IMG.634

QUYỂN VIII 

Chương II

CỤ PHÔSƠLƠVĂNG ĐỨNG TRƯỚC KHÓ KHĂN

…..

Có những người, khi gặp hoàn cảnh khó khăn thì nét mặt trở thành băn khoăn và nghiêm nghị, đó là do tính người như thế hoặc do nghề nghiệp, đặc biệt là ở những linh mục và tu sĩ. Khi Phôsơlơvăng vào thì mẹ nhất cũng đang ở tình trạng ấy. Nét mặt mẹ vừa băn khoăn vừa nghiêm nghị. Mẹ vốn có duyên và học thức rộng, thường ngày tươi cười. Mẹ chính là tiểu thư Đơ Bơlêmơ tức mẹ Inôxăngtơ.
 
Ông già làm vườn khúm núm chào và đứng lại ở cửa phòng. Mẹ nhất đang lần tràng hạt, bỗng ngước mắt nhìn lên, nói:
– À! Lão Phôvăng đấy à?
Trong nhà tu này, người ta quen gọi là Phôvăng cho gọn.
Phôsơlơvăng chào lại một lần nữa.
– Lão Phôvăng ạ, tôi cho gọi lão.
– Bẩm mẹ, con đến hầu mẹ.
– Tôi cần nói chuyện với lão.
Phôsơlơvăng cố lấy giọng mạnh bạo và tự mình cũng đâm sợ sự mạnh bạo ấy:
– Còn con, con cũng định thưa với mẹ tôn quí một việc.
Mẹ nhất nhìn lão:
– Thế ra lão cũng có một việc cần báo với tôi?
– Cần cầu xin với mẹ.
– Cứ nói đi.
 
Phôsơlơvăng, nguyên lục sự, thuộc vào hạng nông dân tự tín. Có khi dốt nát một cách khôn khéo lại là một sức mạnh. Người ta không ngờ vực mình, do đó mà dễ thành công. Hơn hai năm trời sống trong nhà tu, Phôsơlơvăng đã thành công. Suốt năm đơn độc, làm việc trong khoảnh vườn, ông chẳng còn gì khác ngoài việc tò mò tìm hiểu nhà tu. Nhìn xa những người đàn bà trùm khăn kín mít qua lại trước mặt, ông chỉ thấy như những bóng đen lảng vảng. Ông già cố sức chăm chú để tìm hiểu, nên những bóng ma ấy, dần dần lão đã thấy có da có thịt: những xác chết ấy có một đời sống. Ông giống như người điếc mắt càng trông xa, hay như người mù nghe rất thính. Ông đã biết tường tận mỗi hồi chuông nói gì trong nhà tu bí mật, lặng lẽ này, nên ông không thấy có gì là lạ hết. Cái chuông ấy là một con nhân sư (Nhân sư theo truyền thuyết Ai Cập là một con quái vật thường ra những câu đố khó giải cho khách qua đường) rất khó hiểu nhưng đối với ông thì ngày ngày nó thủ thỉ bên tai tất cả những điều bí mật trong tu viện. Biết bao nhiêu, ông càng giấu kín bấy nhiêu. Đấy, bí quyết nghệ thuật của ông là ở chỗ ấy. Cả tu viện tưởng ông ngây ngô, đần độn. Trong giáo hội, thì đây là một đức lớn. Các mẹ tư vấn quý ông. Rõ là một anh tọc mạch câm. Ai cũng tin ông. Vả ông luôn luôn tôn trọng nội quy, ông chỉ ra phố khi phải mua cái gì cần thiết lắm cho khu vườn quả hay vườn rau. Hành tung kín đáo ấy cũng được đánh giá tốt. Tuy nhiên ông vẫn khêu gợi cho hai người múa môi khua lưỡi: trong nhà tu thì là bác gác cổng, thế là ông biết mọi chuyện trong phòng tiếp khách; ngoài nghĩa trang thì là bác phu đào huyệt, thế là ông biết tất cả những chuyện lạ về tang ma. Như vậy, sống giữa những người tu hành, ông có hai nguồn ánh sáng, một soi vào cảnh sống, một soi vào cõi chết. Tuy biết vậy mà ông chẳng làm gì quá đáng bao giờ. Tất cả thánh hội đều tin ở ông. Ông vừa già lại què, mắt mờ, hình như lại nghễnh ngãng nữa, biết bao nét tốt! Khó lòng mà tìm được một người như ông Phôsơlơvăng.
Thế là hôm nay, trước mắt mẹ nhất, tự biết mình được mọi người tin cậy, ông già ấy mạnh dạn bắt đầu nói một câu chuyện quê mùa, dài dòng nhưng sâu sắc ý nghĩa. Ông kể lể mãi về việc tuổi ông đã già, lại mang tật nó chứng kia; mỗi năm mỗi yếu đi, mà công việc vườn tược mỗi ngày một nhiều; nào vườn thì rộng, nào phải đêm hôm làm lụng, như đêm vừa qua, nhân có trăng, ông phải cặm củi trải rơm che vườn dưa. Thế rồi ông kết thúc câu chuyện như sau: ông có một người em trai (mẹ nhất cựa mình) – người em đã có tuổi (mẹ nhất cựa mình lần thứ hai, nhưng cựa mình yên tâm) – nếu được phép, người em sẽ đến cùng với ông để giúp việc làm vườn bởi vì hắn ta làm vườn rất giỏi, – thánh hội sẽ được công được việc. Còn như nếu thánh hội từ chối thì ông bắt buộc và hết sức lấy làm tiếc là phải xin nghỉ việc, nởi vì ông đã già nua lại tật bệnh, – người em ông lại có một đứa cháu gái nhỏ sẽ mang theo, đứa bé sẽ được giáo dục trong lòng Chúa và sau này biết đâu nó không trở thành một bà xơ trong nhà tu.
 
Ông vừa dứt lời thì mẹ nhất ngừng tay lần tràng hạt, bảo:
– Từ giờ đến chiều, lão có kiếm đâu được một thanh sắt to không?
– Để làm gì ạ?
– Để bẩy.
– Bẩm mẹ, được ạ.
 
Mẹ nhất liền đứng dậy, không nói thêm nửa lời – mẹ sang buồng bên cạnh là buồng họp hình như có các mẹ khác đang tụ tập ở đây. Phôsơlơvăng còn lại một mình trong phòng.
Hết: Chương II, Xem Tiếp: Chương III
Tìm Kiếm