Bồ-Tát HUỲNH-PHÚ-SỔ và Phật-Giáo Thời-Đại (Chương Hai B)
Tư-tưởng Phật Học của Thiền-Sư Thích Thiện Chiếu
Từ năm 1932, khi mà chủ nghĩa Mác Xít cả nước chưa có được mấy ngư đến, khi mà Đạo Thiên Chúa cũng chưa mấy ai trong giới thanh niên trí thức quan tâm dòm ngó đến, khi mà Phật Giáo toàn quốc đang ngủ say, “tiếng thở như sấm”, nói theo chữ của Phan Chu Trinh, thì trong cuốn sách Phật Giáo Vấn đáp, Thiện Chiếu đã cho nổ những quả bom tư tưởng mới lạ và táo bạo:
“đau đớn thay, lạ lùng thay. Muốn bênh vực rằng Phật Giáo không phải là một đạo mê tín hoang đường thì sờ sờ ra đó biết bao nhiêu là chuyện huyền hoặc dị đoan. Muốn bào chữa cho Phật Giáo không phải là một đạo hữu thần, thì nhan nhãn ra đó cũng cầu xin, cũng chuộc tội, có khác nào những kẻ ỷ lại thần quyền. Muốn khoe Phật Giáo là một đạo cứu đời thì hàng Phật Tử nếu không phải chán đời mà lên non ẩn hạng ắt cũng ích kỷ chỉ lo quanh quẩn trong gia đình chớ không biết gì đến công ích của xã hội cả. Muốn nói Phật Giáo là là đạo thoát khổ, thì người theo đạo cũng buồn rầu khiếp sợ, cũng theo hoàn cảnh mà đổi dời, cũng cực khổ lầm than, chỉ cứ trông đợi kiếp sau chớ không biết ra tay mà cải tạo.
Như vậy bảo sao Phật Giáo không tiêu diệt theo các tôn giáo khác trước khi thế giới đại đồng cho được? Thế thì người có nhiệt tâm với Phật Giáo, hay nói cho đúng, là người có nhiệt tâm với nhân loại quần sanh, phải lo tìm phương bổ cứu duy trì, hay chỉ khoanh tay ngồi ngó và than vắn thở dài mà thôi?
Nếu thiệt có lòng bổ cứu duy trì Phật Giáo là một chiếc thuyền tế độ ở giữa biển khổ sông mê, không nỡ để cho tiêu diệt theo các tôn giáo khác, thì chẳng những giáo hội (hay hạng người xuất gia) phải nghiên cứu Phật Học, phát dương những ý hay nghĩa lạ ra cho thích hợp với nhu cầu của nhơn sanh, dẹp bỏ hết các việc mơ hồ trái lẽ, chớ quá chấp nê theo hủ tục, mà tín đồ (hay hạng người tại gia) cũng phải làm cho tròn cái bổn phận của một người tín ngưỡng Phật Giáo, một cách chơn chánh, cũng phải kiểu chánh lại những chỗ sai lầm của giáo hội (vì giáo hội hiện thời là một giáo hội hư hèn, không có trật tự) chớ nên vì ý riêng, vì tình cảm mà chia bè lập đảng, tin bướng theo càn. Được như vậy thì cái yến sáng Phật Giáo mới mong chói lọi ở đại đồng thế giới sau này” (Nguyễn Lang, Sđd, t 72).
Rõ ràng Ông là một người chủ trương cải cách, chấn hưng Phật Giáo hăng say, cuồng nhiệt nhất thời đó. Dám đụng độ vào giới tăng sĩ, chê các Thầy, các bạn đồng môn đồng lữ của mình là “hư hèn, không có trật tự”, Ông còn dám đập thẳng vào giới trí thức Phật Tử quy tụ khá đông đảo trong Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Trong sách nói trên, Ông chê trách “nghiên cứu” của Hội này không phải là thứ nghiên cứu đứng đắn:
“Nói rằng nghiên cứu là phải lấy phương pháp thiệt nghiêm của khoa học làm căn bản, lấy sự thiệt trên lịch sử làm chứng cớ, thì mới có thể phát huy nghĩa mầu trong sách Phật, và mới tránh khỏi những hoang đường vô lý do người sau thêm vào, chớ không phải cứ theo sách mà dịch càn rồi cũng xưng là nghiên cứu Phật học. Và phải làm thế nào cho tín đồ có sự hiểu biết thông thường về Phật Giáo thì người ta mới biết cái bổn phận của người tại gia, mới biết chỗ sai lầm của giáo hội” (NL, sđd, t 73).
Không những là một tăng sĩ trẻ cấp tiến, Ông còn là một thanh niên trí thức yêu nước mãnh liệt. Ngay từ những năm 1925, 1926 nhân có những buổi diễn thuyết của Nguyễn An Ninh, của Phan Chu Trinh, hay đi đám tang Pha Chu Trinh, theo Trần Văn Giàu, trong cuốn Sự Phát Triển Của Tư Tưởng ở Việt Nam Từ Thế Kỷ 19 Đến Cách Mạng Tháng Tám, quyển hai, thì những dịp này có “hàng chục cái đầu thanh niên cạo bóng” tham dự hay “hôm đi rước Bùi Quang Chiêu (lãnh tụ đảng Lập Hiến từ Pháp trở về) có hơn 20 ông sư trẻ. Bị chất vấn “ai xui thầy chùa đi biểu tình”, giáo thọ Thiện Chiếu thuộc chùa Linh Sơn đã viết bài trả lời trên báo rằng: “Thuyết Từ Bi cứu khổ của Phật Tổ xui Phật Tử tham gia những cuộc vận động yêu nước thương dân chớ không ai xui cả” (trang 230).
Từ rất sớm, khi trên dưới 25 tuổi, đại đức Thiện Chiếu đã dán hai câu đối ngang tàng, hào hùng ngay trên cửa chính của chùa Linh Sơn, nơi ông làm giáo thọ:
“Phật Pháp thị nhập thế phi nhi yếm thế
Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh”.
(Đạo Phật là nhập thế chớ không phải yếm thế
Từ bi có lúc phải sát sinh để cứu độ chúng sinh).
Thiện Chiếu không đơn độc. Những người có ý thức, tăng sĩ cũng như cư sĩ trong thời của ông, cũng đã mạnh dạn lên tiếng báo nguy về tình trạng suy đồi của Phật Giáo và vận động chấn hưng Phật Giáo. Cư sĩ Khánh Vân đã viết bài: “Phật Giáo ở nước ta vì đâu chịu cái hiện trạng suy đồi?” đăng trong tạp chí Duy Tâm số 18 khẳng định con người suy đồi nhưng Phật Pháp vẫn còn giá trị, Phật Giáo suy đồi vì tăng sĩ không hiểu đạo Phật và khinh thường giới luật:
“Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngãi, luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, đồng nhi, khi ông lên lúc bà xuống, ngáp vắn ngáp dài, thư phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thực ra là lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, mở rộng túi tham quơ vét cho sạch sành sanh. Than ôi, họ phải ma vương sao mà làm chuyện trò cười cho ngoại đạo? Vậy mà cũng lên mặt trụ trì. Hiện trạng như thế bảo sao chẳng suy đồi, làm tấm bia cho các nhà duy vật mỉa mai? “.
Trong báo Đuốc Tuệ số 178, Thanh Quang kể các khuyết điểm của tăng đồ về văn hóa, giáo dục, tổ chức, rồi kết luận: “Đau đớn thay, xứ ta những hạng người xuất gia vào chùa phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lãnh đám này mai lãnh đám khác, cũng tràng hạt, cũng cà sa, thử lật mặt trái của mà xem thì có khác nào người trần tục? ” (TVG, sđd, t 230-235).
Viên Âm, tạp chí của Hội An Nam Phật Học với những cư sĩ trí thức có Phật học và tân học vững chãi như bác sĩ Lê Đình Thám đã nêu lên ba mục tiêu của sự chấn hưng Phật Giáo: “Vì sự tấn hóa của trí thức người xứ ta về mặt luân lý, vì khoa học tuy đánh đổ sự mê tín nhưng tự mình không có năng lực tạo thành hạnh phúc cho nhân loại, vì phải có một đạo lý vững vàng để làm cho khoa học phục tỉnh, để đào tạo đức tính của loài người”.
Tóm lại Viên âm cho rằng sự tiến hóa trí thức, đạo đức của người Việt Nam ngày nay đòi hỏi phải chấn hưng Phật Giáo. Viên âm có tham vọng đem đạo Phật bổ túc cho khoa học để mang lại hạnh phúc cho con người. (NL, sđd, t 31-350.
Một cách tổng quát, phong trào chấn hưng Phật Giáo đầu thập niên 30 cho đến giữa thập niên 40 trên cả ba miền Nam, Trung, Bắc đều nhắm đến những mục đích sau:
– Thứ nhất là truyền bá đạo Phật, về căn bản đã thất truyền, bằng quốc ngữ và thật sự đã thành công hơn bao giờ hết trong việc mang đạo Phật đến quảng đại quần chúng. Vì ngay cả trong những thời hưng thịnh, đạo Phật chỉ được truyền bá, nghiên cứu bằng chữ Nho nên rất giới hạn. Thời đó, ngay từ năm 1935 trên các nhật báo đã có trang Phật Học, ngoài hơn 10 tạp chí Phật Học được phát hành trong nước. Và rất nhiều kinh sách bằng hán văn đã được dịch và phát hành, dù rằng việc Việt hóa nghi lễ, kinh sách Phật Giáo và giới thiệu một cách đầy đủ và giản dị Phật Pháp cho quảng đại quần chúng Phật Tử đến nay vẫn còn là một công việc trọng đại, to lớn cần nhiều nổ lực hơn nữa.
– Thứ hai là đặt trọng tâm vào việc đào tại tăng, ni có kiến thức Phật học song song với việc “chỉnh lý tăng già”. Việc này tại miền Trung đã thực hiện mạnh mẽ và khá thành công như thành lập Hội Đồng Luật Sư để trừng phạt các tăng sĩ phạm giới, phân biệt hẳn thầy cúng và tăng già, cấm hẳn thầy cúng mặc áo tràng, áo nhật bình, y nâu hay y vàng, thầy cúng chỉ được mặc áo màu xám và không được ở chùa. Ngoài ra cư sĩ, Phật tử được khuyến khích tham gia vào việc “chỉnh lý tăng già” bằng cách: – không nhận người phá giới là tăng sĩ – xé bỏ những điệp quy y thọ giới do các ông thầy tu nói trên ban cho – công bố sụ phạm giới có bằng cớ của tăng sĩ – không tham gia vào những công việc không phù hợp Phật pháp – tham gia vào việc hoằng dương chánh pháp và chỉnh đốn tăng già. (NL, sđd, t 93).
– Thứ ba là hiện đại hóa Phật Giáo, đem cho đạo Phật cổ truyền, một tinh thần và hình thức mới, hợp với thời đại, hợp với khoa học và nhập thế tích cực trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội. Công việc này phải nói là chưa đạt được những thành tựu đáng kể vào thời đó cũng như mãi cho đến ngày nay. vì bản chất người Việt Nam, Phật tử cũng như tín đồ các tôn giáo khác, rất bảo thủ. Cho đến nay chỉ có một ngoại lệ vượt bực và ngoạn mục trong chiều hướng này là sự xuất hiện của thiền sư Huỳnh Phú Sổ và sự ra đời của Phật Giáo Hòa Hảo năm 1939. Đây quả thật là một cuộc cách mạng trong lòng Phật Giáo Việt nam mà cho đến nay vẫn chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng mức.
– Thứ tư là tập hợp lực lượng Phật Giáo từng địa phương, từng miền thành một giáo hội Phật Giáo thống nhất trên toàn quốc. Đây là công việc gian nan, lâu dài, khởi đầu từ năm 1923 với Hội Lục Hòa của Tổ Khánh Hòa và thiền sư Thiện Chiếu, mãi đến gần 30 năm sau mới thành lập được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, năm 1951, nhưng các giáo hội và hội Phật Học vẫn giữ nguyên cơ chế riêng biệt cho đến năm 1964 mới thành tựu trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (xem thêm Nguyễn Lang, sđd, t 13-177).
Là một trong những người tiền phong và lãnh đạo của phong trào chấn hưng Phật Giáo, thiền sư Thiện Chiếu đã đóng góp hăng say, sôi nổi, bằng hành động cũng như bằng các tác phẩm Phật học. Ông là người đầu tiên từ miền Nam ra Trung, ra Bắc để vận động thống nhất Phật Giáo. Ông là người đã góp công lớn lao trong việc truyền bá đạo Phật đến giới thanh niên, trí thức. Và hơn thế nữa những tác phẩm của Ông đã gây chấn động và tranh luận suốt mấy năm trời, nhờ thế Phật Giáo càng được dư luận, giới trí thức và quảng đại quần chúng quan tâm, tìm hiểu. Ông cũng đã làm giáo thọ giảng dạy tăng, ni trong nhiều năm và giúp đắc lực cho Tổ Khánh Hòa thực hiện các Phật Học Đường đào tạo tăng tài. Ông cũng đã có những hành động mạnh mẽ trong việc chỉnh lý tăng già, phê phán triệt để “sự hư hèn” của giáo hội, của giới tăng sĩ.
Ông là người đầu tiên đã đặt vấn đề hiện đại hóa Phật Giáo một cách triệt để, toàn diện và cấp tiến nhất. Đồng thời Ông cũng là người đưa đạo Phật vào đời để cứu nước và phụng sự xã hội một cách mạnh mẽ nhất, không từ nan bất cứ việc gì, từ việc mở cô nhi viện đến việc đi biểu tình và tham gia kháng chiến chống thực dân. Nhưng hơn tất cả các điều này là Ông đã vượt qua tất cả. Ông viết và hành động không phải như một tăng sĩ, cũng không phải như một cư sĩ Phật tử, mà ông viết và hành động như một nhà trí thức, một con người tự do, một nhà cách mạng và một kẻ phản kháng, một kẻ nổi loạn. Và cuối cùng Ông đã đập thẳng vào Phật pháp, nền tảng và yếu tính của Phật Giáo, một tôn giáo khai phóng, bao dung, phá chấp và tự do nhất trên trái đất. Để rồi bị rơi ngã vào một ý thức hệ non nớt, lệnh lạc: ý thức hệ Mác Lê.
40 năm đầu tiên của đời ông, ông đã bay thênh thang, hùng tráng, như rồng, như sư tử trong một không gian mênh mong vô tận, đó là đạo Phật. Và 34 năm cuối cùng của đời ông, ông đã sống và chết uất trong một không gian tù túng, đó là chủ nghĩa duy vật Cộng Sản.
Bây giờ ta hãy đọc thật kỷ để nghe, để nhìn lại những tiếng gầm dữ dội của một con sư tử và những đường bay ngang tàng của một chim phượng hoàng, trong cuối thập niên 20 đến cuối thập niên 30.
Tác phẩm Phật Học Tổng Yếu của Thiện Chiếu, xuất bản năm 1929 đã nổi lên một cuộc tranh luận chưa từng có, kèo dài suốt 3, 4 năm trời từ năm 1929 đến năm 1932 trên các báo Trung Lập, Đông Pháp Thời Báo, Đuốc Nhà Nam, Thần Chung và các tạp chí Phật Học.
Đây chỉ là một cuốn sách nhỏ nhưng tiếng vang rất lớn, thu hút giới Phật tử và trí thức đương thời. Thiện Chiếu mở đầu tác phẩm của mình như sau: “Phật Học Tổng Yếu là một bức huyết lệ thư, một quyển sách cốt để giới thiệu với các nhà trí thức trong nước, muốn cho nhà trí thức nghiên cứu Phật Học đặng làm kế tạo nhân cho Phật học giới. Phật Học Tổng Yếu là cuốn sách bày tỏ dị điểm của Phật Giáo với các tôn giáo khác”. Qua tác phẩm này cũng như nhiều tác phẩm khác, ông, lần đầu tiên tại Việt Nam, gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi về những vấn đề muôn thủa của con người và cũng là những vấn đề muôn đời của triết học và các tôn giáo, đó là các vấn đề về thượng đế, về linh hồn, về thiên đàng, địa ngục. Và ông đã đặt những nan đề triết học và thần học này ở mức độ lý luận rất cao.
a/ Bác bỏ thượng đế: Hơn cả triết gia Nietzsche tuyên bố thượng đế đã chết, Thiện Chiếu quả quyết thượng đế chỉ là sự bịa đặt của tà đạo. Ông cho rằng Phật Giáo là “vô thần giáo”. Theo Thái Hư đại sư, Ông khẳng định Đức Phật không bao giờ nói có thượng đế sáng tạo vũ trụ. Ông đồng ý quan niệm Phật Giáo cho rằng vũ trụ vô thủy vô chung, và do vô số nhân duyên tạo thành. Ông cho rằng lúc nhân loại dã man thì cần tôn giáo (theo nghĩa tôn giáo hữu thần – thờ một vị thượng đế) khi nhân loại được khai hóa thì tôn giáo chẳng những trở ngại cho sự tiến hóa mà còn làm thiệt hại cho nhân loại nhiều bề như chiến tranh tôn giáo, cường quyền lợi dụng tôn giáo… nên ông cho rằng: “nếu ngày nay mà tôn giáo có hại thì tự nhân loại dẹp nó đi cũng phải. Tôi nói như thế, có người cho tôi là duy vật, matérialiste. Không, tôi không phải là duy vật, tôi chỉ là người Phật học mà thôi”. Ông cho Phật giáo là một tôn giáo, nhưng khác với tất cả tôn giáo khác, đó là tôn giáo không có thượng đế hay một tôn giáo vô thần. Quan niệm này cũng giống như nhà khoa học Laplace khi trình bày quan niệm của Ông về vũ trụ, vua Napoléon hỏi tại sao không nói đến trời, Ông trả lời: “Tâu Hoàng Thượng, tôi không cần giả thuyết ấy”. hay Ranakrishnan, tác giả sách Triết Học Ấn Độ xác quyết: “Đức Phật không xây dựng đạo lý trên một nền cát lún của siêu hình học và thần học, Ngài muốn xây dựng đạo lý trên nền tàng đá núi của sự vật. Đức Phật là một đạo sư hơn là một vị thần thánh”. (TVG, sđd, t 241).
Thiện Chiếu đã phê bình quan niệm thượng đế hiện hữu, toàn năng và sáng tạo vũ trụ. Trong sách Vô Thần Luận, Ông cho rằng thượng đế chỉ là chuyện “lông rùa sừng thỏ”giả dối, không có thực. Ông viết: “Thượng đế là ai? Cái giả danh ấy chẳng qua là bọn đồng bóng, bọn giáo sĩ đặt ra để họ lợi dụng, sự chưởng quản thưởng phạt cũng chỉ lạ họ chớ không có thượng đế nào cả”. Ông cho chủ nghĩa vô thần của Phật Giáo là thứ chủ nghĩa vô thần hoàn mỹ nhất xưa nay. Ông viết: “Không phải tôn giáo đều là hữu thần. Tôn giáo có đa thần, nhất thần, vô thần. Nhưng vô thần thì mới phải cái nghĩa cứu cách của đạo Phật. Cho nên Phật giáo tôi gọi là một tôn giáo vô thần, khác hẳn với các thứ tôn giáo hữu thần khác” (Thật ra, Phật giáo là một tôn giáo siêu thần, các thần tràn ngập trong các kinh Phật nhưng Chư Phật và Bồ Tát siêu việt qua thần linh).
Phê bình thuyết thượng đế tạo vật, trong cuốn Tại sao tôi cám ơn đạo Phật, xuất bản năm 1936, ông đã so sánh thượng đế và ma quỷ là lý luận ngộ nghĩnh nhưng chí lý như sau: “Nếu có thượng đế sáng tạo tất cả thì đối với ma quỷ thế nào? Thượng đế có tạo ra ma quỷ không? Nếu không phải thượng đế tạo ra ma quỷ thì cái năng lực thượng đế cũng hữu hạn thôi, vậy thì thượng đế khác gì mấy anh thợ ở thế gian này, có cái làm được, có cái làm không được. Ma quỷ đã không do thượng đế tạo ra, tất phải có kẻ tạo ra nó, rất đổi nó còn có gan có sức chống lại với thượng đế, cám dỗ người ta đừng theo thượng đế, vậy thì cái năng lực của kẻ tạo ra ma quỷ tất phải to lớn lắm. Biết đâu loài người và cả thượng đế nữa không phải do “kẻ” ấy tạo ra? Còn nếu nói ma quỷ tự nhiên có, không phải ai tạo, vậy tại sao vạn vật không được tự nhiên có mà phải nhờ thượng đế tạo ra? Và nếu nói ma quỷ cũng do thượng đến tạo ra thì sao ngài không bỏ ma quỷ vào địa ngục mà chỉ dành địa ngục làm chỗ phạt những người theo ma quỷ, vậy thì còn gì công bằng ở đâu nữa? Hay là cái quyền lực của thượng đế vốn có sức phạt ma quỷ vào địa ngục nhưng cố lưu chúng lại ở thế gian này quấy chúng ta chơi? Thà là đừng có loài người, thà là đừng ai tạo ra chúng ta, tạo ra ta để ta phải chịu đắng cay đau đớn thế này, thì kẻ tạo ra đó là ân nhân hay chúng là kẻ thù số một? Huống chi ông trời Thiên Chúa ghét ông trời Tin Lành, ông trời Hồi giáo giết nhau với ông trời Bà La Môn giáo… càng làm cho ta thêm đủ bằng cớ không tin có thượng đế chút nào hết”.
Quan niệm này được Nguyễn An Ninh trong Phê Bình Phật Giáo tán thành, cũng như được các học giả PG đương thời như Bác sĩ Lê Đình Thám hay thiền sư Đôn Hậu, thiền sư Khánh Hòa cũng công kích, bác bỏ thuyết thượng đế tạo vật. Và hầu hết các tạp chí Phật Học đương thời như Viên Âm, Duy Tâm, Đuốc Tuệ cũng đồng ý với Thiện Chiếu và đăng nhiều bài phê bình phá hủy thượng đế và thuyết thượng toàn năng, sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa Giáo cũng như của tôn giáo độc thần, nhất thần khác. Họ cùng chủ trương vũ trụ hình thành do vô số nhân duyên vô thủy vô chung và thượng đế chỉ là sự tưởng tượng. Một cách ngắn gọn, báo Đuốc Tuệ tóm lược vũ trụ quan Phật giáo: “Vũ trụ và muôn vật đều bởi nhân duyên mà thành lập, chớ không phải do một thiên thần sáng tạo, duy có cái nhân tốt thì thành những vật tốt, nhân không tốt thành những vật xấu”.
b/ Bác bỏ thuyết linh hồn bất tử: Trong sách Phật Học Vấn Đáp, Ông chủ trương không có linh hồn bất tử. Nhưng trong sách Chân Lý Tiểu Thừa và Chân Lý Đại Thừa, ông cũng bác bỏ quan niệm cho chết rồi là hết. Nghĩa là không có linh hồn bất tử nhưng có luân hồi. Đây là điểm khó hiểu nhất, không những đối với Phật Tử mà còn đối với các nhà nghiên cứu Phật Học. Ta hãy xem Thiện Chiếu giải quyết sự oái ăm, có vẻ nghịch lý này ra sao. Ông cho rằng cái gì cũng bị hủy hoại nếu có linh hồn bất tử, bất diệt, hằng sống đời đời thì cũng như nói: “tôi là người, nhưng hết thảy người ta đều phải chết, duy một mình tôi được sống mãi mà thôi. Thật hết hết sức mâu thuẩn”.
Ông nói ai chủ trương có linh hồn bất cứ thì phải đem đủ bằng chứng ra, không được nói mập mờ, nói không bằng chứng chỉ là sự bịa đặt, gạt gẫm người ta mà thôi. “Nếu nói trí khôn, có hiểu biết, phân biệt là linh hồn cớ sao khi mới sinh ra thì ngây ngây ngốc ngốc, đối với bao nhiều sự vật xung quanh mình đều không biết, không phân biệt gì hết, mà phải chờ nghe, thấy mà học tập lần lần? Cái trí khôn ấy cũng biến đổi luôn, nay hiểu thế này, mai hiểu thế kia, hồi nhỏ khác, lớn lên khác, trí khôn thủa bé không giống lúc già. Cái bằng chứng rằng linh hồn cũng phải biết đổi như vật chất đã rõ ràng như vậy mà con tin cái linh hồn không chết, chông chịu vất cái ấy đi, ấy là họ không chịu dùng đến lý trí”. Tạp chí Phật Học Viên âm của Bác sĩ Lê Đình Thám cũng khẳng định: “Linh hồn là một danh hiệu không có trong kinh điển Phật giáo”. Thiện Chiếu phê bình quan niệm linh hồn bất tử là “thường kiến”, và quan niệm cho chết rồi là hết là “đoản kiến”. Ông viết: “Tuy không có một nhân vật hằng sống đời đời, cũng không cho chết rồi là hết. Phật giáo ở giữa hai cái thiên kiến trường và đoản ấy”.
Thiền sư Khánh Hòa, thiền sư Bích Liên bác bỏ linh hồn và đưa ra quan niệm A Lại Da Thức: “Trong kinh luận gọi là nghiệp thức, thế gian gọi là linh hồn, thì nghiệp thức hay linh hồn cũng tức là một”. Thiện Chiếu không đồng ý quan niệm cho thức là hồn, theo Ông thức là thực, là có mà hồn là giả, hoàn toàn không có. ông ví cái thức như ngọn đèn, còn cái thân do “tứ đại giả hợp”giống như bình, cái tiêm, dầu hỏa, có những thứ đó thì đèn mới đỏ. Dầu hỏa cạn, tiêm lụn, bình vỡ, thì làm gì còn ngọn đèn cháy nữa. Quan niệm “ở giữa”của Phật Giáo, không có linh hồn bất tử nhưng cũng không phải chết rồi là hết được Thiện Chiếu trình bày như sau:
“Cái thức không phải từ trong thân kiếp trước chui vào cái thân kiếp này, bỏ cái thân kiếp này chui cái thân kiếp sau. Nó sinh ở kiếp nào thì mất ở kiếp đó. Cũng như bóng trăng: khi múc nước đổ vào thùng thì thấy bóng trăng trong thùng, đem nước thùng đổ vào lu thí bóng trăng trong lu, đem nước lu đổ vào chậu thì thấy bóng trăng trong chậu. Nó hiện ra ở đâu thì diệt ở đó, không phải cái bóng trăng ấy từ thùng này nhảy qua lu kia, từ lu kia nhảy qua chậu nọ. Ba cái bóng trăng đó tuy không phải là một, cũng không phải là khác. Cái thức trong ba kiếp ấy cũng vậy, không phải là một mà không phải là khác.” (TVG, sđd, t 246-264).
Ai cũng biết Phật giáo chủ trương có luân hồi là vì nghiệp lực, nghiệp lực tạo ra tái sinh như một bó lửa này được mồi qua một ngọn đuốc kia, hay như trá billard này bị đẩy tới va chạm và đưa trái billard kia đi tới. Thiện Chiếu không tin có linh hồn bất tử nhảy từ thân xác này qua thân xác khác, cũng không tin có a lại da thức chuyển từ kiếp sống này qua kiếp sống khác. Ông, như quan niệm Phật Giáo kinh điển, cho rằng nghiệp của các đời sống trong quá khứ tạo ra sự tái sanh trong hiện tại và nghiệp của cuộc sống hiện tại sẽ quyết định cảnh giới tái sanh của kiếp sau và các kiếp sống này không phải là một và cũng không phải là khác. Mỗi kiếp sống có sự độc lập, riêng biệt của nó nhưng đồng thời cùng bị chi phối bởi một nghiệp lực duy nhất.
c/ Bác bỏ quan niệm thiên đàng, niết bàn: Thiện Chiếu cho rằng niết bàn, Tây Phương cực lạc đều không phải là cảnh có thực, đó chỉ là sự an lạc trong tâm của chúng ta và địa ngục chỉ là cảnh giới đau khổ của tâm thức. Tâm là Phật. Phật là Tâm, mà Tâm cũng là ma quỷ, địa ngục. Cho nên Ông không tin việc niệm Phật, cầu Phật hay làm lành lánh dữ mà được Phật rước về nước Tịnh độ, Tây Phương cực lạc hay được Phật ban cho điều này điều kia. Ông viết: “Cái thuyết thưởng phạt của tôn giáo cho rằng ai làm lành thì sau khi chết được lên thiên đàng, còn làm dữ thì chết rồi phải sa địa ngục. Thiên đàng và địa ngục thật ra chỉ là cái tên của cánh vui và cảnh khổ. Nếu đời hiện tại mà không bằng cớ gì làm cho ta biết được, phải đợi đến khi chết, thì chẳng mơ hồ hay sao? Phật giáo thì nói rằng: lòng mê muội thì khổ, ấy kêu là chúng sinh, lòng sáng suốt thì vui, ấy kêu là Phật. Há đợi thiên đàng mới vui, địa ngục mới khổ hay sao? “. Tạp chí Viên Âm cũng đồng ý niết bàn, địa ngục đều là những cảnh giới do nghiệp lực biểu hiện, nghiệp lành sinh ra cảnh giới hoan hỉ, an lạc, nghiệp dữ thì hiện ra cảnh giới đau khổ. “Niết bàn tóm lại không ngoài ba nghĩa: nghĩa bất sinh, nghĩa giải thoát, nghĩa tịch diệt. Bất sinh nghĩa là không sinh những điều mê lầm nữa. Giải thoát nghĩa là không ràng buộc nữa. Tịch diệt nghĩa là dứt sạch tất cả các nguồn mê lầm”. Như thế rõ ràng niết bàn không phải là một cảnh giới nào ngoài thế gian này, ngoài cái tâm của ta.
d/ Thuyết vô ngã: Vấn đề hữu ngã hay vô ngã được Thiện Chiếu trình bày khá giản dị như sau: “Theo kẻ phàm tục và ngoại đạo đều tưởng trong thân mình riêng có một vật linh thiêng không chết, chủ tể và chỉ huy cho thân xác, họ kêu là linh hồn. Ấy là thuyết hữu ngã. Trái lại Phật giáo bảo rằng chẳng những loài người mà cho đến hết thảy vạn vật đều do nhân duyên giả hợp mà có, không thể “có một” mà sinh thành được, cũng không hằng còn mãi mãi nếu nhân duyên tan rã. ấy là thuyết vô ngã. Muốn hiểu thuyết vô ngã thì phãi rõ thuyết nhân duyên, mọi vật phải có nhân và có duyên với thành vật, ví như thực vật thì hạt giống là nhân, còn đất, nước, khí trời, ánh sáng là duyên. Có cả hai thứ nhân và duyên thì mới nứt mộng, mọc lá, mọc rễ, thành cộng, đơm bông, ra trái. ấy là nhân duyên giả hợp. Trí thức của người cũng thế, đều do sáu căn và sáu trần, sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; sáu trần là hình, sắc, tiếng, hương, mùi, vật. ấy là nhân duyên giả hợp”.
Không những trình bày khá trung thực và bảo vệ một cách nhiệt tình những nhận thức đứng đắn của đạo Phật, Thiện Chiếu còn đi xa hơn hầu hết tăng, ni, Phật tử thời đó cũng như thời nay để phê bình mạnh bạo vào chính một số quan điểm trong đạo Phật mà ông thấy không đồng ý, nhất là khi ông đối chiếu những quan điểm này với xã hội đương thời. Sự độc lập, và độc đáo, về tư tưởng của Ông rất hiếm có.
Ông tuyên bố với những người đang bút chiến với Ông, như ông Liên Tôn, chủ bút Từ Bi âm: “Nếu Ông nói có lý, thì Ông nói tôi cũng tin, còn nói vô lý thì dầu Phật Thích Ca còn sống đi nữa, nói tôi cũng không tin”.
Thật rất đúng tinh thần tôn trọng trí tuệ và khai phóng, phá chấp của đạo Phật. Ông đúng là một nhà khoa học nghiên cứu Phật học hơn là một tăng sĩ, tín đồ Phật giáo. Nhà Phật học và cũng là nhà cách mạng Phan Văn Hùm, trong bài Dịch Sách Phật, đăng trên báo Công Luận năm 1931, đã hết sức khen ngợi tinh thần hoài nghi và cả tinh thần phá hoại cần thiết cho sự nghiên cứu đạo Phật nhằm “trùng hưng Phật Pháp, tu lý đạo Phật” cho nên ở ngay “trong cửa Thiền, Thiện Chiếu thoát được bọn ma vương”. (TVG, sđd, t 266-267).
Tuy nhiên sau khi Thiện Chiếu thoát luôn cả cửa Thiền, đi làm cách mạng thì nhà nghiêncứu và nhà ái quốc Huỳnh Thúc Kháng, chủ bút báo Tiếng Dân cũng như nhiều người khác rất ngạc nhiên vì thầy Thiện Chiếu “20 năm ăn nằm trong Phật Giáo”, đã nhiệt liệt bênh vực Phật Giáo, hăng hái cỗ võ đổi mới Phật Giáo, thế mà nay lại “cám ơn” đạo Phật và công kích một số tư tưởng rất căn bản của Phật Giáo.
Trong quyển “Tại sao tôi cám ơn đạo Phật? ” Thiện Chiếu đã tâm sự chân thành sự chuyển hướng tư tưởng của mình, ông viết: “đánh đâu thua đó mà không chịu đổi chiến lược thì ta biết là nhà cầm binh thất sách, cũng trái hẳn cái mục đích hoặc chiếm cứ lãnh thổ kẻ khác, hoặc giữ gìn đất nước của mình. Thay đổi phương châm, thay đổi cách hành động, hoặc thay đổi luôn học thuyết, cũng như bỏ hẳn đạo Phật, theo cái chủ thuyết khác mặc dầu, miễn đạt được cái mục đích “chúng sinh hết khổ”, ấy mới phải là người học Phật, nghĩa là không trái với tôn chỉ của Thích Ca Mâu Ni”. ( TVG, sđ, t 287).
Thật là táo bạo. Nhưng cũng thật là đúng tinh thần Phật Giáo, bỏ luôn cả đạo Phật, bỏ luôn cả Đức Phật, miễn làm sao thực hiện được lý tưởng làm cho mọi người hết khổ là được. Phật giáo nên tự hào vì đã có những Phật tử như Thiện Chiếu: tự do không giới hạn trong suy nghĩ, phê bình, sáng tạo, tự do thênh thang vô tận trong hành động, tự do tuyệt đối trong cuộc đời. Những người theo chủ thuyết Mác Lê hiện nay tại Việt Nam nên học tập, bắt chước tinh thần khai phóng, phá chấp và tự do này của sư Thiện Chiếu: miễn làm sao dân chúng được no ấm, hạnh phúc, đất nước giàu mạnh, hưng thịnh là được, chủ nghĩa nào trái với lý tưởng này thì nên thẳng tay bỏ ngay, phương cách nào giúp cho lý tưởng này mau thành tựu thì nên mạnh dạn áp dụng liền, chớt dứt khoát không nô lệ cho giáo điều, chủ nghĩa và ý thức hệ.
Nguyên nhân nào Thiện Chiếu “cám ơn” đạo phật?. Ông trần tình chí thành như sau: “trong mấy năm trường, dẫu gặp phải cái trở lực về chính trị, về kinh tế, vì sự vu cáo, sự phá hoại của bọn Phật giáo cải lương hay của phái nghịch đi nữa, cũng không đến nổi ngã lòng. Huống chi, về mặt lý thuyết, đã thấy có phần thắng lợi, cũng có một số người giác ngộ theo ủng hộ và tán thành, không nổi quạnh hiu cho lắm. đất có người cho, tiền có người quyên để giảng đường, làm nơi căn cứ cho khỏi bị xua lên đuổi xuống vì ở đậu bạc mấy chỗ “quyền sở hữu” của những kẻ ý kiến bất đồng. Nhưng xin đa tạ. Bây giờ đối với chương trình quyết định trước kia, đã lãnh đạm đi rồi. Kinh làm biếng xem, đầu hết muốn cạo. Bởi thấy kinh tế càng bị khủng hoảng nặng nề, người ta càng lầm than, càng đói khổ, do nguyên nhân gì gây ra? lấy phương pháp nào cứu chữa? Chớ Phật giáo đã không phải là phương thuốc cứu chữa duy nhất nữa rồi. Phải, muốn cho hết thảy chúng sinh được hết vọng tâm, được sáng suốt, được niết bàn và thành Phật như Phật Thích Ca sau khi bỏ cảnh tu nhịn đó, đã vô ích mà có hại nữa kia. Huống chi cái thuyết vô ngã của nhà Phật có hay cho mấy đi nữa, không thể nói suông mà phá được thần quyền mê tín là bức tường bảo hộ của cái chế độ (Thực Dân) hiện tại này. đứng đó không vững, đi tới chưa biết đi đường nào…” (TVG t 287).
Phần kết cuốn Tại Sao Tôi Cám ơn đạo Phật?, Thiện Chiếu diễn tả tâm trạng của Ông: “Bao nhiêu giáo nghĩa của Phật từ căn bản đến luận lý đều rung rinh hết, khác nào như một nhà lầu ở đông Kinh hồi địa chấn, người trong đó giựt mình, hoảng hốt, lật đật trỗi dậy, dầu có hết sức lưu luyến cái chỗ nương tựa lâu nay đi nữa, cũng phảo lo tìm đường thoát thân. đi đâu? Chắc thế nào cũng phải đi về con đường nào đó thuận tiện cho mình, và nhất là phải bị lôi cuốn vào đám đông hết sức đông đảo đương rầm rộ, nhịp nhàng, có kỷ luật và trật tự”. (TVG, t 288-289).
Thời đó phong trào cách mạng cứu quốc đang dấy động lên khắp nơi, đặc biệt là các phong trào tranh đấu chống Pháp, có chủ thuyết, có lý luận, có tổ chức, có kỹ luật, và “có đám đông hết sức đông đảo đương đi rầm rộ, nhịp nhàng” trong những cuộc khởi nghĩa, biểu tình, do Đảng Cộng Sản Đông Dương bí mật lãnh đạo. Khác với Lý Đông A, dấn thân hoạt động cách mạng nhưng vẫn quyết giữ đạo Phật và lý tưởng giải thoát, giác ngộ: “ngày nào làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy, vào đến non sâu nhập niết bàn”, hay Huỳnh Phú Sổ “Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha, đền xong nợ nước thù nhà, Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô” và vô số tăng, ni, Phật tử yêu nước khác đã tham gia các hoạt động đấu tranh, kháng chiến chống giặc Pháp mà vẫn giữ tư cách tín đồ Phật giáo của mình.
1/ Mâu thuẩn của Niết Bàn: Ông cho “hết thảy chúng sinh trên thế gian này… cho đến cáo bọn có tiếng là Phật học cao thâm đi nữa, tôi dám chắc không một ai là được thành Phật, không một ai là được Niết Bàn”, vì không có ai có thể “dứt hết các vọng tâm”. đi xa hơn, Ông trình bày những lo âu, đau khổ của con người trong xã hội và nói: “ở cái chế độ tư hữu mà nói “Niết bàn” được, thật là láo dóc. Còn đến khi xã hội cải tạo rồi thì cần gì có Niết bàn nữa” (TVG, t 290). Thật đã quá rõ, Ông, một người tha thiết với lý tưởng cứu khổ, cứu dân tộc, cứu chúng sinh, đã mê hoặc bởi chủ thuyết xã hội, hay đúng hơn, chủ nghĩa Mác Xít và dùng lý luận của chủ thuyết này để đả kích lại Phật Giáo. Thời đó,Thiền Tông hầu như tuyệt tích nên Thiện Chiếu không biết cách nào để “an tâm” và không tin có người đã “dứt hết các vọng tâm”. Thực chất chế độ xã hội chủ nghĩa hay chế độ tư bản chỉ đóng khung hạn hẹp trong việc giải quyết các vấn đề sở hữu các phương tiện sản xuất, tương quan sản xuất, sự phân phối sản phẩm, tài nguyên, nhân lực hay các mô thức tổ chức chính trị, xã hội. Vấn đề đau khổ của con người liên quan không những đến xã hội, đời sống chính trị, kinh tế của con người mà chính yếu liên quan đến dục vọng, tham lam và cách nhận thức sai lầm, lệch lạc của con người. Những phê bình trên đây của Thiện Chiếu cũng giống như giơ gậy mà đòi đập trời. Cái gậy ý thức hệ Mác Xít chưa vươn tới bầu trời tâm linh thì làm sao có thể giải quyết vấn để giải phóng con người, ở mức độ sâu thẳm và cao siêu nhất mà đức Phật đã chứng nghiệm và giảng dạy tư 25 thế kỷ trước?
2/ Mâu thuẩn nhân quả: Đây là nền tảng của Phật giáo thì Thiện Chiếu phê bình nhân quả Phật giáo “tuy có cao hơn cái thuyết hữu ngã luân hồi của Bà La Môn giáo mặc dầu, nhưng cũng trái hẳn với luật nhân quả của khoa học” và cũng không tránh khỏi thần bí vì phải chờ ở luân hồi kiếp sau. ông cho thuyết nhân quả có vẻ công bằng hơn thuyết thưởng phạt (thiên đàng, địa của Thiên Chúa giáo) nhưng bản thân nó mâu thuẩn lắm.
Ông đưa ra một ví dụ sống động: “thuyết nhân quả nói kiếp trước không bố thí nên kiếp này phải chịu cảnh bần cùng, còn người giàu bây giờ là nhờ kiếp trước có bố thí rộng rãi. Nếu như vậy, bây giờ đã chịu thân bần cùng, bữa đói bữa no, lấy cái gì mà bố thí? Làm sao mà rộng rãi được? Có khi bị hoàn cảnh, bị cái đói lạnh xúi dục, họ sinh ra trộm cắp nữa. Theo thuyết nhân quả, chẳng những kiếp sau phải chịu bần cùng hơn nữa, còn phải sinh vào cảnh khổ (địa ngục) hoặc làm súc vật để đền tội trước kia: một ngày một xuống, không trồi đầu lên được, ấy không phải vĩnh kiếp ở địa ngục là gì? Trái lại, giàu có mới có tiền của bố thí, bố thí có mua vui họ còn bố thí hơn nữa. ở cái địa vị cao sang dư dã thì dại gì ăn cướp ban đêm? Càng ngày càng lên, ấy không phải vĩnh kiếp ở thiên đàng là gì? Thế thì cái thuyết nhân quả nó rộng rãi với hạng người giàu có, mại gắt gao với hạng người nghèo khổ thái quá”.
Đúng là lý luận Thích Thiện Chiếu, có vẻ chí lý nhưng muốn đánh đổ thì không khó gì. Thiện Chiếu cũng chứng minh thuyết nhân quả cũng sai lầm trong việc thông thái, ngu si: “con cái bọn mọi trong rừng rú, ai dám bảo nó lớn lên sẽ được văn minh, thông thái? Con của các nhà tư bản Ấu Mỹ ai dám bảo chúng nó lớn lên sẽ ngu muội dã man? Nhưng đổi lại, khi mới đẻ ra, con của nhà tư bản đem cho mọi và con của mọi đem cho nhà tư bản họ nuôi thử coi, thì sẽ thấy một bên vì hoàn cảnh, vì sự giáo dục, vì điều kiện vật chất được hoàn toàn đầy đủ, ai còn dám bảo đứa con mọi ấy (do nhà tư bản nuôi) là dã man nữa. Trái lại, một bên vì sự sinh hoạt đơn sơ, không có giáo dục, thiếu hẳn điều kiện vật chất, cái hoàn cảnh ấy có thể nào tạo được đứa con tư bản kia (do mọi nuôi) trở nên một kẻ văn minh?” (TVG, t 289-301).
Trường hợp ví dụ này quá sức đúng, nhưng việc một đứa con đẻ trong rừng mà được nhà tư bản nuôi thì cái đó 100% là do nhân duyên, nghiệp lực mà thành cũng như đứa trẻ sinh ở cao sang mà lại bị lạc vào rừng rú thì không phải là “số mạng”, định mệnh”, “thượng đế an bài”, hay “ngẫu nhiên”, “tình cờ”, mà chính là do thuyết nhân quả chi phối, quyết định vậy. Cũng như việc một người sinh ở nơi văn minh, giàu sang hay sinh trong hoàn cảnh tối tăm, nghèo khổ là do nghiệp lực và nhân duyên nhiều đời trước quyết định. Cũng như người được trúng số hay gặp thời trở nên giàu có, nguyên nhân nằm trong sự thiện nghiệp, thiện duyên mà họ đã tạo ra từ các kiếp trước.
Còn việc bố thí, Phật giáo liệt kê Pháp thí (ban tặng Phật pháp) là đứng đầu, thứ đến là Vô úy thí (ban tặng sự không sợ hãi), chót hết mới là Tài thí (ban tặng tiền bạc, của cải). Cũng theo đó, phước đức tăng trưởng nhiều hay ít và đời sau được sinh làm người giàu sang hay nghèo hèn. Trong việc Pháp thí và Vô úy thí, bao gồm việc nói, khuyên người khác bỏ ác, làm lành, ăn ở hiền đức, sinh sống thật thà, lương thiệ, an ủi, khích lệ nâng đỡ người khác khi họ bị đau khổ, thất vọng, hay cứu mạng người hay mạng sống của các loài chúng sanh khác v.v… thì ai có từ tâm cũng đều làm được, chớ không phải chỉ người giàu có mới làm được.
Hơn nữa việc bố thí chỉ có một phần công đức phụ thuộc mà thôi. Cái nguyên nhân chính yếu, tạo ra thiện nghiệp hay ác nghiệp, đưa đến cảnh con người bị nghèo hèn hay được sang quý cũng như sanh ở sáu cõi là họ giữ ngũ giới và thực hành thập thiện hay không? Không phải có tiền bố thí, hay ngay cả xây chùa, đúc tượng mà có phước và được tái sinh làm người giàu sang hơn.
Lương Võ Đế đã xây hàng trăm ngôi chùa, đúc hàng ngàn tượng Phật, thế mà khi Vua hỏi: “Trẫm có công đức gì không? thì Bồ đề đạt Ma đã trả lời dứt khoát: “Không có công đức gì cả”. Trong khi đó một người cứu một người khác sắp chết đói, chết rét hay ngay cả cứu một con kiến đang sắp chết đuối cũng có thể có công đức rất lớn. Lấy vấn đề tiền bạc để làm tiêu chuẩn duy nhất cho việc phê phán quan điểm nhân duyên tội phước của đạo Phật thì nó quá hạn hẹp, phiến diện và không chính xác.
Đi xa hơn, quyết liệt hơn, Thiện Chiếu lý luận: “cho đến tuần lễ 40 giờ và bọn Chà Và chợ phải nhượng bộ, ấy là bởi nhân quả, phải chờ kiếp sau, hay là bởi đấu tranh hện tại của nhân dân mà được những thắng lợi ấy” (TVG, sđđ, t 300-3001.
Việc này thì hoàn toàn đúng và chính đức Phật cũng đã giảng dạy nổ lức phấn đấu để chuyển hóa nghịch cảnh và xây dựng một xã hội hiền lương, nhân đạo và công bằng, chớ đức Phật không dạy cầu nguyện lễ bái hay thụ động, khiếp nhược chấp nhận bất công, áp bức.
Thời đó, một chủ thuyệt xã hội Phật giáo chưa có, cũng như chưa có một quan niệm hành động xã hội chính trị của người Phật Tử nên nói đến công xã hội, Thiện Chiếu không khỏi rơi ngay vào lý thuyết đấu tranh giai cấp và cuối cùng còn cực đoạn cho rằng dù là Phật Giáo được chấn hưng, cũng hoàn toàn đưa đến bế tắc mâu thuẩn và không thể cứu khổ”” , giải thoát được. Báo phụ nữ Tân Văn, năm 1843, đã kết luận về tăng sĩ Thiện Chiếu một cách đặc biệt như sau.
“Sư Thiện Chiếu là một người ở về hạng thành thật nhất, bỏoli vậy cho nen sư đáng cho ta để sy thập nhất, bởi vậy cho nên sư dáng cho ta để ý. Trong các giáo chủ của cuộc vậng động tôn giáo ngày nay, sư là một người có lý tưởng, có chủ nghĩa, có nhiệt thành. Mà sư lại đứng tr hẳn một cánh để phản đối tất cả chi phái khác. Sư mê Phật học mà sư xướng rằng không có thần, không có Ngọc Hoàng Thượng đế, không có chủ tể càn khôn. Sư phản đối kịch liệt cho đến nổi nói tới hai chữ Thiện Chiếu thì bọn tang lữ đời nay đều khủng khiếp.
Người ta ghét mà sợ con người có tín ngưỡng thật. Vì đời của sư không có chỗ nào sàm báng được. Ngày nay sư Thiện Chiếu đã tỉnh ngộ và giác ngộ. Nhờ quan sát nhiều, nhờ suy nghĩ lắm, nhờ thảo luận cùng anh em mà sư tỉnhgiấc ngủi thôi từ hon 20 năm nay. Khác có kẻ hỏi: vậy thì sư mong giải khổ cho quần sanh về chỗ nào? Sư nhận ra rằng cuộc đấu tranh để giải khổ là cuộc đấu tranh trong xã hội, giải khổ trên mặt đất, chớ kông khong phải kiếp tái sinh hão huyền nào hết. Trong hàng trí thực An Nam và tất cả hão huyền nào hết . Trong hàng trí thức An Nam và tất cả A Đông, ta ít khi gặp được người thành thật và can đảm như thiện Chiếu”. TVG, sđd, t 282-291>
Phê bình này không đi ra ngoài tinh thần Phật giáo đại thừa, là tôn giáo duy nhất trên thế giới này chủ trương có thể xây dựng một cõi Tịnh độ, không còn cảnh bất công, đói rách, đau khổ, một thiên đàng an lạc, đạo đức, hòa bình, ngay tại thế gian này. Tiếc rằng thời đó tinh hoa của Phật tiáo đại thừa bị mai một nên Thiện Chiếu không thấy những quan niệm cứu khổ ngay trong cuộc đời, giải thoát ngay trong thế gian, xây dựng Phật quốc ngay trong cõi Ta Bà của tư tưởng Phật giáo đại thừa hùng tráng, dũng hoạt và hết sức thực tế, cụ thể.
Thật là đáng tiếc, một con người như Thiện Chiếu đáng lý ra nên vận dụng căn bản Phật học và cả uy tín, kinh nghiệm, nhiệt tâm tranh đấu của mình để hình thành một chủ thuyết xã hội Phật Giáo và một trào chính trị Phật Giáo, như Huỳnh Phú Sổ đã làm chỉ vài năm sau đó, một cách xuất sắc, tuyệt vời qua việc hình thành Phật Giáo Hòa Hảo và Việt Nam Dân Chủ Xã Hội đảng, ông đã ngã vào con đường hành động xã hội của chủ nghĩa Mác Xít và của đảng Cộng Sản mà hậu quả tan thương, đau đớn chính ông đã cảm nhận sâu xa trong những ngày tháng tù túng tại Bắc Kinh, Hà Nội cũng nhữ đồng bào ông đã gánh chịu suốt nửa thế kỷ nay.
Cùng thời với Thiện Chiếu cũng có những quan niệm cấp tiến, mạnh bạo tương tự thể hiện trong Hội Phật Học Kiêm Tế và tạp chí Tiến Hóa cũng như trong Hội Tịnh độ Cư Sĩ và tạp chí Pháp âm. Tạp chí Tiến Hóa, như đã nói, tuyên bố “tuyên truyền cho bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm cho chúng sinh khỏi khổ được vui” và coi các học thuyết này đều là “Phật pháp”. Ngay từ số 1, đã có mục “triết học thường thức” và đến số 4, ký giả Trần Quân trình bày Duy Vật Biện Chứng Pháp và từ số 6, ông phê bình các chủ thuyết Duy Tâm Luận. Tạp chí Tiến Hóa chủ trương táo bạo như sau:
“a/ Người Phật tử mới phải có sự giác ngộ mới do khoa học khám phá. Người Phật tử phải học khoa học để biết rằng không có Tây Phương Cực Lạc hay Thiên đàng, địa ngục, phải học kinh tế học, chính trị học để biết những đau khổ của con người là do các chế độ chính trị đè nén và những cuộc khủng hoảng kinh tế, chớ không phải do thần linh ban họa giáng phúc.
b/ Phật Thích Ca chỉ là bậc sáng suốt hoàn toàn trong thời đại của Ngài mà thôi. Bây giờ phải nắm hết những hiểu biết của khoa học thì mới gọi là “Phật”… vì trí thức của Phật hồi thời đại ấy không bằng tri thức của toàn thể nhân loại sau này.”.
c/ Đường lối cải tạo cái tâm trước không có hiệu quả. Phải cải tạo cảnh. Phải tổ chức trường học cho người dốt nát, nghèo khổ, phải ngăn cấm không cho một thiểu số nắm giữ và lũng đoạn guồng máy kinh tế, phải thủ tiêu chế độ tư hữu. Họ còn mơ giấc mơ đại đồng: “đừng chia riêng của người này với của người khác, nước nọ với nước kia, thì đâu có cái hiện tượng tranh dành cướp giật và bắn giết lẫn nhau? ấy là cái nghĩa nhất thiết chúng sanh thành Phật”. (NL, sđd, t 66-67).
Tác giả Nguyễn Lang cho rằng “gốc rễ Phật học của các lý thuyết gia Tiến hóa (trong đó đương nhiên có Thiện Chiếu) là chưa sâu vững”. Không những thế còn kém cõi về kiến thức khoa học. Theo kinh Phật, thì cõi Tây Phương Cực Lạc cách đây vô lượng vô số thế giới, ngay cả thiên văn họa hiện đại cũng chỉ mới khám phá một gốc trời nhỏ của vũ trụ quan Phật giáo. Hay cho rằng “Sự hiểu biết của Phật không bằng trí thức bây giờ”. Nói như thế trong thập niên 30, 40 thì được, chớ ngày nay sau khi đã nuốt chửng triết học và thần học Tây Phương thì khoa học đã tự bộc lộ những giới hạn và sự bất lực của nó, khoa học vẫn ở trong bàn tay của Phật học, đúng như Albert Einstein, nhà bác học vĩ đại nhất của thế kỷ 20 đã tuyên bố: “Phật giáo bắt đầu ở nơi khoa học chấm dứt” (Buddism begins where Science ends) nghĩa là sau khoa học chính là Phật giáo. Mặt khác, quan niệm cải tạo tâm và cải tạo cảnh đều được bao gồm trong Phật giáo đại thừa, cụ thể như vấn đề tư hữu, Phật giáo chủ trương diệt trừ tam độc tham, sân, si nguồn gốc của tội lỗi và đau khổ, nhưng đồng thời cũng chủ trương bênh vực giới lao động, nâng đỡ những kẻ yếu nghèo, xây dựng một xã hội công bằng và nhân đạo.
Trong chiều hướng chấn hưng Phật giáo một cách táo bạo, triệt để và toàn diện, ký giả Giác Tha còn hô hào “thủ tiêu hình thức và tinh thần tôn giáo của Phật Giáo”, “hủy bỏ tất cả những kinh sách và những tập quán có khuynh hướng hữu thần và yếm thế”. Không những thế Tiến Hóa còn chủ trương hủy bỏ truyền thống tăng sĩ “đầu trọc áo vuông”, theo gương phái tân tăng ở Nhật Bản mặc âu phục, cưới vợ và ăn mặn. Ký giả Tự Giác, sau khi gặp tân tăng trẻ Nhật Bản Tomomatsu tại Sài Gòn, ông này bặt thiệp, nói nhiều thứ tiếng, hiểu biết rộng rãi, tuyên bố những tư tưởng mới lạ, đã hô hào: “từ rày về sau, người tu Phật nên bỏ hẳn cáo lối đầu trọc áo vuông, theo gương các sư Nhật… nhưng ai có muốn ăn chay hay độc thân thì tùy ý (NL, sđd, t 68).
Pháp âm ủng hộ lập trường Thiện Chiếu và của Tiến Hóa và bắt đầu chỉ trích đường lối chấn hưng Phật giáo, của các hội Phật học đương thời, như phê bình các hội này chỉ chú trọng tinh thần mà bỏ quên thực tế, chỉ biết nghĩ về vị lại mà bỏ quên hiện tại, chỉ nói suông mà không thực hành. Họ kêu gọi chấn hưng Phật giáo là để “gây thành một thế lực mà ứng phó với thời cơ”. Rõ ràng là kêu gọi chuẩn bị hành động, chuận đóng góp vào cuộc tranh đấu cứu nước, giải phóng dân tộc. đi xa hơn nữa Pháp âm và Hội Tịnh độ Cư Sĩ còn: “hết sức ủng hộ việc bỏ cái lối đầu trọc áo vuông” mà tạp chí Tiến Hóa đã đề nghị. Pháp âm còn kêu gọi “thủ tiêu cái chế độ riêng”trong nhà chùa, kêu gọi chư tăng theo gương hòa thượng Nguyễn Văn Đồng (Trí Thiền) trú trì chùa Tam Bảo cúng hết chùa và tài sản cho Hội Phật Học Kiêm Tế. Và có người còn đi xa hơn nữa, đề nghị phục hưng Phật giáo trong tinh thần xã hội chủ nghĩa. Phạm Đình Vinh, diễn thuyết tại trụ sở hội An Nam Phật Học tại Huế ngày 15-08-1937 về đề tài Luân Lý Phật Giáo, đã minh bạch tuyên bố:
“Luân lý, cũng như nghệ thuật, triết học, pháp luật, tư tưởng, văn tự, ngôn ngữ… đều là ý thức hình thái (ý thức hệ) của xã hội mà ta thường gọi là tinh thần văn hóa, được kiến thiết ở trên nền tảng kinh tế. Nếu kinh tế thay đổi thì ý thức hình thái (ý thức hệ) của xã hội tức là nghệ thuật, triết học, pháp luật, tư tưởng, văn tự, ngôn ngữ… hay tinh thần văn hóa cũng phải thay đổi theo hết. Theo ý tôi thì chỉ có hai cách. Một là muốn cho xã hội tín ngưỡng và thực hành luân lý đạo Phật thì phải làm cho công bình, đừng cho ai lợi dụng. Hai là phải vận động khắp thế giới thủ tiêu các chế độ tài sản tư hữu… mới thực hiện được tinh thần vô ngã của đạo Phật”. Và ông cho rằng cách thứ hai là hữu hiệu hơn hết. (NL, sđd, t 64-69).
Thực tế đã chứng minh là những phương pháp đi nhanh nhất thường là đi chậm nhất, đôi khi lại thụt lùi, và cấp tiến nhất thường đưa đến những kết quả bảo thủ, thoái hóa tai hại nhất.
Những tư tưởng cấp tiến, tả khuynh thời đó nở rộ như nấm và lạ lùng hơn nữa là khởi phát mạnh mẽ ở miền Nam, nơi đảng Cộng Sản rất yếu. ở miền Trung Hội an Nam Phật Học và tại Chí Viên âm hay ở miền Bắc, Bắc Kỳ Phật Giáo Hội và tạp chí đuốc Tuệ đều có một quan điểm chấn hưng Phật giáo rất ôn hòa, nhẹ nhàng, đặt nặng vấn đề Phật học, đào tào tăng tài hơnl à những vấn đề thời sự, chính trị, xã hội, kinh tế, dù rằng cả hải Hội Phật Học và hai tạp chí Phật Học này đều cổ xúy một nền Phật giáo dân gian, nhập thế, đi vào đời, áp dụng vào cuộc sống.
Quyển Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, do Việt Triết Học tại Hà Nội chủ biên, trong phần kết luận, đã xử dụng trường hợp Thiện Chiếu để chứng minh PHật Giáo không đáp ứng được thời đại, và chủ nghĩa Mác Lê là cấp tiến hơn, thích hợp hơn cho Việt Nam. Lập luận này ngày nay đã tự sụp đổ nên ta khỏi cần tranh luận. Nhưng, như một số nhà nghiên cứu Phật Giáo trong nước đã phê bình, dùng một chủ thuyết khác để đã kích Phật Giáo trong một cuốn sử mang tên Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, rõ ràng là việc làm không có tính cách sử học.
Mặc khác, tăng, ni Việt Nam thời đó cũng có trên cả chục ngàn và tuyệt đại đa số vẫn trung thành, sống chết cùng với đạo Phật và đã tích cực đóng góp vào sự nghiệp cứu quốc, phụng sự quốc gia, xã hội mà vẫn không từ bỏ con người tôn giáo của mình, còn số người như Thiện Chiếu chưa 1/1000 thì không thể thấy trường hợp quá đặc biệt và ngoại lệ này để công kích Phật Giáo.
Thứ ba là Thiện Chiếu đã phản tỉnh khi ông miền Bắc, chứng kiến bộ mặt thật của xã hội chủ nghĩa và cảnh Phật Giáo bị đàn áp khốc liệt, nên lợi dụng cuộc đời yêu nước nồng nhiệt, hăng say của ông để tấn công Phật Giáo là điều không lương thiện. Những gì tăng sĩ Thiện Chiếu mong ước và đã thất bại không thực hiện nổi, là một nền Phật Giáo dân tộc và thời đại, một nền Phật Giáo hành động cứu quốc và cách mạng xã hội, chỉ vài năm sau, năm 1939, đã được một cư sĩ, là Huỳnh Phú Sổ, thực hiện một cách tuyệt diệu và thành tựu một cách tuyệt vời.