Ánh Trăng Non Ở Phương Trời Xa
Nguyễn Tầm Thường s.j.
Trăng mới lên không đủ sáng. Trăng non. Nhờ chút trăng non, đêm cũng bớt tối. Thầy Diraviam đang học thần học năm thứ hai, hẹn tôi ở quãng đường gần sân đá banh, khúc đường dẫn đến căn nhà thầy vẫn dạy đám trẻ nhà nghèo vào mỗi chiều từ 5:30 đến 7 giờ tối. Tối nay thầy dẫn tôi đi thăm xóm người thuộc đẳng cấp thấp, low caste. Một mình, tôi không dám vào khu của họ. Tôi đã đợi ngày này từ lâu vì tò mò không biết họ sống thế nào.
Tôi nghĩ không nên đi giầy, sợ mình quá cách biệt. Đường qua sân banh đang mùa cỏ khô đầy gai. Ánh trăng tờ mờ, nhụ nhọa làm tôi nghĩ đến những con rắn Ấn Độ. Ngần ngại, nhưng tôi cũng phải mang giầy, sợ mảnh chai, cỏ xước và rắn đêm.
Tôi được biết nhà họ không có ghế ngồi.
Thầy bấm đèn pin đi trước, tôi cố tránh những rãnh nước, hố cống. Một khu tập thể rất lớn, chi chít, mái tôn chen chúc nhau thấp lè tè. Ánh đèn không đủ sáng soi đường đi. Các hẻm ngóc ngách nối nhau chằng chịt. Nhờ ban đêm, không nhìn rõ, tôi không bị con nít bu quanh. Nhưng vẫn có kẻ nhận ra một người không cùng màu da của họ. Họ rướn người từ trong nhà nhìn tôi. Ở các ngõ hẻm, quần áo ẩm ướt phơi chằng chịt, giây phơi nối từ nhà này sang nhà kia, thấp lụp xụp. Tôi cúi đầu, vén giạt qua một bên để tránh đụng vào mặt.
Sợ nhất khi người ta mời uống nước. Những chiếc ly dơ.
Hai vợ chồng, bốn đứa con. Người con đầu lòng đã là thiếu nữ. Đứa thứ hai cũng con gái, chừng 15 tuổi. Trong nhà, một cái giường đơn duy nhất, loại giường một người nằm. Một khoảng trống cũng chỉ bằng cái giường. Đó là chỗ trống duy nhất trong nền nhà. Nơi ấy, hai cái bếp. Phía cuối giường là tủ ra vào. Quần áo treo chung quanh chiếc tủ gỗ xiêu vẹo. Nhà không cửa sổ vì quá bé. Hộ này nối hộ kia, những dãy nhà dài chia từng khúc, cao, thấp. Mỗi khúc một hộ gia cư. Thầy Diraviam cho tôi biết hai người ngủ trên giường, hai dưới đất, hai ngủ ngoài hẻm. Không hộ nào có nhà vệ sinh riêng. Lúc tôi vào, người con gái lớn đang bị cảm, ngồi dậy trên giường. Bà mẹ chào chúng tôi, rồi ngồi xuống đất tiếp tục nấu bếp. Hai đứa con đứng bên cạnh. Căn nhà chật hết, đấy là đã thiếu đứa thứ tư. Thầy Diraviam và tôi, cùng người con gái đang bị cảm ngồi gọn trên giường. Ông trai ngồi ngoài cửa. Tôi không thể hình dung căn phòng chật đến thế. Tính ra, diện tích không được bằng hai tấm chiếu.
Sau khoảng nửa tiếng, thầy dẫn tôi qua nhà khác. Nhà thứ hai không có cả giường, không quần áo treo chằng chịt, không tủ, không bàn ghế. Tối um ủm. Bà đang quạt bếp, khói lên mù mịt, cay mắt.
