VAI TRÒ SÁCH KINH ĐIỂN TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC

Thư Hương

IMG.112Bàn về giáo dục hiện nay có lẽ hầu hết mọi người đều đồng ý là nó thất bại và cần phải sửa lại, duy có phương thế sửa đổi thì không tìm ra được sự đồng ý nào. Chúng tôi nghĩ rằng muốn đạt được sự đồng ý về chỗ cần phải sửa đổi thì phải tìm ra căn do đích thực của sự thất bại hiện nay. Nguyên nhân hẳn có nhiều nhưng đáng chú ý hơn cả là hai điểm sau: một là không phân biệt sự thành công với thành nhân, hai là vì thiếu kinh điển. Căn nguyên đầu thực ra không quan trọng bằng căn nguyên sau, và dễ nhận thấy hơn nền hầu hết đã được các triết gia đề cập, lẽ ra khỏi nhắc tới, nhưng vì nó chưa được nhận thức ở cấp thừa hành nên trong thực tế hầu hết các chương trình đều thiên trọng về thành công, và về phương diện này thì rất nhiều nước đã sửa đổi có thể gọi là mỹ mãn. Nhưng thành công trong văn minh kỹ thuật không kéo theo sự thành công trong văn hóa giáo dục và do đó chúng ta phải đi tìm căn do sự thất bại này nơi khác.

Theo chúng tôi thì căn nguyên gần của sự thất bại chính là sự thất bại của triết học. Ai cũng biết rằng sứ mạng của triết học là điền lý và hòa hợp mọi năng khiếu con người quy về một hướng, một lý tưởng, thế mà triết học cổ điển lại chỉ có một chiều kích tức là duy lý thì làm thế nào để thống nhất các cơ năng khác như cảm xúc và tâm linh, và như vậy là đánh mất nữ tính của triết học mà chính nữ tính mới là yếu tố thống nhất. Nói theo kinh Dịch thì triết Tây mới chỉ có dương mà thiếu âm, mới có “lumen” mà chưa đạt “numen”, nói theo Mạnh Tử là mới biết tiểu thể mà chưa biết đến đại thể. Tiểu thể là đời sống con người cá nhân hạn cục trong xác thân của mỗi người và một số liên hệ với lân nhân, với xã hội. Đại thể trái lại là đời sống tinh thần không hạn cục trong xác thân hay trong những mối giao liên xã hội nhưng còn tỏa ra đến trời cùng đất, có tầm vóc vũ trụ. Phải gồm tiểu thể và đại thể mới làm nên con người lường thê và chỉ có quan niệm lưỡng thế đó về con người mới có tính cách toàn diện và mới đem lại cho giáo dục một nền tảng cân xứng. Vì muốn cho giáo dục trở nên trung thực thì nó phải lo tới sự thăng tiến toàn diện con người chứ không riêng một năng khiếu nào cả. Thế mà triết lý lại chỉ chăm lo có lý trí thì không sao vượt được sự hữu hạn, nên nếu nó có mường tượng ra cái gì thiêng liêng có cái tên thì nó cũng bị giới hạn. Thiêng liêng thực thụ phải là vô biên. Vì thế muốn triết lý có được một nội dung tâm linh chân thực thì nó phải trở thành đa kích: không những suy tư nhưng còn cảm xúc và sống thật. Triết học duy lý không phải là không bàn về tình cảm hay sự sống nhưng đó là bàn về một loại logos lấy tình cảm hay sự sống làm đối tượng như mọi đối tượng chết khác, nên rất trừu tượng khác xa với tính cảm và sự sống thật. Nếu thực có cảm xúc và sống thì triết lý phải có phương pháp luyện tình và tập sống, ý như đã có danh lý để tập suy tư vậy. Song cho tới nay mới có danh lý mà chưa có khoa luyện tình, luyện sống thì không phải là triết lý nguyên vẹn. Để có một nền triết lý toàn vẹn như vậy cần nó phải móc nối với những sách bàn về cứu cánh chân thực của tất cả đời sống con người, không phải cứu cánh sẽ đến sau khi chết như các tiên tri biết trước, nhưng là biết ở đây và bây giờ, biết về cái cứu cánh của con người đang sống hiện tại trong gâm trời này: cần phải biết và nhận thức nó trong mọi động tác. Những sách như thế tôi gọi là kinh điển hay là những sách minh triết.

Nền triết học Tây Âu đã thiếu những sách đó, nói đúng hơn đã đánh mất ngay từ thời Hy Lạp, nhưng sự mất mát đó đã không được nhận ra. Sự không nhận ra này là do cổ điển và kinh thánh đã tạm thời thay thế kinh điển nên người ta cứ dùng lẫn lộn cả ba loại mà không nhận ra sự khác biệt đến độ cái này không thể thay thế cái kia. Vì thế ở đây tôi chú trọng đặc biệt đến sự định nghĩa thế nào là kinh điển và nó khác cổ điển và kinh thánh như thế nào. Tôi cho rằng để một sách đáng được gọi là kinh điển thì cần gồm mấy yếu tố sau đây: một là nhân bản, hai là dân gian, ba là giải phóng, và bốn là tâm linh.

Trước hết là nhân bản tức là những sách bàn đến những vấn đề liên hệ mật thiết đến những nhu yếu thâm sâu của con người và lấy chính sự thoả mãn những nhu yếu đó làm tiêu chuẩn xét đoán, vì một khi đã tìm tiêu chuẩn bên ngoài con người thì không còn là nhân bản và không giúp nó triển khai hết mọi khả năng cách quân bình và cùng cực. Các hiền triết Hy Lạp trước Socrate như Empédocle, Héraclite… có lẽ đã đáp ứng đựơc điểm này và do đó sách các ngài có thể là kinh điển. Nhưng không may nay đã thất lạc hết, nên Hy Lạp không có kinh điển mà chỉ có cổ điển tức là những áng văn chương kiệt tác, nhưng đó không phải là nhân bản, mà có thể nói là phát nguyên từ thần thoại và tuy không thiếu giá trị con người nhưng về bản gốc thì chưa là nhân bản, mà mới là sự tranh đấu cho nhân bản, chưa đạt tới nền tảng chân thực. Những sách triết học của Platon, Aristote cũng kể vào loại này, nghĩa là chúng chỉ là sách triết học chứ không phải sách minh triết.

Điều thứ hai là tính chất dân gian tức là ai cũng có thể tham dự phần nào, không những trong một nước mà còn cả nhân loại không kể Đông Tây hay kim cổ, khi hiểu đúng nội dung kinh điển cũng đều thấy lòng rung động. Đó chỉ là hệ luận của nhân bản, tức là hết mọi người hễ đã là người thì đều có nền tảng làm nên con người nên cũng rung động được trước các câu nói liên hệ tới những nhu yếu nền móng đó, như sự tu thân theo nghĩa làm triển nở hết mọi năng khiếu trong người, không những ý mà còn tình và chí, không những trong việc tu thần mà còn trong những mối liên hệ là gia đình, quốc gia, quốc tế mà Nho giáo quen tóm vào trong 4 chữ Tu, Tề, Trị, Bình. Những sách chỉ nghĩ đến học vấn là mới nhằm phát triển có lý trí thôi, thì không thể có tính cách dân gian tức phổ biến tới mọi tầng lớp trong xã hội. Vì thế sách thực là nhân bản không thể hạn cục vào một lớp người bé nhỏ, như lớp người tự do hay quý tộc trong các xã hội La Hy sống xa cách đại chúng là nô lệ. Vậy mà các sách triết học La Hy chỉ nhằm có lớp người này nên thiếu tính cách phổ thông mà chỉ còn là quý phái. Không nói thì ai cũng biết tính chất quý phái này được duy trì liên tục trong nền triết học Âu Tây nên là nền triết rất xa quần chúng. Các mẫu người được các triết học gia đề ra đã xuất hiện trước mặt dân chúng như những mộng du, hoặc những Don Quichotte, không thấy thực tế ra sao cả, hoàn toàn sống trong thế giới ý niệm. Vì thế rất ít người đã học triết xong mà không vì đó đánh mất một mớ bon sens. Và đó cũng là lý do giải nghĩa sự thiếu một nền thống nhất văn hóa giữa hai lớp người: giới trí thức là kẻ kế vị tinh thần của quý phái và lớp bình dân, kẻ kế vị nô lệ xưa. Các sách triết học cũng như sách cổ điển vì thế là một loại sách đã gây nên đẳng cấp trong xã hội và nuôi dưỡng sự đấu tranh giai cấp mà không sao gây dựng nên một nền văn hóa chung cho hết mọi người. Nietzsche cho là không thể sống được vì thiếu nền thống nhất văn hóa đó. Nous ne possédons aucune unité populaire pourait-il encore vivre au milieu d’un peuple lorsque l’unité du sentiment populaire est perdu. Nietzsche de Jaspers, p.424.

Điều thứ ba là giải phóng tức là luôn luôn giúp con người tiến lên thêm mãi vào sự chân nhận và hiện thực nhân tính của người để đưa con người tới chỗ thoát ly khỏi lòi trói của mọi ý hệ và thuyết lý. Muốn được như thế kinh điển phải xây trên quan niệm biến hóa vì chỉ có biến hóa mới giải phóng con người. Dấu hiệu cụ thể của biến hóa chân thực là không những không cản trở nhưng còn giúp vào việc dung nạp được hết những khám phá mới xuất hiện theo đà tiến. Bởi vì dấu hiệu giải phóng là sống mạnh, mà sống mạnh là tiến hóa mạnh. Sự tiến hóa gia tăng theo hàm số của khả năng thâu hóa: càng thâu hóa được nhiều những khám phá mới càng tỏ ra có tính chất giải phóng. Muốn được như thế, kinh điển phải dừng lại ở đợt minh triết uyên nguyên (sagesse principielle) mà không nên đi vào những quy định quá xác suất. Những quy định xác suất thường chỉ hợp cho một nơi một thời, nên cùng lắm chỉ hợp cho triết lý trong một giai đoạn, vậy nếu vô tình tôn vinh nó lên bậc nguyên lý thì tức là xâm phạm tự do cá nhân và đi đến nô lệ hóa con người, và đánh mất trọn vẹn tính chất uyển chuyển linh động của nền minh triết. Triết học hầu hết đi vào quyết định nên không thể lá kinh điển, mà chỉ còn là một ý hệ hay một thứ sử triết.

Điểm thứ bốn là tâm linh. Tâm linh là cái gì phổ biến theo nghĩa chữ “thần”, trong kinh Dịch là “thần vô phương” thần không ở phương nào không đông không tây, nhưng không đâu không ở, nghĩa là rất linh nghiệm Ý nghĩa đó bao la khó dịch chúng ta chỉ có thể tạm dùng chữ numen trong sách Le Sacré của Otto để định nghĩa tâm linh là tremendum et fascinans, huyền bí đáng sợ nhưng lại có sức lôi cuốn. Đáng sợ vì không thấy bờ bên đâu cả, nhưng lại lôi kéo lòng người cách huyền bí sâu xa thì chúng ta có thể suy đoán theo luật đồng tính (affinité: similis similem quarit). Nếu con người ưa cái gì bao la man mác thì hiểu được rằng trong bản chất con người có cái chi man mác vô biên. Do đó mà có một dấu hiệu cụ thể của tâm linh là lối văn u linh lờ mờ, một thứ lờ mờ thú vị vô cùng “délicieusement vague” và thường là đơn giản mộc mạc, đến nỗi nhiều nhà sử văn học cho là vụng về và do đó mấy sách kinh điển không có được mấy kí lô trước con mắt của các sử gia văn học. Nhưng họ có biết đâu rằng đấy là một thứ “vụng về” siêu tuyệt mà chỉ có những bậc thánh triết mới đạt, vì cái mộc mạc đó được tu luyện, được nâng lên bậc một quẻ trong kinh Dịch và gọi là quẻ “Vị Tế”: chưa sang sông chưa xong. Đấy không phải thứ “chưa xong” vì cằn cỗi già nua hay vì thiếu tài, nhưng là thứ “chưa xong” của một hạt nhân còn tàng chứa đầy nhựa sống, đầy sức triển nở có khả năng mở đầu cho một chu kỳ phát triển mới khác, một thứ “chưa xong” của bình minh sơ nguyên hãy còn dính liền với trùng dương vô thức nên giàu vô biên chất minh triết. Và quả thực đó là thứ “chưa xong” đã làm nguồn suối cho bao cuộc phục hoạt mỗi khi người ta biết trở về cách trung thực với cái mộc mạc vụng về của kinh điển. Trong nền văn học Trung hoa đã có rất nhiều lần trở lại với nguồn đó và được ghi dấu bằng một tổng hợp mới. Trong quyển “Định hướng văn học” chúng tôi đã lên sổ được 4 cuộc tổng hợp như thế:

Tổng hợp đầu tiên hiện hình ở Kinh Dịch.

Tổng hợp thứ hai hiện hình ở Thiên Thai trong đời Đường.

Tổng hợp thứ ba hiện hình ở Lý học của Trình Chu đời Tống.

Tổng hợp thứ tư hiện đang được thai nghén từ hơn một thế kỷ nay.

Đó là điểm mà các sách triết cũng như cổ điển đã không làm nổi. Sách cổ điển khác kinh điển về lối văn chải chuốt điêu luyện, đã làm xong, nên rất được các nhà sử văn học quý trọng, nhưng họ không nhận ra rằng chính vì thiếu cái linh lực của kinh điển nên mới phải tìm cách bù đắp. Ở triết học bù đắp bằng lý luận phân minh rành rọt, ở luân lý và tôn giáo thường được bù đắp bằng những hành ngơi trang trọng quanh việc tuyên bố kinh văn, cổ điển thì bù đắp bằng những câu văn óng chuốt trác tuyệt, và nhờ đó nó đã chu toàn vai trò của nó là “truyện” theo nghĩa giải rộng ý kinh điển nhưng không thể thay kinh điển y như ngành ngọn dù xum xuê hoa lá tới đâu cũng không thể thay cho gốc rễ vậy. Vì thế chính cái nét đặc trưng của cổ điển là văn chương trác tuyệt lại là dấu chỉ nó không là kinh điển: Ly Tao của Khuất Nguyên chính vì có lối văn đẹp hơn, khúc chiết hơn Kinh Thi nên chỉ là truyện. Tả truyện văn rõ ràng sáng sủa hơn kinh Thư, chính vì thế mà chỉ là truyện. Mạnh Tử chính vì có lối văn rành rẽ hơn bằng lý luận nên mãi nhiều thế kỷ sau mới được đưa vào làm kinh điển hạng nhì. Cái óng chuốt của những lời Mạnh Tử được họ Trịnh ví với óng chuốt của nước đá hay của thuỷ tinh, còn những lời âm u của Khổng Tử ví được với bích ngọc (jade stone) nó không lấp lánh bằng nhưng dịu dàng súc tích hơn biết mấy.

Đó là mấy nét định tính sách kinh điển: nó giống với kinh thánh ở chỗ tâm linh và do đó dù chỉ là triết nhưng ảnh hưởng sâu xa rộng lớn như kiểu tôn giáo, vì thế rất khác với cổ điển và triết học là những sách chỉ là văn nghệ hay chỉ nằm trong văn học không gây ảnh hưởng sâu rộng vào quảng đại quần chúng như kinh thánh hay kinh điển. Hai loại sách này gặp nhau ở tầm mức ảnh hưởng sâu và rộng. Nhưng kinh điển khác kinh thánh ở chỗ nó chỉ bàn đến những điều con người có thể kiểm soát hoặc bằng lý trí hoặc bằng kinh nghiệm sống mà Nho giáo kêu là Thể nghiệm, vì thế nó vẫn giúp vào việc làm triển nở mọi năng khiếu như sinh lý, phê bình v.v… là những khoản không có đất đứng trong kinh thánh.Ta có thể nói rằng: triết học chỉ đào tạo ra được những người tài biện luận (dialecticien), cổ điển chỉ đào tạo ra được những văn hào, kinh thánh đào tạo ra được những người sùng bái. Chỉ có kinh điển mới đào tạo ra hiền triết (Wisemen) tức là những người có mọi năng khiếu được phát huy đến cao độ và quân bình như nhau. Biết như thế rồi chúng ta có thể ước đoán không mấy sai lầm: hiện nay chương trình giáo dục đang nhằm đào tạo ra những hạng người nào. Tôi nghĩ rằng chính bởi thiếu kinh điển nên Einstein nói: “chúng ta chưa từng được thấy một người”. Vậy thì chúng ta thấy gì? Nietzsche thưa chỉ có từng manh mún: “il n’y a que des fragments”. Nói thế có nghĩa là sự đánh mất kinh điển là một sự mất mát không thể bù bằng cái chi khác dù là kinh thánh. Do đấy từ đời phục hưng xảy ra một sự đích liên lạc với nền cổ học La Hy. Nhưng ở đây lại chỉ gặp có cổ điển nhưng cổ điển chỉ là những kiệt tác văn chương chỉ có thể thỏa mãn con người đến một tuổi nào. Từ lối bốn mươi trở đi con người đòi phải có cái gì sâu xa hơn cổ điển cũng như sâu xa toàn triệt hơn triết học, vì thế trào lưu phục hưng không giải quyết được nổi vấn đề. Một số người đã nhận ra điều dó nên đã cố công đi tìm lại kinh điển bằng thu nhặt những mảnh vụn đó đây như quyển Fragmente der Vorsokratiker của Herman Diels nhưng vì tiêu chuẩn thu lượm chưa được thừa nhận và dầu sao còn quá thiếu sót nên chưa thể bù đắp lỗ trống do sự thiếu kinh điển để lại.

Cái lỗ trống đó hiện đang được biểu lộ ra bằng hai triệu chứng đáng ái ngại. Trước hết là một nền giáo dục mà Nietzsche cho là “không bản chất, không linh hồn” và một nền văn hóa mà ông cho là tồi tệ đến nỗi cho chó ăn nó cũng không thỏa… d’une culture pitoyable dont les chiens mêmes ne se rassasieraient pas. Volonté de puissance vol.i.99.

Triệu chứng thứ hai là nền giáo dục học đường không biết tự phân biệt mình với văn hóa hậu trường cho nên đem những sách văn hóa hậu trường nhất là tiểu thuyết, tuồng, kịch… nhét đầy chương trình giáo dục, nhưng có nhét đến đâu cũng không thể bù đắp mà chỉ tổ làm khổ học sinh một cách vô ích mà không sao đào tạo cho chúng trở nên người toàn diện, học nói theo xã hội học là không đào tạo cho chúng trở nên dân tộc, vì dân tộc là một công thể gồm nhiều người có óc tự phán đoán, độc đáo, chín chắn, được nối kết với nhau bằng những yếu tố thường hằng tức là một cơ sở tinh thần có liên tục, có truyền thống… Tuồng, kịch, tiểu thuyết, các loại trào lưu tư tưởng… đều thuộc loại cổ điển và triết học chỉ có thể làm phong phú khi người ta có hướng đi. Khi chưa có hướng mà nhét đầy óc thì chỉ có thể sản ra được đại chúng tức là một đoàn lũ cá nhân, chỉ có liên hệ chính trị, xã hội, kinh tế… thiếu hẳn mối đoàn tụ thiêng liêng. Phải, với chương trình hiện đại nhét đầy sách cổ điển, văn chương, tiểu thuyết thì chỉ có thể sản ra những con người ly tán với rất nhiều phần tử điên khùng, bệnh thần kinh và tán loạn tâm trí: Schizophrènes, névrosés et même psychosés như các nhà phân tâm đang khám phá ra trước sự kinh hoàng của các bậc trí giả. Người ta mới ngã ngửa ra rằng thiếu một nền lý tưởng tâm linh thì cái hại thật là sâu xa vô kể, ai nấy mới vội vàng đi tìm cái nền tâm linh đó. Và thế là chúng ta được chứng kiến một mùa hoa nở của biết bao lý thuyết, biết bao khoa tâm truyền, cả từng trăm thứ tôn giáo, huyền nhiệm. Cả đến Hippies rồi Freebies cũng góp phần, rồi cả đến các loại Acides từ Mrijuana qua LSD cho tới STP (6 lần mạnh hơn, uống vào xuất thần được hơn hai ngày)… Chưa biết rồi đây cái nào sẽ thay thế được cho kinh điển để đưa ra một lối thoát chân thực, chỉ biết trong khi chờ đợi, người ta phải mở rộng hoặc xây thêm nhiều nhà thương điên, huấn luyện thêm nhiều y sĩ phân tâm để chữa trị các bệnh thần kinh tâm não và nhất là sản xuất thêm rất nhiều thuốc an thần đủ loại.

Đó là một sự thực đang phơi thây ra trước mắt rất đáng cho những người Đông phương suy nghĩ và thận trọng trong việc nhập cảng chương trình giáo dục Âu Tây, nhất là các nước Viễn Đông khi có thể tìm ra lối thoát riêng, vì chúng ta đã có và giữ được kinh điển lâu đời. Và hiện nay chỉ cần chu toàn được điều kiện duy nhất này là dùng ngay những nguyên lý hãy còn tiềm tàng trong kinh điển để thiết lập ra một nền triết mới hẳn, hợp cho cảm quan của thời đại, nghĩa là phải đưa ra một tổng hợp mới, bao dung được những khám phá mới của nhân loại từ hơn một thế kỷ vừa qua, như các ý niệm biến hóa, thời gian tính,tương đối thuyết, xã hội học, dân tộc và nhất là phân tâm học. Ai đã đi sâu vào triết Đông và đối chiếu với những khám phá mới này liền nhận ra rằng lối thoát cho nền văn hóa giáo dục hiện nay nằm ở đó, ở chỗ khi nào các phát minh Tây Phương được đem kết đúc vào cơ cấu tinh thần kinh điển Đông phương. Đó là điều kiện bất khả vô. Ngày nào chúng ta hiện thực nổi thì chúng ta khai sinh cho tổng hợp thứ tư cũng là tổng hợp đang được thế giới mong chờ, và bao lâu nó chưa xuất hiện thì bấy lâu có kinh điển cũng kể là thiếu kinh điển và cuối cùng mọi sửa đổi phần mớ đề ra cũng chỉ là vá víu không cứu thoát ra khỏi con đường đưa đến tai họa của những nền văn hóa thiếu kinh điển.

Thưa quý vị, bài quý vị vừa nghe chỉ là bản tóm một chương trong quyển “Hiến chương giáo dục” của chúng tôi nên có nhiều điểm chỉ mới được nói phớt qua. Vì vậy có điều chi cần giải thích thêm, chúng tôi xin hẹn trở lại trong phần thảo luận, nếu được hỏi tới

Kim Định

(Bài diễn văn của Cố Triết gia Lương Kim Định đọc tại hội nghị Hàn Lâm Đài Bắc, tháng 8/1969)

Tìm Kiếm