IMG.634

Chương XV

CĂNGBƠRÔN

…..

Độc giả Pháp ai cũng muốn được tôn trọng. Cho nên, mặc dù lời ấy là lời đẹp nhất mà một người Pháp đã nói, cũng không thể lặp lại với họ. Thói thường không được đặt cái cao siêu vào trong lịch sử. Nhưng chúng tôi xin được vi phạm điều đó và gánh lấy tất cả trách nhiệm.
Trong hàng ngũ những hộ pháp ấy lại có một khổng lồ, đó là Căngbơrôn. Nói lời nói kia ra rồi chết. Còn gì lớn hơn! Bởi vì, ông đã muốn thế, thì phải coi như ông đã chết rồi. Còn mặc dù bị bắn như vãi đạn ông ta cũng không chết thì đâu phải lỗi tại ông ta!
Người thắng trận Oateclô, cố nhiên không phải là Napoleon bị tan vỡ, cũng không phải là Oenlinhtơn, vì hồi bốn giờ Oenlinhtơn núng thế và đến năm giờ ông tuyệt vọng, cũng không phải Bơluyse vì Bơluyse chẳng đánh chác gì. Người thắng trận Oateclô là Căngbơrôn.
Đập lại cái sấm sét giết mình bằng lời nói ấy, có nghĩa là chiến thắng.
Đó là đáp lại cuộc đổ vỡ. Đó là nói với số mệnh, đó là đặt nền bệ cho con sư tử dựng làm kỷ niệm về sau. Đó là câu trả lời cho gió mưa đêm tối, cho bức tường phản bội của lâu đài Hugômông, cho con đường trũng Ohanh, cho sự chậm trễ của Gơrusi, cho sự kịp thời của Bơluyse. Đó là cười đùa trong cõi chết, đứng dậy sau khi đã ngã xuống. Đó là dìm trong vài chữ cái liên minh của châu Âu, dâng lên cho vua chúa những bồn xia mà họ từng biết. Đó là đưa cái chữ bẩn nhất trong ngôn ngữ lên thành chữ đẹp nhất bằng cách pha lẫn vào đó cái tinh thần sấm chớp của nước Pháp. Đó là kết thúc Oateclô một cách ngạo mạn bằng một giây phàm tục, bổ sung cho Lêôniđa bằng Rabôle, tóm tắt chiến thắng này trong một lời cuối cùng khó nói. Đó là mất đất đai nhưng giữ được lịch sử, là sau cuộc chém giết kinh khủng lại tranh thủ được những kẻ biết cười. Thật là vô cùng vĩ đại!
Nó ngạo mạn với cả sấm sét, nó có tầm hùng tráng như bi kịch Etsin.
Câu nói của Căngbơrôn có tác dụng làm gãy xương. Đó là cú đấm khinh bỉ làm gãy xương ngự. Chết đến nơi nhưng ức quá nên mới nổ ra lời. Kẻ nào đã thắng? Có phải Oenlinhtơn không? Không. Bởi vì không có Bơluyse thì ông ta đã thua. Có phải Bơluyse không? Cũng không. Không có công Oenlinhtơn trước đó thì Bơluyse cũng chẳng làm được trò trống gì. Anh chàng Căngbơrôn kia chỉ là một kẻ độc hành giờ chót, một người lính vô danh, một hạt bụi trong cuộc chiến. Anh cảm thấy ở đây có cái gì dối trá, mà dối trá trong một cuộc đổ vỡ ghê gớm như thế kia thì bi đát thành hai. Thế mà đến khi anh đã sôi sục phẫn uất thì kẻ kia lại dám bảo anh bám lấy cái sống vô nghĩa! Hỏi ai không nổi khùng?
Tất cả vua chúa của châu Âu, tất cả tướng lĩnh may mắn, tất cả những kẻ làm mưa làm gió trong thiên hạ đều có mặt. Mười vạn binh lính thắng trận và theo gót mười vạn ấy là trăm vạn khác, súng chĩa ra đằng trước, đạn lên nòng, sẵn sàng, dữ tợn. Chúng đã giẫm lên đoàn quân cận vệ và đại quân của Napoleon và đè bẹp ông ta. Chỉ còn sót có mỗi một Căngbơrôn. Chỉ còn mỗi một con giun quèn này để phản kháng. Và nó đã phản kháng thật. Anh tìm chữ nghĩa như người ta tìm một lưỡi gươm. Và anh đã tìm thấy nó trong bọt bèo, bọt bèo chính là nó. Đứng trước trận chiến thắng lạ thường mà tầm thường, trận thắng không có người thắng này, con người tuyệt vọng kia đã vùng dậy. Anh bị cái to lớn của nó nghiền nát, nhưng anh vẫn thấy nó là vô nghĩa. Có nhổ vào mặt nó cũng chưa đủ. Dưới sự bức bách của số đông sức mạnh và của vật chất anh tìm thấy cho tinh thần mình một tiếng nói, thứ bẩn thỉu nhất để bày tỏ thái độ mình. Xin nói lại điều này: nói được như thế, làm được như thế, tìm được như thế, tức là chiến thắng.
Những sự kiện hệ thống trong đời thường có tinh thần riêng của nó. Tinh thần ấy đã nhập vào con người vô danh này trong giây phút khủng khiếp kia. Căngbơrôn đã tìm ra lời nói của mình về Oateclô cũng như Rugiê đờ Lin đã tìm ra được bài La Mácxâyde, đó là nhờ có ngọn gió thiêng liêng thổi xuống. Một làn gió từ khối bão tố của trời cao, thổi qua những tâm hồn này, làm họ rùng mình, kẻ thì hát lên bài hát tuyệt vời, người thì ném ra tiếng thét dữ dội. Lời khinh bỉ mênh mông ấy Căngbơrôn không phải chỉ nhân danh đế chế mà văng vào châu Âu, vì như thế còn ít; ông còn vì cách mạng văng vào quá khứ. Người ta đã nghe thấy lời nói ấy và người ta đã nhận thấy tinh thần các nhân vật khổng lồ ngày xưa như nhập vào con người ấy. Có cảm tưởng như đó là Đăngtông đang nói hoặc Cơlêbe đang gầm.
Tiếp theo tiếng thét của Căngbơrôn, giọng người bên Anh đáp: “Bắn!” Các khẩu pháo bùng lửa sáng rực, quả đồi rùng mình. Một loạt đạn khủng khiếp vụt ra từ các họng thép. Một đám khói to cuồn cuộn lan ra, trăng trắng dưới ánh trăng vừa lên mờ mờ. Khi làn khói tan xong thì không còn gì nữa. Đám người anh hùng còn lại đã bị quét sạch. Đoàn cận vệ hoàn toàn tiêu diệt. Bốn bức tường của cái công sự bằng người đều ngã rạp dưới đất, nhìn kỹ mới thấy thấp thoáng có chút cựa quậy trong đám xác chết. Thế là các đoàn cận vệ Pháp, anh hùng hơn các đoàn quân La Mã nhiều, đã tắt thở ở Mông Xanh Giăng, trong những ruộng lúa âm u, trên mặt đất dầm mưa và đẫm máu. Chỗ đó, ngày nay, cứ bốn giờ sáng, anh chàng Giôdép, phụ trách chuyến xe thư Niven, lại cho xe mình đi qua, vừa giơ roi quất vào mông ngựa vừa huýt sáo vui vẻ.
Hết: Chương XV, Xem Tiếp: Chương XVI
Tìm Kiếm