…..

BÀ MỌI HÚ

Bình – nguyên Lộc

…..

Từ vùng Hố Nai, rời con đường thiên lý, mải miết đi về hướng Tây, du khách phải qua rừng rậm, tuy chưa phải là rừng già, chớ cây cũng to và có thú dữ . Rừng nầy có lẽ hiện nay đồng bào di cư đã phá để làm củi.

Qua khỏi rừng thì một cánh đồng minh mông trải ra tới tận chơn trời, và nơi đó, cánh đồng được viền bằng một khu rừng chồi; sau rừng chồi là làng mạc rồi đến con sông Ðồng Nai.

Cánh đồng không mông quạnh nầy gồm một phần ruộng rừng của dân làng, ngoài xa kia, và phần lớn là đồng đế và lau lách. (Có một khu tên là Ðồng lách).

Ruộng rừng vì đất khô quá, và vì nai phá lúa, canh gác không xuể nên thường bị bỏ hoang, thành ra cả cánh đồng là một biển lau sậy bằng phẳng và buồn hiu.

Giữa cánh đồng, lạ lùng thay, một trái núi nổi lên, giống một hòn đảo nhỏ giữa biển cả và nhứt là giống một cậu bé đi lạc, ngơ ngác nhìn quanh.

Nói “cậu bé” vì đó là một quả núi tí hon và chỉ cao độ bốn mươi thước thôi. Còn nói “đi lạc” là vì những hòn núi rời, tách ra khỏi khối Trường Sơn đi lang thang về phía Nam, chỉ tới mạn bắc tỉnh Biên Hòa là dừng chơn lại. Cái anh chàng đi xa hơn hết là núi Chứa Chan đứng sừng sững đằng xa kia, xanh mờ trên nền trời lam lợt. Nhưng anh ta cũng khá dềnh dàng để xứng đáng làm một phần tử trong bầy Trường Sơn chớ có đâu mà lùn xịt và đi xa quá như chú núi nhỏ nầy.

Tuy nhỏ mà cũng có tên họ đàng hoàng, mặc dầu không được sách địa dư nào nói đến cả. Ðó là núi Bà Mọi.

Mắt du khách đang khổ sở nhìn cánh đồng khô cỏ cháy thì rất sung sướng được nghỉ ngơi trên cái xanh mát của hòn núi Bà Mọi nầy, vì cây cối mọc um sùm trên đó.

Một con đường mòn tương đối dễ lên, đưa tới chót núi và khi ra khỏi con đường tối om ấy, nơi cây cối giao nhành khiến nó giống một hang núi, thì người ta ngạc nhiên thấy trước mặt đứng lên một ngôi chùa cổ rêu phong.

Ấy, người Á Ðông ta tin rằng ở rừng núi, chùa chiền mới linh, nên mặc dầu tín đồ ở tận mãi ngoài sông cách đó bảy tám cây số, các sư cũng tìm cách mang vôi gạch đến đây để cất linh tự.

Ðỉnh núi bằng và sói sọi không phải vì người ta đốn cây để cất chùa mà vì những tảng đá xanh nổi ngổn ngang trên đó không cho thảo mộc sống được.

Trước sân chùa, sáu phiến đá lớn hơn hết họp lại thành một búp sen đá trông khá giống hoa sen và khá đẹp, và trong lòng búp sen ấy nhú lên một trụ đá tròn, to bằng bắp chơn. Hình như ai đó đã đẽo đá, cặm vào đó để ếm cái gì hoặc để giả làm nhị sen.

Sư trưởng là một người đàn ông còn trẻ, đầu không cạo trọc, ăn nói có vẻ có học và không quê một chút nào. Chúng tôi đi thăm chùa ấy, thuộc làng Tân Ðịnh năm 1945, giữa mùa nực. Sự ân cần đón khách của sư trưởng đối với sự keo kiệt về nước uống của ông ta khiến chúng tôi ngạc nhiên.

Ðoán biết nỗi khó chịu của chúng tôi, sư trưởng phân trần:

– Các anh tính, từ ngoài sông vào đây phải đi bảy cây số đường rừng, nên một đôi nước lên được chùa nầy là trở thành quí như nước cam lồ của Phật.

Ðoạn, chỉ vào nhị đá của búp sen, sư trưởng nói:

– Búp sen nầy ấp ủ một dòng nước thần nhưng từ ba trăm năm nay nó đã tắt chảy, thành ra chúng tôi phải nhịn khát dữ lắm.

– Một dòng nước, thưa nhà sư? Tại sao trên núi cao lại có nước, còn ở dưới đồng bằng…

– Ấy, như vậy là sự thường. Có lẽ mạch nước đang âm thầm chảy dưới đất thì tới đây đất nhô lên thình lình, nên nó bị đưa lên cao. Khi đất nhô, đất bị nứt ra nơi trên đầu, cái mạch như một huyết quản bị bể nơi ấy, xoi lỗ mội mà ra.

Chúng tôi ngạc nhiên hết sức vì sự giải thích của nhà sư rừng nhắc chúng tôi nhớ lại những bài học về địa chất học ở nhà trường.

Chúng tôi nhìn kỹ nhà sư để tìm biết coi ông là người trong giới nào bước vào làng Phật giữa rừng nầy.

Nhà sư vẫn thản nhiên, và như muốn đánh trống lảng, chỉ vào búp sen mà thêm:

– Các anh thấy sáu cái máng xối đây không? Quả thật thế, từ sau khe đá giữa sáu phiến đá hợp thành búp sen, sáu đường nước giống như sáu sợi dây thòng xuống chơn núi. Dấu nước chảy khuyết đất ngày xưa vẫn còn ràng ràng và những hòn đá cuội giữa các mương bị lột trần đất như nằm lăn lóc đó mà chờ những giọt nước mát không bao giờ chảy qua nữa.

Sáu đường mương lố dạng một quãng rồi mất hút trong cây cối xanh um, trừ cái mương mà người ta dùng làm đường mòn lên núi. Chính do con đường nước cũ mà chúng tôi leo đến đây mà không ngờ.

– Ðó là sáu con suối từ cái mội nầy chảy xuống để tưới lên cho mát đất bằng dưới kia.

– Nhưng ai cắc cớ bịt mội bằng cục đá nầy?

Sư trưởng làm thinh, kéo chúng tôi ra phía sau chùa, chỉ vào một cái miếu đổ:

– Ðây là đền thờ Bà Mọi. Chính bà ấy đã làm tắt suối đó.

Khi di cư vào Nam, cách đây trên ba trăm năm, đồng bào ta không phải gặp toàn người Thủy Chơn Lạp như phần đông đã tưởng.

Ở miền Ðông Nam Việt, ta chạm phải người Mọi mà bây giờ người ta kêu là người Sơn Cước, mặc dầu danh từ Mọi không có gì xấu hết và danh từ Sơn Cước chỉ là danh từ tổng quát không phân biệt đúng bộ lạc nào trong đám Sơn Cước cả.

Ta phá rừng, và dân Mọi tìm đủ cách cản trở. Họ không tiếc đất với ta, vì đất còn minh mông, họ cũng không xấu bụng với ta vì họ là những người có căn bản tốt.

Nhưng họ quyết giữ rừng, vì rừng với họ như nước với cá. Họ sống nhờ rừng vì rừng là cái kho trữ các sinh vật nuôi họ. Họ thương rừng vì rừng là khung cảnh quen thuộc của họ.

Ðám người khai phá khu rừng quanh hòn núi nhỏ ấy bị phá phách đủ thứ: nào là mùa màng bị nhổ quăng đi, đi đường rừng bị phục kích bằng tên thuốc v.v…

Người ta rình mò dò dẫm mãi mới biết được kẻ phá hoại là một mụ Mọi già tóc tai bồm xồm, trông rất ghê sợ.

Biết thế nhưng họ không làm gì được mụ ta vì động một cái là mụ biến mất vào rừng sâu.

Người Việt ta chỉ còn một nước là lấn lần vào rừng bằng cách đốn cây, mong rằng đồng bằng sẽ đuổi mụ ta đi nơi khác hoặc rồi mụ ta sẽ chết trước khi họ phá hết rừng.

Rừng già bị gặm ngày một, chậm mà chắc chắn, mãi cho đến ngày kia thì vòng vây đã siết chặt quanh hòn núi như ở nhà quê người ta cạo trọc đầu con trẻ, chừa lại chiếc bánh bèo.

Bấy giờ công tác phá hoại của Bà Mọi tăng lên gấp bội và mang một vẻ bối rối, tuyệt vọng. Người Việt ta chỉ cười hề hề vì họ biết sức một cá nhơn không tài nào phá hủy công việc của hàng ngàn người được.

Nhưng một sáng kia họ ngạc nhiên hết sức mà thấy sáu con suối chảy qua đất mới khai khẩn hình như là cạn bớt đi.

Một người nói không ai tin, nhưng rồi nhiều người quan sát xác nhận điều đó nên cả đoàn người di cư đều xúm nhau mà rình mực nước.

Nước suối cạn lần thật, y như là đất khô hút lần nó và mãi cho đến chiều hôm ấy thì sáu dòng nước nhỏ cạn queo.

Sông cạn, núi mòn, đó là những hiện tượng họ nghe nói trong sách vở nhưng chưa hề thấy bao giờ. Những người trẻ tuổi và đàn bà hốt hoảng lên, xem đó là một thiên tai và tin rằng trời hại họ, hoặc thần đất, thần rừng phạt tội xúc phạm của họ nên mới cướp mất nguồn sống của họ đi. Những người tuổi tác sáng suốt hơn một chút nên thấy ngay rằng Bà Mọi đã nhúng tay vào vụ đó.

– Phải rồi, các người trẻ tuổi nghe có lý nên đồng reo lên. Chính đây là cái ngón cuối cùng của mụ ta đề phá bọn mình.

Rồi họ rùng rùng rủ nhau lên núi để bắt Bà Mọi, chớ không đùa cợt công việc phá hoại vô hiệu quả của bà ta như trước nữa.

Nhưng những ông lão ngăn họ lại:

– Các anh dại dột quá. Nếu mụ ta ngăn suối chảy được là mụ ta có pháp thuật chi đó, nên mới yểm nước một cách hiệu nghiệm như vậy. Liệu các anh có đủ tài bắt một người có pháp thuật chăng? Mà đừng nói chi là pháp thuật, nội trước cái tài trốn chui trốn nhủi trong rừng của mụ ta, các anh cũng đã bó tay từ trước đến giờ rồi.

Bây giờ chỉ còn một cách là đốt hòn núi nầy, mụ ta có tài thánh ra cũng không được. Với lại lá bùa, mụ ta giấu ở đâu mình cũng chẳng biết. Ngọn lửa sẽ đốt rụi tất cả, kể cả lá bùa bí mật kia nữa.

Cả đoàn đồng hoan hô các ông lão, rồi họ vác rựa mà đốn rạp khu rừng mỏng còn sót lại, viền quanh trái núi. Xong đâu đấy, họ nổi lửa lên mà đốt đống cây ấy.

Giữa mùa nắng, cây dầu cháy quanh làm mồi cho cả một đám rừng ngã rạp, lửa cháy rần rần. Thú rừng nhỏ như chồn, thỏ, mang, mển, thoát thân chạy vọt ra ngoài đồng trống, nhưng Bà Mọi thì mãi không thấy bóng hình.

Bà ta biến đi chăng? Cả đoàn người Việt di cư nơi vùng đó đã vây chặt quanh núi mà đón mụ ta, vây chặt đến con thỏ cũng ra không lọt, thế mà không thấy tăm dạng người đàn bà dị tướng: hai tai đeo hai ống tre và cổ đeo răng cọp kia.

Ðến chiều tối thì lửa đã cháy đến chơn núi. Ngọn lửa bắt đầu leo dốc, ở xa trông thấy nó bò lần lên với những lưỡi lửa vói liếm đầu lá, rồi như níu vào ngọn cây mà rướn mình lên.

Bóng đêm lần xuống là cả một góc trời đỏ rực lên. Bóng dáng của đoàn người Việt di cư nổi lên nền lửa rừng đêm, trông cổ quái như người tiền sử ăn lễ lửa vui vầy.

Lửa leo núi được vài giờ thì người ta nghe tiếng hú dài ghê rợn trên đỉnh núi nổi lên.

Tiếng hú như kêu gọi một cách tuyệt vọng đồng bào sơn dã của mụ đến giải thoát mụ ta. Nhưng mụ có lẽ là người độc nhất của cái sóc nầy mà dân cư tiêu rụi hết từ lâu vì bệnh hoạn, nên tiếng kêu của mụ mất hút trong không khí, không có lấy một tiếng vang nào vẳng lại.

Tiếng hú vang rền từng hồi, hấp hối, rồi lại nấc lên và rốt cuộc chết lần, tắt hẳn, trong ngọn lửa cao ngất trời đã bò lên tới đỉnh.

Hơi hú cuối cùng thê thảm quá khiến đoàn người Việt se thắt lòng lại, quặn đau một niềm bất nhẫn. Những ông cụ già có học Nam sử đều rưng rưng lệ nhớ lại những tiếng kêu thương khác của người Hời vong quốc âm thầm khóc điêu tàn của giống nòi.

– Tranh sống! Trời ơi! Tranh sống ác liệt thay! Một ông lão lầm bầm như vậy rồi nước mắt chan hòa.

Hai ngày sau, khi than đã tắt hết, người ta mò lên núi. Sáu dòng suối vẫn tắt nghẹt khiến cho họ nghi là lá bùa bị đè dưới một tảng đá. Họ tìm quanh thì thấy giữa búp sen, cấm ngập ngay mội nước, một cái nút bằng cây gồ.

Cây gồ là một thứ cây hễ thấm nước là nở ra, người Việt ta ngày xưa chưa biết chất cốt mìn, dùng để bắn đá núi. Họ khoét trong đá núi một hàng lỗ sâu rồi trồng những nút ấy xuống đó. Họ tưới nước vài ngày là gồ nở mạnh và đẩy tét hai một tảng đá lớn. (Cách đây vài mươi năm, dân làm đá ở Bửu Long, Biên Hòa, cũng còn dùng phương pháp ấy).

Nút gồ nở lớn quá, họ cạy mãi để giải thoát mội nước mà không được.

Nước mội lại chứa nhiều chất đá vôi nên ngày lại ngày rỉ ra, tiết chất đá vôi, chất nầy khô cứng lại và hóa thạch cái nút kia, nên càng không lay chuyển nó được.

Dân phá rừng đành phải cam chịu ruộng khô và để tưởng nhớ một người đàn bà oanh liệt, đã bảo vệ quê hương đến hơi thở cuối cùng, họ cất miếu thờ Bà Mọi trên núi và đặt tên núi là núi Bà Mọi.

– Còn ngôi chùa nầy, sư trưởng tiếp, thì chỉ mới dựng lên độ sáu mươi năm nay thôi.

Bình Nguyên Lộc

(Nguồn: Binhnguyenloc.com)

(Cuống rún chưa lìa)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm