Bồ-Tát HUỲNH-PHÚ-SỔ và Phật-Giáo Thời-Đại (Chương Một)
Dẫn nhập Việt Nam và Phật Giáo đầu thế kỷ hai mươi.
…..
Đầu thế kỷ 20, tư tưởng Nho Giáo, thống trị độc tôn đất nước từ Thời Hồ Quý Ly, nhà Lê và nhà Nguyễn suốt 400 năm, hoàn toàn sụp đổ. Tư tưởng Phật Giáo, ngự trị vinh quang trong thời đại Lý Trần từ thế kỷ thứ 11 đến cuối thế kỷ 14, suy đồi tận gốc. Tư tưởng Tây Phương và tôn giáo của nó, Thiên Chúa Giáo La Mã, bị đại đa số trí thức và nhân dân coi như sản phẩm và công cụ của chế độ Thuộc Địa và thực dân Pháp nên vẫn không được chấp nhận. Ý thức hệ Cộng Sản cũng như các tư tưởng mới khác chưa ra đời. Cả một khoảng trống tư tưởng, cũng có nghĩa là một khoảng trống tôn giáo và chính trị, to lớn bao trùm trên một nước Việt Nam bị nô lệ, bóc lột, áp bức, lạc hậu và nghèo đói. Nhưng đây cũng là môi trường lý tưởng cho sự ra đời của những tư tưởng mới, những tôn giáo mới, những chính đảng mới và những phong trào mới: Phong trào Đông Du và Việt Nam Duy Tân Hội của Phan Bội Châu từ năm 1904, Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can và các nhà Nho tiến bộ năm 1907, tư tưởng dân quyền và dân chủ của Phan Chu Trinh suốt hai mươi năm (1905-1925), phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội cùng năm, Việt Nam Quang Phục Hội năm 1912, cuộc khởi nghĩa ở Trung Kỳ và ở Huế năm 1916 của Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Ngung, vua Duy Tân…, phong trào Hội Kín ở miền Nam năm 1913-1916 lan rộng khắp Lục Tỉnh và cuộc tấn công Sài Gòn năm 1916. Các hoạt động này đã liên tục diễn ra từ đầu thế kỷ 20 đến cuối đệ nhất thế chiến.
Tuy nhiên mãi đến đầu thập njiên 20 Việt Nam mới thật sự thức dậy với sự ra đời Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng Chí Hội và Tân Việt Cách Mạng Đảng năm 1925, Đạo Cao Đài năm 1926, Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1927, Cuộc khởi nghĩa Yên Bái và sự ra đời của Đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1930 và phong trào Sô Viết Nghệ Tỉnh 1930-1931.
Trong thời gian sôi động này, từ 1925 trở đi, Phật Giáo cũng đã thức dậy. Từ năm 1923, thiền sư Khánh Hòa và thiền sư Thiện Chiếu đã thành lập, tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, Hội Lục Hòa Liên Hiệp với mục đích vận động thành lập một Hội Phật Giáo Việt Nam toàn quốc để chấn hưng Phật Giáo. Thiền sư Thiện Chiếu, khác hẳn tất cả tăng sĩ Phật Giáo đương thời, là một tăng sĩ có tân học. Ông đã đi ra Trung và Bắc vận động thống nhất Phật Giáo năm 1927 nhưng bất thành.
Năm 1928 thiền sư Khánh Hòa xây dựng Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã tại Chùa Linh Sơn, Sài Gòn và năm 1929 Ông cho ấn hành tạp chí Viên Âm, tập san Phật Học đầu tiên bằng quốc ngữ tại Việt Nam, đặt trụ sở tại chùa Xoài Hột, Mỹ Tho. Cùng thời, thiền sư Thiện Chiếu xuất bản một tạp chí Phật Học nhắm vào giới thanh niên trí thức lấy tên là Phật Hòa Tân Thanh Niên, đặt tòa soạn tại chùa Chúc Thọ ở Gia Định.
Năm 1931 thiền sư Khánh Hòa cùng nhiều tăng sĩ và cư sĩ thành lập Hội Phật Học đầu tiên tại Việt Nam, lấy tên là Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học và thiền sư Từ Phong được mời làm Chánh Hội Trưởng. Hội ra tờ Từ Bi Âm năm 1932. Thiền sư Khánh Hòa, cùng người cộng sự thân tín là thiền sư Thiện Chiếu đã đóng vai trò tiền phong khai mở phong trào chấn hưng Phật Giáo và hiện đại hóa Phật Giáo, chuyển động sâu rộng lịch sử Phật Giáo và lịch sử Việt Nam trong suốt 65 năm qua.
Tại miền Trung, thiền sư Giác Tiên mở Phật Học Đường tại chùa Trúc Lâm năm 1929 và ủy thác cho đệ tử là bác sĩ Lê Đình Thám thành lập Hội An Nam Phật Học năm 1932. Hội quy tụ đông đảo những danh tăng và cư sĩ trí thức tại miền Trung. Cư sĩ Lê Đình Thám được bầu làm Hội Trưởng và vua Bảo Đại được mời làm Hội Trưởng Danh Dự. Hội ra tạp chí Phật Học Viên Âm năm 1933. Năm 1934, thiền sư Giác Tiên, cư sĩ Lê Đình Thám… đã thành lập Trường An Nam Phật Học, trong đó có mở cấp Đại Học Phật Giáo. Đặc biệt hơn nữa là Hội đã phát động phong trào “Chỉnh Lý Tăng Già” rất quyết liệt để loại trừ ra khỏi tăng già những thành phần phạm giới, bất xứng. Chính nhờ những nổ lực cấp tiến này mà Phật Giáo miền Trung đã đóng được một vai trò quan trọng trong những thập niên sau đó.
Năm 1934 các thiền sư Trí Hải, Tâm Ứng, Tâm Bảo cùng với giới cư sĩ trí thức tên tuổi tại Hà Nội như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Trần Văn Giáp, Nguyễn Năng Quốc, Nguyễn Hữu Kha, Bùi Kỷ, Lê Dư… thành lập Bắc Kỳ Phật Giáo Hội, bầu cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng và suy tôn thiền sư Thanh Hanh làm Thiền Gia Pháp Chủ. Đặc biệt là trong buổi lễ suy tôn Pháp Chủ này, cư sĩ Trần Trọng Kim đã thuyết pháp về đề tài; “Thập Nhị Nhân Duyên”. Hội ra tạp chí Đuốc Tuệ năm 1935 và phát triển mạnh mẽ khắp miền Bắc (Nguyễn Lang, Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, q 3, t 51-173).
Đặc tính của cả ba Hội Phật Học tại ba miền là vai trò nổi bật của giới trí thức cư sĩ, là thuần túy Phật học và sinh hoạt Phật sự. Thời điểm 1925-1945 là thời điểm chuẩn bị trong kiên nhẫn và thầm lặng. Các hội Phật Học đã làm đúng chức năng và vai trò lịch của mình, một cách khiêm tốn, từ đống gạch vụn đổ nát của nền Phật học và Phật Giáo Việt nam trong thời Thực Dân Pháp thống trị.
Trong thời kỳ này xuất hiện những con người đặc biệt, xuất sắc và những tư tưởng mạnh mẽ, quyết liệt, trong Phật Giáo cũng như ngoài Phật Giáo. Từ đầu thập niên 30, tư tưởng Phật Hộc của Thích Thiện Chiếu đã là những quả bom chấn động. Và năm 1939 Huỳnh Phú Sổ xuất hiện làm một cuộc cách mạng tôn giáo, cải cách toàn bộ và triệt để Phật Giáo chưa từng có trong hai ngàn năm lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Miền Nam, một vùng đất lạ lùng và kỳ diệu…
Phan Chu Trinh từ Pháp trở về Sài Gòn năm 1925, đất nước bùng lên những làn sóng tư tưởng dân quyền và dân chủ. ông khẳng định phải tìm nguyên nhân mất nước trong sự mất đạo đức, mất luân lý, trong bài diễn thuyết đạo đức và Luân Lý đông Tây, và ông cũng khẳng định chế độ quân chủ chuyên chế là nguyên nhân chính làm mất nước trong bài thuyết giảng Quân Trị Chủ Nghĩa và Dân Trị Chủ Nghĩa tại Sài Gòn năm 1925. ông mất năm sau đó và đám tang ông cùng với cuộc vận động ân xá nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã khơi bùng phong trào yêu nước và yêu tự do dân chủ trên toàn quốc, đặc biệt là trong giới thanh niên.
Nhưng dữ dội, bốc lửa và sấm sét trong tư tưởng yêu nước chống thực dân cũng như tư tưởng tự do dân chủ, trong thời này, chỉ có Nguyễn An Ninh là đi xa nhất, quyết liệt nhất. Là một thanh niên miền Nam, Ông đi du học ở Pháp và trở về nước với bằng cử nhân Luật. Lợi dụng quy chế thuộc địa của Nam Kỳ, nơi mà báo chí bằng tiếng Pháp được tự do, không bị kiểm duyệt, Ông ra tờ La Cloche fèlèe (Tiếng Chuông Rè) từ năm 1923 đến năm 1926. Ông tự xưng tờ báo của Ông là “cơ quan tuyên truyền tư tưởng Pháp”, lấy tư tưởng của kẻ xâm lăng để đập những nhát búa tạ vào chế độ Thực Dân, đồng thời tờ báo cũng tự nhận là “cơ quan chuẩn bị cho tương lai dân tộc”. Thật là độc đáo và tuyệt vời.
Ngoài việc phê bình kịch liệt, thẳng tay chính sách và chế độ thực dân, Ông cổ võ cho việc đào tạo một tầng lớp thanh niên Việt Nam tân học, có văn hóa, có lý tưởng, có chí khí, có năng lực và có tổ chức và Ông tuyệt đối tin vào sức mạnh và vào tương lai của nhân dân Việt Nam. Ông chủ trương một nước Việt Nam thống nhất từ Nam chí Bắc và trở về lịch sử dân tộc để tìm niềm tin và sức mạnh. Ông hô hào, khi chỉ mới ngoài 20 tuổi, “Chẳng những phải duy trì những giấc mộng vĩ đại, mà còn phải tổ chức thành một nhóm quan trọng để chuẩn bị cho tương lai”. Không những tư tưởng táo bạo, độc đáo, mới lạ, kiến thức của Ông cũng rất uyên bác. Khi Thống Đốc Nam Kỳ tuyên bố: “Xứ này không cần trí thức”. Ông đã viết bài trả lời bốc lửa: “… Những thảm khổ của chúng ta ngày nay, còn gì nữa, đúng là do tổ tiên của chúng ta đã sờ mó vào cây kiến thức. Hạng trí thức đã làm đảo lộn thế giới, làm hư hỏng hạnh phúc của thế giới. Hãy nguyền rủa tên tuổi của Prométhé, kẻ đã lấy trộm chút lửa của Trời. Hãy nguyền rủa con người đã bày ra cái ná cao su cho trẻ con bắn đá vào trán ông khổng lồ… Trí Tuệ, đó là cái tai hại. Trí tuệ, đó là con rắn cuốn quanh thân cây đã làm cho chúng ta vĩnh viễn mất cõi thiên đường… Nói đến vai trò giáo dục, vai trò văn minh của các ông chủ xứ Đông Dương này, thưa các ông, điều ấy làm ta mỉm cười… Người ta đã quỳ lụy bái phục những vị “đem ánh sáng tới”, những vị “làm điều kỳ diệu ở Ấu Châu”… Cái gì kỳ diệu? Thực ra cái kỳ diệu đó là, chỉ trong một thời gian ngắn thôi, người ta đã có thể làm cho trình độ trí thức của người Nam đã thấp đi lại càng rơi vào chỗ cực kỳ dốt nát. Cái kỳ diệu đó là người ta đã có thể, trong một thời gian ngắn như thế, xô đẩy một dân tộc có tư tưởng dân chủ, ngã nhào vào tình trạng nô lệ hoàn toàn”. (Trần Văn Giàu, Sự Phát Triển Của Tư Tưởng ở Việt Nam Từ Thế Kỷ 19 đến Cách Mạng Tháng Tám, q2, t 311).
Nguyễn An Ninh cũng là một trong những nhà trí thức tân học đầu tiên nghiên cứu Phật Học và hoàn thành một tác phẩm Phật Học quan trọng, cuốn “Phê Bình Phật Giáo”. Sau thời kỳ hoạt động sôi nổi từ 1923 đến 1926, Nguyễn An Ninh bị ở tù trong thời gian 1926-1927, sau đó Ông về nghiên cứu Phật Giáo. Trên bàn làm việc của Ông, có một cái chuông, một cái mõ, Ông cạo trọc đầu và đi chân không. Ông nghiên cứu Phật Giáo qua tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và các hoạt động Phật Giáo trong nước. Cuốn Phê Bình Phật Giáo xuất bản năm 1937 là kết quả của sự nghiên cứu này. Tựa đề của cuốn sách, 70 năm sau cũng không có ai dám viết một cuốn sách Phật Học có tựa đề thách thức và can đảm như vậy. Mục đích và phương pháp luận còn mới lạ, táo bạo hơn, đó là “so sánh Phật Giáo với thời đại của nó để chỉ chỗ hay, chỗ đúng hơn của nó đối với các thuyết khác và so sánh Phật Giáo với thời đại này để chỉ sai lầm của Phật Giáo”. Tác phẩm này được giới trí thức, giới chính trị cũng như giới Phật Giáo chú ý đặc biệt.
Nhưng không gây sóng gió và tranh luận suốt nhiều năm trời như những tác phẩm của Thích Thiện Chiếu. Đối với Tăng, Ni, Phật Tử thập niên 30, những tư tưởng Phật Học của Thích Thiện Chiếu là những tiếng sét ngang tai. Ngày nay đọc lại, chắc chắn quý vị tăng sĩ, cư sĩ và Phật Tử cũng không khỏi giựt mình, chấn động và suy nghĩ. Những tư tưởng này, được viết từ thập niên 30, ngày nay, cuối thập niên 90, vẫn còn mới, còn táo bạo, còn chứa đầy sức nặng của đá tảng và sức nổ của sấm sét. Thích Thiện Chiếu là tinh hoa sáng chói của Phật Giáo trong thập niên 20, 30. Ông đã đi tiền phong trong mọi lãnh vực chấn hưng và hiện đại hóa Phật Giáo Việt Nam trong thế kỷ 20 này.
Ta phải đứng trên một đỉnh núi cao, mới hy vọng nhìn thấy những cái gì chưa ai nhìn thấy, những cái gì nằm khuất sau dãy núi cao. đó có thể là những dãy núi cao hơn, hay là một đại dương mênh mông hay là một bình nguyên rực rỡ. Thích Thiện Chiếu là một ngọn núi cao của Phật học và Phật Giáo Việt Nam trước đệ nhị thế chiến. Ta hãy đứng trên đỉnh núi cao ngất, hùng tráng này để nhìn rõ một đỉnh núi cao ngất, hùng vĩ khác, là Cư sĩ, Bồ Tát, Giáo Chủ Huỳnh Phù Sổ.