Bóng Người Xưa (2)
Chương 2
Từ ngày ra Nha Trang, Thúy Ái đã nghiễm nhiên là một cô giáo trẻ. Oâng bà Nghĩa là người tử tế nên Thúy Ái hết sức mừng thầm là nàng gặp được ông bà bác sĩ thứ nhì.
Oâng Nghĩa vì lo công việc thường phải đi xa, còn bà Nghĩa thì lo việc sổ sách tính toán, phân phát tiềng nong.
Việc dạy dỗ và săn dóc ba con, bà giao cả cho Thúy Ái. Trọng Lang và Trọng Minh đi học ở trường công, về nhà Thúy Ái chỉ thêm bài và nhắc nhở học hành. Còn Ánh Hoa thì học ở nhà với Thúy Ái. Ngoài việc dạy dỗ ba trẻ, Thúy Ái còn thì giờ thì lo sắp đặt cho có thứ tự trong nhà. Bà Nghĩa thấy nhờ Thúy Ái mà việc nhà ngăn nắp thì hết sức vui mừng…
Mỗi buổi chiều, Thúy Ái lại đưa Trọng Lang, Trọng Minh, Ánh Hoa ra bãi biển chơi. Ba đứa trẻ hết sức thương yêu Thúy Ái…
Nhờ có Thúy Ái, bà Nghĩa giúp đỡ ông Nghĩa được nhiều việc lắm. Bà tin cậy giao nhà cửa, tiền chợ, tiêu vặt cho Thúy Ái, để đi theo ông Nghĩa lên Đà Lạt điều khiển thợ thuyền làm hai ba dãy phố lớn. Oâng Nghĩa đỡ mệt nhọc, vất vả, nên hết sức quí Thúy Ái…
Từ ngày về nt nhờ khí hậu tốt, Thúy Ái da dẻ hồng hào và người đẹp ra hơn trước nhiều lắm. Đôi khi nhìn vào kiếng, Thúy Ái cũng lấy làm ngạc nhiên về sự thay đổi ấy, Thúy Ái thường viết thư cho Kim Chi và Ngọc Diệp và cũng có gởi những tấm ảnh chụp chung với ba con bà Nghĩa.
Những lúc rảnh rang, Thúy Ái đọc sách và tự học. Thúy Ái thấy mình tiến bộ hơn trước. Bạn bè của ông Nghĩa có rất nhiều. Nhiều người đã để ý đến Thúy Ái. Họ thường nói với ông Nghĩa:
– Các thiếu nữ đời bây giờ ít ai được như cô giáo của ông. Tôi có con trai lớn thì thế nào tôi cũng cưới cô ấy cho con tôi!
Oâng Nghĩa cười nói:
– Lại tính chuyện phá công ăn việc làm của tôi sa? Vợ chồng tôi nhờ cô Thúy Ái mà công việc được mở mang thêm đó, chúng tôi mong sao cho cô Thúy Ái ở đây với chúng tôi vài ba năm rồi hãy nghĩ đến việc lấy chồng.
Mọi người đều cười nói:
– Rõ là ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến hạnh phúc của cô Thúy Ái. Cô ấy trẻ và đẹp tế, chắc gì ở mãi đây được, người ta có chịu để cô Thúy Ái ở mãi đây đâu.
Bà Nghĩa nói:
– Vâng, thì có cô thiếu nữ nào trẻ và đẹp mà ở mãu vậy được đâu. Nhưng về chuyện lập gia đình, cô Thúy Ái chắc chưa hề nghĩ đến.
Mọi người đều hỏi:
– Sao chị biết rõ như thế?
Bà Nghĩa nói:
– Thúy Ái mồ côi cha mẹ từ thuở bé, được bà cô nuôi cho đi học, nhưng ngoài giờ học Thúy Ái còn phải lo làm việc nhà. Mấy năm trời cực khổ, khi đậu xong bằng Trung học phổ thông thì bà cô lại đai lấy chồng. Thúy Ái bơ vơ, tìm việc không ra phải đi làm cho bà bác sĩ. Giờ đây được chỗ làm tử tế, nàng không dại gì lập ngay gia đình. Nàng muốn hưởng vài năm tự do sung sướng đã. Lập gia đình là ràng buộc mình trong bao nhiêu phận sự. Thúy Ái đã nói rõ ý ấy với tôi.
Oâng Nghĩa nói:
– Sự thật thì không đợi các anh làm mai làm mối. Chính tôi khi được hiểu Thúy Ái là người nết na, tôi cũng có ý định làm mai cho thằng cháu tôi… Nhưng nhà tôi đã cho tôi biết là Thúy Ái nhất định chưa lập gia đình ngay bây giờ, Thúy Ái muốn có một số tiền đã.
Bà Nghĩa thêm vào:
– Vả lại cũng chưa có ai đủ điều kiện đem hạnh phúc đến cho Thúy Ái. Thúy Ái đã sống một thời thơ ấu thiếu thốn vật chất và tình yêu… Giờ đây muốn chiếm được quả tim nàng, người chồng tương lai ấy phải có đủ tiền và tình.
Một người nói:
– Nhất định là như thế… Nhiều người cứ bướng bỉnh bảo rằng, một túp lều tranh và một tấm lòng chung thủy là đủ cho cặp vợ chồng son trẻ. Theo tôi, ái tình phải xây đắp trên một nền kinh tế vững vàng thì mới lâu dài và bền chắc, phải thế không các bạn?
Bà Nghĩa nói:
– Đúng như thế. Yêu nhau mà chỉ uống nước lạnh thì làm sao sống nổi?
Người nào gặp Thúy Ái cũng khen nàng thùy mị, nết na… Nhưng tự Thúy Ái, Thúy Ái không bao giờ cho mình là đẹp. Nàng lại không biết trang điểm, cũng chưa biết giao thiệp.
Những buổi chiều đưa các con bà Nghĩa dạo chơi ngoài bãi biển, Thúy Ái thường gặp nhiều bạn trẻ. Họ tìm cách làm quen với Thúy Ái, nhưng Thúy Ái thấy sao nàng vụng về quá, không biết nói chuyện, cũng không thạo đời như các cô, các cậu ấy.
Một thiếu nữ thành thật nói với Thúy Ái:
– Chị ở Sài Gòn sao chị không biết gì về thành phố xa hoa ấy cả, chắc là chị ít đi chơi lắm?
Thúy Ái chỉ mỉm cười. Ngoài nhà bà cô, mái trường và cái chợ, có lẽ Thúy Ái không còn biết gì nữa cả.
Đến tắm biển, Thúy Ái cũng không thích. Bà Nghĩa mua cho Thúy Ái một cái áo tắm thật đẹp, Thúy Ái đóng cửa phòng lại, thay bận thử và thấy ngượng nghịu làm sao… Với ý nghĩ mang áo tắm hở hang này đi ra bãi biển trước cả trăm cặp mắt, Thúy Ái đã đỏ bừng mặt. Nàng không hiểu tại sao các cô thiếu nữ lại đủ can đảm mặc những chiếc áo may-dô như thế…
Bà Nghĩa thấy Thúy Ái không chịu mặc may-dô để tắm thì hỏi:
– Ở Nha Trang mà không tắm biển thì uổng lắm cháu ạ! Ơû đâu người ta còn tới đây tắm nữa là.
Lâu lắm và quen với cái sống ồ ạt, Thúy Ái mới dám tắm và nàng chỉ lựa những giờ vắng người.
Thúy Ái mặc may-dô đi tắm lần đầu, bà Nghĩa khen:
– Chà, cháu có một thân hình đẹp quá… Thế mà hằng ngày mặc áo quần rộng rinh, có ai thấy và thưởng thức vẻ đẹp của cháu đâu.
Nghe bà Nghĩa nói thế, Thúy Ái càng hổ thẹn.
Ánh Hoa nhìn Thúy Ái rồi nói:
– Chị Thúy Ái đẹp quá, hai chân chị trắng hơn mẹ nhiều.
Bà Nghĩa cười.
Cuộc sống của Thúy Ái tại nhà bà Nghĩa là một chuỗi ngày êm đềm, hạnh phúc. Thúy Ái được ông bà Nghĩa thương yêu như cháu, còn Trọng Lang, Trọng Minh và Ánh Hoa thì yêu nàng như một người chị.
Thúy Ái thấy đời nàng đầy đủ và không ước mong gì hơn nữa. Thúy Ái không biết âm nhạc, bà Nghĩa liền rước một giáo sư về dạy cho ba con và bảo Thúy Ái học luôn thể. Thấy Thúy Ái không thích học, bà Nghĩa liền nói:
– Ơûđời mình biết thêm một môn gì thì có ích thêm một chút nữa. Thí dụ cháu có gia đình mà cháu biết môn âm nhạc, thì trong gia đình càng vui vẻ thêm chớ có sao đâu. Bây giờ còn trẻ dễ học, để lớn tuổi như tôi học sao được nữa.
Nể lời bà Nghĩa, Thúy Ái học đàn. Nhưng bản tánh Thúy Ái ưa thực tế, vì thế có biết đàn, Thúy Ái cũng đàn không hay như người có tài, có khiếu.
Bà Nghĩa một hôm hỏi Thúy Ái:
– Cháu có bao giờ nghĩ đến việc lập gia đình không?
Thúy Ái thành thật đáp:
– Cháu chưa hề nghĩ và cũng không dám nghĩ… Nếu sau này ông bà cho cả ba em vào trường lớn, ở ký túc xá, thì cháu đi tìm một chỗ làm khác, chớ việc lập gia đình thì cháu không dám nghĩ đến.
Bà Nghĩa liền nói:
– Nếu ba đứa nhỏ tôi mà vào trường lớn thì cô cứ ở đây giúp vợ chồng tôi việc thư từ, sổ sách.
Thúy Ái nói:
– Dạ, nếu như vậy thì ngay từ bây giờ cháu phải tập đánh máy cho thạo.
Bà Nghĩa vui vẻ nói:
– Cháu định ở mãi đây với vợ chồng tôi à? Thế thì tốt lắm…
Tuy nói vậy, nhưng đầu óc bà, bà đã nghĩ đến một người, một người có thể đem hạnh phúc đến cho Thúy Ái, và Thúy Ái có thể là người an ủi cho con người đau khổ ấy.
Sau một lát suy nghĩ vơ vẩn, bà Nghĩa nói:
– Cháu chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình cũng phải, nhưng rồi cũng có ngày cháu phải nghĩ. Bổn phận thiêng liêng của người đàn bà là làm vợ, làm mẹ… Cháu Thúy Ái à, hiện giờ có nhiều người nhờ tôi hỏi ý kiến cháu lắm đó.
Thúy Ái không hề thẹn thùng như các cô gái khác khi nghe đến chuyện chồng con. Nàng nhìn bà Nghĩa và nói:
– Cháu chưa có điều kiện để lập gia đình. Về sắc thì cháu sút các cô thiếu nữ khác, về tài thì cháu cũng không có tài gì, về tiền thì cháu chỉ có hai bàn tay trắng… Đến sự lịch duyệt, bặt thiệp, cháu cũng không có, thì cháu nào dám nghĩ đến việc lập gia đình.
– Nếu có một người đàn ông yêu cháu mà không cần đến những điều kiện mà cháu vừa kể, thì cháu nghĩ sao?
Thúy Ái suy nghĩ một lát rồi đáp:
– Cháu không dám tin là cháu được yêu với những cái “không” của cháu.
Bà Nghĩa mỉm cười:
– Thế mà có thì cháu có bằng lòng không?
Thúy Ái lưỡng lự:
– Dạ, cái đó cháu cũng chưa biết, bao giờ gặp trường hợp ấy sẽ hay.
Bà Nghĩa lại cười:
– Cháu đừng quá xem thường mình như thế. Khiêm tốn là một đứa tánh, nhưng tự ti lại là một việc không nên, nó làm cho mình không đủ đức tin ở mình nữa. Tôi thấy cháu cũng đẹp lắm chớ, có thua ai đâu. Cháu còn hơn các cô gái nhà giàu về đức tánh.
Thúy Ái nói:
– Cháu chỉ muốn sao cháu gặp được một người yêu cháu vì đức tính, vì hiểu biết cháu mà thôi. Ví dụ như cháu gặp một người nào đó, họ không biết cháu là ai, hoàn cảnh cháu ra sao, họ làm quen với cháu, rồi họ hiểu cháu mà yêu cháu.
Bà Nghĩa cười:
– Cũng lại cái ông hoàng tử phương xa xuất hiện trong đời của cô thiếu nữ mơ mộng… Nhưng cái điều cháu nói đó cũng có thể có lắm…
Thúy Ái mỉm cười:
– Không phải cháu mơ mộng, cháu là con người của thực tế. Từ thuở bé cháu chạm trán với bao nhiêu là đau khổ, cháu làm sao mơ mộng được…
Từ hôm ấy bà Nghĩa đã bàn với ông Nghĩa về việc làm mai Thúy Ái. Hai người bàn tính với nhau nhưng không cho Thúy Ái biết…
Thúy Ái ở nhà bà Nghĩa mới đó mà thấm thoát đã được sáu tháng. Kỳ hè của học sinh cũng đã đến.
Thúy Ái nhận được một bức thư của Kim Chi cho biết là sắp ra nghỉ mát ở Nha Trang với Ngọc Diệp. Từ ngày Thúy Ái không còn là đứa giúp việc nữa, Kim Chi và Thúy Ái xem nhau như bạn thân, gọi nhau bằng chị chớ không có cái lối xưng hô như ngày trước. Bà Nghĩa lo dọn phòng cho Kim Chi, Ngọc Diệp, và nói với Thúy Ái:
– Tôi định kỳ nghỉ hè này cho cháu và ba đứa nhỏ tôi lên Đà Lạt, nhưng có hai cháu Kim Chi và Ngọc Diệp ra đây thì cháu phải ở lại.
Thúy Ái nói:
– Kim Chi chỉ ra đây một tuần rồi lên Đà Lạt.
– Thế thì hay lắm, và cháu sẽ cùng đi với hai cháu ấy cho vui.
Cuộc sống của Thúy Ái hết sức vui vẻ và hạnh phúc. Bạn bè mỗi ngày mỗi đông, giao thiệp mỗi ngày mỗi rộng. Thúy Ái trở nên dạn dĩ và bặt thiệp. Đi Đà Lạt một tuần, Thúy Ái lại trở về Nha Trang, còn Kim Chi và Ngọc Diệp thì về Sài Gòn.
Kim Chi nói với Thúy Ái:
– Chị lúc này đẹp lắm. Hình như chị sắp gặp một hạnh phúc lớn.
Thúy Ái cười nói:
– Tôi đã gặp một hạnh phúc lớn ngay từ khi tôi gặp bà bác sĩ và hai chị rồi. Đời tôi bước vào một con đường mới là từ đấy đó chị ạ. Tôi chắc rồi có gặp hạnh phúc nào nữa thì tôi do hạnh phúc ấy mà ra thôi.
Kim Chi nói:
– Chị ăn nói khéo lắm. Tôi mong sao chị gặp một hạnh phúc lớn hơn nữa để xứng đáng với đức tính của chị.
Mùa hè lại hết… Bãi biển Nha Trang trở lại những ngày yên tĩnh. Thúy Ái lại sống với chuỗi ngày yên lặng bên cạnh ba đứa bé ngay thơ trìu mến nàng