Bảy Viễn thủ lĩnh Bình Xuyên (48)

Khuyết danh


Sư Thúc Hòa Hảo

Thường vụ Nam bộ đang phân vân chưa biết giao công tác gì cho Mười Trí điều anh xuống miền Tây để cho xa Bảy Viễn, thì Chính ủy Khu 9 Bảy Trấn góp ý:

– Tại sao không giao cho Mười Trí công tác Hòa Hảo vận?

Mọi người đều ngạc nhiên, Bảy Trấn cười nói:

– Mười Trí đã có lần được giáo chủ Huỳnh Phú Sổ tặng danh hiệu Sư thúc Hòa Hảo. Mình nghĩ rằng với danh hiệu đó, Mười Trí sẽ làm tốt công tác vận động Hòa Hảo theo ta đánh Tây.

Trước vẻ ngạc nhiên của mọi người, Bảy Trấn giải thích:

– Chuyện này tôi nghe chị Mười Trí kể. Tôi phối kiểm với anh Nguyễn Văn Tây, Thanh tra chính trị miền Tây thì ăn khớp. Vậy là có thể tin được.

Vị giáo chủ họ Huỳnh đã có lúc chạy lên Bà Quẹo tá túc với Mười Trí. Hai ông này quen nhau khi Nhật quản thúc họ Huỳnh tại Sài Gòn vì Pháp định đưa họ Huỳnh qua Lào để ngừa hậu họa. Khi Tây đánh ra ngoại vi Sài Gòn, bộ đội Mười Trí rút về quân khu Ðông Thành. Một ngày kia, máy bay bắn vào khu vực đóng quân của Chi đội 4. Ðại đội tiếp tế của Giáo chủ chạy lung tung. Anh Mười mới nói: “Anh em cứ theo Thầy. Ðừng chạy bậy bạ. Mười Trí đưa họ Huỳnh tới một ngôi nhà khá rộng tạm ẩn náu. Máy bay bắn vài nơi nhưng không bắn vào ngôi nhà nói trên. Trong lúc phấn khởi, họ Huỳnh chỉ anh Mười nói với đám đệ tử do Năm Lửa chỉ huy: “Ðây là Sư thúc của bây đó. Khi nào thầy đi xa thì Sư thúc bây lên thay thầy”.

Từ đó Năm Lửa xem anh Mười như là Sư thúc của mình.

Mọi người bật cười khi nghe Bảy Trấn kể chuyện đời xưa. Một người nói: “Chuyện như đùa”.

Nhưng Bảy Trấn nghiêm giọng nói: “Không đùa đâu Ðức tin quan trọng lắm. Làm dân vận phải tôn trọng đức tin của người ta”.

Nghe Nguyễn Bình nhắc lại giai thoại “Sư thúc Hòa Hảo”, Mười Trí gật đầu:

Chuyện anh Bảy Trấn kể đó là chuyện có thật. Năm Lửa nghe tận tai và thấy tận mắt lời dạy của Thầy nên xem tôi, trọng tôi như Sư thúc.

– Vậy thì anh Mười nghĩ sao khi chúng tôi giao công tác Hòa Hảo vận cho anh?

Mười Trí thở ra:

– Làm sao tôi dám từ chối? Tôi đang ở trong thế kẹt, các anh đã tìm cho tôi một lối thoát êm thấm. Dù không… thích lắm, tôi cũng cảm ơn các anh.

Khi tiễn Mười Trí ra về, Nguyễn Bình nói:

– Anh Mười về, chọn một đại đội cùng đi với anh về miền Tây. Nam Bộ đã điện cho tỉnh Long Châu Hà giúp đỡ Trung đoàn 304 của Sư thúc Hòa Hảo xây dựng cơ ngơi. Chừng an cư lạc nghiệp mới bắt tay vô công tác.

Mười Trí bắt tay Ba Bình:

– Cám ơn anh Ba đã hết lòng giúp đỡ.

Ba Bình vỗ vai Mười Trí, nói nhỏ:

– Còn chuyện này nữa. Anh Mười cho chúng tôi mượn đại đội trưởng Ly một thời gian…

– Cho mượn thằng Ly? Ðể làm gì? Trong một thời gian là bao nhiêu lâu?

Ba Bình:

– Chuyện lớn mình giải quyết êm đẹp rồi, chẳng lẽ lại bất đồng về chuyện nhỏ? Vì sao chúng tôi mượn thằng Ly hả? Thằng nhỏ quen chiến trường trên này, nó đã có lần cứu tôi tại ấp 10 Vĩnh Lộc, lúc tụi com – măng – đô chỉ cách tôi có hai tầm ruộng. Không có loạt FM của thằng Ly bắn xuyên hông là bọn chó đó làm thịt tôi rồi. Anh Mười cho tôi mượn. Tôi sẽ chịu trách nhiệm về nó. Còn trong bao lâu thì khó nói trước được.

Có lẽ trong một hai mùa chiến dịch là tôi trả lại cho hai vợ chồng anh.

Mười Trí gật đầu lui ghe. Nhưng cái gật đầu chỉ có nghĩa xã giao, còn trong thâm tâm Mười Trí vẫn cứ thắc mắc về chuyện này.

Chị Mười không bình tĩnh như chồng. Khi nghe anh kể lại mọi chuyện, chị kêu lên:

– Thấy rõ quá mà! Người ta nghi anh sẽ theo Bảy Viễn nên tống anh đi cho xa. Long Châu Hà là xa nhất rồi. Miệt khỉ ho cò gáy đó về Sài Gòn đi xe đò cũng mất một ngày trời. Vậy mà chưa đủ, người ta còn mượn thằng Ly của mình. Họ bắt nó làm con tin đó ông. ông mà theo Bảy Viễn là họ cắt cổ mổ bụng thằng nhỏ, cục cưng của tôi.

– Tôi cũng biết như bà nghĩ. Nhưng làm gì có chuyện đó. Làm sao tôi lại bỏ kháng chiến về thành đầu Tây nhục nhã như Bảy Viễn?

Ðêm đó Mười Trí lại uống rượu rồi hí hoáy ghi chép gì đó trong sổ tay.

Trở Về

Tìm Kiếm