Virgile Pinot
ẢNH HƯỞNG CỦA VIỄN ĐÔNG TRÊN ‘THẾ KỶ ÁNH SÁNG'(Phần Một)
Lời Nói Đầu
Với sự ‘ra đời’ của Chủ Thuyết VIỆT NHO được kiện chứng bởi những chứng cớ và khám phá Khoa Học càng ngày càng nhiều và ‘không thể chối cãi được’, xuất hiện một Chân Lý MỚI trong lãnh vực Lịch Sử và Khảo Cổ liên quan đến miền Viễn Đông như sau: ‘Không phải Hoa Hán, mà Lạc Việt và Bách Việt mới là NGUỒN GỐC của Nho Giáo và Văn Minh Viễn Đông’.
Tuy nhiên, Sự Thật này mới xuất hiện từ khoảng nửa thế kỷ nay, do đó cần phải có thời gian để giới Trí Thức, Học Giả Việt Nam cũng như Quốc Tế ‘làm quen’ với Thực Tại MỚI này. Vì các lý do nêu trên, khi đọc bài viết dưới đây, nếu mỗi khi thấy từ ‘Trung Hoa’ thì xin Quý Độc Giả hiểu cho là ‘Viễn Đông’,
Nhân tiện cũng xin giới thiệu cùng Quý Vị hai Tác Phẩm rất Giá Trị: ‘La Chine et la Formation de l’Esprit Philosophique en France (1640-1740)’ của Học Giả gốc Pháp Virgile Pinot, và ‘Europe and China’ của Học Giả gốc Anh G.F. Hudson.
Điểm Đặc Sắc của hai Tác Phẩm này là qua đó, hai Tác Giả hé cho chúng ta thấy tầm Ảnh Hưởng tối quan trọng của Viễn Đông trên ‘Thế Kỷ Ánh Sáng’ về phương diện Tư Tưởng cũng như sự Thành Hình của nền Dân Chủ Tây Phương.
Diễn Đàn ‘Minh Triết Việt’ xin hân hạnh lần lượt đăng tải các bài viết liên quan đến Nội Dung của hai Tác Phẩm nêu trên.
BBT ‘Minh Triết Việt’
PHẦN MỘT
Như đã đề cập và phần trình bày dong dài ở trên cho thấy rất rõ sự kiện là không phải trong một ngày trời mà người Âu Châu có thể khám phá ra Trung Hoa. Trước tiên phải thật muốn khám phá cái đã, tức tìm thấy một lợi ích nào đó hoặc vật chất hoặc tinh thần trong việc khám phá này. Và do đó, phải loại bỏ ít nhất một cách tạm thời, cái thành kiến của người Âu Châu đối với Trung Hoa.
Tính chất kích động tuy mới chớm nở nhưng cần thiết này bắt đầu với các mối quan hệ đầu tiên giữa Trung Hoa và Âu Châu. Hẳn vậy, người ta đã từng nghe hoặc biết về tác phẩm của Marco Polo đã được tái bản nhiều lần ở thế kỷ 16 và còn tiếp tục sang thế kỷ sau. Nhưng những chuyện kể có tính cách huyền diệu và không chính xác của tác giả gốc Venise này, có những đặc tính của loại tiểu thuyết phiêu lưu lẫn du kí. Ít ra thì nó cũng thỏa mãn trí tưởng tượng của độc giả , dẫu rằng nhu cầu về sự chính xác địa lý không được đáp ứng.
Những quan hệ đầu tiên của Dòng Tên với Trung Hoa, những thư tín được viết hàng năm bởi các vị Truyền Giáo của dòng này vào đầu thế kỷ 17, nhất là tác phẩm của L.M. Trigault là người đã có công cô động lại trong một tập sách rất nhiều chỉ dẫn, và được dịch ra tiếng Pháp, có một tầm ảnh hường lớn hơn nhiều. Không những vị trí của Trung Hoa đã trở nên xác định hơn, sự hiện hữu của nó cũng không còn thể bị nghi ngờ được nữa, Nhưng còn một lý do khác là ngoài lợi ích về Địa Dư còn có thêm lợi ích về Tôn Giáo : Trung Hoa là xứ sở được các nhà Truyền Giáo thời đó “ban phép lành” vì nó có tiềm năng về phương diện ‘Cải Đạo’ …..
Số lượng tương đối quan trọng của các dịch bản ra Pháp ngữ liên quan đến các sách vở viết về các mối quan hệ với Trung Hoa từ các nguyên bản bằng tiếng La Tinh hay Tây Ban Nha, cũng như các phóng tác của các ‘nhà văn thập cẩm’ chứng tỏ rằng từ đầu bán thế kỷ 17, người Âu Châu đã bắt đầu quan tâm đến Trung Hoa .
Sự bành trướng Thương Mại qua miền Viễn Đông, sự thành lập “Công Ty Đông Ấn” của Pháp với lối quảng cáo rất khéo léo của Colbert (mà chức vụ dưới triều đại Louis XIV tương đương chức ‘Tổng Trưởng Tài Chánh’ ngày nay), gây được sự hiếu kỳ mạnh mẽ nơi dư luận quần chúng thời đó, không những với các Nhà Buôn của các hải cảng Nantes, Saint Malo, mà còn với giới Truyền Giáo nữa.
Thật vậy, nếu các nhà Truyền Giáo bằng cách len lỏi vào các quốc gia dị giáo, mở lối cho giới Thương Nhân thì các công ty thương mại để đền đáp lại, đã trả ơn các nhà Truyền Giáo bằng đủ mọi cách như đưa họ đến sứ bộ nơi họ thi hành nhiệm vụ, như giúp đỡ họ ngay cả về phương diện vật chất. Cả hai giới Thương Nhân và Truyền Giáo có những mục tiêu, quyền lợi gắn bó với nhau. Đó là lý do giải thích sự kiện là số người lưu tâm đến miền Viễn Đông vào thời kỳ này càng ngày càng đông đảo hơn.
Ngoài ra, nhờ vai trò của Colbert, càng ngày người ta càng chú ý nhiều đến sự phát triển trong lãnh vực Khoa Học. Nếu một mặt Colbert lưu tâm đến sự tiến bộ của Khoa Học về phương diện Lý Thuyết như sự thành lập Hàn Lâm Viện Khoa Học và Đài Thiên Văn tại Paris cho thấy, thì mặt khác, ông ta không bao giờ quên khía cạnh áp dụng thực tiễn và tức khắc của các ngành Khoa Học. Sở dĩ Colbert muốn có những nhà Toán Học và Thiên Văn giỏi, thì có lẽ cuối cùng là để có những nhà Địa Dư giỏi. Vì mục tiêu chính yếu của Colbert là có được những tấm Bản Đồ chính xác nhằm giúp cho các nhà hàng hải gốc Pháp tới được các bến cảng của xứ Ấn Độ một cách an toàn hơn, mà không cần đến sự giúp đỡ của các hoa tiêu gốc Hòa Lan; hơn nữa những người Hoa Lan này cũng không sẵn sàng đem kinh nghiệm của họ ra phục vụ cho quyền lợi của nước Pháp.
Đó có lẽ là lý do khiến Colbert nghĩ đến việc gởi qua Trung Hoa những nhà Toán Học và Thiên Văn Học. Nhưng kiếm họ ở đâu bây giờ ? Ở Hàn Lâm Viện Khoa Học ư ? Có lẽ sẽ kiếm được ở đây cho một hành trình ngắn hạn. Nhưng điều mà Colbert thực sự cần là có được những nhà Bác Học có thể làm việc lâu dài trong các xứ sở xa xôi, Và những nhà Bác Học loại này, Colbert chỉ có thể kiếm được nơi môi trường những Nhà Tu hay nhà Truyền Giáo bởi vì với họ, các phúc lợi do Khoa Học và Truyền Giáo đem lại có thể đan kẻ với nhau.
Tuy nhiên, muốn thực hiện một dự án tương tự, phải có khả năng bẻ gãy nhiều âm mưu thù địch, cũng như phải biết ru ngủ những đối tượng “nhạy cảm”. Sự thù địch đến từ người Bồ Đào Nha một cách ráo riết và dữ dội, đang bảo vệ quyền “Bảo Trợ” của họ trên miền Viễn Đông. Đối tượng “nhạy cảm” là Tòa Thánh với sự trợ giúp của Hội Truyền Giáo vừa thành lập nhiều địa phận Khâm Mạng Tòa Thánh ở nhiều nơi trên thế giới.
Do sự trách rời giữa quyền Đời và quyền Đạo,Vua Pháp trên nguyên tắc không thể đơn phương quyết định gởi sang Trung Hoa các nhà Truyền Giáo, nhưng trên thực tế, Nhà Vua có thể gởi các nhà Bác Học dẫu có gốc Truyền Giáo,nếu họ có Văn bằng Toán Học do Nhà Vua cấp.
Một lý do tổng quát khác của quyết định nêu trên là sắc lệnh “Hủy Bỏ Chỉ Dụ Nantes” sắp có hiệu lực (1685). Dựa trên số người theo Đạo Tin Lành cũ bị hoặc được ‘cải đạo’ (thành Công Giáo) – và có lẽ những người này bị bắt buộc hơn là tự nguyện – có vẻ như dự án ‘Thống Nhất Tôn Giáo” sắp được thực hiện tại Pháp. Ngoài ra, các nhà Truyền Giáo gốc Pháp sắp được gởi qua nước Xiêm La, nuôi hy vọng sẽ ‘cải đạo’ được Vua Xiêm, rồi họ mong sẽ ‘cải đạo’ được luôn toàn thể dân chúng nước Xiêm. Và họ cũng hy vọng rằng điều tương tự nếu xảy ra ở nước Xiêm thì cũng có thể xảy ra được ở Trung Hoa vậy! Nhất là từ đầu thế kỷ 17, các nhà Truyền Giáo Dòng Tên đã len lỏi được vào Triều Đình Trung Quốc.
Ngoài những lý do chính yếu trên, còn những lý do phụ khác cộng lại khiến Vua Pháp tán thành Dự Án, mặc dầu đã tỏ ra do dự trước đây. Như vào dịp tới Paris, L.M. Couplet đã được đón tiếp tại Triều Đình nước Pháp, và cuộc thăm viếng của vị Linh Mục này đã gây ra sự hiếu kỳ trong dư luận thời đó.
Thật vậy, L.M. Couplet đã được Triều Đình Pháp đặt câu hỏi về tình trạng Khoa Học của người Trung Hoa, về Lịch Sử, về môn Niên Đại học của họ, cũng như về tiềm năng Thương Mại giữa Trung Hoa và Âu Châu. Tuy nhiên, L.M. Couplet không phải gốc Pháp, mà Triều Đình lại muốn giao phó công tác này cho người Pháp. Và từ giây phút này, dự án gởi các nhà Toán Học Dòng Tên qua Trung Hoa đã được quyết định. Vấn đề còn lại là tìm kiếm cơ hội cho sự ra đi này , và dịp đó đã đến với việc thành lập Tòa Đại Sứ Pháp tại Xiêm La.
Năm 1684 với cuộc viếng thăm của L.M. Couplet và năm 1685 đánh dấu sự ra đi của các nhà Toán Học Dòng Tên là hai niên hiệu quan trọng trong lịch sử quan hệ Trí Thức giữa Trung Hoa và Pháp. Các Giáo Sĩ Dòng Tên khi lên đường, mang theo biết bao kỳ vọng, không những kỳ vọng về sự Thống Nhất Tôn Giáo, mà còn kỳ vọng về phương diện Trí Thức, khám phá ra một nền Văn Minh Cổ từ nay người ta đã bắt đầu ngờ đến, nhưng vẫn còn xa lạ.
Hai quyển sách “Chronologie” của L.M. Couplet và “Confucius Sinarum Philosophus” xuất bản một năm sau đó có vẻ như “ra đời” nhằm thỏa mãn tất cả mọi hiếu kỳ. Hai tác phẩm này có tham vọng cung cấp tất cả các yếu tố cần thiết để giúp độc giả có một ý niệm chính xác về Niên Đại, Lịch sử, Tôn Giáo, Luân Lý và Chính trị của người Trung Hoa.
Tác phẩm “Chronologie” hầu như không gây ra được sự chú ý nào. Tác giả tỏ ra thận trọng cũng như tìm cách “hòa giải” niên đại của Trung Hoa với niên đại của Thánh Kinh. Lý do là vào thời điểm này, người ta chưa đặt vấn đề đối với chính Niên Đại của Thánh Kinh khi so sánh với Niên Đại của các dân tộc khác, nhất là Trung Hoa. (Vấn đề này sẽ được đặt ra sau này).
Tác phẩm “Confucius Sinarum Philosophus” có một số phận khác hẳn. Vì đó là cả một sự Khải Thị đối với giới Trí Thức Pháp và Âu Châu thời đó ! Không phải về mặt Tôn Giáo. Mà là về phương diện Đạo Đức và Chính Trị !
Đó là thời điểm mà những con người có ý thức đúng đắn – họ không phải là triết gia hay nhà luân lý chuyên nghiệp, mà chỉ là những “thiện nhân”, đang tìm kiếm trong Lương Tâm cá nhân mình những Quy Tắc nhằm hướng dẫn đời sống Đạo Đức. Họ không có tham vọng như xây đắp những hệ thống cũng như không tìm cách áp dụng suy diễn pháp nhằm rút tỉa từ ý niệm “Thiện” có tính cách trừu tượng, các quy tắc thực tiễn cho cuộc sống hằng ngày của họ. Mà họ chỉ muốn thể hiện ra bằng những ý tưởng sáng sủa và trình bày như những nguyên tắc phổ biến, những gợi ý vẫn còn vẻ ‘mập mờ thấp thoáng’ khi vừa xuất hiện từ Lương Tâm của họ. Chính ở điểm này mà Luân Lý Đạo Đức của Khổng Tử đã đem lại cho họ điều mà họ đang tìm kiếm. Bởi vì nền Luân Lý Đạo Đức này thực sự đáp ứng những nhu cầu Tinh Thần của họ cả về mặt phương pháp lẫn kết quả.
Đạo Đức của Khổng Tử như được trình bày trong tác phẩm của các Giáo Sĩ Dòng Tên, KHÔNG xuất hiện như một nền Luân Lý Giáo Điều, mà dưới hình thức một Tập bao gồm những câu Châm Ngôn, Giáo Huấn dựa trên kinh nghiệm đời của Khổng Tử, lúc thì hiển hách ở nơi chốn Triều Đình, lúc khác thì lâm vào cảnh thiếu thốn cùng quẫn, tùy theo sự may rủi của vận mệnh. Đó là Kinh Nghiệm của một người đã từng nếm mùi của quyền quý cao sang lẫn tình cảnh khốn cùng, và đang tiết lộ với hành giả những kết luận được rút tỉa ra từ những biến cố của chính đời mình.
Ngoài ra, nền Luân Lý của Khổng Tử có tính cách rất “Người”. KHÔNG xem như là điều lý tưởng nhu cầu phải có một loại đức hạnh có tính chất dữ dằn, gian truân, khó đạt, mà chỉ kêu gọi hành giả thực hiện loại đức hạnh của chính Đạo Trung Dung, của Minh Triết nhằm đạt được sự Quân Bình giữa Đam Mê và Lý Trí. Ngoài ra, đó là nền Đạo Đức không cần phải dựa trên một giáo điều Tôn Giáo nào cả, do đó là một nền Đạo Đức có tính cách ĐỘC LẬP đối với Tôn Giáo. Có thể trong sách vở của Nho Giáo, có những câu Châm Ngôn, Giáo Huấn giống với một vài Giáo Điều trong các Tôn Giáo như Thiên Chúa Giáo chẳng hạn, nhưng ở đây không xuất phát từ một Mặc Khải nào cả. Bởi vì Khổng Tử đã giảng dạy các điều trên nhiều thế kỷ trước khi Thiên Chúa Giáo xuất hiện.
Không những đó là một nền Luân Lý ĐỘC LẬP, mà còn là một nền Đạo Đức TỰ NHIÊN, mà các Tôn Giáo đã từng chiếm đoạt làm ‘của riêng’ bằng cách trình bày nó như là hệ quả của các Giáo Điều của Tôn Giáo họ. Họ làm như nền Đạo Đức Tự Nhiên đó không phải toát ra từ Lương Tâm của mỗi con người khi ra chào đời ở thế gian này và ở khắp mọi nơi trên trái đất.
Đó cũng còn là thời điểm mà người ta đang tìm kiếm các nguyên tắc Hợp Lý cho khoa Chính Trị học. Không phải là vì người ta có ý định chống lại hoặc làm sụp đổ chính thể chuyên chế của Vua Louis XIV. Đại đa số người Pháp thời này vẫn còn trung thành với chế độ đương thời. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản họ nhận thấy tình cảnh Khốn Cùng tràn lan trong Vương Quôc Pháp. Họ tự hỏi phải chăng chính nguyên tắc chuyên chế của chính thể tự nó xấu ? Hoặc chỉ vì áp dụng tồi dở nguyên tắc trên mà có vấn đề ? Nước Trung Hoa được tiết lộ bởi các Giáo Sĩ Dòng Tên đến đúng lúc để cung cấp thí dụ của một nền Quân Chủ, mà Vương Triều cũng có tính cách chuyên chế như ở nước Pháp, nhưng khác với Pháp, ở đây chính thể chuyên chế đã đem lại các kết quả rất đáng chú ý như các du khách đã nhận thấy. Thế mà nguyên tắc mà chính thể chuyên chế của các Hoàng Đế Trung Hoa dựa lên cũng chính là nguyên tắc được dùng để biện minh cho quyền hành tuyệt đối của các Vua nước Pháp: đó là Quyền Uy của người Cha trong gia đình…..
Làm sao giải thích sự kiện là cũng cùng có một chính thể chuyên chế mà Trung Hoa thì giàu sang vượt bực mà Nước Pháp thì lại nghèo hèn đến thế ! Lý do có lẽ là tại chính thể Trung Hoa có mang theo một yếu tố khác làm nhẹ bớt tính chất chuyên chế của nó. Và người ta tìm thấy yếu tố đó trong chính định nghĩa của Quyền Uy của người Cha trong gia đình rằng loại quyền uy đó có tính cách chuyên chế chỉ vì lợi ích của con cái mà thôi!
Đạo Đức và Chính Trị của Trung Hoa là hai phát hiện lớn trong các tác phẩm của L.M. Couplet vì đã đáp ứng với các mối bận tâm đặc thù của thời kỳ này. Nhưng càng ngày người ta càng tỏ ra băn khoăn đối với vấn đề Tôn Giáo của người Trung Hoa…..(1)
Virgile Pinot
(Còn tiếp)
CHÚ THÍCH
(1) Virgile Pinot, ‘La Chine et La Formation de L’Esprit Philosophique en France‘, Slatkine Reprints, Genève, Suisse, 1971