PHÍA SAU THẾ GIỚI ẢO LÀ NHỮNG NỖI ĐAU CÓ THẬT

Không phải ai vào thế giới ảo cũng tốt, cũng sống thật, và ngược lại. Chỉ duy nhất một điều, đằng sau chữ “ảo” là chữ “thật”, là những con người thật mang cảm xúc yêu thương thật và tổn thương cũng rất thật…

Thế giới ảo như mạng xã hội, truyện tranh,… đối với giới trẻ tựa như một chất gây nghiện nhưng đồng thời cũng mở ra một chân trời mới cho những ai biết tận dụng và kiểm soát nó.

Điều quan trọng nằm ở người sử dụng công nghệ. Nếu người trẻ lao vào mù quáng như những con thiêu thân, mà không chuẩn bị cho mình bất cứ hành trang gì để đối phó với những mặt tốt xấu do thế giới ảo mang tới, rất có thể họ sẽ vấp phải những hệ lụy khôn lường, không chỉ làm lãng phí về thời gian, tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thay đổi về tâm sinh lý thậm chí là bỏ đi cả sinh mạng quý báu.

Các trang mạng xã hội tựa như con dao hai lưỡi, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ. Thường thì khi gặp những khó khăn trong cuộc sống thường nhật, rất nhiều người lui vào thế giới ảo để tìm lối thoát chứ không còn thói quen tìm đến người thân để giải tỏa cảm xúc, thậm chí là đối diện với khó khăn ngoài đời thật như các thế hệ trước.

Giới trẻ ngày nay coi thế giới mạng như thành lũy an toàn, chỉ của riêng họ, ngồi một mình với chiếc máy tính, họ sẽ không phải đối diện với những sự việc trong thực tế, họ tìm thấy sự “thành công” và thỏa mãn, được vỗ về an ủi xoa dịu những nỗi đau từ cả những con người không quen biết.

Khi đưa thông tin lên trang mạng xã hội cá nhân và nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn bè thì càng kích thích sự tự mãn, mà không hiểu rằng trong sự tung hô ấy có rất nhiều phần là những lời lẽ sáo rỗng, vô trách nhiệm chỉ bởi người nói ra không phải đối mặt cảm xúc với bất cứ ai.

Việc lạm dụng mạng xã hội đã vô tình xâm lấn thời gian giao tiếp với bạn bè trong cuộc sống, khiến các mối quan hệ xã hội ngoài đời thực cũng suy giảm.

Điển hình là những cảnh tượng trong quán cà phê, mọi người ngồi cùng bàn với nhau nhưng mỗi người đều cầm chiếc điện thoại và cứ dán mắt vào đó, thỉnh thoảng mới nói với nhau qua loa vài câu. Thậm chí còn chat với nhau qua mạng dù ngồi cách nhau chưa đầy gang tấc.

Tốn nhiều thời gian

Thế giới ảo gây nghiện cho người ta khi nào chẳng ai rõ. Đối với nhiều người, thật khó để kiềm chế không mở Facebook, Youtube,… mỗi khi ngồi trước máy tính có kết nối internet.

Dù người dùng luôn bao biện chỉ dành rất ít thời gian cho mạng xã hội mỗi lần song khi thống kê lại thời gian “rất ít” đó mới thấy nhiều đến mức nào trong một ngày, bởi thông tin trong đó cứ cuốn bạn đi mà khó lòng dừng chân.

Giờ đây, khoảng thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, giải trí, sau mỗi giờ làm việc nhất là với giới trẻ và dân công sở chỉ dành cho mạng xã hội.

Đối với một số người, đây là lúc cập nhật thông tin bạn bè, đọc tin tức của cuộc sống xung quanh một cách chừng mực, nhưng cũng không hiếm người bị cuốn theo những câu chuyện bà Tám ngay trên mạng xã hội, để rồi cả thời gian lẫn cảm xúc đều trở nên khó kiểm soát, đôi khi nghĩ lại thấy mình vướng vào những chuyện không đâu.

Tiếp xúc với những thông tin, hình ảnh không lành mạnh

Việc kiểm soát chất lượng và nội dung thông tin trên các trang mạng xã hội luôn là vấn đề nhức nhối hiện nay. Sẽ không quá khó khăn nếu người dùng muốn tìm những tấm hình nhạy cảm hay những đoạn clip “nóng” trên Facebook, Youtube.

Với những tâm hồn non dại, khi tiếp xúc những thứ này sẽ tạo tâm lý tò mò, muốn thử cảm giác thật ở đời thường do không kiểm soát nổi cảm xúc với những hình ảnh tình dục ám ảnh đã được xem, hậu quả là ngày nhiều các vụ án “dại dột” mà thủ phạm là những “yêu râu xanh” đang ở tuổi mới lớn.

Mạng xã hội là “cầu nối” cho tội phạm

Sự phát triển rầm rộ của những phần mềm gián điệp tinh vi thường “ẩn náu” trong “áo” mạng xã hội. Chúng sẽ đánh cắp thông tin người sử dụng với một đường link dính virus.

