BÀI THƠ XUÂN ĐẮT GIÁ NHẤT CỦA “THI SĨ MÙA XUÂN” NGUYỄN BÍNH

Vân Trình

ING.956Người đời mệnh danh Nguyễn Bính là “thi sĩ mùa xuân” quả không sai chút nào. Thơ xuân của ông khá nhiều và độc đáo: “Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng” (Hoa với rượu); “Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe/ Lá nõn nhành non ai tráng bạc/ Gió về từng trận gió bay đi” (Xuân về). Hay “Đây cả mùa xuân đã đến rồi/ Từng nhà mở cửa đón vui tươi/ Từng cô em bé so màu áo/Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười” (Thơ xuân); “Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong” (Xuân về). Còn nữa: “Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng/ Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng/ Đôi tám xuân đi trên mái tóc/ Đêm xuân cô ngủ có buồn không?” (Gái xuân); “Chiều xuân mưa bụi nghiêng nghiêng/ Mưa không ướt áo người xem hội làng” (Tiếng trống đêm xuân)…

Song, chỉ có một bài thơ xuân đắt giá nhất trong sự nghiệp làm thơ của ông: Sao chẳng về đây? đăng trên tờ Dân Báo (Sài Gòn), số xuân Ất Dậu, cách đây tròn 70 năm.

Bài thơ gồm 10 khổ theo thể thất ngôn, mỗi khổ có 4 câu. Nội dung bài thơ diễn tả cảm xúc khá chân thật của một con người rời bỏ chốn kinh kỳ đô hội để về sống thanh thản trong một túp lều tranh ở xóm nhỏ – xóm Dừa – ngoại ô Sài Gòn, giữa một khung cảnh thiên nhiên gần gũi, nên thơ và tình người nồng hậu:

… Sao chẳng về đây bắt bướm vàng
Nhốt vào tay áo đợi xuân sang
Thả ra cho bướm xem hoa nở
Cánh bướm vờn hoa loạn phấn hương?
Sao chẳng về đây, có bạn hiền
Có hương, có sắc, có thiên nhiên
Sống vào giản dị, ra tươi sáng
Tìm thấy cho lòng một cảnh tiên?

Tác giả tự trách mình là một kẻ chậm chân – không sớm về với chốn quê:

... Sao chẳng về đây, nỡ lạc loài
Giữa nơi thành thị gió mưa phai
Chết dần từng nấc, rồi mai mốt
Chết cả mùa xuân, chết cả đời?

Bài Sao chẳng về đây? chẳng những nổi tiếng ở những lời hay ý đẹp mà còn thu hút được sự chú ý của độc giả bởi phản ánh được tâm trạng xã hội lúc bấy giờ. Kết thúc bài thơ là lời nhắn nhủ của tác giả trước thềm xuân mới:

Xuân đã sang rồi em có hay
Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy
Kinh kỳ bụi quá xuân không đến
Sao chẳng về đây, chẳng ở đây?

Theo ông Đỗ Đình Thọ, bài thơ Sao chẳng về đây? có một xuất xứ khá ly kỳ. Chuyện rằng, dạo cuối năm Giáp Thân, chủ bút của tờ Dân Báo nhận thấy số báo xuân Ất Dậu (1945) phải có một bài thơ của một nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Bính thì bán mới chạy. Ông ta bèn mời thi sĩ họ Nguyễn tới “đặt hàng”. Thừa hiểu dụng ý và vốn biết tính tình không phóng khoáng của ông chủ bút, Nguyễn Bính nói dứt khoát: “Mỗi trang thơ là hai đồng bạc thì viết sao được! Nếu ông chấp nhận mỗi câu thơ của tôi là hai đồng thì tôi sẽ viết xong sớm”. Cũng nên nhắc lại rằng, một đồng bạc thời đó có giá trị rất lớn, ăn cơm tháng loại sang cũng chỉ hết mười đồng. Nghe Nguyễn Bính ra giá cao như vậy, chủ bút cò kè: trả một đồng một câu thơ. Nhẩm thấy giá ấy cũng tạm được (vì thực ra đã cao gấp 4, 5 lần so với ngày thường), Nguyễn Bính đồng ý.

Tới ngày hẹn, ông mang đến tòa soạn Dân báo bài thơ Sao chẳng về đây? Đọc xong bài thơ, chủ bút vừa mừng vừa lo: Mừng vì bài thơ hay thật, quả không hổ danh của một nhà thơ tài năng. Lo vì phải trả 40 đồng thì quá cao. Ông ta đọc đi đọc lại bài thơ, cố tìm ra những nhược điểm để dèm pha, xuống giá. Cuối cùng, phát hiện ở khổ thứ 2 có hai câu thơ gờn gợn, hình như tác giả viết để chửi khéo mình:

Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên
Đêm đêm quán trọ thức thi đèn
Làm thơ mang bán cho thiên hạ
Thiên hạ đem thơ đọ với tiền!

Chủ bút gạch chân câu 3 và câu 4, yêu cầu Nguyễn Bính sửa lại vì năm mới mà đăng hai câu thơ ấy thì tòa báo sẽ bị “giông”. Thấy tác giả cứ băn khoăn, tần ngần, không chịu sửa, chủ bút bèn đề nghị trả thêm 4 đồng cho 4 câu đó nếu sửa tốt. Vị chi toàn bài thơ là 44 đồng. Đắn đo mãi, Nguyễn Bính đành chấp nhận và rút bút sửa lại:

Xót xa một buổi xòe năm ngón
Thấy chết lòng tay, vệt trái tim

Thế nhưng, chủ bút vẫn tỏ vẻ ngần ngại: Câu 3 vẫn còn ngụ ý chửi mình về cáí chuyện mặc cả từng đồng. Còn câu 4, nếu đọc thiên hạ chắc sẽ không mua báo vì đọc thơ năm mới như thế sẽ bị sái. Ông nài nỉ Nguyễn Bính sửa tiếp. Bây giờ đến lượt nhà thơ mặc cả: “Nếu sửa vừa ý thì ông sẽ trả tôi bao nhiêu?”. Chủ bút đáp ngay: “Nếu hoàn chỉnh, tôi xin trả ông mỗi câu hai đồng như ông đã thỉnh cầu ban đầu”. Nguyễn Bính lại nhận lời sửa. Lần này, suy nghĩ hồi lâu, ông đặt bút viết:

Xót xa một buổi soi gương cũ
Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền

Đọc hai câu thơ, chủ bút gật gù: “Hay, hay lắm!” và hạ bút ký trả 80 đồng(*) cho bài thơ của Nguyễn Bính – một khoản tiền quá lớn, ngang với tiền lương tháng của một viên tri huyện. Thế mới biết đâu cứ phải lúc nào “văn chương hạ giới rẻ như bèo” như Tản Đà tiên sinh than vãn!

Vân Trình
(Nam Sơn chuyển bài)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm