IMG.634

QUYỂN VII 

Chương VI

CẦU NGUYỆN LÀ MỘT ĐIỀU HAY TUYỆT ĐỐI

…..

Còn cách thức cầu nguyện, mọi cách thức đều tốt quý hồ là chân thành. Có thể mở ngược sách nhưng hãy đi vào vô biên.
 
Chúng ta biết là có một thứ triết học phủ nhận cái vô biên. Cũng có một thứ triết học, xếp vào loại bệnh tật, phủ nhận mặt trời, cái triết học ấy tên gọi là mù.
 
Đem một giác quan ta không có dựng lên thành một nguồn chân lý, chỉ người mù mới có cái tự tin lạ lùng ấy. Kỳ lạ là cái triết học mò ấy lại lấy những dáng điệu kiêu ngạo, trịnh trọng và thương hại người ta, khi đứng trước cái triết học nhìn thấy Chúa. Người ta tưởng như nghe thấy một con chuột chũi kêu to: “Ôi! Thương hại thay bọn họ với cái mặt trời của họ”.
 
Chúng ta biết có những nhà triết học vô thần nổi tiếng và có uy thế mạnh. Những con người này, nhờ cái sức mạnh tư duy của họ đã trở lại được với chân lý. Thực ra họ cũng chưa tin hẳn họ là vô thần. Đối với họ cũng cần chỉ là một vấn đề định nghĩa và trong tất cả mọi trường hợp, nếu họ không tin Chúa, vì họ là những trí tuệ lớn, thì chính họ chứng minh là họ có Chúa.
 
Chúng ta nghiêng mình chào họ là những nhà triết học nhưng vẫn phê bình nghiêm khắc triết học của họ.
Ta hãy bàn tiếp.
 
Điều đáng phục nữa là họ dùng ngôn ngữ một cách rất tùy tiện. Một trường phái triết học phương Bắc, cũng hơi bị sương mù bao phủ, đã tưởng làm được một cuộc cách mạng trong sự hiểu biết của con người, bằng việc thay từ Sức mạnh bằng từ Ý muốn.
 
Nói rằng: cái cây muốn mà không nói cái cây lớn lên, điều đó có vẻ như là sáng tạo phong phú thật nếu người ta nói thêm: Vũ trụ muốn. Vì sao? Bởi vì có thể rút ra điều này: cái cây muốn như thế nghĩa là cái cây có một “cái tôi”, vũ trụ muốn, vậy thì có một Chúa.
 
Còn chúng tôi, khác hẳn với trường phái này, chúng tôi không gạt bỏ cái gì trước khi cân nhắc, đối với chúng tôi thì việc nhận là cái cây có ý chí, như trường phái ấy thừa nhận, còn khó hơn là nhận rằng vũ trụ có một ý chí, điều mà trường phái ấy phủ nhận.
 
Phủ nhận ý chí của vô biên, nghĩa là Chúa, điều này chỉ có thể ý niệm được với điều kiện là phủ nhận cái vô biên. Chúng tôi đã chứng minh điều đó.
 
Sự phủ nhận vô biên đã dẫn thẳng tới chủ nghĩa hư không. Tất cả trở thành một “khái niệm của trí tuệ”.
 
Với chủ nghĩa hư không thì không thể bàn luận gì được. Bởi vì người theo chủ nghĩa hư không không tin rằng người đối thoại của mình có thực và cũng không dám chắc chắn là mình có thực nữa.
 
Theo quan điểm ấy thì rất có thể rằng chính bản thân người ấy, đối với người ấy, cũng chỉ là một “khái niệm của trí tuệ của người ấy” mà thôi!
Chỉ có một điều là người ấy không nhận ra rằng tất cả những điều người ấy phủ nhận thì người ấy lại thừa nhận gọn một cách trọn vẹn, bởi vì người ấy đã nêu lên cái danh dự “trí tuệ”.
 
Nói tóm lại, không có một con đường nào mở ra cho tư tưởng, trong một thứ triết học đưa tất cả mọi vấn đề đến một chữ độc âm: – Không.
 
Đối với chữ không ấy, chỉ có một tiếng trả lời: – Có.
Chủ nghĩa hư không không có tác dụng gì.
Không có hư không. Con số “không” không có – Tất cả đều là một cái gì đó. Chẳng có cái gì lại không phải là gì cả. Con người sống bằng khẳng định hơn là sống bằng “bánh mì”.
 
Nhìn ra và vạch rõ, cả như thế cũng chưa đủ. Triết học phải là một năng lực. Nỗ lực và kết quả của nó là cải thiện con người. Xôcrat phải nhập vào Ađam và sản sinh ra Mác Oren. Nói cách khác là từ con người của phúc hạnh phải làm nảy ra con người của sự hiểu biết. Phải đổi vườn Eden thành Lixê (Eden: vườn hạnh phúc, trong Kinh thánh, nơi Chúa Trời đã cho giáng sinh người đàn ông đầu tiên Ađam và người đàn bà đầu tiên Evơ; Lycde: nơi nhà triết học Hy lạp Aristote đến giảng dạy cho môn đồ ở thành Athènes)? Khoa học phải là một liều thuốc bổ. Hưởng thụ, ôi mục đích buồn thay và khát vọng yếu đuối thay! Con thú lo hưởng thụ. Tư duy, đó là thắng lợi thực sự của linh hồn. Đưa tư duy cho con người đang khát, trao cái khái niệm Chúa cho tất cả mọi người như một chất rượu bổ, làm cho lương tri và khoa học hòa hợp như anh em trong tâm hồn họ, làm cho họ trở nên nhân nên chính, bởi vì sự đối chiếu huyền bí ấy, đó mới là nhiệm vụ của triết học thực sự. Luân lý là sự khai hoa của những chân lý. Chiêm duy dẫn đến hành động. Cái tuyệt đối phải có tác dụng thực tế. Lý tưởng phải là cái gì thở được, uống được và ăn được cho trí tuệ con người. Chính lý tưởng mới có quyền nói: “Hãy ăn đi! Đây là thịt của ta, đây là máu của ta”. Hiểu biết là một sự giao cảm thiêng liêng. Chỉ với điều kiện ấy nó mới không còn là một sự yêu say khoa học khô khan không kết quả, để trở nên một phương thức duy nhất và cao đẹp tập hợp, đoàn kết loài người và từ một triết học trở thành một tôn giáo.
 
Triết học không nên là cái bao lơn, dựng trên huyền bí để nhìn vào huyền bí cho thoải mái, không có tác dụng gì khác hơn là tạo thuận lợi cho tính tò mò.
 
Về phần chúng tôi, chúng tôi chờ một dịp khác sẽ tiếp tục phát triển tư tưởng của chúng tôi. Chúng tôi chỉ giới hạn ở điểm là chúng tôi không quan niệm con người là một khởi điểm, tiến bộ là mục đích nếu thiếu hai cái sức mạnh này là hai động lực: tin và yêu.
Tiến bộ là mục đích, lý tưởng là điển hình.
 
Lý tưởng là gì? Là Chúa.
Lý tưởng, Tuyệt đối, Hoành chỉnh, Vô biên: những từ đồng nhất.
 
Hết: Chương VI, Xem Tiếp: Chương VII
Tìm Kiếm