Đặc biệt là hành vi hack tài khoản để mạo danh, lừa đảo bạn bè hoặc người thân của nạn nhân, thậm chí thực hiện những hành vi phi pháp. Đôi khi có những cá nhân tung tin đồn nhảm không rõ cơ sở kéo theo sự quan tâm của nhiều người gây xôn xao dư luận.

Tác động mạnh tới tâm lý phát triển và nhân cách của giới trẻ

Khi tham gia mạng xã hội, rất nhiều người trẻ không lường trước nổi hậu quả ảnh hưởng của nó trong đời thực khi bị nhiều kẻ xấu “ném đá giấu mặt” ở trên mạng xã hội với ý đồ xúc phạm, nhục mạng người khác đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Nạn nhân bị tấn công mang tâm lý tự ti, mặc cảm, xấu hổ thậm chí là tự tử khi bị bêu xấu. Trong khi đó, có khá ít biện pháp có thể giúp những tâm hồn non nớt “tự vệ” trước những trang mạng tiêu cực, những cuộc tấn công không tìm ra lối giải quyết.

Đặc biệt là tình yêu “ảo” qua mạng xã hội, họ chia sẻ, lắng nghe nhau nói, an ủi nhau qua những tin nhắn, rồi dần nảy sinh tình cảm, nhưng đến khi gặp nhau ngoài đời thực không ít đối tượng thất vọng.

Thậm chí, một chàng trai đã tự tử vì quá sốc trong lần đầu tiên gặp gỡ khi chứng kiến nhan sắc thật của người yêu, sau một thời gian có tình cảm qua mạng xã hội.

Larry Rosen – Giáo sư tâm lý thuộc Đại học California (Mỹ) – khẳng định, sử dụng Facebook quá nhiều có thể gây rối loạn tâm lý ở tuổi thiếu niên.

Trong đó, ảnh hưởng tiêu cực nhất mà mạng xã hội gây ra cho trẻ là: rối loạn tâm lý, sống hoang tưởng, tiêu cực, có các hành vi chống đối xã hội, uống nhiều rượu; thường xuyên bỏ học, lo âu, trầm cảm, kết quả học tập sút kém, tỷ lệ đọc thấp, nguy cơ cao bị đau dạ dày, mất ngủ.

Nhiều trường hợp không thể hòa nhập vào cuộc sống thực sau một thời gian sống trong thế giới “ảo”. Đáng lo ngại hơn cả là không ít người trẻ có tri thức cũng đang dần “tự kỷ” chỉ biết trò chuyện với những người ảo trên mạng, mà quên mất người thân quanh mình.

Không chỉ sống “ảo” trên mạng xã hội, giới trẻ còn đắm chìm vào nhiều trò chơi giải trí trên internet với nhiều quán nét mọc lên như nấm.

Bên cạnh những trò giải trí lành mạnh thì những trò chơi bạo lực cũng không ngừng gia tăng, người chơi nhập vai thực hiện các hành động chém, bắn, giết người trong thế giới ảo, giết càng nhiều thì điểm càng cao.

Sức hút vô hình của những trò chơi này khiến không ít thanh niên ngồi dán mắt vào màn hình máy tính. Cứ vậy, những hình ảnh chém giết trên game ngày càng ăn sâu vào suy nghĩ của giới trẻ và muốn hành động như vậy trong thế giới thực.

Nghiện game online khiến một số bạn trẻ quen dần việc sử dụng ngôn từ “nóng” trên mạng, mất khả năng tư duy về ngôn ngữ đời thường.

Không chỉ vậy, những ứng dụng trò chơi trên kho dữ liệu được tải về qua smartphone đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của cha mẹ.

Tuy nhiên, nếu sử dụng đúng cách, mạng xã hội sẽ là một món ăn tinh thần khá tốt. Giúp cho người dùng biết được những thông tin đang diễn ra xung quanh mình, mang lại một cuộc sống văn minh, dễ dàng hơn và kết nối với nhiều bạn bè trên thế giới.

Nếu biết sử đúng cách, thế giới áo là một thị trường kinh doanh khá tốt, một công cụ an ủi tinh thần, bế tắc trong cuộc đời thực. Vì vậy, bản thân mạng xã hội không hề xấu mà quan trọng là cách thức sử dụng của mỗi người cho mục đích riêng.

Không phải ai vào thế giới ảo cũng tốt, cũng sống thật, và ngược lại. Chỉ duy nhất một điều, đằng sau chữ “ảo” là chữ “thật”, là những con người thật mang cảm xúc yêu thương thật và tổn thương cũng rất thật…

Sau thế giới ảo là những mối quan hệ, những tình bạn đổ vỡ, là lòng tin không còn, tất cả rồi cũng trở thành hư vô hết…Vì vậy, ảo không có nghĩa là không có thật…!

Theo SỐNG MỚI

[Lãnh Vực]

Tìm Kiếm