TỪ HẢI ANH HÙNG : QUYỂN SÁCH CỦA DÂN TỘC THEO NGHĨA CỤ THỂ NHẤT

THƯ HƯƠNG

IMG.967 Bài này có thể mang tựa đề là triết lý Truyện Kiều mặc dù Nguyễn Du không phải là triết gia: không đưa ra một nền triết riêng biệt, triết Người theo chỉ là triết của Tam Giáo, nói đúng hơn chỉ là niềm tin tam giáo tức có sao phản ảnh lại vậy, chứ không có suy tư thêm gì cả. Tuy nhiên vì người là Thi Hào siêu việt với tâm hồn nghệ sĩ cực kỳ bén nhạy đã đâm rễ tới tận bờ của Tiềm Thức Cộng Thông, do đấy cảm được nền Triết Việt, chứng cớ là nền triết này đã thấm vào cốt truyện khiến nó trở nên một áng văn đầy Nhân Bản tính có thêm chiều kích Tâm Linh tràn ngập tình người mà đỉnh cao chót vót, cao vượt khỏi tầm ý thức của độc giả, cũng như của tác giả, là vai Từ Hải. Đó là vai đã biểu hiệu một vài khía cạnh của nền Nhân Bản Tâm Linh, do vậy truyện Kiều trở nên một áng văn có tính chất Dân Tộc cùng tột. Chúng ta sẽ bàn về điều nọ trong tập nhỏ này.

Quyển Sách của Dân Tộc theo Nghĩa Cụ Thể Nhất

 Truyện Kiều là một áng văn tuyệt tác của toàn dân theo nghĩa đầy đủ hơn hết, hiểu là một sự linh phối tài tình giữa tiếng nói thông tục bình dân với ngôn ngữ bác học, nên từ bình dân tới trí thức ai ai cũng thích đọc thích ngâm. Vậy đó là điểm đặc trưng của Việt nho theo nghĩa rất sát là chỉ ở những miền Việt nho mới có nền văn hóa duy nhất cho toàn dân được biểu lộ ở cả bình diện bác học lẫn đại chúng, tuyệt nhiên không có hai nền văn hóa một cho quý tộc, cho nhà thống trị, còn một của giới bị trị, hai đàng chống đối nhau y như hai giai cấp đấu tranh vậy. Điều đó vắng bóng ở những xã hội Việt nho, nơi đây không có đẳng cấp chủ nô nên không có giai cấp đấu tranh. Trong tinh thần chỉ có một nền văn hóa duy nhất, khởi đầu là của dân gian gọi là chất gia, rồi sau giới học giả gọi là văn gia nối tiếp, tô tạo, hoàn chỉnh, thành thử tiếng của văn gia là chữ Nho hòa với tiếng của chất gia là dân gian để làm nên một thực thể sống động duy nhất ở đời.

Ở các văn minh khác thì ngôn ngữ của văn gia trở thành tử ngữ, nên đưa vào tiếng nói thông dụng của dân gian được rất ít, có thể chỉ một hai phần trăm, còn đây thì đến quá bán và cũng sống động nên không gọi là tử ngữ mà là linh tự linh ngữ. Đó là điểm có một không hai trên hoàn vũ mà biểu hiệu chói chang là truyện Kiều, không một áng văn nào có thể sánh kịp. Nơi các xã hội của Âu hay Ấn đều có hai nền văn hóa, một của bác học thường vô tình đi vào phe thống trị, ghìm ngụp tiếng nói của dân gian cũng là của lương tri, nên không có một áng văn nào được hết mọi người ưa thích rộng rãi như truyện Kiều đối với dân Việt Nam. Cái đó là nhờ thiên tài siêu việt của Nguyễn Du đã đành, nhưng còn do môi sinh tinh thần dân tộc không đặt chướng ngại nào cho sự thống nhất kia. Nói khác không có một văn hóa của kẻ thống trị đàn áp nền văn hóa bình dân, mà chỉ có một văn hóa nhưng chia ra hai tầng cao thấp: tầng cao có thể đại diện do Tam giáo, còn tầng dưới là “lời quê góp nhặt” đại diện cho triết lý nhân gian, triết lý của lương tri của con người:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Đó là triết lý chữ thời. Rồi:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Lễ là tảo mộ gọi là đạp thanh.

Đó là triết lý gia tiên, thờ cúng ông bà. Rồi:

Để lời thệ hải minh sơn,

Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

Đó là triết lý chữ hiếu.

Đấy là triết, còn văn chương thì ở đây “lời quê” với Tam giáo hòa hợp nên một. Tuy tác giả nói nhũn “lời quê góp nhặt dông dài” nhưng thực ra là góp nhặt quá tài tình để đứng ngang hàng với ngôn ngữ bác học: “lời quê” quyện với chữ Nho một cách rất tự nhiên hầu như không còn gây chú ý:

Kiều rằng những đấng tài hoa,

Thác là thể phách, còn là tinh anh.

Đã vậy những vần thơ vi diệu còn mang lại cho những từ ngữ một sự sang trọng khác thường:

Người lên ngựa kẻ chiến bào,

Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san.

Dặm hồng bụi chốn chinh an,

Người trong đã khuất mây ngàn dâu xanh.

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Tóm lại hai thứ ngôn ngữ của chất gia và văn gia đan vào nhau để cùng nằm trong cái khung Tam giáo cách xoắn xuýt. Ngoài ra không còn chi khác chống đối lại sự thống nhất nọ cả. Đó là điểm một, một điểm hết sức ơn ích nhưng chưa mấy ai nhận ra. Bên Tây Âu Nietzsche đã nhận thức đuợc và than phiền về cái hố chia ly giữa văn hóa dân gian và quý tộc, nhưng chưa làm sao nối lại được, mặc dù Tây Âu đã thanh toán nạn mù chữ, đã thiết lập được nền giáo dục phổ thông, nhưng đó mới là vòng ngoài, còn vòng trong vì thiếu một triết lý thống nhất cho con người quý tộc loại Plato, Aristotle, Kant, Hegel… Vì thế văn hóa chưa sản xuất nổi một áng văn có tính cách thống nhất toàn dân như truyện Kiều.

Có một điểm thoạt nhìn coi như đáng tiếc phần nào, đó là cốt truyện đặt ở bên Tàu với những nhân vật Tàu. Tuy nhiên đây chỉ là điều ngoại diện vì những nhân vật trong truyện đã vượt qua giới mốc của thời không, của đất nước để trở nên những điển hình muôn thuở cho mọi nơi mọi đời. Thiên tài biểu lộ trong sự xây dựng nhân vật ở chỗ đó, ở chỗ biến nhân vật thành những điển hình phổ quát. Những Hoạn Thư, Tú Bà, Sở Khanh, giống với những Hamlet, Falstaff trong Shakespeare. Thiên tài nổi bật lên trong việc tạo dựng nhân vật, cũng như trong những vần thơ vi diệu, chứ không phải trong cốt truyện xảy ra ở đây hay kia… Chính vì thế mà hầu hết những thiên tài gạo cội không để ý đến sáng tạo truyện mới, mà lấy ngay những truyện có sẵn trong sử sách, từ Aeschylus, Sophocles đến Racine, Goethe, Shakespeare, Thị Nại Am, La Quán Trung… đều dùng truyện cũ mà tài sáng tạo vẫn nổi vượt. Nhiều Vị còn lấy những truyện nước ngoài như Shakespeare dùng truyện Đan Mạch, Racine dùng truyện Y Pha Nho… là vì những nhân vật cũ chỉ là nắm xương khô, nên lấy ở đâu không quan trọng, quan trọng là được ngọn bút ma thuật của thiên tài thổi sức sống vào để chúng trở nên những nhân vật sinh động khác hẳn trước, nổi bật đến độ thành điển hình. Truyện Kiều nằm trong trường hợp này (*)
(*) Người nghiên cứu văn học có thể hỏi: “Tại sao Từ Hải trong “Thanh Tâm Tài Nhân” chỉ là một tên giặc cỏ tầm thường mà đến truyện Kiều lại biến thành một đấng anh hùng hảo hán lược thao gồm tài? Nhưng đứng về phương diện Triết thì không nên đặt câu hỏi đó, vì hỏi thế là hầu như muốn bắt Thi Hào phải viết đúng “mẫu mực” của Dư Hoài sao? Nếu Nguyễn Du đã viết đúng “mẫu” thì chỉ là một hủ nho sao chép sách vở, chứ dân tộc Việt đã không có một thi hào đầy óc sáng tạo, đủ tài dựng nên những nhân vật có tầm kích lớn đại biểu cho cái lý tưởng thầm kín của mình. Quả đó là trường hợp để nói câu tự hòn đất nặn nên ông Bụt. Người thưởng ngoạn nghệ phẩm không mất thì giờ xét về chất liệu hòn đất mà chỉ ngắm nhìn pho tượng lẫm liệt, tướng mạo và cốt cách oai phong với những hoài bão bao la man mác và câu hỏi chính đáng phải là: Thi Hào muốn hàm ngụ chi đây với nhân vật vĩ đại này?

Thi Ca cũng giống như Triết: một nền Triết mới xuất hiện thì bao nhiêu tài liệu được “vay mượn” mất hết tính chất cũ, để mặc một sắc thái mới do chức năng mới mà nền triết mới đem lại cho, nên tất cả đều trở nên mới với sức sống dư thừa. Đấy là lý do tại sao các huyền thoại nhiều dịch bản, là vì mỗi thi hào, mỗi triết gia khi dùng tới chúng thì hà hơi vào truyền thần cho chúng nên linh động như sống dậy khỏi đống tro tàn, để chu toàn một nhiệm vụ khác trước, nhiều khi câu văn trưng hay huyền thoại kể lại còn được biến đổi cho hợp với thuyết được đưa ra. Thí dụ rõ nhất là khi Khổng Tử tóm toàn Kinh Thi vào câu “Tư Vô Tà”, câu đó lấy từ bài thơ QUYNH chỉ nói về quan mua ngựa không có lòng tà vậy, xem đồng văn không thể dùng mà tóm toàn Kinh Thi được, nên nhiều học giả lấy làm lạ tại sao Khổng Tử lại lấy một câu lơ mơ như vậy mà trùm lên cả Kinh Thi. Tô Thị cho Khổng dùng theo ý mình mà không đoái đến ý nghĩa của toàn thiên. Đó là xét theo văn hóa, còn xét theo Triết thì phải chú ý đến ý nghĩa mới mà Khổng Tử gán cho (cũng vì vậy mà trong Triết ít trưng dẫn kiểu văn học). Đó là những điểm phải kể tới khi ai mè hè muốn coi thường truyện Kiều vì các vai trong đó là người Tàu. Đây không phải là chỗ nên phân biệt bờ cõi mà phải nghĩ đến con người muôn thuở. Vì thế khi muốn định tính vai nào trong truyện không được quy chiếu tới “lịch sử” của vai đó, thí dụ Từ Hải có tài liệu kêu là tặc, là đạo… vì đây chỉ là nhân vật tiểu thuyết, nhất là loại tiểu thuyết có chủ đề, thì chỉ nên xét nhân vật như được tô tạo bởi tác giả, tác giả đưa ra sao ta phải căn cứ vào đó, vào tên tuổi hành trang của nhân vật mà quyết đoán. Đấy là nói chung.

Riêng truyện Kiều có một sự đặc biệt thú vị, đó là cần phải lưu ý đến cái biên cương huyền sử của Việt tộc, nó u linh chập chờn cách huyền ảo. Chính vì điều này được tuân theo cách rộng rãi nên người Việt đọc truyện Kiều hầu như không mấy ai lấy làm lòng đó là truyện xảy ra bên Tàu, mà một cách vô thức đều đã bảo trợ cho các nhân vật sang định cư đâu đó bên Việt lúc nào không hay. Đúng hơn không phải bảo trợ định cư mà chỉ lôi lên mặt ý thức bức dư đồ cổ Việt nằm dài từ miền Liêu Dương quê Kim Trọng xuống tới Phúc Kiến nơi kết truyện, nằm kề với Việt Nam. Đó quả là một dải đất mênh mông đủ chỉ trỏ địa bàn Tổ xa xưa rộng mênh mông của Triết Việt, nên cũng là một nền văn hóa có tính chất phổ quát vượt hết mọi biên cương đến nỗi dân tộc cũng là nhân tộc.

Có Hậu hay Không có Hậu

Điểm hai là vụ cái Hậu. Một dạo có mấy học giả nhất là ngành Việt văn có ý tiếc cho Nguyễn Du đã kết truyện bằng mấy cái hậu to tổ bố. Theo họ thì Nguyễn Du sẽ đi đúng nghệ thuật hơn nếu để cho Kiều chết luôn ở sông Tiền Đường có phải hay hơn không, đàng này Kiều lại được vớt lên rồi lắp vào một cái hậu quá ư hậu. Nào là Kim Trọng được làm quan, được bổ về cai trị vùng Nam Bình; nào là Kim được gặp Kiều trước sự vui mừng tràn ngập của gia đình trong đó có cả hai ông bà Vương Viên Ngoại với Thuý Vân đủ mặt. Rồi Kim Trọng kéo:

Một nhà về đến quan nha,

Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy.

Lại còn đi một đường tình thắm ôi là thắm:

Cùng nhau giao bái một nhà,

Lễ là đủ lễ đôi đà xứng đôi.

Động phòng dìu dặt chén mồi,

Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa.

Những từ sen ngó đào tơ,

Mười lăm năm mới bây giờ là đây.

Vậy chưa đủ, còn thêm:

Ba sinh đã phí mười nguyền,

Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bày.

Phong lưu phú quý ai bì,

Vườn xuân một thuở để bia muôn đời.

Quả là cái hậu quá hậu “làm lu mờ” đi phần nào áng văn chương tuyệt tác lẽ ra không chê vào đâu được, nhưng nay thì chê được vì cái hậu dài lê thê nọ.

Ta nghĩ thế nào về lời phê bình nọ? Phải thưa rằng sổ toẹt, vì đó là phê bình theo thời Tây: cái gì của Tây cũng đều hay cả, mà mốt lúc đó của Tây phải là không có hậu, phải tận cùng bằng một cuộc đổ vỡ hay ít ra bỏ lửng, vậy rồi thôi, người kể không cho biết chi nữa. Không cần biết xác Kiều trôi đi đâu, Kim Trọng có đỗ đạt chăng, hai ông bà Viên Ngoại sống hay chết. Thế mới hay. Xin thưa rằng cái hay không nằm ở chỗ có hậu hay không có hậu, nhưng ở trong những vần thơ tuyệt diệu, trong những nhân vật bật nổi. Shakespeare viết Romeo và Juliet không có hậu đã rất thành công, nhưng bi đát quá, khán giả ước mong ông viết cái gì có hậu, ông liền viết vở “Như Ý Bạn Muốn” (As You Like It) đầy hậu, tức cả bốn đôi trong truyện đều lấy được nhau, con đàn cháu đống v.v… Vậy mà vẫn hay như thường. Điều đó chứng tỏ có hậu hay không có hậu không ăn nhằm chi tới giá trị nghệ thuật của áng văn.

Điểm hai phê bình như trên là trái khoáy thời gian (anachronism) bắt Nguyễn Du phải sống như người thời mới đang cố theo Tây, đang khi ông là đại biểu cho thời cổ điển cao độ: với thời đó thì bất cứ áng văn nào dù chỉ dài tám câu cũng phải có đầu có cuối, có đóng có mở, chứ không vào truyện lưng chừng (in medias res) rồi bỏ lửng. Thời nào có hồn nghệ thuật thời ấy (every age projects its own image of man into its arts).

Vậy hình ảnh con người được chiếu giải vào nghệ thuật lúc đó bên Âu Tây ra sao? Thưa là con người rách nát siêu vẹo, như thấy hiện hình lên trong các bức hoạ lập thể, trừu tượng. Đó là những con người đã bị đập vụn ra từng mảnh mà chưa biết xếp lại theo dạng thức nào, hiện họ còn đang đi tìm cái dạng thức mới đó mà chưa tìm ra, chỉ biết rằng họ đang cố công từ bỏ dạng thức cũ. Tại sao lại từ bỏ? Đến đây ta chạm vào một vấn đế then chốt và trầm trọng hơn vấn đề nghệ thuật nhiều; đó là vấn đề siêu hình cực kỳ nhiêu khê về vũ trụ quan và nhân sinh quan. Hỏi rằng vũ trụ vạn vật là một hay nhiều (nhất hay đa) tức cũng là hỏi vũ trụ là không hay có, tĩnh hay động (tĩnh là nhất mà đa là động). Tây phương đã chia hai: Empedocles cho là một, là tĩnh, Heraclite cho là đa là động. Phái tĩnh đã thắng thế với Plato, Aristotle, thế là giản lược triết học vào một chiều kích, nói về người là duy vật tự nền tảng, bở lẽ tuy nhận có linh hồn, nhưng linh hồn được quan niệm theo những ý niệm lấy từ sự vật, nên cũng là thuộc sự vật. Vậy là tĩnh, tức là duy vật, thiếu chiều kích tâm linh. Tâm linh chân thực phải là không, là vô. Đây chỉ có hữu. Siêu hình triết Tây gọi là hữu thể học (ontology). Siêu hình là nền tảng rốt ráo. Một khi nền tảng đã hữu thì tất cả đều phải hữu, tức là một chiều kích, trong đó phải kể đến con người. Con người một chiều kích thì là duy. Vì đây là duy hữu nên cũng là duy vật (duy vô là duy tâm). Thế là con người theo triết Tây là con người thọt (một chân) từ trong căn để, tức là thiếu một phần quan trọng hơn hết là Tâm Linh, nói kiểu siêu hình là thiếu vô, chỉ có hữu; nói theo tâm lý thì là tai họa split personality, tạm dịch là nhân cách bị chẻ đôi hay đơn sơ hơn là người lạc mất hồn, hoặc người đang đi tìm hồn. Đó là căn do sinh ra các thứ bệnh thần kinh mà hình thái thông thường hơn hết là schizophrenia, nó làm cho con người mất liên hệ với hoàn cảnh, với tha nhân, với vũ trụ, sống bơ vơ không thấy ý nghĩa cuộc sống.

Nói về triết thì đó là thứ triết học trừu tượng ly lìa đời sống, nó vận hàn trong thế giới hoàn toàn làm bằng ý niệm rất xa thực tế.

Trong xã hội là giai cấp đấu tranh bên chủ bên nô, bên nam bên nữ v.v… Trong văn nghệ là ưa bi kịch và võ công ca, tức là loại tác phẩm của quý tộc ưa đấu tranh và không tìm được sự hòa giải trong tâm hồn (nên ưa bi kịch). Cả Hy Lạp lẫn Ấn Độ đều nổi về hai loại văn đó: võ công ca (epic) và bi kịch. Trái lại bên Viễn Đông không có võ công ca, cũng không đề cao bi kịch. Bi tráng, bi hùng thì có chứ bi kịch thì không. Lý do sâu xa của sự vụ phải tìm trên cấp siêu hình tức là hỏi rằng vũ trụ có hay không. Hữu hay vô. Động hay tĩnh. Và câu trả lời phải “hàm hồ” như sau: có mà không, không mà có. Nói theo Kinh Dịch là “thái cực nhi vô cực”. Nhớ lại xưa có dạo các học giả Tây Âu về Nho tranh luận xem phải dịch tiếng nhi là gì, là is chăng ?. Nếu vậy thì thái cực là (is) vô cực. Tranh luận gay go mà không giải quyết được vì triết Tây thiếu tiếng nhi hàm hồ: có nghĩa là Thái Cực mà vẫn Vô Cực. Thái cực không là vô cực, tức không đồng hóa với vô, vì nếu thế là duy vô. Còn thái cực mà vẫn vô cực có nghĩa là vừa có vừa không một trật, nhân đó vừa động mà lại tĩnh, nhất mà lại đa. Nói kiểu siêu hình đó là dual-unit: lưỡng nhất tính, hai mà một, một mà hai. Nói khác đó là nguyên lý Thái Hòa: hòa có với không, mà tâm lý miền sâu gọi là nguyên lý đồng thời (synchronicity principle) trái với nguyên lý đồng nhất của thái tây (identity principle) theo đó một là một, động là động, tĩnh là tĩnh, có là có, không là không. Đây là nguyên lý đã khống chế triết cổ điển Tây Âu làm cho ngạt thở hơn hai mươi thế kỷ. Mãi đến đời mới Hegel mới hé nhìn ra điều đó, nên muốn xây triết trên nền tảng dialectic mà người mình đã dịch tầm bậy là biện chứng, đáng lẽ ra phải dịch là lưỡng đề (lẽ ra phải dịch lưỡng hành), nhưng triết Tây còn chìm sâu trong luận lý ý niệm không có hành nên tạm dịch lưỡng đề (hoặc lưỡng quyết) tức quyết đề (affirmative) rồi phủ đề (negative) đoạn tổng đề (synthetic) và như vậy là loại bỏ được nguyên lý cấm mâu thuẫn (principe de non contradiction) là phó sản của nguyên lý đồng nhất. Nói thì nói vậy nhưng rồi Hegel rơi vào duy tâm lúc nào không hay, tức là còn có nhất quyết, hết là lưỡng quyết. Karl Marx nổi sùng cho Hegel đã bỏ vật chất, nên đã lôi “lưỡng đề” (materialistic dialectic) đặt lên mặt đất gọi là duy vật biện chứng phải đặt dấu ngoặc kép trên tiếng “lưỡng quyết”, vì từ ngữ là lưỡng, nhưng sự thực là nhất quyết tức duy vật.

Ta thấy chỗ hố hiện lên lù lù: đã duy vật, tức chỉ có vật chất thì còn lưỡng quyết sao được. Vậy mà trường hợp Hegel và Karl Marx chỉ là điển hình, chứ trong thực trạng còn nhiều môn phái đã hé nhìn thấy sự vắng bóng của nền Thái Hòa trong triết Tây, nhưng đến khi đưa ra giải pháp thì cuối cùng lại bị rơi vào vết cũ dưới hình thức khác, không sao đạt được nền Thái Hòa như trong Dịch kinh của Việt nho.

Nền Thái hòa này đã bao phủ lấy nền triết Việt nho và biểu thị ra muôn hình thái. Triệt trên đã nói đến sự thống nhất giữa văn gia và chất gia, nghĩa là trong nứơc chỉ có một nền văn hóa. Triệt này ta lại nói về sự thái hòa bằng hình thức nghệ thuật có hậu tức hòa giải được cả hai đàng, cả chữ tài lẫn chữ mệnh, cả chữ hiếu lẫn chữ tình v.v… Đó là hình thức nổi vượt trong văn học nghệ thuật Việt nho, mà dân chúng cũng ưa thích như vậy.
Riêng về truyện Kiều, ngừơi ta đã mở những cuộc thăm dò trong dân chúng nhất là nơi quê hương của Nguyễn Du thi bá để xem đoạn nào trong truyện được ưa chuộng hơn hết. Câu trả lời chung là đoạn đầu và cuối. Quả đúng là tiếng dân, dân ưa cảnh Thái Hòa, dân ưa có Hậu: đoạn đầu nói lên quyền yêu thương của đôi trai gái, tức của con người có xương có thịt sống ở đây và bây giờ, mà không phải là con người trừu tượng với mối tình lãng mạn kiểu Plato, đó là mối tình thanh giáo hoàn toàn duy lý nên giả tạo: tưởng rằng có thể phân tâm tình ra khỏi thân xác, để yêu nhau kiểu thiên thần. Nhưng con người không phải là thiên thần mà là thiên địa chi đức: thiên là tâm, địa là thân, hai đàng xoắn xuýt lấy nhau cách hòa hợp, nên trai tài gái sắc yêu thương hẹn hò thề hứa là đúng đạo trời có gì mà phải trách. Chỉ còn mong cho đôi lứa được vuông tròn. Nhưng chẳng may đường đời đầy gió bụi, nên xảy ra bao cuộc thăng trầm, trôi nổi, đau thương, tung lên đè xuống làm thắt lòng lại… Cho tới lúc Kim Trọng gặp lại Thuý Kiều thì người đọc mới được thở một cái phào khoan khoái. Đời đã đầy những cảnh đau thương đến thế mà chưa cho hòa hợp lại sao? Tại sao đòi tác giả bắt độc giả kéo dài cái nhìn vô vọng chẳng tìm đâu ra được lúc an nghỉ để cho tâm hồn bớt sự chói đau. Ư thì đời là thế:

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Nhưng ghét nhau có lúc thôi chứ, nóng nực mãi sao. Lâu lâu cũng phải có trận Nam phong cho mát cái lòng đang khô héo. Vì thế phải để cho:

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.

Xuyên qua hơn ba ngàn câu thơ đã phải nghe nhạc sầu:

Bốn giây máu nhỏ năm đầu ngón tay,

Thì đến cuối cùng phải cho nghe một:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa” chứ.

Vậy mới là Nhạc “nhạc giả lạc dã” mà. Cả đến tác giả cũng thế, phải để cho thi bá xả hơi một cái chứ. Tôi nghĩ rằng Nguyễn Du đã cảm thấy thích thú biết bao lúc ông cho Từ Hải đón Kiều về, rồi Kiều ngôi trên tòa cao phán xử những phường đầu trâu mặt ngựa: những Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh… mà ẩn ý là vua quan thối nát tham tàn. Mất công viết hơn ba ngàn câu thơ mà lại không được hưởng một phút sảng khoái sao?
Tóm lại ta có thể nói sự thành công của một tác phẩm không ở tại có hậu hay không có hậu. Đừng theo mốt mà muốn trói nghệ thuật vào một đường nẻo nào. Nghệ thuật chính là sự uyển chuyển siêu vượt không thể trói buộc. Muốn đem cái mốt không có hậu làm tiêu chuẩn chỉ là ý nghĩ của những người không thể hiện thực được những áng văn tuyệt diệu.

Hơn thế nữa đứng trên phương diện tâm lý giáo dục và triết lý thì chính sự có hậu mới hợp với nền văn hóa Việt nho xây trên âm dương hòa đem lại cảm thức an hòa cho tâm khảm, vì vậy khi có những thế lực phá vỡ mối Thái Hòa đó thì Tiềm Thức Cộng Thông Dân Tộc chống lại để bảo vệ cho đức Thái Hòa nọ.

Thuyền Tình Bể Ái.

Đấy là lý do sâu xa giải nghĩa tại sao thơ Trữ Tình là nét đặc trưng của Việt tộc. Các học giả nhận thấy Hy Lạp và Ấn Độ đều nổi về bi kịch và võ công ca (epic). Hi Lạp có Iliade, Odyssey, Ấn Độ có Mahabharata và Ramayana còn Tàu không có võ công ca mà chỉ có thơ trữ tình. Tất nhiên họ không nói đến Việt Nam vì Việt Nam có đựơc ai biết tới đâu kể cả người Việt. Nhưng nếu cần làm một cuộc đối chiếu thì lâu đài vĩ đại nhất về thơ trữ tình phải là truyện Kiều, vì nó tràn ngập tình người mà ta có thể móc nối vào tới tận căn để như thuyền tình bể ái. Bốn chữ thuyền tình bể ái lấy từ hai câu:

Thuyền tình vừa ghé đến nơi,

Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ.

Vẻ chi chút phận bèo mây,

Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.

Bốn chữ này nói lên làn sóng ngầm chảy xuyên qua toàn truyện. Thoạt đầu là thuyền tình của Đạm Tiên rồi xuyên qua thuyền Khuyển Ưng, thuyền Bạc Hạnh, thuyền của Thổ tù trên sông Tiền Đường và cuối cùng là thuyền Giác Duyên cứu vớt với rất nhiều thuyền khác ẩn ẩn hiện hiện.

Nàng rằng chiếc bách sóng đào,

Nổi chim cũng mặc lúc nào rủi may…

Xót này chút phận thuyền quyên,

Cành hoa đem bán vào cành lái buôn…

Làm cho trông thấy nhãn tiền,

Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.

…………………

Ta đặt câu hỏi tại sao lấy hình ảnh thuyền tình bể ái làm làn sóng ngầm của truyện? Tại sao lại biểu thị tình ái bằng con thuyền?
Giáo sư Bùi Hữu Sủng có để ý đến con thuyền trong truyện như làn sóng ngầm, cho rằng có thể Nguyễn Du đã lấy hứng từ cô gái chèo đò, lúc Tiên Sinh còn cắp sách đi học hàng ngày phải qua đò Gia Lâm, lâu thành ra thân. Điều đó đã ghi lại trong tâm can cụ Nguyễn một hình ảnh thơ mộng:

Cây đa bến cũ con đò năm xưa.

Tôi cho rằng có thể như thế mà cũng có thể không. Vì trứơc Nguyễn Du con thuyền đã xuất hiện nhiều trong văn học dân gian. Dân gian vẫn nói về sự kết bạn bằng danh từ thuyền như “thăm ván bán thuyền”. Ca dao nói:

Sông sâu nước đục lờ đờ,

Biết rằng thuyền đậu hay là thuyền trôi.

Thuyền tình cũng đã đi vào thơ Nguyễn Trãi lâu trước.

Con thuyền lờ lững trên sông,

Biết đem tâm sữ dãi cùng ai hay.

Hoặc bài thơ quen thuộc của bà Hồ Xuân Hương

Phán cho con Nguyễn Thị Đào,

Nước trong veo vẻo cắm sào (thuyền) đợi ai.

Chữ rằng xuân bất tái lai:

Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già.

Vậy là đủ để thấy rằng “thuyền tình bể ai” có thể gọi là thuyền dân tộc và xuất hiện đã rất lâu đời, nên Nguyễn Du có thể không cần cô lái đò cũng vẫn gặp hình ảnh thuyền nằm sẵn trong dân gian rồi. Tuy nhiên dù đẩy xa hơn cô lái đó để đạt tới con thuyền dân tộc cũng chưa là tận cùng. Vì vẫn còn hỏi được tại sao dân tộc Việt có ý niệm thuyền và đem gắn buộc với bể ái (thuyền tình bể ái)?

Theo các nhà nghiên cứu cổ sử Tàu thì có hai nước Tàu một là Tàu dùng xe ngựa ở phương Bắc, hai là Tàu đi thuyền ở phương Nam. Vậy Tàu phương Nam chính là miền của Việt tộc bao giờ cũng nổi về lấy thuyền làm phương tiện di chuyển, do đó giỏi về thuỷ chiến. Trận Xích Bích thời Tam Quốc là chứng tích: Bắc Nguỵ thua Đông Ngô, mà Đông Ngô là quê hương Việt ở đợt rút thứ hai. Như vậy chiếc thuyền dân tộc có thể bắt nguồn từ sự kiện đó chăng. Thưa như vậy kể là đã xa hơn nhưng cũng chưa hẳn đáo lý, vì chưa nói lên được chiều kích u linh trong cái thuyền để đáng được gọi là thuyền dân tộc, và cụ thể là chưa nói lên đuợc tại sao lại là thuyền tình bể ái.

Đến đây cần phải nại tới khảo cổ và huyền thoại. Tìm về khảo cổ ta sẽ nhận ra được một hình ảnh huy hoàng của thuyền tình bể ái trong trống đồng, nơi đây có thuyền tình đã biến thể ra thuyền rồng, một thứ rồng đầy ứ tình tư làm cho cong lưng lên đón nhận cái hôn tràn ngập ái ân của con Hải Âu đại biểu cho Âu Cơ Nghi Mẫu đang lao vào miệng rồng. Đó là giây phút ái ân cùng tột biểu thị bằng cái hôn nồng cháy, cái hôn sâu thẳm xuyên qua lưỡi xuống tận họng để ngấm vào tâm can tì phế. Đó là cái hôn giao cấu làm nảy ra được vô số con đang đứng trên thuyền, cũng như đang ca múa trên mặt trống: tất cả đều mang dấu mẹ tiên là đeo lông chim, cũng như cha rồng là đứng trên thuyền rồng. Đó mới chính là cội nguồn của thuyền tình bể ái, của thuyền dân tộc. Nói đúng hơn đó là hình ảnh cụ thể minh họa mối tình dân tộc đã có ngay từ ngày khai quốc với tên là tiên rồng: tiên được biểu thị bằng các loại chim nước. Chim nước là cốt ý để thông giao cùng rồng ở thuỷ phủ. Còn rồng được biểu thị bằng thuyền có hình rồng, vì vậy là thuyền mà lại có mắt, có chân, có mũi cong, như thấy kết tinh trong trống đồng.
Hình Thuyền tình bể ái (tang trống đồng Ngọc Lữ)

Hình ảnh Âu Cơ Tiên (chim) đang lao vào miệng rồng. Hình đó cũng chỉ là lặp lại dưới hình thức cụ thể hơn việc giao chỉ trong những hình tam giác gốc. Huyền sử nói về ông Đại Vũ “khai sáng” đào sâu xuống thì gặp hai ông bà Nữ Oa-Phục Hy đang ôm nhau, đó là tác động giao chỉ uyên nguyên hơn hết. Nguồn gốc thật sâu xa là vậy. Trống đồng tuy mới xuất hiện vào lối đầu thiên niên kỷ trước công nguyên, nhưng các nhà khảo cổ cho đó là giai đoạn kết tinh, chứ còn thời khởi thuỷ thì phải lùi xa nữa cho tới thời Bắc Sơn, vì ở đấy cũng đã thấy xuất hiện nét song trùng sơ nguyên, hay ít ra tự giai đoạn Phùng Nguyên nơi bộ số dân tộc 2-3 đã hiện lên cực kỳ rõ nét, tức là nét Thái Hòa đã xuất hiện chói chang rồi. Trong huyền sử thì trứơc Lạc Long Quân (rồng) và Âu Cơ (tiên) đã thấy ấn tích tiên rồng ngay trong tên họ Hồng Bàng. Vì hồng là thứ chim bay cao nhất nên gọi là thiên nga, đồng thời cũng bơi trong sông Trường Giang (sông Dương Tử) nên gọi là Đế Giang (chữ hồng kép bởi chữ Giang và Điểu, còn rồng thì đã ẩn trong chữ Bàng viết với bộ long. Thế là ngay từ thời khuyết sử ta đã thấy hình ảnh tiên rồng, nên cũng là hình ảnh của thuyền tình bể ái (giữa chim nước và rồng). Chính mối tình man mác ấy mới là hồn dân tộc đã cuồn cuộn chảy qua dòng sử mệnh của Việt tộc, nơi quen gọi quê hương là non nước: non là nơi của tiên (Phong Châu của Nghi Mẫu), nứơc là thuỷ phủ của bố Lạc.

Như thế là chúng ta đã đẩy con thuyền dân tộc đến chỗ có nguồn sâu xa hơn hết, nên kết luận được rằng khi truyện Kiều lấy con thuyền tình bể ái làm làn sóng ngầm, thì tỏ ra xứng đáng được tôn lên làm áng thơ cao sâu nhất trong các thơ trữ tình, một lối thơ tiêu biểu cho nền văn hóa đã đạt Thái Hòa trong triết lý vậy.

Đến đây có thể đặt vấn nạn: tại sao trống đồng là thần vật, một đối tượng thờ kính của người xưa mà lại vẽ sự tục tĩu như vậy. Thưa rằng quan niệm cho việc truyền sinh là tục tĩu phát xuất do một nền văn hóa nhất định ở một giai đoạn nhất định, xin nói ngay đó là nền văn hóa thanh giáo tức là nền văn hóa ứ đọng thiếu dịch tính, nên cũng thiếu luôn sức sống, vì sống là tự động, động tự nội. Những nền văn hóa tĩnh (xây trên ý niệm) đều là những nền văn hóa chống lại sự sống, đúng hơn chống lại nguồn gốc sự sống.

Vậy nguồn gốc sự sống là đức trời đức đất giao chỉ. Đây là điều rất nền tảng cần bàn rộng thêm ít lời. Câu sách Kinh Dịch: “thiên địa chi đại đức viết sinh” chứa đựng nguyên lý phổ biến không một vật nào không phải vâng theo. Trời đất là sáng tối, sự vật là cứng mềm, sinh vật là trống mái, người là nữ nam… Chính vì lẽ đó mà ở khởi nguyên không một nền văn hóa nào không thờ âm dương vật. Thế nhưng đạo là đi, là biến hóa, thì âm dương vật cũng phải biến hóa, nói cụ thể là phải thăng hoa, phải trừu tượng, phải xóa bỏ vết cũ kềnh cơi để mặc lốt mới siêu thoát, có thế mới đi vào vòng đồng tâm như sắp nói sau: vừa xoay tròn và vẫn tiến. Vậy ở đợt này ta thấy trong ba nền văn hóa hoàn cầu thì hai đã vấp ngã: Hy Lạp vấp ngã ở chỗ thải bỏ hẳn âm dương vật, đến nỗi thần minh triết Minerve không còn chịu sinh ra từ âm hộ mà sinh ra từ đầu Zeus, tức là đề cao cái đầu cùng cực, hàm ý là trở nên duy lý. Còn Ấn Độ thì vấp ngã không chịu tiến, tức không biến thể âm dương vật, cứ để nguyên con mà thờ, như ta thấy những dương vật cương cứng (phallus) để ở bảo tàng viện Sài Gòn. Đó lại là một quá đáng khác: giữ nguyên con là không tiến, không siêu vượt nổi ra khỏi giai đoạn bái vật, trái ngược hẳn với Hy Lạp thải bỏ trọn, nên đánh mất nét gấp đôi, văn hóa đọa ra các thứ duy.

Việt rồi sau Nho  đạt đựơc sự biến thể, nên vẫn giữ được dòng sống sinh sinh tràn ngập. Ở nắp thạp Đào Thịnh là bốn cặp trai gái đang giao hợp với dương vật phồng lên quá cỡ, tức vừa ra khỏi giai đoạn thờ âm dương vật nguyên con. Đến mặt trống đồng Ngọc Lữ thì âm dương vật đã được kiểu thức hóa thành hình tam giác gốc, âm dương khó còn nhận diện được. Không lạ chi ban đầu có nhà nghiên cứu cho đó là cái lông công. Phải nhiều công sức đối chiếu mới nhận ra đó là âm dương hòa, là căn để con ngừơi Đại Ngã, cũng là nền móng văn hóa Việt tộc. Vì thế hình tam giác gốc là một thứ chân vạc uyên nguyên sinh ra vô vàn tam giác nhỏ rải khắp vòng ngoài cùng mặt trống, nói lên một cách cụ thể nguyên lý chí trung hòa: nội hàm càng nhỏ thì ngoại hàm càng to. Nội hàm vào tới âm dương hòa là cùng tột, nên tam giác tỏ ra bao hết mặt vũ trụ (đây là mặt trống) làm nên một vũ trụ tâm tình được biểu thị bằng cái bọc trứng của mẹ Âu. Vậy khi nói thuyền tình bể ái thì không còn là câu nói bóng nữa, vì đã có đầy hình ảnh tràn ngập và chói chang rồi.

Trong các mối tình thì không gì mãnh liệt bằng tình ái ân nam nữ, nói được là mạnh mẽ đầy sức sáng tạo. Cứ xem hai cô cậu đã gặp nhau hàng tuần mà còn phải viết thêm không biết bao nhiêu thơ, chẳng biết đề tài lấy ở đâu mà lắm thế, nó tuôn ra dào dạt, ngòi bút chạy thoáng thoáng không cần nghĩ ngợi. Muốn cho cô cậu có được nguồn thơ lai láng thì chỉ cho quen nhau vừa đủ bén mùi liền bắt cô cậu mỗi người đi một ngả, “thiếp tại Tương giang đầu, chàng tại Tương giang vĩ”, thế là nguồn thơ lãng mạn tuôn trào. Sông Tương có chảy xiết cũng phải chia 2 dòng để trao đi chở lại hai dòng thơ lai láng đó.

Tóm lại trong con người thì không gì mạnh bằng tình ái ân trai gái vợ chồng, càng rẽ chia lại càng nồng nhiết. Và đến đây mới hiểu được chỗ biểu lộ sự hùng tráng của Việt đạo là nó đặt khởi đoan đạo ngay vào chỗ đó, vào chỗ vợ chồng trai gái “quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ”. Nói là hùng tráng vì đang khi các nền đạo đức khác sợ tình ái như sợ lửa, phải xa lánh thì đây lại đặt đạo gối đầu ngay vào chính tình ái, cho rằng tình ái là động cơ mạnh nhất gây nên những công trình lớn lao, mà việc lớn lao nhất ở hiện thể là sinh ra con người tiểu ngã, còn cấp siêu hình là con người Đại Ngã. Nói cụ thể là tâm tình làm cho con người lớn lên hết cỡ người, nói cụ thể là nuôi dưỡng giáo dục để con người phát triển hết mọi chiều kích người cả tiểu ngã lẫn Đại Ngã, cho hồn tiểu ngã hòa vào hồn Đại Ngã, đấy phải là mục tiêu tối đại của những áng văn siêu việt. Triệt sau chúng ta sẽ xem bóng Đại Ngã Tâm Linh xuất hiện ra sao trong truyện Kiều. Nhưng trước đó chúng ta hãy xem lối tiến của Đại Ngã ra sao.

Vòng Đồng Tâm

Trên ta vừa bàn đền con “thuyền tình bể ái” như sợi dây xiên qua đời sống của dân tộc, xuất hiện tràn ngập trong Kiều cũng như trong dân gian. Nhưng đó mới là bề mặt, nói theo cơ cấu thì đó mới là hiện nghĩa (phénotexte) còn ẩn nghĩa (génotexte) thì là cái vòng đồng tâm xoáy vào giữa, mà Giáo Sư Bùi Hữu Sủng đã khám phá được một quãng khi thấyThuý Kiều có một tâm hồn nhạy cảm, tràn ngập yêu thương:

Lòng đâu sẵn mối thương tâm,

Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.

Với Kim Trọng nàng xin thề:

Đã nguyền hai chữ Đồng tâm,

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.

Rồi trải qua bao bứơc gian truân nàng cố giữ mối băng tâm cho đến lúc không sao được mới xin chừa. Không thể đếm hết chữ Tâm rải cùng khắp truyện Kiều để vẽ nên những vòng đồng tâm trong lòng Kiều. Giáo sư nói cứ mỗi lần giông tố đổ lên đầu nàng thì nàng lại chọn một nơi vắng để một mình một bóng trước ánh trăng vàng hay ngọn đèn leo lét soi thấu vào lòng, rồi như phóng những làn sóng lòng ra tứ phía để rồi lại thu gọn về thâm cung lòng mình như một trung tâm điểm. Thí dụ như sau khi viếng mộ Đạm Tiên trở về:

Một mình lặng ngắm bóng nga,

Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.

Sau khi đã bán mình chuộc cha một mình khóc cái mộng ái ân tan vỡ, để tạ tội với người tình nàng hứa sẽ làm trâu ngựa để đền bồi hoặc kết mối tình thành một khối băng tâm mang xuống suối vàng thì sóng lòng lại quay về chiếc đèn và với đáy hồn sâu thẳm:

Nỗi riêng riêng những bàng hoàng,

Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.

Thế rồi xuyên qua nhiều vòng khác thì theo Mã Giám Sinh về Lâm Tri, khi ở lầu Ngưng Bích, lúc ở nhà Thúc Sinh, rồi với Từ Hải, và nhất là ở sông Tiền Đường. Đó là bấy nhiêuvòng đồng tâm làm nên nét đặc trưng trong truyện Kiều, một thứ làn “sóng tâm” phóng tỏa ra không gian thời gian: tự đáy lòng người thấu tận đến lòng trời lòng đất lòng quỷ thần: Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.

Quả thực đó là con dấu mà hồn Việt đóng lên truyện Kiều để nó được đề cao như mang chở nền Nhân Bản Tâm Linh. Tuy vậy về vòng đồng tâm này không hiện lên được rõ nét bằng chiếc thuyền đã bàn trên, nên rất khó nhận ra. Ngay cả đến cái thuyền cũng chỉ thấp thoáng cánh buồm xa xa, là vì nó không nằm trong ý thức của thi hào, cùng lắm người chỉ cảm thấy lơ mơ. Nhưng chính chỗ vô thức đó mới bảo đảm cội nguồn của dân tộc, của tiềm thức cộng thông giống nòi: nên người đọc đã có thể cảm thấy lờ mờ xuyên qua những mối tình đằm thắm sâu đậm trong truyện: đủ cả hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố tràn lan biểu lộ một cái gì đặc biệt. Nay nếu muốn nhìn rõ hơn cái dạng thức tiên thiên chưa bị hạn chế do bị bẻ quặt như trong các cái đã hiện thể. Nhưng lại nằm sâu dưới đáy thẳm nên chỉ có những tâm hồn nhạy cảm, những con mắt của triết gia, của thi sĩ mới cảm được. Vì đó là những người có lúc đã đi đến bờ của hư vô (sách Phật gọi là lân hư) nên có thể cảm thấy và ghi lại trong nghệ thuật, trong huyền thoại, nên khéo vận dụng cơ cấu thì sẽ nhìn ra đựơc cái vòng đồng tâm này mà đường tiến tới như sau:
Nếu ta đặt lên mặt trống đồng cái nhìn soi bói của nhà cơ cấu ta sẽ đặc biệt chú ý tới cái vòng vũ đều tiến theo chiều tả nhậm (tay trái). Đó là đường tiến theo tình người của nông nghiệp, ngược lại với tay hữu là đường lý sự của du mục ta sẽ gọi là hữu nhậm. Dấu hữu nhậm ban đầu là riêng của Tàu, nên họ lấy dấu tả nhậm để phân biệt ta với họ trong câu “Tứ Di tả nhậm” (Kinh Thư thiên tất mệnh, câu 13). Vậy tả nhậm bao hàm ý rộng là đề cao tâm linh (tay trái bên trái tim) đề cao phẩm, đề cao đức hào hiệp, phù yểu (bênh kẻ yếu đuối) đặt vợ trên chồng là theo cái luật âm trước dương nọ. Vì thế đó chính là hướng tiến của Lạc Thư cũng gọi là sách mẹ vì đề cao nguyên lý mẹ, nói đơn sơ là đặt nặng tình hơn lý, ngoài là lý một nhưng trong là tình mười. Vì thế Lạc Thư tiến theo chiều tả nhậm như thấy được rõ khi đặt vào cơ cấu ngũ hành vòng khắc đó là thuỷ (số 1) khắc hỏa (số 2), hỏa khắc kim (số 4), kim khắc mộc (số 3), mộc khắc thổ (số 5). Đặt thành cơ cấu như sau sẽ thấy liến hướng tiến “tả nhậm”:

1 =2 = 4= 3=5

Nói theo số là khởi từ số 1 qua 2 rồi 4 đến 3. Số 3 chỉ mộc mà mộc khắc thổ số 5. Chữ khắc ở đây có nghĩa là hoạch (khắc giả hoạch dã) tức là thâu đạt được Đại Ngã biểu thị bằng số 5. Đó là hậu quả của các vòng đồng tâm: tự vòng ngoài vào vòng trong cho đến vòng trong cùng thì đạt nhân mà dạng thức tiên thiên kêu là Đại Ngã. Đấy là điểm một nó bí ẩn và quặt quẹo nên khó nhận ra.

Điểm hai có thể gọi là rõ hơn vì vòng đồng tâm đã hiện ra thành nhiều vòng lồng lên nhau tự to tới nhỏ, tức không phải là vòng tròn bằng phẳng, nhưng là những vòng tròn có nhiều đợt: càng tiến vào trong thì càng nhỏ, mà càng nhỏ thì sức tỏa ra lại càng rộng theo nguyên lý “nội hàm càng nhỏ thì ngoại hàm càng to”. Nói cụ thể khi tâm hồn đã đạt độ trống rỗng thì sức bao dung trở thành rộng lớn vô biên. Muốn biết được vạn vật phải có “tâm hư”. Tâm hư là đừng có lấy cái đã chứa trước (ý hệ, bái vật) để làm hại, để bẻ quặt cái sắp đựơc chứa. Làm được như vậy thì cái biết sẽ bao la như vũ trụ. Cho nên “hư tâm” cũng gọi là “vũ trụ chi tâm”, cái tâm mở ra bao la như vũ trụ. Điều đó được biểu lộ bằng các vòng to nhỏ khác nhau, ngoài to trong nhỏ nên giống nhau ở chỗ là các vòng đều tròn, khác nhau đều ở chỗ vòng trong nhỏ hơn với các hình ảnh khác hơn. Đó là một khác biệt về phẩm: càng tiến thì càng giũ bỏ những hình thể giác quan để đi sâu mãi vào tâm hồn, đi mãi đi mãi cho tới khi đạt sự trống rỗng trọn vẹn thì tâm thức con người sẽ mở rộng như vũ trụ, vì nó toả ra đủ sức bao trùm cả Trời Đất Người.

Trong mặt trống đồng thì mặt trời thay mặt cho Trời để chỉ sự trống rỗng vô biên, Đất được đại biểu bằng hai vòng chim và nai, còn hai vòng giữa là Người. Ở vòng ngoài cùng (18 đôi chim) tuy đã có nét song trùng giữa chim to với chim nhỏ, nhưng chính vòng chỉ chia đôi cách ngầm, đến vòng trong của đất thì không những vòng đã chia đôi thành bên lẻ bên chẵn, mà cả các con vật cũng mang dấu âm dương lộ liệu: hiêu đực hiêu cái. Sở dĩ như vậy là vì vòng trong của đất đã thuộc về người (xin nhớ người trong Kinh Dịch thành bởi bốn nét thì hào 2 là đức đất hào 5 là đức trời). Bởi vậy mới nói sự ý thức âm dương đã hiện lên vòng các con vật là nhờ con người chiếu giãi vào. Còn chính vòng con người thì khỏi nói vì nó đã chia hai cách đậm đà, hơn nữa là vì con người là chủ việc nhận thức nên sâu hơn, đến độ xây minh triết trên hai nét âm dương, như được biểu thị trong hình tam giác gốc, tam giác hàm tàng số 3 chỉ trời, số 2 chỉ đất, nên cũng chính là dang thức con người Đại Ngã, nơi ấy (trong hình tam giác gốc) đang diễn ra tác động uyên nguyên của đất trời giao chỉ được cụ thể hóa bằng hình ảnh âm vật và dương vật giao hòa. Như vậy có nghĩa là toàn vũ trụ là một vũ trụ tình ái đang trong thế tác động sinh sinh hóa hóa. Triệt sau chúng ta sẽ xem đường tiến hóa đó xoay chuyển ra sao.

Bóng Người Đại Ngã Tâm Linh.

Đại Ngã Tâm Linh được Việt Nho biểu thị bằng số 5 (giao chỉ của 3 trời 2 đất) được bồng trong tay Nữ Oa Nghi Mẫu hoặc bằng những sơ nguyên tượng khác (archetypal image) như Âu Cơ, Lạc Long, Hùng Vương… Trong Kiều là Từ Hải. Ở hiện nghĩa Từ Hải là vai tuỳ, Kiều là chính, nhưng trên tầng ẩn nghĩa Kiều chỉ là cây cầu bắc sang bờ bên kia để gặp mục tiêu là Từ Hải, nên Từ Hải không những là vai chính mà còn là bóng dáng của con người Đại Ngã Tâm Linh hiện thân của nền Nhân Chủ triết lý của Việt tộc, dấu hiệu là “họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông”. Khởi từ số 1 (Hải: hành thuỷ số 1) xuyên qua số 2 (gồm 2 văn võ) và số 4 (thay chàng Kim, hành kim số 4) tới số 3 Việt đông (Đông số 3) để khắc phục số 5 (năm năm hùng cứ một phương hải tần, xin xem lại bảng số Lạc Thư trên). Số 5 chỉ Đại Ngã thành bởi số 3 trời 2 đất (nhân giả kỳ thiên địa chi đức) trong truyện đựơc biểu thị bằng vai Từ Hải, nên ta năng gặp số 5 đi kèm.

Râu hùm hàm én mày ngài

Vai năm tấc rộng thân mười thước cao…

Trước cờ ai dám tranh cường

Năm năm hùng cứ một phương hải tần…

Triều đình riêng một góc trời,

Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.

Đòi cơn gió táp mưa sa

Huyện thành gãp đổ năm tòa cõi nam…

Rằng Từ là đấng anh hùng,

Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi…

Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên

Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng

Bảo cho hội họp chi kỳ

Năm nay là một nữa thì năm năm…

Những chữ dọc ngang, trời rộng, vẫy vùng bể khơi cũng như “làm nên động địa kinh thiên đùng đùng” đều ăn với huyền số 5 nhắc đi nhắc lại. Số 5 đưa Từ Hải lên bậc lớn lao như vũ trụ. Đó là điểm một, chứng tỏ bằng huyền số rằng Từ Hải là vai chính.

Điểm hai là danh tính ta thấy cũng nói lên bản chất của nhân vật: Từ Hải chính là kết tinh của thuyền tình bể ái. Từ Hải có nghĩa là bể từ bi, là:

Tình thâm bể thẳm lạ điều,

Mà hồn tinh vệ biết theo chốn nào?

Tình thâm bể thẳm cùng với bể ái là một: đều chỉ đức đại từ, đại bi, chí nhân, chí dũng. Bao la như trời bể gồm trí, nhân, dũng; mênh mông như vũ trụ để có thể yêu khắp loài người, nên khi bị đàn áp thì chống lại cách kinh thiên động địa. Đó là căn nguyên của đức tự cường bất khuất của dân tộc, mà đại biểu là Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Bà Trưng, Bà Triệu… với những trận đánh long trời động đất: đánh Nguyên, chống Tống, đuổi Thanh… Tất cả đều biểu lộ cho đức Nhân mênh mông, cho “tình thâm biển cả”, chỉ vì cái thế bó buộc không thể hiện thực được tấm lòng từ ái nhân hậu cách tích cực đành phải đi lối tiêu cực là đả phá gông cùm: Từ Hải chính là mẫu mực tối sơ của đức chí nhân nọ.

Phong trần mài một mũi gươm,

Những phường giá áo túi cơm xá gì.

Nghênh ngang một cõi biên thuỳ…

Vì nghênh ngang nên bị người đời không nhìn ra chân tướng. Tự Đức đã lên án Nguyễn Du đáng đánh ba mươi trượng vì tội quá đề cao “một tên phản loạn”. Những đầu óc duy lý kiểu Tự Đức đã dám chối bỏ huyền sử, cho những truyện trong Kinh Hùng là trâu ma thần quái thấy sao được “tình thương bể thẳm lạ điều”. Cả bao thế hệ học giả cũng không thấy, không hiểu được Thi Bá. Người ta tìm ẩn ý cụ trong việc phục hồi nhà Lê. Nếu đúng cũng chỉ đúng một phần nhỏ. Phần lớn thâm sâu hơn nhiều, nằm trong vai Từ Hải. Không hiểu Từ Hải như linh hồn Việt Lý thì không hiểu được Thi Bá. Hơn thế cả Thi Bá cũng không hiểu hết được mình, vì vai Từ Hải là một hồn thiêng thuộc cõi bao la vô thức, được dựng nên không do ý thức của cá nhân Nguyễn Du, mà xuyên qua người là tiềm thức cộng thông dân tộc: phải là tiềm thức cộng thông mới đủ mắt “tinh đời nhận diện được anh hùng trần ai”. Đó là đại chúng, đại chúng nhận diện được vì tâm không bị vướng mắc vào ý hệ nên đã thấy sự thực; mỗi khi dân chúng bói Kiều bao giờ cũng mở đầu khấn Từ Hải trước hết:

Lạy vua Từ Hải

Lạy vãi Giác Duyên…

Sau mới đến các nhân vật khác.

Điểm ba là đường đi nước bước của Từ Hải thật là uy linh lừng lẫy, chưa cần dùng đến cơ cấu (số 5 và tên gọi) chỉ xem cung cách được tả lại đã đủ thấy rõ Từ Hải xuất hiện như con người lớn lao cấp vũ trụ, tức cũng là hình ảnh con người lý tưởng của Việt tộc được biểu lộ ngay từ tên của nơi xuất xứ: Việt Đông.

Đường đường một đấng anh hào,

Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.

Đội trời đạp đất ở đời,

Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.

Việt Đông theo nghĩa hẹp là Việt Chiết Giang kinh đô Cối Kế. Sách Hậu Hán Thư Địa Lý Chí viết: “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê trên bảy tám ngàn dặm, người Bách Việt ở xen nhau đều có chủng tính”. Trường hoạt động của Từ Hải là bảy tám ngàn dặm mênh mông nọ. Vậy mà đó mới là nghĩa hẹp, cần vượt phạm trù không thời gian để lần về địa bàn tổ của Việt tộc xa xưa nữa sẽ thấy nó trùm khắp nước Tàu. Rồi rút dần, rút dần: đợt nhất thu mình vào hai châu Kinh và Dương (Kinh Dương Vương: Lộc Tục) một cặp danh xưng co dãn bao gồm cả miền Kinh Sở, cả miền duyên hải nước Tàu từ bể Bột Hải (Liêu Dương) và Bắc Kinh chạy qua Sơn Đông, An Huy, Từ Châu, Giang Tô, Chiết Giang duỗi chân xuống Ngũ Lĩnh, Phúc Kiến, Quảng Đông, Việt Nam. Đó! Môi trường  hoạt động của Từ Hải là thế, vì đó chính là môi trường của triết lý Việt tộc.

Đến đây ta có thêm chứng lý để tin rằng Nguyễn Du đã viết dứơi sự dẫn dắt của tiềm thức cộng thông, nên đặt truyện trong bối cảnh lớn lao nọ để Từ Hải dễ xuất hiện như hình ảnh con người lý tưởng của dân tộc.

Một tay gây dựng cơ đồ,

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành.

Bể Sở sông Ngô là danh xưng chỉ cái miền mênh mông với bờ cõi chập chờn là địa bàn tổ của Việt Nho, chiếu giải vào 15 năm lưu lạc của Kiều làm nổi lên mối liên hệ ngầm với 15 bộ nước Văn Lang, nên con số 15 năm được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Mười lăm năm bấy nhiêu lần,

Làm gương cho khách hồng quần thử soi.

Từ con lưu lạc quê người,

Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm…

Những là rầy ước mai ao,

Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.

Những từ sen ngỏ đào tơ,

Mười lăm năm mới bây giờ là đây…

Khi lặp lại nhiều lần thỉ phải có liên hệ nào đó. Nó chỉ 15 bộ nứơc Văn Lang cũng là trường hoạt động của con người Nhân Chủ mà ấn tích bên ngoài là Việt Nho. Việt Nho là một nền triết Nhân Chủ nhưng đã nhiều lần bị các làn sóng du mục Tây Bắc tràn ngập làm cho biến thể thành ra Hán nho với những yếu tố chuyên chế. Thế nhưng Việt tộc vẫn tranh đấu kiểu này hay kiểu khác, từ những tên huyền sử như Tam Miêu, Li Vưu, trải qua các đời như Đổng Trọng Thư, Phạm Trọng Yêm, Vương Dương Minh, Thị Nại Am, cả đến những cuộc nổi dậy của Xích Mi, Hoàng Cân, Quyền Phỉ, mỗi lần nói lên được một phần nào của cái óc tự cường tự lực. Ngoài ra tinh thần đó cũng được thể hiện vào những vai chính trong các tiểu thuyết như Tôn Ngộ Không, Thánh Dóng, Tống Giang… Từ Hải là hình ảnh của một Thánh Dóng, một Tôn Ngộ Không, tức một nhân vật chống chính quyền chuyên chế để bênh vực dân gian, bênh vực quyền làm người. Có thể nói là hình ảnh của Hùng Vương, mẫu mực của con người hùng vĩ, tự cường, nhưng ở đây lật ngược để thấy chiều chống phá.

Đại Vương tên Hải họ Từ,

Đánh quen trăm trận sức dư muôn người.

Phong trần mài một mũi gươm,

Những phường giá áo túi cơm xá gì.

Nghênh ngang một cõi biên thuỳ,

Thiếu gì cô quả thiếu gì bá vương.

Trước cờ ai dám tranh cường,

Năm năm hùng cứ một phương hải tần.

Muốn biết kẻ nào là”những phường giá áo túi cơm” thì nên nhớ lại truyện Thuỷ Hử với vua quan triều đình toàn là loại đỉa đói, mà Tống Giang với đồng bọn đã có công đạp đổ. Đó không là tướng cướp. Họ chính là những hiệp sĩ đầy ứ tinh thần phù yểu theo điệu tả nhậm đựơc phác họa do Thi Nại Am xuất thân từ miền sông Hoài, một trong những con sông ruột của Việt tộc. Từ Hải cũng uống ứơc sông Hoài, nên mang hình ảnh uy hùng của một hiệp sĩ thượng thặng, một tay hảo hán “thế thiên hành đạo” để bênh vực những người bị đàn áp, lép vế, mà Kiều là một điển hình. Đó là hiện thân của nền triết lý Nhân Chủ Việt Nho.

Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.

Những điều bất bằng đó, những điều trái tai gai mắt đó đầy trong xã hội loài người, nhất là trong những thời ly loạn như hoàn cảnh của Nguyễn Du: nhà Lê đã quá suy tàn không còn đủ đặt hy vọng, nhưng các tay đang tranh giành quyền bính cũng chỉ là những giá áo túi cơm: triều đình đầy những xa hoa thái quá không làm được chi để cứu dân ngày thêm cơ cực. Trong trường hợp đầy bất bình đó tự nhiên tiềm thức nổi lên tiếng hú hồn nước: phải nhất định ra tay như những gương anh hùng dựng cờ cứu nước, nếu thất bại thì ít ra cũng như những anh hùng kiểu Tống Giang, Nguyễn Thái Học thắp sáng lại ngọn đuốc thiêng liêng: đó cũng chính là tâm trí của Nguyễn Du cũng muốn làm cho rõ mặt phi thường, cũng muốn:

Trọc trời quấy nước mặc dầu,

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.

Và quả thực Thi Hào đã có những toan tính xoay đổi tình thế, nhưng mưu cơ bại lộ phải ngồi tù ba tháng (Từ Hải chết đứng đó). Đấy là lý do chính đã đưa đẩy ngọn…(photo mất trang 205, 206)

Trơ như đá vững như đồng

Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời.

Đến khi Kiều khai trước kẻ thắng trận cũng không ngần ngại tuyên bố:

Rằng Từ là đấng anh hùng,

Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi.

Đó phải là hai câu đề trên mộ Từ Hải. Đó cũng là câu phải đề trên mộ các chiến sĩ đã dầy công tranh đầu cho dân tộc cả trên cương vị chính trị lẫn văn hóa, cũng như trên chính mộ bia của Thi Bá, người đã quy tiên bằng cuộc tuyệt thực.

Đó là những anh hùng bất khuất với chí khí phi phàm. Tất cả là những cháu đích tôn của Hùng Vương, là những “trai hùng gái đảm” miêu duệ của Nữ Oa đội đá vá trời. Hơn đời trí dũng nghiêng trời uy linh. Đấy là bấy nhiêu hiện thân của tinh thần hùng cường bi tráng của Việt tộc phát xuất tự Việt Đông, tức tự địa bàn tổ nơi đã từng sản sinh ra mẫu người oai hùng siêu Việt. Những thánh Dóng quan thầy của triết lý An Vi.

Tóm lại dân tộc tính hay nền triết Việt được tàng chứa trong truyện Kiều xuyên qua năm điểm: Một là tính chất phổ cập trong toàn dân: nói được là áng văn chương của quốc gia theo nghĩa đầy đủ hơn hết.
Hai là truyện có hậu nói lên nét lưỡng hợp thái hòa, nét đặc trưng lớn lao cao trọng của nền văn hóa dân tộc. Ba là thuyền tình bể ái bắt nguồn từ cái mạch sơ nguyên xuất hiện huy hoàng trên mặt trống đồng, cũng như đã chảy tràn ngập trong dân nước. Quê hương đựơc kêu là nước cho thuyền tình bể ái có đường đi cùng khắp nơi. Bốn là cái vòng đồng tâm với đường tiến tả nhậm nói lên tính chất tâm linh là nền tảng của văn hóa dân tộc làm nền móng cho văn hiến chi bang: nó cũng tiến theo vòng tả nhậm như Lạc Thư, một kinh vô tự của Lạc Việt. Năm là Từ Hải hiện lên như con của vua Hùng, của mẫu người tự cường tự lực, là cháu đích tôn cao cả của bà Nữ Oa đội đá vá trời, uy linh hùng tráng với những động ứng bao la như vũ trụ.

Năm nét trên nói lên bản chất văn hóa dân tộc tìm được trong truyện Kiều, nên tôi cho Kiều là một thành tựu văn nghệ có thể đặt ngang với trống đồng, một điển chương đã diễn tả cách huy hoàng nguyên lý có chí trung mới chí hòa. Vì thế trong bài tôi đã nhắc đến trống đồng hơi dài là vì vậy.
Với năm đặc tính nọ quả thật truyện Kiều đã nghiễm nhiên là một kiệt tác văn chương không những của dân tộc mà còn là một hạt ngọc cao quý vào bậc nhất trong kho tàng văn hóa loài người. Cho tới nay chưa được nhận ra, vì nó u uẩn đến độ có thể nói chính Thi Hào cũng không ý thức hết, tức không ngờ đến rằng mình đã lên đến tuyệt đỉnh như vậy. Cái đó phải là do sự trợ lực của tiềm thức cộng thông dân tộc mới đạt được. Nguyễn Du thi hào chính là nơi kết tinh của hồn cao cả dân tộc nên không cần ý thức cá nhân. Khi tâm hồn nào trở nên trong trắng nhạy cảm thâm sâu thì dễ chạm vào nguồn suối u linh đó rồi nói lên cách vô thức. Chính sự nhập nhằng giữa hai miền ý thức và vô thức đã mặc cho truyện Kiều ánh hào quang u linh bi tráng để trở nên một ống loa phát thanh nền triết lý dân tộc, mà vì Việt tộc có nền văn hóa trung thực của con người đến độ nói được dân tộc cũng là nhân tộc, nên truyện Kiều là một kiệt tác siêu đẳng của văn hóa nhân loại thuộc loại Nhân Chủ rất người mà Từ Hải là hiện thân.

Kim Định
(Trích: Pho Tương Đẹp Nhất Của Việt Tộc)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm