Virgile Pinot

ẢNH HƯỞNG CỦA VIỄN ĐÔNG TRÊN ‘THẾ KỶ ÁNH SÁNG’ (Phần Hai)

Lời Nói Đầu

Với sự ‘ra đời’ của Chủ Thuyết VIỆT NHO  được kiện chứng bởi những chứng cớ và khám phá Khoa Học càng ngày càng nhiều và ‘không thể chối cãi được’, xuất hiện một Chân Lý MỚI trong lãnh vực Lịch Sử và Khảo Cổ liên quan đến miền Viễn Đông như sau: ‘Không phải Hoa Hán, mà Lạc Việt và Bách Việt mới là NGUỒN GỐC của Nho Giáo và Văn Minh Viễn Đông’.

Tuy nhiên, Sự Thật này mới xuất hiện từ khoảng nửa thế kỷ nay, do đó cần phải có  thời gian để giới Trí Thức, Học Giả Việt Nam cũng như Quốc Tế ‘làm quen’ với Thực Tại MỚI này. Vì các lý do nêu trên, khi đọc bài viết dưới đây, nếu mỗi khi thấy từ ‘Trung Hoa’ thì  xin Quý Độc Giả hiểu cho là ‘Viễn Đông’,

Nhân tiện cũng xin giới thiệu cùng Quý Vị hai Tác Phẩm  rất Giá Trị: ‘La Chine et la Formation de l’Esprit Philosophique en France (1640-1740)’ của Học Giả gốc Pháp Virgile Pinot, và ‘Europe and China’ của Học Giả gốc Anh G.F. Hudson.

Điểm Đặc Sắc của hai Tác Phẩm này là qua đó, hai Tác Giả hé cho chúng ta thấy tầm Ảnh Hưởng tối quan trọng của Viễn Đông trên ‘Thế Kỷ Ánh Sáng’ về phương diện Tư Tưởng cũng như sự Thành Hình của nền Dân Chủ Tây Phương.

Diễn Đàn ‘Minh Triết Việt’ xin hân hạnh lần lượt đăng tải các bài viết liên quan đến Nội Dung của hai Tác Phẩm nêu trên.

BBT ‘Minh Triết Việt’

PHẦN HAI

Như đã nói ở phần trước, Đạo Đức và Chính Trị học của Trung Hoa là hai phát hiện lớn của các thế kỷ XVI và XVII vì đã đáp ứng với các mối bận tâm đặc thù của thời kỳ này. Nhưng càng ngày người ta càng tỏ ra băn khoăn đối với vấn đề Tôn Giáo của người Trung Hoa và sự kiện này báo trước cuộc Tranh Cãi sắp tới về các Lễ Nghi Trung Hoa.

Thật ra, cuộc tranh cãi trên đây chỉ là một chặng, tuy đặc biệt dữ dội, của tình trạng thù nghịch không dứt giữa các giáo sĩ Dòng Tên và các địch thủ của họ. Lâu trước khi vấn đề Trung Hoa được đặt ra, đối với vấn đề ‘Cứu Rỗi linh hồn của các người Dị Giáo’, Dòng Tên đã có một thái độ cấp tiến, cởi mở rất gần với chủ trương của những người theo chủ nghĩa hoài nghi như La Mothe le Vayer, và vì vậy đã bị các người theo đạo Tin Lành chê bai, mạt sát.

Luận cứ về ‘Tội Lỗi Triết Lý’, cũng chỉ là sự giải thích về mặt Thần Học các ý tưởng mà Dòng Tên đã bênh vực từ lâu liên quan như vừa nói ở trên, đến sự ‘cứu rỗi các người dị giáo’. Và tai tiếng mà họ gây ra cho thấy rằng trong những năm cuối thế kỷ XVI, có một sự chống đối mạnh mẽ có tổ chức chống lại Dòng Tên. Ít lâu sau, ‘Lá Thư’ của năm Giám Mục tố giác tính cách tai tiếng và nguy hiểm trong luận cứ của Dòng Tên mà theo họ chỉ ‘để nịnh bợ người Trung Hoa’ mà thôi. Điều này cho thấy quyết tâm của các địch thủ Dòng Tên nhắm vào việc tấn công chính luận thuyết Thần Học của họ qua trung gian các ý tưởng mà các giáo sĩ Dòng Tên có dịp trình bày liên quan đền tục Thờ Cúng Tổ Tiên của người Trung Hoa.

Cuốn sách của L.M. Le Comte được sử dụng như một cái cớ, nhưng người ta phải đợi bốn năm trời trước khi đánh liều tấn công Dòng Tên. Lý do là trong khoảng thời gian vừa qua, Bossuet rất bận bịu với ‘trận chiến’ chống lại Fénelon. Đến năm 1700 thì Bossuet đã rảnh tay và Hội Đồng Giáo Sĩ cũng sắp có phiên họp. Ngoài ra, trong bốn năm qua, uy tín của ‘bộ ba’: Bossuet-Tổng Giám Mục Paris-Giám Mục Chartres ngày càng lớn mạnh, nhờ sự đở đầu của Bà De Maintenon. Thời cơ chưa bao giờ thuận tiện hơn.

Tiếng tăm rất lớn mà vào năm 1700 vụ tranh cãi về các Lễ Nghi của người Trung Hoa làm vang dội khắp Âu Châu, phản ảnh sự quan trọng lớn lao mà người thời này gán cho những lý do khiến các giáo sĩ Dòng Tên bị kết án hơn là vào chính sự kết án. Trong cuộc tranh cãi, vấn đề các lễ nghi và các dễ dãi mà Dòng Tên dành cho người Trung Hoa trong vấn đề này – thật ra cũng chỉ là vấn đề kỷ luật nội bộ của Giáo Hội mà thôi – đã biến mất trước một vấn đề khác quan trọng hơn với đầy hiểm nguy kèm theo vì đây không phải chỉ là một vấn đề Thần Học mà còn là một vấn đề Triết Lý nữa, theo ý nghĩa mà thế kỷ XVIII sau này sẽ gán cho từ ngữ ‘Triết Lý’: người Trung Hoa thờ Ngẫu Tượng, Hữu Thần hay Vô Thần ? Đại Học Sorbonne tuy không quyết định theo phe nào trong vấn đề Tôn Giáo của người Trung Hoa, nhưng có vẻ thiên về ý kiến cho rằng họ Hữu Thần.

Phần tiếp tục của cuộc tranh cãi về Lễ Nghi của người Trung Hoa và thái độ cứng rắn của các địch thủ Dòng Tên đưa lại những hậu quả còn lớn lao hơn nữa. Thật vậy, các địch thủ Dòng Tên cố gắng chứng minh rằng người Trung Hoa Vô Thần. Mà theo các nhà Thần Học, việc khẳng định rằng tình trạng Vô Thần có thể hiện hữu trong thực tế có khuynh hướng làm giảm bớt sự ghê tởm tự nhiên mà theo họ bất cứ ai đều phải có trước tình trạng này. Ngoài ra, các nhà Thần Học tin rằng, ngươc lại với chủ trương của Bayle, tình trạng Vô Thần không những có tính cách xung khắc với Đạo Đức, mà còn không thuận tiện cho sự hiện hữu của một xã hội nữa. Do đó, cho rằng Trung Hoa, mà xã hội đã được xây dựng một cách vững chắc vì đã hiện hữu từ nhiều ngàn năm nay, là một dân tộc Vô Thần, thì điều này chỉ làm lợi cho Bayle mà thôi. Quả nhiên, Bayle không quên sử dụng luận cứ này đã được ông phổ biến qua trung gian tác phẩm ‘Dictionary’ cho mọi tầng lớp xã hội thời này, rằng người Trung Hoa theo thuyết Vô Thần.

Tóm lại, cuộc tranh cãi về các Lễ Nghi của người Trung Hoa đặc biệt có lợi cho đường lối của Bayle: trường hợp Trung Hoa là thí dụ tốt nhất có thể có nhằm làm rường cột cho các ý tưởng chính yếu mà Bayle đã chống đở trước khi lưu tâm đến vấn đề Trung Hoa.

Mặt khác, các giáo sĩ Dòng Tên cho thấy rằng dẫu người Trung Hoa không được mặc khải, nhưng nhờ Tôn Giáo của họ rất gần với phái Hữu Thần, đã xây dựng được một nền Đạo Đức thường khiến người ta liên tưởng cũng như so sánh với nền Đạo Đức Thiên Chúa Giáo.

Như vậy thì Mặc Khải không còn là điều cần thiết để kiếm ra các nguyên tắc Đạo Đức mà người Thiên Chúa giáo thường tự hào: các Tôn Giáo khác cũng kiếm ra được vậy. Nhưng sự kiên trì của các địch thủ Dòng Tên trong việc chứng minh tính chất Vô Thần của người Trung Hoa có ảnh hưởng còn nghiêm trọng nữa. Nếu thật sự người Trung Hoa Vô Thần và nếu người ta không tranh cãi về tính ưu tú của nền Đạo Đức của họ – người ta quên làm điều này, ít nhất trước Renaudot nhưng Renaudot tới quá trễ – thì như vậy là công nhận Bayle có lý khi ông chứng minh với những lập luận hợp lý cho rằng Vô Thần cao hơn Thờ Ngẫu Tượng , tức Hữu Thần về mặt luân lý và xã hội. Khi Bayle ghi nhận tính chất Vô Thần của người Trung Hoa, điều này chứng tỏ rằng Đạo Đức và Tôn Giáo là hai điều xa lạ nhau. Trong vụ tranh cãi này, có thể Đạo Đức không bị mất mát gì , nhưng Tôn Giáo đánh mất vai trò cao siêu mà người ta thường dành cho nó: Tôn Giáo hết còn là nền tảng của xã hội.

Với thời gian, cuộc tranh cãi về các Lễ Nghi Trung Hoa nếu không chấm dứt thì cũng dịu xuống, nhưng sự quan tâm đến Trung Hoa không vì vậy mà bị gạt bỏ. Lý do là vì sự tò mò của người Âu Châu thời này đã bị kích thích quá cỡ bởi xứ sở này mà Tôn Giáo đã là nguyên nhân của những bất đồng ý kiến mãnh liệt giữa các nhà Thần Học. Mà hệ quả là những người không tín ngưỡng(libertin) trở thành mạnh dạn hơn lên như La Peyrère mà theo sau Bayle, chứng minh tính ‘bất khả hữu’ của nguồn gốc thế giới theo cách mô tả của Thánh Kinh.. Hoặc như Tyssot de Patot nói bóng gió về tính vĩnh cửu của thế giới.

Vậy nên, vấn đề Niên Đại học và đặc biệt khía cạnh liên quan đến sự ăn khớp giữa các niên đại ngoại giáo với niên đại của Thánh Kinh sẽ trở thành trong các thập niên đầu tiên của thế kỷ XVIII, một trong những vấn đề quan trọng nhất mà các nhà bảo vệ sự Chính Thống tôn giáo phải giải quyết.

Vấn đề càng trở nên chính yếu khi mà khám phá khoa học của hiệp sĩ De Louville về sự biến thiên của độ nghiêng hoàng đạo, có vẻ nghiêng về các ý tưởng của giới ‘vô tín ngưỡng’ (libertin) liên quan đến tính vĩnh cửu của thế giới. Nếu thực sự có một thời đại mà ngày và đêm dài ngang nhau suốt cả năm thì hệ quả là Trái Đất được hưởng một Mùa Xuân bất tận. Do đó, các chuyện kể của các Thi Sĩ về thời Hoàng Kim không phải là truyện dã tưởng, mà chỉ là hồi ức lại những truyền thống rất xa xưa. Và những chuyện kể trong Thánh Kinh về vẻ đẹp của Thiên Đàng hạ giới, về vườn Địa Đàng nơi đây người ta không biết đến cả cảnh sương mù lạnh lẽo của Bắc Cực lẫn cảnh nóng bức của miền nhiệt đới, cũng chỉ là mô phỏng lại theo các truyền thống vừa nêu trên mà thôi.

Đến Fréret thì mối bận tâm chính yếu là áp dụng phương pháp Phê Bình vào chính Niên Đại học của các dân tộc, nhất là Trung Hoa, một cách độc lập đối với các bận lòng về mặt Tôn Giáo. Phương pháp của Fréret là lập những dữ kiện chính xác và có kiểm chứng, mà không cần để ý đến các hậu quả có thể có từ chính các dữ kiện nêu trên. Khi làm công việc này mặc dầu Fréret chưa đặt vấn đề đối với Niên Đại học của Thánh Kinh, nhưng cũng có thể khiến độc giả thắc mắc và đặt câu hỏi: Làm sao một dân tộc sống rất xa những vùng đất mà người Âu Châu thời đó còn xem là cái ‘Nôi’ của Nhân Loại, lại là một dân tộc đông dân , văn minh và đã có khả năng dư tính được các hiện tượng Nhật Thực, Nguyệt Thực…..vào thời kỳ sau trận Đại Hồng Thủy một chút mà thôi?


Với Voltaire thì tất cả sự thận trọng, dè dặt mà Fréret xem là cần thiết, đã được để qua một bên. Từ những hàng chữ đầu tiên của tác phẩm ‘Histoire Universelle’, Voltaire cho thấy tính xác thực của Niên Đại học Trung Hoa với tính chất Cổ Đại của nó, không thể dàn hóa với Niên Đại học của Thánh Kinh được, cũng như ‘dán vào tai’ độc giả điều sau đây: Niên Đại học của Thánh Kinh không thể dùng làm chuẩn mực cho Niên Đại học của các dân tộc Dị Giáo vì Niên Đại học của họ hơn xa Niên Đai học của Thánh Kinh ! (1)

Virgile Pinot

CHÚ THÍCH

(1) Virgile Pinot, ‘La Chine et La Formation de L’Esprit Philosophique en France‘, Slatkine Reprints, Genève, Suisse, 1971

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm