Bồ-Tát HUỲNH-PHÚ-SỔ và Phật-Giáo Thời-Đại (Chương Tám)

Nội dung Phật Pháp của Phật Giáo Hòa Hảo.

…..

Huỳnh Phú Sổ đã giảng dạy cho tín đồ một nội dung Phật pháp rất gần rủi, rất trung thực, đến độ phải nói là thống nhất và hợp nhất, với Phật giáo nguyên thủy mà Đức Phật đã giảng dạy cho các đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài. Đó là con đường trung đạo, tam nghiệp, tứ diệu đế, tự vô lượng tâm, tứ ân, ngũ giới, lục độ, bát chánh đạo, thập thiện, thập nhị nhân duyên. Ðây cũng là nền tảng giáo lý và nội dung Phật pháp của PGHH.

Đạo Phật là đạo giác ngộ, chủ đích của đạo Phật không gì khác hơn là đưa con người từ cõi mê mờ, đau khổ, đến cõi giác ngộ, an lạc. Và Đức Phật, có nghĩa là đấng giác ngộ, đã vì lòng từ bi lân mẫn, thương xót chúng sanh mà chuyển pháp luân đánh thức người mê, khai ngộ cho tất cả mọi người đều được giác ngộ như chính Đức Phật. Trong bài thơ Chuyển Pháp Luân, Huỳnh Phú Sổ đã trình bày rõ chủ đích của đạo Phật, đồng thời cũng là sứ mạng của chính Ông:

“Lòng thương lê thứ đáo Ta Bà

Thừa chuyển pháp luân dụng khuyến ca

Cảnh tỉnh người mê về cõi ngộ

Dạy răn kẻ tục vượt mê hà”.

Để mở đầu, Ông đã giới thiệu cho tín đồ biết Phật là ai. Khác với sự thêm thắt, huyền hoặc, tôn sùng sai lạc sau này, coi Phật như một đấng thần linh, Ông đã đưa Phật trở về đúng con người thật mà chính Phật đã tự giới thiệu khi Ngài còn tại thế: Ngài là một vị giác ngộ và là một vị “thiên nhân sư” (Thầy của người và trời), nghĩa là một vị đạo sư chỉ bày con đường và phương pháp giác ngộ cho chúng sanh.

Trong bài “Phật Là Gì? “, Huỳnh Phú Sổ đã viết như sau, trong năm 1942, khi Ông 23 tuổi:

“Phật giả là giác giả (Người giác ngộ). Giác giả là Tỉnh giả (Người tỉnh thức).

Khi Đức Thích Ca thành Phật thì Ngài nói pháp tứ dế mà độ đời trước hơn các pháp, và chỉ con đường Trung Đạo cho người hành theo.

Đường Trung Đạo của Phật:

  1. Không trưởng dưỡng xác thịt quá ư sung sướng như: ăn nhiều, ngủ nhiều, chẳng lo làm công chuyện, chẳng học hỏi, vì sung sướng thái quá thì sanh nhiều dục vọng mê đắm, làm cho trí đạo tối tăm, không thể đạt huệ được.
  2. Không nên hành xác hay ép xác thái quá như: phơi nắng dầm sương, bỏ ăn, bỏ ngủ, làm lụng quá sức lực của mình, vì ép xác quá độ hay sanh bịnh hoạt nhiều, người mà đa mang bịnh tật rồi, tinh thần kém cõi, nhọc mệt, trí hóa lu mờ, không đủ sức mà học Đạo đặng.

Nên người biết Đạo chẳng ép xác thái quá, mà cũng chẳng để nó sung sướng quá độ, chỉ ăn ngủ có chừng mực, làm việc vừa với sức mình, giữ gìn sức khỏe mới mong được Đạo Pháp.

Vậy Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung sướng, chẳng ép ai ăn chay, chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình độ và lòng nhơn của mình.

Điều cần yếu là phải:

Làm Hết Các Việc Thiện,

Tránh Tất Cả điều độc ác,

Quyết Rửa Tấm Lòng Cho Trong Sạch”.

Nếu được nghe bài thuyết pháp này của một thanh niên Việt Nam 23 tuổi nói về Đức Phật và con đường Trung Đạo, gần 2.500 năm sau khi Phật nhập diệt, thì chắc Đức Phật cũng rất hoan hỉ, vì nói rất gần gủi với những gì Phật đã nói và đi vào được ý chính của vấn đề.

Sau bài Phật là gì? trên đây, Huỳnh Phú Sổ viết tiếp bài “Chư Phật Có Bốn Đại Đức,” giản dị, ngắn gọn một cách phi thường và đi vào chủ đích, cốt tủy của đạo Phật một cách rất bình thường, cũng như giảng dạy lý do và mục đích của việc niệm Phật:

“Từ Bi Hỷ Xã

Chư Phật có bốn đại đức. Vậy ta niệm danh hiệu Phật để nhớ Phật và rán sức làm theo bốn đại đức của Phật đặng ngày sau chứng quả như Ngài. Bốn đức ấy là:

  1. Đức từ: Phật đối với chúng sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo lắng đến, hết lòng dìu dắt, dạy dỗ, không nở để chúng sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não.
  2. Đức bi: Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe, làm điều độc ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghé bỏ, lại thương xót không cùng.
  3. Đức hỉ: Thường an vui mà làm những việc lành. Dầu gặp hoàn cảnh trái nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn bã.
  4. Đức Xã: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền trần, tha thứ hết thảy những ai tối tăm, lầm lỗi, chẳng còn vướng vúi chi với cuộc danh lợi, tài sắc, nhìn cõi đời chẳng sanh lòng luyến ái.

 

Vậy ta nên niệm Phật, phải biết Đại Đức của chư Phật và làm sao cho ta đắc được bốn đức ấy.

Ta cũng nên bố thí, nhẫn nhục, trì giới để độ tham, sân, si.

Còn phương pháp niệm Phật là để trừ cái vọng niệm của chúng sanh, vì trong tâm của chúng sanh niệm niệm mê lầm chẳng dứt, vì cái vọng niệm về việc thế trần ấy mà không cho cõi lòng an lạc, phiền não ngăn che, chơn tâm mờ ám. Nên hay, hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng sanh. Cho nên khi nhứt tâm bất loạn, chừng ấy vọng niệm chúng sanh đã dứt thì lòng ham muốn và các tình dục còn đâu mà nẩy sinh ra được?

Nên Niệm Phật Là Niệm Cái Bản Lai Thanh Tịnh Của Phật Trong Lòng Của Mình Nương Theo đó Mà được Thanh Tịnh Và Chẳng Còn Trược Nhiễm Trần Ai.

Cần tu thập thiện thì sự niệm mới có hiệu quả. Tu thập thiện, dứt được thập ác, cũng gọi là tịnh tam nghiệp”.

Một trong những người giảng Phật Pháp được coi là trung thực, đầy đủ và hay nhất trên thế giới làĐại Đức Naraga Maha Thera, tác giả The Buddha and His Teachings (Đức Phật và Phật Pháp), cũng không thể giảng về tứ vô lượng tâm và ý nghĩa của việc niệm Phật dễ hiểu hơn, súc tích hơn.

Cái hay, cái sâu sắc và cũng là cái thực tế của Huỳnh Phú Sổ là ông dạy niệm Phật nhưng nói rõ niệm Phật không phải là niệm Phật Thích Ca hay Phật Di Lặc ở đâu đó trong vũ trụ, đế tán dương, ca ngợi các Ngài, mà niệm cái bản lai thanh tịnh, cái Phật tánh, của Phật, ngay trong tâm mình.Đồng thời, cũng mặc nhiên nói rõ niệm Phật không có hiểu quả bao nhiêu nếu không tu thập thiện, bỏ thập ác. Cũng như giảng về tứ vô lượng tâm, ông cũng nói rõ là làm sao để mình có thể có được bốn đức từ, bi, hỉ, xã đó và phải bố thí, trì giới để diệt tham, sân, si.

Tu là diệt lòng tham, là sửa đổi tâm tánh, ngôn ngữ, hành động của mình. Nhiều Phật tử, vì từ căn bản không biết Phật là ai, cứ tưởng Phật là thần linh vạn năng, rất thương chúng sanh nên cầu gì, xin gì là Phật đều cho, nên tha hồ cầu xin, tha hồ phát triển lòng tham vô tận của mình, hay vì không biết mục đích, ý nghĩa của việc niệm Phật, lạy Phật, cứ tưởng niệm Phật, lạy Phật là được Phật thương, Phật rước lên cõi Tây Phương Cực Lạc, chớ không lo làm lành, lánh dữ, tu nhân tích đức và phát triển cái tâm thanh tịnh, an lạc có sẵn trong lòng mình. Tu kiểu đó, và đây là cách tu của không ít Phật tử, thì càng tu càng tham, càng khổ và càng đọa.

Không những giảng về Phật, sự niệm Phật, Tam Bảo, Tứ Ấn, Tứ Vô Lượng Tâm, Huỳnh Phú Sổ còn giảng về Tam Nghiệp và Thập Thiện một cách đầy đủ, chu đáo, vì đây là thuộc phần luân lý, đạo đức xã hội hết sức căn bản và quan trọng của người Phật tử.

Tam Nghiệp Và Thập ác:

“Sanh ra ở đời, con người dầu muốn hay dầu không, cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên. Định luật ấy gồm vào một chữ Đạo, đạo của con người kêu bằng “Đạo Nhân”, và nó là một con đường đi trúng thì sống, bước trật tất chết.

Muốn làm tròn Nhân Đạo, phải giữ vẹn Tứ Ân. Nhưng trước hết hãy tránh Tam Nghiệp và chừa Thập Ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ.

 

Mỗi người đều có ba nghiệp chướng sau đây:

Thân nghiệp: tội lỗi do thân xác gây nên.

Khẩu nghiệp: tội lỗi do miệng lưỡi gây nên.

Ý nghiệp: tội lỗi do ý tưởng gây nên.

 

Ba nghiệp chướng ấy khiến con người phạm mười điều ác kể ra dưới đây:

Thân nghiệp sanh 3 điều ác:

1/ Sát sanh

2/ Đạo tặc

3/ Tà dâm

 

Khẩu nghiệp sanh 4 điều ác:

1/ Lưỡng thiệt

2/ Ỷ ngôn

3/ Ác khẩu

4/ Vọng ngữ

 

Ý nghiệp sanh 3 điều ác:

1/ Tham lam

2/ Sân nộ

3/ Si mê

 

1/ Sát Sanh: Con người mới sanh ra ở đời đều có tánh hiền lành cả. Song đến lúc lớn khôn vì phải sống chung chạ với thế giới hung tàn, bạo ngược, tánh nết liền ô nhiễm những sự xấu xa hèn kém, trở nên độc ác dữ dằn.

Loài người giết nhau vì tiền bạc, vì sắc đẹp, vì lợi danh, vì quyền thế, vì thù hiềm, vì háo thắng… nghĩa là họ giết nhau vì sự lợi ích của một người, cùa một nóm người, của một đẳng cấp xã hội, của một quốc gia… Đó là người đối với người.

Người đối với thú cầm sanh vật còn tàn nhẫn gấp mấy nữa: họ giết thú vật vì miếng ăn, vì sự dị đoan mê tín,… sát hại sanh vật cúng tế… vì sự vui thích… kẻ bắn chim đang bay trên trời, người chặt cá đang lội dưới nước. Họ bắt thú vật làm tấm bia cho nhắm trong những lúc cao hứng, quên hẳn rằng sanh vật cũng có linh hồn, cũng có thân xác, cũng biết tìm lẽ sống còn như nhân loại vậy… Khi gặp tai nạn bất ngờ hay rủi ro đau ốm, con người không chịu thuốc thang, khẩn vái Phật Trời cầu cho tai qua nạn khỏi, lại giết các thú vật tế thần cúng thánh, kêu cốt, kêu đồng. Họ không chịu tìm nguyên nhân các sự họa hoạn, không chịu tìm hiểu rằng những tai biến xẩy ra đều do căn tiền báo quả hậu, và không chịu ăn năn chừa lỗi, tạo tác phước điền. Trong khi giết các thú vật đặng tế lễ, họ đã phạm thêm một tội ác lúc họ chưa đền bồi các tội ác trước được.

Thế nên hãy tha thứ cho chúng, hãy dung dưỡng chúng và nhứt là đối với các gia súc: trâu, bò, ngựa, chó, mèo… chẳng khá sát hại, vì chúng đã giúp ích cho ta trong các việc sanh hoạt hàng ngày. Tóm lại, không có sự sát sanh vô cớ nào có thể tha thứ được và trong những ngày chay lạt hãy cử hẳn.

 

2/ Đạo Tặc: Câu “bần cùng sanh đạo tặc” cần phải là một câu chữa mình của bọn bất lương vô đạo. Những kẻ này ngày vẫn vơ đầu đường xó chợ, tối kiếm chỗ khoét vách đào tường, không làm muốn có ăn, không lo muốn có mặc. Lớp người cặn bã của xã hội này, sống ngoài vòng pháp luật, trốn nhủi trốn chui, phá rối an ninh của dân chúng, chuyên lo giết người cướp của, đoạt giựt tài sản lương dân, không nghĩ rằng phải tốn bao nhiêu giọt mồ hôi, bao nhiêu giòng nước mắt mới làm ra được. Họ là giống sâu làm rầu nồi canh, là tội nhân gây ra nhũng tai biến trong những gia đình cần lao tiết kiệm, là nguyên nhân của sự nghèo, sự khó, họ phá hoại hạnh phúc của con người.

Cơ hàn đói khó, thay vì phải làm lụng như những người khác mưu cuộc sống còn, họ gây cái lỗi này rồi đến cái lỗi khác, phạm tội này rồi tới tội nọ, tạo chẳng biết bao nhiêu chuyện bất lành cho nhân chủng. Lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt, những kẻ ấy dầu họ không bị luật hình của loài người phân xử, song cơ Trời cũng sẽ báo ứng đến những hành vi đen tối, nếu họ không chịu ăn năn chừa lỗi, sửa tánh tu thân, bỏ thói vô nghì lánh điều phi nghĩa.

 

3/ Tà Dâm: “Muôn việc lành, hiếu thuận đứng đầu, ngàn việc dữ, tà dâm đứng trước”. Sách sử thường bảo như thế. Lần dở xem sử sách, thời thấy tội ác ấy làn diễn khắp nơi, từ trào nội đến thứ dân, từ trong gai đình đến kẻ xa người lạ. Nó là mầm gây ra biết bao thảm trạng. Gương của vua Tế với vợ Thôi Tử?, An Lộc Sơn với Dương Quý Phi há chẳng còn lưu niên hậu thế? Giàu ỷ của, hiếp dâm kẻ khó, quan ỷ quyền cưỡng bức đám dân hèn. Gian phu dâm phụ, từ xưa đến nay luôn luôn đều có.

Muốn tránh sự bại hoại nền luân lý nước nhà, muốn giữ gìn tiếng tăm của gia thế, phải đừng để dục tình lôi cuốn, bắt chước gương xưa trau dồi lòng hiếu trung trinh tiết.

 

4/ Lưỡng Thiệt: Đứng đầu các tội ác do miệng lưỡi gây ra, ác lưỡng thiệt này đã làm duyên cớ cho những sự hiểu lầm nhau, những sự cãi vã, gây gổ, sanh oán sanh thù. Sự phải của người thì bớt, sự quấy của người thì thêm, cái lưỡi đã tạo những sự chia rẽ, những cuộc phân tranh, phá tan sự đoàn kết, tình thân yêu giữa nhân loại. Nó cũng là nguồn cội của bao nhiêu bất hòa, hiềm khích.

Để giải trừ những tai vạ ấy, phải giữ cho lời nói mình được thành thật, chánh đáng, được vậy trong hương đảng mới bớt rầy rà, ngoài xã hội không điều xích mích và mình cũng không còn chịu ác cảm, tránh sự miệt khinh của kẻ khác.

 

5/ ỷ Ngôn: Nói đến tội này tức là nói đến những vụ chủ ỷ quyền nhiếc xài tôi tớ, quan ỷ thế mắng chưởi dân ngu. Kẻ giàu có thường ỷ tiền bạc xài xỉ người nghèo, kẻ xảo quyệt ỷ sựkhôn lanh nói những điều thất thiệt, kẻ học thức ỷ sự khôn ngoan dùng lời nói hạ nhục người dốt nát.

Hãy tránh những sự hiếp người như thế ấy, vì những kẻ dưới tay mình cũng có đầu óc, cũng biết nghĩ suy, nhưng tại họ bạc phước vô phần nên phải chịu lụy mình vậy. Nếu họ có lầm lỗi hãy dạy dỗ họ, dùng những cam ngôn mỹ từ, những lời trang nghiêm êm dịu chỉ bảo, không khá bao biếm mà mang điều tội lỗi.

 

6/ Ác Khẩu: Những tiếng thề thốt lỗ mãng, chưởi mắng tục tằn làm ra tội này. Con chưởi mẹ, mắng cha, không kể luân thường thảo hiếu, mạnh bạo hăm he đánh giết những kẻ yếu hèn, hiếp đáp xóm chòm cô bác. Mở miệng ra chưởi gió mắng mây, trù rủa gia đình, không kiêng thần thánh. Tối ngày kêu réo Phật Trời, mời th3nh Long Cung, làm thêm tội lỗi càng thêm chồng chất.

Hãy bỏ những tiếng tục tằn thô lỗ, làm cho đời sống được êm dịu thanh bai hơn. Đối với cha mẹ phải có lễ độ, với gia đình, với bà con cô bác, với xóm chòm quen thuộc, lời nói mình phải đoan trang nghiêm chỉnh. đối với con cái trong nhà, không nên nói những điều ác đức, phải dùng lời nói dịu dàng hiền hậu dạy dỗ chúng.

 

7/ Vọng Ngữ: Thêm thừa huyển hoặc, có nói không, không nói có, ác vọng ngữ đã làm nguyên nhân cho những sự bất công của nhân loại. Thương người nào kiếm cách bào chữa, giấu giếm sự quấy và thêu thùa sự tốt ra, ghét ai đặt điều nói xấu và che đậy các điều phải của họ. Khoe khoan tự đắc, xảo trá đa ngôn, những kẻ điêu ngoa làm cho thiên hạ khinh khi miệt thị.

Muốn tránh những điều khiến cho tư cách nhân quần phải bị giảm hạ, hãy tập tành nói năng chân chánh, bỏ lối láo xược trớ trêu. Chẳng nên tráo chước với người, bỏ tiếng xảo ngôn và phải dùng lời chơn chất.

 

8/ Tham Lam: Tánh tham lam đã làm cho loài người phải chịu bao nhiêu điều thảm khổ: chiến tranh, cướp bóc, giết người… tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế… Những sự ấy đã xô đẩy con người vào chẳng biết bao nhiêu cuộc chiến đấu ác liệt, gây nên những thảm họa tầy trời. Những tấn tuồng giặc giã, cướp của sát nhơn, những vụ hối lộ, tham ô, những vụ tranh thế giành quyền đã làm cho nhân sanh điêu linh trong vòng tai nạn khốc hại. Cái tham ấy cũng đã làm cho con người đau buồn hận khổ, phải khóc đứng than ngồi, phải liều mình tự sát chỉ vì sự ham muốn không được thực hiện. Người ta quyên sinh vì tình yêu, vì lợi quyền, vì thất trận… Những cuộc cấu xé lẫn nhau, những vụ nồi da xáo thịt, những vụ tương sát tương tàn, những điều hung hăng bạo ác cũng do sự tham lam mà ra cả. Ngày giờ nào loài người diệt được tánh tham lam của mình, ngày giờ ấy bớt được một phần lớn của sự khổ. Vả lại, ở đời phải có những lúc thăng trầm chìm nổi, có thì ta xải, không ta nhịn, can gì phải bày mưu tính kế chiếm đoạt của kẻ ngoài. Của là của chung trong thiên hạ, đời ta còn, nó còn, đời ta mất nó mất, gương Thạch Sùng, Vương Khải há không để lại cho ta một bài học đích đáng lắm ru? Thế nên hãy nghĩ đến người cũng như nghĩ đến mình, hãy dẹp lòng vị kỷ tham lam, lo vun trồng phước đức, bố thí kẻ nghèo hèn, rán công phu sám hối để có thể yên vui nơi miền Cực Lạc, lánh sự giả tạm ở cõi trần này.

 

9/ Sân Nộ: Tánh nóng nảy thường xúi con người làm những chuyện bất công sái phép, chém giết, oán thù nhau. Kẻ thắng kiêu hãnh, người bại hổ ngươi, nên sự hiềm thù càng lan rộng. “Giận mất khôn”, cơn giận làm cho con người cuồng trí, mất sự tự chủ, trở nên dữ dằn bạo tợn, chẳng còn nghĩ đến việc công bình, lẽ phải trái.

Diệt được nó tâm ta được thành thơi, trí ta được thong thả. Hãy mở lượng khoan hồng dung tha kẻ lầm lỗi. Hãy nhẫn nhịn và chẳng nên cải cọ tranh luận hơn thua làm cho nảy sanh ra những điều hiềm khích.

 

10/ Mê si: Tội ác này do sự thiếu óc phán đoán, thiếu sự nghĩ suy mà ra, vì vậy con người ít hay phân biệt được lẽ phải trái, bo bo giữ thiển kiến sai lầm, chẳng chịu nhìn nhận chân lý, suốt cả đời ngu muội, chỉ biết mê man theo những vật nhỏ nhen, mau tan, mau rã, chỉ biết tin bướng làm càn, không tìm hiểu con đường giải thoát.

Hãy xóa bỏ các điều mê tín, quy thuận theo tinh thần đạo đức, lánh chốn lầm tỉnh cơn mộng huyển, phá tan màn vô minh che mờ tâm trí, lần bước trên con đường đạo hạnh, đi đến chỗ Bất Diệt, Bất Sanh”.

Đọc xong bài thuyết pháp về Thập Ác này, ta hiểu rõ tại sao Huỳnh Phú Sổ, chỉ xuất hiện dưới hình tướng cư sĩ, không cạo đầu, không mặc áo cà sa, không ở chùa tụng kinh gỏ mõ, mà thuyết giảng Phật pháp có cả triệu tín đồ nghe theo, sống chết tu hành, còn tăng, ni thuyết pháp thì chỉ có vài trăm người hay cả những vị danh tăng cũng chỉ có vài ngàn người nghe, mà đa ssố nghe rồi lại bỏ đó, không đem áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Lý do là Huỳnh Phú sổ đã thuyết pháp đúng tâm lý con người, đúng thực trạng xã hội, đúng căn cơ, trình độ của quảng đại quần chúng, và đồng thời không những đúng theo giáo pháp, mà còn triển khai sinh động, cụ thể, xác đáng những gì mà Đức Phật đã thuyết giảng vào hoàn cảnh đặc thù của con người và xã hội Việt Nam. 95 % dân chúng Việt Nam là nông dân, thợ thuyền, nội trợ, phu phen lao động, lính tráng, 4,9% còn lại là thầy giáo, cô giáo, tiểu thương, buôn bán, học trò… tất cả đều ít học, hiểu biết rất hạn chế, chỉ có chưa đến 0,1% tạm gọi là trí thức, có trình độ, cho nên thuyết giảng cao hơn không cách gì làm cho quần chúng bình dân lãnh hội được và vì vậy, không có tác dụng đánh thức và chuyển hóa người nghe. Trong lịch sử truyền bá Phật giáo tgại Việt Nam, có lẽ Huỳnh Phú Sổ là người thuyết pháp phù hợp nhất, có ảnh hưởng nhất với quần chúng bình dân. Do đó, ta không lấy làm lạ khi ông trở thành nhà hoằng pháp thành công nhất trong lịch sử 2.000 năm PGVN. Ngay cả đại thiền sư Trúc Lâm Trần Nhân Tông, Hoàng Đế và Thái Thượng Hoàng, Tổ thứ nhất của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử và Tăng Thống của nền Phật giáo thống nhất cực thịnh đời Trần, có lẽ cũng không thành công hơn trong việc thuyết pháp và hoằng pháp.

Sau khi trình bày Tam Nghiệp và Thập Ác, Huỳnh Phú Sổ tóm lược và diễn giải bài Tứ Diệu Đế, là phần chính của bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật cho năm người đệ tử xuất gia đầu tiên của Ngài, từ đó tăng đoàn Phật giáo được thành lập.

Sơ giải về Tứ Diệu Đế:

1/ Khổ đế: Gồm các sự khổ trong đời.

2/ Tập đế: Gồm có các tập nhơn sanh ra quả khổ.

3/ Đạo đế: Gồm có tám đường chánh.

4/ Diệt đế: Phương pháp diệt khổ, hưởng quả Niết Bàn.

 

Sơ giải:

A/ Khổ đế: Đức Phật nói rằng tất cả chúng sanh trong cõi trần nầy chịu muôn ngàn hkổ não, kể chẳng xiết, nhưng có thể tóm tắt lại làm tám điều, vì trong tám điều ấy nó có thể nẩy ra muôn ngàn khổ não kia.

 

1/ Sự sanh khổ: … phải chịu sự tối tăm, tù túng, chẳng thấy trời trăng, bị bao bọc ràng rịt, thai nhi bị sự nuôi dưỡng bằng tinh huyết của mẹ, lúc mẹ đau ốm thì thai nhi yếu ớt, lúc mẹ làm lụng mệt nhọc, thai nhi chẳng yên, lúc mẹ đói cơm, thai nhi dường như cái túi bị treo chẳng cững, lúc mẹ ăn uống no bụng, thai nhi bị sự lấn ép của bao tử và ruột rất nhọc nhằn. Khi đúng ngày giờ sinh phải chun ra cửa sản môn ô uế như hai viên đá ép mình, khi ra khỏi mình mẹ, cảm thấy hơi gió cắt da, đau nhức khó chịu nên cất tiếng khóc để tỏ ý chẳng bằng lòng với cảnh cực nhọc.

Xét như vậy nên Phật mới cho sanh là khổ, mà chúng ta là người học đạo, xét cho chí lý đều cũng phải công nhận sự nhận xét của Phật rất đúng vậy.

 

2/ Sự già khổ: Hễ sanh ra thì lớn, lớn rồi tất phải già, xét nghĩ trong tuổi thanh xuân, đời sống cứng cõi, hoạt động hăng hái, đi đứng lẹ làng, nói năng bặt thiệp, xác thịt mạnh mẽ, học hỏi dễ dàng, tỏ tai mắt sáng, thấy biết nhiều điều. ô hô, mà nay sao lại răng rụng mắt mờ, ù tai, choán óc, da nhăn má cóp, gối mõi lưng khòm, nằm ngồi chậm chập, đi đứng xép xiêng, ăn uống đổ tháo, bọn trẻ dễ khinh, già đành nhờ cậy, đi tay nương gậy, phế việc dân quan, tinh thần hao kém, khí lực hầu tàn, thoạt nhớ thoạt quên, nhiều khi lầm lẫn, tóc bạc da mồi, lắm điều lao nhọc.

Vậy nên Phật mới cho sự già là khổ, mà chúng ta cũng không thể nào không chấp nhận.

 

3/ Sự đau khổ: Nghĩ vì thân thể con người sanh ra cõi trần, có lớn già thì tất nhiên yếu đuối, nếu đã yếu đuối ắt ăn ngủ chẳng được điều hòa, thêm ngoài ra bốn mùa thay đổi tám tiết xoay  vần, do nơi thân già yếu đuối cảm những tà khí mà sanh ra bịnh tật. ôi, hễ thân huyển giả này mang lấy bịnh tật rồi, nào là cơn tỉnh, cơn mê, tay chân nhức nhối, gan ruột quặn đau, phổi héo tim hô, kẻ mang lao mang phổi, phương đàm ho suyển, người thì đui, cùi lở lói, bại xuội sưng tê, thang thuốc chẳng an, khẩn nguyền không giảm, cầu sống chẳng đặng, cầu chết chẳng xong.

Vậy thử hỏi khách trần gian ai mà không muốn xa muốn tránh, mà nào ai được khỏi? Muốn tránh, tránh chẳng được, lại đa mang, như còn khổ não về bịnh tật, bút nào mà tỏ ra cho hết.

 

4/ Sự chết khổ: Vật chi mà sanh trong cõi trần gian theo các công lệ tự nhiên, hễ có sanh ra thì phải có ngày tiêu diệt. Còn cái thân con người của ta do nơi tứ đại (đất, nước, gió, lửa) mà hiệp thành, có bền chắc chi đâu mà tránh khỏi ngày tan rã?

 

Tại sao mà gọi thân tứ đại hiệp thành? Xét rằng tuy là ta thấy có sự cấu tạo của cha mẹ mà thành thân của ta, nhưng mà cái thân này suy gẫm cho kỹ lại: thịt và xương cốt là chắt đặc nên thuộc về đất, máu huyết chất lỏng nên thuộc nước, hơi thở của ta thuộc về gió, sự ấp áp của ta thuộc về lửa.

Nhờ bốn món ấy chung hợp lại mới thành cái xác thịt của ta. Nếu hễ đến ngày tàn tạ rồi thì xương thịt rã ra hườn lại đất, máu huyết chảy ra hườn lại nước, hơi thở dứt đi thì trở lại với gió, sự ấm áp dứt đi thì nó trở lại cái nóng của mặt trời… Nhờ xác thịt mà học họi, kinh nghiệm việc đời, xử sụ tiếp vật, đeo đắm theo lợi lợi danh danh, tài tài sắc sắc, không có chịu tra cứu phân biệt cho rõ giả chơn, ý thức sai lầm, nhận không rằng có, nhận có rằng không, thấy tà nói chánh, gặp chánh tưỏong tà, rồi cũng do sự sai lầm ấy mà nhận huyễn thân này làm thiệt thân của mình, mãi lo o bế sửa sang, dồi mài cạo gọt, cưng nó, dưỡng nó như: tích trữ cơm tiền, kiếm tìm thanh sắc để cho nó vui, xây dựng cửa nhà cho nó ở (vẫn biết rằng ở trong đòi ai cũng phải lo thân, nhưng mà người hiểu đạo, biết rõ cái thân của mình tạm mượn trong thời gian để học hỏi nên lo vừa chừng, chẳng bỏ xác ấy có cái khác, còn người không hiểu đạo thì bo bo giữ nó bằng lối ích kỷ mê lầm) ấy là muốn cho nó được trường tồn, kịp đến khi tử thần gõ cửa, số vô thường đã tới, sanh ra muôn ngàn kinh hãi, thần trí hôn mê, rất trìu mến cõi đời, cửa nhà vợ con, mà không làm sao sống được nữa, nên lúc ấy kẻ phùn mang trợn mặt, người chắt lưỡi nghiến răng, lăn lộn giật mình, kêu than thảm thiết. Xét coi lúc ấy khổ là dường nào”…

 

Nói về cái khổ của con người thì không cách gì liệt kê cho đầy đủ. Thống thiết như Đức Phật đã nói: “Nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước trong bốn biển” cũng không diễn tả hết nổi khổ của con người. “Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, chết là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa những người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm lại, chính thân ngủ uẩn là khổ”, đó là nguyên văn lời Đức Phật dạy trong kinh Chuyển Pháp Luân.

Thật ra, con người ngày nay còn chịu nhiều cái khổ hơn thế nữa, chính yếu là khổ vì chiến tranh, vì chế độ hà khắc, vì bị tù tội, bị mất các quyền tự do và các nhân quyền, vì đói lạnh, thất nghiệp, vì làm việc cực nhọc đầu tắt mắt tối, vì kinh tế khủng hoảng, vì thiên tai, vì cướp bóc, hãm hiếp, vì bị đày ải, áp bức, vì nợ nần, vị kiện tụng…

Tuy trình bày sự thật đau khổ của kiếp người, nhưng đạo Phật là đạo rất lạc quan, rất tích cực vì nó biết rõ nguồn gốc của khổ là do con người tự tạo ra, nên nó đặt trọn vẹn nền tảng giáo lý trên khả năng tự cứu của con người thật sự có khả năng diệt khổ đau, trói buộc, để được giải thoát và an lạc. Tập đế, nguyên nhân sinh ra đau khổ chính là vô minh và ái dục của con người. Nên Diệt đế, chân lý cao thượng về sự diệt khổ là xa rời tâm ái dục, sinh ra bởi vô minh và chấm dứt hoàn toàn mọi sự đau khổ, được Đức Phật trình bày tiếp theo trong Kinh Chuyển Pháp Luân, chính là bát chánh đạo.

Huỳnh Phú Sổ cũng đã dành một phần quan trọng để trình bày về bát chánh đạo như sau và diễn giảng rộng hơn, dài hơn rất nhiều so với lời dạy của Đức Phật trong kinh Chuyển Pháp Luân (điều đáng ngạc nhiên: tứ diệu đế, trong đó có bát chánh đạo, là mấu chốt, nền tảng của đạo Phật mà lại được chính Đức Phật trình bày quá ngắn ngủi, chỉ có mấy trang).

“Luận về Bát Chánh

Trừ xong ba nghiệp chướng (của thân, khẩu, ý) hãy làm theo tám điều chánh, và sau khi diệt được thập ác rồi, tự nhiên mười điều lành hiện ra, như thế ta đã đi thêm được một bước trên con đườngĐạo Hạnh. Những sự tấn bộ ấy không có nghĩa là đạt được mục đích. Thế nên, cần phải hành luônĐạo Bát Chánh tiếp theo, vì đó là quyển kinh nhật tụng của những ai muốn thoát chốn mê đồ, tấn triển trên đường giải thoát.

Bát Chánh gồm có:

1/ Chánh kiến

2/ Chánh tư duy

3/ Chánh nghiệp

4/ Chánh tinh tấn

5/ Chánh mạng

6/ Chánh ngữ

7/ Chánh niệm

8/ Chánh định

 

1.- Chánh kiến: Chánh: đúng sự thật, kiến: thấy, xem xét. Chánh kiến: dòm ngó, xem đúng theo sự thật.

Phàm con người thường hay bị bản ngã lôi cuốn, trí mờ ám làm cho sai chạy ít nhiều sự thật. Khi vì thiếu sự sáng suốt, khi vì tư thù, khi vì lợi kỷ, khiến cho con người không biết đường ngay nẻo thẳng nên sự phán đoán không cônb bình chánh đáng, làm cho kẻ khác chịu oan tình. Vì thế, mục Chánh Kiến dạy ta phải đem trí năng truy cứu sự rắc rối, cẩn thận xem xét tránh sự lạc lầm trong khi phê đoán bất cứ việc gì, dầu của mình hay của kẻ khác. Sự quan sát cực điểm, cách xét đoán tận tường, tránh cho ta những tà kiến (sự xem xét lầm lạc) sai chạy, khiến ta dẹp bản ngã đã làm cho trí tuệ mịt mờ, u ám, giúp cho ta hiểu biết rõ ràng, minh bạch, cách phán đoán được ngay thẳng công bình.

Chẳng thế, nó còn giúp cho ta hiểu biết các điều tục lụy trong trần, biết được lẽ mầu nhiệm tôn giáo khiến ta xua đuổi các điều tà mị, bỏ các sự hay mê, trở về với đạo lý, thoát đọa hồng trần. Nó tránh cho ta tất cả sự giả dối và nhớ thế nên ta khỏi bị lạc lầm trong khi hành đạo.

 

2.- Chánh tư duy: Tư tưởng chơn chánh. Sanh ở trong trần con người thường bị các thị dục cám dỗ: lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng… cái tư tưởng đã rù quyến tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy không thể nào thoát lý ra được. Ấy về phần tà.

Phần chánh dạy rằng: tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư tưởng cho thanh cao, trí ráng tìm cái chân lý, chân lý ấy là cái đạo của mình đối với nhân loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đối với mình. Vì vậy hãy đặt tư tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh linh trong vòng trầm luân oan nghiệt. Hãy tin tưởng Phật Trời và cầu nguyện đấng Thiêng Liêng ban bố phước lành cho nhân chúng. Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo an bần, xả thân tu tỉnh.

 

3.- Chánh Nghiệp: Việc làm chánh đáng ngay thẳng.

Đối với kẻ xuất gia đầu Phật, ngoài những lúc tham thiền nhập định, những khi trì tụng, kinh hành, những khi đọc kinh viết sách, những lúc công quả cho nhà Thiền, chẳng có làm việc chi có thể tạo thành ác nghiệp cả.

Những kẻ tại gia cư sĩ, trái lại, còn cần phải lo kế sinh nhai, mưu cuộc sống còn, tóm lại cũng tại vì xác thân mình ra cả. Tuy nhiên, dầu đời sống của họ có bị sự sinh nhai chi phối song cái chi phối ấy, khác hẳn với kẻ gian tà đạo tặc, chẳng có việc làm gì xảo trá bất nhân. Trong cuộc mưu cầu cho lẽ sống, họ cũng nguyện bỏ những nghề nghiệp gây tai hại cho con người: nuôi điếm, bán á phiện, buôn rượu, đầu cơ, cho vay cắt cổ, v.v…

Đành rằng những người buôn bán ấy không có ép bạn hàng, song tại có họ làm các nghề nghiệp ấy, con người mới bị hư hỏng, trụy lạc, hoang đàng, trà đình tửu điếm… Họ là đồng lõa mà phạm nhân là những kẻ nghiện ngập say sưa.

Thế nên mục Chánh Nghiệp răn cấm chúng ta làm các nghề ấy.

Kẻ tại gia cư sĩ cũng chẳng sát hại vô cớ các sanh vật, hoặc không đánh đập, chém đâm ai có thể gây ra nhiều điều tội lỗi.

 

4.- Chánh tinh tấn: Tín ngưỡng chơn chánh và lướt tới.

Phái vô thần luận thường cho rằng thân xác tức là con người. Thân còn tức là người còn, thân mất, người mất. Không có Thánh, Thần, Trời, Phật, không quả báo luân hồi, cũng chẳng có tội, có phước, có vía, có hồn. Đời là thân xác con người, sống là tranh đấu, mạnh được yếu thua. Thế nên biết bao nhiêu mánh khóe gian hùng, bao nhiêu ngón điêu ngoa xảo trá, boa nhiêu tàn bạo ngược ngang đều được đem ra dùng cả thảy.

Vì vậy, mục Chánh tinh tấn nầy khuyên hãy rán giữ đức tin cho mạnh mẽ. Dầu các thị dục có lớn lao thế mấy, dầu cho có sức lực gì cám dỗ hay bức bách bỏ lòng tín ngưỡng Phật trời đặng theo việc khác, các sự ấy cũng chẳng thể lôi kéo được. Và ta luôn luôn phải nhớ đến công việc cứu vớt quần sanh thoát nơi khổ hải của Đức Thế Tôn, phải nhớ rằng sanh linh đang chìm đắm trong bể hồng trần, rằng ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng sanh chịu khổ, thì ta cũng phải khổ vì họ vậy, rằng ta có cái bổn phận giác ngộ trần trần gian bỏ những oan trái luân hồi cay nghiệt.

Muốn thế trước hết phải tìm phương tự giác, nhắm cảnh Niết bàn tấn tới, quyết chí tu hành đắc thành đạo quả hầu dắt dìu bá tánh thập phương xa miền tục lụy. Người bỏ hết các sự rầu buồn, các điều tà vạy, dẹp lục căn, lục trần và rán làm cho tinh thần được thêm sáng suốt, rèn luyện các đức tánh cho thiện mỹ, yên tịnh, hỉ lạc, nghiêm trang quyết gắng công phu, một lòng bước tới Niết bàn đặng có tế độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi quả báo.

 

5.- Chánh mạng: Sanh mạng chân chánh, trong sạch.

ở đời, người ta hay lấy xác thân mình làm gốc và hay quý trọng săn sóc nó. ấy cũng do lục căn mà ra: nhãn, nhĩ, tỹ thiệt, thân, ý. Mắt ưa xem sắc đẹp, tai ưa nghe tiếng hay, mũi ưa ngửi hương thơm, lưỡi ưa đồ ngon béo, thân ưa sự sung sướng, ý ưa chức phận cao.

Người ta tìm đủ phương thế bổ dưỡng thân xác mìnhlàm cho trí tuệ càng ngày càng thêm mờ ám, ngu đần, không còn lo lắng đến sự tiêu diệt.

Thế nên, hãy xa lánh những điều làm tinh thần bị đen tối, bỏ hết đài các xa hoa, thân mình tự chủ để tìm chỗ bất diệt bất sanh, thiền định đặt làm thể, trí tuệ đặt làm mạng, linh hồn nhập liên hoa, siêu sanh vào cõi Niết Bàn.

 

6.- Chánh ngữ: Lời nói chơn thật.

Lục căn làm cho con người nhiễm lục trần.

Vì muốn nuôi dưỡng xác thân nên mới sanh ra các điều ham hố là nguồn cội các tội lỗi. Trong những tội lỗi ấy cũng có nghiệp chướng của miệng lưỡi: lưỡng thiệt (làm cho thiên hạ bất hòa nhau), ỷ ngôn (lời chưỡi mắng kẻ dưới tay), ác khẩu (tiếng độc ác tục tằn chưởi  rủa Thần Thánh), vọng ngữ (nói láo, nói huyễn hoặc).

Hãy tập lời nói mình cho chân chánh, đúng với sự thật, hãy bỏ hết những xảo ngôn tráo chác, những tiếng thô lỗ cộc cằn, phàm những khi bàn luận việc chi, phải nói tỏ tường ngay thẳng. đối với kẻ dưới bề trên, lời nói phải cho hiền lương đức hạnh và những sự khuyên dạy chỉ bảo kẻ khác làm theo lẽ phải đều có ích lợi cho chúng sanh và đều hạp với tinh thần đạo đức.

 

7.- Chánh niệm: Ghi nhớ chân chánh.

Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, có cũng tưởng, không cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng… Thất tình lục dục bắt buộc con người phải phí biết bao tâm cơ, bao nhiêu trí não phụng sự nó. Danh lợi, cảm tình, uy quyền, phú quý… được hằng ngày ghi nhớ. Vì thế con người mãi mãi lăn lộn trong sáu đường không thoát khỏi vòng sanh tử.

để thoát chỗ luân hồi bỏ cuộc đời lầm than hoạn họa, hãy rán tưởng niệm phương pháp hành đạo, bỏ các điều phù phiếm, ghi nhớ công lao đức Phật đối với quần sanh, bia tạc vào lòng những điều Phật giáo. Phải nhớ rằng thân xác do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) tạo thành và sớm muộn gì nó cũng sẽ bị tan rã. Đặng vậy, ta mới bỏ được các sự xúc động, các mối dục tình tránh điều khổ lụy do nó gây nên.

 

8.- Chánh định: Suy gẫm chân chánh.

Con người thường hay có những ý định làm cho mình được sáng thêm lên, được giàu thêm lên, được sung sướng thêm lên… nghĩa là những ý định hoàn toàn nhỏ nhen thấp thỏi. Họ không hiểu rằng cuộc đời là giả tạm, nay vầy mai khác, thân thế lạc luân, của cải, gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt, mây bèo. Những cái sanh, cái bịnh, cái lão, cái tử được đặt lên cuộc đời của người này rồi đến người khác… rồi đến người khác nữa, nghĩa là cả nhân loại không thiếu sót một ai. Thế mà, họ vẫn cuốn cuồn tâm trí theo bả lợi danh, mùi phú quý, đi theo những vụn vặt, tiểu ti eo hẹp.

Họ không hiểu được rằng kiếp phù du của trần thế, có cái gì không di không dịch, vĩnh viễn trường tồn. Nếu lấy sự thiền định phá tan màn u minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn hết khổ, hết quả báo luân hồi. Và khi ta dùng sự chánh định dẹp tan hết các phiền não rầu buồn, phá tan các làn sóng thị dục lôi kéo vào những nẽo tà, tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt, không nhiễm ô cảnh ngoại, sứt tuyệt hết sự phàm trần, lần bước đi đến cõi Giải thoát”.

 

Phần bát chánh đạo nầy được trích từ cuốn “Cách Tu Hiền Và Sự Ăn ở Của Một Người Bổn Đạo” (quyển sáu), được viết vào tháng 5 dương lịch năm 1945, tại Sài Gòn, khi đó Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ được 26 tuổi.

đây là lối văn được viết cách đây đúng 50 năm, và lối văn bình dân của người Nam Bộ. Có một số tăng, ni, Phật tử chê những lời thuyết giảng của Huỳnh Phú Sổ quá bình dân, tầm thường, nông cạn, kém cỏi hay giáo lý Phật giáo Hòa Hảo không có gì cao siêu, mới mẽ hay không phải là Phật pháp chân chánh của đức Phật Thích Ca. Bát chánh đạo là nền móng của đạo Phật, bất luận tông phái Phật giáo nào, tại bất cứ quốc gia nào và ở bất cứ thời đại nào cũng đều công nhận như thế. đặc biệt đối với các tăng sĩ và Phật tử thuộc Phật giáo Nam Tông, hay Nguyên Thủy, hay Tiểu Thừa (ngày nay và từ hàng thế kỷ nay, các nước này không có ni, không cho phép phụ nữ được xuất gia và không công nhận, không những thế còn bác bỏ, toàn bộ các kinh điển đại thừa như Kim Cang, Lăng Già, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa. Họ coi những kinh điển Phật giáo này không do chínhĐức Phật thuyết giảng. Về mặt tư tưởng cũng như lịch sử, Phật giáo Nguyên Thủy không phải là Phật Giáo Tiểu Thừa, nhưng ở đây ta tạm xử dụng khái niệm thông thường trong nhân gian coi “Nguyên Thủy” là “Tiểu Thừa”. (Muốn biết rõ sự phân biệt này xin đọc ba bộ sách lớn: Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận và đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Kimura Taiken, Quảng Độ dịch).

Cư sĩ Huỳnh Phú Sổ và danh tăng Narada Maha Thera.

Bây giờ ta thử so sánh sự diễn giải bát chánh đạo của Huỳnh Phú Sổ với sự diễn giải của Đại Đức Tích Lan Narada Maha Thera, một học giả Phật Giáo nổi tiếng được công nhận khắp thế giới, trong cuốn The Budda And His Teachings, và được chuyển ra Việt ngữ bởi Phạm Kinh Khánh là “Đức Phật Và Phật Pháp”.  Cuốn sách xuất sắc được coi là sách căn bản cho ai muốn tìm hiểu Phật giáo Nguyên Thủy. Qua sự so sánh này, ta sẽ thấy kiến thức Phật Học và sự diễn giảng Phật Pháp của Huỳnh Phú Sổ là đúng hay sai, cao hay thấp và có hợp với chủ ý của Đức Phật hay không?

Trong kinh Chuyển Pháp Luân cũng như trong chương về Bốn Chân Lý Cao Thượng hay Tứ DiệuĐế của cuốn Đức Phật Và Phật Pháp, bát chánh đạo được trình bày theo thứ tự sau: – Chánh kiến – chánh tư duy – chánh ngữ – chánh nghiệp – chánh mạng – chánh tinh tấn – chánh niệm – chánh định.

Huỳnh Phú Sổ theo thứ tự khác một chút: – chánh kiến – chánh tư duy – chánh nghiệp – chánh tinh tấn – chánh mạng – chánh ngữ – chánh niệm – chánh định.

Cả hai lối trình bày đều để chánh kiến và chánh tư duy trước hết và chánh niệm, chánh định sau cùng, chỉ khác nhau trong sư sắp xếp thứ tự trước sau của chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn theo Thera hay chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh mạng, chánh ngữ theo Huỳnh Phú Sổ.

Sự khác biệt này không quan trọng. Đặt chánh nghiệp, chánh tinh tấn trước chánh mạng, chánh ngữ cũng có lý. Mà đặt chánh ngữ, chánh mạng trước chánh nghiệp, chánh tinh tấn cũng không có gì sai. điều quan trọng là cách diễn giải, vì như đã nói kinh Chuyển Pháp Luân quá ngắn, và trong đó Đức Phật lần đầu nói về bát chánh đạo mà lại không có diễn giải. Bây giờ ta coi có gì khác biết trong sự diễn giải của học giả Tích Lan Naraga Thera và Phật tử Việt Nam Huỳnh Phú Sổ không?

* Narada nói “chánh kiến là hiểu biết đúng đắn, tức am hiểu tận tường Tứ Diệu Đế. Nói cách khác, chánh kiến là thấu triệt thực tướng của bản thân mình”. Và ông chỉ viết vỏn vẹn có 7 hàng cho vấn đề quan trọng này. Đây là cách giải thích vụng về, vì nó bắt người ta phải hiểu “tứ diệu đế” là gì hay “thực tướng” là gì mới hiểu được chánh kiến là gì.

Huỳnh Phú Sổ giải thích chánh kiến là nhìn thấy, xem xét, hiểu biết đúng theo sự thật. Cũng có nghĩa không nhìn thấy, xem xét, hiểu biết theo tà kiến, theo những sự dối trá, giả dối, không đúng với sự thật. ông giải thích bằng cách dùng những chữ như “tà kiến”, “các điều tà mị”, “sự giả dối” để làm sáng tỏ sự diễn giải của ông. Đây là sự giải thích chánh kiến rất chính xác, rõ ràng và đầy đủ.

* Narada viết “chánh tư duy là có những tư tưởng chơn chánh… gạt bỏ những ý tưởng và những khái niệm sai lầm… Chánh tư duy gồm ba phần: Nekkhamma, xuất gia, là sự từ khước những dục vọng trần tục… Avyapada tâm từ ái… Avihimsa không hung bạo hay ôn hòa, hiền lương, lòng bi mẫn…” rồi Ông viết đến 5 trang nói về tâm từ và tâm bi trong mục nói về chánh tư duy (trong khi đó mục chánh kiến ông chỉ viết đúng 7 dòng). Huỳnh Phú Sổ diễn dịch chánh tư duy là tư tưởng chơn chánh, không mãi mãi quây cuồng theo các thị dục cám dỗ, đó là những tà (tư duy). Suy nghĩ chân chánh như thế nào? Ông dạy tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư tưởng thanh cao, rán tìm chân lý, hãy đặt tư tưởng vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh linh, hãy tin tưởng Trời Phật, hãy tìm con đường giải thoát… Ông viết chỉ nửa trang nhưng súc tích, chính xác và cao siêu hơn 5 trang giấy của vị cao tăng Tích Lan.

* Học giả Narada nói: “Chánh ngữ là lời nói chân chánh, không nói dối, không nói đâm thọc, làm cho người này phiền giận người kia, không nói lời thô bỉ và không nói nhảm nhí”. Huỳnh Phú Sổ thì cũng nói gần như thế nhưng đầy đủ hơn, trước hết ông định nghĩa chánh ngữ là lời nói chơn thật, ông khuyên mọi người không nên nói lưỡng thiệt, làm cho thiên hạ bất hòa, ỷ ngôn, chưởi mắng kẻ dưới, ác khẩu, tiếng độc ác, tục tằn, chưởi rủa, vọng ngữ, nói láo, nói huyển hoặc. Ông còn đi xa hơn bằng cách thực hành chánh ngữ như thế nào? Đó là nói lời chơn chánh, đúng sự thật, ngay thẳng, hiền lương đức hạnh, khuyên răn kẻ khác làm theo lẽ phải, nói lời có ích lợi cho chúng sanh và hợp với tinh thần đạo đức.

* Về chánh nghiệp, Narada định nghĩa là “hành động chơn chánh, khả dĩ tạo thiện nghiệp, là không sát sanh, không trộm cắp và không tà dâm”. Huỳnh Phú Sổ cũng định nghĩa chánh nghiệp là việc làm chánh đáng ngay thẳng nhưng ông đi sâu vào việc sinh sống mưu sinh của người Phật tử tại gia, là “nguyện bỏ những nghề nghiệp tai hại cho con người… không vô cớ sát sanh các loài vật, không đánh đập, đâm chém ai”. Cách giải thích chánh nghiệp như Narada rõ ràng là thiếu sót. Ngược lại Huỳnh Phú Sổ coi chánh nghiệp không những là “việc làm, hành động chánh đáng ngay thẳng”, mà còn cần phải có một nghề nghiệp mưu sinh chánh đáng ngay thẳng, “không gây tai hại cho con người”, diễn giải như thế chắc chắn là đúng với ý chỉ của Đức Phật hơn.

* Chánh mạng: là “sanh sống chơn chánh, giữ thân, khẩu, ý trong sạch sống cuộc đời trong sạch, lánh xa năm nghề nuôi mạng tạo nghiệp xấu (buôn bán khí giới, nô bộc, thú vật, chất say và độc dược)” theo Narada. Huỳnh Phú Sổ cũng định nghĩa chánh mạng là “sanh mạng chân chánh, trong sạch”, Ông giải thích bằng cách nói về sự sai lầm, tai hại của việc say đắm theo lục căn, lục trần, bổ dưỡng thân xác mà quên mất trí tuệ, tinh thần bị đen tối, bỏ bớt sự trưởng dưỡng thân xác, “thiền định đặt làm thể, trí tuệ đặt làm mạng, tự chủ tìm chỗ bất sanh bất diệt”. Ở đây Huỳnh Phú Sổ đã diễn giảng cao sâu hơn, đầy đủ hơn và gần gủi nhất với ý của Đức Phật.

* Chánh tinh tấn là “cố gắng chơn chánh, chăm chú kiểm soát thân, khẩu, ý, cố gắng đè nén, tiêu trừ ác pháp, cố gắng phát sanh, trau dồi thiện pháp”. Giải thích như tác giả Naraga là rất hay. Nhưng Huỳnh Phú Sổ đã giải thích hay hơn nữa, cao rộng hơn nữa, hùng mạnh hơn nữa và đi ngay trong lòng Phật pháp. Ông định nghĩa: “Chánh tin tấn là tín ngưỡng chơn chánh và lướt tới“. Thật là tuyệt diệu. ông giải thích bằng cách phê bình quan niệm sai lầm của phát duy vật, vô thần chỉ biết xác thịt, vật chất và đưa ra quan niệm độc đáo, hùng tráng như sau về chánh tinh tấn là không chạy theo vật dục, cám dỗ thấp hèn, rán giữ đức tin cho mạnh mẽ, nhất quyết không bỏ lòng tin ở Phật Trời, luôn luôn nhớ đến việc cứu vớt chúng sanh khỏi biển khổ của đức Phật. Và Ông phát nguyện bồ tát cũng như kêu gọi mọi người cùng phát nguyện bồ tát lớn lao, dũng mãnh: “Ngày giờ nào còn một kẻ trong chúng sanh chịu khổ, ta cũng phải khổ vì họ”. Ông cũng kêu gọi mọi người quyết chí tu hành cho thành chánh quả để hoằng pháp độ sanh, dắt dìu bá tánh xa miền tục lụy. đúng là tinh thần tự giác, giác tha độc đáo, đặc thù của Chư Phật mười phương, ba đời.

* Chánh niệm là “liên tục chú tâm quán tưởng đến thân, thọ, tâm, pháp” để trừ bốn quan niệm sail ầm “ưa thích cái không đáng ưa thích, đau khổ lại coi là hạnh phúc, xem trường tồn cái vô thường, vô ngã lại cho có linh hồn trường cửu” theo Narada. Theo Huỳnh Phú Sổ thì chánh niệm là ghi nhớ chân chánh, không nghĩ tưởng đến thất tình lục dục, mà tưởng niệm đến phương pháp tu hành, đếnĐức Phật, đến Phật pháp, đến sự vô thường của thân tứ đại giả hợp. Cách diễn giải này mới đúng cách dạy của Phật.

* Chánh định là “nhiếp tâm vào một điểm… là điều tối cần nhờ đó tâm minh sát có thể nhận chơn được thực tướng của vạn hữu”. Đó là nguyên văn và toàn bộ sự định nghĩa chánh định của theo đại đức Thera. Huỳnh Phú Sổ định nghĩa chánh định là “suy gẫm chân chánh”, nghĩa là không để tư tưởng, tâm trí chạy theo sự giả huyển của thân xác và cuộc đời, ngược lại, phải suy nghĩ đến sự mong manh, vô thường của vạn pháp, và lấy thiền định phá tan vô minh để cho trí tuệ sáng suốt, giác ngộ xuất hiện. Nghĩ chánh định là nhiếp tâm vào một điểm như Narada cũng như nhiều tăng, ni, phật tử khác e rằng sai lạc.

Vì toàn bộ bát chánh đạo, một cách nhất quán, là gồm hai phần, cho cả tám con đường chân chánh: phần đầu là phần tiêu cực, đả kích những con đường tà và phần sau, là phần tích cực là làm hiển lộ, cỗ vũ, tuyên dương những con đường chánh, giống như phương pháp luận về ngũ giới (gồm ngũ ác và ngũ thiện) hay về thập giới (gồm Thập Ác và Thập Thiện). Nên chánh định không có nghĩa là thiền định, là tập trung tư tưởng hay là ngồi thiền chung chung, mà có nghĩa là suy gẫm, trầm tư chân chánh, hay tập trung tư tưởng chân chánh, đúng theo sự thật, biết tất cả là vô thường, sẽ bị tan rã, tiêu diệt, biết mọi pháp đều vô ngã không có tự tính, chỉ do nhân duyên mà thành, biết tất cả đều trùng trùng liên hệ vào nhau, hòa nhập vào nhau v.v… Nếu định nghĩa chánh định là “nhiếp tâm vào một điểm” như học giả Narada Thera thì Đức Phật chỉ nói Samadhi (định), chớ không cần phải nói Samma Samadhi (chánh định).

Chữ Samma có nghĩa là chân chánh, đúng với chân lý. Đức Phật đã dùng Samma trước tất cả mọi chữ (Samma ditthi: chánh kiến, Samma Samkappa: chánh tư duy, Samma Vaca: chánh ngữ, Samma Kammanta: chánh nghiệp, Samma Ajiva:chánh mạng, Samma Vayama: chánh tinh tấn, Samma Sati: chánh niệm)… vì thời Đức Phật, các đạo sư hay môn phái khác cũng có dạy về tri kiến, tư duy, niệm, định v.v… nhưng những lời dạy này không hoàn toàn phù hợp chân lý và mục đích giác ngộ, giải thoát, như các phương pháp Yoga (du già) cũng là cách để định, nhiếp tâm vào một điểm, nhưng nhằm mục đích khai mở bảy luân xa, chớ không phải để “ngộ nhập Phật tri kiến” như chánh định của Đạo Phật. Huỳnh Phú Sổ đã thấu hiểu và giảng giải chánh định cũng như toàn bộ bát chánh đạo một cách chính xác, đầy đủ và sâu sắc hơn cả một vị cao tăng Tích Lan. Tuyệt vời nhất là Ông đã diễn giải một cách hợp căn cơ, trình độ và nhất là hợp thời đại, như cách Ông định nghĩa chánh tinh tấn là: “tín ngưỡng chân chánh và lướt tới“.

Giữ vững tín ngưỡng Phật Giáo chân chánh và lướt tới cứu vớt quần sanh thoát khỏi biển khổ.

Đó là thông điệp thống thiết của Phật tử Huỳnh Phú Sổ.

Giữ vững tín ngưỡng Phật Giáo chân chánh và dũng mãnh đi tới trên con đường phụng sự đất nước và dân tộc Việt Nam.

Đó là nhật lịnh hùng tráng của Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ.

Giữ vững tín ngưỡng Phật Giáo chân chánh và tấn tới trên con đường từ bi, trí tuệ, giải thoát, quyết chí tu hành đắc thành đạo quả hầu dắt dìu bá tánh, cứu độ chúng sanh.

Đó là di chúc thiêng liêng của Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ.

Từ Thất Sơn, ông đã nhìn thấy Hy Mã Lạp Sơn.

Từ Cửu Long, ông đã thấy sông Hằng.

Ông đã thuyết pháp, hành động trong bónh anh linh của Chư Phật.

 

Chư Phật mười phương, chư Bồ Tát muôn triệu thế giới và chư Tổ, Thánh Tăng và tiền nhân Việt Nam bao thế hệ đã hiển hiện trong Huỳnh Phú Sổ. Cũng như trong mỗi chúng ta đã có sẵn chủng tử Phật tánh, trong mỗi tăng, ni, phật tử Việt Nam đang và sẽ sống trên thế gian đều có sẵn hình bóng, nguyện lực, thần trí, hùng tâm của chư Phật, Bồ Tát, chư Tổ, Thánh Tăng và tiền nhân bao thời đại.

 

Chỉ riêng phần luận về Chánh Tinh Tấn, bồ tát Huỳnh Phú Sổ đã rất gần gủi, nhưng về đạo tâm, và hùng lực, có phần siêu vượt hơn, bồ tát Mã Minh, tác giả vĩ đại của một tác phẩm vĩ đại Luận Đại Thừa Khởi Tín trong phần luận về Thế nào là tu hành môn Tinh Tấn sau đây, theo bản dịch của Cao Hữu Đính:

“Đối với các việc lành, lòng không do dự lùi bước, ý chí kiên cường, xa lìa khiếp nhược, phải nhớ nghĩ rằng từ quá khứ lâu xa đến giờ, mình đã luống chịu quá nhiều đau khổ, hết thân tâm này qua thân tâm khác, mà chảng ích gì. Cho nên giờ đây, phải lo siêng tu các công đức lợi mình lợi người, để chóng thoát khổ… Cần phải dõng mãnh siêng năng, ngày đêm sáu thời, lễ bái chư Phật, thành tâm sám hối, khuyến thỉnh chư Phật thuyết pháp, tùy hỷ công đức và hồi hướng công đức về nơi quá Giác, thường xuyên như vậy, không ngưng không bỏ, thời nghiệp chướng mới tiêu tan và căn lành mới tăng trưởng”.

Không những kế thừa và xiển dương hoàn mỹ những tinh hoa của chư Tổ Phật Giáo Việt Nam như Khuông Việt, Vạn Hạnh, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung… Huỳnh Phú Sổ còn tiếp nối và phát huy tinh thần Phật Giáo đại thừa vào thời đại, từ suối nguồn xa xưa của chư Tổ Phật Giáo thế giới như Duy Ma Cật, Mã Minh, Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Huệ Năng, Nhật Liên…

Nói đến giáo lý Phật Giáo căn bản mà không đề cập đến Thập Nhị Nhân Duyên thì đó là điều thiếu sót. Tuy nhiên giáo lý thập nhị nhân duyên đã là rất cao, phải có trình độ đại học hay căn cơ tu hành từ nhiều kiếp may mới thấu hiểu tường tận. Ngay từ khi 23 tuổi, năm 1942, Huỳnh Phú Sổ đã thuyết pháp về Thập Nhị Nhân Duyên một cách đơn giản, dễ hiểu như sau cho các tín đồ của Ông, là những nông dân chất phác. Ông tạm dùng một số từ ngữ thông dụng trong nhân gian như linh hồn, bản ngã để nói cho dễ hiểu, thật ra trong Phật Giáo không chấp nhận có linh hồn vĩnh cửu hay bản ngã trường tồn mà chỉ chấp nhận có “danh” và “sắc”, tức Tâm và thân xác là hai thành phần cấu tạo con người và “thức tái sanh”, theo giáo lý nguyên thủy hay A lại gia thức, theo Đại Thừa. Chất chứa tất cả thiện nghiệp và ác nghiệp, là cái đưa đến sự tái sinh, luân hồi. Hay ông dùng một số chữ không còn thông dụng ngày nay như bảo thủ (nắm giữ) hay xúc động (cảm xúc).

Thập Nhị Nhơn Duyên

Nhơn duyên thứ nhất phát kởi từ màn vô minh mà che lấp bản ngã (linh hồn) nên làm cho người phải tăm tối mê say, gây tạo ác nghiệp, chịu nẻo luân hồi thống khổ.

Đây là 12 duyên sanh: Vô minh sanh hành, hành sanh thức, thức sanh danh sắc, danh sắc sanh lục nhập, lục nhập sanh xúc động, xúc động sanh thọ cảm, thọ cảm sanh ái, ái sanh bảo thủ, bảo thủ sanh hữu, hữu sanh sanh, sanh sanh lão tử.

Đó là 12 duyên sanh, nó dắt đi từ kiếp nầy đến kiếp kia không có dứt. Cái vô minh nghĩa là tối tăm mê dốt, từ hồi vô thỉ. Có mê dốt ta mới hành động, rồi hành động ấy sanh ra muôn pháp, nên mới có cái thức (biết), ví như loài cây cỏ, sắt đá (vô tình) không biết chi cả, ađ6u có danh sắc, còn ta là loài hữu tình cái biết ấy nên có xác thịt và linh hồn, danh sắc. Xác thịt và linh hồn có thì phải có 6 căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhiễm với 6 trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nên gọi là lục nhập. Có lục nhập mới có tiếp xúc với mọi người và vạn vật, nên gọi là xúc động, rồi từ chỗ tiếp xúc mới thọ hưuởng của tiền trần nên gọi là thọ cảm. Có thọ cảm, thọ hưởng của tiền trần moơi có cái ưa thích, quyến luyến, thâm tình nên gọi là ái.

