Sự sỉ nhục quốc gia qua bản đồ và sự xuất hiện hình thù địa lý TQ

Nguồn: William Callahan, “The Cartography of National Humiliation and the Emergence of China’s Geobody”, Public Culture 21(1), 2009, pp. 141-173.

Biên dịch: Tuấn Anh | Hiệu đính: Đỗ Thị Thủy

Tóm tắt

Bản đồ là một phần quan trọng trong việc tạo dựng và sử dụng hình ảnh quốc gia. Bài viết này nghiên cứu những bản đồ hiện đại của Trung Quốc để chỉ ra cách mà những biên giới rất cụ thể giữa không gian trong và ngoài nước là kết quả tự nhiên của các công trình biểu tượng của địa lý học lịch sử và những quy ước của bản đồ học Trung Quốc. Những tấm bản đồ này không chỉ dừng ở việc ngợi ca phạm vi chủ quyền của Trung Quốc mà còn đau đớn trước mất mát lãnh thổ quốc gia thông qua bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia. Mục tiêu của bài viết này là hướng sự chú ý của chúng ta từ các vấn đề ngoại giao về biên giới quốc tế sang nghiên cứu những gì mà bản đồ Trung Quốc của Trung Quốc có thể cho chúng ta biết về những hi vọng và những lo sợ của người Trung Quốc, không chỉ trong quá khứ hay hiện tại mà còn ở tận tương lai. Bài viết này có hai mục tiêu tổng quát: (1) giải thích những bản đồ quốc gia hiện tại của Trung Quốc đã xuất hiện như thế nào thông qua sự va chạm sáng tạo giữa lãnh thổ phong kiến không giới hạn và lãnh thổ có chủ quyền bị giới hạn, và (2) cho thấy cách mà bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia thể hiện chính trị sinh học của hình thù địa lý. Bài viết kết luận rằng kinh nghiệm thường là độc nhất vô nhị của Trung Quốc có thể cho chúng ta thấy bản đồ học cũng có vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc đấu tranh của các dân tộc khác.

Giống như lần đầu tiên trình diễn trên sân khấu thế giới, Trung Quốc đã không ngừng tạo dựng hình ảnh quốc gia cho bữa tiệc ra mắt hiện nay của mình. Sau nhiều thập kỷ với đường lối ngoại giao mang tính cách mạng thách thức cả hệ thống quốc tế, kể từ những năm 1990, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC) đã nỗ lực hành động nhằm xoa dịu những quan ngại của các quốc gia từng là mục tiêu của các hoạt động cách mạng của nước này. Trung Quốc là  một cường quốc “đang trỗi dậy hoà bình” hướng tới việc tạo nên một “thế giới hài hoà” là luận điệu mới nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực giới thiệu Trung Quốc ra thế giới như một chú gấu trúc đáng yêu hơn là một con rồng háu đói.

Bản đồ là một phần quan trọng của việc liên tục tự tạo hình ảnh của bất kỳ một quốc gia nào. Như những tấm bản đồ Trung Quốc được nghiên cứu ở đây sẽ cho thấy, những đường biên giới rất cụ thể giữa không gian trong và ngoài nước là sản phẩm tự nhiên của các công trình biểu tượng từ địa lý học lịch sử và những thông lệ của ngành vẽ bản đồ Trung Quốc. Những tấm bản đồ này không chỉ dừng ở việc ngợi ca phạm vi chủ quyền của Trung Quốc mà còn rên xiết trước sự mất mát các vùng lãnh thổ quốc gia thông qua bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia. Theo cách này, những rắc rối địa chính trị của các đường biên giới tranh chấp được thể hiện bởi sinh-chính trị (biopolitics) ngẫu nhiên của các tập quán bản sắc.

Hình 1 Hành trình đến châu Mỹ của Trịnh Hoà (1418). www.1421.tv/assets/ images/maps/1418_map _download.jpg

Bản đồ trong hình một và hình hai cho ta một cảm giác về những phức tạp trong sự can dự của Trung Quốc với thế giới. Bản đồ trong hình một là bằng chứng về Trung Quốc như một cường quốc thế giới đầy tự tin có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Nó vẽ hải đồ những hành trình của Đô đốc Trịnh Hoà triều Minh từ Trung Quốc tới vùng mà chúng ta gọi ngày nay là Đông Nam Á và Ấn Độ Dương, và cuối cùng tới tận bờ biển phía đông của châu Phi. Điều đáng chú ý ở tấm bản đồ đặc biệt từ năm 1418 này mà một nhà sưu tập Trung Quốc đã phát hiện ra vào năm 2001 là nó cũng vẽ hải đồ hành trình của Trịnh Hoà đi về phía Đông,  hàm ý rằng vị Đô đốc này “đã khám phá” ra châu Mỹ trước cả Columbus.[1] Và như chúng ta biết, “khám phá ra châu Mỹ” là một phần biểu tượng chính trị của việc là một cường quốc.[2]

Hình 2 Bìa sau của cuốn sách Con đường của Trung Quốc (1999). Wang, Fang, và Song, Quanqiuhua yinxiang xiade Zhongguo zhi lü

Nếu như tấm bản đồ trong hình một khẳng định một Trung Quốc tự tin hướng ngoại thì tấm bản đồ ở hình hai thể hiện nỗi lo sợ tan rã quốc gia của Trung Quốc. Tấm bản đồ này, được in trên bìa của cuốn sách mang tính chủ nghĩa dân tộc cao độ bán chạy nhất China’s Road under the Shadow of Globalization (1999) [Con đường của Trung Quốc dưới cái bóng của toàn cầu hóa], vẽ ra một Trung Quốc như nạn nhân của một âm mưu quốc tế nhằm chia cắt Trung Quốc thành một tập hợp của những quốc gia độc lập bao gồm Tây Tạng, Mãn Châu, Nội Mông, Đông Turkenstan và Đài Loan.[3] Các tác giả cho chúng ta biết đây là tấm bản đồ phổ biến ở phương Tây và có bản “gốc” bằng tiếng Anh về sự chia cắt của Trung Quốc ở bìa sau và phần dịch tiếng Trung ở bìa trước. Do đó, tấm bản đồ này được xem là bằng chứng về kế hoạch của phương Tây ngăn không cho Trung Quốc đạt được vị thế chính đáng của nước này như một cường quốc chủ yếu trên vũ đài thế giới.

Mặc dù cả hai tấm bản đồ đều khẳng định tính xác thực của chúng như là bằng chứng về sự khám phá của người Trung Quốc hay âm mưu của người phương Tây nhưng hóa ra không một tấm bản đồ nào đủ tính xác thực theo đúng nghĩa nó đáng ra phải thể hiện. Bởi vì nó hoàn toàn sai về niên đại và có nguồn gốc không rõ ràng nên đã có những nghi ngờ nghiêm túc về tính đúng đắn của tấm bản đồ khám phá thế giới – phần lớn mọi người hiện nay coi nó như một trò lừa bịp.[4] Mặc dù các tác giả của China’s Road [Con đường Trung Quốc] cho rằng đây là một tấm bản đồ phổ biến ở phương Tây, không một ai có thể tìm được xuất xứ của nó.[5]

Tuy nhiên, việc tìm kiếm “tính xác thực” đã bỏ qua điểm mấu chốt của những tấm bản đồ này: chúng chú trọng đến việc khẳng định hình ảnh chuẩn mực của Trung Quốc hơn là phản ảnh hiện thực. Hai tấm bản đồ này thể hiện một sự khao khát, truớc tiên theo nghĩa tích cực là giới thiệu Trung Quốc như một cường quốc thống nhất có tầm ảnh hưởng toàn cầu, và thứ hai theo nghĩa tiêu cực là điều mà Trung Quốc không hề mong muốn, nói như một thành ngữ phổ biến ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 là “bị chia cắt thành nhiều phần như một quả dưa.” Thật ra, điều này không có gì lạ, thậm chí rất nhiều bản đồ chính thức của Trung Quốc thực tế chỉ mang tính tưởng tượng và thể hiện mong muốn, vẽ vào những vùng lãnh thổ không thuộc quyền kiểm soát của quốc gia – nhưng có thể và nên là một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc: những tấm bản đồ của nước Cộng hoà nhân dân (CHND) Trung Hoa ghi nhận Đài Loan như một tỉnh của Trung Quốc, và cho đến tận gần đây, bản đồ của Trung Hoa Dân Quốc (ROC) vẫn bao gồm cả Nội Mông. Điều này minh hoạ việc những tấm bản đồ quốc gia không đơn thuần chỉ là sự phản ánh khoa học về lãnh thổ của “thế giới thực”; bản đồ còn là công cụ quyền lực mang tính kỹ thuật được sử dụng cho những mưu đồ chính trị. Ví dụ như, những sách bản đồ Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 đặc biệt thể hiện rằng nhà nước cộng hòa mới (thành lập năm 1912) cần có những tấm bản đồ quốc gia để biết chính xác nó đang cai trị cái gì.[6] Tiêu đề của một bài báo học thuật gần đây đã mô tả mục tiêu xuyên suốt của ngành vẽ bản đồ Trung Quốc: “Một thế kỷ trông đợi tổ quốc thống nhất.”[7]

Ở đây, tôi đi theo những người xem bản đồ và nghệ thuật vẽ bản đồ như những hành vi chính trị nhằm nỗ lực tạo ra cái mà Thongchai Winichakul gọi là “hình thù địa lý” quốc gia, vốn không “đơn thuần là không gian hay vùng lãnh thổ. Nó là một thành tố trong đời sống của một quốc gia. Nó là nguồn gốc của niềm kiêu hãnh, lòng trung thành, tình yêu….sự thù hận, sự có lý [và] cả sự vô lý.”[8] Giống như các sản phẩm nghe nhìn được sản xuất hàng loạt, những tấm bản đồ không chỉ là phản ánh khoa học của “hiện thực”; chúng còn tạo nên một bài diễn thuyết mang tính biểu tượng có thể hiệu triệu được cả quần chúng. Xét ở khía cạnh này, những tấm bản đồ không chỉ cho chúng ta biết về địa chính trị của các đường biên giới quốc tế; mà một khi mà chúng khắc họa không gian như một hình thù địa lý, chúng còn cho chúng ta biết về sinh-chính trị của các tập quán bản sắc quốc gia.

Do đó bản đồ và ngành vẽ bản đồ được sử dụng trong việc quản trị và phản kháng văn hóa ở Trung Quốc và Châu Á. Hiểu theo nghĩa đó, khu vực này không phải là độc nhất, nó đang tham gia vào quá trình hiện đại hoá tư bản chủ nghĩa, trong đó nhà nước cố gắng tương thích các đường biên giới lãnh thổ với biên giới văn hóa không chỉ thông qua áp lực quân sự và kiểm soát tài chính mà còn bằng cách quản lý các thực tiễn bản sắc. Bởi vì nhà nước không bao giờ có thể tiêu diệt được sự sinh sôi văn hóa, việc chống lại các nỗ lực tập trung hóa này được thực hiện dưới hình thức tạo ra các sản phẩm văn hóa thay thế, bao gồm các tấm bản đồ thay thế khắc họa các hình thù địa lý thay thế khác nhau.[9]

Theo nghĩa này, việc tạo dựng và điều chỉnh hình thù địa lý là một kỹ thuật của “quyền lực sinh học” (bio-power). Như Michel Foucault giải thích, cụm từ này đã mở rộng khái niệm chính trị từ khía cạnh pháp lý của quyền lực là hạn chế hành vi thông qua đe dọa mạng sống sang một cách hiểu tích cực hơn về quyền lực là nhấn mạnh đến sự vun bồi cho sự sống.[10] Chính trị sinh học đặc biệt hữu ích để hiểu sự xuất hiện của một nền chính trị hình thù quốc gia ở Trung Quốc bởi vì nước này từng được xem là “con bệnh của Châu Á,” kẻ mà cần được cứu sống (jiuguo – “cứu quốc”). Như chúng ta sẽ thấy, việc tái nhập các vùng lãnh thổ bị chia cắt (fenge – “phân cách”) là cách thức chủ yếu của việc tưởng tượng ra – và sau đó là kiểm soát – hình thù địa lý của Trung Quốc theo một phương thức kết hợp sinh chính trị và địa chính trị.

Chính vì vậy, các đường biên giới trong hình thù địa lý của Trung Quốc không rõ ràng, cũng không cố định; chúng phụ thuộc vào các sự kiện lịch sử và được dựng lên bằng các thông lệ của ngành vẽ bản đồ. Các đường biên giới của Trung Quốc là sản phẩm của xung đột và đấu tranh vì nước này đã trải qua những biến chuyển quan trọng, đầu tiên từ một đế chế sang một quốc gia-dân tộc ở đầu thế kỷ 20, và bây giờ là từ một quốc gia theo chủ nghĩa xét lại bị cô lập sang một siêu cường tích cực can dự khi bước vào thế kỷ 21. Do đó, tranh cãi về hình thù và kích thước chính xác của Trung Quốc không chỉ diễn ra ở các nước láng giềng có cùng chung khu vực biên giới với Trung Quốc mà còn ngay cả trong nội bộ Trung Quốc giữa các nhóm khác nhau, trong đó mỗi nhóm vẽ ra những tấm “bản đồ quốc gia” khác nhau để ủng hộ những hình thù địa lý ưa thích của mình. Trong khi việc phân tích cái nhìn của châu Âu và Mỹ về Trung Quốc để phê phán quan điểm của phương Tây về phương Đông (Đông phương học) khá phổ biến, bài viết này quan tâm nhiều hơn đến nền chính trị bản sắc về hình ảnh Trung Quốc trong khu vực của riêng mình, cái mà như chúng ta thấy nảy sinh từ xung đột giữa các bản đồ thời phong kiến Trung Quốc và bản đồ khoa học hiện đại.

Vì vậy, thay vì chỉ tìm hiểu địa chính trị của việc hình thù Trung Quốc đã thay đổi như thế nào khi bước vào thời kỳ hiện đại, những tấm bản đồ được thảo luận trong bài viết này sẽ nêu ra một loạt các vấn đề mang tính khái niệm. Để hiểu được hình thù địa lý của Trung Quốc, chúng ta cần bàn đến bản đồ học so sánh – nhưng thay vì so sánh Đông và Tây, chúng ta cần xem xét sự chuyển đổi khó khăn của Trung Quốc từ những hiểu biết không bị giới hạn về không gian và lãnh thổ thời cận đại tới những hiểu biết bị giới hạn về không gian và lãnh thổ ở đầu thế kỷ 20. Nói một cách đơn giản, tôi nghi vấn lập luận phổ biển cho rằng đã có một sự thay đổi từ khái niệm về giang sơn vô tận (jiangyu – “cương vực”) của phong kiến Trung Quốc trước đây sang hiểu biết hiện đại về chủ quyền lãnh thổ giới hạn (zhuquan lingtu – “chủ quyền lãnh thổ”).[11] Những tấm bản đồ sẽ cho thấy hai khái niệm giang sơn thời phong kiến và chủ quyền lãnh thổ vẫn cùng tồn tại ra sao – thường là trong một sư va chạm sáng tạo – để vẽ lên hình thù địa lý của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ở thế kỷ 21 theo sự tưởng tượng của người Trung Quốc.

Sự va chạm sáng tạo này khá rõ ràng trong một loạt bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc, mà như tôi lập luận đã tạo ra một liên kết giữa bản đồ học không bị giới hạn của phong kiến Trung Quốc và các bản đồ hiện đại về chủ quyền lãnh thổ của nước này. Những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia giúp chúng ta hiểu về sự xuất hiện hình thù địa lý của Trung Quốc vì chúng được tạo ra dành cho giáo dục phổ thông, ghi lại việc Trung Quốc “đã mất lãnh thổ” vào tay những kẻ xâm lược đế quốc như thế nào như khi nước này bị kéo vào thời hiện đại, bắt đầu bằng cuộc chiến tranh nha phiến năm 1840.[12] Tuy nhiên, những tấm bản đồ này không chỉ biểu lộ công khai những yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc thèm muốn đối với nhiều vùng lãnh thổ lân cận. Tôi cho rằng những tấm bản đồ theo mong muốn này thực ra cho chúng ta biết nhiều về nền chính trị sinh học mong manh của bản sắc mới của Trung Quốc như một cường quốc hơn là về địa chính trị của an ninh châu Á.

Để hiểu được hình thù địa lý của Trung Quốc xuất hiện như thế nào khi kết hợp hai khái niệm giang sơn phong kiến vô tận và lãnh thổ chủ quyền hiện đại, nên xem xét việc Thái Lan đã sử dụng ba chiến lược khác nhau để yêu sách nhiều nước chư hầu vào vùng lãnh thổ chủ quyền quốc gia của nước này như thế nào.[13] Chiến lược đầu tiên để yêu sách các thuộc địa phong kiến vào vùng lãnh thổ quốc gia nhằm phủ định những khác biệt giữa không gian theo trật tự thứ bậc vô tận của lãnh thổ phong kiến và không gian thuần nhất nhất bị giới hạn của lãnh thổ có chủ quyền. Chiến lược thứ hai là tạo ra những câu chuyện về tính lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc trong bối cảnh đời sống chính trị quốc tế hiện đại – đặc biệt là chủ nghĩa thực dân – trái ngược với lịch sử xâm lược phong kiến của chính Trung Quốc. Chiến lược thứ ba là lý giải tính lãnh thổ hoàn toàn theo lập trường riêng của Bắc Kinh, và do đó ngăn chặn bất kỳ quan điểm đối địch nào – từ Lhasa, Kashgar, hay Đài Bắc – mà có thể tranh cãi về phạm vi hình thù địa lý đáng mong muốn của Trung Quốc. Như chúng ta sẽ thấy, ngành bản đồ học của Trung Quốc đã sử dụng cả ba chiến lược này để biến lãnh thổ phong kiến triều Thanh thành lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia của CHND Trung Hoa.

Bài viết này có hai mục tiêu cơ bản: (1) lý giải cách thức các bản đồ quốc gia hiện tại của Trung Quốc đã xuất hiện thông qua va chạm sáng tạo giữa lãnh thổ phong kiến không bị giới hạn và lãnh thổ có chủ quyền bị giới hạn, và (2) cho thấy cách mà bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia thể hiện chính trị sinh học của hình thù địa lý. Do đó, mục đích của bài viết này không phải là xác định đường biên giới chính xác của Trung Quốc về phương diện pháp lý hay không gian địa chính trị. Đúng hơn, bài viết cố gắng nghiên cứu những gì mà các bản đồ Trung Quốc của Trung Quốc có thể cho chúng ta biết về những hi vọng và những lo sợ của họ, không chỉ trong quá khứ hay hiện tại mà còn cho tương lai. Bởi vậy, việc phân tích không bị giới hạn ở những câu hỏi chuẩn mực của địa chính trị và những tranh chấp biên giới; nó nghiên cứu nền chính trị sinh học của việc hình ảnh mà Trung Quốc tự nhìn nhận mình tương tác với hình ảnh nước này nhìn nhận về thế giới như thế nào. Như tôi gợi ý sau này trong phần kết luận, những trải nghiệm thường là độc nhất vô nhị của Trung Quốc có thể cho chúng ta thấy bản đồ học có vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc đấu tranh về chính trị sinh học rộng lớn hơn của những hình thù địa lý.

Bản đồ học so sánh 1: Giang sơn phong kiến và lãnh thổ có chủ quyền

Xác định đường biên giới của Trung Quốc 1: Bên ngoài/Bên trong

Xác định đường biên giới của Trung Quốc 2: Bên trong/Bên ngoài

Xác định đường biên giới của Trung Quốc 3: Những bản đồ sau sự kiện Thiên An Môn

Bản đồ học so sánh 2: Bản đồ quốc gia và Bản đồ về sỉ nhục quốc gia

Ngoại giao biên giới

Những hình thù địa lý thay thế

Kết luận: Địa chính trị và sinh chính trị trong sự xung đột sáng tạo

Download toàn bộ văn bản tại đây: Sự xuất hiện hình thù địa lý Trung Quốc

——————–

[1] “Chinese Cartography: China Beat Columbus to It, Perhaps,” (Ngành vẽ bản đồ Trung Quốc: Có lẽ Trung Quốc đã đánh bại Cô-lôm-bô), Economist (Nhà Kinh tế), số ngày 12 tháng 1 năm 2006, www.economist.com/displaystory.cfm?story_id=5381851. Gavin Menzies đã thừa nhận tấm bản đồ này mà ông gọi là “Bản đồ 1418” và đưa nó lên trang web của ông “1421: The Year When China Discovered the World,” (1421: Năm Trung Quốc khám phá thế giới), www.1421.tv/assets/images/maps/1418_map_download.jpg (truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2008).

[2] Walter D. Mignolo, The Darker of Side of the Renaissance: Literacy, Territoriality, and Colonization (Ann Arbor: University of Michigan Press), 219-313.

[3] Wang Xiaodong, Fang Ning, và Song Qiang, Quanqiuhua yinxiang xiade Zhongguo zhi lü [Con đường của Trung Quốc dưới cái bóng của toàn cầu hóa] (Bắc Kinh: NXB Khoa học xã hội, 1999).

[4] Đọc, ví dụ như , tác giả Joseph Kahn, “Storm over 1418 Map: History or Scam?” International Herald Tribune, ngày 17 tháng 1 năm 2006, www.iht.com/articles/2006/01/16/news/map.php. Đa số các nhà sử học cho rằng lập luận của Menzies về việc Trung Quốc đã khám phá ra châu Mỹ năm 1421 là một trò lừa bịp. Gavin Menzies, 1421: The Year When China Discovered the World (New York: Perennial, 2003).

[5] Đọc tác giả Roger Des Forges và Luo Xu, “China as a Non-hegemonic Superpower? The Uses of History among the China Can Say No Writers and Their Critics,” Critical Asian Studies 33 (2001):498, 507.

[6] Đọc, ví dụ như, tác giả Chen Gaoji, lời tựa Zhongguo xin yutu (New Atlas of China) [Sách bản đồ mới của Trung Quốc] (Shanghai: Commercial Press, 1925).

[7] Zhao Dachuan, “Shiji qipan zuguo tongyi” (“A Century of Anticipating the Unification of the Motherland”) [“Một thế kỷ trông đợi tổ quốc được thống nhất”], Ditu [Bản đồ học], số. 2 (2000): 39 – 44.

[8] Thongchai Winichakul, Siam Mapped: A History of the Geo-body of a Nation (Honolulu: University of Hawaii Press, 1994), 17. Đọc thêm Benedict Anderson, Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, ấn bản đã chỉnh sửa (New York: Verso, 2006), 170 – 78.

[9] Đọc tác giả Michael J. Shapiro, Methods and Nations: Cultural Governance and the Indigenous Subject (New York: Routledge, 2004), 49; và William A. Callahan, Cultural Governance and Resistance in Pacific Asia (London: Routledge, 2006), 1 – 20.

[10] Đọc tác giả Michel Foucault, The History of Sexuality: An Introduction (New York: Vintage, 1990), 133; và Foucault, “Society Must Be Defended”: Lectures at the Collège de France, 1975 – 1976 (New York: Picador, 2003).

[11] Lü Yiran, chủ biên, Zhongguo jindai bianjie shi [Lịch sử những đường biên giới hiện đại của Trung Quốc], 2 tập (Thành Đô: Nhà xuất bản nhân dân Tứ Xuyên, 2007), 1:1 – 2; để có một quan điểm phê phán, đọc Huang Donglan, “Lingtu, jiangyu, guochi: Qingmo Minguo dili jiaokeshu de kongjian biaoxiang” [Lãnh thổ, Cương vực và Sự sỉ nhục quốc gia: Những khái niệm về không gian trong sách giáo khoa địa lý từ triều Thanh trước đây và thời kỳ dân quốc], trong Shenti, xinxing, quanli [Cơ thể, trí tuệ và quyền lực], biên tập Huang Donglan (Hàng Châu: Nhà xuất bản nhân dân Triết Giang, 2005), 77 – 79.

[12] Để có một phân tích phản biện về việc “Một thế kỷ của sự sỉ nhục quốc gia” thể hiện những tập quán bản sắc hiện đại ở Trung Quốc, đọc tác giả William A. Callahan, “National Insecurities: Humiliation, Salvation, and Chinese Nationalism,” Alternatives 29 (2004): 199 – 218.

[13] Lập luận này được tóm tắt từ Thongchai, Siam Mapped, 147 –48

Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế

[Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm