…..

Carl Gustav JUNG

 THĂM DÒ TIỀM THỨC

 Essai d’exploration de l’inconscient

 Dịch Giả: Vũ Đình Lưu

 CHƯƠNG 8

VAI TRÒ CỦA BIỂU TƯỢNG

________

…..

Khi nhà phân tâm học chú trọng đến biểu tượng, trước hết họ khảo sát những biểu tượng “tự nhiên”, đối chiếu với biểu tượng “văn hóa”. Loại thứ nhất thoát thai từ nội dung phi ý thức của cái psyché, như thế nó biến đổi ra biết bao nhiêu hình ảnh có tính cách biểu tượng chính yếu khác. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người ta có thể tìm thấy nguồn cội tối sơ của chúng, nghĩa là những ý nghĩ và hình ảnh tìm thấy ở các xã hội cổ sơ. Còn như biểu tượng văn hóa là những biểu tượng dùng để diễn tả những “chân lý vĩnh cửu”. Những biểu tượng này đã nhiều lần thay đổi, có thể do một tiến trình cấu tạo có ý thức, và trở thành những hình ảnh tập thể được các xã hội văn minh chấp nhận.

Tuy nhiên những biểu tượng văn hóa vẫn giữ phần lớn tính chất huyền nhiệm quyến rũ nguyên thủy làm người ta say mê. Người ta biết rằng chúng có thể gây ra cho một số người những phản ứng tâm tình sâu xa, nhờ sinh lực tâm thần của chúng, chúng có tác động gần như những thành kiến. Chúng là một yếu tố mà nhà tâm lý học phải kể đến. Thật là ngu muội mà bỏ qua chúng chỉ vì lý do xét về phương diện duy lý nó có vẻ phi lý và không dính dáng gì đến vấn đề. Chúng là một thành phần quan trọng của cơ cấu tâm thần và đóng một vai trò chính yếu trong sự xây dựng xã hội loài người. Ta không thể tước bỏ đi mà không làm mất một phần hệ trọng. Một khi bỏ quên hay dồn nén, sinh lực đặc thù của những yếu tố ấy biến vào trong tiềm thức và gây ra những hậu quả không thể lường được. Bởi vì sinh lực tâm thần không dùng đến sẽ làm thức tỉnh hay tăng cường những khuynh hướng bản năng trong tiềm thức, những khuynh hướng ấy không được phép bộc lộ hay ít ra chưa bao giờ được phép hiện hữu trong ý thức mà không bị bóp nghẹt. Những khuynh hướng ấy hợp lại thành một cái “bóng mờ” của tâm trí ra, nó luôn luôn có mặt và có cơ phá hại. Cả đến những khuynh hướng có thể gây ảnh hưởng tốt trong một vài trường hợp, cũng trở thành ác quỷ nếu chúng bị dồn nén. Vì thế cho nên ta hiểu rằng những người suy tưởng có quân bình rất sợ cái tiềm thức, lại sợ thêm cả tâm lý học.

Thế kỷ này đã cho phép ước lượng những tai họa sắp đến khi chúng ta đã mở cửa cái thế giới bí mật âm u.

Những biến cố khủng khiếp đã làm đảo lộn thế giới ngày này mà trong những năm sống vô tư vô lự khoảng đầu thế kỷ này không ai có thể tưởng tượng ra được. Và từ đấy thế giới trở thành điên dại. Không những nước Đức văn minh bộc lộ tính hung hãn dã man trong họ, mà tính man rợ đó còn thống trị cả người Nga, rồi châu Phi cũng bốc lửa. Không lạ gì khi thế giới phương Tây phải lo ngại.

Con người ngày nay không hiểu rằng quan niệm duy lý đã để họ phó mặc cho thế giới bí hiểm âm u trong thâm tâm họ khu xử (vì nó làm cho họ mất hẳn khả năng phản ứng trước những biểu tượng và ý tưởng huyền bí). Họ thoát được hay ít ra tưởng rằng mình thoát được mê tín dị đoan, nhưng đồng thời họ cũng mất những giá trị tâm linh đến mức độ đáng lo ngại. Truyền thống đạo đức và tâm linh đều tan rã, họ phải trả giá cho sự suy sụp ấy bằng sự hỗn loạn và sự phân tán lan tràn khắp thế giới.

Các nhà nhân loại học thường mô tả tình trạng xáo trộn xảy ra cho những xã hội bán khai khi những giá trị tâm linh tan rã vì sự xâm lấn của nền văn minh hiện kim. Con người trong những xã hội ấy mất ý hướng cuộc sống của mình, những tổ chức xã hội tan rã và đời sống tinh thần của cá nhân cũng tan rã. Ngày nay chúng ta cũng đang ở tình trạng ấy. Nhưng chưa bao giờ chúng ta hiểu thật sự tình trạng suy vong của mình, bởi vì những người hướng dẫn tâm linh chúng ta chỉ chăm lo bảo vệ đạo pháp tôn giáo mà không chịu tìm hiểu tính chất bí hiểm hiểm của biểu tượng tôn giáo. Theo ý tôi, tín ngưỡng không hề làm cho người ta mất suy xét (khí giới hữu hiệu nhất của loài người); nhưng khốn thay, nhiều người tin đạo hình như sợ hãi khoa học (trong trường hợp này khoa học tâm lý học), đến nỗi họ mù tịt không biết gì về những động lực tâm thần huyền nhiệm đã bấy lâu chi phối vận mệnh người đời. Chúng ta đã làm cho sự vật mất hết bí hiểm và huyền nhiệm: chúng ta không còn thấy cái gì thiêng liêng nữa.

Từ một thời kỳ đã xa hơn, khi những ý niệm phi ý thức còn có đường tiếp xúc với tâm thức thì tâm thức còn hội nhập cả hai phần đó thành một tập hợp tâm thần nhất trí. Nhưng con người văn minh ngày nay không thể làm như thế được nữa. Trí khôn “sáng suốt” của họ tự cấm đoán họ phương tiện thâu nạp phần đóng góp của bản năng và tiềm thức. Những phương tiện ấy chính là những biểu tượng huyền nhiệm mà mọi người đều cho là có tính chất thiêng liêng.

Thí dụ ngày nay chúng ta nói đến “vật chất”, chúng ta mô tả đặc tính của vật chất. Chúng ta thực nghiệm trong phòng thí nghiệm một vài khía cạnh của vật chất. Nhưng danh từ “vật chất” vẫn là một ý niệm hoàn toàn khô khan phi nhân tính và thuộc về lĩnh vực trí thức, không có âm hưởng vang dội gì trong tâm thần ta cả. Khác hẳn hình ảnh cổ xưa của vật chất là Granda Mère (1) có thể diễn tả sâu xa ý nghĩa tâm tình của Đất Mẹ. Cũng như thế, cái gì ngày xưa gọi là “l’esprit” (tinh thần) bây giờ đồng nghĩa với “intellect” (trí năng) không còn nghĩa rộng rãi là Chúa tể của vạn vật ( Père de Tout). Nó còn thoái bộ đến mức chỉ còn là thứ tư tưởng của người cho mình là trung tâm vũ trụ; nguồn sinh lực dồi dào của tâm tình gợi lên bởi danh từ ấy đã mai một trong cái trí thức hoang vắng như sa mạc.

Hai nguyên tắc siêu tượng của vật chất và tinh thần còn là nền tảng của hai hệ thống tư tưởng Tây phương và Cộng sản. Tuy nhiên quần chúng và lãnh tụ của họ không hiểu rằng không có gì khác biệt nhiều nếu Tây phương dùng một danh từ thuộc giống đực (dương) như chữ Cha tượng trưng cho tinh thần để chỉ nguyên lý vũ trụ, còn thế giới Cộng sản dùng một danh từ về giống cái (âm) như chữ Mẹ tượng trưng cho vật chất để chỉ nguyên lý đó, chúng ta không biết gì về tinh lý của tinh thần cũng như vật chất. Ngày xưa, người ta dùng những lễ nghi tục lệ phiền phức để tôn thờ những nguyên lý đó, ít ra như thế cũng chứng tỏ rằng những nguyên lý đó có tầm quan trọng đối với tâm thần người ta. Còn như ngày nay chúng ta chỉ có những ý niệm trừu tượng về những nguyên lý ấy mà thôi.

Kiến thức khoa học tiến bộ thì thế giới cũng mất dần tính chất của con người. Con người cảm thấy mình cách biệt với vũ trụ bởi vì con người không tham dự vào thiên nhiên, cạnh khía tâm tình phi ý thức của họ không tham dự vào những hiện tượng thiên nhiên. Và những hiện tượng thiên nhiên dần dần không còn là trận lôi đình của Ngọc hoàng Thượng đế, sét không còn là khí giới trả thù của thiên thần. Sông không còn có hà bá, cây không còn có ma, hang đá không còn có quỷ. Hòn đá, cái cây, con vật không còn đối thoại với người và người ta không trao đổi tâm tình với nó làm như nó nghe được. Sự liên lạc của con người với thiên nhiên đã bị gián đoạn, vì như thế mà biến mất những sinh lực tâm tình sâu xa được tạo ra bởi những liên lạc với những biểu tượng của con người.

Biểu tượng của giấc mơ cố gắng đền bù lại sự mất mát quan trọng, tiết lộ bản chất nguyên thủy của ta bản năng ấy. Khốn thay biểu tượng diễn tả bằng ngôn ngữ thiên nhiên quái dị đến nỗi ta không thể hiểu được. Bởi vậy chúng ta cần phản phiên dịch thứ ngôn ngữ ấy ra những danh từ và ý niệm hợp lý của tiếng nói ngày nay. Tiếng nói ngày nay gạt bỏ hết những cái rắc rối thuở trước, nhất là khía linh diệu của sự vật nó diễn tả. Ngày nay, khi chúng ta nói đến con ma hay những con vật huyền bí nào khác, không phải chúng ta nói để gọi ma lên. Những danh từ ấy ngày xưa mãnh liệt là thế mà nay mất cả mãnh lực, mất cả vinh quang. Chúng ta không còn tin bùa chú nữa. Bây giờ rất ít những tục bí mật hay những cách cấm kỵ, tương tự; thế giới của chúng ta ngoài mặt đã xóa bỏ những mê tín dị đoan như bùa pháp, tà thuật, ấy là không nói đến những người chó sói, ma cà rồng, linh hồn rừng rú và những vật quái dị khác của rừng thiêng nước độc thuở ban sơ.

Đúng hơn, ngoài mặt thế giới của chúng ta đã gột sạch những yếu tố dị đoan và phi lý. Nhưng ta nghi ngờ không biết thế giới nội tâm của chúng ta đã gột bỏ được những yếu tố cổ lỗ chưa (nói thế giới nội tâm thực sự chứ không phải hình ảnh mà ta có về thế giới nội tâm đó). Có phải con số 13 vẫn còn kiêng kỵ, đối với nhiều người không? Biết bao nhiêu người còn bị giam hãm bởi những thành kiến phi lý, những ảo tưởng phù phiếm? Nếu ta lấy con mắt thiết thực mà nhận xét người đời, ta sẽ thấy còn sót lại rất nhiều tàn tích cổ lỗ vẫn còn giữ vai trò của mình cứ như chẳng có gì thay đổi từ 500 năm nay. Hiểu rõ điều ấy thật là cần thiết: con người ta ngày nay tập hợp một cách kỳ dị những tính chất thu thập lần hồi qua sự phát triển của trí óc hàng mấy ngàn năm. Và chính cái thực thể pha trộn ấy, con người và những biểu tượng của họ, chúng ta phải chăm lo cho nó, và phải khảo sát đời sống tinh thần với sự chăm chú nhất. Sự hoài nghi và sự tin tưởng khoa học cùng có chỗ đứng bên cạnh những thành kiến lỗi thời, những cách suy tưởng và cảm động đã qua rồi, những cách ương ngang cố chấp vô nghĩa, những sự mù quáng ngu muội.

Vậy là những con người ngày nay, họ tạo ra những biểu tượng mà các tâm lý học gia chúng tôi đem ra nghiên cứu. Muốn giải thích những biểu tượng ấy và ý nghĩa của nó, sự cần thiết là phải xét xem biểu tượng liên hệ đến một kinh nghiệm hoàn toàn cá nhân hay người ta tạo ra nó nhân một giấc mơ, nhân một trường hợp đặc biệt có vận dụng cái hiểu biết của một ý thức tập thể.

Ta hãy lấy làm thí dụ một giấc mơ có con số 13. Vấn đề là phải biết người nằm mơ có tin rằng ấy xui xẻo hay không, hay là con số 13 trong giấc mơ ấy chỉ ám chỉ những người còn mê tín con số 13. Trong trường hợp thứ nhất, phải kể đến sự kiện người ta còn bị ám ảnh bởi con số 13 xui xẻo. Như vậy, người ta sẽ lo ngại lắm nếu phải ở một phòng khách sạn số 13 hay một bữa cơm có 13 thực khách. Còn như trong trường hợp thứ hai, con số 13 có lẽ chỉ được coi như một cách ngạo mạn hay khinh miệt người ta mà thôi. Người nằm mơ tin dị đoan còn bị “mê hoặc” bởi con số 13. Người nằm mơ “thông đạt nhã lý” hơn đã gạt bỏ âm hưởng tâm tình nguyên thủy (sa tonalité affective originelle) của nó rồi.

Thí dụ trên đây chứng tỏ sự bộc lộ siêu tượng trong những kinh nghiệm thực tiễn. Siêu tượng vừa là hình ảnh lại vừa là xúc động. Người ta chỉ có thể nói đến siêu tượng khi nào hai khía cạnh đó cùng xuất hiện một lúc. Khi nào chỉ có hình ảnh thì siêu tượng chỉ tương đương với một sự tả cảnh không có âm vang gì. Nhưng khi siêu tượng chứa chất xúc động tâm tình thì hình ảnh trở nên huyền nhiệm (hay có sinh lực tâm thần). Siêu tượng trở nên linh động dĩ nhiên phải gây ra hậu quả.

Tôi nhận thấy rất khó mà hiểu được ý niệm ấy bởi vì tôi chỉ dùng chữ để tả cái gì không thể lấy một định nghĩa chuẩn xác để diễn tả đúng bản chất của nó. Nhưng vì có nhiều người muốn cho siêu tượng là thuộc bộ phận một hệ thống máy móc có thể học thuộc lòng, cho nên tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng biểu tượng không phải chỉ là những chữ, hay những ý niệm triết lý. Đó là những phần những đoạn của đời sống, những hình ảnh thuộc thành phần của đời sống một người bộc lộ bằng cảm xúc. Bởi vậy không thể cho siêu tượng một định nghĩa võ đoán hay phổ quát. Phải cắt nghĩa nó tùy theo tình trạng tâm lý toàn diện của một cá nhân sử dụng nó.

Thí dụ, trong trường hợp một người Ky Tô giáo mộ đạo, biểu tượng thập tự chỉ có thể suy diễn trong nội dung Ky Tô giáo, trừ khi người nằm mơ có lý lẽ quan trọng để tìm hiểu ý nghĩa ở nơi khác. Cả trong trường hợp ấy cũng phải nghĩ đến ý nghĩa Ky Tô giáo của nó. Nhưng không thể nói rằng bất cứ ở đâu hay lúc nào biểu tượng thập tự cũng có cùng một ý nghĩa. Nếu như thế thì biểu tượng mất tính chất huyền nhiệm, mất sinh lực của nó và trở thành một danh từ rất thường.

Những người không hiểu rõ phương diện tình cảm đặc biệt của siêu tượng chỉ thấy nó là một tập hợp những ý niệm thần thoại mà người ta có thể sắp xếp làm cho tất cả đều có ý nghĩa cả. Những cái tử thi kia giống hệt nhau về phương diện hóa học, nhưng những người sống không giống nhau. Siêu tượng chỉ bắt đầu sống khi nào người ta kiên tâm khám phá ra tại sao siêu tượng có một ý nghĩa cho một người sống và ý nghĩa ấy thế nào.

Ngôn từ trở thành vô dụng khi người ta không hiểu từ đó chứa đựng những ý nghĩa gì. Điều này rất đúng về phương diện tâm lý học mà hằng ngày người ta nói đến siêu tượng cũng như chúng tôi nói đến anima, animus (2)  Grande Mère, v.v… Người ta có thể biết hết về thánh thần, hiền triết, tiên tri, nữ thần của các dân tộc trên thế giới: nếu người ta coi chúng như những hình ảnh thường, chưa bao giờ minh xác được mãnh lực huyền nhiệm, thì người ta nói đến như thể nói mê, không biết mình nói cái gì. Những chữ mà người ta dùng đều trống rỗng, không có giá trị gì cả. Đời sống của những chữ ấy chỉ bừng lên nếu người ta cố gắng kể đến cạnh khía huyền nhiệm của chúng, nghĩa là sự liên lạc của chúng với người sống. Chỉ đúng vào lúc ấy, người ta mới hiểu rằng tên gọi siêu tượng chẳng có gì quan trọng, và rằng tất cả phụ thuộc vào cách thức mà chúng liên hệ với chúng ta.

Nhiệm vụ sáng tạo của những biểu tượng giấc mơ là sự cố gắng làm cho cái tâm thức đã tiến bộ, đã sáng suốt, nhớ lại tinh thần nguyên thủy của con người. Thuở trước tâm thức chưa bao giờ được sáng suốt như thế, người ta chưa bao giờ biết suy xét phê phán. Trong một quá khứ xa xôi, tinh thần nguyên thủy đó là toàn thể cá tính của con người. Dần dần tâm thức người ta phát triển thì cũng mất liên lạc với sinh lực tâm thần nguyên thủy rồi càng ngày càng mất thêm. Thậm chí hoạt động tinh thần có ý thức chưa bao giờ biết đến hoạt động tinh thần nguyên thủy, bởi vì hoạt động tinh thần nguyên thủy đã biến vào trong tiến trình tạo lập cái tâm thức, và chỉ có tâm thức biết suy nghĩ mà thôi. Nhưng hình như cái mà ta gọi là tiềm thức vẫn giữ những đặc điểm của trí óc con người nguyên thủy. Những biểu tượng giấc mơ hầu như luôn luôn tham chiếu những đặc điểm ấy; hình như tiềm thức tìm cách làm sống lại những cái mà trí óc đã loại bỏ đi trong quá trình tiến hóa như: ảo ảnh, hình ảnh trong giấc mơ, hình thức tư tưởng cổ lỗ, bản năng chính yếu….

Điều đó cắt nghĩa được tại sao người ta không tin hay có khi lo sợ nếu nói đến cái gì thuộc về tiềm thức. Vì đó không phải là những tàn tích vô hại hay không ảnh hưởng gì đến ta. Trái lại tiềm thức rất nhiều sinh lực cho nên thường làm cho ta bứt rứt. Nó có thể làm cho ta sợ sệt thực sự. Nó càng bị dồn nén, nó càng thêm ảnh hưởng đến toàn thể con người chúng ta dưới hình thức suy nhược thần kinh. Ấy chính sinh lực tâm thần tạo cho nó uy thế lớn lao đó. Mọi việc đều xảy ra như con người sau khi qua một thời kỳ vô thức, bất thần nhận thấy một lỗ hổng trong trí nhớ, nhiều việc quan trọng xảy ra mà họ không thể nhớ lại được. Nếu họ tin rằng cái psyché chỉ thuộc về cá nhân (đó là sự tin tưởng thông thường) họ sẽ cố gắng nhớ lại ký ức thiếu thời có vẻ như đã mất. Nhưng những lỗ hổng trong ký ức tuổi thơ chỉ là triệu chứng trong sự mất mát quan trọng hơn nhiều, mất cái psyché tối cổ.

Một mầm giống diễn tả lại những giai đoạn tiền sử khi nó phát triển, trí óc người ta cũng vậy, nó cũng trải qua nhiều giai đoạn tiền sử. Nhiệm vụ chính yếu của giấc mơ là nhắc lại cho trí nhớ của ta cái tiền sử ấy và cái thế giới của tuổi thơ ấu còn ở mức độ những bản năng sơ thủy nhất. Sự nhắc lại đó có thể có hậu quả tốt đẹp cho tâm thần, như Freud đã để ý đến từ lâu. Sự nhận xét này xác định quan điểm cho rằng những lỗ hổng trong ký ức tuổi thơ là một mất mát thực sự, nhớ lại được sẽ làm tăng sức sống và sự thư thái tâm hồn.

Vì đứa trẻ còn nhỏ, tư tưởng có ý thức của nó còn đơn giản và hiếm hoi, cho nên chúng ta không hiểu rằng những ẩn khúc sâu rộng của tâm trạng trẻ em nguyên do tại tâm trạng ấy khởi thủy đồng nhất với cái psyché tiền sử. Tinh thần nguyên thủy ấy cũng có mặt hoạt động trong đứa trẻ như những giai đoạn tiến hóa sinh lý của nhân loại hoạt động trong mầm giống của bào thai. Nếu độc giả nhớ lại những điều tôi nói ở trên về những giấc mơ kỳ lạ của đứa con gái nhỏ ghi lại để tặng cha, độc giả sẽ hiểu tôi muốn nói gì.

Người ta thấy hiển hiện trong bệnh mất trí nhớ của trẻ con nhiều yếu tố thần thoại thường thường sau này tái phát trong những loại tâm bệnh. Những hình ảnh thuộc loại ấy có tính chất huyền nhiệm cao kỳ, và vì thế cho nên rất quan trọng. Nếu những ký ức ấy tái hiện trong đời sống trưởng thành, có khi gây ra những rối loạn tâm lý sâu xa, nhưng đối với một số người khác thì trái lại, chúng làm cho họ khỏi bệnh như có một phép lạ, hay làm cho họ đổi tín ngưỡng, tin một tôn giáo khác. Rất nhiều khi chúng làm xuất hiện trong trí nhớ một giai đoạn đời sống đã biến mất từ lâu, sự nhớ lại đó lại có ý nghĩa cho đời sống của họ và làm cho đời sống của họ trở nên phong phú. Sự nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ, và sự tái tạo những tâm trạng liên hệ đến những siêu tượng có thể mở cho người ta những chân trời rộng rãi và mở rộng tầm hoạt động của tâm thức, nhưng với điều kiện là tâm thức tiêu hóa và hội nhập những yếu tố bị bỏ mất hay mới tìm thấy. Những yếu tố đó không phải là vô thưởng vô phạt, một khi người ta thâu nhận nó, nó sẽ thay đổi cá tính của người ta và ngược lại, người ta cũng thay đổi nó. Giai đoạn thâu nhận ấy người ta gọi là “tiến trình nhân cách hóa”, trong giai đoạn ấy sự giải thích những biểu tượng đóng một vai trò quan trọng về phương diện thực tiễn. Bởi vì biểu tượng là những cố gắng tự nhiên để hòa giải và kết hợp những yếu tố trái ngược nhau trong cái psyché.

Dĩ nhiên là nếu người ta chỉ nhìn những biểu tượng rồi gạt nó ra ngoài thì chẳng thấy hiệu quả gì, tình trạng suy nhược thần kinh lại tái diễn, sự cố gắng tổng hợp không đi đến kết quả nào. Khốn thay một số ít người thừa nhận là có siêu tượng lại chỉ coi đó là những danh từ như những danh từ khác mà bỏ quên đời sống thực sự của siêu tượng. Khi người ta đã loại bỏ một cách không chính đáng tính cách huyền nhiệm của nó, tự dưng sẽ xảy ra một tình huống xáo trộn, thậm chí không còn có thể nhận ra được. Đành là nhiều khi một siêu tượng có thể có nhiều hình thức hay siêu tượng này có thể mượn hình thức của siêu tượng kia, nhưng mỗi siêu tượng có một vẻ huyền nhiệm riêng, khi nó đã hiện ra trong trí óc người nào thì vẻ huyền nhiệm riêng đó là giá trị của nó.

Ta phải luôn luôn nhớ đến giá trị tâm tình của nó và kể đến giá trị đó khi dùng lý trí để luận giải giấc mơ. Người ta dễ mất liên lạc với nó vì cảm xúc và suy tưởng là hai tác động hoàn toàn đối nghịch nhau, suy tưởng là tự nhiên gạt bỏ cảm xúc và cảm xúc là gạt bỏ suy tưởng. Tâm lý học là khoa học duy nhất dùng đến yếu tố giá trị (tình cảm) bởi vì yếu tố đó là mối dây liên lạc giữa sự kiện tâm thần và đời sống. Chính vì thế cho nên người ta thường cho rằng tâm lý học không có tính cách khoa học. Điều mà nhà phê bình không biết đến là chính nhu cầu khoa học và thực tiễn bắt buộc phải dành cho tâm tình một địa vị xứng đáng trong công việc nghiên cứu.

________

(1) Như ta gọi là Đất Tổ

(2) Xin coi giải thích ở những phần trên.

Hết: Vai Trò Của Biểu Tượng Xem Tiếp: Lập Lại Mối Liên Hệ Giữa Tiềm Thức Và Ý Thức

 

Tìm Kiếm