BẦN TIỆN VỚI PHILIPPINES, BẮC KINH BỎ LỠ CƠ HỘI “QUYỀN LỰC MỀM” TẠI ĐNÁ

Thụy My RFI

ING.012

 Thành phố Tacloban sau trận bão Haiyan – REUTERS /R. Ranoco

Lúng túng vì bị chỉ trích do số tiền hỗ trợ thảm hại dành cho nạn nhân bão Haiyan (Hải Yến) ở Philippines, Bắc Kinh mới đây loan báo sẽ tăng thêm viện trợ. Theo các nhà phân tích, cách xử sự này cho thấy những yếu kém của một nền ngoại giao còn hằn vết lịch sử, thiên về khuynh hướng « ăn miếng trả miếng » thay vì quyền lực mềm.

Trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc hay Na Uy đều hứa sẽ tặng hàng chục triệu đô la, riêng Anh vừa tuyên bố sẽ viện trợ thêm 48 triệu đô la sau trận bão, Bắc Kinh vào đầu tuần thông báo chỉ giúp Manila có…100.000 đô la ! Bằng đúng số tiền của một nước nghèo và cũng bị ảnh hưởng bão Haiyan như Việt Nam. Trong khi đó một nước châu Á khác cũng thường bị thiên tai là Indonesia hỗ trợ đến một triệu đô la.

Tạp chí uy tín Time của Mỹ đã phẫn nộ chạy tựa « Nền kinh tế thứ nhì thế giới tống bớt tiền lẻ cho đảo quốc bị bão tàn phá », cho đây là một số tiền « đáng sỉ nhục », đả kích sự « bủn xỉn » của Bắc Kinh.

Bị kẻ chê người cười, rốt cuộc bốn ngày sau Trung Quốc cũng thông báo sẽ tăng viện trợ lên 10 triệu nhân dân tệ (1,8 triệu đô la) bằng mền, lều bạt và các hiện vật khác.

Ông Mark Beeson, giáo sư dạy môn chính trị của trường đại học Murdoch ở Perth (Úc) ghi nhận : « Chắc chắn là có những quan chức Trung Quốc, chẳng hạn trong quân đội, không ưa Philippines do tranh chấp lãnh thổ trên biển ». Bãi cạn Scarborough chỉ cách duyên hải Philippines có 200 km đã bị Trung Quốc chiếm năm ngoái, gây căng thẳng trong quan hệ đôi bên.

Bắc Kinh cải chính mọi liên hệ giữa việc xung đột biển đảo với số tiền viện trợ quá ít ỏi. Nhưng các cư dân mạng có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa không ngần ngại gắn liền hai việc này. Trên mạng Vi Bác, có những ý kiến cho rằng : « Đó là một nước thù địch, chúng ta chẳng nên cho họ một xu nào ».

Sự thay đổi thái độ của Bắc Kinh cũng do sự tích cực của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hai quốc gia này đều điều quân đội đến những vùng bị bão Haiyan tàn phá. Gần 70 năm sau khi đối đầu tại Philippines trong những trận chiến đẫm máu vào cuối Đệ nhị Thế chiến, nay quân đội Mỹ và Nhật lại tay trong tay hợp sức làm công tác nhân đạo.

Tờ Global Times, một nhật báo chính thức có khuynh hướng cực đoan, cho rằng Washington và Tokyo « có thể có những mục đích khác phía sau », và tìm cách mở rộng vùng ảnh hưởng.Thậm chí tờ báo này còn đề xuất là Trung Quốc cũng nên gởi chiến hạm đến Philippines « để giúp đỡ » các nạn nhân của trận bão.

Ông Jim Schoff, chuyên gia Quỹ Carnegie vì hòa bình nhắc nhở : « Người Trung Quốc thích kêu rêu về não trạng chiến tranh lạnh của Hoa Kỳ mỗi khi người Mỹ tìm cách củng cố quan hệ với các đồng minh, trong khi chính Bắc Kinh lại tiếp tục chia châu Á ra thành những vùng ảnh hưởng của mình » – một quan niệm theo ông là « đã lỗi thời ».

Chuyên gia này nhận định : « Họ đi từ quan niệm Trung Quốc cũng là một đại cường » mạnh ngang với Hoa Kỳ, nhưng « Bắc Kinh hoàn toàn không chứng tỏ được điều đó. Trung Quốc không phải là cột trụ của khu vực. Đó là một thất bại của họ ».

Theo ông, ngành ngoại giao Trung Quốc « vẫn còn trong tư duy theo kiểu mình cũng là một nước đang phát triển và cũng bị nhiều thiên tai, dẫn đến thái độ bủn xỉn khi viện trợ cho các nước khác ». Dù đã tăng thêm số tiền, nhưng hỗ trợ của Bắc Kinh quá thảm hại so với 85 triệu đô la viện trợ của Anh quốc, 30 triệu đô la của Nhật Bản, thậm chí so với tấm ngân phiếu 2,7 triệu đô la của công ty Thụy Điển Ikea.

Giáo sư Mark Beeson nhấn mạnh, nếu Bắc Kinh thường thẳng tay đánh vào kinh tế của các đối thủ sau mỗi cuộc khủng hoảng ngoại giao, thì việc chính trị hóa viện trợ nhân đạo lại trở nên phản tác dụng. Ông nói : « Trước những thảm họa như thế, người ta chờ đợi một kiểu tính toán khác, thậm chí không nên tính toán một chút nào ! ». Thái độ tiểu nhân của Bắc Kinh đã gây ra những phản ứng quốc tế bất lợi cho chính họ.

Đối với nhà nghiên cứu Bạc Trí Dược (Bo Zhiyue) của trường đại học quốc gia Singapore, Trung Quốc đã bỏ lỡ một cơ hội xúc tiến « quyền lực mềm » của mình tại Đông Nam Á.

Ông giải thích : « Đó là một cơ hội tuyệt vời để chơi cái trò mà người ta gọi là ngoại giao đô la : bạn cho thêm một ít tiền, và sau đó bạn sẽ thấy được những phản hồi tích cực. Ngược lại, nếu bạn chỉ hỗ trợ lấy lệ, cuối cùng bạn sẽ thất bại vì bị coi là vạn bất đắc dĩ mới giúp ».

 Thụy My RFI

[Lãnh Vực]

Tìm Kiếm