William Pesek

 MỘT CÁI NHÌN KHÁC VỀ TRẬN ĐỘNG ĐẤT TẠI NHẬT

 PHẦN HAIAI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỤ NỔ NHÀ MÁY NGUYÊN TỬ FUKUSHIMA ?

Một năm sau khi xảy ra trận động đất tại Nhật gây ra cuộc khủng hoảng nguyên tử tệ hại nhất kể từ Chernobyl, sau đây là câu hỏi đến trong đầu chúng tôi: ai sẽ phải đi tù đây ? Giới truyền thông đang đặt ra những câu hỏi có tính cách hiển nhiên và thận trọng trước ngày 11/03 như: chính phủ đối phó như thế nào với trận động đất ? tình trạng của vùng phía Đông Bắc bị tàn phá bởi trận động đất, nay đến đâu rồi ? Ảnh hưởng kinh tế của vụ tai ương này ? Khi nào thì 52 trên 54 lò hạt nhân bị ngưng từ vụ động đất sẽ đươc phép hoạt đông trở lại ?

Tác giả các loạt bài báo viết về cái gọi là ‘kỷ niệm’ vụ tai ương này có vẻ không nắm vững vấn đề. Các ngày kỷ niệm là để tưởng nhớ các sự việc trong quá khứ mà ít nhất một phần việc đã kết thúc. Trong khi đó, phóng xạ vẫn đang thoát ra từ nhà máy nguyên tử và bay lên trời quanh vùng Fukushima. Những thiết bị tạm thời mà một vài cái còn phải cần dùng tới băng keo để giữ lại, đang giúp hệ thống lò máy nguyên tử hoạt động. Như vậy, có thể xem trận động đất xảy ra tại Nhật vào ngày 11/03/2011 là ‘thuộc về Lịch Sử’ chưa ? Chắc là Không, trừ trường hợp chúng ta định nghĩa lại từ ngữ “Lịch Sử”.

Điều mà lần ‘kỷ niệm’ năm thứ nhất này đòi hỏi là một ‘liều lượng’ trách nhiệm về phía giới hữu trách. Chúng ta cần quy trách nhiệm cho các thành thần trong ban quản trị hiện tại và trong qua khứ của công ty điện lực TEPCO mà sự ngạo mạn, cẩu thả kèm với tệ nạn tham nhũng đã gây ra thảm họa mà hậu quả là vào thời điểm đó, chất phóng xạ nguyên tử đang trên đường tiến về thành phố Tokyo.

Kế đến trong danh sách ‘Bị Can’ phải liệt kê thêm tên tuổi của các chức sắc chính quyền đã cho phép hoạt động một nhóm người mà về mặt tư cách, giống hệt một tổ chức tội phạm hơn là một công ty điều hành trong lãnh vực năng lượng. Trong một thời gian dài, đám người này ‘phớt lờ’ các lời cảnh cáo về mối nguy cơ liên quan đến các thảm họa có thể xảy ra. Khi tai ương xảy đến thì họ bảo là sóng thần là hiện tượng vượt qua tất cả những gì mà con người có thể dự liệu và tưởng tượng ra được.

Chúng tôi là dân cư ngụ tại Tokyo đòi hỏi một số chức sắc cao cấp phải bị truy tố ra tòa. Lý do là đương kim Thủ Tướng Yoshihiko Noda không chịu làm chuyện đó. Vì vào cuối tuần rồi, ông Noda tuyên bố rằng không có cá nhân nào có thể bị xem là chịu trách nhiệm về tai nạn về bụi phóng xạ này và mọi người phải chia sẻ các hậu quả đau thương của tai ương này.

Đó là một lời tuyên bố có tính cách ‘chào thua’. Điều trên giải thích tại sao ông Noda mới lên cầm quyền có sáu tháng mà người ta tiên đoán rằng ngày thoái vị của ông ta chắc cũng không còn bao xa nữa. Vị tiền nhiệm của ông Noda là cựu Thủ Tướng Naoto Kan bị ‘hất’ ra khỏi chính quyền sau 14 tháng cầm quyền cũng vì lý do dân chúng mất tín nhiệm, mặc dầu ông Kan đã có công cứu sống chúng tôi và dân chúng cư ngụ tại Tokyo.

Trong những giờ đen tối nhất khi hiện tượng lõi lò phản ứng hạt nhân chảy tan mà kết quả là năng lượng phóng xạ bị toát ra từ Fukushima, chính quyền Nhật đã tính đến chuyện tản cư 13.1 triệu dân chúng của thành phố Tokyo. Thật vậy, những ngày sau khi trận đông đất với nồng độ 9.0 xảy ra, Cựu Thủ Tướng Kan có nghe ‘phong phanh’ là công ty TEPCO có ý định di tản toàn bộ nhân viên ra khỏi Fukushima. Nếu điều này xảy ra, thì hậu quả sẽ kinh hoàng vì sẽ bị lọt ra ngoài phóng xạ phát xuất từ 10,000 ‘cần’ nhiên liệu nguyên tử tàn lụi được giới chuyên gia của Tepco chứa trong các ‘bể’ gần lò nguyên tử.

Ông Kan ‘xông’ vào cơ quan đầu não của Tepco vào ngày 15/03/2012 và đòi cấp lãnh đạo Tepco ra lệnh cho các kỹ sư của công ty phải ở lại để đối phó với cuộc khủng hoảng. Và Cựu Thủ Tướng Kan đã cứu Tokyo. Tuy nhiên, lỗi lầm chính yếu của ông Kan là ‘thiếu trong sáng’ tức không giải thích đầy đủ hay không cung cấp đầy đủ cho người dân những điều mà họ muốn biết về cách thức ông ta đối phó với cuộc khủng hoảng.

Một năm sau, nhu cầu thanh minh đã đạt tới mức tột cùng. Hành động đầu tiên của ông Noda trong cương vị Thủ Tướng là đảo ngược lại phần quan trọng nhất trong chính sách cải tổ của Cựu Thủ Tướng Kan chủ trương kiểm soát lãnh vực Nguyên Tử và tìm kiếm các nguồn nhiêu liệu mới nhằm thay thế (ít nhất một phần) nhiên liệu nguyên tử trước thực trạng là Nhật là một trong những nước có nguy cơ động đất cao nhất.

Sự nghiệp chính trị của ông Kan kể như chấm dứt trong phút giây ông quyết định đối đầu với liên minh các tập hợp chính trị gia, các chức sắc chính quyền cao cấp, và các công ty năng lượng Nhật đang khuyến khích việc bành trướng các nhà máy nguyên tử. Việc Cựu Thủ Tướng Kan quyết định ngưng tiến hảnh các kế hoạch liên quan đến 14 lò nguyên tử mới đã làm rúng động toàn thể phức hợp kỹ nghệ Nguyên Tử tới tận nền móng. Quyết định ‘khai trừ’ ông ta đã được tiến hành và giới truyền thống của Nhật đã ‘ngoan ngoãn’ hùa theo.

Thật vậy, đương kim Thủ Tướng Nhật đã giúp giới Tư Bản Năng Lượng Nhật cảm thấy an toàn trở lại. Họ yên tâm vì với ông Noda trong chức vụ Thủ Tướng, họ sẽ không sợ bị truy tố về những lỗi lầm vừa qua cũng như quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ. Mà hệ quả là nước Nhật sẽ không học được gì nhiều từ Trận Động Đất ngày 11/03/2011.

Ông Noda cho rằng toàn thể giới Kinh Doanh Nhật đã bị dẫn dắt bởi ‘huyền thoại về sư an toàn’ và lần này cũng chỉ là một sự tái bản. Nhưng đồng thời cũng chính giới này đã loan truyền luận điệu mà nay đã trở thành một ‘trò cười’ cho thiên hạ, rằng năng lượng Nguyên Tử có được những ưu điểm sau đây là : Sạch, An Toàn và Rẻ Tiền.

Sạch ? Hãy hỏi các đứa bé Nhật đang sợ phải ăn rau cải trong chén bát của chúng.

An Toàn ? Không ! trừ trường hợp chúng ta xây được các lò nguyên tử làm bằng chất cao su và đặt chúng trên ‘nhíp’ có lò xo chống sốc.

Rẻ Tiền ? Nhật đang tốn hàng Tỷ bạc để làm sạch đống rác do công ty Tepco tạo nên.

Tuy nhiên, đừng lo. Chúng ta sẽ chia sẻ các hậu quả đau thương của tai ương này, như Thủ Tướng Nhật đã căn dặn. Tại sao giới Tư Bản năng lượng Nguyên Tử phải trả các chi phí cho các thiệt hại khi mà người dân đóng thuế có thể làm việc này ?

William Pesek

CHÚ THÍCH  

 (1) William Pesek, ‘Time For A Perp Walk Of Power Plant Executives‘, The Saturday Age10/03/2012, Melbourne, Úc

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm