THƯ HƯƠNG

 GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

 Kính Thưa Quý Vị,

Hôm nay chúng ta hội nhau để Giỗ Tổ Hùng Vương, một lễ trọng đại hơn hết của Việt Nam vì bao hàm không những TỔ QUỐC mà luôn cả TỔ NGƯỜI. Càng trọng thể hơn nữa vì đây là một lễ đặc trưng của Việt Nam không một nơi nào khác trên thế giới có cả, các nơi chỉ có ngày Quốc Khánh hầu hết là để kỷ niệm một biến cố lịch sử nào đó như phá ngục Bastille của Pháp, hay ngày 4th July của Mỹ, cũng chỉ là ăn mừng Độc Lập chứ không phải là giỗ tổ theo hai nghĩa trên nói lên sự độc lập cả hàng dọc đối với đất trời, cũng như hàng ngang đối với các bạo lực chuyên chế. Chính vì nét đặc trưng đó, nên chúng tôi xin nói ít lời về hai ý nghĩa trên. Vậy trước hết là Giỗ TỔ NGƯỜI.

Ngày Giỗ Tổ của Việt Nam có thể gọi được là ngày Sinh Nhật của Con NGƯỜI mà Hùng Vương là một điển hình, một mẫu mực cổ sơ tức một mô thức phổ biến của con người Đại Ngã Tâm Linh được Việt Nho quan niệm như là ‘nơi quy tụ Đức của Trời cùng Đất’ (nhân giả kỳ thiên địa chi đức), nghĩa là một vật Lưỡng Thê sống cả hai chiều kích: cả Tâm lẫn Vật. Chính vì thế mà Hùng Vương sinh ra từ mẹ Tiên và cha Rồng tức là đức Trời Đất đã hàm ngụ ngay từ trong thân mẫu. Đến ngày sinh thì được an định vào mồng 10 tháng 3 cùng một ý đất trời lưỡng hợp vì mồng mười là thập thiên can chỉ đức Trời, còn tháng ba là cung dần, chỉ đức Đất. Tại sao lại lấy cung Dần? Thưa Dần là con vật mạnh nhất trong thập nhị địa chi, nên có tên là HÙNG cùng loại Dần đều hàm ngụ sức mạnh vô biên vì bao quát được cả đức Trời lẫn Đất, nhờ đó mà vượt được hai đợt xiềng xích thường trói buộc tâm trạng con người được chỉ thị bằng Cưỡng Hành và Lợi Hành để vươn tới đợt AN HÀNH thuộc Tâm Linh, tức vượt đến giai đoạn mà con người không còn làm vì sợ trời đánh thánh vật, hay vì trục lợi cầu danh mà thấy đáng làm thì làm, đó là đợt ĐỘC LẬP Tâm Linh. Cần nhìn bao trùm sử trình tiến hóa nhân loại mới nhận ra được rằng phải Hùng Tráng biết bao mới vươn lên đến đợt Tâm Linh nọ. Vì thế nói đựơc Hùng Vương là một mẫu mực người tròn đầy viên mãn cũng như cân đối một cách siêu việt mà cho tới nay chưa thấy đâu sản xuất ra nổi, dù mới chỉ trên đợt lý thuyết. Những siêu nhân của Nietzsche, siêu hồn của Emerson hay cả quan niệm coi người là thượng đế vong thân của Hegel cũng đều thiên lệch, chưa sao đạt độ cân bằng siêu tuyệt như Hùng Vương.

Trở lên là nói về quan niệm tiên thiên. Bây giờ hãy xét đến hậu thiên tức là kiểm chứng xuyên qua tác hành. Ở đây ta cũng thấy Hùng Vương luôn luôn đặt quan trọng trên sự Hòa Hợp Đất Trời như tích trầu cau nơi ba yếu tố là lá, đá, cây chỉ trời, đất, người hòa hợp làm nên một chất mới là màu đỏ tươi thắm. Rõ hơn nữa là truyện Bánh Dày Bánh Chưng.

Bánh dàyTròn chỉ TRỜI.

Bánh chưng Vuông chỉ ĐẤT.

Hai đàng chồng lên nhau chỉ một Giao Hòa siêu tuyệt đến nỗi dẫu một bên là tròn, một bên là vuông, mà hai bên vẫn hòa hợp với nhau được. Triết học chưa sao quan niệm nổi được một cái vòng vuông, mà đây đã có rồi, hơn thế nữa còn được coi như điều kiện tiên quyết để xứng đáng nắm quyền cai trị. Hùng Vương chỉ truyền ngôi cho công tử Lang Liêu tác giả cặp bánh cân đối nọ.

Điều ấy dẫn đến điểm thứ hai là Giỗ TỔ QUỐC.

Xin hỏi đó là Quốc nào? thưa là VĂN LANG Quốc. Chữ ‘Lang’ vừa có nghĩa là ‘nước’ vừa có nghĩa là ‘người’. Vậy ‘Văn’ là gì? Theo nguyên nghĩa VĂN chỉ sự ‘GIAO THOA của TRỜI và ĐẤT’ như được biểu thị bằng cách vẽ trên mình hình rồng chỉ đất, mang mũ áo lông chim chỉ trời.

Rõ ràng người sao chiêm bao vậy, nghĩa là người được quan niệm bao hàm đức trời đức đất thì thành tích là nước Văn Lang cũng bao hàm nét trời nét đất y hệt. Đó là nói bằng tiêu biểu, khi áp dụng vào cụ thể thì là một nước VĂN Trị hay nói rộng ra là LỄ Trị và NGHĨA Giao, tức các mối giao liên của con người đặt trên Tình Người mà không đặt trên sức mạnh vật chất. Khi đặt trên sức mạnh vật chất thì không phải Văn lang mà là ‘sài lang quốc’. Muốn lập được nước VĂN Trị thì phải là con người Đại Ngã cân đối gồm cả đức Trời đức Đất, bao lâu chưa đạt độ cân đối nọ thì chỉ có thể lập ra những nước thiên lệch với một DUY nào đó: duy tâm hay duy vật, nhưng duy nào thì cuối cùng sẽ dẫn đến sài lang quốc “homo homini lupus”, Man is a wolf to his fellowmen.

Không may đó là tình trạng của nhân loại mà chúng ta có thể nói đại cương là đều xây trên bạo lực, bóc lột, tham tàn. Muốn nói gọn thì đó là tinh thần Du Mục, mà người đại biểu nổi bật là Gengis Khan sinh ra từ sói đực và dê cái có tên là Thợ Rèn Sắt (Temoudjin) (1) Đây chính là điển hình của các nhà thống trị chuyên chế cũng như các vua thần, các đảng trưởng độc đảng từ Neron, Tần Thuỷ Hoàng cho đến Hitler, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh đều là những kẻ lòng lang dạ sói đã giết hại cũng như nô lệ hóa không biết cơ man nào là người. Trong các xã hội bị cai trị theo lối nham hiểm tham tàn đó tất nhiên Không có Tình Người mà chỉ có một mối liên hệ duy nhất thuộc võ lực là Chủ Nô làm thành giai cấp luôn luôn tranh đấu lừa gạt tuy tên gọi có đổi thay nhưng tựu trung đó là liên hệ giữa kẻ có người không, giữa kẻ thống trị với người bị thống trị, giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột đến tận cùng.

Ngược lại với Du Mục là Tinh Thần NÔNG NGHIỆP Chân Chính thì dựng nên nước xứng đáng làm nơi ở cho những con người có VĂN trong đó có chế độ Bình Sản khác xa tư bản với cộng sản: theo Bình Sản thì ai ai cũng được tham gia vào tài sản quốc gia. Do vậy mối giao liên giữa người với người được xây trên Nhân Nghĩa, nên thay vì mối liên hệ duy nhất chủ nô của võ trị thì ở đây có tới Năm Mối, đó là vợ chồng, cha con, vua tôi, anh em, bè bạn.

Đã vậy, yếu tố VĂN được đề cao vượt bậc bên trên yếu tố Võ, nên nảy sinh một thứ tôn ti không đâu có cả đó là: Sĩ, Nông, Công, Thương. ‘Sĩ’ đại diện cho VĂN cho Trời Đất đặt trước ‘Nông’ đại diện cho đất, cả hai xoắn xuýt với nhau trong mối tình tương thân tương trợ quý trọng những giá trị Tinh Thần, sống theo Nhân Nghĩa, sống theo Tình Người. Đây là Tâm Linh Sử Quan.

Ngược lại theo Du Mục là ‘duy vật sử quan’, thì ‘hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng văn hóa’. Mà hạ tầng đặc chú vào Công, Thương, nhất là Thương nơi chứa đầy sự gian dối lừa bịp, chữ Nông không được để ý. Đến nỗi ngay Ấn Độ có tiếng là quê hương của tôn giáo thế mà Nông (nằm trong đẳng cấp Thủ Đà: Sudra) cũng bị đặt bên dưới Thương Gia (Vaysesia), trên nữa là Binh Gia, cao nhất là Tăng Lữ. Đó chính là một thứ liên hệ Chủ Nô đề cao Võ Trị cũng như Âu Tây xưa nên cuối cùng nước cũng chia thành đẳng cấp (caste) còn tệ hơn giai cấp (class) một độ.

Tóm lại, nhìn chung nhân loại ta có thể nói tất cả mọi nơi đều theo tinh thần Du Mục võ trị. Ngoại trừ bên Đông Nam Á thì trước hết có nước của Hùng Vương là theo VĂN TRỊ, nơi Kẻ Sĩ không những được kể tới mà còn được đứng đầu, nên mới có những hậu quả quý trọng như Ngũ Luân với Bình Sản, nhờ đó mặc dù tài nguyên thiếu thốn, khoa học chưa phát triển mà dân nước đã nhiều lần được hường an vui, thái bình, hạnh phúc.

Sau VĂN LANG của Hùng Vương thì có Hoa tộc thiết lập được Trung Quốc có thể gọi là Văn Lang quốc hạng nhì. Sở dĩ thiết lập được Văn Lang vì Tàu cũng phát xuất từ một gốc chung văn hóa như Bách Việt; nhưng chỉ đáng hạng nhì là bởi nằm tiếp cận với Du Mục bắc phương. Phân nửa dòng lịch sử Tàu nằm trong tay Du Mục từ Thái Bạt, Hiểm Doãn, tới Kim, Mông, Mãn….. thành ra nhiều yếu tố Du Mục đã ngấm vào đến quá nửa, khiến Nguyên Nho đốc ra Hán Nho.

Với Nho thì Tàu chưa đến nỗi rơi vào giai cấp với liên hệ chủ nô; vẫn giữ được ngũ luân. Nhưng với Hán thì thứ tự ngũ luân biến đổi. Thay vì vợ chồng, cha con, vua tôi của Việt thì Hán lại đặt: quân thần, phụ tử, phu phụ. Đặt quân thần lên trên là đã ghé sang du mục võ trị vốn đề cao tân mây xanh tù trưởng, vua chúa, đảng trưởng. Cũng như đề cao đàn ông đại diện sức mạnh, còn đàn bà đại diện tâm tình thì bị hạ sâu. Vì thế luân ‘vợ chồng’ của Việt đến Hán nho trở thành ‘phu phụ’ theo đó chồng không những trên vợ mà vợ còn trở thành ‘phụ’ theo nghĩa ‘tùy phụ’, ‘phụ tùng’. Vì thế sau này, khi Việt Nam đã nhiễm Hán Nho cũng vẫn thấy ngượng khi dùng chữ phụ, nên thường thay ‘phu phụ’ bằng ‘phu thê’. Chữ ‘thê’ giống với chữ ‘tề’ có nghĩa ngang hàng (‘thê giả tề dã’). Một bên’ lệnh ông’, bên kia ‘cồng bà’ ngang nhau. Đó chỉ là một thí dụ nói lên Tinh Thần VĂN TRỊ của con người VĂN LANG Thong Dong, Tự Cường, Tự Lực. Tinh Thần ấy đã ngự trị bên Đông Nam Á hơn bốn ngàn năm, với diễn biến đại khái như sau:

Vào lối đầu công nguyên tinh thần Hán Nho đã tràn xuống giết chết Văn Lang của Hùng Vương sau khi nó đã sống được trên hai ngàn năm. Đó là cái chết đầu tiên của Văn Lang quốc đệ nhất đẳng. Sau cái chết này thì Văn Lang hạng nhì (cả Tàu lẫn Việt) còn sống thêm được hai ngàn năm nữa cho tới thế kỷ 20 thì xảy ra ba cái chết.

Cái chết trước hết là Hán nho bên Trung Quốc năm 1949.

Cái chết thứ nhì là nửa Bắc nước Việt Nam 1954.

Cái chết cuối cùng là nửa Nam nước Việt ngày 30/4/1975.

Và tự đấy thì trên thế giới khó còn tìm được nơi nào xứng đáng mang tên VĂN LANG nữa ít ra về mặt cơ cấu Tinh Thần với các Thể Chế quán triệt của nó như Tự Trị Làng Xã với chế độ Bình Sản.

Bởi vậy có thể nói ngày 30/4/1975 không chỉ là cái tang của người Việt Nam, mà còn có thể nói là cái tang chung của nhân loại để tiếc thương cái chết của mẫu người cần thiết cho bất cứ nước nào dân nào không muốn mang vào đầu cổ cái tròng làm trâu, làm ngựa.

Nhưng bất hạnh thay cái tròng khủng khiếp kia lại đang lần lượt rơi xuống đầu hết dân này đến dân khác và nếu loài người không sực tỉnh để kịp thời ngăn chặn để nó tròng lên đầu hết thảy thì đây sẽ là sự thất bại toàn triệt của giống Người. Đây sẽ là cái chết của tòan thể nhân loại, cái chết quái gở vì do chính con người tự gây ra cho mình, cái chết rùng rợn thê thảm vì chẳng còn một ai có được quyển tưởng niệm. Chẳng còn ai được quyền nhỏ một giọt nước mắt than khóc nữa.

Cái tai họa đó xưa nay đã nhiều lần xảy ra, nhưng chỉ xảy đến cho một dân tộc, một nước, cùng lắm một châu nhưng do một bạo chúa nên chỉ kéo dài trong một thời. Nhưng lần này thì cho nhiều châu và có nguy cơ xảy tới cho toàn cầu, không biết bao giờ mới gỡ ra được vì không còn do một bạo chúa, mà do một bè lũ kết đảng khắng khít, lại thêm võ khí vạn năng, thì sự thoát ách trở nên khó hơn nhiều. Vậy mà rất nhiều người chưa ý thức hoặc vẫn còn lúng túng chưa tìm ra phương thức để ngăn chặn.

Trước tình thế nghiêm trọng như thế chúng tôi dám nói lớn lên rằng phương thức nào bất cứ mà muốn hữu hiệu cũng phải kể đến Mẫu NGƯỜI cũng như Mẫu NƯỚC của VĂN LANG Quốc. Bằng tên này hay tên khác phương thức đó phải có một Tinh Thần TÂM LINH đích thực mới có thể bảo vệ được cuộc sống đáng sống, một cuộc sống mà con người vẫn còn là người, vẫn còn được quyền làm NGƯỜI Tự Cường, Tự Lực.

Đó là đại cương ý nghĩa ngày GIỖ TỔ; Tổ NGƯỜI cũng như Tổ QUỐC, nên cũng gọi được là ngày Sinh Nhật NGƯỜI và ngày Lập QUỐC xứng đáng cho Con Người.

Vì thế ngày GIỖ TỔ phải mãi mãi là một ngày lễ trọng đại nhất của người Việt bất cứ sống nơi nào, cũng cần tổ chức để tỏ lòng tri ân sâu xa Tiên Tổ đã gây dựng cho mình một Mẫu NGƯỜI một Mẫu NƯỚC quý báu như vậy. Hơn thế nữa mai sau phải mở rộng ngày Giỗ Tổ thành tuần lễ Giỗ Tổ, để sự Giỗ được biểu lộ ý nghĩa viên mãn hơn, tức không chỉ để tỏ lòng tri ân Tổ Tiên suông, không chỉ tưởng niệm một lúc mà cần nhất phải cố gắng làm PHỤC HOẠT lại Tinh Thần VĂN LANG Quốc bằng cách học hỏi và hiện thực để làm sáng tỏ Tinh Thần đó ra không những để mình mãi mãi xứng đáng là con Hồng cháu Lạc, mà hơn thế nữa để có thể đóng góp vào công cuộc khẩn trương hơn hết cho nhân lọai hiện nay là góp phần đắc lực vào việc cứu con người thoát khỏi một chế độ nô lệ toàn triệt và khốc liệt hơn bao giờ hết đang rình rập. Làm thế nào để ngày GIỔ TỔ có thể trở nên Ngày Thức Tỉnh Lương Tâm Nhân Loại, một ngày biểu dương cho thế giới thấy được một Mẫu NGƯỜI, một Mẫu NƯỚC xứng cho Con Người TÂM LINH bất kỳ ở đâu và bao giờ.

Kim Định

(Trích ‘Kinh Hùng Khải Triết’)

 CHÚ THÍCH

(1) ‘L’Art Des Steppes’, Karl Jettmar. Paris, A.Michel. 1964. p.244.

 

 [Tác Giả] [ Lãnh Vực]

 

 

Tìm Kiếm