Lê Việt Thường
PHẦN BA : ẢNH HƯỞNG CLAUDE LÉVI-STRAUSS TRONG LÃNH VỰC NHÂN VĂN
1) TRÀO LƯU DÂN CHỦ NHÂN QUYỀN
Từ ngữ NHO trong nhóm chữ ‘Việt Nho’ có nghĩa là ‘Nhu’ , do đó con đường của Việt Nho là Đạo NHU nên có nền Triết Lý TẢ NHẬM nhằm bênh vực người DÂN là những người Cô Thế, Yếu Đuối trước những Thế Lực thường núp đàng sau các nhà cầm quyền. Vậy nên, chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi học biết rằng vào các thế kỷ 17,18 nền VƯƠNG ĐẠO của Nho Giáo Nguyên Thủy đã Ảnh Hưởng qua trung gian của các giáo sĩ Dòng Tên, đến những người Cha Tinh Thần của nền Dân Chủ Tây Phương như Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Franklin, Jefferson…vvv-..
CƠ CẤU luận (Structuralisme) là một thí dụ khác về Ảnh Hưởng của Nho Giáo trên những Trí Thức Hàng Đầu của Tây Phương ngày nay. Thật vậy, được gợi hứng từ Nho Giáo, những công trình của Claude Lévi-Strauss, mà tác phẩm ‘Les Structures Elémentaires de la Parenté’ chẳng hạn được Simone de Beauvoir mô tả là một “tuyên ngôn quan trọng về địa vị của người Phụ Nữ trong các nền Văn Hóa không có nguồn gốc từ Tây Phương”, hoặc qua nội dung của tác phẩm ‘la Pensée Sauvage’ được xem như “tiếng chuông sầu chôn táng sự sai lầm của Lévy-Bruhl cho rằng các dân cổ sơ là lạc hậu”, là “chưa tới đợt khoa học lý luận nên gọi là tiền lý luận”, giúp Tư Tưởng DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN lần lần tiến triển trong xã hội Tây Phương.
Về phương diện NỮ QUYỀN, như chúng tôi đã có dịp trình bày trước đây trong bài viết “Luật Hồng Đức và Vấn Đề Dân Chủ: Tinh Thần và Thể Chế”, thì tại Mỹ, mãi tới năm 1890 nhiều tiểu bang mới sửa đổi và một số tiểu bang vẫn còn áp dụng học lý ‘Femme Couverte’ của Thông Luật, theo đó NGƯỜI VỢ LÀ VẬT SỞ HỮU CỦA CHỒNG. Ngoài ra, cao trào Phụ Nữ (Feminism) chỉ thực sự lên cao tại Mỹ vào thập niên 1960 và thu thành quả tích cực vào những năm 1990.(21)
Còn về mặt QUYỀN của người THIỂU SỐ, mãi đến năm 1965, với đạo luật Quyền Bầu Cử, tất cả mọi người Da Đen tại Mỹ mới bình đẳng đầy đủ về Chính Trị.(22)
Trước đó 5 thế kỷ, Luật Hồng Đức đã dành cho người Phụ Nữ và các sắc dân Thiểu Số Quyền BÌNH ĐẲNG đó rồi.(23)
Với hai cuộc Thế Chiến, chủ nghĩa Thực Dân, chiến tranh Thuộc Địa, giới Trí Thức Tây Phương bắt đầu đặt lại vấn đề đối với nền Văn Hóa của họ. Lévi-Strauss là môt trong những nhà Tư Tưởng mà nội dung đã ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp, đến sự ra đời của Đạo Luật về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc vào năm 1948, đặc biệt liên quan đến vấn đề Bình Đẳng Nam Nữ và Quyền của người Thiểu Số. Và như đã nói ở trên, năm 1952, Lévi-Strauss còn được cơ quan LHQ mời đóng góp ý kiến nhằm giúp giải quyết vấn đề Kỳ Thị Chủng Tộc trên thế giới. Và đó là đối tượng của tập sách mỏng ‘Race et Histoire’ của ông.
2) HIỆN TƯỢNG ‘THÁNG 5 NĂM 68’ (= ‘MAI 68’)
Ngoài ra, toàn bộ tác phẩm của Claude Lévi-Strauss, và đặc biệt quyển ‘Tristes Tropiques’ đã thu hút thế hệ sinh viên vào cuối thập niên 1960 qua hình ảnh của cuộc sống Man Dã, chất phát ‘ngây ngơ’ của những người Thổ Dân cuối cùng của bộ lạc Nambikwara ở xứ Nam Mỹ. Có lẽ khi tả họ, ông đã tìm lại được hơi hướng văn phong điểm chút thú vị hăng say của Jean Jacques Rousseau khi tả về con người Tiền Sử mà Rousseau đã tưởng tượng ra hai thế kỷ trước đó!
Thế hệ cuối thập niên 60 đã không lầm lẫn khi họ nhìn thấy trong tác phẩm của Lévi-Strauss một lời Phê Bình đầy tâm huyết liên quan đến đời sống Văn Minh, đến những ảo tưởng về sự Tiến Bộ của nền văn minh Vật Chất: tất cả các điều trên làm nên chất liệu cho sự Phản Kháng của giới Sinh Viên đương thời. Thật vậy, qua công trình của Lévi-Strauss, họ có thể nói là đã có chứng cớ hẳn hoi về tình trạng ‘nhân chi sơ tính bản thiện’! Vậy nên, theo họ, điều làm cản trở Hạnh Phúc của con người không bắt nguồn từ chính Nhân Tính mà từ tính cách Giả Tạo phù phiếm của nếp sống Văn Minh ngày nay. Dẫu cách gián tiếp hay trực tiếp thì Tư Tưởng của Lévi-Strauss cũng đã tỏ ra ‘ăn nhịp’ với khía cạnh Lãng Mạn của phong trào Sinh Viên Phản Kháng của thời kỳ kể trên !
3) TRÀO LƯU MÔI SINH
Nhiều trào lưu được phát triển ở các thập niên sau này bắt nguồn từ nền Văn Hóa Mới được thành hình ở thập niên 60 và đối lập với nền văn hóa cổ truyền của Tây Phương. Giới Trẻ của thời kỳ này tuy Đặt Lại Vấn Đề đối với bảng Giá Trị của giới Cầm Quyền đương thời, nhưng theo một cung cách Chưa được Hệ Thống, Mạch Lạc lắm !
Chỉ trong thập niên 70 thì hai phong trào MÔI SINH và NỮ QUYỀN mới nổi bật lên để có thể cung cấp một cái Khung Lý Thuyết mới cho phe Đối Lập chống lại các Giá Trị của phe Cầm Quyền.
Phần trên chúng tôi đã đưa ra các bằng chứng về ảnh hưởng của Tư Tưởng của Lévi-Strauss đối với trào lưu bảo vệ Nữ Quyền và Quyền của người Thiểu Số.
Mặt khác, có thể nói toàn bộ Công Trình của Claude Lévi-Strauss là một bản TUYÊN NGÔN về MÔI SINH. Nhiều đoạn viết rải rác trong các tác phẩm của ông có văn phong và nội dung giống hệt với tư tưởng của các nhà Môi Sinh sau này.
So sánh xã hội Cổ Sơ với xã hội Tây Phương ngày nay Lévi-Strauss viết: “Xã hội phương Tây chúng ta đã đánh mất hẳn thế quân bình giữa nhân giới và nhiên giới. Nói cách khác , nhân loại phương Tây hiện đại phản thiên nhiên. Người cổ sơ thì không thế …”
Hoặc “Cái chủ nghĩa được gọi là ‘nhân bản’ của người phương Tây không hề tôn trọng cầm thú, thảo mộc và những dân tộc khác không đồng quan điểm với mình. Kết luận: chưa bao giờ người phương Tây chúng ta lại dã man như vậy” (24)
Những dòng Lévi-Strauss viết về Xã Thôn sau đây rất gần gũi với quan niệm về ‘Community’ của nhà Môi Sinh danh tiếng David Suzuki trong tác phẩm ‘The Sacred Balance'(25) cũng như rất giống với Tinh Thần và Thể Chế của LÀNG XÃ Việt Nam thời trước. Ông viết:
“Những hình thái sinh hoạt xã hội đích thực đặt nền tảng trên những tương quan cụ thể giữa các cá nhân, còn những hình thái không đích thực đặt nền tảng trên những tương quan trừu tượng (như hệ thống hành chánh, bàn giấy…).Trong xã hội chúng ta hiện đại, chỉ có sinh hoạt xã thôn là còn chân thực phần nào.”
Chính vì sự phân biệt này mà ta không lấy làm ngạc nhiên nếu thấy Lévi-Strauss đề cao làng xã “những đơn vị kinh tế xã hội và chính trị nhỏ” chống lại khuynh hướng “thành thị hóa nông thôn” quá đáng.(26)
Còn về Môi Sinh thì phong trào này đã củng cố được lực lượng trong các thập niên 80 và 90 và nay thì hoạt động thường trực trong đời sống Chính Trị, cùng như có mặt đều đặn trong Quốc Hội của các quốc gia Âu Châu. Thành phần Trẻ của phe Xã Hội trước kia đã nới rộng Khung Giá Trị cũ để bao gồm không những các giá trị Xã Hội mà còn các ý tưởng về Nữ Quyền, Môi sinh, Tranh Đấu cho Tự Do, Nhân Quyền trên khắp toàn cầu…vvv…(27)
Tóm lại, nếu ở các thế kỷ 17,18 qua trung gian của các người Cha Tinh Thần của nền Dân Chủ Tây Phương như Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Franklin, Jefferson…vvv…tinh thần VƯƠNG ĐẠO của Nho Giáo Nguyên Thủy đã ảnh hưởng đến sự hình thành của Tư Tưởng NHÂN QUYỀN và DÂN CHỦ ở Tây Phương, thì một cách tương tự, CƠ CẤU Luận (Structuralisme) với vị đại diện Ưu Tú là Claude Lévi-Strauss mà Tư Tưởng cũng được gợi hứng từ Nho Giáo qua trung gian của vị Học Giả gốc Pháp ‘thâm Nho’ là Marcel Granet, cũng đã ảnh hưởng đến sự Tiến Triển trong lãnh vực Nhân Quyền, đặc biệt liên quan đến QUYỀN Bình Đẳng của người PHỤ NỮ và người THIỂU SỐ cũng như trong địa hạt MÔI SINH vào hậu bán thế kỷ 20 và tiền bán thế kỷ 21.
4) CÁC NHÀ CƠ CẤU KHÁC
Nếu Triết Cổ Điển Tây Phương thường bị ‘cáo buộc’ chỉ là một ‘trò chơi của lý trí’ với các ý niệm trừu tượng, không ăn nhằm gì đến đời sống cụ thể, thì trái lại Nho Giáo Nguyên Thủy mà học giả J.G. Pauthier tuyên dương là một sự ‘đắc thắng duy nhất của Triết Học’ (= une victoire unique de la philosophie), (28) là một nền Triết Lý thực sự NHÂN SINH tức gắn liền với cuộc sống, và TOÀN DIỆN tức có thể áp dụng vào mọi khía cạnh của đời sống. Nhờ đó, Nho Giáo có được ảnh hưởng lớn rộng như một Tôn Giáo.
Cơ Cấu luận ở giai đoạn lịch sử vừa qua, cũng đã thừa hưởng một phần nào các đặc tính nêu trên, mà tác giả đại diện cho khía cạnh này có lẽ là Roland Barthes.
a) ROLAND BARTHES
Roland Barthes là một Phê Bình gia văn học, một Lý Thuyết gia trong lãnh vực xã hội và triệu chứng học (sémiologie) và cũng giảng dạy tại ‘Collège de France’.
Ông mở đầu sự nghiệp Phê Bình gia bằng những bài báo đăng thường xuyên trên tập san ‘Les Lettres Nouvelles’ qua đó ông bàn đủ thứ chuyện thuộc đủ mọi lãnh vực từ báo chí, văn chương đại chúng, thời trang, luật pháp, ngoại giao, nghi lễ, ẩm thực đến các lãnh vực giải trí như phim ảnh, kịch nghệ, thể thao ( cả đô vật, đua xe đạp..)…vvv…
Barthes cho rằng các đồ vật mà người ta mua để xử dụng hằng ngày, ngoài vai trò Thực Dụng của chúng, còn là Ký Hiệu (signes) cho một Ý Nghĩa nào đó. Ông lấy thí dụ sau đây để giải thích về lý thuyết của mình: “Trên trang bìa tờ ‘Paris-Match’ tôi thấy hình ảnh của ‘chú” lính da đen đang chăm chú hướng về lá cờ ‘tam tài’ của Pháp có lẽ khiến ta liên tưởng đến tình ‘tổ quốc thắm thiết’ của nước ‘Đại Pháp’ đang ‘ban bố tình thương và sự bình đẳng’ cho tất cả mọi công dân không phân biệt màu da, và các ‘con dân’ kể trên cũng đang đáp trả lại lòng ‘ưu ái’ của nước Pháp” !
Ông giải thích ‘trực giác’ trên đây của mình bằng phương pháp Cơ Cấu của Ferdinand de Saussure gọi là “lý thuyết về ký hiệu” như sau : cái hình chụp mà đem ra phân tích thì là sự sắp xếp của những chấm màu trên một cái ‘phông’ trắng là cái mà F. de Saussure gọi là cái “diễn đạt” (signifiant) và ý niệm về ‘chú’ lính da đen đang chào lá cờ Pháp được gọi là cái “được diễn đạt” (signifié). Cả hai họp lại làm thành “ký hiệu”(signe). Nhưng theo Barthes, đó chỉ là ký hiệu của đợt nhất vì còn đợt hai nữa ‘nằm ngầm’ dưới đợt nhất mà ở đợt hai này thì ký hiệu (signe) của đợt nhất trở thành cái”diễn tả”(signifiant) của đợt hai cho điều “được diễn tả”(signifié) ở đợt hai này là nước ‘Đại Pháp’ tôn trọng sự Bình Đẳng giữa mọi công dân! Cả hai, tức cái “diễn đạt”(signifiant) lẫn cái “được diễn đạt”(signifié) ở đợt hai làm thành tín hiệu (signe) mà nhà cầm quyền muốn truyền đạt đến mọi người.
Theo Barthes, những hình ảnh tương tự được giới Tư Sản hay Tư Bản cố ý lập đi lập lại nhằm tạo nên những “Huyền Thoại” (theo nghĩa Tiêu Cực) hầu ‘dối gạt’ quần chúng cho các mục tiêu không mấy tốt đẹp của họ!
Các bài báo trên của Roland Barthes sau này được gom góp lại rồi thêm vào phần lý thuyết được xuất bản dưới tựa đề “Mythologies” (29) Tuy Barthes được biết nhiều nhờ giai đoạn ‘làm báo’ nêu trên, nhưng về mặt Lý Thuyết Văn Học, đây chỉ là chặng đầu tiên trong sự nghiệp của Barthes, vì vào thời kỳ này, vai trò ‘Tác Giả’ vẫn còn quan trọng trong các bài viết của ông.
Ở giai đoạn hai, Roland Barthes bắt đầu chuyển hướng từ Tác Giả (Auteur) sang Văn Bản (Texte). Với tác phẩm ‘la Mort de l’Auteur’ thì vai trò ‘tác giả’ cũng biến mất và xuất hiện một quan niệm mới mẻ về Văn Bản được xem như là một không gian đa kích, nơi gặp gỡ của nhiều lối viết khác nhau với nhiều trích dẫn khác nhau đến từ nhiều trung tâm văn hóa khác nhau. Công việc còn lại của tác giả chỉ là sắp xếp các thứ đã có sẵn. Và vai trò thống nhất Văn Bản không nằm ở điểm khởi đầu là Tác Giả mà ở điểm cuối cùng là Độc Giả (Lecteur)(30)
Với tác phẩm “Le Degré Zéro de l’Écriture”, cũng trong dòng Phương Pháp luận Cơ Cấu, Roland Barthes đối nghịch hai thực tại: một bên Ngôn Ngữ (langue) có tính cách tập thể và cổ sơ và bên kia Văn Phong (style) với đặc tính cá nhân và gần như ‘sinh lý’. Vai trò “hóa giải” tình trạng đối nghịch trên mà ông cho là nằm ở “mức độ zéro” hay trạng thái “trung lập” là các hình thái (Forme) hay lối viết (Écriture). Theo ông, nếu phần lớn ngôn ngữ và văn phong có tính chất Ước Lệ, thì hình thái hay lối viết được hiểu như cách thức xử dụng các ước lệ về văn phong để đạt một kết quả mong muốn mới thực sự Sáng Tạo.(31)
b) MICHEL FOUCAULT
Sau Claude Lévi-Strauss và Roland Barthes, tác giả thứ ba có địa vị quan trọng trong trào lưu Cơ Cấu luận là Michel Foucault tốt nghiệp ‘École Normale Supérieure’ và cũng giảng dạy tại ‘Collège de France’.
Chịu ảnh hưởng sâu đậm Tư Tưởng của F. Nietsche, vai trò QUYỀN LỰC (Pouvoir) chiếm một vị trí quan trọng trong các tác phẩm của Michel Foucault, từ Uy Quyền của vua chúa thời xa xưa có thể quyết định sự sống chết đối với người dân một cách độc đoán hay nhân danh cái gọi là Luật Pháp (Loi) đến Quyền Uy của các nhà cầm quyền ngày nay, dựa trên điều mà Foucault gọi là Quy Phạm (Norme) mà theo ông, là một trong những hậu quả của cuộc “cách mạng dân chủ tư sản”. Quyền lực được nhà cầm quyền xử dụng mọi lúc mọi nơi từ lề lối tổ chức nhà tù cho tới cách thức đối xử với những người mắc bệnh tâm thần…vvv…
Cùng với Quyền Lực, KIẾN THỨC (Savoir) cũng là đối tượng nghiên cứu của M. Foucault. Ở đây có lẽ chịu ảnh hưởng của Lévi-Strauss khi ông này đưa ra nhận xét là Chữ Viết ra đời cùng lúc với chế độ Nô Lệ, Foucault thường liên hệ Kiến Thức (Savoir) với Quyền Lực (Pouvoir) để làm thành nhóm chữ “Savoir-Pouvoir”!
Nhưng phải chờ đến sự xuất hiện của hai tác phẩm “Les Mots et les Choses”(32) và “L’Archéologie du Savoir” thì Phương Pháp luận Cơ Cấu ‘kiểu Michel Foucault’ mới trở nên rõ nét hơn.
Điều mà Michel Foucault gọi là “Énoncé” (dịch ra tiếng Anh là “Statement”) không phải chính các lời tuyên bố, phát biểu mà là một mạng lưới quy tắc nhằm ấn định cái gì có ý nghĩa cũng như đem lại ý nghĩa cho các lời tuyên bố, phát biểu.
M. Foucault ‘đóng dấu ngoặc’ không những vấn đề “Chân Lý” mà cả vấn đề “Ý Nghĩa” nữa. Thay vì bỏ công đi tìm kiếm, ‘nằm ngầm’ dưới phần nghị luận (discours), nguồn gốc ý nghĩa sâu xa phát xuất từ một chủ thể siêu việt nào đó, thì Foucault lại phân tích các điều kiện cần thiết về mặt thực tế và nghị luận, cho sự hiện hữu của Ý Nghĩa và Sự Thật, bằng cách dựa trên những điều được phát biểu hay viết ra trong các giai đoạn lịch sử khác nhau như ở thời Phục Hưng, thế kỷ Ánh Sáng hay thế kỷ 20.(33)
Đó là Phương Pháp luận Cơ Cấu theo lối Michel Foucault. Ngoài ra, trong quyển “Les Mots et les Choses”, Michel Foucault tỏ ra Quý Khoa Học Hơn Con Người., lấy cớ rằng sự hiện diện của con người sẽ làm cho Khoa Học cũng như Triết Học bị nguy cơ Chủ Quan, nên cần gẫy con người ra để bảo toàn tính Khách Quan cho Khoa Học. Sự CHỐI BỎ CON NGƯỜI này cũng đưa tới việc CHỐI BỎ LỊCH SỬ.
c) LOUIS ALTHUSSER
Sau Michel Foucault là Louis Althusser, một Lý Thuyết gia Cộng Sản chủ trương đọc lại quyển ‘Capital’ của Karl Marx. Althusser nghĩ là Tư Tưởng Mác-Xít đã bị hiểu sai vì bị đọc qua các lăng kính Duy Sử, Duy Tâm và Duy Kinh Tế. Nguyên nhân theo ông là người ta cứ tưởng rằng có thể hiểu hết toàn bộ công trình của Marx một cách mạch lạc. Ngay cả Marx theo Althusser, cũng không hoàn toàn nắm vững tất cả vấn đề, mà chỉ cố gắng giải thích một cách gián tiếp hoặc trong giới hạn của khả năng truyền đạt của mình. Ngoài ra, theo ông, tuy chủ trương một cuộc ‘Cách Mạng Xã Hội’ toàn triệt, nhưng Marx vẫn không thể tránh hết những ‘tàn dư’ của chủ nghĩa Nhân Bản, Duy Sử hay ‘biện chứng’ Duy Tâm của Hegel còn sót lại trong tác phẩm của mình.
Theo Althusser, điều làm Tư Tưởng của Marx khác với những tác giả trước ông là sự kiện Marx bác bỏ sự phân đôi Chủ Thể với Khách Thể, cũng như từ chối quan điểm của các nhà Kinh Tế Cổ Điển là có thể giải quyết nhu cầu của các Cá Nhân một cách riêng rẽ, độc lập với một Tổ Chức kinh tế. Althusser cũng không đồng ý với chủ trương của trường phái Kinh Tế Cổ Điển nhằm xử dụng nhu cầu Cá Nhân như tiền đề để giải thích một phương pháp Sản Xuất hay như khởi điểm cho một lý thuyết về Xã Hội.
Althusser cũng đồng thời bác bỏ quan điểm của các tác giả Mác-Xít khác nhằm xử dụng Kinh Tế như yếu tố Duy Nhất để giải thích các khía cạnh Xã Hội khác. Theo ông, hạ tầng cũng như thượng tầng đều lệ thuộc vào Toàn Thể kiến trúc, mặc dầu Kinh Tế thường nắm giữ vai trò quyết định đối với các yếu tố khác.
Và Louis Althusser chĩa ‘mũi dùi’ vào vai trò của Ý THỨC HỆ được quan niệm như CƠ CẤU(Structure) hay Hệ Thống (Système) mà qua trung gian của gia đình, các tổ chức tôn giáo, cơ quan truyền thông, tuyên truyền và nhất là hệ thống giáo dục, đã biến cá nhân (individu) thành CHỦ THỂ (Sujet) với niềm tin hay ảo tưởng là biết ‘tự ý thức’, nhưng trên thực tế, theo Althusserthì đương sự bị ‘nhồi sọ’ từ tuổi ấu thơ bởi Cơ Cấu Vô Thức hay Ý Thức Hệ thống trị !
Cuối cùng, vì ‘dị ứng’ với Ý Thức Hệ bị ‘cáo buộc’ là biến cá nhân thành Chủ Thể , bằng ảnh hưởng đến tất cả những gì nó xem, nghe, cảm, nghĩ, Louis Althusser đã đi đến việc Phủ Nhận Con Người, kể cả con người Kinh Tế để không chạm tới tính Xác Đáng của Khoa Học !!! (34)
Nhưng nhà phê bình Judt thì có nhận xét là hình như qua tác phẩm của mình, Althusser có ‘âm mưu’ “chuyển hoán thuyết Mác-Xít ra khỏi toàn bộ đời sống Chính Trị, Lịch Sử cũng như kinh nghiệm Thực Tế hầu tránh mọi hình thái phê phán có thể làm lung lay chủ nghĩa này!
4) JACQUES LACAN
Nếu dưới ánh sáng những khám phá mới của Cơ Cấu luận, Louis Althusser ‘hô hào’ hãy đọc lại Karl Marx, thì Jacques Lacan, ‘nhân vật’ cuối cùng của ‘Tứ Trụ’ (les quatre Grands) của trào lưu Cơ Cấu Luận, lại kêu gọi “trở về với Tư Tưởng của Simund Freud”, người sáng lập ra Phân Tâm học (Psychanalyse).
Xuất thân từ trường phái Siêu Thực (Surréalisme), tuy sau này gia nhập trào lưu Phân Tâm học, nhưng ảnh hưởng của Lacan vẫn rộng lớn trong lãnh vực Phê Bình Văn Học. Hành trình “Trở về với Freud” của Lacan nhấn mạnh đến khía cạnh Ngôn Ngữ học qua phương pháp áp dụng vào Triệu Chứng học trong lãnh vực Phân Tâm.
Trong các cuộc Họp Mặt về Phân Tâm học mà ông ‘chủ trì’ kéo dài 27 năm ròng rã, Lacan trình bày các ý tưởng của mình về VÔ THỨC (Inconscient) mà CƠ CẤU (Structure) cùng với các cách thức biểu hiện, gắn liền với các chức năng của NGÔN NGỮ (Langage)
Ngoài Vô Thức, một ý niệm quan trọng khác trong Phân Tâm học của Freud liên quan đến giai đoạn ‘SOI GƯƠNG’ (l’étape du Miroir) trong tiến trình lớn khôn của đứa trẻ. Lacan cho rằng đây là lúc bắt đầu hành trình Khách Thể hóa (Objectivation), tức lúc mà cái Bản Ngã (Ego) của đứa trẻ bắt đầu thành hình. Theo ông, có một sự xung đột giữa những cảm xúc mà đứa trẻ đang có trong lòng với cái hình ảnh mà nó thấy trong gương soi.
Để giải quyết xung đột nêu trên, nguyên nhân của tình trạng mà ông gọi là “Vong Thân” (Aliénation), đức trẻ đồng nhất hóa (Identifier) nó với hình ảnh của nó trong gương soi. Và theo Lacan, đó là lần đầu tiên mà đứa trẻ ‘tự đồng nhất’ mình với ‘tha nhân’ và cũng khởi đầu sự hình thành ‘cái tôi’.
Tương quan giữa ‘cái tôi’ (Ego) và hình ảnh trong gương soi mà theo Lacan, nằm trong thế giới TƯỞNG TƯỢNG (l’Imaginaire), có tính chất ‘tự ngắm tự yêu’ (Narcissique) và phản ảnh tình trạng Vong Thân triệt để. Nếu trong tiến trình lớn khôn của đứa trẻ, thế giới Tưởng Tượng đóng vai trò của ‘tha nhân’ (l’autre) thì đây chỉ là loại ‘tha nhân’ nhỏ bé, nên chứa đầy ảo ảnh, vọng động.
Tha Nhân (l’AUTRE) chân thực theo Lacan, nằm trong thế giới BIỂU TƯỢNG (le Symbolique).Thế giới Biểu Tượng là cái mà Cơ Cấu luận gọi là cái “diễn tả” (signifiant) thuộc Nhân giới hay thế giới Văn Hóa (l’ordre Culturel), còn cái “được diễn tả” (signifié) và các ý nghĩa thì nằm trong thế giới Tưởng Tượng (l’Imaginaire) thuộc Nhiên giới (l’ordre Naturel).
Bên cạnh hai thế giới Biểu Tượng và Tưởng Tượng, Lacan còn đặt thêm thế giới thứ ba gọi là THỰC TẠI (le Réel). Nếu thế giới Biểu Tượng có hai chiều kích (hiện diện/vắng mặt), thì Thực Tại chỉ có một chiều kích duy nhất và ‘dị ứng’ với tiến trình Biểu Tượng hóa.
Tóm lại, Cơ Cấu luận ‘kiểu Jacques Lacan’ chủ trương sự hiện hữu của ba Thế Giới: nếu thế giới BIỂU TƯỢNG (le Symbolique) thực sự ấn định tiến trình CHỦ THẾ hóa của cá nhân, thì thế giới TƯỞNG TƯỢNG (l’Imaginaire) làm thành bởi hình tượng, ảo giác đi theo sau thế giới Biểu Tượng, còn THỰC TẠI (le Réel) đúng là thế giới “Ta Bà”, của Khổ Đau, Âu Lo, Khắc Khoải !!!(35)
Lê Việt Thường
(Hết Phần Ba)
CHÚ THÍCH
(21) Hoàng Xuân Hào, “Nhân Quyền trong Luật Hồng Đức: Niềm Tự Hào Dân Tộc” Thế Kỷ 21, số 113, th.9/98, tr. 29, trích từ Lois W. Banner, “Women in Modern Australia : A Brief History” San Diego: Harcourt Brace Jovanovich Inc 1984, tr.9
(22)Hoàng Xuân Hào, Idem, tr.30, trìch từ J. O. Smith, M. F. Rice & W. Jones Jr, “Blacks and American Government:Politics, Policy & Social Change, 2rd ed. Iowa: Kendall/Hunt Publ.Cie, 1991 tr. 59
(23) Lê Việt Thường, “Luật Hồng Đức và Vấn Đề Dân Chủ: Tinh Thần và Thể Chế”, “anviettoancau.net”, tháng 01/08
(24) Trần Đỗ Dũng, Idem, tr.194, trích từ Claude Lévi-Strauss, “Valons-nous mieux que les sauvages”, Tạp Chí”Réalités ” số th. 1-1965
(25) David Suzuki, “The Sacred Balance”, Allen & Unwin,1999 Syd., Aus tr.213-7
(26) Trần Đỗ Dũng, Idem, tr.205
(27) Fritjof Capra, “Where have all the Flowers Gone: Reflections on the Spirit and Legacy of the Sixties”, 01/12/ 2002
(28) Kim Định, “Cửa Khổng”, Lĩnh Nam, Louisiana, USA,1997, tr.52, trích từ J.G. Gauthier, “Les Livres Sacrés de l’Orient”, Société de Panthéon Littéraire, Paris, 1843, France
(29) Roland Barthes, “Mythologies”, Vintage 1993, tuyển dịch từ
“Mythologies” Du Seuil 1957
(30) Roland Barthes, “la Mort de l’Auteur”, Du Seuil, Paris, 1984
(31) Roland Barthes, “le Degré Zéro de l’Écriture”, Du Seuil, 1972
(32) Michel Foucault, “Les Mots et les Choses”, Gallimard, Paris, 1966 Yvan Simonis, Idem, tr. 359
(33) Michel Foucault, “L’Archéologie du Savoir”, Gallimard, Paris, 1969
(34) Louis Althusser, “Reading Capital”
(35)Jacques Lacan, “Écrits” ng. dịch Bruce Fink W. Norton & Cie NY 2006