Ross Gittins
ÂU CHÂU ĐỪNG QUÊN CÁC BÀI HỌC LỊCH SỬ !
Có một điều đáng lưu ý là sự kiện các nhà lãnh đạo chính trị Âu Châu đang làm nhiều điều rất tệ hại cho chính bản thân cũng như người dân xứ họ vì lý do chưa học thuộc các bài học Kinh Tế trong bảy thập niên vừa qua.
Các nhà Kinh Tế học đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu xem những người thảo hoạch chính sách đã làm điều gì Sai Trái trong cuộc Đại Suy Thoái xảy ra trong thập niên 1930, khiến cho cuộc khủng hoảng Kinh Tế này trở nên tệ hại hơn điều cần thiết. Một bài học được học kỹ lưỡng là chớ cố đem Ngân Sách quốc gia trở lại tình trạng thăng bằng quá nhanh chóng.
Các cuộc trì trệ, suy thoái, đại suy thoái Kinh Tế hầu như luôn luôn được biểu lộ qua việc giới tiêu thụ và thương mại cắt giảm chi tiêu của họ. Họ càng cắt giảm bao nhiêu thì càng nhiều người mất việc hoặc phải đóng cửa tiệm buôn bấy nhiêu , khiến cho tình trạng suy sụp mức chi tiêu tổng quát càng lớn.
Trong những trường hợp tương tự, khu vực Tư Nhân không thể tự nâng mình lên với những phương tiện riêng. Rõ ràng chính quyền phải làm một cái gì để giúp họ trở lại tình trạng bình thường.
Một việc mà Ngân Hàng Trung Ương có thể làm là cắt giảm lãi xuất để khuyến khích việc vay mượn và chi tiêu. Trong thời buổi bình thường, biện pháp này thường tỏ ra hữu hiệu. Nhưng vào những thời điểm thật xấu, nhiều người cảm thấy tương lai quá bất trắc để tính đến chuyện vay mượn và khuếch trương, dẫu lãi xuất hạ đến mức nào đi nữa. Và nếu lãi xuất đã đạt đến mức quá thấp rồi – như hiện nay tại các nước tiền tiến – người ta không thể cắt giảm nó xuống dưới mức ‘zéro’ được.
Một biện pháp khác có thể được sử dụng để giúp khu vưc Tư Nhân là ‘chính sách Thuế Khóa’ qua Ngân Sách quốc gia. Cách thức đầu tiên là ‘không làm gì cả’: khi ít người hơn phải đóng thuế và nhiều người hơn hưởng trợ cấp thất nghiệp, tình trạng này khiến sự thâm thủng ngân sách ‘nổ tung’; nhưng đừng làm gì cả để điều chỉnh tình trạng này.
Tiến trình này tự động xảy ra khi khu vực Tư Nhân bị trì trệ, và sự kiện một số người trả ít tiền hơn trong khi một số khác lại nhận nhiều tiền hơn từ chính phủ, thì điều này có nghĩa là chính phủ đang giúp giảm thiểu mức trầm trọng của tình trạng Suy Thoái , giúp ngăn ngừa khu vực Tư Nhân xuống dốc hơn nữa. Tình trạng vừa đề cập ở trên được các nhà Kinh Tế đặt tên là ‘tiến trình ổn định tự động’(= ‘automatic stabilisers’)
Nếu chính phủ tìm cách chống lại các hậu quả phát xuất từ tiến trình này bằng cách cắt giảm chi tiêu hay gia tăng thuế, thì sẽ khiến cho khu vực Tư Nhân suy thoái hơn nữa, Và vì vậy, chính phủ cũng không đạt được điều mong muốn là đem Ngân Sách lại gần hơn điểm thăng bằng ‘lý tưởng’!
Cách thức thứ hai có tính cách tích cực hơn là : kích thích nhu cầu của khu vực Tư Nhân bằng biện pháp cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu. Nếu áp dụng biện pháp này khi Kinh Tế đang phát triển mạnh, thì chỉ làm tăng mức lạm phát mà thôi; nhưng nếu tình trạng Kinh Tế đang ‘lẹt đẹt’ thì rất có thể biện pháp này sẽ hữu hiệu, nhất là nếu áp dụng cách thức gia tăng chi tiêu hơn là cắt giảm thuế (vì một số người sẽ để dành số tiền được giảm thuế).
Một khi nền Kinh Tế phát triển trở lại, chính phủ sẽ thâu vào nhiều thuế hơn và số người hưởng ‘trợ cấp thất nghiệp’ sẽ giảm đi, và sự kiện này sẽ giúp giảm thiểu mức thâm thủng ngân sách. ‘Tiến trình ổn định tự động’ đang hoạt động trong chiều hướng đảo ngược. Nếu tiếp tục, Ngân Sách sẽ trở lại tình trạng Thăng Bằng, rồi Thặng Dư mà chính phủ có thể sử dụng để Trả Nợ,
Chủ yếu ở đây là cần có đủ Kỷ Luật và Kiên Nhẫn, rồi vấn đề Ngân Sách sẽ tự giải quyết lấy. Những điều vừa trình bày ở trên, các Kinh Tế và Chính Trị gia đã nắm vững từ lâu rồi. Đó là cách thức mà các chính phủ trên thế giới đã áp dụng để đối phó với cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh Toàn Cầu vào năm 2008.
Nhưng tại sao hiện nay, chính phủ Anh, các chính phủ Âu Châu khác và Hoa Kỳ lại đang làm ngược lại điều trên ?
Nền Kinh Tế của các nước này vẫn còn yếu kém, vậy mà họ lại gia tăng thuế hay – thông thường hơn – cắt giảm chi tiêu một cách vội vã hầu giảm thiểu nhanh chóng mức thâm thủng ngân sách. Do hậu quả của chính sách gọi là ‘khắc khổ’, nền Kinh Tế của các quốc gia Âu Châu đang quay đầu trở lại với tình trạng Suy Thoái và mức thâm thủng ngân sách trở nên tồi tệ hơn nữa.
Tại sao họ lại hành động một cách ‘phản kinh tế’ như vậy ? Lý do là mức Nợ của họ quá cao đến mức không còn thể chịu đựng được nữa. Trong khi một chính sách Kinh Tế khôn ngoan nhắm đạt được sự Thặng Dư ngân sách và trả bớt nợ trong những năm Kinh Tế phát triển, thì họ lại tiếp tục để cho ngân sách Thâm Thủng và Nợ Nần chồng chất.
Khi xảy ra cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh Toàn Cầu vào năm 2008, nhiều quốc gia đã vay mượn rất nhiều để tiếp cứu các Ngân Hàng của họ và còn vay mượn nhiều hơn nữa nhằm kích thích nền Kinh Tế của nước họ. Mức Nợ Nần của các quốc gia này cao đến nổi các Thị Trường Tài Chánh bắt đầu đặt câu hỏi là liệu họ còn khả năng trả nợ hay không?
Tuy nhiên, Thị Trường Tài Chánh với tính cách hay thay đổi của nó không phải là một sự chỉ dẫn đáng tin cậy để hoạch định một chính sách kinh tế tốt đẹp. Điều đã xảy ra là các Thị Trường Tài Chánh lúc đầu có vẻ tán đồng khi chính phủ đưa ra các chương trình ‘khắc khổ’, nhưng sau đó lại bất đồng ý khi thấy các chương trình nêu trên là nguyên nhân gây ra sự yếu kém kinh tế.
Lẽ dĩ nhiên, khi Nợ Nần của một quốc gia đạt mức cao đến nổi thị trường tài chánh sắp từ chối cho vay, bất cứ với giá nào, thì quốc gia này không còn một chọn lựa nào khác là áp dụng chính sách ‘khắc khổ’.
Bạn có thể thất hứa đối với một món nợ, nhưng bạn không thể có một ngân sách thâm thủng khi không còn ai chịu nhận tài trợ cho sự thâm thủng này. Dẫu một Tổ Chức Quốc Tế nào đó nhận bảo trợ cho bạn, thì tổ chức này cũng sẽ phạt bạn về tính phóng đãng của mình bằng cách buộc bạn phải chấp nhận một chương trình khắc khổ. Điều này sẽ làm tình cảnh của bạn trở nên tồi tệ hơn trong một thời gian dài, trước khi bạn có thể khá hơn. Đó là trường hợp của Hy Lạp
Nhưng đa số các quốc gia Âu Châu khác không ở trong tình cảnh khốn cùng như vậy, vậy tại sao họ lại phải cắt giảm chi tiêu ? Có lẽ điều mà họ nên làm là Hứa Hẹn, tức sắp đặt một kế hoạch với lời hứa cắt giảm chi tiêu ‘ở cuối đường’ khi nền Kinh Tế bắt đầu hồi phục.
Nhưng tại sao họ lại không hành động như vậy ? Là vì sau nhiều thập niên tỏ ra thiếu kỷ luật trong lãnh vực thuế khóa, họ không còn đủ uy tín để hứa hẹn như vậy nữa. Nhưng điều trên không thay đổi thưc tại Kinh Tế với chân lý sau đây: cắt giảm chi tiêu khi nền Kinh Tế đang yếu, sẽ làm cho nó yếu hơn.
Giải pháp là tìm cách nào khiến cho các lời Hứa Hẹn của họ đáng Tin Cậy hơn ! (1)
Ross Gittins
CHÚ THÍCH
(1) Ross Gittins, ‘Europe Must Not Ignore The Tough Lessons of History‘, ‘The Saturday Age’, 11/02/2012, Melbourne, Úc