các đội vuông chẳng còn là binh lính nữa, mà là những núi lửa; các đội giáp binh chẳng còn là quân kỵ mã nữa, mà là một trận bão. Mỗi một đội hình vuông là một núi lửa bị một đám mây tấn công; phúc thạch đánh nhau với sấm sét.
 
Đội hình vuông bên cực hữu, ở vào vị trí trống trải nhất nên bị tiêu diệt gần hết ngay từ những hiệp đầu. Đó là những binh lính của trung đoàn 75 ở vùng núi Êcôt. Trong lúc tứ phía mọi người đâm chém nhau thì anh chàng quân nhạc tay ôm kèn, ngồi trên cái trống của mình, vẫn lơ đễnh đưa cặp mắt nhớ rừng nhớ suối nhìn vào chỗ xa xôi, dạo lên mấy điệu núi rừng. Dân Êcôt chết vẫn nhớ đất Ben Lôtiăng của họ cũng như dân Hy Lạp lìa đời vẫn nghĩ đến vùng Acgốt của mình. Một lưỡi gươm kỵ binh đã chém đứt cả cánh tay lẫn cây kèn, giết chết nhạc công, cắt ngang luôn khúc nhạc.
 
Quân số đoàn kỵ binh vốn đã ít lại giảm đi rất nhiều sau tai nạn ở đường trũng, phải đương đầu gần như với toàn bộ quân đội Anh, nhưng được cái họ hăng lên gấp bội, một người như nhân thành mười. Trong lúc ấy thì một số tiểu đoàn Hanôvơrơ núng thế. Oenlinhtơn trông thấy bèn nghĩ đến kỵ binh của mình. Giá Napoleon lúc ấy, cũng nghĩ đến bộ binh thì có lẽ ông đã giành phần thắng. Nhưng ông đã quên, cái quên đó là một lầm lỗi lớn dẫn đến tai họa không tài nào tránh khỏi.
 
Đoàn giáp binh đang ở thế tiến công, đột nhiên cảm thấy như bị phản kích. Kỵ binh địch đã ở sau lưng. Thế là mặt trước có các đội hình vuông, mặt sau có Xômớcxet với một nghìn bốn trăm kỵ binh cận vệ. Ông ta còn có bên phải đội khinh kỵ Đức của Đoócbéc, bên trái đội khinh kỵ Bỉ của Tơríp. Giáp binh như thế là bị bộ binh và kỵ binh đánh tứ phía, phải chống đỡ cả bốn mặt. Chẳng sá gì! Cả đoàn trở thành một cơn lốc. Tinh thần anh dũng của họ thật không lời nào tả xiết.
 
Lại thêm, sau lưng, pháo binh vẫn nhằm họ mà nổ không ngớt. Vì thế họ bị thương từ sau lưng! Trong mớ hiện vật gọi là bảo tàng Oateclô còn giữ một bộ giáp của họ bị thủng ở bả vai bằng một viên đạn súng cỡ to ấy.
 
Chống lại những con người Pháp như vậy, tất phải có những con người Anh cũng như vậy.
 
Vì thế cũng không còn là một cuộc hỗn chiến nữa, mà là một cuộc vật lộn tối trời đen đất, một cuồng nộ, một cơn bốc đồng ghê người của tâm hồn và can đảm, một trận sấm súng chớp gươm. Chỉ trong chốc lát từ một nghìn tư kỵ binh cận vệ Anh chỉ còn tám trăm. Trung tá Phơlơ bị giết. Nê dẫn dội kỵ binh của Lơphe Đênuét xông tới. Cao nguyên Mông Xanh Giăng giành đi giật lại với địch đến lần thứ hai. Giáp binh đánh với bọn kỵ binh rồi lại quay đánh với bọn bộ binh. Hay, nói đúng hơn, cả đám người ngựa loạn xạ này quắp chặt lấy nhau, không bên nào chịu rời bên nào. Giáp binh đã xung phong mười hai lần. Nê mất đến con ngựa thứ tư bị giết dưới đùi mình. Một nửa giáp ninh nằm lại, trên đồi. Nhưng các đội hình vuông quân Anh vẫn đứng vững. Cuộc chiến đấu kéo dài hai tiếng đồng hồ.
 
Đạo quân Anh bị lung lay một cách nghiêm trọng. Thật chẳng còn nghi ngờ gì nữa, nếu đoàn kỵ binh thiết giáp mà không yếu đi vì cái tai họa ở con đường trũng, thì họ đã đánh tam mặt giữa đạo quân Anh và quyết định thắng lợi. Chính đoàn kỵ binh thần kỳ này đã làm cho Cơlintơn, con người đã từng chứng kiến các trận Talavêra và Bađagiô; phải ngây người khâm phục. Còn Oenlinhtơn xem như ba phần tư thua trận, vẫn trầm trồ một cách anh hùng: “Tuyệt vời!” (Splendid!: chú thích ở nguyên bản)Giáp binh đã tiêu diệt bảy trong số mười ba đội hình vuông, chiếm và phá hỏng sáu mươi khẩu trọng pháo, cướp của các trung đoàn địch sáu lá cờ và cho ba giáp binh và ba kỵ binh cận vệ mang về cho Napoleon trước trại ở Benlaliăng.
Tình thế của Oenlinhtơn đã xấu đi. Trận chiến kỳ lạ này giống như một cuộc đọ sức giữa hai người đã bị thương, nhưng vẫn quyết liệt, bên nào cũng vừa đánh vừa cố hết sức nên dần dần máu ra gần hết. Bên nào sẽ ngã xuống trước?
Cuộc vật lộn trên cao nguyên vẫn tiếp diễn.
Đoàn giáp binh đã tiến đến đâu? Không ai có thể biết rõ. Điều chắc là hôm sau trận đánh, người ta tìm thấy một giáp binh, cả người lẫn ngựa chết trong cái giàn cân xe ở Mông Xanh Giăng, đúng chỗ bốn con đường Niven, Giơnáp, Lahuyn và Bơruxen gặp nhau và cắt nhau. Anh giáp binh ấy đã chọc thủng hàng trận của quân địch. Một trong mấy người kéo xác anh ta ra, hiện còn sống ở Mông Xanh Giăng, tên là Đơhadơ. Hồi ấy ông ta mười tám tuổi.
Oenlinhtơn cảm thấy thế trận của mình không đứng nổi nữa. Tan vỡ đến nơi rồi.
Đoàn giáp binh chưa đạt được mục tiêu, vì chưa chọc thủng được mặt giữa. Hai bên cùng có mặt, trên cao nguyên Mông Xanh Giăng chứ chưa bên nào chiếm được. Nói cho đúng thì phần lớn còn ở trong tay quân Anh. Oenlinhtơn giữ khu làng và cánh đồng trên cao, Nê chỉ chiếm mỏm và sườn thấp. Cả hai bên đều như cắm rễ xuống mảnh đất ghê rợn này.
Tuy nhiên sự suy yếu của quân Anh xem chừng không cứu chữa nổi. Đạo quân đã thiệt hại ghê gớm quá. Ở cánh trái, tướng Căm đòi viện binh. Oenlinhtơn đáp: “Không có. Bảo ông ấy tử thủ thôi!” Gần như cùng lúc ấy, Nê cũng xin hoàng đế cho bộ binh chi viện. Napoleon kêu lên: “Bộ binh! Lấy đâu ra bộ binh? Họa là bảo ta đẻ ra!” Trùng hợp ngẫu nhiên và kỳ lạ, nhưng thật ra đó chỉ là tình trạng bên nào cũng kiệt sức.
Tuy nhiên, phía bên Anh nghiêm trọng hơn. Những đợt xung phong dữ dội của các đội giáp thép ngực đồng ấy đã nghiền nát bộ binh địch. Có chỗ đóng một trung đoàn nay chỉ còn mấy người chung quanh một lá cờ. Có tiểu đoàn chỉ còn một đại úy hoặc một trung úy chỉ huy. Sư đoàn Onten ở He xanh đã bị đánh tơi tả thì nay hầu như bị tiêu diệt. Lữ đoàn Bỉ dũng cảm của Văng Cơludơ xác nằm ngổn ngang trong ruộng mạch trên đường đi Niven. Lính pháo thủ Hà-lan, hồi 1811 cùng đứng trong hàng ngũ quân ta ở Tây Ban Nha đánh Oenlinhtơn, thì nay, 1815 lại theo quân Anh đánh lại Napoleon, họ gần như không còn sót lại được người nào. Sĩ quan hao hụt nhiều quá. Huân tước Uýchbơrít bị vỡ đầu gối, hôm sau đem chôn ống chân mình. Trong cuộc tấn công của giáp binh, nếu bên Pháp, Đơlo, Lêrichiê, Cônbe, Nốp, Tơrave và Bơlăngsa bị loại ra ngoài vòng chiến thì phía Anh, Onten bị thương, Bác bị thương, Đilanxê chết, Văng Móclăng chết, Omtêda chết, toàn bộ tham mưu của Oenlinhtơn bị tổn thất nặng nề. Trong cuộc chia máu này bên Anh phải chịu phần nặng hơn. Trung đoàn số 2 vệ binh bị mất năm trung tá, bốn đại úy và ba sĩ quan cầm cờ; tiểu đoàn I của trung đoàn 30 bộ binh mất hai mươi bốn sĩ quan và một trăm mười hai lính, trung đoàn 79 sơn binh có hai mươi bốn sĩ quan bị thương, mười tám sĩ quan chết, bốn trăm năm mươi lính chết. Kỵ binh Hanôvơrơ của Cơmbơclen, cả một trung đoàn, quay lui trước trận đánh và chạy về phía rừng Xoanhơ, rồi tút lui tan vỡ về tận Bơruxen. Viên đại tá chỉ huy là Hắcơ, về sau bị đưa ra tòa án và cách chức. Các đoàn hậu cần, kéo pháo, chở hàng, tải thương, thấy quân Pháp tiến dần và nhích gần đến khu rừng, liền kéo nhau chạy ùa vào đó. Quân Hà Lan, kỵ binh Pháp phang cả, thét lên: cứu! Cứu! Từ Vecucu đến Gơrônenđaen, trên một quãng gần hai dặm đi về phía Bơruxen, theo lời những người chứng kiến hồi đó, quân lính chen nhau chạy trốn. Tình trạng hoảng hốt ấy ghê gớm đến nỗi lây đến cả hoàng thân Côngđê ở Malin và Lui XVIII ở Gang, Oenlinhtơn coi như không còn kỵ binh nữa, trừ số dự trữ yếu ớt đóng rải sau trạm quân y ở nhà trại Mông Xanh Giăng và mấy lữ đoàn Vayviên và Văngđơlơ phụ vào cánh trái. Rất nhiều khẩu đội, nằm bẹp hư hỏng. Những tình hình này đều do Xiboóc thú nhận. Còn Pơringơn thì phóng to sự thiệt hại, đến mức cho rằng đạo Anh – Hà chỉ còn ba vạn tư. Quận công – thép (Tên hiệu danh dự người ta dùng để gọi quận công Oenlintơn. Tiếng Anh: Iron duke, tiếng Pháp: Duc-de-fer) vẫn giữ vẻ bình tĩnh, nhưng đôi môi đã tái nhợt. Vanhxăng ủy viên Áo, Alava ủy viên Tây Ban Nha, có mặt trong trận đánh bên cạnh bộ tham mưu, tưởng Oenlinhtơn nguy đến nơi. Năm giờ chiều, ông rút đồng hồ xem và lẩm bẩm một câu não nuột: Bơluyse, hoặc là đêm tối!
 
Vừa lúc ấy một hàng lưỡi lê nhấp nhánh đằng xa, trên các ngọn đồi phía Phơrítsơmông.
 
Giai đoạn kết thúc của tấn kịch khổng lồ này bắt đầu.
Hết: Chương X, Xem Tiếp: Chương XI
Tìm Kiếm