Thầy Diraviam cho biết bà có hai đứa cháu mồ côi cha mẹ. Đứa trẻ tò mò nhìn chúng tôi, khép nép cạnh bà, chắc nó chừng bảy, tám tuổi. Đứa lớn bà cho viện mồ côi rồi. Nhà không điện, qua ánh đèn dầu tờ mờ, tối quá, tôi không biết bà chừng bao nhiêu tuổi (đèn là cái chai nhỏ đựng dầu rồi cắm sợi dây vào làm tim đèn). Tôi hỏi ông thầy:
– Bà làm gì để sống?
Họ nói với nhau bằng thổ ngữ địa phương.
– Bà đập đá làm đường, hoặc là đập đá cho những công trình xây nhà. Bà kêu đau trong các khớp xương.
Khi mới tới Ấn, tôi không thể nghĩ nước Ấn còn những người phu làm đường như thế. Thành phố Poona, nơi tôi đang trọ học này, tất cả các đường lộ đang nới rộng đều do sức người đập dá bằng búa tay. Đá to bằng chiếc cối xay đổ đống bên đường. Mỗi đống chừng mươi người phu hộ dùng búa đập thành từng cục như nắm tay. Tôi hỏi bà đập một ngày được trả bao nhiêu.
– 50 rúppi.
Một ngày đập đá, nắng trời tháng hai, nhiệt độ lên đến 35 độ Celsius, vào tháng năm có thể lên tới 40 độ. Một ngày đập đá, bà cháu nuôi nhau được 50 rúppi. Vừa nghe thế tôi nhớ ngay đến bổng lễ 50 rúppi các Sơ Dòng Kín cho tôi. Giả sử bà là Công Giáo làm sao bà có tiền xin lễ?
Trên đường về, thầy cho biết gia đình chúng tôi thăm đầu tiên có đạo. Người con gái lớn đang đau là cô phụ giáo dạy đám trẻ. Ông thầy đem cho cô một ít bánh gói trong giấy báo to bằng gói mì ăn liền. Trong đám 47 đứa trẻ đến học ban tối chỉ có 2 đứa Công Giáo. Có lẽ không hình dung được thế giới tây phương, thầy hỏi tôi bên Mỹ có những gia đình nghèo như thế không. Tôi trả lời bâng quơ:
– Ở Philippines cũng nhiều người nghèo lắm. Một thời gian tôi làm missionary bên đó.
Nói chuyện trên đường về, thầy Diraviam đồng ý đem tôi trở lại thăm họ vào ban ngày. Tôi muốn phỏng vấn thêm và thu hình bằng video. Vì sao bà sống một mình với đứa cháu? Chúng còn nhỏ, sao lại mồ côi? Cha mẹ chúng chết cách nào? Hai cháu sao một đứa ở nhà, một đứa trong viện mồ côi? Tôi muốn thu hình tất cả những gì có trong túp lều chật chội của hai bà cháu, cả khúc đường bà đập đá. Tôi muốn có những mẩu đời sống thật bằng hình ảnh.
Ra khỏi thềm nhà, một con bò to nằm kín ngõ hẻm. Ở Ấn Độ, bò thản nhiên trên đường phố. Với Ấn Giáo, bò là thần. Các đền thờ Hindu đều có tượng bò bằng đá. Ánh trăng non đổ xuống lưng nó. Một con bò khoang trắng đẫy đà. Bò và người chung sống với nhau. Kể về kỷ niệm tuổi thơ, ông thày bảo tôi, ông vẫn tắm cho bò vào ngày hội lễ bò.
Miền nam nước Ấn, vùng Tamil Nadu có hội lễ Pongal vào tháng Giêng. Ngày đó không ai được bắt bò làm việc. Chúng hoàn toàn được nghỉ ngơi. Phải cho bò ăn tối đa. Ngày lễ hội Pongal, thôn xóm đem bò ra hội làng, trang hoàng rực rỡ cho bò. Đeo các thứ hoa trên cổ, trên chân bò. Tô mầu trang trí cặp sừng. Chuông nhạc rung rinh ở mũi, ở tai. Họ đem gạo ra cánh đồng nấu cơm với mía, ăn ngoài đó. Pongal là hội mùa gặt tạ ơn thần thánh. Trong bốn ngày lễ hội, ngày thứ hai dành đặc biệt cho bò.
– Vì sao Ấn Giáo lại thờ bò?
Không phải chỉ bò mới là thần. Hindu là tôn giáo đa thần. Sông, Trời, Voi, Rắn… đều là thần. Đời sống nông thôn, cày sâu cuốc bẫm, chuyên chở nặng nhọc, mọi sự vất vả đều nhờ bò. Cả năm bò làm việc vất vả, người ta muốn có một ngày lễ hội cho bò nghỉ ngơi. Một ngày ghi ơn bò.
Mấy nghìn năm trước công nguyên, những tâm hồn mộc mạc đi tìm triết lý đời sống, họ tìm những suy tư nhân ái về thần thánh như thế không là suy tư đẹp sao? Thiên Chúa tại dựng con người, ban cho con người mọi sinh vật trên trái đất là quà tặng. Bông hoa cho hương sắc, bày ong cho mật ngọt, dòng sông cho nước lững lờ trôi, cánh đồng cho lúa xanh, con bò cho sức lao tác, chúng đến là do ơn thánh Chúa tạo dựng, vậy chúng không là hình ảnh của Chúa sao.
Ánh trăng non đổ xuống lưng con bò. Nó nằm thản nhiên bình an giữa người với người. Ông thầy bấm đèn pin tìm lối tránh để đi. Tôi bước theo sau. Nhìn con bò hiền lành. Tôi nhớ lời nó trả lời con heo.
Chuyện kể rằng một hôm con heo tức tối nói với con bò:
– Này bác bò, tôi không hiểu sao loài người bất công, vô lương tâm như thế. Tôi cũng như bác, hầu hạ người ta. Bác cho người ta sữa, tôi cũng cho người ta thịt, cho da. Sao người ta có ngày lễ hội cho bác mà cứ chửi tôi là đồ heo?
Im lặng một chút. Con bò trả lời:
– Tôi cho sữa, chị cho thịt, nhưng cách cho của chúng mình khác nhau. Tôi cho sữa lúc còn sống. Chị cho thịt lúc chị chết rồi. Sống mà cho mới quý, chứ chết rồi mới cho thì cũng như không.
Trên đường về, ánh trăng chỉ sáng mơ hồ trên cỏ khô, mù mờ những rặng hoa giấy ven đường. Trăng hãy còn non lắm. Về đến phòng, đã hơn 9 giờ tối. Nhìn lịch phụng vụ: Thứ ba, ngày 27 tháng 2. Hôm sau, thứ tư Lễ Tro.
Tôi bắt đầu vào mùa Chay ở Ấn Độ.
Thứ tư Lễ Tro, khởi đầu mùa Chay Thánh. Giáo Hội đang bước vào ngưỡng cửa những tháng ngày suy niệm về cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Một cuộc cho đi trọn vẹn. Mới bắt đầu mùa chay thôi, như ánh trăng hãy còn non, một chút ánh sáng trên đường cỏ khô. Hôm nay tôi bắt đầu biết một chút về cuộc sống của những người sinh ra đã bị kết án hạng “low caste”, hạng cùng đinh. Trong một ý nghĩa thiêng liêng, tội lỗi cũng đã biến con người thành low caste.
Con bò bảo rằng cho nhau những gì còn sống mới là cho. Sự cho ấy đến từ lựa chọn tự do. Biết có hy sinh mà vẫn cho. Biết mất mát mà vẫn cho.
Chết rồi không cho cũng chẳng mang theo được, vậy có gọi là cho không? Cho kẻ đã chết, làm sao họ mang đi, vậy có gọi là quà tặng không?
Chết rồi mới khóc thương, người ra đi trong lòng đất dâu nào biết gì. Biết người khác hy sinh cho mình, nhìn được tấm lòng cho nhau lúc còn sống, ôi! Quý quá. Chết rồi đâu còn gì mà cần an ủi. Xa nhau rồi đâu còn gì nữa mà cần nâng đỡ, hối tiếc.
Khi chết rồi những gì tôi để lại khó gọi là cho được. Bởi tôi không thể mang theo.
Như con bò cho sữa, cho lúc sống là cho phần đời của mình.
Những gì cho nhau lúc còn sống khác lúc đã chết là trong của cho ấy người ta sống tâm tình của thương yêu, xót xa, tiếc nuối, hy sinh. Khi biết người khác vì thương yêu, xót xa, tiếc nuối, hy sinh trong của cho ấy vì mình, ta thấy đời ta hạnh phúc, vì biết mình được thương yêu. Còn khi ta cho người khác, của cho ấy cũng làm ta hạnh phúc vì nó cởi mở trái tim ta, những tâm tình thương yêu, xót xa, tiếc nuối, hy sinh ấy làm trái tim ta bao dung. Nó xác định rằng mình đang biết yêu.
Tôi đang vào mùa chay ở vùng rất xa tất cả mọi người quen thân. Bố tôi bị stroke, tai biến mạch máo não, tê liệt ba năm nay, không còn trí nhớ. Bây giờ muốn hỏi Bố chuyện cuộc đời, muốn mua tặng Bố món quà, đã quá muộn. Tôi xa nhà từ nhỏ, ít khi sống gần bố. Là thanh niên trong thời chiến chinh Bố cũng theo vận nước nổi trôi.
Ngày tôi vượt biên Bố vẫn trong trại cải tạo. Mười mấy năm sau về thăm Việt Nam, biết ý Bố mơ một ngày được về thăm đất Bắc, nơi bố sinh ra, lớn lên nhọc nhằn với quê hương. Bố có bao kỷ niệm muốn tìm về, con đường đi bộ từ Ga Hà Nội về đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, có lần Bố kể vậy. Tôi đã chần chừ đem bố đi thăm đất Bắc, may quá muộn mất rồi. Chả còn quà tặng nào cho Bố nữa.
Những gì có thể cho nhau được hãy cho lúc còn sống. Nếu không bị hỏi chắc con bò chẳng bao giờ trả lời về đời sống nhọc nhằn lao tác của nó cho con người. Nó cứ thầm lặng như vậy thôi.
Nhìn được nước mắt của người khác thương mình, quý biết bao. Nước mắt ấy là sức sống đỡ nâng ta. Cũng vậy thôi, nếu người khác nhìn được nước mắt của mình lúc họ còn sống, nước mắt ấy đối với họ, quý lắm. Khi chết rồi họ chả cần nước mắt của ta nữa. Đời người quá ngắn. Chẳng ai được hai lần làm người trên cõi đời. Ta sẽ làm gì với cuộc sống của ta?
Tôi bắt đầu vào mùa Chay thánh. Ở phương trời xa, ánh trăng mới lên, còn non lắm. Cũng như bóng đêm trong tâm hồn còn nhiều. Mới khởi đầu mùa Chay thôi. Như người viễn khách dừng chân nhìn đường mình đang đi. Tôi dừng lại ở đầu mùa Chay với chút ánh trăng tìm dự cô tịch cho tâm hồn.
Nhìn vào cuộc sống, nhìn của cải vật chất, nghĩ về đời sau, nhìn cuộc đời linh mục, thấy mình đang đi về đời sau đó, thấy có những âm vang gờn gợn sóng trong cõi lòng.
Đường ai rồi cũng ra đi một mình như tôi đang ở phương trời xa. Mùa Chay mới bắt đầu như trăng mới lên thôi. Ánh sáng đêm còn non lắm, lấm tấm vỗ vào mạn thuyền. Linh hồn như con thuyền nhỏ lặng lẽ trong đêm đang xuôi bến tìm cõi đi về. Dòng sông cuộc đời mới gờn gợn chút ánh trăng non.
Ấn Độ tháng 2, đầu mùa Chay 2001.
Nguyễn Tầm Thường s.j.
( Nguồn: dunglac.org)