Muôn việc chi ở đời, nếu ta yêu thích cái điều đó, thì ta phải gắng công giữ gìn chặt chịa nên gọi là bảo thủ, mà giữ gìn chặt chịa thì mới có sống, nếu không, làm sao mà ta sống, nên gọi là hữu. Rồi cái sống ấy, mến tiếc ấy mới đầu thai trở lại cõi trần đặng hưởng dụng nên gọi là sanh. Muôn loài vạn vật hễ sanh ra thì lớn, hễ lớn thì sẽ già bị trong thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) làm nên nào là tứ thời cảm mạo, ất hòa, hễ già thì yếu đau, nếu đau tất phải chết, nên gọi là lão tử. Ấy vậy cái nghiệp nhơn của già, chết ấy là tại cái vô minh mà ra tất cả.

 

Môn Hoàn Diệt

 

Nếu ta tìm con đường bát chánh đạo của Phật mà đi, giữ tâm thanh tịnh, làm việc nhơn từ, không lòng hờn giận, chả dạ ghét ganh, chuyên tâm niệm Phật, giúp thế độ đời, đừng chứa điều phiền não và để bụng tham lam ích kỷ, gây mối thiện duyên, lần lần trí huệ mở mang, cõi lòng sáng suốt, thì màn vô minh sẽ bị diệt mất.

Vô minh bị diệt thì hành diệt, hành bị diệt thì thức diệt, thức bị diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc động diệt, xúc động diệt thì thọ cảm diêẹt, thọ cảm diệt thì ái diệt, ái diệt thì bảo thủ diệt, bảo thủ diệt thì hữu diệt, hữu bị diệt thì sanh diệt, sanh bị diệt thì lãi tử diệt. ấy là giải thoát vậy.

Bạc Liêu, năm Nhâm Ngũ (1942)”.

 

Thập nhị nhân duyên đã được trình bày như trên là cách trình bày giản dị và sáng tỏ nhất. Ta hãy so sánh bài thuyết pháp về thập nhị nhân duyên trên đây của Huỳnh Phú Sổ và bài viết cùng đề tài dưới đây của Long Thọ Nàgàrjuna, người được coi là bồ tát, triết gia, học giả Phật Giáo vĩ đại nhất, trong cuốn Trung Quán Luận (Madhyamakakàrikà), theo bản dịch của Thích Viên Lý:

“Phẩm thứ hai mươi sáu

Quán mười hai nhân duyên

Chúng sanh vì bị si mê (vô minh) che lấp nên đã khởi sanh ba nghiệp (ba hành: thân, khẩu, ý) và bị nghiệp (hành) dẫn khởi nên theo nghiệp (hành) mà đọa lạc trong sáu thú (sáu nẻo đường, cảnh giới: Thiên, nhân, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh).

Vì nhân và duyên của các hành nên thức cảm thọ lấy cái thân mạng của sanh tử sáu đường và vì có sự đeo níu thủ chấp của thức (thức nhập vào bào thai bám giữ lấy tinh cha huyết mẹ để cấu thành sinh mạng) nên danh (tâm) và sắc (pháp, thân, vật thể) được tăng trưởng.

Vì danh sắc tăng trưởng nên nhân đó sanh ra lục nhập (sáu căn được hoàn thành) do sự hòa hợp của lục tình (lục căn), lục trần và lục thức nên sanh ra lục súc, vì nhân lục xuất mà liền (tức khắc) khởi sinh ba cảm thọ (tam thọ) vì nhân ba cảm thọ nên sanh ra khát ái, nhân ái mà có bốn thủ (bốn loại thủ chấp: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã ngữ thủ) nhân thủ nên có hữu… Từ hữu mà có sanh, từ sanh nên có già chết, từ già chết nên có các ưu bi khổ não… Những sự kiện trên đều xuất phát từ quá trình phát triển của một sinh mạng mà có. Chỉ vì 12 nhân duyên này mà tập đại thành khổ ấm… Cái gọi là sanh tử chính là cội nguồn của các hành (nghiệp) được tạo ra bởi kẻ vô minh. Bậc trí giả (người có trí tuệ bát nhã) không tạo nên những sự kiện ấy, vì thế vô minh diệt nên những sự kiện ấy (hành, thức, v.v…) không thể sanh khởi, chỉ vì vô minh mà những khổ ấm tụ họp sanh khởi, thế nên vô minh diệt thì chính là diệt trừ tận gốc mọi khổ đau sinh tử luân hồi”.

 

Đọc đoạn văn trên, được coi là đoạn văn dễ hiểu nhất, sáng sủa nhất, của bồ tát Long Thọ trong Trung Quán Luận, thì ta mới thấy bồ tát Huỳnh Phú Sổ là một thiên tài lớn trong việc giới thiệu, trình bày Phật pháp, một hệ thống tư tưởng cao siêu, phức tạp nhất, thành một hệ thống giáo lý ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu và áp dụng đối với quảng đại quần chúng bình dân. Và Long Thọ đúng là một thiên tài lớn trong việc làm cho rối rắm, phức tạp hơn tư tưởng Phật học.

Tuy là giáo lý căn bản nhưng thập nhị nhân duyên là một giáo lý vô cùng phức tạp giải thích tiến trình tái sinh của mọi con người và hiện tượng sinh tử của mỗi con người, chớ không phải là giáo lý về sự tiến hóa của vũ trụ. Có thể tóm tắt như sau: vô minh là không nhận thức được thực tướng của vạn pháp và chân tướng của mình. Hành là tất cả tư tưởng, lời nói, hành động thiện và bất thiện. Vô minh và hành của quá khứ đưa đến sự tái sinh qua Thức. Thức ở đây có nghĩa là “thức tái sanh” bao gồm tất cả nghiệp quả của các kiếp trước. Bào thai trong bụng mẹ được hình thành nhờ tinh trùng, minh châu của cha mẹ và thức tái sinh. Danh (phần vô hình) và sắc (phần hữu hình) tức là Tâm và thân xác phát sinh cùng một lúc với thức tái sinh.

Lục nhập tức sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý và đối tượng của chúng ta là sáu trần: sắc, tiếng, mùi, vị, xúc, pháp sanh cùng lúc với thức tái sanh, ban đầu rất đơn giản, càng ngày càng phức tạp, tinh vi.

Sự giao tiếp giữa sáu căn và sáu trần một cách có ý thức sinh ra xúc. Xúc sinh ra thọ, thọ có thọ lạc hay cảm giác vui, hạnh phúc, thọ khổ, cảm giác buồn, phiền não hay vô ký, không an lạc cũng không đau khổ. Tùy thuộc nơi thọ, ái phát sinh. Vô minh và ái dục là hai yếu tố quan trọng nhất, quyết định tiến trình tái sinh, luần hồi. Vô minh là nguyên nhân quá khứ, đưa đến tái sinh hiện tại.Ái dục là nguyên nhân hiện tại, đưa đến tái sinh trong tương lai. Có tổng cộng 108 thứ ái dục.

Đức Phật đã vô cùng có lý khi gọi thế giới này là dục giới vì ái dục là sực mạnh dữ hội, ngự trị thế gian này. Tùy thuộc nơi ái, sinh ra thủ, tức là cố bám lấy vật ham muốn. Tùy thuộc nơi thủ, hữu phát sinh. Hữu là hành ộng trong hiện tại và tạo điều kiện cho sự tái sinh sắp đến. Tùy thuộc nơi hữu, có sự sinh trong kiếp kế đến. Lão và Tử tức già và chết là hậu quả đương nhiên của sinh. Đó là cái vòng luân hồi, tái sinh vô tận của con người.

Sau khi trình bày những giáo lý căn bản của Phật Giáo, đồng thời cũng là những giáo lý nền tảng của Phật Giáo Hòa Hảo, Huỳnh Phú Sổ nói về tương quan giữa Phật và chúng sinh.

“Đức Phật đối với chúng sanh:

Một ông cha ở trong gia đình vẫn có lòng thương xót hết các con, dù lớn nhỏ, khôn dại gì cũng vậy. Tại sao? Vì xét ra lớn nhỏ là tại đứa sanh ra trước, đứa sanh sau, khôn dại là tại đứa chăm học cùng biếng trễ, chớ cũng đồng là con đều do huyết nhục sanh ra. Vậy bổn phận ông cha là hết lòng lo dạy dỗ các con, lo lắng cho có gia cư, nghiệp nghệ, tài sản để cho con, ruộng đất để cho con. Vậy thì tình thương vẫn đồng, mà cái chỗ âu yếm ban thưởng nhiều khi có khác, ấy là tùy theo mỗi đứa…

Cũng mường tượng như trên, hỡi các người, Đức Phật đối với chúng sanh và môn đồ như người cha đối với các hạng con trên đây vậy. Phật cũng yêu hết chúng sanh, dầu kẻ ngu, người trí, yêu tất cả môn đồ, dầu kẻ biếng nhác với kẻ siêng năng. Bởi tại duyên nghiệp mỗi chúng sanh chẳng đồng nhau, tu cao thấp khác nhau, nhưng mỗi chúng sanh đều có Phật tánh. Vậy lòng từ bi của Phật là vì thương xót chúng sanh, lo dạy dỗ chúng sanh, nhưng mà sự gần gủi và ban phước huệ vẫn có khác, vì phải tùy theo mỗi kẻ tín đồ. Người tín đồ nào hằng ngày vâng lời Phật dạy, ráng lo học hỏi, tìm kiếm đạo mầu, quí trọng chuyện lành thì Phật thường gần gủi thường ban thưởng cho kẻ tín đồ nào quí trọng kinh luật của Phật, chăm lo giữ theo giới luật, cẩn thận từ lời nói, việc làm, đừng để cho người ta nhạo báng Phật hay chê bai Thầy của mình.

Còn những kẻ tín đồ dối tu, chẳng vâng lời dạy, chẳng giữ giới luật thì trên là Đức Phật và dưới là ông Thầy của kẻ ấy chỉ lấy lòng từ bi mà nhận sự trách cứ của kẻ ngoại đạo, chớ không thể nào mà gần gủi và ban phước huệ cho kẻ chẳng thành tín kia đặng.

 

Bạc Liêu, ngày 24-8 Nhâm Ngũ (1942)”.

 

So sánh Phật như người cha lành và khuyên dạy tín đồ tu hành để được Phật gần gủi, ban phước huệ quả thật là mt cách thuyết pháp linh nghiệm đối với quần chúng bình dân. Toàn bộ Thần học Thiên Chúa Giáo và trăm ngàn cách truyền đạo Thiên Chúa Giáo cũng không đi ra ngoài hai luận đề này. Đạo Thiên Chúa vì quá đơn sơ và quá hời hợt như thế nên thích hợp với số đông người, là cái đa số kém trí tuệ và lười biếng, chỉ tin và làm những điều dễ dãi, giản dị: tin vào Thượng Đế, vào Chúa và cầu nguyện để được lên thiên đàng.

Suốt 20 thế kỷ nay nếu có một ai đã được lên thiên đàng như thế sao không thấy họ báo mộng cho thân nhân, bạn bè hay biết, hay hóa hiện diễn tả cảnh thiên đàng như thế nào? Tôi dám chắc suốt 2.000 năm nay các vị Giáo Hoàng cũng không được lên thiên đàng như thế, nói gì đến những con chiên. Vì sự giải thoát chỉ có thể đến từ trí tuệ, kết quả của sự thiền định và tu chứng kiên trì, lâu dài, chớ không thể đến từ niềm tin sai lầm và sự cầu nguyện mù quáng.

Đạo Phật cao sâu hơn, vi diệu hơn và thật sự chỉ có những người có trí tuệ cao hơn mức bình thường, hay có căn cơ tu hành từ nhiều kiếp trước, mới dễ dàng thấu hiểu và phải nổ lực, tinh tấn tu hành mới mong có sự tiến bộ về trí tuệ, tâm linh, chớ không chỉ tin suông và cầu nguyện, lễ bái suông mà  có kết quả. đối với kẻ sơ cơ, để giới thiệu họ đi vào thế giới Phật Giáo, trình bày Đức Phật và khuyên dạy họ tu hành như cách Huỳnh Phú Sổ viết trên đây, là thích hợp nhất mà không đi ngược với yếu chỉ, tinh thần tự lực, tự giác của Đạo Phật.

Sau khi giới thiệu Đức Phật là người cha lành, thương yêu hết tất cả mọi người và khuyên mọi người ráng lo học hỏi, tu hành, làm lành, lánh dữ, Huỳnh Phú Sổ đi sâu vào tinh hoa của Phật học, khuyên dạy đệ tử tu học và áp dụng đạo Phật vào cuộc đời. Dù xử dụng những từ ngữ rất bình dân, rất phổ thông, nhưng nội dung của bài thuyết pháp sau đây vừa sâu sắc, và vừa thực tế, coi như tóm lược đầy đủ nền Phật Giáo ứng dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy vắn tắt nhưng nó cũng đủ cao siêu hơn và hợp với chân lý hơn tất cả những lời tuyên bố của Chúa Jesus Schrist:

“Lời Khuyên Bổn Đạo

Trong khi các trò còn ở trong biển mê sông khổ, thường bị những chướng nghiệp nhiều đời mà làm cho linh hồn chìm đắm trong ba cõi sáu đường, xuống xuống lên lên, luân hồi chuyển kiếp, ấy cũng tại sự mê lầm của lục căn mà say đắm lục trần, ý thức lầm lạc ấy khiến các trò nhận lấy cái thân ô trược này là thật, cái cảnh phú quý cùng cuộc tình duyên tồn tại vui say. Nào hay thân vô thường tạm nương tứ đại hiệp thành. Cuộc phú quí tựa đám phù vân, cái sắc nước hương trời ấy của các trò có khác chi cành hoa sớm nở chiều tàn, không chi bền chắc, còn tội chướng thì linh hồn phải chịu luân chuyển báo đền.

Ngày nay đã tỉnh ngộ quy y cùng Phật pháp. Như vậy cửa trường sanh bất diệt các trò đã gặp nẽo, nương đèn trí huệ, ly xuất phàm trần, chán cảnh phồn hoa, tìm nơi tịch tịnh. Nhưng các trò tuy lòng mộ Đạo, chớ chưa hiểu rành nẻo bước đường đi. Hãy tạm xét chữ qui y cho thấu đáo: Qui là về, mà về đâu? Về cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn mẫu.

Vậy qui y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy. Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện theo cách nấy. Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo ách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhứt ở chỗ giữ giới luật hằng ngày. Còn sự lễ bái là điều phụ thuộc, là món trợ đạo để nhắc nhở các trò nhớ phận sự mà làm. Thầy xét trong tam nghiệp các trò còn mang nặng lắm. Trong đường tu, nương theo tam nghiệp thì khổ não lắm. Chúng sanh tịnh được tam nghiệp mới mong về cõi Phật. Tam nghiệp là: Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp (đọc lại trong cuốn Khuyến Thiện).

Nhưng Thầy xét lại khẩu nghiệp của các trò nặng nề hơn hết. Hãy lấy gươm trí huệ mà dọn sạch ma lòng, hãy lấy lòng khoan dung mà đối đãi lẫn nhau, hãy lấy lòng bác ái nhân đạo mà cư xử với mọi người. Cần hiểu cái lý vô ngã của nhà Phật. Hãy ráng sức thi hành sẽ có Thầy ủng hộ.

Kệ rằng:

Đạo pháp thường hay dung với hòa,

Xét người cho tột xét thân ta.

Nếu người rõ phận vui lòng thứ,

Ta thứ được người, người thứ ta.

 

Bạc Liêu, năm Nhâm Ngũ”.

 

Đạo Phật vừa là con đường giải thoát tâm linh, vừa là một nền luân lý đạo đức mẫu mực mà trong đó, giá trị đóng góp lớn lao cho quốc gia xã hội của Phật Giáo, chính là ở trong lãnh vực luân lý đạo đức.

Huỳnh Phú Sổ đã nắm vững tinh yếu này của Phật Đạo và tập trung nhiều nổ lực trong việc rao giảng luân lý đạo đức Phật Giáo, lấy đó làm giềng mối, nền tảng tinh thần cho cuộc sống. Cũng giống như Đức Phật, Ông đã kích những sự lễ bái suông, Ông cũng phản đối những tín ngưỡng mù quáng. Ông kêu gọi mọi người hãy suy nghĩ chín chắn, phán đoán cẩn trọng, quyết định sáng suốt khi theo Đạo Phật hay theo bất kỳ một tôn giáo nào khác. Ông cũng rất gần với Đức Phật, cũng như khoa học ngày nay, trong việc đề cao lý trí, vai trò quan trọng của tư tưởng và nói rõ chỉ có trí tuệ mới giải phóng con người, chớ không phải sự cầu nguyện, lễ bái hay tôn thờ những tín ngưỡng mê tín, huyền hoặc:

“Trong việc tu thân xử kỷ

Sự lễ bái không đủ cho ta tỏ ra một tín đồ chân thành của đạo Phật được. Tại sao vậy?

Vì Đức Phật không bao giờ ngỏ ý rằng “các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người” mà trái lại, Ngài dạy rằng “Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình”. Thiệt hành theo giáo lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy.

Ta hãy đem đức tin trong sạch mà thờ kỉnh Phật và hãy đem lòng lành mà hành động y theo lời phán dạy của Phật.

Nếu ta cử đem đức tin thờ phượng tôn giáo bằng cách sai lầm thì rất có hại cho đời mạng của ta. Như vậy chỉ tỏ ra một người rất mê tín (mặc dầu đạo của ta thờ là một đạo rất chánh đáng).

Vậy đồng thời với Đức Tin và Lòng Lành phải để cho nó đi cặp luôn luôn.

Có Đức Tin mà thiếu Lòng Lành thì rất dễ bị tà thần cám dỗ, bọn tăng đồ lợi dưỡng gạt lường. Bởi những kẻ ấy thường bày ra cúng kiếng để cuộc tội hoặc bắt buộc ta thờ kính một cách phiền phức làm cho lòng u tối của ta càng ngày càng u tối thêm.

Còn có Lòng Lành mà thiếu Đức Tin vào công việc từ thiện của mình thì Lòng Lành ấy thường hay thối chuyển vậy.

Có Đức Tin và Lòng Lành rồi thì dùng trí huệ mà bình đoán cái đạo của ta đang học hay sẽ học một cách xác thực, tìm hiểu cho rõ ràng cái mục đích ấy, như thế mới mong thoát khỏi tà kiến gạt gẫm ta đem Đức Tin, Lòng Lành cống hiến vào chỗ thấp hèn hay một ông thầy mê dốt.

Người học đạo muốn mở mang trí huệ cần phẻi tìm phương pháp diệt cái vô minh (tối tăm ngu muội).

Muốn diệt cái vô minh trước phải điêu luyện khối tinh thần cho mạnh mẽ đặng tự lập con đường rõ ràng, duy nhất của mối đạo mình đang học để lấy đó làm cương mục mà bài trừ những thành kiến, cố chấp, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu ngạo, tật đố, gièm siểm, dua nịnh, ích kỷ tư tâm, sự gây gỗ, mê đắm trong bể dục tình và sự phiền não nó làm cho náo loạn cõi lòng. Nên bài trừ được nó rồi trí huệ tất mở mang vậy.

Người có tâm nếu không tập suy gẫm cho mở trí thì hay dễ bị lường gạt.

Người có trí mà vô tâm thì hay xảo trá. Nên trí và tâm người học đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai để lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho tâm chủ trì.

Được như thế ta học Đạo mau thành công đắc quả.

Đừng thầy ai theo mối đạo nào đông đảo rồi ta cũng vội vàng theo đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo lý ấy như thế nào.

Cũng đừng thấy ai thờ Phật rồi vội vã lập bàn thờ Phật, mà chưa hiểu ông Phật thế nào và tại sao phải thờ kính Đức Phật. Nếu tu như thế, thờ Phật như thế, thì càng tu, càng thờ bao nhiêu càng tỏ ra cho thiên hạ thấy rõ ta mê tín bấy nhiêu. Đó cũng là cái đích để cho người vô đạo nhắm đó mà bài bác, nhạo chê, hủy báng và cũng rất uổng cho công trình thành kính lễ bái của ta vậy.

Cho nên tránh những điều ấy, trước khi thờ, học đạo nào, hay theo ông thầy nào, ta hãy suy gẫm phán đoán kỹ càng, chừng hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, Thầy ấy. Chẳng được như thế, dầu mình theo đạo rất chánh đáng, ông Thầy rất thông minh cũng chẳng ích chi cho mình cả.

Sự đầu tiên của người hành đạo là cốt sửa những tư tưởng, tìm cách đánh đổ tư tưởng xấu xa, đem thay vào những tư tưởng ôn hòa, đạo đức.

Bạc Liêu, năm Nhâm Ngũ”.

 

Năm 1942, khi chỉ 23 tuổi, Huỳnh Phú Sổ đã giảng dạy được những lời giảng chí lý, sâu sắc, khai phóng, phá chấp như thế, thì thử hỏi trên thế giới này, từ cổ chú kim, có ai ở tuổi đó mà đã giảng dạy được như thế?

Lập lại những bài thuyết pháp của Đức Phật thì ai cũng làm được, nhưng giảng giải, khai triển những tư tưởng Phật học cho hợp với căn cơ, trình độ quần chúng và với thời đại, trung thành với giáo lý cao siêu và tinh thần giác ngộ của Đức Phật và vẫn triển khai, một cách trong sáng, giản dị, những tinh hoa của đạo Phật, cho đến những người ít học nhất cũng hiểu được và thực hành được, thì Huỳnh Phú Sổ quả thật là một thiên tài. Hơn thế nữa, chỉ công đức hoằng pháp cho hàng triệu người, không kể những cống hiến cao quý khác của Ông cho quốc gia, dân tộc Việt Nam, cũng đủ để tán dương Ông như một vị Bồ Tát của Phật giáo Việt Nam.

Trở Về

Tìm Kiếm